a
§ Tác giả: Nathan Schneider | Nguồn: Aeon Ideas
Biên dịch: Sicalo | Hiệu đính:  Aceae
23/02/2017
Liệu Chúa - một đấng toàn năng, toàn trí, toàn đức - có thực sự tồn tại? Việc Chúa có tồn tại hay không liệu có mang lại sự khác biệt cho nhân loại? Hay thực ra câu hỏi này chỉ tạo ra những đường ranh giới và khác biệt, trong khi che mờ đi những điểm chung và câu hỏi quan trọng hơn?

Hai căn phòng, ở hai thành phố xa nhau hàng nghìn dặm, nhưng hoạt cảnh trong hai căn phòng cơ bản là giống nhau. Đứng trước một đám đông khoảng tầm vài chục người, nhiều người trong số họ là người da trắng tuổi trung niên, cộng thêm một vài cô cậu nhóc thanh thiếu niên ra dáng trưởng thành trước tuổi, là một người đàn ông đang diễn thuyết. Trong khi ông nói, đám đông thi thoảng xin phép dừng lại để đặt những câu hỏi chi tiết và thành thật, nhận được những câu trả lời mà họ nghĩ là thỏa đáng. Đám đông đó thèm khát những luận điểm phức tạp cộng với những thành quả từ khoa học. Chỉ có một điều mà đám đông trong căn phòng kể trên không thể hiểu nổi đó là tại sao những người hiện giờ đang ở trong một căn phòng khác ở một nơi nào đó, có thể bị thuyết phục bởi một điều mà họ luôn mặc định là sai rõ ràng.

Một trong những căn phòng đó nằm trong một tòa cao ốc tọa lạc ở thành phố New York, nhìn ra phía bên ngoài là một đống tàn tích của cái mà ngày xưa là Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center). Người đàn ông đó là Richard Dawkins, nhà động vật học của trường Oxford và cũng đang là một người đang đấu tranh cho chủ nghĩa vô thần mới (New Atheism). Người đàn ông còn lại là đối thủ truyền kiếp của Richard Dawkins, nhà triết học theo chủ nghĩa Phúc Âm (Evangelical Christian) và cũng là một nhà tranh biện có tiếng William Lane Craig. William Craig cũng đang có một bài thuyết trình trong khuôn viên nhà thờ lớn của ông ta tại Marietta, thuộc bang Georgia. Điều thú vị là, nếu một người không biết tiếng Anh tham dự vào cả hai buổi thuyết giảng của Richard Dawkins cũng như William Craig, thì anh ta sẽ phải có một khoảng thời gian tương đối khó khăn mới nhận ra sự khác biệt giữa hai buổi thuyết giảng đó.

Câu hỏi liệu có thật sự tồn tại một đấng tối cao (God) là một trong những câu hỏi mà chúng ta dùng để đánh dấu bản ngã của mình, hay lựa chọn bạn bè, và cũng là câu hỏi làm chia rẽ chính gia đình của chúng ta. Nhưng có những thời điểm mà bản thân câu hỏi dấy lên sự nghi ngờ, hay chỉ hữu dụng phần nào. Có một lần, trong phía hậu trường trước buổi tranh biện nảy lửa giữa Craig và Sam Harris, người theo trường phái vô thần mới của Dawkins, tôi được nghe kể một câu chuyện khá thú vị. Một nhà thần học Công giáo đến bên Harris và nói: “Tôi đồng ý với anh nhiều hơn với anh chàng kia [Craig]!”

Trong những ngày hưng thịnh của chủ nghĩa vô thần mới, một vài năm sau cuộc khủng bố đẫm máu 11/9, tôi đang trong giai đoạn cải đạo sang Công giáo. Cũng là một điều dễ hiểu khi mọi người nghĩ lòng mộ đạo sẽ khiến tôi nhất quyết chống lại chủ nghĩa vô thần mới này. Nhưng sự thật không phải thế. Việc Chúa tồn tại đúng hay sai đều không phải quan điểm của tôi, và những tranh luận xung quanh sự tồn tại của Chúa đều không hề liên quan đến quyết định đi theo niềm tin tôn giáo mà hiện giờ tôi đang nắm giữ. Ngược lại, tôi lại được thuyết phục bởi một quan điểm khá sến sẩm thế này: Tình yêu và lòng vị tha có thể chiến thắng tất cả, sự đố kị, sự căm phẫn hay ngay cả cái chết. Niềm tin này được thể hiện một cách rõ ràng và với một nhiệt huyết không hề nhỏ từ cuộc sống và cách hành xử của những sư thầy mà tôi may mắn có dịp được sinh sống cùng trong một khoảng thời gian ngắn, cũng như từ những giáo sĩ của giáo hội Catholic Workers (Tạm dịch: Công nhân Công giáo), những người chia sẻ mái ấm của họ với những người vô gia cư hay những đứa trẻ bị bỏ rơi. Về phía tôi, tôi hầu như đồng tình hết với những luận điểm của trường phái vô thần mới nói về khoa học cũng như những truy vấn tự do của con người, cái mà yêu cầu sự giải thích cho các hiện tượng của thế giới mà không cần nhờ đến một thế lực vô hình nào đó. Nhưng, cái mà tôi không bao giờ có thể đồng tình được đó chính là sự ủng hộ của họ, những người theo trường phái vô thần mới, đối với chính sách diều hâu hiện đang bành trướng ở các nước Hồi giáo.

Câu hỏi liệu có thật sự tồn tại một đấng tối cao (God) là một trong những câu hỏi mà chúng ta dùng để đánh dấu bản ngã của mình, hay lựa chọn bạn bè, và cũng là câu hỏi làm chia rẽ chính gia đình của chúng ta. Nhưng có những thời điểm mà bản thân câu hỏi dấy lên sự nghi ngờ.

Nhưng để tìm câu trả lời cho những câu hỏi xung quanh sự tồn tại của một đấng tối cao. Tôi đã đi rất nhiều nơi để tìm gặp những nhà tranh biện về Chúa, cũng như nghiên cứu những lập luận mà họ sử dụng, vốn đến từ các nhà hiền triết trong suốt lịch sử. Và tôi nhận ra rằng tôi không hề đơn độc trên con đường hoài nghi về sự liên quan hay hữu dụng của câu hỏi: liệu chúa có thực sự tồn tại?

Những nhà hiền triết đã đưa ra các chứng minh kinh điển cho sự tồn tại của Chúa – ví dụ như Aristotle hay Thomas Aquinas – đều viết cho những độc giả là những người không hề mảy may nghi ngờ một chút nào về sự tồn tại của một đấng tối cao. Mục đích chính của việc đưa ra những bằng chứng này chủ yếu để tìm ra một sự đồng thuận về Chúa là ai, chúng ta có ý gì khi nói về Chúa, hay những lập luận và hiểu biết của con người có thể đi xa đến đâu trong việc định nghĩa Chúa.

Ví dụ như nhà mục sư thế kỷ 11, Anselm của thành Canterbury, người mà nghĩ ra bằng chứng chứng minh sự tồn tại của chúa trong một phút thăng hoa buổi sớm mai. Luận điểm của Anselm đã được phản biện không biết bao nhiêu lần từ lúc nó được lần đầu công bố cho đến nay. Anselm muốn khẳng định rằng bản thân khái niệm về một vị Chúa đã chứa trong đó bằng chứng cho sự tồn tại của Chúa. Điều này, theo Anselm, cũng là một bằng chứng cho sự luôn luôn hiện hữu và tình yêu ở khắp mọi nơi của Chúa. Trong nhiều thế kỷ, những chỉ trích ác liệt nhất không nhắm về định nghĩa của Chúa của Anselm mà là cách lập luận của ông. Nhiều thế kỉ sau, vào thế kỉ thứ 17 tại Hà Lan, kẻ bội đạo người Do Thái Baruch Spinoza dùng lập luận giống hệt với Anselm. Spinoza dùng cách lập luận nhưng điều khác là ông ta bỏ đi định nghĩa về Chúa.

Ngày nay, Spinoza được coi như một trong những nhà tiên phong trong việc phổ biến cách nhìn thế giới qua lăng kính của khoa học. Nhà vô thần học đồng thời là một tiểu thuyết gia Rebecca Newwberger Goldstein đã từng coi Spinoza là một “kẻ Do Thái phản bội đã cho chúng ta thời hiện đại.” Nhưng, trung tâm của hệ thống luận điểm của Spinoza là bằng chứng chứng minh sự tồn tại của chúa, rất giống với những gì mục sư thiên chúa giáo Anselm đã làm. Nơi Anselm nhìn thấy bằng chứng cho sự tồn tại của một đấng tối cao thì Spinoza nhìn thấy trong đó một sự toàn vẹn và trọn vẹn của vũ trụ (totality of the universe). Spinoza nhấn mạnh rằng đây mới chính là một đấng tối cao đích thực, và ông không phải là một người theo chủ nghĩa vô thần. Spinoza sau này được người ta nhớ đến cũng là vì sự sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng của mình; nhà thơ người Đức theo trường phái Lãng mạn Novalis đã từng gọi ông là một “kẻ say mê Chúa.”

Cả Spinoza và Anselm đều tin hết lòng vào Chúa và đều vận dụng một cách lập luận giống nhau. Nhưng điều khác biệt ở đây là ý niệm về Chúa trong tim họ.

Trong thế kỉ 20, nhà tiểu thuyết và triết học gia Iris Murdoch lại một lần nữa vận dụng cách lập luận của Spinoza và Anselm. Nhưng lần này, Iris đều không nhìn thấy Đức Chúa Cha của Anselm (Anselm’s God the Father) cũng như Đấng Tạo hóa Tự nhiên của Spinoza (Spinoza’s God of Nature). Thay vào đó, Iris nhìn thấy cái Tốt (The Good), cái mà là bản lề để giữ chắc những quan niệm về đạo đức cũng như về cái đẹp trong một thế giới hậu tôn giáo (post-religious world). Khi chúng ta so sánh Iris với Anselm hay Spinoza, câu trả lời cho câu hỏi liệu Chúa có tồn tại lại không thú vị bằng cách lập luận rất đỗi giống nhau mà họ đã từng sử dụng và những ý nghĩa khác nhau được suy luận ra từ cùng một cách lập luận đó. Thật là thi thú biết bao nhiêu khi thử tưởng tượng Anselm sẽ nói gì với Iris, nếu chẳng may họ gặp nhau một ngày nào đó.

Tôi nhận ra rằng mình cần phải quan tâm ít hơn tới việc liệu người khác có tin vào Chúa hay không, thay vào đó là việc khi họ nói họ tin vào Chúa, ý niệm của họ về việc đó là gì, và họ sẽ làm những gì khi có một niềm tin như thế.

Chúng ta đang thực sự đề cập đến vấn đề gi khi tranh luận xem ai đúng ai sai về sự tồn tại của Chúa? Tôi nghĩ rằng việc suy nghĩ theo chiều hướng phía trên là lối tắt, một cách để chúng ta trốn tránh những câu hỏi khác cần thiết hơn và khó khăn hơn. Việc hạ thấp danh dự người khác chỉ vì họ là người theo chủ nghĩa vô thần hay chỉ vì họ có một niềm tin sai lệch về một đấng tối cao có thể là lời ngụy biện cho việc đối xử với họ một cách kém nhân tính. Khi những kẻ khủng bố tấn công nhân danh một đấng tối cao nào đó, chúng ta cảm thấy dễ dàng khi đổ lỗi cho niềm tin tôn giáo của họ hơn là việc nhìn nhận nguyên nhân sâu xa về các trại quân sự nước ngoài rải trên mảnh đất quê hương họ, hay các thế lực ngoại quốc đứng đằng sau những kẻ cầm đầu chính quyền địa phương mục rữa. Khi những cộng đồng tôn giáo bác bỏ những giả thuyết khoa học chỉ vì chúng đi ngược lại với những thứ được dạy trong kinh thánh, chúng ta cũng lại tìm những lí do dễ dàng để đổ lỗi cho sự bài bác của họ là do họ tin vào Chúa; trong khi đó ta lại không nhìn nhận là có những người theo đạo khác lại chấp nhận các giả thuyết này. Những ý tưởng tốt hay những ý tưởng tồi, những hành vi xấu hay những hành vi đẹp, tất cả đều tồn tại ở cả hai ranh giới của niềm tin về Chúa.

Những việc làm từng được coi như một sự khiêu khích của Giáo hoàng Francis trong những năm gần đây là một minh chứng cụ thể cho luận điểm được đề cập ở đoạn văn trên. Khi Francis viết thư cho những mục sư cấp dưới của mình về vấn đề sinh thái, nhiều nhà môi trường học không hề theo đạo tiếp nhận lá thư với một tâm thế nồng nhiệt hơn nhiều so với những người bạn theo đạo của tôi. Giáo Hoàng Francis muốn gửi thông điệp tích cực tới không chỉ cho người theo đạo Tin lành, mà còn muốn nhắn nhủ với toàn thể người dân của trái đất. Hơn thế nữa, Ngài còn mời những nhà hoạt động không theo đạo đến để đàm đạo về những vấn đề xung quanh. (Nhà báo Naomi Klein sau buổi gặp gỡ đó còn nhiệt huyết đến nỗi, cô ấy phải nhắc nhở bản thân “không được uống quá nhiều Kool-Aid.”) Cùng lúc đó, blogger theo thiên hướng cổ hủ của Công giáo Maureen Mullarkey thì cho rằng hành động của Giáo Hoàng không hơn gì những lời nói ngông cuồng rỗng tuếch.” Những người bạn theo đạo của tôi tiếp nhận thông tin như một cú giáng mạnh làm họ suy sụp tinh thần; còn tôi khi nhận được tin đã khóc những giọt nước mắt sung sướng. Việc mà chúng ta đồng quan điểm về một niềm tin vào Chúa của Giáo hoàng Francis, bất chấp hậu quả ra sao, hoàn toàn không liên quan.

Tôi luôn tin vào một đấng tối cao, nhưng nhiều khi tôi nhận được sự đồng cảm từ những người ngoại đạo nhiều hơn so với những người nói rằng họ là những đứa con của Chúa. Tôi nhận ra rằng mình cần phải quan tâm ít hơn tới việc liệu người khác có tin vào Chúa hay không, thay vào đó là việc khi họ nói họ tin vào Chúa, ý niệm của họ về việc đó là gì, và họ sẽ làm những gì khi có một niềm tin như thế.

One thought on “Sự tồn tại của Chúa liệu có mang lại điều khác biệt?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Triết Học 101 – Lập Luận
Điều căn bản mà bất kì ai muốn học triết và hiểu triết cần nắm rõ là lập luận. Tất cả các vấn để trong triết học đều quay xung quanh lập luận. Nhưng không phải ai cũng biết thế nào là lập luận và lập luận ra sao là đúng.
Mới nhất