Vào thập niên 80, sau nhiều năm làm việc tại Châu Á, nhà báo và tiểu thuyết gia người Ý Tiziano Terzani đã lánh mình trong một túp lều tại tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Ông đã viết trong tập bút kí hành trình của mình có tên Một nhà tiên tri đã bảo tôi: “Trong một tháng liền, tôi không có ai để nói chuyện cùng, ngoại trừ chú chó Baoli của mình.” Ông đã dùng thời gian bằng cách đọc sách và quan sát thiên nhiên, “lắng nghe tiếng gió thổi trên cây, ngắm nhìn những chú bướm và tận hưởng sự yên lặng.” Lần đầu tiên sau một thời gian dài, ông cảm thấy được tự do khỏi những mối bận tâm thường ngày dai dẳng. “Cuối cùng thì tôi cũng có thì giờ để nhàn rỗi.”
Tuy nhiên, niềm hứng thú của Terzani đối với cuộc sống ẩn dật tương đối lạ lẫm: Loài người từ lâu đã kì thị việc ở một mình. Sống đơn độc bị coi là bất tiện, là một thứ cần phải tránh, một hình phạt, một thế giới chỉ dành cho những kẻ cô đơn. Khoa học thường gắn sự đơn độc với những hệ quả tiêu cực. Freud, người đã liên hệ sự cô độc với chứng lo âu, đã nhận xét rằng “ở những đứa trẻ, những hội chứng ám ảnh sợ hãi đầu tiên thường liên quan đến cô đơn và bóng tối.” John Cacioppo, nhà thần kinh học xã hội hiện đại nghiên cứu chuyên sâu về sự cô đơn – hay theo cách gọi của ông là “sự cô lập kinh niên” – đã kết luận rằng, ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng tư duy của chúng ta, sự cô lập thậm chí còn có thể gây hại đến cả sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà khoa học nghiên cứu sự cô độc dưới góc độ một biện pháp trị liệu, nếu như được thực hiện một cách tự nguyện.
Loài người từ lâu đã kì thị việc ở một mình. Sống đơn độc bị coi là bất tiện, là một thứ cần phải tránh, một hình phạt, một thế giới chỉ dành cho những kẻ cô đơn.
Điều này đặc biệt có hiệu quả trong những khoảng thời gian mà mọi người trải qua những biến động cá nhân, khi mà theo bản năng, người ta thường sẽ tìm nguồn động viên từ thế giới bên ngoài. “Khi người ta phải đối mặt với khủng hoảng, điều quan trọng không chỉ là bạn như thế nào, mà là, trong xã hội bạn là ai,” Jack Fong, nhà xã hội học nghiên cứu về sự cô độc tại Đại học California State Polytechnic giải thích. “Khi người ta dành thời gian để khám khá sự cô độc của mình, họ sẽ không chỉ bị buộc phải đối mặt với con người thật của mình, mà còn sẽ học một ít về cách làm thế nào để chiến thắng những tiêu cực xung quanh họ trong môi trường xã hội.”
Nói cách khác, khi người ta tách mình ra khỏi bối cảnh xã hội của cuộc đời họ, họ có thể hiểu được rõ hơn liệu bối cảnh đó đã hình thành con người họ như thế nào. Thomas Merton, một mục sư phái Luyện tâm (Trappist monk1) và một nhà văn, người đã dành nhiều năm sống một mình, cũng có chung suy nghĩ như trên. “Chúng ta không thể thông suốt mọi việc cho tới khi dừng ôm trọn mọi thứ vào lòng,” ông đã viết như thế trong cuốn Thoughts in Solitude (Tạm dịch: Bàn về sự đơn độc).
Phần lớn quá trình tự nhận thức này xảy ra trong suốt những “khoảnh khắc hiện sinh,” theo cách gọi của Fong, chính là những khoảnh khắc minh triết có thể xảy ra khi ta đơn độc và tập trung vào thế giới nội tâm của bản thân. Fong phát triển ý tưởng này khởi nguồn từ giả thuyết của nhà xã hội học Kurt Wolff về sự giác ngộ cá nhân bằng cách “trao đi để nhận lại.”
“Khi bạn có được những khoảnh khắc (một mình), đừng cố chống lại chúng. Hãy chấp nhận bản chất của chúng. Hãy để cho chúng xuất hiện một cách điềm tĩnh và chân thật và cũng đừng cố chối bỏ,” Fong nói. “Những khoảng khắc ở một mình không nên là thứ khiến bạn phải sợ hãi.”
Tuy nhiên, cùng lúc đó, không đơn giản chỉ là ở một mình (mà có thể đạt được những khoảnh khắc minh triết). “Đây là một quá trình nội tâm sâu sắc hơn thế nữa,” Matthew Bowker, một nhà lý luận chính trị theo học thuyết phân tích tâm lý nghiên cứu về sự cô độc tại trường Đại học Medaille, nhận xét. Sự đơn độc có hiệu quả đòi hỏi ta khám phá nội tại bản thân, một công việc không có gì là thoải mái, hoặc thậm chí là rất đau khổ. “Có lẽ ta cần phải bỏ ra ít công sức trước khi nó có thể trở thành một trải nghiệm dễ chịu. Nhưng một khi điều này xảy ra, nó trở thành mối quan hệ có lẽ là quan trọng nhất mà mà bất kì ai có thể có được, mối liên hệ với chính bản thân mình.”
Tuy nhiên, trong xã hội siêu kết nối ngày nay của chúng ta, Bowker cho rằng, “Đã lâu rồi giá trị của sự đơn độc mới giảm như hiện nay.” Ông trích dẫn một nghiên cứu gần đây tại Đại học Virginia, trong đó, một phần tư số nữ giới và hai phần ba nam giới tham gia vào nghiên cứu thà chọn việc bị điện giật còn hơn là bị bỏ lại một mình cùng với những suy tư của bản thân. Bowker nhận thấy sự ghét bỏ đơn độc xuất hiện trong cả văn hóa đại chúng. Ông chỉ ra ví dụ như những con ma cà rồng trước đây thường được miêu tả như những người sống tách biệt, ẩn dật, thế nhưng bây giờ bạn sẽ lại thấy trên màn ảnh, họ trông giống những người có vai vế trong xã hội và quyến rũ hơn.
Mặc dù nhiều nhà tư tưởng vĩ đại như Lão Tử, Moses, Nietzsche, Emerson Woolf (“How much better is silence; the coffee cup, the table”2) đã luôn cổ vũ những lợi ích về mặt trí tuệ và tinh thần của sự đơn độc, nhiều người trong thế giới hiện đại có vẻ sẵn sàng bất chấp tất cả để trốn tránh nó. “Bất cứ khi nào chúng ta có thời gian để chạy bộ, chúng ta lại đeo tai nghe. Bất cứ khi nào chúng ta ngồi trong ô tô, chúng ta lại nghe radio,” Bowker than thở. “Những học trò của tôi giờ đây còn bảo rằng chúng không thể vào nhà vệ sinh mà thiếu điện thoại.”
Điều này không nhằm ám chỉ rằng sự đơn độc đích thực nhất thiết đòi hỏi các kích thích phải biến mất. Thay vào đó, “giá trị của sự đơn độc phụ thuộc vào việc liệu một cá nhân có thể tìm thấy sự tĩnh lặng bên trong hay không,” như lời của Bowker. Về phương diện này, mỗi người mỗi khác: “ Một số có thể đi dạo hoặc nghe nhạc và cảm thấy được mối liên hệ mật thiết với chính bản thân mình. Số khác thì không.”
“Bất cứ khi nào chúng ta có thời gian để chạy bộ, chúng ta lại đeo tai nghe. Bất cứ khi nào chúng ta ngồi trong ô tô, chúng ta lại nghe radio,” Bowker than thở. “Những học trò của tôi giờ đây còn bảo rằng chúng không thể vào nhà vệ sinh mà thiếu điện thoại.”
Nói chung, Bowker kết luận rằng “việc chúng ta không tin tưởng sự đơn độc” đem lại những hệ quả. Ví như, ông ấy nhận xét “chúng ta trở thành một xã hội mang tính bầy đàn hơn.” Trong A Dangerous Place to Be: Identity, Conflict, and Trauma in Higher Education (tạm dịch: Nơi sống nguy hiểm: Danh tính, Xung đột và và Chấn thương trong Giáo dục bậc cao), cuốn sách sắp xuất bản của Bowker và David Levine, một nhà phân tích tâm lí tại Đại Học Denver, hai tác giả đã truy tìm mối liên hệ giữa giá trị giảm sút của sự đơn độc và những mâu thuẫn tư tưởng đang diễn ra trong khuôn viên các trường đại học. “Chúng ta bị thu hút bởi những dấu hiệu định hình danh tính và những nhóm giúp chúng ta định nghĩa bản thân. Nói một cách đơn giản nhất, sử dụng người khác hơn là những thứ đến từ bên trong để lấp đầy danh tính của mình,” Bowker nói. “Tôi cho rằng, những trường đại học cần phải tạo điều kiện (cho sinh viên) tách mình ra khỏi đám đông.”
Đấy là lúc sự đơn độc phát huy tác dụng. Để tách ly như thế cần phải có cái mà nhà phân tích tâm lý Donald Winnicott vẫn gọi là “khả năng ở một mình.” Đây chính là điều mấu chốt trong cách mà Bowker hình dung về sự cô độc như cách hoàn thiện bản thân. “Bạn cần phải có khả năng đó: khả năng biết được rằng bạn rồi sẽ vượt qua, sẽ ổn thỏa dù bạn không được hỗ trợ bởi đám đông,” Bowker cho biết. “Nói theo cách khác, một người có thể gặp hái được những trải nghiệm nội tâm phong phú trong trạng thái đơn độc thường là những người ít có khả năng cảm thấy cô đơn khi ở một mình.”
Đối với tất cả việc này, vẫn tồn tại một khó khăn tiềm tàng: Để sự đơn độc có thể mang lại kết quả tốt, một số điều kiện tiên quyết cần phải được đáp ứng. Kenneth Rubin, một nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Maryland gọi chúng là “những cái nếu.” Sự đơn độc chỉ có thể phát huy tác dụng nếu: ta tự nguyện; ta có thể điều chỉnh cảm xúc của bản thân một cách hiệu quả; ta có thể hòa nhập vào một nhóm khi muốn; và ta có thể duy trì những mối quan hệ tích cực bên ngoài (nhóm đó). Một khi những điều kiện này còn chưa được đáp ứng thì, vâng, sự đơn độc có thể gây hại. Ví như hiện tượng hikikomori ở Nhật Bản, hàng trăm nghìn người trẻ phiền muộn hay trầm cảm tự mình sống lẩn tránh, đôi khi là cả hàng năm trời, và thường cần đến những biện pháp trị liệu chuyên sâu để tái hòa nhập và sống tiếp. Điều khác biệt giữa loại cô độc làm tái sinh và loại cô độc gây tác hại nằm ở chất lượng của những suy ngẫm về bản thân mà một người có được trong khoảng thời gian đó và khả năng tái hòa nhập với xã hội khi người đó muốn.
Khi những điều kiện tiên quyết đó được thỏa mãn, sự đơn độc có thể giúp ta phục hồi. Đối với Fong, người dành ra 15 phút mỗi ngày để ngồi thiền và đi cắm trại một mình mỗi tháng, sự đơn độc rất quan trọng, ít nhất cũng ngang với việc tập thể dục hay ăn uống bổ dưỡng. Có thể, ông nói, điều này là cần thiết để có một tinh thần thực sự khỏe mạnh. “Sự đơn độc thực sự có thể giúp chúng ta thoát khỏi những khó khăn. Nó có một khả năng mạnh mẽ giúp chúng ta hiểu được vị trí của mình trong vũ trụ này.”
Tuy nhiên, những nghiên cứu về sự đơn độc như một tác động tích cực còn mới mẻ, thế nên rất khó để giải thích điều này một cách chính xác trên phương diện khoa học: ví dụ như, chúng ta không biết mức độ đơn độc lý tưởng là bao nhiêu, hay thậm chí cũng không biết cái mức độ lý tưởng ấy có tồn tại hay không. Khả năng cao là mỗi người sẽ có một mức độ khác nhau. Nhưng những nhà nghiên cứu khuyên rằng nên tận dụng bất kì thời gian nào có thể để tận hưởng sự đơn độc, bằng việc ngồi thiền, đi bộ, hay đi cắm trại một mình. Bowker cố gắng luôn lái xe trong yên lặng. Mục đích là để tránh khỏi những tương tác xã hội và hướng cái nhìn vào bên trong, bằng phương pháp nào phù hợp với bạn nhất. “Sự đơn độc không có một hình dạng nhất định, nó bất định,” Fong nói.
Sau một tháng ở ẩn tại Nhật Bản để “chỉnh đốn lại bản thân,” Terzani, vốn đã là một nhà báo nổi tiếng tại Ý, đã tiếp tục sự nghiệp thành công với tư cách một nhà văn. Dù là một người vô thần, Terzani lại có được một lớp độc giả sùng mộ nhờ những tác phẩm sau này của mình, phần lớn đan xen giữa phóng sự với những trải nghiệm cá nhân và những suy tư triết lý. Sau khi mất vì bệnh ung thư dạ dày vào năm 2004, ông được suy tôn như một bậc thầy và điều này đã gặp phải phản ứng từ giới trí thức, họ gọi đó là một sự xúc phạm đến thông điệp của ông. Ông từng nói: “Người thầy thật sự không phải trong rừng, trong lều hay trong hang đá Himalaya, người thầy thật sự là ở trong mỗi chúng ta.” Ta có thể mường tượng được ông đã đạt tới kết luận này chính trong sự đơn độc.
Trappist là những mục sư thuộc Dòng Thánh Benedict, một nhánh nhỏ trong dòng Xito (Order of Cisterians). Theo lời răn dạy của Thánh Benedict, họ kiệm lời hết mức có thể và chỉ nói khi thật sự cần thiết, vì niềm tin cho rằng lời nói thể hiện ý muốn của bản thân, chứ không phải của Chúa. Các bạn có thể đọc thông tin về Trappist ở đây.↩
Câu trích từ tác phẩm The Waves của Emerson Woolf.↩