a
§ Tác giả: Virginia Postrel | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Thủy Tiên | Hiệu đính:  coda
04/10/2020

Tháng Hai năm 1939, tạp chí Vogue đã cho đăng một bài viết tiêu điểm trang trọng về phong cách thời trang của tương lai. Được truyền cảm hứng bởi Triển lãm Quốc tế sắp diễn ra tại New York, tòa soạn đã đề nghị chín nhà thiết kế công nghiệp hình dung về phục trang của con người ở một “Ngày mai Xa xôi.” (Các biên tập viên cho rằng các nhà thiết kế thời trang là những con người quá đương thời cho những phỏng đoán về tương lai như thế này). Mỗi bộ trang phục đều có một phiên bản mô phỏng, được chụp lại để xuất hiện trong bộ ảnh màu xa hoa dàn suốt chín trang giấy. 

Bạn có thể đã từng nhìn thấy một vài tấm ảnh này trên mạng: một chiếc đầm dạ hội có phần trên làm từ vải lưới xuyên thấu, được điểm xuyết một cách tinh tế bằng những đoạn dây tết xoắn màu vàng ánh kim; hoặc một bộ jumpsuit rộng thùng thình cho đàn ông, đi kèm với chiếc thắt lưng đa năng và một cái ăng ten hình tròn đội trên đầu. Các blogger đôi khi vẫn tìm thấy những đoạn tin thời sự nước Anh ghi lại hình ảnh các người mẫu đang trình diễn những bộ trang phục này, ở bên cạnh là một người tường thuật ẻo lả đang cố chêm vào những câu đùa một cách chật vật:  ôi, bung lụa em ơi!1. Những bộ trang phục ngớ ngẩn như vậy thế mà lúc nào cũng làm mọi người mỉm cười thỏa mãn. Các nhà tiên tri thời trang ngày trước đúng là những tên ngốc!

Nhưng lời chế giễu này thật không công bằng. Chỉ với việc dự đoán về sự xuất hiện của những lớp vải lót trang phục có khả năng tự điều chỉnh theo thời tiết, sự lên ngôi của xu hướng thời trang khoe da thịt, phong cách thời trang thuận tiện cho hoạt động thể thao và di chuyển liên tục, cũng như xu hướng tinh giản tủ đồ, những nhà thiết kế thực chất đã hình dung chính xác rất nhiều xu hướng. Nhưng vấn đề với những phiên bản mô phỏng xuất hiện trong bộ ảnh là chúng không thể hiện và truyền tải được trọn vẹn yếu tố thật sự làm cho những bộ trang phục này giống như đến từ tương lai. Chỉ nhìn vào những bức ảnh, bạn không thể nhận thấy những thiết kế công nghệ quan trọng nhất.

“Những cải tiến và đổi mới quan trọng trong Thế giới của Ngày mai sẽ nằm trong chính sợi dệt,” Raymond Loewy, cộng tác viên của tờ Vogue tuyên bố. Những đồng nghiệp của ông cũng đồng tình. Tất cả họ đều thảo luận về sự tiến bộ trong công nghệ sợi. Trong những thiết kế được hình dung, rất nhiều trong số chúng miêu tả những chất liệu vải có thể tự điều chỉnh nhiệt độ, thay đổi màu sắc, hoặc có thể được nhét vào va-li mà không bị nhăn – những thứ vải vào thời điểm đó còn chưa được phát minh. Tất cả các nhà thiết kế được yêu cầu tưởng tượng về một “Thế giới của Ngày mai”, không chừa một ai, đều tin rằng một tương lai đầy hứa hẹn đồng nghĩa với những đổi mới trong vải vóc.

Họ hiểu một điều mà bây giờ phần lớn chúng ta đã cho vào quên lãng: sợi vải chính là công nghệ, với lịch sử lâu dài hơn cả đồng nhưng cũng đương thời như dây nano (nanowires). Chúng ta, loài vượn không lông, đã tiến hóa song song với trang phục mà chúng ta mặc. Nhưng, để nói một cách văn hoa, chúng ta có thể đảo ngược lại châm ngôn của Arthur C. Clarke2: bất kỳ công nghệ nào đủ quen thuộc với chúng ta cũng sẽ không khác gì lẽ tự nhiên. Nó trở nên hiển nhiên, ăn sâu vào tiềm thức – nếu cuộc sống của chúng ta được ví như tấm vải được may dệt cầu kỳ, thì ý niệm về vải vóc đã trở nên quen thuộc đến mức nó đã được dệt xuyên suốt tấm vải cuộc đời ấy, và chúng ta coi nó là việc đương nhiên phải có.

Những ẩn dụ xuất phát từ vải vóc vẫn được chúng ta sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày – khi chúng ta lo lắng, chúng ta nói rằng chúng ta cảm thấy như một miếng vải bị kéo căng bằng những cái móc (on tenterhooks), chúng ta gọi những đứa bé tóc vàng hoe là có tóc như sợi lanh chuẩn bị đem vào dệt (towhead), từ miêu tả trạng thái kiệt sức của con người cũng dùng để miêu tả sự sờn rách của quần áo (frazzled) – nhưng chúng ta thường chẳng bao giờ để ý rằng chúng ta đang nói về sợi dệt hay vải vóc. Chúng ta lặp lại những câu nói rập khuôn cũ rích: những giả thuyết không có cơ sở và bỗng dưng xuất hiện từ không đâu cả được ví như tấm vải thô mới toanh (out of whole cloth). Trong tình thế nguy hiểm tột cùng thì chúng ta nói là như chỉ mành treo chuông (hanging by a thread). Những người kiên định trong quan điểm tôn giáo hoặc chính trị một cách hơi quá đà thì có suy nghĩ hằn sâu như mực nhuộm vào len trước khi xe thành sợi (dyed in the wool). Chúng ta bắt những chuyến bay chặng ngắn có tần suất bay trong ngày cao, và những chuyến bay này giống như con thoi đưa qua lại trên khung cửi (airline shuttle). Chúng ta luồn lách và len lỏi giữa những dòng xe cộ, như sợi chỉ len lỏi để dệt thành tấm vải (weave through traffic). Chúng ta theo dõi những chuỗi bình luận trên mạng xã hội (comment threads). Tuổi thọ con người thì “kéo dài” như sợi dây (lifespan). Một nhân vật phản diện hoặc nhân vật phụ của một bộ phim được dành riêng một bộ phim mới thì bộ phim đó được gọi là spinoff, giống như việc “quay” sợi để tạo ra những sợi len, sợi chỉ mới. Ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng hàng ngày có sự xuất hiện dày đặc của những hình ảnh kéo sợi và dệt vải, nhưng chúng ta chưa bao giờ tự hỏi tại sao. 

*****

Câu chuyện của công nghệ thực chất chính là câu chuyện của vải vóc. Sự phát triển kinh tế và thương mại toàn cầu cũng chia sẻ một câu chuyện y hệt, từ những thời đại xa xưa cho đến bây giờ. Nguồn gốc của ngành hóa học nằm ở nghề nhuộm và tẩy vải. Ngành kinh doanh dệt may đã đem lại sự thịnh vượng cho nước Ý thời Phục hưng và Đế quốc Mogul3; nó cũng đã để lại cho chúng ta kế toán kép và tín dụng thư, bức tượng David của Michelangelo và Taj Mahal. Giống như những cuộc săn lùng gia vị và vàng, những thủy thủ đi tìm vải vóc và thuốc nhuộm vải cũng đã phải lênh đênh qua nhiều vùng biển lạ lẫm. Một cách tinh tế, nhưng cũng rất rõ ràng, vải vóc đã tạo nên thế giới của chúng ta.

Dễ thấy nhất, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu bằng máy kéo sợi jenny (the spinning jenny), máy kéo sợi bằng sức nước (the water frame), và từ nơi mà những chiếc máy này được đặt – những nhà máy quay sợi bông ở miền Bắc nước Anh. Trước sự xuất hiện của đường sắt và những nhà máy thép, tiền bạc và sự phú quý giàu sang được tạo nên bởi chính ngành dệt may. Những nhà máy mới đã thay đổi nơi mọi người định cư cũng như công việc của họ. Và những sản phẩm vải vóc giá rẻ mà những nhà máy này tạo ra cũng đã thay đổi hoàn toàn cách ăn mặc của mọi người thời đó.

Sau đó, một làn sóng dễ thấy thứ hai trong cuộc cách mạng vải vóc bắt đầu với một tông màu tím mà các nhà tiếp thị chuộng văn hóa Pháp quảng bá với cái tên mauve – màu cẩm quỳ. Sự xuất hiện của thuốc nhuộm bằng anilin vào giữa thế kỷ 19 đã giúp làm cho cả một quang phổ các màu nhuộm – bao gồm những màu đen tuyền mới mẻ – sẵn có ở khắp mọi nơi. Ngành tổng hợp và sản xuất chất nhuộm đã dẫn đến sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất hiện đại, và ngày càng nhiều những gia sản kếch xù được tạo nên từ sự phát triển của công nghệ.

Những nhà thiết kế thực hiện bộ ảnh cho Vogue vào năm 1939 đều biết rất rõ câu chuyện về lịch sử công nghiệp hóa này. Họ cũng biết là một làn sóng thứ ba của sự đột phá trong vải vóc đã bắt đầu. Sợi tổng hợp làm từ cellulose, như tơ nhân tạo (rayon), đã trở nên phổ biến; và chỉ vài tháng trước đó, hãng DuPont đã được cấp bằng sáng chế cho sợi nylon, báo trước cho sự thống trị của vớ dài nylon dành cho phụ nữ không lâu sau. Giống như thuốc nhuộm, những loại sợi của thế kỷ 20 được chế tạo từ phòng thí nghiệm và không cần phải thu hoạch một cách cực nhọc từ thiên nhiên. Những gia sản kếch xù lại được tạo ra, và đời sống sinh hoạt thường ngày tiếp tục được định hình lại một lần nữa.

Cho đến những năm 1970, vải vóc vẫn tận hưởng ánh hào quang của khoa học. Nhưng kể từ đó, chúng ta đã ngừng nghĩ về vải vóc như một thành tựu kỹ thuật.  Trong suy nghĩ phổ biến của chúng ta ngày nay, vải vóc hoàn toàn thuộc về thế giới phù phiếm của thời trang. Kể cả trong những trang tạp chí Vogue, “công nghệ đeo được” (wearable technology) chỉ những thiết bị điện tử được ngụy trang thành phụ kiện thời trang một cách vụng về, chứ không phải thứ chất liệu mềm mại bạn mặc trên người – bất luận bao công sức sáng tạo loài người đã phải bỏ ra để tạo ra chúng. Khi chúng ta nghĩ về tiến bộ kinh tế, chúng ta không còn nghĩ đến vải vóc, hoặc thậm chí những chiếc máy đã tạo ra chúng.

Có nhiều lý do dẫn đến sự lãng quên mang tính văn hóa này. Máy tính và các phần mềm lên ngôi trở thành định nghĩa duy nhất của khái niệm “công nghệ cao,” lấn át những ngành công nghiệp khác. Sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt đã làm giảm mức giá của sợi và vải, khiến cho vải vóc và quần áo trở thành một phần nhỏ không đáng kể trong chi tiêu của mỗi gia đình. Những cơ sở sản xuất vải cũng từ đó trở nên kém hấp dẫn, và được coi như những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thô. Những chiến dịch môi trường đã làm từ “tổng hợp” (synthetic) trở thành một từ đồng nghĩa với “độc hại” (toxic). Và lần đầu tiên trong lịch sử loài người, những thế hệ phụ nữ khắp nơi trên thế giới lớn lên mà không cần phải học nghệ thuật may vá và thêu thùa.

Mặc dù đây là điều dễ hiểu, việc lãng quên vải vóc làm mất đi một phần quan trọng trong di sản văn hóa của loài người chúng ta. Chúng ta đang tách rời bản thân khỏi những khía cạnh quan trọng của lịch sử nhân loại, bao gồm cuộc sống và công việc của phụ nữ. Chúng ta tước đoạt từ chính bản thân những bài học quý giá về cách công nghệ và thương mại biến đổi nhiều nền kinh tế và văn hóa. Chúng ta cũng tự che mắt bản thân trước những phát minh có ảnh hưởng sâu rộng nhất hiện nay – và những phát minh thú vị nhất của tương lai.

Giống như những cuộc săn lùng gia vị và vàng, những thủy thủ đi tìm vải vóc và thuốc nhuộm vải cũng đã phải lênh đênh qua nhiều vùng biển lạ lẫm. Một cách tinh tế, nhưng cũng rất rõ ràng, vải vóc đã tạo nên thế giới của chúng ta. Ảnh: Tom Rumble.

Người Hy Lạp cổ đại tôn thờ Athena như nữ thần của technē (trong tiếng Hy Lạp nghĩa là nghề thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật – BTV), trái ngọt của tài khéo léo và sự văn minh. Nàng là người ban cho và cũng là người bảo trợ cho những cây olive, những chiếc thuyền, và nghề dệt vải (nếu không có nghề dệt vải thì cũng đã không có những chiếc buồm). Khi nàng và Odysseus bàn bạc, họ “dệt” nên một kế hoạch phức tạp (weave a plan). “Weave”, vừa có nghĩa là đan, dệt mà cũng có nghĩa là nghĩ ra, phát minh ra – cả hai ý nghĩa đều là tạo ra công dụng, tạo ra cái đẹp từ những yếu tố đơn giản nhất. Từ “fabric” (vải) và “fabricate” (chế tạo, bịa đặt) trong tiếng Anh xuất phát từ cùng một gốc trong tiếng Latin, “fabrica”, nghĩa là “một vật được sản xuất một cách khéo léo, công phu”. Tương tự, từ “textile” (vải vóc) và “text” (văn bản) cũng chia sẻ cùng một từ gốc trong ngôn ngữ Latin, “texere”, một động từ có nghĩa là dệt. Dệt vải là một công việc sáng tạo, giống như những công việc sáng tạo khác. Để sáng tạo nên một câu chuyện trong tiếng Anh là “to spin a tale”, giống như kéo bông để xe thành sợi; và cũng là một công việc sáng tạo cần dùng đến trí tưởng tượng. Thậm chí, hơn cả dệt, việc kéo những nắm bông nhỏ để tạo ra những sợi chỉ có ích chính là công việc tạo nên một thứ gì đó từ không gì cả, biến hỗn loạn thành trật tự. 

“Con suốt chính là chiếc bánh xe đầu tiên”, Elizabeth Barber, giáo sư danh dự ngành ngôn ngữ học và khảo cổ học tại trường đại học Occidental (Los Angeles) giải thích, và làm một vài cử chỉ để minh họa. “Mục đích sử dụng của con suốt không phải là để chở hàng, nhưng nguyên lý hoạt động của nó có chuyển động quay.” Vào những năm 1970, Barber bắt đầu để ý thấy những phần chú thích liên quan đến vải vóc xuất hiện rải rác trong các tài liệu khảo cổ học. Bà nghĩ rằng sẽ chỉ dành chín tháng để ghép lại những mẩu thông tin đã có sẵn. Dự án nhỏ này của bà đã trở thành một nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ, và thậm chí còn giúp biến ngành khảo cổ vải vóc trở thành một ngành nghiên cứu riêng biệt. Ngành sản xuất vải, theo lời của Barber trong cuốn sách Prehistoric Textiles (tạm dịch: Vải vóc Thời Tiền sử; 1991),“ có lịch sử lâu dài hơn cả nghề làm gốm, nghề luyện kim, và thậm chí còn có thể hơn cả nông nghiệp và ngành chăn nuôi”.

Tất nhiên, các hiện vật gốm sứ và kim loại tồn tại qua hàng thế kỷ tốt hơn nhiều những hiện vật làm bằng vải, vốn rất ít khi được tìm thấy, nếu có cũng chỉ là những mảnh nhỏ. Đây cũng là một lý do khiến chúng ta có xu hướng lãng quên tầm quan trọng của vải vóc trong những hình thức sản xuất kinh tế cổ đại nhất. Chúng ta hình dung một thế giới cổ đại với toàn những bề mặt đá, giống như cách chúng ta hình dung Chiến tranh thế giới thứ nhất bằng hai màu trắng đen.

Doanh nhân công nghệ David Orban đã đề xuất rằng những người đam mê Bitcoin sử dụng từ “weaving” (dệt) thay vì “mining” (khai thác) như một phép ẩn dụ cho công việc của họ.

Nhưng trước cả khi vàng hay những đồng tiền bạc được sử dụng trong thương mại, các nhà buôn đã sử dụng vải vóc. Vào thế kỷ thứ 20 trước Công nguyên, vương quốc Minoan4 trên hòn đảo Crete nghèo tài nguyên đã trao đổi len và vải lanh để đổi lấy kim loại. Nơi đây được biết đến với những thợ thủ công lành nghề, được đại diện bởi nhân vật Daedalus5 trong thần thoại, và họ dùng thứ kim loại trao đổi được trong việc chế tạo đồ gốm. Ở nền văn minh Aegean6 và Anatolia7 cổ đại, khi mà việc trao đổi hàng hóa vẫn còn chưa dùng đến tiền tệ, theo nhà khảo cổ học Brendan Burke trong cuốn sách From Minos to Midas (tạm dịch: Từ Minos đến Midas; 2010), việc sản xuất vải vóc đã có “giá trị và tầm quan trọng lớn hơn … cả việc sản xuất những chiếc bình đất sét được trang trí cầu kì, dụng cụ kim loại, và những vật dụng được chạm khắc từ các kim loại quý: tất cả mọi người đều phụ thuộc vào vải vóc.”

Các nhà khảo cổ học thường lần theo những dấu vết cho thấy sự có mặt của việc sản xuất vải dựa theo những hiện vật còn sót lại. Một số lượng lớn những con lăn cọc sợi (thường là làm bằng đất sét) vẫn sống sót, nhiều vật nặng của khung cửi (dùng để giữ căng những sợi dọc theo chiều thẳng đứng) cũng vậy. Bằng cách đếm những vật nặng để lại bởi những khung cửi trong phòng xưởng của vua Midas xứ Gordion, Barber viết, “chúng ta có thể làm phép tính để ước đoán rằng vua Midas có thể đã có hơn 100 người phụ nữ bận bịu dệt vải cho ông, và điều này làm cho Midas còn giàu có gấp đôi vua Alkinnoos trong huyền thoại của Homer (Alcinous, trong sử thi Odyssey), vì Alkinnoos chỉ có 50 người. Bảo sao người Hy Lạp coi Midas như tượng trưng của vàng!”

Và bảo sao sự diễn giải rõ ràng đầu tiên của khái niệm “phân công lao động” trong thế giới hiện đại lại không phải là ví dụ về nhà máy đinh ghim của Adam Smith từ những năm 1770, mà là lời giải thích bởi nhà kinh tế học người Anh William Petty vào năm 1690: “Vải phải được sản xuất với ít kinh phí hơn, khi một người chải sợi, người khác kéo sợi, người nọ dệt, người kia kéo duỗi sợi, người khác nữa hồ sợi, rồi một người ép và gấp vải.” Lúc bấy giờ, sự phân công lao động trong sản xuất vải – cũng như hoạt động buôn bán với những vùng đất xa xôi, yếu tố làm cho sản xuất vải trở thành công việc sinh lời – đã có lịch sử hơn 3000 năm.

*****

Mùa xuân năm ngoái (năm 2014 – BTV), doanh nhân công nghệ David Orban đã đề xuất rằng những người đam mê Bitcoin sử dụng từ “weaving” (dệt) thay vì “mining” (khai thác) như một phép ẩn dụ cho công việc mã hóa và ghi chép lại sổ kế toán công của những giao dịch Bitcoin. “Những người thợ dệt,” ông viết, “lấy những sợi chỉ đan xen vào nhau và tạo nên một tấm vải chắc chắn, qua công việc khéo léo và có giá trị gia tăng cao của họ – và đây chính là điều mà mạng lưới máy tính toàn cầu tạo nên Bitcoin Blockchain đang làm!”

Để tăng sức thuyết phục cho luận điểm của mình (theo kiểu mọt sách), Orban trích dẫn một câu chuyện lịch sử nhỏ mà bất cứ học sinh lập trình nào cũng được dạy: trước khi những chiếc thẻ bấm lỗ được đưa vào sử dụng trong máy tính, chúng đã từng được sử dụng trong việc điều khiển hoa văn trên những chiếc máy dệt jacquard. 

Mối liên kết giữa công nghệ máy tính và vải vóc thực chất còn đi sâu hơn thế. Dệt vải chính là hệ thống nhị phân nguyên bản, với tuổi đời ít nhất 9000 năm. Những sợi dọc được giữ căng, và những sợi ngang luồn phía dưới hoặc phía trên những sợi dọc. Trên-dưới, lên-xuống, bật-tắt, một-không. Những chiếc thẻ bấm lỗ có thể điều khiển máy dệt bởi vì dệt vải về bản chất là nhị phân. Vào thời điểm chiếc máy dệt chạy bằng những tấm thẻ của Joseph Marie Jacquard xuất hiện vào năm 1801, loài người thực ra đã có hàng ngàn năm hình dung và ghi chép lại những mẫu hoa văn có-hoặc-không phức tạp.

Máy dệt Jacquard. Ảnh: Wikimedia Commons

Orban cũng nhắc nhở những fan của Bitcoin rằng một tổ chức những thợ dệt thủ công (những người Luddites) vào thế kỷ 19 đã đập phá những chiếc máy dệt. Ở đây, bạn càng biết nhiều về lịch sử vải vóc, mối liên kết giữa công nghệ máy tính và vải vóc lại càng trở nên phức tạp và thú vị. Sự phá hủy đầy sáng tạo, yếu tố tạo nên biết bao nhiêu những tấm vải đầy màu sắc, đến theo từng đợt, và trước khi những thợ dệt là nạn nhân của nó, họ từng là những người hưởng lợi. Cuộc cách mạng công nghiệp không bắt đầu từ việc dệt vải, mà là từ việc xe sợi.

Trong nhiều thế kỷ, phụ nữ đã dành phần lớn cuộc đời của họ cho công việc xe chỉ, bất kể họ là tù binh bị giam giữ trên đảo Crete, những đứa trẻ mồ côi ở trại trẻ Ospedale degli Innocenti (Ý), những góa phụ ở miền Nam Ấn Độ, hay là những bà vợ ở miền quê nước Anh thời kỳ Georgia – nhất là sau khi những bánh xe nước đã giúp tiết kiệm khoảng thời gian mà trước đây phải dành cho việc xay lúa. Biến bông thành sợi là một công việc tốn nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, sự khéo tay, và sự cẩn thận. Kể cả sau khi những guồng xe sợi bắt đầu trở nên phổ biến vào thời kỳ Trung cổ, thì những sợi chỉ tốt nhất, đều nhất, cũng như những sợi chỉ dọc khỏe nhất nói chung, đều đến từ những phương pháp cổ truyền: kéo sợi bằng tay, sử dụng một chiếc que có móc hoặc khía răng cưa, với một trái cân làm bánh đà.

Với nguồn lao động thấp và tiền công cao, thời điểm ngay trước khi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra là khoảng thời gian vàng cho những người phụ nữ làm nghề kéo sợi.

Phần kéo sợi là trở ngại lớn nhất trong quá trình sản xuất vải. Vào cuối thế kỷ 18, ở Norwich, miền đông nước Anh, ngành công nghiệp xe sợi len đã sử dụng 12,000 chiếc khung cửi, nhưng cần một lượng người quay sợi gấp 10 lần như thế để sản xuất sợi len mịn. Nhu cầu nhân lực cho công việc quay sợi cao đến mức, theo ước tính của nhà sử học kinh tế Craig Muldrew, đã có khoảng hơn 1 triệu phụ nữ đã kết hôn trên tổng số 4 triệu lao động của cả nước Anh lúc bấy giờ được thuê kéo sợi, và khoảng một phần ba tổng thu nhập của các hộ nghèo đến từ những người phụ nữ này.

Từ “spinster” được tạo nên bởi động từ “spin” (xe sợi) và hậu tố “-ster”, dùng để chỉ một người phụ nữ làm nghề xe sợi. Những người phụ nữ chưa kết hôn, không có con, và có ít việc nhà để làm có thể làm việc nhiều giờ hơn mà không bị phân tâm, kiếm được nhiều tiền tương đương những người đàn ông làm công theo ngày. Muldrew cũng đề xuất rằng nhờ công việc này mà họ có thể trì hoãn hoặc thậm chí né tránh việc kết hôn. Với những cô gái nghèo, nó cũng là một lựa chọn béo bở hơn nhiều so với đi làm giúp việc, dẫn đến hàng loạt lời phàn nàn về sự thiếu hụt người hầu. Với nguồn lao động thấp và tiền công cao, thời điểm ngay trước khi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra là khoảng thời gian vàng cho những người phụ nữ làm nghề kéo sợi.

Nhưng một trở ngại thì cần phải được giải quyết, và các nhà phát minh bắt đầu tìm kiếm giải pháp để sản xuất được nhiều hơn với ít nhân lực hơn. Giống như những chiếc xe ô tô tự lái hoặc năng lượng rẻ và sạch, những chiếc máy quay sợi rõ ràng có vẻ là cần thiết. Vào năm 1760, Hiệp hội Khuyến khích Phát triển Nghệ thuật, Sản xuất và Thương mại đã treo thưởng cho bất cứ ai phát minh ra “một chiếc máy có thể quay 6 sợi chỉ len, lanh, cotton, hoặc tơ tằm cùng một lúc, và chỉ cần một người để vận hành”.

Không ai thắng giải, nhưng chỉ trong vài năm tiếp theo, James Hargreaves, một thợ mộc đến từ phía bắc nước Anh đã phát minh ra chiếc máy kéo sợi jenny. Phát minh này, theo nhà sử học kinh tế Beverly Lemire trong cuốn sách Cotton (2011), là “cỗ máy bền chắc đầu tiên có thể sản xuất liên tục nhiều cọc sợi cùng lúc, và chỉ cần một người để vận hành”. Không lâu sau đó, Richard Arkwright, một nhà phát minh đến từ Lancaster đã cải tiến máy quay sợi bằng cách thêm những đổi mới, như khả năng vận hành bằng sức nước, để giúp cải thiện chất lượng sợi cũng như gộp bước chải sợi và tạo cúi sợi (xoắn sợi bông lại để chuẩn bị cho việc xe sợi) thành một bước. Những nhà máy quay sợi bông của Arkwright đã đặt một bước chuyển mình dứt khoát cho ngành sản xuất sợi – việc sản xuất sợi không còn được thực hiện ở những ngôi nhà ở đồng quê nữa, mà hoàn toàn ở trong các nhà máy.

Mọi chuyện bỗng trở nên tệ hại cho những người phụ nữ kéo sợi, hoặc cho những gia đình có thu nhập phụ thuộc phần nào vào công việc này.

Một thế hệ trước phong trào công nhân, những chiếc “máy được cấp bằng sáng chế” như thế này đã châm ngòi cho một làn sóng phản đối công nghệ dữ dội. Những người biểu tình đã đập phá máy móc và yêu cầu chính phủ cứu trợ. Trong lúc chờ đợi động thái chính thức từ quốc hội, thị trấn Wigan ở phía bắc nước Anh đã yêu cầu ngưng sử dụng “toàn bộ các máy móc và động cơ sử dụng sức nước hoặc sức ngựa, để chải sợi, tạo cúi sợi, hoặc quay sợi cotton”. Một đơn thỉnh cầu gửi đến quốc hội vào năm 1780 đã giải thích rằng “Sự xấu xa mà chúng ta đang nhắc đến là sự xuất hiện của những máy móc và động cơ được cấp bằng sáng chế, đủ các thể loại, và chúng đã thay thế lao động chân tay đến một mức độ có thể nói là chí mạng và đáng báo động; và hàng ngàn người… cùng với gia đình của họ, đang mòn mỏi khao khát có được việc làm.”

Quốc hội Anh lúc đó đã đưa ra một bản báo cáo, nhưng quyết định không hành động. Arkwright vẫn tiếp tục với những phát minh của ông, trong đó có ý tưởng thêm động cơ hơi nước vào những nhà máy quay sợi bông. Những người đàn ông đảm nhận công việc vận hành những chiếc máy của Arkwright, Lemire viết, đã trở thành “thế hệ công nhân công nghiệp ưu tú đầu tiên. Họ được trả lương hậu hĩnh và có cơ hội làm việc với những công nghệ có thể nói là đã đem đến cho họ uy tín đáng kể.”

Họ cũng không phải những người thắng cuộc duy nhất, ít nhất là trong ngắn hạn. Vào năm 1780, Samuel Crompton, một nhà phát minh cũng đến từ Lancaster, đã phát triển mẫu máy kéo sợi với kỹ thuật cao hơn, kéo được sợi nhỏ hơn và chắc hơn (với tên gọi là spinning mule). Với chiếc máy này, lần đầu tiên các nhà sản xuất ở Anh có thể sản xuất sợi chỉ vừa đều, vừa mịn, và chắc như thứ sợi được kéo bằng tay ở Ấn Độ. Hiệu suất sản xuất tăng vọt, đến mức những thợ dệt lại trở thành trở ngại lớn nhất trong quá trình sản xuất vải. “Những người thợ dệt vải thủ công trên những chiếc khung cửi đã tận hưởng một thời kỳ hoàng kim,” Lemire viết, “họ muốn làm nhiều bao nhiêu thì việc lúc nào cũng đủ cho họ, và mức lương thì cao.” Thời kỳ hoàng kim ấy không kéo dài quá lâu. Những chiếc máy dệt với hiệu suất cao hơn nhiều đã xuất hiện, vào đúng thời điểm chuyển giao thế kỷ.

Kể cả sau khi những guồng xe sợi bắt đầu trở nên phổ biến vào thời kỳ Trung cổ, thì những sợi chỉ tốt nhất, đều nhất, cũng như những sợi chỉ dọc khỏe nhất nói chung, đều đến từ những phương pháp cổ truyền: kéo sợi bằng tay, sử dụng một chiếc que có móc hoặc khía răng cưa, với một trái cân làm bánh đà. Ảnh: Annie Spratt.

*****

Trong những nhà thiết kế tham gia tạo nên bộ ảnh cho tạp chí Vogue năm 1939, có một người đi ngược lại với ý kiến chung. Giống các đồng nghiệp của ông, nghệ sĩ người Mỹ George Sakier cũng thấy trước một tương lai với nhiều công nghệ dệt may mới mẻ và thú vị. Nhưng ông cũng dự đoán rằng những người phụ nữ của tương lai sẽ thấy không mấy ấn tượng. “Cô ấy sẽ coi nhẹ những phép màu của khoa học,” ông nói. Trong Thế giới của Ngày mai, những thứ vải hấp dẫn mọi trí tưởng tượng mà chúng ta nghĩ ra vào năm 1939 sẽ chẳng là gì to tát nữa.

Phần lớn những gì mà Sakier nói là chính xác.

Chúng ta, những cư dân của thế kỷ 21, đơn giản chỉ cho rằng quần áo của chúng ta sẽ không bị nhăn, không xuất hiện vết ố, có thể kéo giãn thoải mái khi chúng ta chuyển động, có thể giữ màu nhuộm và hình dáng, và khi mặc vào chúng ta cảm thấy thoải mái. Những đổi mới nhỏ làm cho áo hoodie thoáng mát hơn hoặc kéo dài tuổi thọ của đệm ghế sofa gần như là vô hình với chúng ta. Chúng không thu hút sự chú ý của công chúng như cái cách mà vớ dài nylon cho phụ nữ đã làm được trước đây. Một chiếc áo mưa, một chiếc áo sơ mi, hay một chiếc quần bó tân tiến nhất có thể làm kinh ngạc một người du hành thời gian từ năm 1939, nhưng ngày nay thì chúng ta chỉ mong đợi chúng làm đúng những gì được quảng cáo. 

Vải vóc là một ví dụ minh họa tổng quát hơn về công nghệ. Một lĩnh vực càng tân tiến thì chúng ta sẽ càng lãnh đạm với những cải tiến mới nhất của nó. Thành công là mẹ của sự hờ hững. Chúng ta mong đợi rằng Định luật Moore8vẫn đúng, nhưng chúng ta không còn thấy háo hức về bộ vi xử lý mới nhất. Công chúng phần lớn đã lãng quên về ý nghĩa từ “silicon” trong Silicon Valley9.

Những cải tiến mới nhất trong vải vóc đã không thu hút được sự nhiệt tình của công chúng, kể từ sau làn sóng phản đối những bộ suit đồng màu và những chiếc áo disco dẫn đến sự mất vị thế của sợi tổng hợp vào những năm 1980. “Tội nghiệp polyester. Mọi người quá khắt khe với nó,” Ronald Alsop viết cho tờ The Wall Street Journal vào năm 1982, trong một bài viết về những nỗ lực của hãng DuPont trong việc khôi phục lại hình ảnh của loại sợi này.

Điều đặt dấu chấm hết cho sự ghét bỏ polyester của người tiêu dùng không phải là một chiến dịch marketing. Đó là một chuỗi những cải tiến kỹ thuật: sự phát triển của vi sợi. Đây là một loại sợi tổng hợp, đa phần là polyester hoặc ni lông, nhỏ hơn tơ lụa và cực kỳ mềm mại; loại sợi này cũng vô cùng nhẹ, chắc, giặt được và nhanh khô. Hình dáng của sợi có thể được thiết kế để kiểm soát lượng hơi nước và nhiệt thẩm thấu qua vải, hoặc để tạo ra những màng bọc siêu nhỏ chứa chất chống nắng, chất kháng khuẩn, hoặc chất chống côn trùng. Trong thập kỷ qua, vi sợi đã trở nên phổ biến đến mức nó có mặt ở khắp mọi nơi; từ những bộ quần áo thể thao thấm hút nhanh cho đến những con thú bông siêu mềm mại.

Vi sợi chính là một lý do mà những loại vải “tự điều chỉnh nhiệt độ” mà Loewy và các đồng nghiệp trong ngành thiết kế hình dung từ năm 1939 lại trở thành hiện thực. Những loại vải này chỉ là không được quảng bá rộng rãi trong những trang tạp chí Vogue hoặc được trưng bày trên các giá đồ tại Banana Republic. Chúng cũng không thu hút sự thu hút trong Tuần lễ Thời trang New York. Chúng chỉ xuất hiện nhiều nhất và chỉ tỏa sáng ở triển lãm Outdoor Retailer tổ chức với quy mô lớn hai lần một năm. Tại đây, các nhà sản xuất trang phục ngoài trời và các nhà cung cấp của họ chào bán những sản phẩm vải có thể giúp người mặc cảm thấy ấm áp trong thời tiết lạnh, và kể cả trong thời tiết nóng thì cũng có thể giúp người mặc cảm thấy mát mẻ; hoặc có khả năng chống thấm nước mưa nhưng vẫn thoát mồ hôi nhanh; và có cả những loại vải có thể xua đuổi côn trùng, chống tia UV, và chống mùi hôi. Với việc thiết lập thành công rằng chế tạo ra một loại vải có khả năng chịu thời tiết là điều hoàn toàn có thể, vải Gore-Tex (được bán lần đầu tiên năm 1976) và lông cừu tổng hợp Polartech (1979) đã tạo nên một ngành công nghiệp riêng, với các kỹ sư ngày nay liên tục cạnh tranh để tìm ra những cách tốt hơn bao giờ hết để chinh phục các nguyên tố. Chẳng hạn như “vải thông minh”, ban đầu được phát triển để sử dụng trong các bộ đồ vũ trụ, sử dụng những phần tử siêu nhỏ có màng bọc có thể tự tan chảy khi gặp nhiệt độ cao. Loại vải này có thể giữ người mặc thoải mái bằng cách hấp thụ nhiệt từ cơ thể; khi thời tiết lạnh, những phần tử siêu nhỏ trong vải sẽ trở về trạng thái ban đầu và giúp cho người mặc thấy ấm áp.

Những loại vải này không chỉ giữ lại nhiệt từ cơ thể, mà chỉ cần thêm rất ít điện tích từ ma sát, chúng cũng đã có thể làm ấm cơ thể.

Sự sáng tạo này đã dần dần chuyển hướng, từ quần áo mặc ngoài trời đến quần áo mặc ở không gian kín. Những công ty startup như Ministry of Supply, Mizzen và Main đang chào bán những bộ trang phục thường ngày làm từ những loại vải “chuyên dụng” trước đây chỉ dành riêng cho quần áo thể thao. “Những bộ trang phục mà chúng ta trình bày trước mặt người khác nhiều nhất là những bộ trang phục mà chúng ta mặc thường xuyên nhất – những thứ mà chúng ta mặc tại nơi làm việc,” Aman Advani, đồng sáng lập tại Ministry of Supply trả lời những nhà nghiên cứu đến từ Harvard Business School. Đáng chú ý hơn nữa là sự phát triển của xu hướng mà ngành công nghiệp may mặc gọi là “athleisure” (từ ghép giữa “athletic” – thể thao và “leisure” – thong thả, thoải mái): hãy nghĩ đến những chiếc hoodie và những chiếc quần tập yoga được nhìn thấy ở mọi nơi.

Nhìn về phía trước, các nhà nghiên cứu học thuật đang nghĩ về những điều lớn lao hơn. Sau khi nhận thấy rằng “một phần lớn năng lượng vẫn đang tiếp tục bị lãng phí vào việc làm ấm những không gian để trống và những vật dụng không phải con người,” nhà khoa học vật liệu Yi Cui và các đồng nghiệp tại Stanford đang nghĩ về viễn cảnh thay thế các hệ thống sưởi trung tâm bằng “hệ thống quản lý nhiệt độ cá nhân”, sử dụng những chất liệu vải thoáng mát có phủ thêm một lớp dung dịch dây nano bạc. Những loại vải này không chỉ giữ lại nhiệt từ cơ thể, mà chỉ cần thêm rất ít điện tích từ ma sát, chúng cũng đã có thể làm ấm cơ thể.

Các nhà khoa học khác đang tìm cách để khiến cho vải có thể biến nhiệt hoặc vận động từ cơ thể thành năng lượng có thể sử dụng được cho các thiết bị điện tử dùng điện áp thấp. Và họ cũng có một chút hy vọng trong việc làm khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ của các loại vải thông minh có thể tự hoạt động mà không cần các loại chất lỏng, vì các phần tử chất lỏng siêu nhỏ có màng bọc cần sử dụng một lượng năng lượng đáng kể. Việc chuyển trọng tâm từ quần áo ngoài trời sang quần áo mặc trong không gian kín – từ chiến đấu với các nguyên tố đến năng lượng sử dụng hàng ngày và điều chỉnh nhiệt độ – đã định hình lại nhiều thập niên của cải tiến trong vải vóc một cách đáng kể, biến vải vóc trở thành một phần của chủ đề lớn về năng lượng và môi trường.

Tuy nhiên, hạ thấp giá trị của vải vóc bằng cách nghĩ về chúng đơn giản chỉ với những chức năng tiện dụng là chúng ta đã bỏ lỡ mặt thu hút của chúng. Từ trước đến giờ, vải vóc đã được sử dụng cho mục đích trang trí, nguồn gốc của những vui thú cho các giác quan của chúng ta – kể cả từ thời đồ đá, phụ nữ đã mặc những chiếc váy sexy làm bằng dây. Đó là lý do tại sao thuốc nhuộm lại quan trọng đến vậy trong lịch sử ngành hóa học, và lịch sử ngành thương mại.

Trong thời đại của chúng ta, thời đại của máy tính, một cách tự nhiên, nhu cầu sở hữu những tấm vải đẹp đã đi tìm câu trả lời ở công nghệ thông tin. Trong thập kỷ qua, công nghệ in phun trên vải đã phát triển rất mạnh. Thay vì phải sử dụng một khuôn in riêng cho mỗi màu, công nghệ in kỹ thuật số có thể in toàn bộ thiết kế cùng một lúc. Vì vậy, đây là lần đầu tiên các nhà thiết kế có thể dùng bao nhiêu màu tùy thích, và bất kể thiết kế nào họ muốn. Mặc dù trong các sản phẩm vải in hoa thì chỉ có ít hơn 5 phần trăm là sử dụng công nghệ này, in kỹ thuật số đã thay đổi diện mạo của quần áo. Công nghệ này đã đưa những họa tiết đầy màu sắc trở thành xu thế nổi bật trong thời trang dành cho phụ nữ, cũng như trên những trang web thiết kế hoa văn và họa tiết được đóng góp bởi cộng đồng như Threadless và Spoonflower.

Những khách hàng yêu thích các thiết kế này không nghĩ quá nhiều về điều đã tạo nên chúng. Nhưng chính sự vô hình của vải vóc lại chứng tỏ sức mạnh của chúng. Chúng ta nghĩ về vải vóc như một lẽ tự nhiên. Nhu cầu đằng sau việc tạo ra công nghệ đeo được (wearable technology) là hợp lý, kể cả khi những sản phẩm được phát minh từ trước đến giờ đều có vẻ kỳ cục. ‘Hãy tưởng tượng một loại vải có cấu trúc là một sự pha trộn giữa các loại sợi khác nhau, và mỗi loại sợi có một chức năng riêng như các phần của một mạch điện, ví dụ như một loại sợi ắc quy, một loại sợi năng lượng mặt trời, và một loại sợi ăng-ten,” chuyên gia công nghệ thời trang người Mỹ Amanda Parkes viết trong trang lời ngỏ của chủ biên trên báo Business of Fashion. “Loại vải này có thể trở thành một “mạch điện vải” tự duy trì, có năng lượng riêng và khả năng tương tác, nhưng công nghệ nằm phía trong về cơ bản là vô hình.”

Nếu mục tiêu của chúng ta là thu nhỏ khoảng cách giữa tự nhiên và nhân tạo, giữa chúng ta và những vật vô tri, không có công nghệ nào quyền lực như vải vóc. Gần gũi và thiết yếu, vải vóc có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nó là một trong những phát minh vĩ đại nhất của trí khôn con người. Và nó cũng là một phần của làn da chúng ta.


  1. Nguyên gốc tác giả viết “Oh, swish!”. Swish ở đây mang nghĩa là vung tay một cách duyên dáng để phô diễn bộ trang phục.

  2. Arthur C. Clarke (1917 – 2008) là một nhà văn khoa học viễn tưởng người Anh, là tác giả của bộ tiểu thuyết A Space Odyssey. Ông đặt ra 3 châm ngôn (chúng thường được biết đến như là Định luật Clarke – Clarke’s three laws), trong đó câu thứ ba là câu nói nổi tiếng nhất và cũng chính là câu được nhắc đến trong bài viết này: “Any sufficiently advanced technology is indistinguishable from magic.” (“Bất kỳ công nghệ nào đủ tiên tiến cũng sẽ không khác gì ma thuật.”)

  3. Đế quốc Mogul là một vương quốc đã từng nắm quyền trị vì phần lớn Nam Á từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.

  4. Văn minh Minoan là một nền văn minh thời đại đồ đồng ở Crete đã thống trị vùng biển Aegea, phát triển phồn thịnh vào khoảng từ năm 2700 tới năm 1450 trước Công Nguyên. Họ nổi tiếng là những người tiên phong và phát triển rực rỡ trong lĩnh vực hàng hải bởi vị trí thuận lợi, nằm ở điểm giao nhau của các tuyến đường thương mại.

  5. Trong thần thoại Hy Lạp, Daedalus là một nghệ nhân và nhà phát minh vô cùng nổi tiếng. Ông chính là người đã tạo ra mê cung Labyrinth để nhốt quái vật Minotaur, và mê cung này phức tạp đến mức ai bước vào cũng khó mà thoát ra được.

  6. Nền văn minh Aegean là một thuật ngữ chung cho các nền văn minh Thời đại đồ đồng của Hy Lạp xung quanh biển Aegean. Có ba khu vực địa lý khác nhau nhưng giao tiếp và tương tác được bao phủ bởi thuật ngữ này: Bêlarut, Cyclades và lục địa Hy Lạp.

  7. Tiểu Á, hay Anatolia, là một bán đảo của châu Á mà ngày nay thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, bắc giáp với Biển Đen, nam giáp Địa Trung Hải, ngăn cách với châu Âu bởi biển Aegea và biển Marmara (đều thuộc Địa Trung Hải) ở phía tây và giáp với phần đất đai rộng lớn còn lại của châu Á ở phía đông.

  8. Định luật Moore: là dự đoán của Gordon E. Moore – đồng sáng lập của Intel – rằng số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm trong khi giá máy tính giảm một nửa. 

    Định luật Moore cho rằng mọi người có thể hi vọng rằng tốc độ và khả năng của máy tính sẽ tăng lên sau mỗi vài năm và chỉ cần bỏ ít tiền hơn để mua chúng. Một nguyên lí khác của định luật Moore là sự tăng trưởng này diễn ra theo cấp số nhân.

  9. một số lượng lớn các nhà phát minh và hãng sản xuất các loại chíp silicon (bộ xử lý vi mạch bằng silic). Sau đó “Silicon Valley” trở thành cái tên hoán dụ cho tất cả các khu thương mại công nghệ cao (high tech) trong khu vực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất