a
§ Tác giả: David Berliner | Nguồn: Aeon Ideas
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Aceae
15/01/2017

Bạn có bao giờ tự hỏi mình có bao nhiêu suy nghĩ mâu thuẫn trong một ngày không? Bao nhiêu lần những hành động của bạn đi ngược lại suy nghĩ? Bao nhiêu lần bạn thấy cảm xúc của mình đối nghịch với những nguyên tắc và lòng tin của bản thân? Phần lớn thời gian chúng ta không nhận ra được những sự mâu thuẫn của chính mình – thường thì chúng ta lại dễ dàng nhận ra những mâu thuẫn ở người khác hơn. Nhưng mà bạn và tôi thì cũng đều đầy những mâu thuẫn như nhau. Con người chúng ra về cơ bản đều được tạo nên từ những mâu thuẫn. Chúng ta sống hòa hợp, nhưng đôi khi là vật vã với bản ngã đối nghịch kia. Walt Whitman nói rất đúng khi ông viết những dòng này trong ‘Song of Myself’ (1855) (Tạm dịch: Khúc hát cho tôi):

Tôi có mâu thuẫn với bản thân?

Thôi thì, tôi có mâu thuẫn với bản thân.

(Tôi to lớn, tôi nhiều bộ mặt.)

Hãy thử nghĩ về việc chúng ta mua những món đồ công nghệ trong khi vẫn phản đối lao động trẻ em và rác thải sinh thái, hoặc phỉ báng việc trộm cắp nhưng lại đi tải nhạc và phim lậu. Thử nghĩ về những người luôn lải nhải về việc tôn trọng đời sống riêng tư, và vài giây sau lại đăng những tấm hình cá nhân lên Facebook. Hay những nhà hoạt động vì môi trường thường xuyên di chuyển bằng máy bay, những nhà đầu tư tài chính quan tâm đến vấn nạn nghèo đói, và những linh mục giảng đạo trong khi bản thân họ đã đánh mất đức tin. Sebastián Marroquín vẫn nhớ cha ông thường hay hát ru nhưng chính ông lại là người trôi dần vào giấc ngủ – và cha ông chính là ông vua thuốc phiện Pablo Escobar, kẻ sát nhân khét tiếng nhất lịch sử Colombia. Việc sống cuộc đời mâu thuẫn, một cách sâu sắc, là rất con người; ta có thể chắc chắn về điều này.

Sử gia và nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ Joan Wallach Scott lập luận rằng biểu hiện cho thấy một người có suy nghĩ phản biện chính là khả năng ‘chỉ ra những nghịch lí,’ tuy nhiên những người như vậy cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn. Trong cuốn sách Le génie du mensonge (2016) (Tạm dịch: Thiên tài nói dối) của nhà triết học người Pháp François Noudelmann, ông khắc họa một Michel Foucault1 kêu gọi đến ‘lòng dũng cảm của sự thật’ (Courage of Truth)2 trong khi giấu đi trọng bệnh3 của mình, và cả Jean-Paul Sartre4, một trí thức hăng hái (intellectuel engagé), lại có vai trò mờ ám trong suốt thời kì Vichy5.

Ngày nay, nhiều học giả xuất hiện trên toàn cầu ăn nên làm ra nhờ việc chỉ trích chủ nghĩa tư bản. Có thể những mâu thuẫn là một nguyên liệu không thể thiếu cho việc khơi gợi sự sáng tạo trí tuệ. Trong khi đa phần mọi người đều đấu tranh để giữ cảm giác hòa hợp trong tâm lý, những mâu thuẫn lại sinh ra các vết rạn trong cái tôi. Dù chủ ý hay vô thức, những vết rạn nứt này nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo; điều này có thể được xem như một cách giải quyết hoặc làm thăng hoa những mâu thuẫn nội tại. Tôi tin là điều này đúng với tất cả các lĩnh vực sáng tạo. Hội họa, văn học, khoa học hay triết học có thể đã không tồn tại nếu thiếu đi những mâu thuẫn nội tâm và khát khao hóa giải chúng.

Có ai là sống trong ‘sự hòa hợp tuyệt đối giữa phương châm sống và hành vi thực chất,’ giống như quy tắc Stoic6 theo như lời thuật lại của Plutarch7 không? Không, nhưng đây không nhất thiết gây nên sự khủng hoảng. Chúng ta tách biệt kiến thức, hành vi và cảm xúc. Một số hành vi và suy nghĩ được chấp nhận trong một số lĩnh vực nhất định của cuộc sống, nhưng trong những lĩnh vực khác thì không. Ví dụ như, nói dối có thể coi như một hành động anh dũng khi dùng để bảo vệ những nạn nhân khỏi chế độ cai trị tàn bạo, nhưng trong mối quan hệ bạn bè thân thiết thì điều đó thật khó để chấp nhận. Trong phòng thí nghiệm, khi làm việc, nhà khoa học có thể thực hiện những nghiên cứu dựa trên bằng chứng khoa học, và sau đó trở về nhà tham dự buổi cầu nguyện tới sự hiện diện của những thế lực vô hình.

Con người sống hòa hợp với những mâu thuẫn chính xác là vì họ có khả năng phân định rạch ròi. Và khi những phát ngôn, hành động và cảm xúc đầy mâu thuẫn xảy ra ngoài bối cảnh quen thuộc, chúng ta rất giỏi, có thể nói là quá giỏi, trong việc tìm ra lý do để xoa dịu sự bất đồng trong nhận thức. Khi tôi nói với bạn tôi – một nhà hoạt động môi trường – rằng hút thuốc không phải hành động thân thiện với môi trường, anh ta thường đáp lại: “Tôi biết, nhưng David à, tôi hút thuốc lá cuộn!” Anh ta nói như thể thuốc lá cuộn thì ít độc hại hơn hơn mấy điếu thuốc công nghiệp và không phụ thuộc vào nền công nghiệp khai thác cây thuốc lá gây hại – thứ mà anh ta luôn chỉ trích.

Mâu thuẫn luôn hiện hữu trong đời sống nội tâm của chúng ta và chúng đặc biệt rõ rệt khi những niềm tin mạnh mẽ được thể hiện, ví dụ như trong những vấn đề như lòng tin, nhân đạo, chủ nghĩa vũ trang, vân vân. Tại Guinea Lào, nơi tôi vừa thực hiện một nghiên cứu nhân chủng học, đa số mọi người đều tin vào sự tồn tại của những thực thể tâm linh – những thứ có thể tự biến đổi thành một tổ hợp gồm nhiều hình dạng không liên quan gì đến nhau, có thể tự biến thành động vật, cây cỏ, hoặc đồ vật thậm chí có thể là vô hình. Họ có thể tin vào tất cả những điều này mà không mảy may bận tâm đến mâu thuẫn. Văn hóa đại chúng của chúng ta thì lại có những con zombie, thứ vừa sống lại vừa chết, và cả những con rô bốt có những cảm xúc cực kì “con người.” Lí trí của chúng ta có đầy những cá thể chất chứa những phẩm chất trái ngược, thách thức ‘quy luật phi mâu thuẫn.’8 Trong khi người ta nghĩ rằng không thể vừa là-A lại vừa không-là-A, (nhưng) thực ra con người ngưỡng mộ những cá thể với những phẩm chất không hòa hợp. Như các nhà tâm lý học nhận thức đã chỉ ra, những sự mâu thuẫn đặc biệt hấp dẫn đối với con người. Chúng thách thức những thành kiến cơ bản mà ta có về con vật, sản phẩm nhân tạo, hoặc con người. Hệ quả là, chúng có một vị trí quan trọng trong nhận thức nổi trội và khả năng ghi nhớ.

Mọi thứ còn trở nên phức tạp hơn khi chúng ta vượt khỏi khuôn khổ của cái tôi. Giao tiếp giữa người với người bao gồm những chuyển động qua lại tinh tế giữa những mâu thuẫn, ví dụ như giữa những điều nói ra và những điều được thể hiện trong cử chỉ, giọng điệu. Với tư cách một cá thể, con người liên tục nỗ lực để hiểu được những tín hiệu đầy mâu thuẫn của đối tượng giao tiếp và lí giải những hành động không nhất quán mà ta có thể quan sát được trong đời sống xã hội. (Nhà nhân chủng học người Anh Gregory Bateson và những đồng nghiệp của ông ở Palo Alto, California đã viết rất tường tận về hiện tượng này.)

Có những tình huống xã hội khi mà một người vướng phải những lời chỉ giáo mâu thuẫn, ví dụ như khi giáo viên yêu cầu học sinh phải biết “ứng biến!” Tình huống tệ hại nhất cho thấy một ‘tình huống tiến thoái lưỡng nan,’ là khi những đứa trẻ sơ sinh đứng giữa những đòi hỏi về cảm xúc trái ngược của bố mẹ chúng. Tuy nhiên, cũng có nhiều những tình huống không liên quan đến bệnh lý, theo như miêu tả của những nhà nhân chủng học, ví dụ như nghi lễ, nơi những mâu thuẫn được thực hiện và coi như một hình thức giao tiếp. Lấy nghi lễ ‘tát’ của người Do Thái làm ví dụ. Nghi lễ được thi hành trong lần kinh nguyệt đầu tiên của một bé gái. Trong quá khứ, trong cộng đồng người Do Thái Tây Âu, khi một cô gái báo cho mẹ rằng cô đã có kinh nguyệt lần đầu tiên, người mẹ sẽ tát vào mặt con gái, đồng thời hô to ‘Mazel tov!’ (Chúc mừng). Ở đây, bản chất mâu thuẫn của các thông điệp đưa ra tạo nên nền tảng của nghi lễ và nguyên liệu cần thiết cho sự hiệu quả của chúng.

Dựa trên nhà thơ John Keats, nhà phân tâm học Adam Phillips trong Promises, Promises (2000) (Tạm dịch: Lời hứa, lời hứa) miêu tả ba ‘năng lực tiêu cực’ không thể thiếu trong quá trình trưởng thành: trải nghiệm cảm giác như một kẻ phiền toái, lạc lõng, và bất lực. Tôi muốn bổ sung thêm một điều nữa: khả năng khám phá và chấp nhận những mâu thuẫn, ngay cả nếu thi thoảng chúng ta phải vật lộn để từ bỏ chúng.


  1. Michel Foucault (1926-1984) triết gia người Pháp. Các tác phẩm của ông đi sâu vào khía cạnh lịch sử, dùng lịch sử để soi chiếu những vần đề trong hiện tại. Một số công trình nổi bật của ông: History of Madness and Medicine, The Order of Things, Discipline and Punish.

  2. Courage of Truth là khóa học cuối cùng do Michel Foucalt đứng giảng tại College de France trước khi ông qua đời vào năm 1984.

  3. Foucault chết vì AIDS.

  4. Jean-Paul Sartre (1905 –1980) là một triết gia, nhà biên kịch, tác giả, nhà phê bình văn học, nhà hoạt động chính trị người Pháp. Ông là một nhân vật quan trọng đóng góp cho Chủ Nghĩa Hiện Sinh (Existentialism). Bạn có thể tìm hiểu thêm về Sartre tại đây.

  5. Nhà nước Vichy (1940-1944) được thành lập tại miền Bắc nước Pháp, do Marshal Philippe Pétain đứng đầu. Sau khi Pháp thất bại trước quân Đức năm 1940 trong giai đoạn đầu Thế Chiến Thứ II, nước Pháp chia ra làm hai phần: miền Nam chiếm đóng bởi quân Đức, và miền Bắc do nhà nước Vichy cai quản. Để duy trì nhà nước của mình, các nhà lãnh đạo của nhà nước Vichy đồng ý hợp tác với Quân Đức trong việc truy lùng người Do Thái và một số đối tượng khác như những người theo chủ nghĩa Cộng Sản, những người tị nạn chính trị. Bên cạnh đó, dưới thời kì Vichy, các hoạt động văn hóa nghệ thuật bị kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên một số tác giả, nghệ sĩ thời ấy vẫn được phép hoạt động bình thường và điều này được cho là do họ đã bắt tay với chính quyền Vichy, chấp nhận im lặng trước những vấn đề quốc gia. Jean-Paul Sartre là một trong số đó, đặc biệt hơn khi chính ông lại là một người ủng hộ Chủ Nghĩa Cộng Sản. Bạn có thể tìm hiểu thêm về thời kì Vichy tại đây.

  6. Stoicism (chủ nghĩa khắc kỉ) là một trường phái triết học bắt đầu từ thế kỉ 3 TCN. Chủ nghĩa khắc kỉ cho rằng con người nên sống hòa hợp, thuận theo quy luật tự nhiên, coi trọng đạo đức và tri thức. Những người theo đuổi trường phái triết học này coi nó như một phong cách sống thật sự. Seneca và Epictetus là hai cái tên nổi bật của chủ nghĩa khắc kỉ. Bạn đọc tìm hiểu thêm về Stoicism tại đây.

  7. Plutarch (46-120) là một học giả nổi tiếng gốc Hi Lạp. Nổi bật trong số những sáng tác của ông là Parallel Lives (Tiểu sử sóng đôi) – tuyển tập tiểu sử được viết theo cặp của những nhân vật nổi tiếng người Hi Lạp và La Mã. Ông là người phản đối chủ nghĩa yếm thế, điều này được thể hiện qua hai tác phẩm là On Stoic Self-contradictions và Against the Stoic on Common Deceptions. Tuy nhiên, những tác phẩm này của ông tình cờ lại là một dữ liệu quan trọng ghi chép lại về chủ nghĩa khắc kỉ.

  8. Quy luật phi mâu thuẫn (principle of non-contradiction) là quy luật thứ hai trong số ba quy luật tư duy cơ bản. Quy luật này cho rằng hai phát biểu đối nghịch nhau không thể đều đúng trong cùng một hoàn cảnh.

One thought on “Mâu thuẫn tạo nên con người và truyền cảm hứng cho sáng tạo như thế nào?

  1. Thực ra mâu thuẫn luôn luôn tồn tại mà. Theo triết học thì phải có mâu thuẫn thì mới phát triển . Giải quyết được mâu thuẫn là cách phát triển trong cuộc sống. Nên mâu thuẫn đâu chỉ giúp sáng tạo mà còn là nền tảng của sự phát triển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất