a
§ Tác giả: Michael Erard | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Vi | Hiệu đính:  coda
27/08/2022

Mort Felix luôn lấy làm ưng bụng khi nói về cái tên của ông, rằng nếu chiết tự trong tiếng Latinh, nó có nghĩa là “cái chết viên mãn.” Có một dạo từng phải bệnh vì cúm mùa, ông từng nhắc đùa với vợ, bà Susan, rằng mình muốn được nghe bản “Khải hoàn ca” (Ode to Joy) của Beethoven ngân lên bên giường bệnh trước lúc lâm chung. Nói là vậy, nhưng vào lúc giã từ cuộc đời ở độ tuổi 77 hồi năm 2012, nằm trong căn phòng làm việc của mình tại quê nhà Berkeley, California, các tế bào ung thư khi đó đã di căn cùng khắp cơ thể, ý thức cũng phải nhờ đến morphine, Felix không còn màng chút gì đến âm nhạc và bỏ cả ăn khi thể trạng ngày càng teo tóp dần đi trong suốt ba tuần. “Vậy là đủ rồi,” ông bảo với vợ, “Cảm ơn mình, tôi yêu mình, và chỉ vậy là đủ.” Thế rồi sáng hôm sau, lúc Susan trở xuống lầu, bà phát hiện ông đã qua đời.

Trong khoảng thời gian ba tuần yếu dần kia, Felix vẫn có nói chuyện. Ông là một nhà tâm lý học lâm sàng, bên cạnh đó, còn là người đã dành cả đời cho thi ca. Và mặc dù những lời cuối đời chẳng mấy nghĩa lý gì, song, dường như nó là tất cả những gì còn đọng lại từ sự chú tâm đối với ngôn ngữ ở ông. “Bên trong nỗi buồn ẩn chứa quá đỗi nhiều thứ,” có một dạo ông nói. Dạo khác, ông lại bảo “Cứ để mặc tôi thế đi”. “Cảm quan của tôi đã không còn nữa rồi.1” Và điều khiến cho các thành viên trong gia đình ngỡ ngàng nhất, ông – một người cả đời theo chủ nghĩa vô thần lại bắt đầu ảo giác trông thấy các thiên thần và nhất mực càm ràm bởi căn phòng chật ních những người – dẫu rằng thực tế chẳng có một ai.

Trong những ngày tháng cuối đời bên giường bệnh cha, Lisa Smartt, chị con gái 53 tuổi của Felix đã luôn túc trực theo dõi và ghi lại những lời mà cha chị đã nói. Smartt theo đuổi ngành ngôn ngữ học tại Đại học UC Berkeley hồi những năm 1980 và có một công việc giảng dạy kỹ năng nói lẫn viết cho người trưởng thành. Chị kể, đối với chị, công việc phiên âm những lời lẩm nhẩm của Felix đại loại cũng giống như một cơ chế đối phó (coping mechanism2) mà thôi. Bản thân cũng có thể được coi là một nhà thơ (bởi hồi còn bé, chị đã từng mang thơ đi bán, ba bài một penny3, không khác gì với việc bán nước chanh mà mấy đứa trẻ khác hay làm), nên chị đánh giá khá cao cái kiểu cú pháp chông chênh cùng hình tượng siêu thực trong lời nói của cha. Smartt cũng rất trăn trở liệu rằng những ghi chép của chị có chút giá trị khoa học nào không, để rồi sau cùng, chị đã viết thành sách, cuốn Words on the Threshold (Tạm dịch: Trước ngưỡng ngôn từ), xuất bản vào đầu năm 2017, chứa đựng những kiến thức về các loại hình ngôn ngữ trong 2000 lời nói thu thập từ 181 trường hợp những người đang trong tình trạng hấp hối, bao gồm cả cha mình.

Dĩ nhiên quyển sách cũng có những hạn chế của nó, dù vậy, vẫn mang một nét rất riêng – nó là công trình xuất bản duy nhất có khả năng thỏa mãn được trí tò mò của tôi về câu chuyện người ta thực sự đã giao tiếp như thế nào trước khi chết. Tôi có biết đến những tập tài liệu được thu thập về “di ngôn,” vừa khẳng khái vừa rành rọt, nhưng suy cho cùng, chúng vẫn không thể cho thấy được một cách chính xác khả năng ngôn ngữ của những cá nhân đang trong giây phút kề cận cái chết như vậy. Hóa ra rằng không có mấy ai đã từng nghiên cứu qua những loại hình ngôn ngữ học thực chất này, do vậy, để có thể khám phá ra được chút ngặt nghèo nào đó, trước hết, tôi nghĩ chúng ta cần lùi về năm 1921, lùi về và tìm đến công trình của nhà nhân chủng học người Mỹ Arthur MacDonald.

Hóa ra rằng không có mấy ai đã từng nghiên cứu qua những loại hình ngôn ngữ học thực chất này.

Để đánh giá rõ “trạng thái tinh thần của con người ta trước lúc chết,” MacDonald đã lục tung các tuyển tập về di ngôn, rồi cả kho ngữ liệu duy nhất hiện có, phân chia các đối tượng thành 10 nhóm theo tiêu chí nghề nghiệp (chính khách, triết gia, thi sĩ, v.v…), tiếp theo đó, mã hóa những di ngôn của họ ra theo các kiểu châm biếm, khôi hài, hay hiếu chiến, v.v… Rốt cuộc, MacDonald nhận thấy rằng những quân nhân giữ “một tỉ lệ gần như tuyệt đối với mệnh lệnh, chỉ thị hay lời cảnh cáo,” trong khi đó, với các triết gia (bao gồm cả nhà toán học và nhà giáo dục học) lại sử dụng rất nhiều “những câu hỏi, câu trả lời và câu cảm thán.” Phía hoàng gia và giáo xứ thì vận dụng gần như tất thảy các từ có ý chỉ sự toại nguyện hay sự bất mãn, trong khi giới nghệ sĩ và nhà khoa học là những người ít sử dụng nhất.

Công trình của MacDonald “dường như là nỗ lực duy nhất đánh giá di ngôn bằng cách định lượng chúng, và những thành quả gặt được thật đáng tò mò,” học giả người Đức – Karl Guthke đã viết như vậy trong tác phẩm Last Words (Tạm dịch: Di ngôn) của mình, một cuốn sách đề cập đến sự hứng thú có từ bao đời nay của văn hóa phương Tây dành cho chúng. Về cơ bản, công trình của MacDonald cho thấy ta cần thu thập những dữ liệu hoàn thiện hơn nữa về khả năng giao tiếp cả bằng ngôn ngữ lẫn phi ngôn ngữ vào giai đoạn cuối đời. Có một điều mà Guthke luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng di ngôn, kể từ khi nó được biên soạn thành các tuyển tập bằng nhiều ngôn ngữ từ thế kỷ 17, chính là những hiện vật đại diện cho mối quan tâm và niềm đam mê của một thời đại về cái chết, chứ không phải là “sự thật lịch sử trong hình hài của những tập tài liệu.” Chúng có thể cho ta biết đôi chút về khả năng thực sự mà một người trong giai đoạn hấp hối đã truyền đạt những gì.

Một số phương pháp tiếp cận đương đại chọn cách tiến xa hơn cả những độc thoại mang hơi hướng hùng biện ngày xưa và để ý đến những cung bậc cảm xúc lẫn các mối quan hệ giữa chúng. Những đầu sách chẳng hạn như Final Gifts (Tạm dịch: Những tặng vật sau cuối) xuất bản vào năm 1992 bởi hai nữ điều dưỡng trại tế bần Maggie Callanan và Patricia Kelley, hay cuốn Final Conversations (Tạm dịch: Những đối thoại cuối cùng) ra mắt vào năm 2007, viết bởi Maureen Keeley, một học giả chuyên ngành nghiên cứu truyền thông (communication-studies scholar) tại Đại học Bang Texas, đồng tác giả là Julie Yingling, giáo sư danh dự tại Đại học Bang Humboldt, đều xuất phát với mục đích là giúp những ai còn khỏe mạnh có được những cuộc đối thoại quan trọng và ý nghĩa với những người đang mấp mé bên bờ vực cái chết. Giờ đây, sự tập trung dành cho di ngôn ở những thế kỷ về trước đã nhường lại khoảng không cho mối bận tâm đương thời về các cuộc đối thoại lần cuối, hay thậm chí là những tương tác qua lại bằng hình thức phi ngôn ngữ. “Bởi vì các bệnh nhân ai nấy cũng đều trở nên yếu dần đi, thậm chí là nửa tỉnh nửa mê, nên những gì họ tương tác đều trở nên rất khó nhận thấy,” Callanan và Kelley đã viết như thế. “Thậm chí là khi họ không còn chút sức lực nào để cất lời, hoặc cả mất nhận thức, thì họ vẫn nghe được; thính giác là giác quan cuối cùng chết đi.”

Tôi đã có một cuộc nói chuyện với Maureen Keeley ngay sau cái chết của cố Tổng thống George H. W. Bush, và di ngôn của ông (bảo rằng “Ta cũng yêu con” với con trai mình, George W. Bush) được thuật lại tràn lan trên các báo đài. Vậy nhưng, bà cho rằng những câu chữ đó đúng hơn nên đặt trong ngữ cảnh như một mẩu đối thoại (rằng con trai ông sẽ là người cất tiếng nói “Con yêu cha” trước), và cũng tương tự như thế với tất cả những cuộc đối thoại đã từng diễn ra trước đó cùng các thành viên trong gia đình để rồi dẫn đến giây phút kia.  

Keeley cho hay, vào thời điểm cuối đời, đa số những tương tác sẽ đều ở dạng phi ngôn ngữ bởi cơ thể chúng ta đã “tắt ngấm”, đã sức cùng lực kiệt, và thường thì dung tích phổi cũng không còn dư dả cho bất kì phát biểu dài hơi nào. “Họ gần như là thều thào, và nói ngắn gọn với các tiếng đơn lẻ tẻ – như vậy là đã đủ rút cạn hết sức lực mà họ có rồi,” Keeley nói thêm. Thuốc men làm hạn chế việc giao tiếp, cả trạng thái khô miệng và thiếu đến răng giả nữa. Bà còn lưu ý rằng gia quyến nhiều khi nhân lúc bệnh nhân đang trong trạng thái hôn mê để mà nói chuyện, bởi khi đó người bệnh sẽ không thể cắt ngang hay bác bỏ điều gì.

Có nhiều người đã chết trong sự thinh lặng đến tột cùng, nhất là khi họ từng mắc chứng sa sút trí tuệ (dementia) trầm trọng hoặc Alzheimer, những thứ bệnh đã cướp họ khỏi ngôn ngữ từ quá sớm.

Có nhiều người đã chết trong sự thinh lặng đến tột cùng, nhất là khi họ từng mắc chứng sa sút trí tuệ (dementia) trầm trọng hoặc Alzheimer, những thứ bệnh đã cướp họ khỏi ngôn ngữ từ quá sớm. Còn đối với ai vẫn có thể nói được, thì thứ phương ngữ họ nói có vẻ không mấy đặc biệt và nhàm tai. Từ một vị bác sĩ, tôi được kể lại rằng những bệnh nhân thường sẽ nói, “Chết tiệt, chết tiệt thật.” Người khác thì gọi tên vợ của họ, chồng họ, con cái họ. “Một điều dưỡng từ trại tế bần nói tôi hay rằng di ngôn của những người sắp chết nhiều khi giống y nhau,” Hajo Schumacher đã viết như vậy trong một chuyên san tháng Chín trên tạp chí Der Spiegel. “Hầu hết mọi người đều gọi “mommy” hay “mama” khi trút hơi thở cuối cùng.

Dù sao thì chúng vẫn chính là kiểu tương tác khiến tôi lấy làm mê hoặc, phần vì các kết cấu giữa người với người đầy tinh vi đó không hề có ở những trang viết. Một người bạn bên ngành ngôn ngữ học của tôi, lúc đang ngồi bên giường người bà sắp qua đời, anh ấy đã gọi tên bà. Bà mở choàng mắt, bà nhìn về phía anh, và rồi nhắm mắt xuôi tay. Điều mà sự mô tả thuần túy ấy bỏ lỡ, đó chính là việc anh ấy đã ngắc ngứ ra sao khi mô tả lại cho tôi chuỗi sự việc đó, cũng như cách đôi mắt anh đã khẽ rung lên như thế nào.

Chẳng hề có bất kì mô tả nào về các khái niệm cơ bản của di ngôn hay sự tương tác cuối cùng trong văn bản khoa học. Thứ chi tiết tồn tại mang tính ngôn ngữ học nhất là về cơn mê sảng (delirium), thứ hiện tượng mà nó bao gồm các đặc điểm như mất nhận thức, bí từ, bồn chồn và nói không với tương tác xã hội. Mê sảng tác động mạnh và gây ảnh hưởng đến chúng ta dù là ở độ tuổi nào vào giai đoạn hậu phẫu và cũng là một hiện tượng phổ biến về cuối đời, nó là một dấu hiệu thường thấy khi bị mất nước và lạm dụng thuốc giảm đau quá liều (over-sedation). Chứng mê sảng về sau càng ngày xuất hiện càng nhiều, nhà tâm thần học người New Zealand – Sandy McLeod đã viết như vậy, đến nỗi “thậm chí có thể được coi là một điều gì đó bất thường nếu bệnh nhân vẫn còn giữ được tinh thần minh mẫn trong suốt những giai đoạn cuối chống chọi với căn bệnh nan y.” Khoảng một nửa số người hồi phục từ cơn mê sảng hậu phẫu thuật gặp lại tình trạng mất phương hướng lẫn sợ sệt. Trong một nghiên cứu tại Thụy Điển, có một bệnh nhân đã hồi tưởng như thế này: “Dĩ nhiên là tôi có chút mệt sau ca phẫu thuật và mọi thứ … và tôi còn không rõ mình đang ở đâu nữa. Tôi đồ rằng như thể có một màn sương phủ quanh, bằng một cách nào đó … những đường nét trở nên mơ hồ đi trông thấy.” Rốt cuộc là có tất thảy bao nhiêu người gặp phải tình trạng tương tự như vậy khi họ đang tiệm cận với cái chết? Ta chỉ có thể đoán mò mà thôi. 

“Hầu hết mọi người đều gọi “mommy” hay “mama” khi trút hơi thở cuối cùng.

Chúng ta có được một bức tranh toàn cảnh và đầy đủ về thời kỳ đầu của ngôn ngữ là nhờ qua hàng thập kỷ nghiên cứu về trẻ em, về trẻ sơ sinh, thậm chí là cả giai đoạn trẻ nằm trong nôi. Nhưng nếu ta muốn biết rõ sự sống của ngôn ngữ chấm dứt ra sao ở những người sắp chết thì lại như đang lơ lửng giữa chừng không, chẳng còn gì ở chặng kế sau đó để mà tìm hiểu, còn tự việc tìm hiểu lấy thì phải nói là đớn đau. 

Từ sau cái chết của cha, đọng lại trong Lisa Smartt là dằng dặc những câu hỏi về rốt cuộc chị đã nghe được gì từ ông, và thế là chị tìm đến các trường đại học, ngỏ lời muốn được nghiên cứu về di ngôn theo hướng hàn lâm hơn. Sau nhiều lần bị khước từ, chị bắt tay vào việc tự mình phỏng vấn các thành viên trong gia đình cũng như y bác sĩ. Và chính nhờ đó mà chị có cơ hội hợp tác với Raymond Moody Jr., một bác sĩ tâm thần học có gốc gác từ Virginia và được biết đến nhiều qua công trình liên quan đến “trải nghiệm cận tử” trong cuốn sách bán chạy nhất năm 1975 – Life After Life (Tạm dịch: Luân hồi). Vị bác sĩ này từ lâu đã luôn hứng thú với chủ đề mà ông gọi là “peri-mortal nonsense” (tạm dịch: lời càn lúc lâm chung) và đã hỗ trợ Smartt trong quá trình hoàn thành cuốn sách “Words on the Threshold” (Tạm dịch: Trước ngưỡng ngôn từ) dựa trên những lời nói của cha chị cũng như số khác được chị tổng hợp thông qua một trang web mà chị gọi là Dự án về Di ngôn.

Tồn tại một mô hình chung trong những ghi chú mà chị để ý thấy, rằng cha chị, ông Felix, rất hay dùng những đại từ chẳng hạn như nó (it)thứ này (this), mà không hề đại diện cho thứ gì đó rõ ràng. Có lần ông nói, “Ta muốn bằng một cách nào đó kéo những thứ này xuống đất … Ta thực sự không hiểu … không còn một gắn kết nào với mặt đất nữa.” “Những thứ này” ở đây đề cập đến cái gì? Cảm nhận của ông về cơ thể mình trong không gian chung quanh dường như đang dập dềnh trôi nổi. “Ta cần phải xuống đó. Ta buộc phải xuống,” ông đã lẩm bẩm như vậy, dù chẳng có gì ngay dưới ông cả. 

Những mô tả sơ bộ về ngôn ngữ vào thời điểm cuối đời không chỉ giúp nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ học. Chúng còn cung cấp hàng loạt những lợi ích khác cho những ai đang phải chăm sóc người bệnh trong tình trạng hấp hối, và kể cả bản thân người bệnh nữa.

Ông cũng từng nhắc đi nhắc lại vài từ và cụm từ, và thường là vô thưởng vô phạt. “Chiều không gian xanh! Chiều không gian xanh!” (Sự lặp lại trong khi nói là một điều thường gặp ở những người mắc bệnh sa sút trí tuệ (dementia), cả mê sảng cũng vậy.) Smartt nhận thấy rằng sự lặp lại thường nhằm biểu thị các chủ đề như sự hàm ơn và sự chống chọi với cái chết. Nhưng cũng có những mô-típ bất ngờ, chẳng hạn như những chu kỳ, những con số và chuyển động. “Ta phải rời đi thôi, rời, rời! Phải rời khỏi thế gian này,” đã có lần ông Felix nói như vậy.

Smartt bảo rằng điều làm cho chị bất ngờ nhất nằm ở những câu chuyện lọt thỏm trong mỗi lời nói, những câu chuyện dường như chưa được khai mở hết, đầy chắp vá, và có thể kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Trong những ngày đầu, có người đàn ông nọ nói về một con tàu bị mắc cạn tại sân ga. Trong những buổi sau, ông ta vẫn nói về con tàu đó nhưng nó đang ở trong trạng thái tu sửa. Rồi những tuần kế tiếp, con tàu được thuật lại rằng đã bắt đầu luân chuyển về phương bắc. 

“Nếu như bạn chỉ là đang tạt ngang căn phòng và nghe loáng thoáng người thân của mình nói rằng ‘Ồ, có một tay vô địch quyền anh đang đứng cạnh giường tôi này,’ thì nghe giống như đó là chuyện hoang tưởng đúng không?” Smartt nói. “Nhưng nếu bạn lúc nào cũng trông thấy người đó cứ mãi huyên thuyên về tay vô địch quyền anh và bị ảnh hưởng bởi cách anh ta ăn mặc thế này, hay cử động thế kia, bạn sẽ nghĩ, Chà, thì ra chuyện này sẽ còn tiếp tục đây.” Chị hình dung công việc để ý đến những mạch truyện có khả năng sẽ mang lại ích lợi về phương diện lâm sàng, đặc biệt là khi những câu chuyện này diễn tiến theo hướng giải quyết cho bằng được, điều có thể sẽ giúp phản ánh được khả năng tiên liệu của bệnh nhân về một cái kết sắp sửa sẽ diễn ra.

Trong cuốn Những tặng vật sau cuối (Final Gifts), hai nữ điều dưỡng trại tế bần là Callanan và Kelley đã ghi chép lại rằng “những người sắp chết thường sẽ nhắc đến hình ảnh một chuyến đi như một ẩn dụ để ra hiệu cho mọi người xung quanh rằng họ sắp sửa lìa đời.” Hai bà có trích lời một cô bé 17 tuổi qua đời vì bệnh ung thư và từng trở nên quẫn trí vì không thể tìm thấy bản đồ. “Nếu cháu mà tìm ra tấm bản đồ, cháu sẽ có thể về nhà. Tấm bản đồ đã biến đi đâu? Cháu muốn về nhà cơ!” Cả ghi chép của Smartt cũng có kiểu ẩn dụ chuyến đi như thế, dù rằng chị viết: ẩn dụ với những người sắp chết, nhìn chung được coi là chuyện thường tình. (Song, những ai mắc chứng sa sút trí tuệ và Alzheimer thì gặp phải khó khăn trong việc hiểu được ngôn ngữ hình thể (figurative language), vả lại, các nhà nhân chủng học nghiên cứu về người sắp chết trong những văn hóa khác bảo tôi rằng việc ẩn dụ về các chuyến đi kiểu đó không hẳn là phổ biến ở khắp mọi nơi.)

Những mô tả sơ bộ về ngôn ngữ vào thời điểm cuối đời không chỉ giúp nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ học. Chúng còn cung cấp hàng loạt những lợi ích khác cho những ai đang phải chăm sóc người bệnh trong tình trạng hấp hối, và kể cả bản thân người bệnh nữa. Giới chuyên gia cho biết lộ trình thay đổi càng chi tiết bao nhiêu thì càng có thể giúp được nhiều người luôn phải lo sợ về cái chết ngoài kia bấy nhiêu, hỗ trợ một số cách thức nhằm giúp họ kiểm soát được căng thẳng. Nó cũng phần nào cung cấp thêm hiểu biết sâu sắc về vấn đề làm thế nào để có thể giao tiếp tốt hơn với người bệnh đang hấp hối. Sự khác biệt về văn hóa trong các ẩn dụ có thể được bổ sung đi kèm với việc tập huấn cho các điều dưỡng không có chung khung văn hóa với bệnh nhân của họ.

Giao tiếp ở thời điểm cuối đời sẽ chỉ được đào sâu hơn nếu như sự sống được nối dài và cái chết xảy đến thường lệ hơn tại các viện dưỡng lão. Hầu hết người dân tại các quốc gia phát triển sẽ không chết ngay lập tức hay một cách bất thình lình như những gì đã diễn ra với tổ tiên của họ. Nhờ có những tiến bộ về y học và các biện pháp phòng ngừa (preventive care) mà phần lớn trong số ấy xác suất cao nếu chết không vì ung thư hay các bệnh có liên quan đến những cơ quan bên trong cơ thể (đa phần là bệnh tim mạch), thì cũng sẽ chết vì tuổi già nhưng với tuổi đời lâu hơn. Những cái chết ấy vốn kéo dài và tiến triển từ từ, có thể là tại các bệnh viện, trại tế bần hoặc là các viện dưỡng lão đặt dưới sự giám sát của vô số chuyên gia y tế. Hơn thế nữa, bệnh nhân còn có thể tham gia cùng để đưa ra những quyết định đối với việc họ muốn được chăm sóc như thế nào trong khi vốn dĩ điều duy nhất họ còn có thể làm là giao tiếp. Càng nhiều hiểu biết về việc ngôn ngữ chấm dứt ra sao và người sắp chết giao tiếp như thế nào sẽ càng đảm bảo cho những người bệnh có thêm nhiều cách thức giúp nối dài sự sống hơn.

Nhưng đổi lại, nghiên cứu về ngôn ngữ cũng như sự tương tác vào thời điểm “gần đất xa trời” như vậy vẫn vấp phải một thách thức lớn: đó là những cấm kỵ mang tính văn hóa đối với cái chết, cộng thêm những vấn đề đạo đức về sự hiện diện của các nhà khoa học xung quanh giường các bệnh nhân sắp không qua khỏi. Giới chuyên gia còn chỉ ra cho tôi thấy rằng mỗi cái chết đều không giống nhau, mỗi trường hợp là mỗi một biến số mà khoa học khó lòng nào nắm bắt được.  

Và tại “lãnh địa” của y tế, quyết định điều gì được ưu tiên hơn thuộc về thẩm quyền của các y sĩ. “Tôi cho rằng công trình đó nếu cứ chú trọng vào việc mô tả những loại hình và các hành vi giao tiếp thì nó sẽ rất khó có thể nhận được tài trợ. Nguyên do là vì các tổ chức như NCI (National Cancer Institute – Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ) thường ưu tiên hơn cho các nghiên cứu về cách giảm đau ngay lập tức đối với bệnh ung thư, chẳng hạn như thông qua sự can thiệp để cải thiện phương thức giao tiếp trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ (palliative care4),” Wen-ying Sylvia Chou, Giám đốc chương trình của Dự án Nghiên cứu Hành vi tại Viện Ung thư Quốc gia trực thuộc Viện Y tế Quốc gia, người chịu trách nhiệm giám sát quỹ liên lạc bệnh nhân – bác sĩ khi về cuối đời, cho hay.

Cho dù cuốn sách của Smartt vẫn còn nhiều thiếu sót (một mặt, nó không khai thác hết các vấn đề, chẳng hạn như thuốc men, mặt khác, nó cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự hứng thú dành cho chủ đề luân hồi hay kiếp sau), thì nó vẫn có công lớn trong việc xây dựng nên một kho dữ liệu và thôi thúc tìm kiếm những mẫu hình. Điều này cũng giống với thành công bước đầu mà những nghiên cứu về ngôn ngữ của trẻ có được trong thời kỳ đầu. Lĩnh vực mà mãi cho đến thời của các nhà tự nhiên học vào thế kỉ 19 mới được khai mở, đại diện nổi bật nhất là Charles Darwin, đó là khi họ bắt đầu ghi chú lại những lời nói và hành động của con trẻ. (Năm 1877, Darwin đã công bố một ghi chép sơ bộ tiểu sử của con trai mình, William, chỉ ra từ đầu tiên mà cậu bé nói, là tiếng mẹ.) Chính những “nghiên cứu nhật ký” (diary study), theo như cách chúng được gọi là vậy, mà cuối cùng ta đã có được một phương pháp tiếp cận hệ thống hơn, đồng thời nghiên cứu về ngôn ngữ của trẻ thời kì trước cũng đã tự thoát ly khỏi việc chỉ tập trung tìm hiểu tiếng nói đầu đời.

Do vậy, “tuyển tập những di ngôn bất hủ” hẳn là một “tượng đài” trong việc lãng mạn hoá cái chết – thứ đã lừa dối chúng ta về một sự minh định sau cuối của một người sẽ bột phát trước lúc họ nhắm mắt xuôi tay. “Quá trình tiến dần tới cái chết vẫn là một địa hạt sâu thăm thẳm, nhưng lại là một kiểu thăm thẳm rất khác” Bob Parker, viên giám sát trưởng của cơ quan y tế tại nhà Intrepid Mỹ cho hay. “Di ngôn – nó thực chất không phải như những gì ta thường thấy trên phim ảnh. Các bệnh nhân, họ không đặt chân đến vùng đất chết theo cách như thế.” Nhưng đổi lại, chúng ta đã và đang bắt đầu hiểu được rằng: những tương tác cuối cùng, dù chúng có diễn ra hay không, thì đều mỗi người một vẻ, không hề giống nhau.


  1. Nguyên văn: I’ve lost my modality. “Modality”, trong ngôn ngữ học, nghĩa là “tình thái”. Theo TS. Trần Hữu Phúc, nó là “thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái độ hoặc ý kiến của người nói đối với điều được nói đến trong câu cũng như thái độ tri nhận của người nghe đối với những điều được nói ra”. Theo ý hiểu của người dịch, tình thái (modality) trong câu này đề cập đến tình thái nhận thức (epistemic modality), tức là những cảm quan, sự nhạy cảm, những rung động sâu xa vốn có trong ông Felix (có thể đối với ngôn ngữ, cũng có thể là đối với thi ca như những gì đã gắn bó suốt cuộc đời ông như trong bài có đề cập). Và bởi vì tuổi già và bệnh tật, nay chúng đã dần không còn nữa. Tham khảo thêm: http://vietlex.com/images/tulieu/NVHiep-Categorial.pdf

  2. Cơ chế đối phó (coping mechanism) là những chiến thuật tạm thời giúp chúng ta đối mặt với căng thẳng hoặc tổn thương tâm lý nhằm kiểm soát những cảm xúc tiêu cực tốt hơn và giữ được sự ổn định về mặt tâm lý.

  3. Đồng penny (hay còn gọi là đồng cent) là một đơn vị tiền xu có giá trị bằng 1/100 của 1 đô la Mỹ.

  4. Chăm sóc giảm nhẹ (palliative care) là cách thức tiếp cận đa ngành để chăm sóc cho những người bị mắc các bệnh khó có thể chữa được, chẳng hạn như ung thư. Do đó, mục đích của chăm sóc giảm nhẹ không phải kéo dài cuộc sống bệnh nhân mà là nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, để người bệnh chấp nhận sự thật, không phó mặc cuộc sống mà luôn tìm kiếm ý nghĩa của những ngày sống cuối đời trong sự thanh thản về thể xác lẫn tinh thần.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất