a
§ Tác giả: Vũ Thị Thương | Nguồn: 
Biên dịch: | Hiệu đính:  Za
12/01/2019

Dạo gần đây, tôi có một thói quen mỗi khi nhắn tin với bạn bè, đó là luôn luôn kết thúc cuộc nói chuyện bằng một biểu tượng emoji. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như chúng không khiến tôi bực bội mỗi lúc không tìm ra nổi một biểu tượng emoji nào vừa ngầu, vừa hợp tình hợp lý mà vẫn khiến đối phương hiểu được điều tôi muốn nói. Thỉnh thoảng công cuộc tìm kiếm ấy chiếm mất của tôi tận 2 phút, và sau khi gửi xong thì tôi bàng hoàng nhận ra: đối phương đã offline từ bao giờ!

Những câu chuyện buồn ít ai hiểu thấu…

Tình huống đó nghe có quen không? Thực ra, trường hợp của tôi không hề hiếm gặp ở thời đại ngày nay, khi mà trong danh sách 5 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu vào năm 2018, có đến 3 thương hiệu là những công ty chuyên cung cấp dịch vụ giúp con người liên lạc thuận tiện hơn. Và những công ty ấy cũng có hàng ngàn cách để khiến chúng ta tiêu tốn nhiều thời gian hơn vào các dịch vụ của họ. Bằng cách này hay cách khác, họ đã dần dần thay đổi cả cách thức chúng ta trò chuyện với nhau qua màn hình điện tử. Trong số ấy, emoji thực sự là một công cụ đã làm nên chuyện.

SỰ RA ĐỜI CỦA NHỮNG BIỂU TƯỢNG BIẾT NÓI

Nếu bạn cũng như tôi, đều nghĩ emoji chỉ mới ra đời cách đây không lâu và người tạo ra nó, hẳn phải là một bộ óc xuất chúng thuộc các công ty công nghệ hàng đầu thế giới với tham vọng thay đổi cách con người giao tiếp với nhau; thì trên thực tế, sự thật lại đơn giản và thú vị hơn nhiều.

Năm 1998, Shigetaka Kurita – nhà thiết kế đồ họa 25 tuổi tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và trò chơi điện tử ở Nhật Bản – khi tiếp nhận dự án dịch vụ internet di động có tên “i-mode,”1 đã phải đối mặt với câu hỏi lớn: Làm thế nào để tạo ra một bộ ngôn ngữ thuận tiện nhất khi mà số lượng kí tự tin nhắn chỉ giới hạn ở 250 kí tự? Bài toán đó càng trở nên khó khăn ở một đất nước mà lễ nghi trong giao tiếp đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa nơi đây. Bất cứ một sai sót nào cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Cuối cùng, giải pháp mà ông Kurita đưa ra chính là thiết kế những hình ảnh thú vị nhằm truyền tải thông tin một cách ngắn gọn và đơn giản hơn. Ví dụ như sử dụng biểu tượng emoji trái tim màu đỏ thay cho thông điệp “yêu” hoặc “thương.” Bằng cách đó, emoji ra đời với 176 thiết kế đầu tiên và nhanh chóng trở nên phổ biến tại xứ sở mặt trời mọc.

Bản thân từ lóng “emoji” đã nói lên ý nghĩa của nó. Trong tiếng Nhật, “e” được phát âm gần giống “eh” nghĩa là hình ảnh và “moji” được phát âm thành “moh-jee” có nghĩa là “những lá thư.” Khi ghép lại, “emoji” sẽ được hiểu là “những lá thứ bằng hình ảnh.” Vào năm 2015, cụm từ “emoji” chính thức được “khai sinh” trong từ điển Oxford như một cách để công nhận sức ảnh hưởng cũng như độ phổ biến của những biểu tượng này.

Với phiên bản đầu tiên, thiết kế của những emoji còn khá cứng nhắc và giàu tính tượng hình. Khi nhìn vào, người ta có cảm giác chúng được tạo ra bằng cách ghép những ô vuông nhỏ thành những hình ảnh mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, thiết kế này lại phù hợp với phiên bản di động đầu tiên tích hợp emoji là i-mode do Nhật Bản sản xuất. Với người dân Nhật Bản, họ đã quen với các phép tắc, với sự lặp lại và dường như mọi thứ đều có những ranh giới nhất định không cho phép họ thay đổi. Thế nhưng, emoji xuất hiện và đã mang đến trong giao tiếp trực tuyến sự thoải mái cùng với cảm giác “tự do” trước nay chưa từng có. Tuy nhiên, emoji chỉ thực sự trở thành xu hướng toàn cầu khi có sự tham gia của những công ty công nghệ hàng đầu, điển hình trong số đó là Google và Apple.

Năm 2007, gã khổng lồ nhà Larry Page đã dẫn đầu xu hướng này bằng cách đề nghị Hiệp hội Unicode ghi nhận emoji nhằm tiêu chuẩn hóa dạng kí tự này trên toàn bộ các loại máy tính. Khi người dùng gõ cú pháp nhất định trên bàn phím, biểu tượng emoji tương ứng sẽ được hiển thị trên màn hình. Apple cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng bẳng cách đề nghị Hiệp hội Unicode chấp nhận thêm 625 biểu tượng emoji với phong cách nghệ thuật hơn do chính hãng này thiết kế. Cũng từ đây, nhờ vào sức hút của cái tên iPhone, emoji thực sự trở thành cơn sốt toàn cầu gắn liền với hình ảnh thương hiệu trái táo khuyết. Thậm chí, sự ra đời của ngày Quốc tế Emoji vào 17 tháng 7 hằng năm cũng gắn liền với thương hiệu Apple khi người dùng nhận ra hãng này đã hiển thị ngày 17/7 trên Apple Calender ở dạng icon. Từ đó trở đi, mỗi lần ngày Quốc tế Emoji diễn ra, những người tỏ ra hào hứng nhất không ai khác chính là những công ty công nghệ khi họ liên tục giới thiệu các mẫu emoji mới nhằm thu hút thêm người dùng, cũng như khuyến khích người dùng hiện tại sử dụng dịch vụ của họ lâu và thường xuyên hơn.

Ngày Quốc tế Emoji ra đời bởi Apple. Ảnh: worldemojiday.

Kể từ khi emoji vượt ra khỏi ranh giới Nhật Bản, Hiệp hội Unicode đã chuẩn hóa emoji trên mọi nền tảng, mọi chương trình và mọi ngôn ngữ. Tuy nhiên, trên thực tế, tùy thuộc vào hệ điều hành và font chữ, một emoji sẽ được hiển thị với những khác biệt nhất định trên mỗi nền tảng khác nhau. Nhưng về cơ bản, người dùng đều có thể nhận ra chúng là “anh em sinh đôi” và có ý nghĩa tương tự nhau, ngoại trừ một số ít trường hợp đòi hỏi người dùng phải vận dụng trí tưởng tượng phong phú của mình!

Cho đến nay, dù không có nhiều người biết cha đẻ thực sự của emoji là ai cũng như cách mà nó ra đời, nhưng người ta vẫn dùng nó gần như trong mọi cuộc trò chuyện trực tuyến. Thậm chí, một bộ phim khoa học viễn tưởng mang tên “Emoji” cũng được công chiếu vào năm 2017, dù hiệu ứng của nó không được như kỳ vọng.

CÔNG CỤ NGÔN NGỮ CỦA THẾ HỆ “XÃ HỘI”

Ngày nay, emoji đã trở thành công cụ được sử dụng hầu hết trong các cuộc trò chuyện của chúng ta trên nhiều nền tảng ứng dụng. Thậm chí, với một số người, việc ứng dụng nào có kho emoji đa dạng và thú vị hơn còn được xem như là tiêu chí quan trọng giúp họ lựa chọn phương thức dùng để liên lạc với người khác. Theo thống kê vào năm 2017 từ Facebook – mạng xã hội với gần 2 tỷ người dùng vào thời điểm này – trung bình mỗi ngày, có 5 tỷ emoji được sử dụng trên Messenger và 600 emoji được dùng trên Facebook. Nếu giả sử mỗi một lần emoji được sử dụng tương ứng với một người được sinh ra, thì chỉ trong một ngày, số lượng người sẽ tương đương với số dân toàn châu Á, cộng thêm số dân gần bằng dân số Ấn Độ tại cùng thời điểm!

Vậy câu hỏi đặt ra là: Vì sao người ta lại thích dùng emoji đến thế?

“Giao tiếp thường không nằm nhiều ở điều chúng ta viết hay nói mà ở cách chúng ta viết và thường ở điều chúng ta không nói” là câu nói nổi tiếng trong cuốn sách “Human Communication” (tạm dịch “Sự giao tiếp của con người.”) Trong giao tiếp trực tuyến, ý nghĩa thực sự của những dòng tin nhắn thường không chỉ thể hiện ở mặt ngữ nghĩa đơn thuần mà còn phụ thuộc vào cách từ ngữ được sắp xếp ra sao và được bổ sung bằng những kí tự biểu tượng nào.

Theo nghiên cứu, mọi loại ngôn ngữ tự nhiên đều thực hiện hai chức năng giao tiếp chính, bao gồm truyền đạt ý tưởng và chức năng ảnh hưởng lên thái độ và hành vi của người khác. Mặc dù emoji không thể đảm nhiệm được cả hai chức năng này một cách hoàn hảo nhưng vai trò của nó là hỗ trợ ngôn ngữ viết truyền tải được đầy đủ mục tiêu của người viết. Trong bài phát hiểu của chủ tịch Từ điển Oxford khi trao danh hiệu “Từ ngữ của năm” cho emoji 😂 (Face with Tears of Joy) đã nói rằng: “Khi bạn nhìn lại năm qua dưới góc độ ngôn ngữ, một trong số những điều đáng ngạc nhiên nhất là, trong giao tiếp bằng chữ viết, khía cạnh phát triển nhất không phải là một từ ngữ nào cả, mà đó là văn hóa emoji.”

Khác với giao tiếp trực tiếp, khi mà người ta có thể tiếp nhận 93% nội dung được truyền đạt thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ như cử chỉ, biểu cảm hay ngữ điệu; thì trên nền tảng trực tuyến, mọi thứ lại không đơn giản như vậy. Tôi thường coi việc nhắn tin với người khác là “trò chơi câu chữ.” Thực tế, rất ít người trong số chúng ta có khả năng diễn đạt ý nghĩ của mình một cách tự nhiên, trơn tru và hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên. Hầu hết mọi người đều cần phải suy nghĩ về việc lựa chọn từ ngữ và sắp xếp nó một cách hợp lý. Đôi khi điều này tốn nhiều thời gian hơn bình thường, và trong cuộc trò chuyện trực tuyến, đây thường là dấu hiệu của việc kết thúc. Như vậy, với những người không có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ như hầu hết chúng ta, thì trong thời gian hạn hẹp mà đối phương có thể chờ đợi bạn hồi âm; lựa chọn cách viết ngắn gọn, kèm theo những biểu tượng thể hiện sắc thái của người viết có thể xem là một phương án tối ưu.

Ở cách thức này, mục đích giao tiếp được truyền đạt bằng chữ viết và các ký tự biểu tượng như emoji. Những biểu cảm và sắc thái đa dạng được truyền cảm hứng từ chính con người có thể biểu đạt được những thứ mà trong nhiều trường hợp, chữ viết không thể làm được. Chính điều này làm cho những cuộc trò chuyện trở nên thú vị và giàu cảm xúc hơn – thứ mà đến cuối cùng người ta mong muốn có được trong những cuộc trò chuyện.

Thử tưởng tượng, sẽ nhạt nhẽo đến mức nào nếu bạn gửi cho “đối tượng” của mình dòng tin nhắn thế này: “Câu nói của anh làm em buồn cười đến chảy cả nước mắt!” Ồ, nếu không may người ấy của bạn lại khá kém về khoản tưởng tượng thì họ sẽ chẳng thể hiểu được thế nào là cười chảy nước mắt. Và giả như bạn cũng không giỏi lắm về khoản đánh máy, thì rõ ràng bạn cũng sẽ mất đến cả phút để gõ xong một dòng dài ngoằng mà không mắc phải một lỗi chính tả nào cả. Có khi trong thời gian ấy, đối phương của bạn đã bị cuốn vào cuộc nói chuyện với một cô nàng khác và quên béng mất việc bạn đã cười thế nào. Đấy là chưa kể, trong nhiều trường hợp, cho dù bạn có tự tin đến đâu vào năng lực ngôn ngữ của mình, cũng không loại trừ khả năng thỉnh thoảng bạn sẽ rơi vào trường hợp “cạn lời” trong giây lát. Những lúc như thế, sẽ không có gì hiệu quả hơn một emoji hợp lý hợp tình để cứu vãn khoảng lặng, thay vì chờ đợi dấu ba chấm nhảy lên liên hồi mà không viết ra được một lời hồi đáp vừa ý.

Trang hẹn hò nổi tiếng Match.com đã tiến hành khảo sát trên 5.600 người độc thân, để từ đó chỉ ra rằng: “Khi một người độc thân dùng càng nhiều emoji với hình ảnh đơn trong cuộc nói chuyện thì họ càng tham gia nhiều cuộc hẹn và cũng quan hệ tình dục nhiều hơn.” Kết luận này không khẳng định rằng emoji có thể khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn cả về mặt tâm hồn lẫn thể xác với đối phương mà chỉ chứng minh rằng sử dụng emoji sẽ khiến bạn có cuộc trò chuyện “mặn mà” hơn, và điều này sẽ góp phần củng cố giả thiết trong đầu đối phương rằng: bạn độc thân và hấp dẫn!

Một đặc điểm khác khiến emoji có phần tỏ ra“vượt trội” hơn so với tất cả các loại ngôn ngữ trên thế giới hiện nay chính là tính “toàn cầu” của nó. Một biểu tượng hình trái tim sẽ mang ý nghĩa giống nhau dù ở bất cứ đâu, cùng biểu đạt thay cho “yêu” hoặc “thương.” Do vậy, người dùng thường hiểu được ngay ý nghĩa của nó mà không cần đến nhiều nỗ lực. Đây cũng chính là thứ có thể “hấp dẫn” được bộ não của người dùng, khiến nó đưa ra quyết định sử dụng emoji ngày càng nhiều nhằm giảm áp lực cho cả hai phía.

Emoji có thể làm dịu đi hoặc tồi tệ thêm các mối quan hệ. Ảnh: emojipedia.

Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy rằng, emoji sẽ góp phần “giảm bớt” tác động tiêu cực từ câu nói của bạn tới đối phương (hoặc tăng lên trong một vài trường hợp tùy theo mục đích của người sử dụng). Sẽ thật khó chịu nếu sau một ngày mệt rã rời, bạn gái của bạn bắt đầu cuộc nói chuyện bằng tin nhắn: “Anh đang làm gì thế? Sao anh không gọi điện cho em?” Thay vào đó, một emoji như mặt cười sẽ khiến đối phương cảm thấy đời dễ sống hơn nhiều!

EMOJI NÓI GÌ VỀ CON NGƯỜI BẠN

Là một phần trong giao tiếp phi ngôn ngữ, emoji cũng phản ánh một phần con người bạn theo cách mà nhiều khi bạn không thể kiểm soát được, dù rằng biểu hiện của nó ít rõ ràng hơn so với cử chỉ, biểu cảm hay giọng điệu. Tuy vậy, tần suất bạn sử dụng những emoji trong cuộc trò chuyện trực tuyến cũng có thể phản ánh một phần về tình trạng các mối quan hệ hay thậm chí là xu hướng của những trải nghiệm gần đây của bạn.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Elvier, ba nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand đã chỉ ra việc sử dụng emoji trên ba nền tảng ứng dụng, bao gồm cả Twitter có mối liên hệ như thế nào với những trải nghiệm liên quan đến thực phẩm của người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc. Kết quả chỉ ra rằng, sau khi khách hàng sử dụng các sản phẩm này, những emoji mà họ lựa chọn khi chia sẻ về chúng trên mạng xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với trải nghiệm của họ về sản phẩm đó.

Ngoài ra, tần suất sử dụng các mẫu emoji khác nhau cũng phản ánh tình trạng quan hệ của bạn. Những người đang có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp thì tần suất sử dụng emoji mang biểu cảm tích cực như cười hoặc đồng tình sẽ nhiều hơn những người sống một mình và có ít mối quan hệ – nhóm người sử dụng emoji buồn hoặc khóc òa nhiều hơn cả.

Ở phạm vi rộng hơn, emoji cũng nói lên nhiều điều về một quốc gia và ngôn ngữ mà nơi đó sử dụng. Một báo cáo được thực hiện bởi SwiftKey – công ty công nghệ nổi tiếng với sản phẩm bàn phím có thể nhận biết được thói quen người dùng, đã công bố báo cáo dựa trên một tỷ emoji được sử dụng vào khoảng thời gian 2014-2015. Báo cáo chỉ ra rằng, những người nói tiếng Pháp – thứ ngôn ngữ được xem là lãng mạn – sử dụng emoji trái tim nhiều gấp bốn lần những người nói ngôn ngữ khác. Những người Úc – đôi khi được xem như có chút gì đó hoang dại và ồn ào hơn những người nói tiếng Anh đến từ các châu lục khác, thường gửi những emoji liên quan đến say rượu nhiều hơn 50% so với các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng có những sự ưu tiên lựa chọn về emoji khá thú vị, phản ánh phần nào đó về văn hóa của người dân ở các nước này.

HỌC CÁCH SỬ DỤNG EMOJI MỘT CÁCH CẨN TRỌNG

Ngày nay, sự phổ biến của emoji đã lan rộng đến tất cả mọi nền tảng công nghệ, kể cả với những dịch vụ “có vẻ” phục vụ nhiều hơn cho mục đích công việc như Email. Tuy nhiên, emoji cũng có những hạn chế nhất định mà chúng ta cần phải xem xét thận trọng nhằm đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn, dù đôi khi chỉ trong một cú click nhẹ.

Emoji được sử dụng để truyền đạt dạng thông tin đã được hình ảnh hóa. Bộ não của chúng ta được lập trình về cơ bản là giống nhau trong cách xử lý hình ảnh nhằm thu nhận thông tin. Quá trình này bao gồm ba bước chính: nhận biết thông tin, tương tác với thông tin và cuối cùng là kích hoạt những phản ứng khác nhau về thông tin đó. Mỗi một bước sẽ do một khu trung tâm xử lý thông tin đảm nhận, và khi kết hợp lại, chúng sẽ tạo nên những ý nghĩa theo những cách rất khác biệt. Nó tùy thuộc vào tính cách, tâm trạng, nền văn hóa mà bạn chịu ảnh hưởng hoặc trực tiếp nhất là hoàn cảnh cụ thể mà bạn tiếp nhận xử lý hình ảnh đó. Vì vậy, khi có sự khác biệt dù chỉ một trong số các yếu tố trên cũng có thể khiến ý nghĩa của emoji bị thay đổi. Điều này thường bị mọi người bỏ quên trong các cuộc giao tiếp và dẫn đến nhiều tình huống rắc rối trong thực tế. Nếu bạn đã từng có lần nào đó rơi vào tình huống phải giải thích với một người khi hai bên xảy ra hiều lầm, chỉ vì bạn lỡ dùng một cái emoji mang ý nghĩa “nhạy cảm” với đối phương, trong khi bạn chẳng thấy có vấn đề gì với nó, thì thật ra, bạn không phải người duy nhất. Và càng nguy hiểm hơn khi mà trong một số trường hợp, bạn còn không nhận thức được sự hiểu lầm đó. Cho nên, hãy thật cẩn trọng!

Ý nghĩa hoàn toàn khác biệt của cùng một emoji có thể gây ra sự hiểu lầm. Ảnh: Research (University of Birmingham).

Để hạn chế rủi ro liên quan đến những biểu tượng tí hon này; vào năm 2016, Balasuriya, Doran, Sheth và Wijeratne đã tạo nên mô hình EmojiNet dựa trên cách tiếp cận NLP (Natural Language Processing, tạm dịch: “Xử lý ngôn ngữ tự nhiên.”) Mô hình này giống như từ điển về emoji, giải thích những ý nghĩa khác nhau mà từng emoji có thể có và thường xuyên được cập nhật cùng với sự ra đời liên tục của những mẫu emoji mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả chúng ta đều biết đến mô hình EmojiNet, càng không sẵn sàng tra ý nghĩa của emoji mình dùng khi mà cuộc trò chuyện đang đến mạch cao trào. Do đó, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, chúng ta cần thận trọng hơn mỗi lần lựa chọn một emoji để gửi cho đối phương. Nếu đó là người mới quen biết, hoặc trong các mối quan hệ công việc ít mang yếu tố cá nhân thì việc hạn chế sử dụng emoji có thể xem là biện pháp tốt nhất. Trong trường hợp lựa chọn sử dụng nó, bạn nên sử dụng những emoji “an toàn,” ít có khả năng gây ra hiểu lầm; Đặc biệt khi hai người đến từ những nền văn hóa khác nhau thì bạn càng cần chú ý hơn trước khi quyết định lựa chọn một emoji nào đó. Bởi vì có thể đối phương sẽ hiểu nó theo một nghĩa hoàn toàn khác mà chính bạn cũng không thể lường trước được. Điều này có thể phá hủy mối quan hệ của bạn trong thầm lặng và cái giá mà bạn phải trả trong thế giới thực có thể không hề rẻ chút nào. Trong trường hợp này, việc tôi băn khoăn vì đã tiêu tốn tận 2 phút đồng hồ để chọn một emoji hợp ý như đã nói ở trên có lẽ lại trở thành một việc hợp lý!

Thứ ngôn ngữ từ trái tim có thể xóa nhòa mọi khoảng cách. Ảnh: Pixabay

Cuối cùng, emoji hay bất cứ công cụ nào khác được sáng tạo ra đều nhằm giúp con người đạt được mục đích giao tiếp. Nhưng giống như mọi ngôn ngữ tồn tại trên thế giới, chúng đều có những giới hạn và có thể mang đến những tác động tiêu cực trong thế giới thực. Tuy vậy, để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, điều quan trọng nhất không nằm ở việc bạn hiểu bao nhiêu về một loại công cụ ngôn ngữ nào, mà ở việc bạn giao tiếp với người khác có bao nhiêu chân thành và cảm thông. Bởi đến cuối cùng, không thứ ngôn ngữ nào có thể thay thế thứ ngôn ngữ xuất phát từ trái tim mỗi người.

 

Nguồn tham khảo:

  1. https://hbr.org/1973/01/clear-writing-means-clear-thinking-means
  2. https://www.ted.com/talks/tom_wujec_on_3_ways_the_brain_creates_meaning?language=en
  3. https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2015/04/22/what-emoji-use-says-about-your-country-and-your-language
  4. https://www.languageinsight.com/blog/2017/why-the-emoji-is-rapidly-becoming-a-global-language/
  5. https://www.thestar.com/business/2017/09/21/shigetaka-kurita-the-man-who-invented-the-emoji.html
  6. https://www.telegraph.co.uk/women/womens-life/11312346/Emoji-why-were-all-so-obsessed.html
  7. http://www.cs.bham.ac.uk/~rjh/courses/ResearchTopicsInHCI/2016-17/Submissions/hakamishatha.pdf
  8. https://www.journals.elsevier.com/food-quality-and-preference

  1. Nền tảng Internet di động thời kỳ đầu của DOCOMO, hãng di động lớn nhất tại Nhật Bản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất