a
§ Tác giả: Ferris Jabr | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Za
29/04/2018

Chúng ta gọi đó là những hòn đá tiên. Chúng chỉ là những viên đá nhỏ đầy màu sắc – loại đá mà bạn có thể mua về để trang trí bể cá – được trộn lẫn trong bể cát vui chơi ở trường mẫu giáo của chúng tôi. Nhưng đối với tôi và các bạn của tôi lúc đó, những hòn đá này là cả một gia tài ma thuật. Chúng tôi săn tìm chúng như thể tìm kho báu, rồi cẩn thận phân chia ra thành từng loại: đá sapphire, ngọc bích và hồng ngọc. Một trong những kí ức đầu tiên của tôi là về việc ngồi bên đống cát tìm kiếm những viên đá quý bí ẩn. Khi đó, tôi nhiều nhất là ba tuổi. Kí ức về thời mẫu giáo đọng lại thành từng khoảnh khắc nhỏ lẻ, như khi tôi tập tô chữ nét đứt trên tờ giấy nâu vàng, xem những bộ phim về sinh vật biển, hay khi cô giáo cắt giấy từ những cuộn giấy siêu to để chúng tôi có thể tự họa chân dung bằng ngón tay.

Khi tôi thử hồi tưởng lại cuộc sống của mình trước khi lên năm, tôi chỉ có thể triệu hồi được những kí ức le lói, như những que diêm vụt sáng trong bóng tối. Nhưng tôi biết rằng khi đấy tôi đã biết suy nghĩ, biết cảm nhận và cũng đã học được rất nhiều. Thế thì những năm tháng đó đã đi về đâu?

Các nhà tâm lý học đặt tên cho hiện tượng mất trí nhớ ngoạn mục này là “chứng mất trí nhớ tuổi thơ” (childhood amnesia). Trung bình, con người không thể nhớ được những gì xảy ra trước lúc họ ba tuổi rưỡi. Mọi thứ diễn ra trước đó đều là một vực thẳm tối tăm. “Đây là một hiện tượng được quan tâm từ lâu,” theo lời của Patricia Bauer từ Đại học Emory, và là một chuyên gia hàng đầu về phát triển trí nhớ. “Hiện tượng này cần tới sự quan tâm của chúng ta vì nó chứa đựng một nghịch lý: Những đứa trẻ từ rất nhỏ đã cho thấy rằng chúng có trí nhớ về những sự kiện xảy ra trong cuộc sống, tuy nhiên, chúng ta, những người lớn có khá ít kí ức về thời gian này.”

Trong những năm vừa qua, các nhà khoa học cuối cùng đã có thể khám phá ra được chính xác điều gì đã xảy ra trong trí não khi chúng ta bỏ lại kí ức về những năm tháng đầu đời. Paul Frankland, một nhà thần kinh học ở Bệnh viện Nhi tại Toronto cho biết: “Chúng ta đang đưa thêm nền tảng sinh học vào trong vấn đề này.” Ngành khoa học mới này cho rằng trí não phải từ bỏ một phần lớn những kí ức ngày còn bé như bước tất yếu để đến với thời kì trưởng thành.

Trí não phải từ bỏ một phần lớn những kí ức ngày còn bé như bước tất yếu để đến với thời kì trưởng thành.

Sigmund Freud đã đề xuất thuật ngữ “chứng mất trí nhớ tuổi thơ” vào những năm đầu thế kỉ XX. Ông cho rằng người trưởng thành quên đi những năm đầu tiên của cuộc đời trong quá trình giải phóng những kí ức khó chịu về sự trỗi dậy của dục tính. Trong khi nhiều nhà tâm lý học thấy được những giá trị của ý kiến này, lời giải thích được công nhận một cách rộng rãi cho hiện tượng mất trí nhớ tuổi thơ vẫn là vì trẻ em đơn giản không thể hình thành được những kí ức ổn định tới khi chúng được bảy tuổi. Tuy nhiên, chẳng có lấy bất kì bằng chứng nào để hỗ trợ ý kiến này. Trong gần 100 năm, các nhà tâm lý học đã cho rằng những kí ức thời thơ ấu không thể tồn tại lâu được là vì chúng thậm chí chưa bao giờ tồn tại.

Những năm cuối thập niên 80 thể kỉ XX đã đánh dấu sự chuyển mình của ngành tâm lý học trẻ em. Bauer và những nhà tâm lý học khác bắt đầu kiểm tra trí nhớ của trẻ em bằng việc thực hiện một chuỗi hành động – ví dụ như dựng một mô hình chuông đồng đồ chơi đơn giản và bắt đầu đánh – sau đó chờ đợi xem liệu đứa trẻ có thể bắt chước và thực hiện hành động theo đúng thứ tự được hay không. Thời gian giữa hai lần thực hiện là từ vài phút cho đến hàng tháng.

Thí nghiệm này nối thí nghiệm khác đã cho thấy rằng trẻ dưới ba tuổi thực sự có kí ức, mặc dù còn nhiều hạn chế. Lúc sáu tháng tuổi, kí ức của trẻ chỉ kéo dài trong vòng ít nhất một ngày; lúc chín tháng, thời gian tăng lên một tháng; đến khi hai tuổi, trí nhớ sẽ kéo dài trong vòng một năm. Và trong một thí nghiệm lịch sử vào năm 1991 (1), một nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em bốn tuổi rưỡi có thể nhớ được kí ức từ chuyến đi chơi đến Disney World 18 tháng trước. Tuy nhiên, khi được tầm sáu tuổi, trẻ em bắt đầu quên dần những kí ức từ những năm tháng đầu đời. Trong một thí nghiệm vào năm 2005 của Bauer và các đồng nghiệp của cô, trẻ năm tuổi rưỡi có thể nhớ được hơn 80 phần trăm kí ức về nhưng trải nghiệm năm ba tuổi, trong khi đó trẻ bảy tuổi rưỡi chỉ còn nhớ được khoảng 40 phần trăm (2).

Công trình này đã trình bày một cách rõ ràng những mâu thuẫn cơ bản tồn tại xung quanh chứng mất trí nhớ tuổi thơ: Trẻ em có kí ức và có thể nhớ được chúng trong những năm đầu tiên của cuộc đời, tuy nhiên, những kí ức này cuối cùng sẽ biến mất với một tốc độ nhanh hơn nhiều so với tốc độ của người lớn quên đi những điều đã xảy ra khi đã trưởng thành.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, có thể, trí nhớ sống sót được còn phụ thuộc vào khả năng ngôn ngữ và nhận thức về cái tôi. Cả hai điều này đều không có khi chúng ta còn là một đứa bé. Mặc dù việc giao tiếp ngôn ngữ và ý thức về bản thân chắc chắn đã củng cố những kí ức của con người, nhưng việc thiếu đi hai điều này cũng không thể giải thích trọn vẹn được hiện tượng mất kí ức tuổi thơ. Sau tất cả, một vài loài động vật nhất định sở hữu bộ não lớn và phức tạp so với kích cỡ cơ thể của chúng nhưng lại không có ngôn ngữ hay khả năng nhận thức bản thân được như con người, ví dụ như chuột, cũng mất kí ức có được khi còn nhỏ.

Những nhà nghiên cứu giải thích rằng, có thể, khi ấy, mâu thuẫn này dựa trên một nền tảng vật lý quan trọng và đó là điểm tương đồng giữa các loài động vật có vú có bộ não lớn nói chung, trong đó có con người. Câu hỏi là, nền tảng đó là gì?

Từ lúc sinh ra cho đến giai đoạn đầu của thời thiếu niên, não của chúng ta vẫn không ngừng thiết lập mạch cơ bản và củng cố các đường truyền điện với các mô mỡ giúp chúng dẫn truyền hiệu quả hơn. Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, não mở ra vô vàn những liên kết mới giữa các nơ-ron. Trên thực tế, số liên kết nơ-ron mà chúng ta có trong những năm đầu đời nhiều hơn so với số liên kết còn lại mà ta có được khi trưởng thành. Phần lớn chúng đã được lược bớt đi. Những phần liên kết dư thừa trong não giống như phần đất sét ướt được nhào nặn bởi gen và những trải nghiệm để tạo ra một bộ não phù hợp với môi trường riêng của nó. Nếu không có một bộ não linh động như thế, những đứa trẻ sẽ không thể nào học nhanh và nhiều được như những gì chúng thể hiện.

Bauer và những người khác khám phá ra rằng khả năng thích nghi này cũng có cái giá của nó. Ông giải thích, khi não bộ trải qua quá trình phát triển kéo dài từ sau khi sinh ra, mạng lưới rộng lớn và phức tạp nối các khu vực khác nhau trong não – những khu vực cùng nhau tạo ra và lưu giữ những kí ức – vẫn đang trong quá trình xây dựng. Vì thế nên chúng không thể hình thành kí ức như ở người lớn. Kết quả là, những kí ức dài hạn được hình thành vào ba năm đầu tiên của cuộc đời chính là những kí ức kém ổn định nhất của chúng ta và có xu hướng phai mờ đi khi chúng ta lớn dần (3).

Vào đầu năm nay, Frankland và những đồng nghiệp của ông đã công bố một nghiên cứu chỉ ra não đã bỏ lại những kí ức về tuổi thơ bằng một cách khác: chúng không chỉ phai mờ đi mà còn có thể bị chôn giấu hoàn toàn (4). Vài năm trước, Frankland và vợ ông – Sheena Josselyn – cũng là một nhà thần kinh học tại Bệnh Viện Nhi, bắt đầu để ý thấy những con chuột trong nghiên cứu của họ thực hiện một số bài kiểm tra trí nhớ kém hơn sau khi sống trong lồng có bánh xe chạy.

Như những gì mà họ biết, bài tập với bánh xe sẽ thúc đẩy hệ thần kinh, làm tăng khả năng sinh sôi của những nơ-ron mới ở hồi hải mã (hippocampus), một khu vực trong não có hình cá ngựa và có vai trò quan trọng với kí ức. Nhưng trong khi sự phát triển mô hệ thần kinh ở hồi hải mã của người lớn đóng góp vào khả năng học tập và ghi nhớ, Karl Deisseroth của Đại học Stanford và những người khác lại cho rằng (5), sự phát triển này bắt buộc phải quên đi một số kí ức. Cũng giống như trong một khu rừng chỉ có chỗ cho một số loại cây nhất định, hồi hải mã cũng chỉ đủ chỗ cho một số lượng nơ-ron nhất định. Những nơ-ron mới có thể sẽ lấp đầy thậm chí là chiếm mất chỗ của những nơ-ron cũ, điều này có thể đã làm gãy hoặc tái cơ cấu các mạch nhỏ, nơi có khả năng đang lưu trữ những ký ức cá nhân. Có thể, chính tốc độ phát triển cực kì nhanh của hệ thần kinh vào thời thơ ấu phần nào đã gây ra chứng mất trí nhớ tuổi thơ.

Để kiểm chứng ý tưởng này qua các bài kiểm tra, Frankland và Josselyn đã chuyển những con chuột bé và chuột trưởng thành từ những lồng nhựa cỡ hộp giày mà chúng đã quen thuộc sang lồng sắt mà chúng chưa bào giờ thấy trước đây. Ở nơi ở mới này, họ kích điện nhẹ vào chân loài gặm nhấm này. Con chuột nhanh chóng liên hệ cú sốc điện với cái cũi sắt, từ đó chúng trở nên sợ hãi đến mức cứng đơ người bất cứ khi nào chúng quay trở lại cũi sắt.

Trong khi những con chuột nhỏ bắt đầu quên về mối liên hệ này chỉ sau một ngày, chúng vẫn thoải mái ở trong cũi sắt, những con chuột trưởng thành thì không bao giờ quên mối nguy hiểm ấy. Nhưng khi những con chuột trưởng thành chạy trên vòng quay sau cú giật điện, chúng cũng giống như những con chuột con, bắt đầu quên đi kí ức này. Prozac, một chất đẩy mạnh sự phát triển của nơ-ron, cũng cho thấy tác động tương tự. Ngược lại, khi những nhà nghiên cứu kìm hãm sự phát triển hệ thần kinh của những con chuột con bằng thuốc hoặc kĩ thuật biến đổi gen, những con chuột con lại có được những kí ức ổn định hơn.

Để có một cái nhìn rõ hơn về cách mà phát triển hệ thần kinh có thể thay đổi trí nhớ, Frankland và Josselyn sử dụng một virus để đưa một gen có thể mã hóa protein phát quang xanh (GFP)1 thành DNA trong những tế bào não mới xuất hiện của con chuột. Những vệt sáng xanh đã cho thấy tế bào mới không thay thế tế bào cũ, thay vào đó, chúng nhập vào với những mạch sẵn có. Điều này cho thấy chính xác thì nhiều mạch nơ-ron có chứa những kí ức tuổi thơ của chúng ta không bị mất đi bởi quá trình phát triển hệ thần kinh. Thay vào đó, chúng được cấu tạo lại một cách cẩn thận, điều này có thể giải thích tại sao những kí ức từ thuở ban đầu rất khó để hồi tưởng lại. Frankland nói rằng: “Chúng tôi nghĩ, vấn đề ở đây chính là khả năng tiếp cận những kí ức này, nhưng điều này cũng có vẻ là một vấn đề liên quan đến cả ngữ nghĩa nữa. Vì nếu kí ức không thể tiếp cận được, điều này cũng có nghĩa nó có thể bị xóa đi hoàn toàn.”

Sự tái cấu trúc của mạch trí nhớ có nghĩa là, trong khi một số kí ức hoàn toàn biến mất, số còn lại chỉ tồn tại một cách rải rác và phân tán. Những nghiên cứu đã cho thấy rằng người ta ít nhất cũng thể lấy lại một số kí ức tuổi thơ bằng cách phản ứng với các kích thích nhất định – ví dụ như gợi nhớ lại kí ức đầu tiên liên quan đến những từ như “sữa” – hoặc bằng việc tưởng tượng đến ngôi nhà, trường học hay một địa điểm gắn bó trong một độ tuổi nào đó và khiến cho những kí ức liên quan tự xuất hiện.

Sự tái cấu trúc của mạch trí nhớ có nghĩa là, trong khi một số kí ức hoàn toàn biến mất, số còn lại chỉ tồn tại một cách rải rác và phân tán.

Ngay cả nếu chúng ta có thể tháo gỡ một số kí ức đặc biệt đã sống sót qua vòng phát triển và thoái hóa đầy hỗn loạn của bộ não trẻ em, chúng ta cũng không thể tin tưởng chúng hoàn toàn; một số kí ức trong số này có thể một phần hoặc hoàn toàn là do thêu dệt nên. Qua những nghiên cứu tiên phong của mình, Elizabeth Loftus của Đại học California, Irvine đã chứng minh rằng những kí ức đầu tiên của chúng ta thường là hỗn hợp của hồi tưởng chính xác, lời tường thuật của những người khác và cả những cảnh tượng được dựng lên bởi tiềm thức.

Trong một thí nghiệm mang tính đột phá vào năm 1995, Loftus và đồng nghiệp của mình đã cho các tình nguyện viên xem những mẩu chuyện nhỏ về tuổi thơ của họ được cung cấp bởi những người thân, họ hàng (6). Tuy nhiên những người tham gia không biết được rằng, một trong số những câu chuyện đó – câu chuyện về việc đi lạc trong trung tâm mua sắm lúc năm tuổi, thực sự chỉ là chuyện bịa. Tuy nhiên một phần tư những người tham gia cuộc thử nghiệm nói rằng họ có nhớ về trải nghiệm này. Và mặc dù khi đã được thông báo rằng một trong những câu chuyện trên là chuyện bịa thì một số người tham gia vẫn không thể nhận ra được đó chính là câu chuyện đi lạc.

Những kí ức đầu tiên của chúng ta thường là hỗn hợp của hồi tưởng chính xác, lời tường thuật của những người khác và cả những cảnh tượng được dựng lên bởi tiềm thức.

Khi tôi mới chập chững, tôi đã đi lạc ở Disneyland. Đây là những gì mà tôi còn nhớ: Đó là tháng 12 và lúc đấy tôi đang xem xe lửa chạy vòng vòng trong một mô hình ngôi làng giáng sinh. Khi tôi ngoảnh đầu lại, bố mẹ không còn ở đó nữa. Nỗi sợ lan trên cơ thể tôi như chất mật đặc quánh và lạnh cóng. Tôi bắt đầu khóc lóc và đi lang thang trong công viên tìm kiếm bố mẹ. Một người lạ tiến đến chỗ tôi và đưa tôi đến một toàn nhà lớn chứa đầy màn hình TV chiếu những đoạn video thu từ các camera khắp công viên. Tôi có thấy bố mẹ qua màn hình không? Không. Chúng tôi quay trở lại chỗ xe lửa, ở đó tôi đã tìm thấy bố mẹ mình. Tôi chạy đến trong vòng tay họ, lòng ngập tràn niềm vui và sự nhẹ nhõm.

Gần đây, lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi hỏi mẹ chính xác điều gì đã xảy ra vào ngày hôm đó ở Disneyland. Mẹ kể rằng, hôm đấy là mùa hè hoặc mùa xuân gì đấy, và lần cuối cùng họ thấy tôi trước khi tôi đi lạc là khi tôi đứng cạnh chỗ những con thuyền Jungle Cruise điều khiểu từ xa, chứ không phải chỗ đoàn tàu hỏa ở lối vào công viên. Ngay khi họ phát hiện ra tôi đi lạc, họ đã đến thẳng trung tâm Tìm trẻ lạc, nhân viên của công viên đã tìm thấy tôi và đưa tôi đến trung tâm, ở đây tôi đã được dỗ dành bằng một que kem.

Điều này thật khó chịu vì những kí ức tôi vẫn luôn đinh ninh là đúng lại mâu thuẫn như vậy, vì thế nên tôi đã hỏi mẹ tìm lại cuốn album ảnh gia đình để tìm những bằng chứng xác thực. Bà chỉ có thể tìm lại được những bức ảnh từ các chuyến đi trước đó. Chúng tôi gần như không có những bằng chứng hiện vật gì về chuyện đã xảy ra ngày hôm ấy. Chúng tôi chỉ còn lại những kí ức khó nắm bắt: những đốm lửa li ti trong tro tàn của quá khứ, khắc dấu vào tâm trí chúng ta, lấp lánh như ánh vàng giả.

 

Nguồn tham khảo:

1. Hamond, N.R. & Fivush, R. Memories of Mickey Mouse: Young children recount their trip to Disneyworld. Cognitive Development 6, 433-448 (1991).

2. Van Abbema, D.L. & Bauer, P.J. Autobiographical memory in middle childhood: recollections of the recent and distant past. Memory 13, 829-845 (2005).

3. Bauer, P.J. The Life I Once Remembered (2009).

4. Akers, K.G. et al. Hippocampal neurogenesis regulates forgetting during adulthood and infancy. Science 344, 598-602 (2014).

5. Deisseroth, K. et al. Adult excitation-neurogenesis coupling: mechanisms and implications. Stanford University.

6. Loftus, E.F. & Pickrell, J.E. The formation of false memories. Psychiatric Annals 25, 720-725 (1995).


  1. GFP là một loại protein có thể phát ra ánh sáng huỳnh quang màu xanh cây khi đặt dưới ánh đèn cực tím được lấy từ sứa (theo Wikipedia). GFP được sử dụng như một chất đánh dấu trong nghiên cứu sinh – hóa. GFP đã đem lại giải thưởng Nobel Hóa Học 2008 cho Roger Y. Tsien, Osamu Shimomura và Martin Chalfie, những người đã phát hiện và nghiên cứu về ứng dụng của chất này. Bạn đọc có thể tìm hiểm thêm về lịch sử và ứng dụng của GFP tại đây. http://khoahoc.tv/cau-chuyen-phat-minh-gfp-chat-danh-dau-ky-dieu-21838

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất