a
§ Tác giả: Atul Gawande | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Dexter và Aceae
06/02/2017
Bài viết dưới đây nguyên gốc là bài phát biểu của bác sĩ, cây viết, và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe công cộng Atul Gawande tại Viện Công Nghệ California (California Institute of Technology) vào năm 2016, sau đó đã được tác giả sửa đổi cho phù hợp với văn phong viết và đăng trên tạp chí The New Yorker. Độc giả quan tâm có thể xem bài phát biểu này tại đây.

Nếu nơi này đã làm tốt công việc của mình – mà tôi nghĩ là nó đã làm tốt – thì giờ các bạn đều là những nhà khoa học. Thứ lỗi cho tôi, các bạn học ngành Văn học Anh và Lịch sử, các bạn cũng vậy. Khoa học không phải là một ngành hay một nghề. Nó là sự cam kết với một cách suy nghĩ có hệ thống, sự ủng hộ việc xây dựng kiến thức và giải thích vũ trụ thông qua kiểm chứng và quan sát thực tế. Vấn đề là, đây không phải là cách suy nghĩ thông thường. Nó không hợp với tự nhiên và trái với trực giác. Ta chỉ có thể có cách suy nghĩ ấy thông qua việc học tập. Việc giải thích dựa trên khoa học mâu thuẫn với niềm tin của con người vào thần thánh và sự hiểu biết có từ trải nghiệm và suy luận thông thường (common sense). Suy luận thông thường từng bảo chúng ta rằng mặt trời chuyển động quanh bầu trời và ở ngoài trời lạnh thì sẽ bị cảm lạnh. Nhưng những bộ óc khoa học nhận ra rằng những suy nghĩ trực giác này chỉ là giả thuyết. Chúng phải được kiểm chứng.

Khi tôi rời nhà mình ở Ohio để đi học đại học, thứ khiến tôi sợ hãi nhất về mặt tri thức là rất nhiều những giả định trước đây của tôi về thế giới hóa ra lại sai – dù là thế giới tự nhiên hay nhân tạo. Tôi tham khảo từ những giáo sư và bạn học của mình để tìm kiếm những ý tưởng thay thế. Rồi tôi trở về nhà, mang theo một vài trong số những ý tưởng đó, và nói với cha mẹ mình tất cả những suy nghĩ sai lầm của họ (đương nhiên là họ rất thích thú với điều này rồi). Nhưng, kể cả khi làm vậy, tôi chỉ đang thay thế một tập hợp những niềm tin nhận được từ người khác bằng một tập hợp khác. Phải mất khá lâu để tôi nhận ra kiểu tư duy đặc thù của các nhà khoa học. Nhà vật lý vĩ đại Edwin Hubble, khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Caltech vào năm 1938, đã nói rằng một nhà khoa học có “một sự nghi ngờ lành mạnh, những đánh giá có chừng mực, và một trí tượng tượng có quy củ” – áp dụng cho không chỉ ý tưởng của người khác mà cho cả ý tưởng của chính họ. Những nhà khoa học có một bộ óc đòi hỏi sự kiểm chứng, chứ không phải một bộ óc thích tranh chấp.

Là một sinh viên, với tôi điều này còn hơn cả một cách suy nghĩ. Nó là một cách tồn tại – một cách kỳ quặc để tồn tại. Bạn cần có sự nghi ngờ và trí tưởng tượng, nhưng không nên nhiều quá. Bạn cũng cần biết chừng mực khi đánh giá, nhưng vẫn cần phải đưa ra đánh giá vào lúc cần thiết. Cuối cùng, bạn mong được quan sát thế giới với một tâm trí cởi mở, thu thập các thông tin, và kiểm chứng những tiên đoán của bạn và những lập luận phản bác chúng. Rồi bạn kết luận, rồi khẳng định hoặc bác bỏ những ý tưởng ấy. Nhưng bạn cũng chấp nhận rằng không có gì là cố định mãi mãi, rằng mọi kiến thức đều chỉ là tương đối. Một bằng chứng đối lập có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Hubble đã mô tả điều này rất rõ ràng khi nói rằng, “Các nhà khoa học giải thích thế giới bằng những ước đoán nối tiếp nhau.”

Định hướng khoa học đã cho thấy sức mạnh vô cùng to lớn. Nó cho phép chúng ta kéo dài tuổi thọ của con người lên gần gấp đôi trong một thế kỷ vừa rồi, gia tăng dân số toàn cầu, và bồi đắp thêm vốn hiểu biết của ta về bản chất vũ trụ. Tuy nhiên kiến thức khoa học không nhất thiết là đáng tin. Một phần là bởi nó không toàn vẹn. Vậy nhưng ngay cả trong những trường hợp khi kiến thức khoa học tràn ngập, người ta vẫn thường chống lại những kiến thức ấy – thi thoảng còn thẳng thừng chối bỏ. Ví dụ như, mặc cho một khối lượng khổng lồ những bằng chứng chứng minh điều ngược lại, nhiều người vẫn tiếp tục tin rằng vắc-xin cho trẻ em gây ra bệnh tự kỷ (không hề); rằng người ta sẽ an toàn hơn khi sở hữu súng (họ không an toàn hơn); rằng thực phẩm biến đổi gen là có hại (cân nhắc trên diện rộng, loại thực phẩm này đã và đang mang lại lợi ích); rằng biến đổi khí hậu không có thực (nó có thực).

Chẳng hạn như, nỗi sợ vắc-xin vẫn tồn tại dù những nghiên cứu trong hàng thập kỷ đã chứng minh rằng nỗi sợ này không hề có cơ sở. Khoảng hai mươi lăm năm trước, một phân tích thống kê cho thấy khả năng liên quan giữa bệnh tự kỷ và thimerosal, một chất bảo quản được dùng trong vắc-xin nhằm ngăn ngừa nhiễm độc vi khuẩn. Phân tích này hóa ra là sai, nhưng nỗi sợ vẫn còn đó. Sau đó các nhà khoa học đã thực hiện hàng trăm cuộc nghiên cứu khác, và vẫn không tìm ra một mối liên hệ nào. Vậy mà sự sợ hãi vẫn không biến mất. Một vài quốc gia ngừng sử dụng chất bảo quản và tỉ lệ mắc bệnh tự kỷ không hề giảm đi – nhưng nỗi sợ vẫn tăng lên. Một nghiên cứu của Anh khẳng định sự liên quan giữa việc mắc bệnh tự kỷ ở tám trẻ em và thời gian các em tiêm vắc-xin phòng sởi, quai bị, và rubella. Nghiên cứu đó đã bị rút lại do phát hiện giả mạo: Tác giả chịu trách nhiệm chính của nghiên cứu đã làm giả và bóp méo những dữ liệu về trẻ em tham gia nghiên cứu này. Những nỗ lực sau đó nhằm xác nhận kết luận của nghiên cứu này đều không thành công. Vậy nhưng, tỉ lệ tiêm vắc-xin tụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến tỉ lệ mắc sởi và quai bị tăng vọt, khiến hàng vạn trẻ em ở Mỹ, Canada, và Châu Âu nhiễm bệnh và tử vong vào năm ngoái.

Con người có xu hướng chống lại những khẳng định khoa học khi những khẳng định ấy đối nghịch với niềm tin trực giác của họ. Họ không thấy ai bị sởi hay quai bị xung quanh mình. Họ thấy những đứa trẻ bị tự kỷ. Và họ thấy một bà mẹ nói rằng, “Con tôi hoàn toàn bình thường cho đến khi tiêm vắc-xin và trở nên tự kỷ.”

Giờ, bạn có thể nói với họ rằng tương quan không có nghĩa là nhân quả. Bạn có thể nói rằng trẻ em tiêm vắc-xin từ hai đến ba tháng một lần trong một vài năm đầu đời, nên việc mắc bất cứ một bệnh nào cũng sẽ có xu hướng xảy ra sau khi tiêm vắc-xin. Bạn có thể nói rằng khoa học không chứng minh được bất cứ mối liên hệ nào (giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ). Nhưng khi một ý nghĩ đã bám rễ và lan rộng, việc loại bỏ nó trở nên rất khó – đặc biệt là khi những người có ý nghĩ đó không tin vào uy tín của khoa học. Và chúng ta đang trải qua một sự sụt giảm nghiêm trọng về niềm tin vào uy tín khoa học.

Nhà xã hội học Gordon Gauchat nghiên cứu những dữ liệu điều tra ở Mỹ từ năm 1974 đến năm 2010 và phát hiện ra một vài xu hướng đáng báo động. Trong khi trình độ giáo dục ngày càng tăng, niềm tin của dân chúng vào cộng đồng khoa học ngày một giảm đi. Điều này đặc biệt đúng với những người theo đường lối bảo thủ, kể cả những người có giáo dục. Vào năm 1974, những người bảo thủ có bằng đại học là những người tin vào khoa học và cộng đồng khoa học nhất. Ngày nay, họ là những người có ít niềm tin nhất.

Ngày nay, chúng ta có những nhóm đối lập, đưa ra những ý tưởng mà như Gauchat miêu tả là thuộc về vùng văn hóa riêng của họ, “tự tạo ra nền tảng kiến thức của riêng họ mà thường mâu thuẫn với uy tín của cộng đồng khoa học.” Một số là những nhóm tôn giáo (ví dụ như qua việc thách thức thuyết tiến hóa). Một số là những nhóm công nghiệp (với sự hoài nghi về biến đổi khí hậu). Một vài nhóm khác thì nghiêng về cánh tả (như những người chối bỏ nền y tế1). Dù những nhóm này có đa dạng thế nào, họ đều giống nhau ở một điểm. Họ nuôi dưỡng những niềm tin thiêng liêng mà họ không cho phép ai chất vấn chúng.

Để bảo vệ những niềm tin ấy, một số bác bỏ uy tín của khoa học và cộng đồng khoa học. Họ không phản biện bằng cách khẳng định quyền năng của đấng tối cao nữa. Họ phản biện bằng cách khẳng định là họ có một uy tín khoa học đúng đắn hơn. Việc này làm cho mọi chuyện trở nên rối rắm khủng khiếp. Bạn phải phân biệt được sự khác nhau giữa những khẳng định khoa học và ngụy khoa học (pseudoscience).

Những người bảo vệ khoa học đã nhận diện năm hành động đặc trưng của những người ngụy khoa học. Họ tranh luận rằng sự thống nhất trong khoa học là kết quả của một âm mưu nhằm áp bức những quan niệm đối lập. Họ tạo ra những chuyên gia giả mạo, những người có quan điểm đối lập với những kiến thức đã được thiết lập nhưng không thực sự có những hoạt động khoa học đáng tin. Họ chọn lọc (cherry-pick) những dữ liệu và nghiên cứu mà thách thức quan điểm phổ biến như một cách để hạ bệ cả một lĩnh vực. Họ sử dụng những so sánh khập khiễng và các ngụy biện logic. Và họ đặt ra những mong đợi bất khả thi trong nghiên cứu: đó là khi các nhà khoa học đạt được một mức độ chắc chắn, thì những nhà ngụy khoa học khăng khăng rằng họ đạt được một mức độ khác.

Không phải là một vài cách tiếp cận này không bao giờ đưa ra những lý lẽ có giá trị. Đôi lúc có một sự so sánh hữu ích, hoặc cần một mức độ chắc chắn cao hơn để kết luận. Nhưng khi bạn thấy nhiều hoặc tất cả những chiến thuật này được sử dụng, bạn sẽ biết rằng bạn không còn đối mặt với một khẳng định khoa học nữa. Ngụy khoa học là kiểu khoa học chỉ có vẻ ngoài mà không có nền tảng.

Thách thức của vấn đề này – làm thế nào để bảo vệ khoa học như một cách tiếp cận đúng đắn trong việc giải thích về thế giới – đã được giải quyết bởi chính khoa học thông qua những thí nghiệm. Vào năm 2011, hai nhà nghiên cứu người Úc tổng hợp các kết quả trong một quyển sách có tên “The Debunking Handbook” (Tạm dịch: Sổ tay hướng dẫn lật tẩy). Những kết quả này rất đáng suy nghĩ. Các bằng chứng cho thấy việc lật tẩy ngụy khoa học không hề có hiệu quả; trên thực tế, nó lại thường phản tác dụng. Miêu tả những thực tế mà mâu thuẫn với một niềm tin phi khoa học lại thường khiến người ta tiếp xúc với niềm tin đó nhiều hơn và củng cố thêm niềm tin đó. Đây đơn giản là cách mà não bộ hoạt động; những thông tin sai lệch trụ lại, một phần vì nó đã được tích hợp vào quá trình tư duy của một người về cách mà thế giới hoạt động. Việc lột trần những thông tin sai lệch đó vì vậy mà thất bại, bởi việc này đe dọa sẽ dẫn đến một khoảng trống đau đớntrong quá trình tư duy đó – hoặc là sẽ loại bỏ toàn bộ quá trình.

Vậy thì, một người tin vào khoa học nên làm gì? Liệu tương lai có phải là một trận chiến không bao giờ kết thúc giữa những khẳng định đối lập? Không hẳn. Có những bằng chứng từ các kết quả tập hợp trong cuốn sách nêu trên, gợi ý rằng bạn có thể xây dựng lòng tin vào khoa học như thế nào. Lật tẩy ngụy khoa học có thể không hiệu quả, nhưng khẳng định những thực tế của khoa học thực sự thì có. Và việc kể ra những câu chuyện giải thích các thực tế đó thì còn tốt hơn. Ví dụ như, bạn sẽ không tập trung vào việc các lời đồn về vắc-xin sai ở đâu. Thay vì vậy, bạn chỉ ra: tiêm vắc-xin cho trẻ em đã được chứng minh là an toàn hơn rất nhiều (so với việc không tiêm). Vì sao? Bởi có một tập hợp những bằng chứng rất lớn, bao gồm cả thực tế là chúng ta đã thử thí nghiệm theo cách kia rồi. Từ năm 1989 đến năm 1991, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em nghèo ở các thành phố của Mỹ suy giảm. Và kết quả là năm mươi lăm nghìn trường hợp nhiễm sởi và một trăm hai mươi ba ca tử vong.

Một điều quan trọng khác là lật tẩy những chiến thuật của ngụy khoa học được sử dụng nhằm đánh lạc hướng công chúng. Ngụy khoa học có một dấu hiệu riêng, và giúp mọi người nhận ra được dấu hiệu đó sẽ trang bị công cụ để họ tự có thêm những niềm tin khoa học. Việc có được sự hiểu biết khoa học về thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc bạn đánh giá thông tin. Nó không có nghĩa là đi tìm từng bằng chứng cho từng câu hỏi. Bạn không thể làm điều đó. Kiến thức đã trở nên quá rộng lớn và phức tạp để bất kỳ một cá nhân nào, dù là nhà khoa học hay không, có thể nắm bắt được hết những ngóc ngách của nó.

Chỉ một số ít các nhà khoa học có thể đưa ra một lời giải thích từ con số không về hiện tượng họ nghiên cứu; họ dựa trên thông tin và kỹ thuật vay mượn từ những nhà khoa học khác. Những kiến thức và phẩm chất tốt của định hướng khoa học tồn tại trong một cộng đồng nhiều hơn là trong một cá nhân. Khi chúng ta nói đến một “cộng đồng khoa học,” chúng ta đang chỉ ra một điều quan trọng: rằng khoa học tiến bộ là một doanh nghiệp xã hội, đặc trưng bởi sự phân chia phức tạp của lao động tri thức. Những nhà khoa học riêng rẽ, chẳng khác gì những kẻ dối trá, có thể rất bảo thủ, yêu thích thái quá những lý thuyết của mình, phản bác những bằng chứng mới, và không ý thức được sự thiếu sót của chính mình. (Vậy nên Max Planck mới cho rằng khoa học tiến lên bằng mỗi khi có một đám tang.2) Nhưng với tư cách một cộng đồng, khoa học có khả năng tự sửa lỗi cho chính mình rất tuyệt vời.

Nhưng nếu nói là quá trình đó xảy ra theo cách rất có tổ chức thì không phải. Khi nhìn kỹ, cộng đồng khoa học giống như một cái xe xiêu vẹo cố đi tìm sự thật, với quá trình bình duyệt (peer-review) rối rắm, những bài báo với giọng văn khó đọc, những bức thư ngạo mạn gửi đến ban biên tập, những tranh luận ngỗ ngược trên Reddit, và tuyên bố khoa trương từ những học viện. Vậy nhưng những bộ não khoa học vẫn luôn tiến lên cùng nhau. Họ giờ phát triển kiến thức trong gần như mọi lĩnh vực của sự tồn tại – thậm chí ở cả các ngành nhân văn (humanities), nơi khoa học thần kinh và điện toán hóa đang giúp ta hiểu thêm về mọi thứ, từ ý chí tự do đến việc nghệ thuật và văn học đã phát triển như thế nào theo thời gian.

Ngày hôm nay, các bạn trở thành một phần của cộng đồng khoa học, có thể nói là một doanh nghiệp tập thể quyền lực nhất trong lịch sử loài người. Khi làm vậy, các bạn cũng kế thừa vai trò trong việc giải thích khoa học và giúp nó lấy lại lãnh địa của lòng tin vào thời điểm lãnh địa ấy đang suy giảm. Tại phòng khám của tôi và công việc của tôi trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, tôi thường gặp những người nghi ngờ sâu sắc ngay cả những kiến thức cơ bản nhất, được các nhà báo dán mác là khoa học “chính thống”3 (cứ như là những “khoa học” khác thì có điểm nào giống với khoa học vậy) – dù đó là sự thực về sinh lý học, dinh dưỡng, bệnh tật, thuốc thang, vân vân. Sự nghi hoặc thường đến từ những bệnh nhân có giáo dục nhất của tôi, chứ không phải những người ít học nhất. Giáo dục có thể mang con người đến với khoa học, nhưng nó cũng có một tác dụng trái ngược, khiến con người hướng đến chủ nghĩa cá nhân và hệ tư tưởng nhiều hơn.

Bởi vậy, sai lầm là việc tin rằng tấm bằng các bạn có ngày hôm nay cho các bạn một thẩm quyền đặc biệt với sự thật. Điều các bạn đã thu được còn quan trọng hơn thế nhiều: đó là việc hiểu rằng việc tìm kiếm sự thật thực sự là như thế nào. Nó là cố gắng không phải của một cá nhân riêng lẻ mà là của cả một nhóm người – càng lớn càng tốt – truy tìm những ý tưởng với sự tò mò, niềm say mê, sự cởi mở, và kỷ luật. Nói cách khác, là cố gắng của một nhóm những nhà khoa học.

Thậm chí hơn cả những gì bạn nghĩ, việc bạn nghĩ như thế nào mới quan trọng. Hiểu được vấn đề này vô cùng cấp bách trong thời đại ngày nay, bởi chúng ta không chỉ đang đấu tranh cho ý nghĩa của việc là một nhà khoa học. Chúng ta đang đấu tranh cho ý nghĩa của việc là một công dân.


  1. Nguyên gốc Tiếng Anh: Medical establishment, chỉ những cơ sở, tổ chức thuộc lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, bao gồm các trường đại học dạy về y dược, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, v.v. Theo ý hiểu của người dịch, câu này có thể chỉ sự phê bình đối với cách vận hành cứng nhắc và những tiêu chuẩn ngặt nghèo áp dụng trong hệ thống y tế ở nước Mỹ.

  2. Câu nói này của Max Planck chỉ việc khi một nhà khoa học có tên tuổi qua đời, những nhà khoa học trước đó chưa được nhiều người biết đến hoặc có những ý tưởng chưa phổ biến sẽ có nhiều cơ hội phát triển và làm phổ biến ý tưởng của họ hơn. Lý do có thể là bởi những nhà khoa học này có ý tưởng mâu thuẫn với những tên tuổi lớn, hoặc vì ngại những tên tuổi lớn, mà chưa có đủ điều kiện để phát triển ý tưởng của họ. Độc giả quan tâm có thể xem thêm chi tiết tại đây.

  3. Hay còn gọi là “mainstream science,” là một cách gọi chỉ khối kiến thức và kỹ thuật khoa học thuộc một lĩnh vực nào đó, được phần đông chấp nhận, và không đi chệch quá nhiều khỏi tư tưởng hay các giả thuyết chính thống của lĩnh vực đó. Điều này không có nghĩa là các kiến thức và giả thuyết trong khoa học chính thống là đúng đắn đến mức không còn nghi ngờ gì nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Im đi và ngồi xuống
Chúng ta ca ngợi các nhà lãnh đạo tài ba, khao khát cái gọi là "khả năng lãnh đạo" hay "phẩm chất lãnh đạo". Vậy, chúng ta có đang quá đề cao sự lãnh đạo, và thế nào mới được coi là lãnh đạo tốt?
Mới nhất