a
§ Tác giả: David Quammen | Nguồn: Church of Euthanasia
Biên dịch: Minh Nhật | Hiệu đính:  coda
19/05/2018
Phần 1 của bài viết này kể về những tổn thất của hệ sinh thái trên Trái đất trong suốt chiều dài lịch sử. Bạn đọc có thể theo dõi tiếp phần 2 của bài viết này tại đây.

Hy vọng là một nghĩa vụ mà các nhà cổ sinh vật học được miễn trừ. Công việc của họ là đưa ra góc nhìn dài hạn, một góc nhìn lạnh lùng và nhẫn tâm, về những thành tựu và thảm họa trong lịch sử sự sống. Nghiên cứu răng, thân cây, lá cây, phấn hoa, và những tàn tích sinh vật học khác, rồi từ đó cố gắng tìm ra những bí ẩn của thời gian, những hình mẫu lớn về sự cân bằng và đổi thay, những xu hướng của sự đổi mới, thích nghi, chọn lọc và suy tàn, tựa những cơn gió biển thổi qua các loài sinh vật và hệ sinh thái cổ đại. Và dù chủ đề nghiên cứu là sự sống, thì cái chết và sự mai táng mới là những thông tin mà các nhân viên pháp y ngành sinh vật quan tâm. Điều đó giúp giữ những nhà cổ sinh vật học nằm ngoài tầm ảnh hưởng của những mối lo về hậu quả từ những cuộc chiến mà chính họ ghi chép lại. Nếu hy vọng là một sinh vật nào đó có lông vũ, thì cần phải nhớ rằng khả năng hóa thạch của lông vũ cũng chẳng tốt là mấy đâu. Thay vì hy vọng và tuyệt vọng, những nhà cổ sinh vật học lại có một giác quan cảm nhận chu kỳ được mài giũa sắc bén. Đó cũng là lý do tôi mang theo một vài khúc mắc đến thăm nhà cổ sinh vật học David Jablonski tại Chicago dạo gần đây, với mong muốn tìm được những câu trả lời không bị bao phủ bởi niềm hy vọng đã bám rễ kia.

Jablonski là một người đàn ông kiểu mẫu vĩ đại, một nhà sinh vật học đại tiến hóa, cầu toàn từ những việc vi mô đến vĩ mô. Ông là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về hình thái học1 và sự phân bổ của các loài sinh vật biển hai mảnh và chân bụng – hay sò và ốc sên, như ông vẫn thường nhắc tên. Lần sàng theo bộ tiêu bản động vật thân mềm, những mẫu được lưu giữ trong các phiến đá rồi sau đó được thu về bảo quản trong ngăn kéo của bảo tàng, để rút ra ý tưởng về nguồn gốc của những sự kiện bất thường. Tâm trí ông lang thang ngang dọc qua 600 triệu năm, còn kỹ năng đặc biệt của ông là xây dựng nên những câu hỏi lớn, sinh động mà những vỏ sò hóa thạch bé nhỏ có thể trả lời. Ví dụ như: Những tổ hợp từ yếu tố nhân quả và xác suất mong manh nào đã tạo nên những bước đột phá vĩ đại trong tiến hóa? Những đột phá ấy đã hình thành nhanh đến thế nào, và kéo dài trong bao lâu? Ông cũng quan tâm đến tuyệt chủng, quá trình ngược lại của tiến hóa, tựa như hai mặt âm và dương của một hiện tượng. Ông tự hỏi tại sao có một số loài lại tồn tại trong một khoảng thời gian dài đến thế trong khi những loài khác lại sớm biến mất? Và tại sao tốc độ tuyệt chủng – ở mức thấp trong suốt hầu hết lịch sử Trái Đất – lại bùng nổ một cách thảm khốc trong một vài thời điểm? Những giai đoạn xảy ra thảm họa, hay những cuộc đại tuyệt chủng, khác nhau như thế nào về loại và mức độ so với quá trình tuyệt chủng diễn ra dần dần trong suốt hàng triệu năm lịch sử còn lại? Những cuộc bùng nổ trong quá khứ ấy liệu có tái diễn không?

Khái niệm về đại tuyệt chủng dùng để diễn tả một cuộc khủng hoảng sinh học lan rộng trên phần lớn diện tích hành tinh và tận diệt một số lượng lớn các loài thuộc nhiều nhóm khác nhau trong thời gian ngắn. Không có định nghĩa nào xác định ngưỡng cường độ tuyệt đối, và trong lịch sử địa chất cũng có rất nhiều giai đoạn hội đủ điều kiện để trở thành những vụ đại tuyệt chủng, nhưng có năm cột mốc nổi bật là: Ordovician (sự kiện tuyệt chủng Ordovic), Devonian (sự kiện tuyệt chủng Devon muộn), Permian (sự kiện tuyệt chủng Permi), Triassic (sự kiện tuyệt chủng Trias), Cretaceous (sự kiện tuyệt chủng Creta). Sự kiện tuyệt chủng Ordovic diễn ra vào 439 triệu năm trước, dẫn đến sự biến mất của gần 85% các loại động vật biển – trước khi động vật xuất hiện trên đất liền. Sự kiện tuyệt chủng Devon muộn, 367 triệu năm trước, mức độ khốc liệt gần như tương đương. Khoảng 245 triệu năm trước là sự kiện tuyệt chủng Permi, thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử. 95% các loài động vật từng được biết đến bị cuốn đi bởi cơn lũ tuyệt chủng và gần như xóa sổ giới động vật. Sự kiện tuyệt chủng Trias, 208 triệu năm trước, một giai đoạn tồi tệ khác, tuy nhiên về mức độ thì không bằng sự kiện Permi. Và gần nhất là sự kiện tuyệt chủng Creta (còn gọi là sự kiện K-T vì nó xác định ranh giới giữa hai giai đoạn địa chất, trong đó K là Cetaceous (Kỷ Phấn trắng) và T là Tertiary (Kỷ Đệ Tam)), một sự kiện quen thuộc với cả những học sinh vì đây cũng là lúc thời đại khủng long kết thúc. Và không quen thuộc mấy là sự kiện K-T đồng thời cũng khiến cho các loài bò sát và cúc biển2 tuyệt chủng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng cho các loài cá, động vật có vú, lưỡng cư, nhím biển, và các nhóm khác, tổng cộng 76% các loài. Một số sự kiện tuyệt chủng nhỏ hơn vẫn diễn ra trong suốt quãng thời gian còn lại của lịch sử, nhưng với một tỷ lệ thấp hơn rất nhiều và được gọi là tỷ lệ nền, dẫn đến sự biến mất của trung bình khoảng một loài trong một nhóm lớn mỗi triệu năm. Ở tỷ lệ nền, tuyệt chủng không đủ để có thể đối trọng với sự tiến hóa của các loài mới. Ngược lại, mỗi một trong năm cột mốc trên đại diện cho một cuộc suy thoái trầm trọng về tính đa dạng loài, một điểm suy kiệt về sinh học mà Trái Đất chỉ có thể hồi phục một cách chậm chạp. Chậm đến thế nào? Mất bao lâu thì mọi thứ mới có thể khôi phục lại thời kỳ thịnh vượng từ điểm cùng kiệt kia? Tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó là một mối quan tâm khác trong những nghiên cứu của Jablonski. Ông có thể đưa ra những ước tính tổng quát cho những gì sẽ diễn ra trong khoảng từ 5 đến 10 triệu năm nữa. Điều đã thu hút tôi đến với công việc của người đàn ông này, và sau đó là đến cửa nhà ông, là năng lực đặc biệt về những sự kiện đại tuyệt chủng và tính cách cởi mở, sẵn lòng thảo luận của ông về quan điểm cho rằng sự kiện tuyệt chủng thứ sáu hiện đang trong tiến trình diễn ra.

Một vài người sẽ nói với bạn rằng chúng ta là một loài, loài Homo sapiens3, một loài khỉ tinh khôn với dân số 5,9 tỷ, đang cùng tạo ra những tác động chung hủy hoại thế giới. Riêng tôi sẽ không nói với bạn những điều như vậy, vì “thế giới” là một điều gì đó rất mơ hồ, trong khi việc chúng ta đang, hoặc không đang phá hủy là thứ rõ ràng hơn nhiều. Một vài người sẽ nói với bạn rằng mức độ tàn phá môi trường toàn cầu cuối cùng sẽ dẫn đến cuộc tuyệt chủng của chính chúng ta. Tôi cũng sẽ không nói như vậy. Một vài người nói rằng môi trường sẽ là mối quan tâm xã hội và chính trị cao nhất vào thế kỷ hai mốt, nhưng “môi trường” mà họ muốn nói đến chỉ là phỏng đoán của mọi người. Không khí ô nhiễm? Nguồn nước ô nhiễm? Mưa acid? Thủng tầng ozone tại Nam Cực? Khí nhà kính phát thải từ ống khói nhà máy và xe hơi? Các chất thải độc hại? Trong phạm vi lĩnh vực cổ sinh vật học, không một mối quan tâm nào trong số đó có ý nghĩa to lớn cả, dù rằng cũng có một số liên hệ chặt chẽ với sự tuyệt chủng hơn những yếu tố khác. Giả sử như không khí trên thế giới sạch sẽ cho con người hít thở nhưng không hỗ trợ các loài chim hoặc bướm, hay nước trên thế giới tinh khiết cho con người uống nhưng không có cá, các loài giáp xác hoặc tảo, chúng ta có cần đi giải quyết các vấn đề môi trường của chúng ta nữa không? Vâng, tôi cho rằng điều đó là tất nhiên, ít nhất thì cũng như cách mà chủ nghĩa môi trường thường được hiểu. Sự hình thành vụng về, không rõ ràng và quá tự kiêu của từ “môi trường” hàm ý xem không khí, nước, đất, rừng, sông, đầm lầy, sa mạc, và đại dương đơn thuần như một môi trường mà trong đó sự sống và lịch sử của loài người được đặt vào trung tâm. Nhưng những gì ta đang được đề cập đến trên thực tế không phải là một môi trường như vậy; mà là một thế giới sống động hơn nhiều.

Điều thực sự tôi muốn nói cho bạn biết là: Những nhà sinh vật học tận tâm với công việc đều nhất trí rằng chúng ta đang đứng trước một cuộc đại tuyệt chủng khác, một sự suy kiệt về sinh học cũng như năm sự kiện lớn đã từng diễn ra trong quá khứ. Rất nhiều chuyên gia vẫn giữ hy vọng chúng ta có thể hãm lại sự xuống dốc này, nhưng trên quan điểm của riêng mình, tôi cho rằng mọi con đường đều đang dẫn chúng ta đi xuống. Và tôi đã ghé thăm David Jablonski để tìm hiểu xem liệu điều gì đang chờ đợi chúng ta nơi cuối con dốc này.

Vào một buổi sáng mùa hè oi bức, Jablonski đang bận rộn trong văn phòng của ông tại tầng hai Phòng thí nghiệm Địa vật lý Henry Hinds, Đại học Chicago. Đó là một căn phòng có không gian mở rộng lớn, được trang trí bằng những tủ sách lớn, cùng những chiếc bàn đầy sách, và những chồng tài liệu cao đến đầu gối trên sàn nhà. Xung quanh là các bức tường gần như trống không, ngoại trừ một đồ thị biểu diễn thang thời gian địa lý, một bức hoạt họa về những chú khủng long bạo chúa đang khiêu vũ trong chiếc giày thể thao màu đỏ, và một bức áp phích từ một buổi triển lãm của Rodin, phù hợp với chủ đề tổng thể của phiến đá hùng hồn. Jablonski là một người đàn ông bốn lăm tuổi có thân hình gầy cùng bộ râu đen rậm. Tốt nghiệp từ Đại học Columbia và Yale, ông đến Chicago vào năm 1985 để hỗ trợ cho một chương trình về cổ sinh vật học có lẽ tốt nhất đất nước lúc bấy giờ. Mặc dù chỉ vài giờ nữa sẽ lên đường đi Alaska, ông vẫn vui vẻ đồng ý cuộc trò chuyện này. Bước cẩn thận , chúng tôi di chuyển qua những chồng tập san, sách, và những bản sao tư liệu. Mỗi chồng như vậy đại diện cho một chủ đề nghiên cứu khác nhau, ông nói: “Tôi sử dụng rất nhiều tư liệu trong số đó cùng một lúc vì chúng cung cấp thông tin cho một chủ đề khác.” Đó chính là lý do vì sao tôi đến: để tìm gặp một trí tuệ mang tính độc lập cao.

Hãy cùng nói về những sự kiện đại tuyệt chủng, tôi đề cập. Từ khi nào có người nhận ra rằng khái niệm này không những được dùng cho Kỷ Permi hay Phấn trắng mà còn có thể áp dụng vào những sự kiện diễn ra hiện nay?

Ông bắt đầu lục lại trí nhớ, trở về đầu những năm 1970, thời điểm chưa một ý tưởng nào về vấn đề tuyệt chủng đang diễn ra được thừa nhận. Trước đó, một vài nhà văn đã đưa ra cảnh báo về “sự biến mất động vật hoang dã” và “các loài đang trong tình trạng nguy cấp,” nhưng thông thường các cảnh báo cũng chỉ được gói gọn trong những loài đặc biệt có sức hấp dẫn, như loài sếu Mỹ, hổ, cá voi xanh hay loài cắt lớn. Vào những năm 1970, một hình thức quan tâm mới nổ ra – được gọi là mối quan tâm hàng loạt – xuất phát từ việc nhận ra hàng triệu loài đặc hữu (có tính độc nhất và địa phương hóa) sinh sống trong những cánh rừng nhiệt đới đang bị đốn hạ một cánh chóng mặt. Năm 1976, một nhà sinh vật học làm việc tại Nairobi tên Norman Myers đã xuất bản một bài trên tạp chí Science về vấn đề này; một cách tình cờ, ông cũng đưa ra so sánh về tốc độ những ca tuyệt chủng hiện tại với hiện tượng mà ông gọi là “‘cái chết lớn’ của loài khủng long” từng diễn ra trong quá khứ. David Jablonski, bấy giờ mới là cậu sinh viên vừa tốt nghiệp, đọc được bài báo của Myers và lưu lại một bản sao vào hồ sơ của mình. Jablonski hồi tưởng lại, đó là lần đầu tiên mọi người cố gắng định lượng tốc độ những ca tuyệt chủng đang diễn ra. Ông nói: “Norman là một kẻ khá cô đơn trên con đường ấy trong một quãng thời gian dài.” Năm 1979, Myers xuất bản cuốn The Sinking Ark (tạm dịch: Chiếc thuyền đang chìm), trong đó giải thích vấn đề và đưa ra một vài phỏng đoán. Trong khoảng thời gian giữa những năm 1600 và 1900, theo kiểm kê của ông, nhân loại đã gây ra sự tuyệt chủng của khoảng 75 loài từng được biết đến, hầu hết trong số đó là động vật có vú và chim. Từ năm 1900 đến 1979, con người tiếp tục tiêu diệt 75 loài khác, cao hơn tốc độ tổn thất trong sự kiện tuyệt chủng Creta. Nhưng đáng lo ngại hơn là tỷ lệ của những ca tuyệt chủng không được ghi nhận, đã và đang diễn ra, đối với các loài động thực vật vẫn chưa được khoa học xác định. Myers ước chừng có khoảng 25.000 loài thực vật, và có thể hàng trăm loài côn trùng đang bị đe dọa. “Trước thời điểm các cộng đồng con người tạo ra những lối sống mang tính sinh thái, sự biến mất của các loài có thể đã lên đến vài triệu.” Giờ đọc lại câu ấy, tôi ấn tượng bởi sự lạc quan táo bạo trong giả định của ông về việc các cộng đồng con người cuối cùng có thể tạo nên được những “lối sống mang tính sinh thái.”

Mặc dù việc cố gắng định lượng ban đầu này đã giúp kích động mối quan tâm từ phía cộng đồng, nó cũng trở thành tiêu điểm cho những thành phần chỉ trích sử dụng tính không chính xác của số liệu để đưa ra những nghi ngờ về tính thực tế của vấn đề. Đáng chú ý nhất trong những người phản đối là Julian Simon, một nhà kinh tế học tại Đại học Maryland, lập luận một cách lạc quan rằng khả năng xoay sở của con người sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề đáng phải giải quyết, mà trong đó không phải chỉ có mỗi sự suy giảm đa dạng sinh học của những loài côn trùng vùng nhiệt đới.

Trong một số ra năm 1986 của tạp chí New Scientist, Simon bác bỏ Norman Myers với những lập luận từ chính cách phân tích dữ liệu chọn lọc của Mayers, cho rằng “không có một xu hướng suy giảm rõ ràng nào gần đây ở các khu rừng trên thế giới cả – không có “tổn thất” nào, và chắc chắn rằng không có một tổn thất “gần mức thảm họa” nào cả.” Sau đó ông còn là đồng tác giả của một bài báo trên tờ New York Times với tựa đề “Facts, Not Species, Are Periled” (tạm dịch: Không phải các loài, mà chính sự thật đang bị đe dọa). Một lần nữa ông theo sau Myers, khẳng định “sự thiếu sót hoàn toàn bằng chứng về sự gia tăng tuyệt chủng nhanh chóng của các loài.” Điểm tai hại nhất trong việc làm của Simon là cả những bằng chứng lập luận về sự tuyệt chủng hàng loạt của những sinh vật khác cũng bị phủ nhận. Trong khi đó những bằng chứng ấy lại rất phong phú – ví dụ tại rặng núi Centinela thuộc khu vực rừng nhiệt đới ẩm phía Tây Ecuador. Vào năm 1978, nhà thực vật học Alwyn Gentry cùng đồng nghiệp đã tìm thấy ba mươi tám loài thực vật đặc hữu, trong đó có một vài loài lá đen bí ẩn. Trước khi Gentry có thể trở lại nơi đây, rặng Centinela đã bị phá hủy hoàn toàn để trồng cacao và những cây trồng kinh tế khác. Các bằng chứng lập luận nói chung chỉ giúp chúng ta ghi nhớ những gì đã xảy ra tương tự như sự kiện 105.000 người dân Nhật Bản ra đi trong vụ thả bom nguyên tử tại Hiroshima. Dân số thành phố sụt giảm đột ngột vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, nhưng không ai xác nhận từng người trong 105.000 người dân đó cả.

Ngày nay cũng có một vài tay bút trẻ đi theo con đường của Simon và gạt đi mối quan tâm về sự tuyệt chủng. Cũng như đối với bản thân Simon, vừa mất hồi đầu năm nay, có lẽ câu nói đúng đắn nhất mà ông để lại là “Chúng ta cũng phải cố gắng thu thập những thông tin đáng tin cậy hơn về số lượng loài có thể biến mất do những thay đổi trong các cánh rừng.” Về điều này thì không ai có thể tranh cãi được.

Nhưng việc thu thập thông tin như thế vốn chẳng dễ dàng gì. Những nhà sinh vật học thực địa có xu hướng tránh tiêu tốn thời gian nghiên cứu quý báu của mình vào những cánh rừng có số phận bi đát. Hơn nữa, văn hóa của chúng ta cũng không có nhiều hỗ trợ thể chế cho những nghiên cứu về các loài đặc hữu nếu mục đích chỉ là đăng ký sự tồn tại trước khi môi trường sống của chúng bị hủy hoại. Bất chấp những trở ngại trên, những nỗ lực gần đây nhằm định lượng tỷ lệ tuyệt chủng đang dần thay thế cho những cảnh báo cũ. Những ước tính mới sử dụng công nghệ chụp ảnh vệ tinh và các dữ liệu mặt đất cải tiến về quá trình phát quang rừng, các ghi chép về rất nhiều ca tuyệt chủng do con người gây nên trên khu vực các đảo, và một nhánh lý thuyết sinh thái học mang tên địa lý sinh vật học trên đảo nhằm tìm ra mối liên kết của các trường hợp trên đảo (đã được chứng minh) với các vấn đề về phân mảnh rừng trên đất liền. Các nỗ lực này tuy khác nhau về chi tiết (phản ánh mức độ không chắc chắn vẫn còn là một vấn đề phức tạp) nhưng lại chứng tỏ tất cả đang có cùng một hướng đi chung. Tôi sẽ đề cập đến ba phương pháp đáng tin nhất.

W.V.Reid, làm tại Viện Tài nguyên Thế giới, vào năm 1992 thu thập được số liệu về nạn phá rừng trung bình hàng năm tại sáu mươi ba quốc gia vùng nhiệt đới trong suốt những năm 1980 và từ đó xây dựng nên ba kịch bản khác nhau (thấp, trung bình, cao) dự đoán diện tích rừng bị mất đến năm 2040. Ông đã chọn mô hình toán học tiêu chuẩn về mối quan hệ giữa sự suy giảm diện tích của môi trường sống và suy giảm tính đa dạng loài, lựa chọn hằng số quyết định một cách thận trọng, và mô phỏng các đánh giá khác nhau về nạn phá rừng. Các tính toán của Reid đưa ra kết quả đến năm 2040, 17% – 35% số lượng loài trong các khu rừng nhiệt đới sẽ bị xóa sổ hoặc đang trong tình trạng nguy kịch. Dù đó có là kịch bản cao hay thấp thì các viễn cảnh được dự đoán đều dẫn đến một kết quả tổn thất nặng nề, dù rằng không tệ đến mức độ sự kiện K-T. Nhưng dù vậy thì năm 2040 vẫn sẽ chưa phải là điểm kết thúc cho quá trình gây áp lực lên đa dạng sinh thái và cảnh quan.

Năm yếu tố có thể giải thích nguyên nhân của hầu hết những ca tuyệt chủng: sự phá hủy môi trường sống, sự phân tán môi trường sống, bị tàn sát, các loài xâm lấn, và tác động thứ cấp xảy đến với hệ sinh thái từ những ca tuyệt chủng khác.

Robert M. May, một nhà sinh thái học tại Đại học Oxford, đồng tác giả của một nỗ lực tương tự vào năm 1995. May và đồng nghiệp chú ý đến năm yếu tố có thể giải thích nguyên nhân của hầu hết những ca tuyệt chủng: sự phá hủy môi trường sống, sự phân tán môi trường sống, bị tàn sát, các loài xâm lấn, và tác động thứ cấp xảy đến với hệ sinh thái từ những ca tuyệt chủng khác. Mỗi một trong năm yếu tố kể trên đều phức tạp hơn những gì bản thân tên gọi của chúng thể hiện. Ví dụ, như sự phân tán môi trường sống đe dọa đến các loài bằng cách đẩy chúng đến một môi trường sống nhỏ, giống với trên đảo, bị bao quanh bởi một đại dương những tác động từ phía con người và sau đó bắt chúng phải chịu những mối nguy hiểm tương tự (quy mô dân số nhỏ, bị ảnh hưởng từ những biến động môi trường, thảm họa, giao phối cận huyết, vận rủi, và các tác động dây chuyền) khiến cho các loài trên đảo này đặc biệt dễ bị tuyệt chủng. Nhóm nghiên cứu của May kết luận rằng hầu hết các loài chim và động vật có vú hiện hữu có thể hy vọng thời gian tồn tại trung bình còn lại kéo dài từ 200 đến 400 năm. Con số đó cũng tương đương một phần ba của một phần trăm số lượng sẽ tuyệt chủng mỗi năm cho đến khi đạt đến điểm kết không tưởng. May và đồng nghiệp của ông có viết: “Phần lớn sự đa dạng mà chúng ta được thừa hưởng sẽ biến mất trước khi nhân loại tách chúng ra.”

Ước tính gần đây nhất đến từ Stuart L. Pimm và Thomas M. Brooks, hai nhà sinh thái học tại Đại học Tennessee. Bằng cách kết hợp những dữ liệu đã công bố về sự biến mất của các loài chim do phân mảnh rừng và các dữ liệu thực địa họ tự thu thập, Pimm và Brooks đã đưa ra kết luận rằng 50% các loài chim rừng trên thế giới sẽ rơi vào tình trạng nguy cấp đến tuyệt chủng bởi nạn phá rừng xảy ra trong nửa thế kỷ tới. Và những loài chim sẽ không chỉ là những nạn nhân duy nhất. Hai nhà khoa học đặt ra câu hỏi: “Bao nhiêu loài sẽ biến mất nếu những xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục?” “Tại một vài nơi, con số đó sẽ rơi vào khoảng từ một phần ba đến hai phần ba tổng số loài – dễ dàng khiến cho sự kiện này có độ lớn tương đương với năm sự kiện đại tuyệt chủng mà hành tinh chúng ta đã từng trải qua trước đây.”

Jablonski đã bắt đầu có những suy nghĩ theo hướng này từ năm 1978. Ông nhắc nhở tôi về cơ cấu dựa trên các khái niệm đằng sau những ước tính như thế với vẻ phấn khởi: “Tất cả các mô hình toán học đều sai. Chúng chỉ là những con số ước tính gần đúng. Nên điều cần phải đặt câu hỏi ở đây là: Liệu chúng có phải là những sai lầm hữu ích không, hay chúng thực sự chỉ là những sai lầm vô nghĩa?” Những mô hình dự đoán sự biến mất của các loài ở thời điểm hiện tại và tương lai vẫn hữu ích, ông gợi ý, nếu chúng giúp con người nhận ra rằng loài Homo sapiens chúng ta đang làm xáo trộn sinh quyển Trái Đất đến một mức độ chưa từng có trong lịch sử. Hay nói cách khác, chúng ta đang thực sự tham gia vào một cuộc kiểm nghiệm quyết liệt về suy thoái sinh học, chứ không còn là một sự suy giảm theo chu kì thông thường nữa.

Phía sau những dự đoán về sự biến mất các loài ẩn chứa những biến số quan trọng nhưng rất khó để phân tích, trong số đó có hai biến số đặc biệt quan trọng: sự tiếp diễn biến đổi cảnh quan và đường cong tăng trưởng dân số.

Sự biến đổi cảnh quan thể hiện rất nhiều điều: tháo nước các vùng ngập nước để xây dựng đường xá và sân bay, cày xới các đồng cỏ cao, rào các đồng cỏ xavan lại và chăn thả quá mức với những loài vật nuôi nội địa, đốn hạ rừng thứ sinh4 tại Vermont và sử dụng đất đai vào việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng hoặc khu trượt tuyết ngoại ô, phá rừng mưa nhiệt đới Madagascar để trồng lúa trên các sườn đồi ẩm, hay lấy gỗ với mục đích công nghiệp tại Berneo để đáp ứng nhu cầu gỗ dán tại Nhật Bản. Nhà sinh thái học John Terborgh cùng đồng nghiệp Carel P. van Schaik đã đưa ra một quy trình bốn bước của việc biến đổi cảnh quan mà họ gọi là dây chuyền sử dụng đất. Các bước diễn ra liên tục gồm:

    1. các vùng đất hoang dã, chứa những cộng đồng động thực vật địa phương hầu như không bị biến đổi bởi những tác động từ phía con người;
    1. nhiều khu vực bắt đầu bị sử dụng, chẳng hạn các đồng cỏ được dùng để chăn thả một số ít vật nuôi, đồng cỏ xavan vẫn còn phù hợp cho các loài động vật săn mồi sinh sống do việc đốt đồng vẫn ít khi xảy ra, hay việc đốn hạ và đốt rừng vẫn ở mức thấp;
    1. quá trình sử dụng đất diễn ra mạnh mẽ, các cánh đồng, đồn điền, làng xã, các hành lang du lịch, đô thị và khu công nghiệp mọc lên;
  1. và cuối cùng, đất đai bị suy thoái, trước đây hữu dụng nhưng giờ đây đã bị lạm dụng vượt quá giá trị sử dụng.

Madagascar, một lần nữa, sẽ trở thành ví dụ tốt để xem xét cả bốn giai đoạn này, đặc biệt là giai đoạn cuối cùng. Dọc theo một con đường nhỏ dẫn sâu vào nội địa từ thị trấn Mahajanga, nằm trên bờ biển phía Tây, bạn có thể bao quát được toàn cảnh đất đai bị suy thoái – những rãnh xói và vùng đồi màu đỏ bạc trắng; những cánh rừng trọc, bị đốt thường xuyên bởi những người chăn nuôi muốn thúc đẩy vùng đồng cỏ gia súc phát triển lại trong thời gian ngắn và bị che phủ thưa thớt bởi cỏ khô và cọ xòe không mang giá trị, xói mòn hoàn toàn; bùn đỏ chảy lênh láng xuống sông Betsiboka. Đó là nơi khả năng sinh sống của con người gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Thực trạng suy thoái đất tương tự cũng đang diễn ra ở Ciskei, thuộc Nam Phi, do việc thu gom gỗ làm củi, chăn thả quá mức, dân cư đông đúc, và nạn phân biệt chủng tộc. Hoặc gần gũi hơn, bạn cũng có thể nhìn ra những cánh đồng được tưới tiêu quá mức khiến xâm nhập mặn tàn phá vùng Thung lũng Trung tâm tại California.

Loài Homo sapiens chúng ta đang làm xáo trộn sinh quyển Trái Đất đến một mức độ chưa từng có trong lịch sử.

Trong những hình thái chuyển đổi cảnh quan, việc đẩy rừng nhiệt đới từ loại đất hoang dã đến sử dụng một cách mạnh mẽ gây tác động lớn nhất đến đa dạng sinh học. Trường hợp ấy có thể quan sát được tại phía Tây Ấn Độ, nơi hệ sinh thái rừng lá rụng kỳ vỹ Gir (nơi những cư dân cuối cùng của loài sư tử Ấn Độ, Panthera leo persica, sinh sống) đang oằn mình theo những sống núi tả tơi trước những vườn xoài, các cánh đồng đậu phộng, và các mỏ khai thác đá vôi phục vụ sản xuất xi măng. Ta cũng có thể quan sát được vấn đề này tại vùng trung tâm Amazon, nơi nhiều cánh rừng mưa nhiệt đới bị chặt hạ và đốt đi, trong một nỗ lực không hiệu quả để chăn thả gia súc trên nền đất sét cứng (được khuyến khích bởi động cơ sai lầm của chính phủ, hiện nay đã được hủy bỏ). Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), từ những năm 1970 (thời điểm Myers đưa ra những ước tính của mình), tốc độ phá rừng tại những quốc gia nhiệt đới bắt đầu gia tăng (trái với những điều Julian Simon từng tuyên bố). Theo số liệu FAO công bố vào năm 1993, trong những năm 1980, tốc độ này lên đến 15,4 triệu hecta mỗi năm. Nam Mỹ mất 6,2 triệu hecta rừng mỗi năm. Đông Nam Á có diện tích mất rừng thấp hơn, nhưng nếu so sánh với tỷ lệ rừng nơi đây thì lại cao hơn: 1,6% rừng mỗi năm. Theo một bên quan sát khác, nếu xét về tổng thiệt hại, ít nhất 95% diện tích rừng duyên hải Đại Tây Dương của Brazil đã biến mất. Philippines, từng  được che phủ gần như toàn bộ bởi rừng mưa nhiệt đới cũng đã mất đi 92% diện tích rừng. Tại Costa Rica, diện tích rừng vẫn đang tiếp tục giảm đi, mặc cho mối quan tâm lớn nhất của quốc gia này là tài nguyên sinh vật. Diện tích của những cánh rừng nguyên sinh trù phú nhất tại các vùng đất thấp thuộc Tây Phi, Ấn Độ, Đại Antilles5, Madagascar, và những nơi khác đã giảm xuống chỉ còn dưới một phần mười diện tích ban đầu. Đến giữa thế kỷ tiếp theo, nếu xu hướng này không thay đổi, rừng nhiệt đới sẽ chỉ còn tồn tại ở những khu vực được bảo vệ – như vườn quốc gia, khu bảo tồn động vật hoang dã, và các khu bảo tồn chính thức khác.

Có bao nhiêu khu vực được bảo vệ? Tổng số khu vực được bảo vệ trên toàn thế giới ở thời điểm hiện tại vào khoảng 9.800, chiếm 6,3% diện tích đất liền trên hành tinh. Liệu những công viên và khu bảo tồn đó có giữ được hoàn toàn tính đa dạng sinh học của bản thân chúng hay không? Không. Những loài có nhu cầu lãnh thổ to lớn sẽ không thể duy trì số lượng tồn tại và giao phối cần thiết trong những khu bảo tồn nhỏ, và khi những loài này biến mất thì sự vắng mặt của chúng sẽ ảnh hưởng đến những loài khác. Lấy ví dụ, sự biến mất của những loài thú ăn thịt lớn có thể gỡ bỏ giới hạn trên những loài động vật ăn thịt và ăn xác thối cỡ trung, trong khi sự gia tăng quá mức của những loài này lại có thể đẩy những loài khác (như các loài chim làm tổ dưới mặt đất) đến bờ tuyệt chủng. Đây là điều từng xảy ra tại một số vùng có môi trường sống bị phân mảnh như đảo Barro Colorado, Panama, nơi từng được dùng để dẫn chứng trong các tác phẩm văn học về ngành địa lý sinh vật trên đảo. Một bài học cho những môi trường sống bị phân mảnh là câu thơ của Yeats: Mọi thứ đều tan vỡ (Things fall apart)6.

Bạn đọc có thể theo dõi tiếp phần 2 của bài viết này tại đây.


  1. Hình thái học (Morphology) là một nhánh của lĩnh vực sinh học, giải quyết việc nghiên cứu về hình dáng và cấu trúc của sinh vật và các điểm đặc trưng về cấu trúc cụ thể của chúng.

  2. Cúc biển hay cúc đá (Ammonites) là một nhóm những loài thân mềm có xúc tu, thuộc lớp chân đầu, sống vào thời cổ đại. Mặc dù có vỏ khá giống với loài ốc anh vũ ngày nay, loài cúc biển lại có quan hệ gần gũi với các loài bạch tuộc và mực hơn. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về loài cúc biển tại đây:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Ammonoidea

  3. Homo sapiens, hay còn gọi là “Người tinh khôn”, chính là loài người chúng ta hiện nay.

  4. Những cánh rừng trong quá trình sinh trưởng chưa bị tác động từ phía con người gọi là rừng nguyên sinh. Khi những cánh rừng nguyên sinh này trải qua những đợt đốn chặt, phá rừng, cháy rừng do con người gây ra, sau đó tái tạo lại và dần ổn định thành một khu rừng mới gọi là rừng thứ sinh.

  5. Đại Antilles là quần đảo thuộc vùng biển Caribe, gồm 5 nước: Cuba, Jamaica, Haiti, Cộng hòa Dominica, và Puerto Rico. Nhóm này cùng với Tiểu Antilles và quần đảo Bahamas được gọi chung là “quần đảo Tây Ấn Độ,” và là một trong những điểm nóng với hệ sinh vật đa dạng và môi trường thiên nhiên đặc thù, phong phú.

  6. “Things fall apart” trích từ bài thơ The Second Coming của W.B.Yeats, nguyên câu là “Things fall apart, the centre cannot hold.” Bài thơ này được ra đời năm 1920, một năm sau khi Thế chiến Thứ nhất kết thúc. Khi mà phần lớn mọi người đang hi vọng về sự hồi phục của cuộc sống, thì Yeats đã nhìn thấy sự đổ vỡ và rạn nứt trong xã hội châu Âu thời hậu chiến và dự đoán về những bất ổn và xáo trộn chính trị sắp diễn ra lần nữa. Điều ông tiên đoán này đã trở thành sự thật với sự nổi lên của Hitler và chủ nghĩa phát xít 10 năm sau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất