a
§ Tác giả: The Economist | Nguồn: The Economist
Biên dịch: Hồng Hoa | Hiệu đính:  Dexter
29/10/2017
Tìm kiếm thời gian đã mất: Thiếu thời gian một phần là do nhận thức, một phần là do phân phối.

Những dự đoán ngày trước nghe như những lời hứa hẹn: Trong tương lai, thời gian làm việc sẽ giảm trong khi ngày nghỉ sẽ kéo dài. Năm 1930, John Maynard Keynes dự đoán “Con cháu chúng ta”, sẽ làm việc khoảng “3 tiếng 1 ngày” – thậm chí có thể được quyền lựa chọn làm hay không làm. Vào thời đại của ông, sự tiến bộ trong kinh tế và các cải tiến trong công nghệ đã khiến cho giờ làm việc giảm đáng kể, và không gì cho thấy rằng xu hướng này sẽ không tiếp tục. Trong mọi mặt đời sống, xe hơi cùng với các phương tiện, thiết bị tiết kiệm thời gian ra đời, giúp giảm bớt các công việc nặng nhọc nhàm chán và tăng tốc độ công việc. Các nhà tâm lý học xã hội còn lo lắng: Con người biết phải làm gì trong thời gian rảnh?

Điều này hóa ra lại không trở thành một vấn đề lớn của xã hội. Mọi người có vẻ đều bận rộn mọi lúc mọi nơi. Trong thế giới của các công ty, tập đoàn, “vấn đề thiếu thời gian kinh niên” ảnh hưởng các nhà điều hành khắp toàn cầu, và theo một nhà phân tích tại McKinsey (công ty tư vấn), vài năm gần đây nó còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Các ông bố bà mẹ đang đi làm là những người cảm nhận rõ điều này nhất. Nhiều người cằn nhằn rằng các tiện ích tiết kiệm thời gian lại ngốn quá nhiều thời gian trong ngày của họ, khi họ đang tắc kẹt trong giao thông, điều khiển các tin nhắn giọng nói hay lướt mail – đôi khi làm tất cả những điều này cùng một lúc.

Tíc tắc

Tại sao ai cũng cảm thấy vội vã như vậy? Nguyên nhân của vấn đề này một phần là do nhận thức. Tính trung bình, người dân tại các nước giàu có nhiều thời gian rảnh hơn ngày trước. Điều này đặc biệt đúng ở châu Âu, tuy nhiên ngay cả ở Mỹ, thời gian rảnh cũng đã tăng lên (dù rất chậm) từ năm 1965, khi các cuộc khảo sát chính thức được tiến hành trên cả nước. Thời gian làm việc của người Mỹ giảm gần 12 tiếng/tuần so với 40 năm trước – bao gồm cả thời gian dành cho các hoạt động liên quan đến công việc như đi lại và thời gian nghỉ. Tiền lương cho phụ nữ đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn này, và thời gian họ dành cho các công việc không được trả tiền, như nấu ăn và giặt giũ, còn giảm nhiều hơn, nhờ vào sự ra đời của máy rửa bát, máy giặt, lò vi sóng và các thiết bị tiện lợi khác, và nhờ việc đàn ông giờ đây đã dành nhiều thời gian cho gia đình nhiều hơn trước.

Vậy thì, vấn đề lúc này không phải là mọi người có bao nhiêu thời gian mà là họ NGHĨ mình có bao nhiêu thời gian. Từ lần đầu tiên đồng hồ được dùng để đo thời gian lao động vào thế kỷ 18, thời gian đã gắn liền với tiền bạc. Một khi thời gian và tài chính được định lượng, con người bắt đầu lo lắng về “lãng phí”, “tiết kiệm” và “làm thế nào để dùng chúng một cách có lợi”. Khi nền kinh tế phát triển và thu nhập tăng lên, thời gian của mọi người đều có giá trị hơn. Và khi giá trị càng tăng lên, độ khan hiếm của chúng cũng tăng lên như vậy.

Nền văn hóa coi trọng cá nhân, vốn nhấn mạnh về thành tựu đạt được hơn là các mối liên kết, đã khiến lối tư duy “thời gian là tiền bạc” trở nên phổ biến. Harry Triandis, một nhà tâm lý học xã hội tại đại học Illinois nói rằng chính điều này đã thúc đẩy mọi người tính toán giá trị của mọi thời điểm. Các thành phố lớn, giàu có với mức lương cao và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng còn nâng mức giá trị của thời gian thêm nữa. Người dân tại New York tiết kiệm từng phút của họ – và do đó dễ cảm thấy mình bị làm phiền – nhiều hơn cư dân tại Nairobi. Những người sống tại London đi bộ nhanh hơn những người sống ở Lima. Tại các nước giàu, nhịp độ sống nhanh hơn các nước nghèo. Điều này làm cho mọi người có tâm lý vội vã. Năm 1890, William James đã nhận xét trong tác phẩm “Các nguyên tắc tâm lý học”, “Cảm giác về thời gian của chúng ta, dường như tuân theo định luật tương phản (Law of contrast).

Khi con người quy đổi thời gian về tiền bạc, họ thường tiết kiệm cái trước để tối đa hóa cái sau. Nhân viên được trả lương theo giờ hiếm khi tình nguyện thêm thời gian của mình cho công việc và thường thấy bứt rứt, khó chịu khi không làm việc. Trong một thí nghiệm do Sanford DeVoe và Julian House thực hiện tại Đại học Toronto, hai nhóm người riêng biệt được yêu cầu để nghe cùng một đoạn nhạc – 86 giây đầu trong bài “The Flower Duet” từ vở Opera “Lakmé”. Trước khi tiến hành thí nghiệm, một nhóm được yêu cầu ước lượng mức lương của họ theo giờ. Những người này sau đó trở nên kém hạnh phúc hơn và thiếu kiên nhẫn khi nghe nhạc. Theo Mr. DeVoe, “Họ muốn dừng thí nghiệm lại để làm việc khác có lợi nhuận cao hơn”.

Gary S.Becker đã nhận thấy mối quan hệ giữa thời gian, tiền bạc và lo lắng từ sau những năm xảy ra nội chiến Mỹ. Mặc dù sự phát triển kinh tế và mức lương cao hơn đã làm tăng mức sống chung, thời gian “rảnh’’ mà người Mỹ được hứa hẹn từ trước đã trở về không. Năm 1965, ông nhận xét “Thời gian được sử dụng kỹ càng hơn 1 thế kỷ trước”. Ông thấy rằng, mọi người có xu hướng làm việc nhiều hơn khi họ được trả lương cao hơn, bởi vì lúc này, làm việc trở thành phương án sử dụng thời gian mang lại nhiều lợi ích hơn. Như vậy, chính sự gia tăng giá trị của công việc đã tăng áp lực lên thời gian. Thời gian rảnh dường như căng thẳng hơn, vì con người bị thôi thúc bởi việc sử dụng nó một cách khôn ngoan, hoặc không làm gì cả.

Tầng lớp nhàn rỗi vội vã1

Vào những năm 1960, ý tưởng sự phát triển kinh tế sẽ tạo nên cảm giác thiếu thốn thời gian có vẻ khá kỳ lạ, khi mà những các loại máy cắt cỏ, máy xay tiết kiệm thời gian vừa mới ra đời. Tuy nhiên, có một mối quan hệ khá rõ ràng giữa “đặc quyền” và “áp lực”. Đây chính là nghịch lý của giàu sang: có nhiều tiền để tiêu hơn không có nghĩa là sẽ có thêm thời gian tiêu tiền. Điều này khiến cho thời gian – thứ tài sản hữu hạn, không phục hồi – càng trở nên quý giá.

Bận rộn có thể giúp bạn giàu hơn, nhưng giàu có lại khiến bạn bận rộn hơn.

Daniel Hamermesh đến từ Đại học Texas, thành phố Austin gọi hiện tượng này là “Yuppie kvetch”. Trong bản phân tích quốc tế về áp lực thời gian mà ông thực hiện cùng với Jungmin Lee của Đại học Sogang ở Seoul,  ông nhận thấy rằng những lời phàn nàn về thiếu thời gian chủ yếu đến từ những gia đình giàu có. Ngay cả khi họ đã giữ cho mức thời gian làm việc và thời gian tại nhà ở mức cố định, họ vẫn thấy lo lắng về thời gian của mình. Năm 2011, công ty khảo sát Gallup kết luận “Càng trở nên giàu có, người Mỹ càng thấy thiếu thời gian”. Ít người dành thời gian để thông cảm cho kết luận này.

Bận rộn có thể giúp bạn giàu hơn, nhưng giàu có lại khiến bạn bận rộn hơn. Staffan Linder, một nhà Kinh tế Thụy Điển, đã phân tích vấn đề này vào năm 1970. Giống như Becker, ông thấy rằng việc tăng năng suất lao động khiến mọi người tối ưu hóa thời gian nhàn rỗi của họ. Cách dễ nhất chính là tăng mức tiêu thụ hàng hóa trong một đơn vị thời gian. Ông viết rằng, người ta có thể “thực hiện đồng thời hành vi tiêu thụ” bằng cách “uống cà phê Brazil, hút xì gà Hà Lan, thưởng thức rượu cognac Pháp, đọc New York Times, nghe hòa nhạc Brandenburge và giải trí cùng cô vợ Thụy Điển” trong cùng một lúc, với các mức độ thành công khác nhau. Thời gian nhàn rỗi lúc này đã trở nên bận rộn hơn, đặc biệt với những người có nhiều khả năng tận hưởng nó nhiều nhất. Theo Linder, kết quả bất ngờ của việc phát triển kinh tế chính là “Tầng lớp nhàn rỗi vội vã.”

Sự gia tăng hàng hóa sẵn có chỉ khiến cho thời gian bị chèn ép nhiều hơn, việc chúng ta vất vả với các lựa chọn ăn gì, xem gì, mua gì, làm gì, khiến chi phí cơ hội của thời gian nhàn rỗi tăng lên (ví dụ, chi phí chọn lựa làm việc này chính là việc khó hoàn thành việc khác hơn trong cùng một nguồn lực) và do đó, mức căng thẳng cũng tăng. Những khả năng bất tận mà internet mang lại khiến bộ não quá tải. Khi có quá nhiều thứ để làm trong cùng một lúc, chúng ta tự nhiên mong muốn có nhiều thời gian hơn. Mọi thú vui đều chỉ kéo dài trong chốc lát. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính tương đối, như Albert Einstein đã nhận xét “Một giờ ngồi trên ghế với cô gái xinh đẹp chỉ như một phút, nhưng một phút ngồi trên chiếc lò nóng lại dài như một giờ”.

Khả năng thỏa mãn các nguyện vọng cũng sinh ra sự mất kiên nhẫn, và bị trầm trọng hóa hơn bởi suy nghĩ có thể làm nhiều việc hơn cùng một lúc. Theo một khảo sát mới đây của Google, 1 trang web sẽ có số người xem ít hơn nếu tốc độ load chậm hơn 250 mili giây so với trang web của đối thủ cạnh tranh. Hơn 1 phần 5 người sử dụng internet sẽ bỏ qua 1 video online nếu thời gian load nhiều hơn 5 giây. Khi mà mọi trải nghiệm đều có thể được tính toán bằng từng mili giây, mọi giây phút đều được đánh giá về độ hữu dụng.

Các công nghệ mới như email hay smartphone càng làm tăng sự thiếu kiên nhẫn và sự lo lắng. Theo phép lịch sự xã giao, thời gian trả lời e-mail thường trong vòng 24 tiếng, và thực ra thì càng sớm càng tốt. Việc kiểm soát liên tục khối lượng công việc này thường đòi hỏi hoạt động đa nhiệm (multi-tasking), trong khi công việc thì dường như sẽ không giờ được hoàn thành. “Đa nhiệm chính là thứ khiến chúng ta thấy ít thời gian” – Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia, Vancouver, Canada nhận xét. “Dù đang làm việc gì, chúng ta cũng sẽ cảm thấy tốt hơn nếu tập trung vào công việc đó”.

Tuy việc, việc thiếu thời gian không chỉ xuất phát từ nhận thức, mà còn do vấn đề phân phối. Những sự thay đổi trong cách con người sống và làm việc đã làm thay đổi cách chúng ta sử dụng thời gian rảnh, và quyết định ai được quyền sử dụng thời gian đấy. Trong vòng 20 năm trở lại đây, và dựa vào các xu thế trước, ta thấy những người làm việc nhiều nhất và những người liên tục chuyển đổi giữa công việc ở nhà và chỗ làm lại chính là những người có học thức cao nhất và được trả lương nhiều nhất. Tầng lớp đã-từng-được-gọi-là-nhàn-rỗi chưa bao giờ phải vội vã như thế.

Cuộc đua đến vị trí đầu

Năm 1962, Sebastian de Grazia, một nhà khoa học chính trị, đã thể hiện cái nhìn mệt mỏi trên khắp vùng đất nước Mỹ, kinh hoàng trước sự hoạt động không ngừng nghỉ của nền công nghiệp và sức tiêu dùng. “Nếu giới lãnh đạo ở Mỹ thực sự quyền lực như vậy, tại sao họ không có thêm thời gian nghỉ, cái mà ai khác cũng thấy là đáng giá? Có lẽ Grazia đã may mắn vì không sống đến ngày các lãnh đạo thậm chí còn không có thời gian nghỉ ăn trưa.

30 năm trước, nhiều khả năng là thời gian làm việc của công nhân cổ cồn xanh dài hơn các đồng nghiệp trí thức của họ. Một trong các lợi thế của việc trở thành nhân viên làm công ăn lương chính là có thời gian làm việc trong tuần cố định, thường dự đoán trước được, dễ sắp xếp, có thời gian cho những bữa ăn trưa kéo dài, thậm chí một vòng chơi golf. Buổi tối có thể để dành cho việc ngồi cạnh lò sưởi đọc catalouge Sharper Image.

Nhưng giờ đây chính các chuyên viên này phải làm việc gấp đôi thời gian các đồng nghiệp với trình độ học vấn thấp hơn. Ít người nghĩ đến việc dành thời gian cho 9 lỗ golf, nữa là 18 lỗ. (Các sân golf trên khắp thế giới đang cố gắng cải tiến trò chơi này, khiến cho nó trở nên nhanh hơn và hấp dẫn hơn với người chơi – xem thêm bài viết này). Bữa trưa thường biến thành một hoạt động năng suất, khi mọi người vừa ăn tại bàn vừa dán mắt đọc email. Cuối cùng cũng đến lúc những người này được rời khỏi văn phòng, nhưng những cái nhấp nháy và tiếng “bíp” phát ra từ smart-phone liên tục nhắc nhở rằng công việc của họ sẽ không bao giờ hoàn thành.

Kết quả 1 khảo sát từ Đại học Harvard phỏng vấn hơn 1000 chuyên viên cho thấy rằng 94% trong số họ làm ít nhất 50 tiếng/tuần, và gần một nửa làm việc nhiều hơn 65 tiếng/tuần. Các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ các nhân viên trí thức nam của Mỹ thường xuyên làm việc nhiều hơn 50 tiếng/giờ tăng từ 24% năm 1979 lên 28% năm 2006. Theo một khảo sát mới đây, 60% những người dùng smartphone được “kết nối” với công việc khoảng 13,5 tiếng/ngày. Luật lao động châu Âu hạn chế làm thêm giờ, nhưng 10 quản lý thì 4 người là nạn nhân của “căn bệnh Mỹ”, làm việc hơn 60 tiếng/tuần. Giờ thì làm việc nhiều không bị xem là đáng xấu hổ nữa.

Qúa nhiều thời gian cho công việc khiến thời gian vui chơi giảm xuống. Mặc dù tổng số thời gian rảnh của xã hội đã tăng lên, nhưng hầu hết sự gia tăng này diễn ra vào giữa những năm 1960-1980. Các nhà kinh tế học đã nhận thấy có một “khoảng cách giải trí”, trong đó phần nhiều thời gian thuộc về những người có học vấn thấp.

Ví dụ, với đàn ông chưa tốt nghiệp cấp 3 ở Mỹ, thời gian rảnh đã tăng thêm 8 tiếng/tuần từ năm 1985 đến 2005. Trong khi đó, những người có bằng đại học thì thời gian rảnh lại giảm thêm 6 tiếng, tức là thời gian rảnh của học đã ít hơn so với năm 1965 – Đây là kết luận của Mark Aguiar, Đại học Princeton và Erik Hurst của Đại học Chicago. Điều này cũng đúng với những phụ nữ Mỹ học thức cao, những người có ít hơn 11 tiếng thời gian rảnh so với những phụ nữ chưa tốt nghiệp cấp 3, và đương nhiên là bận rộn hơn so với năm 1965.

Điều gì có thể giải thích cho khoảng cách lớn giữa thời gian mà người nghèo và người giàu có được? Một phần nguyên nhân là sự thay đổi trong cấu trúc thị trường lao động. Cơ hội việc làm cho những người không có bằng đại học đã giảm đáng kể. Nhiều công việc tay chân đơn giản và đòi hỏi tay nghề thấp đã dần biến mất trong thế giới giàu có. Các công việc còn lại thì đều thuộc về ngành dịch vụ. Các công việc này đều không thỏa mãn và trả lương thấp. Thế nên giá trị trong thời gian làm việc của những người có học thức thấp đã giảm xuống, và sự gia tăng thời gian “rảnh” của họ có lẽ không phải điều đáng ghen tị.

Tuy vậy, khoảng cách thời gian rảnh giữa các nhân viên có trình độ khác nhau không phải là kết quả của riêng sự thay đổi trong thị trường lao động. Những người đàn ông học vấn thấp hơn cũng dành ít thời gian tìm việc hơn, làm những công việc lẻ tẻ để kiếm tiền và dành ít thời gian để đào tạo lại so với những người có học vấn nhưng thất nghiệp, làm ít việc nhà và dành ít thời gian cho con cái hơn.

Nhưng điều này không giải thích tại sao những người có học vấn và lương cao lại có ít thời gian rảnh hơn so với những năm 1960. Hiện tượng này là do rất nhiều yếu tố tạo thành. Một trong số đó, chính là những người trình độ đại học thường yêu thích công việc mà họ đang làm để kiếm sống, có nhân cách phù hợp với sự nghiệp họ theo đổi, nên tự nguyện làm thêm giờ. Đối với những người tầng lớp trên, một công việc yêu cầu cao là một sự kiêu hãnh, nên lợi ích đạt được của việc làm thêm giờ còn cao hơn lợi ích tài chính.

Một lý do khác, chính là sự gia tăng cảm giác lo sợ mất việc. Tăng trưởng kinh tế chậm và sự ngừng lại trong nhiều ngành công nghiệp, từ truyền thông đến kiến trúc đến quảng cáo, cùng với sự gia tăng khoảng cách thu nhập, làm tăng sự cạnh cho các công việc thú vị và được trả lương cao. Trong khi đó, tại các nước giàu, chi phí nhà ở và giáo dục tư cũng tăng cao. Mọi người kỳ vọng sẽ sống lâu hơn, vì thế họ cần đảm bảo quỹ lương hưu của mình có đủ tiền để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Đối mặt với cạnh tranh, chi phí cao, và nhu cầu cho việc tiết kiệm, kể cả tầng lớp ưu tú cũng lo lắng hơn về tương lai của mình so với trước kia. Điều này có thể khiến mọi người dành nhiều thời gian trong văn phòng, đặc biệt ở Mỹ, khi mà luật ít hạn chế việc nhân viên làm thêm giờ.

Thời gian làm thêm trong văn phòng cũng đem lại những sự đền bù nhất định. Vì những người có kiến thức có một số tiêu chuẩn nhất định để đánh giá công việc, thời gian họ dành bên bàn làm việc được xem là một dấu hiệu của năng suất và sự trung thành. Vậy nên những kẻ đến văn phòng đầu tiên mỗi sáng và rời công ty cuối cùng mỗi tối thì thường xuyên được thường bằng việc tăng lương, thăng chức, hoặc thoát khỏi sự cắt giảm biên chế. Từ cuối những năm 1990, “phần thưởng cho việc làm việc nhiều tiếng” dành cho những người này là mức lương trung bình cao hơn 6% so với các đồng nghiệp toàn thời gian khác – theo Kim Weeden, đại học Cornell. (Nó cũng giúp gia tăng khoảng cách thu nhập giữa hai giới, vì những bà mẹ hiếm khi có thể dành thời gian như thế cho công việc.)

Cuối cùng thì, những người ở tầng lớp trên đang đổi thời gian rảnh của mình lấy công việc bởi lợi ích có được khi làm việc – và chi phí cho việc không làm – đang tăng cao hơn bao giờ hết. Sự mất cân bằng trong thời gian rảnh cũng trùng hợp với các thước đo công bằng khác, trong tiền lương và tiêu thụ, đã tăng liên tục từ những năm 1980. Trong khi tiền lương của công nhân, đặc biết là những người ít có học thức giậm chân tại chỗ hoặc giảm dần, thì thu nhập cho những người đứng đầu – và những người đứng trên đỉnh- lại tăng với tốc độ chóng mặt. Điều này khiến thời gian rảnh trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.

Vậy nên, mặc dù thời gian rảnh đã từng là huân chương danh dự cho giới nhà giàu thế kỷ 19, thì dưới sự miêu tả của Thorsten Beblen, nhà kinh tế học Mỹ, sự bận rộn – và cả áp lực do việc thiếu thời gian – mới là biểu tượng danh dự cho thời đại này. Áp lực thời gian đã trở thành dấu hiệu của thành đạt, một chỉ thị cho địa vị xã hội, và là điều rất nhiều người muốn có. Sự thay đổi này, theo Jonathan Gershuny, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu sử dụng thời gian của Đại học Oxford, là điều hoàn toàn tự nhiên trong kinh tế khi những người giỏi nhất là những người có nhiều việc để làm nhất.

Người Mỹ luôn luôn vội vã

Mặc dù nhân viên khắp mọi nơi đều phàn nàn về việc thiếu thời gian, điều này thể hiện rõ nhất ở Mỹ. Việc này khá hợp lý: Nhân viên Mỹ làm việc nhiều thời gian nhất trong thế giới công nghiệp. Những người chủ không bị bắt phải cho người làm kỳ nghỉ, mà ngay cả khi họ làm thế, nhân viên ít khi tận dụng thời gian này. Một nhân viên trung bình chỉ dùng một nửa số thời gian nghỉ cho phép, và 15% không nghỉ lễ tí nào, theo một khảo sát từ công ty tư vấn Glassdoor. Không ở đâu trên thế giới mà giá trị của công việc lại cao như vậy, trong khi giá trị của ngày nghỉ lại quá thấp. Dù sao thì đây cũng là đất nước đã sáng tạo ra cà phê mang đi (take-away).

Một số người đổ lỗi cho văn hoá khắt khe của Mỹ. Alexis de Tocqueville quan sát thấy hơn 150 năm trước, người Mỹ “lúc nào cũng vội vã”. Nhưng thực tế phức tạp hơn thế. Cho đến những năm 1970, số giờ công nhân Mỹ dành để uống cà phê bằng với mức trung bình của châu Âu và ít hơn một chút so với Pháp. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau những cú sốc kinh tế lớn trong những năm 1970. Ở Châu Âu, các nghiệp đoàn đã chiến đấu thành công để có mức lương ổn định, thời gian làm việc trong tuần giảm và bảo vệ việc làm. Các chính phủ thân thiện với người lao động đã giới hạn số giờ làm việc và ngày lễ. Các công nhân châu Âu về bản chất đã trao đổi tiền bạc để kiếm thêm thời gian rảnh -tiền lương thấp hơn để nghỉ nhiều hơn. Điều này làm tăng lợi ích của giải trí, bởi vì ngày lễ vui vẻ hơn và ít tốn kém hơn khi mọi người khác cũng dành thời gian nghỉ. Mặc dù các chuyên gia châu Âu đang làm việc nhiều giờ hơn bao giờ hết, vẫn khá khó để tìm thấy một người làm việc trong văn phòng vào tháng Tám.

Tại Mỹ, nơi mà các liên đoàn lao động luôn có sức mạnh yếu hơn rất nhiều, những cú sốc tương tự đã dẫn tới thất nghiệp và gia tăng cạnh tranh việc làm. Trong những năm 1980, Ronald Reagan đã cắt giảm thuế và các chương trình phúc lợi xã hội, làm tăng bất bình đẳng về kinh tế và ngăn chặn sự suy giảm trong tổng số giờ làm việc. Sự gia tăng chi phí của một số nhu cầu cơ bản – lương hưu, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục đại học, số này phần lớn được tài trợ hoặc trợ cấp ở Châu Âu – làm cho việc trao đổi thời gian với tiền bạc trở nên có lợi hơn. Và bởi vì các ngày nghỉ của Mỹ bị hạn chế hơn, do các ông chủ miễn cưỡng phân phát (nếu có), khiến việc kết hợp giữa thời gian nghỉ của người này với người khác trở nên khó khăn hơn, và điều này lại làm giảm giá trị các kỳ nghỉ – theo John de Graaf, giám đốc điều hành “Lấy lại thời gian của bạn” (Take Back Your Time) một tổ chức vận động chính sách ở Mỹ.

Lợi ích của làm việc cũng cao hơn nhiều ở Mỹ, ít nhất là đối với những người có bằng đại học. Điều này là do thuế và thanh toán chuyển khoản ít làm giảm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo so với các quốc gia giàu có khác như Anh, Pháp và Ai Len. Cuộc đấu tranh để kiếm được một chỗ trên còn đường giàu có khuyến khích mọi người làm việc nhiều hơn nữa. Joseph Stiglitz, một nhà kinh tế học đoạt giải Nobel cho biết: “Tại Mỹ, hậu quả của việc không đứng đầu đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến mức cuộc đua càng thêm quyết liệt. Trong một xã hội người -chiến-thắng-có-tất-cả, bạn sẽ kỳ vọng việc thúc ép thời gian.”

Cuối cùng thì, thời gian chính là một tài nguồn tài nguyên kỳ lạ và trơn trượt, dễ dàng trao đổi, chỉ thấy được khi nó đã trôi qua và có giá trị nhất khi nó biến mất.

Vì vậy, tăng lương, tăng chi phí, giảm việc làm và đòi hỏi nhiều hơn, phần thưởng mà công việc mang lại, tất cả đều làm giảm thời gian rỗi – ít nhất là cho những người may mắn có công việc đáng giá. Nhưng thực tế thì, những tiếng càu nhàu ồn ào nhất lại đến từ các ông bố bà mẹ đang đi làm, nhất là những người có trình độ học vấn cao. Dữ liệu sử dụng thời gian cho thấy lý do tại sao những người này không bao giờ có đủ thời gian: Trung bình, họ không chỉ làm việc nhiều thời gian nhất so với những người khác, họ cũng dành nhiều thời gian nhất với con của họ.

Ví dụ, các bà mẹ người Mỹ có bằng đại học thường chăm sóc trẻ nhiều hơn 4,5 giờ/tuần so với những bà mẹ chỉ có trình độ trung học. Theo nghiên cứu của Jonathan Guryan và Erik Hurst thuộc Đại học Chicago và Melissa Kearney, Đại học Maryland, khoảng cách này vẫn còn tồn tại ngay cả khi mẹ học vấn cao hơn đi làm bên ngoài. Các ông bố có công ăn việc làm và bằng đại học dành nhiều thời gian với con cái hơn cha họ, và nhiều hơn 105% thời gian hơn những người cùng độ tuổi có trình độ học vấn thấp hơn. Những xu hướng như thế này có thể được tìm thấy trên khắp thế giới, đặc biệt ở các nước giàu.

Nếu thời gian rảnh rỗi của họ quá khan hiếm, tại sao những người này lại tiêu tốn rất nhiều thời gian cho con mình, từ việc không khuyến khích chúng học gia sư cho đến việc đưa chúng đi các buổi chơi bóng? Tại sao họ không tìm việc gì khác để làm ngoài các nuôi dạy con cái? Có vài nguyên nhân giải thích hiện tượng này. Thứ nhất, mọi người nói rằng họ thấy việc này có ý nghĩa hơn nhiều so với thời gian dành cho hầu hết những thứ khác, bao gồm cả công việc được trả lương; và nếu những người này cho rằng công việc mình làm hôm nay có giá trị hơn công việc hôm qua, thì có lẽ họ cảm thấy thời gian họ dành làm cha mẹ còn có giá trị hơn. Một lý do khác là cha mẹ – nhất là những người có học vấn – muốn cho con cái mình sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính tốt hơn như một sự đầu tư quan trọng.  Khi trẻ theo đuổi một thứ gì đó một cách độc lập, đôi khi bằng cách khá tốn kém, việc nuôi dạy con cái cảm thấy có thêm ý nghĩa, ngay cả khi đây chỉ là một thành kiến.

Công việc của một người mẹ
Sự gia tăng việc làm của phụ nữ dường như cũng trùng hợp với (hoặc có thể cùng với) sự gia tăng tương tự về tiêu chuẩn đối với việc làm cha mẹ tốt, và đặc biệt là một người mẹ tốt. Judy Wajcman, giáo sư xã hội học tại Trường Kinh tế London, tác giả của một cuốn sách mới  “Sự thúc ép của thời gian: Sự tăng tốc của cuộc sống trong chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số” nói rằng cảm giác và cảm giác tội lỗi và sự mâu thuẫn khi làm việc bên ngoài, cùng với một số áp lực xã hội, buộc nhiều phụ nữ phải cố gắng hoàn hình tượng lý tưởng về người mẹ.

Cuộc đấu tranh để “có tất cả” có thể là một thách thức đầy tính đặc quyền trong thế giới hiện đại. Nhưng nó cũng cho thấy rằng ngay cả trong các hộ gia đình có 2 nguồn thu nhập, các bà mẹ vẫn quản lý phần lớn các công việc chung trong nhà – đặc biệt là các công việc hàng ngày, những công việc dường như không bao giờ kết thúc. Những ông bố chú tâm giải quyết các công việc thú vị hơn, chẳng hạn như đưa con cái đi chơi và tập thể thao, trong khi các bà mẹ bị mắc kẹt với việc cho trẻ ăn, dọn dẹp và than phiền. Mặc dù phụ nữ ít làm việc nhà hơn trước kia, những công việc mà họ làm thường sẽ không bao giờ kết thúc, như dọn dẹp, nấu ăn và giặt là. Đàn ông có học thức bây giờ làm việc nhiều hơn những gì cha của họ đã từng làm, và nhiều hơn những người bạn kém học vấn của họ, nhưng vẫn chỉ bằng nửa thời gian của phụ nữ. Và đàn ông có khuynh hướng làm những việc nhà có thể hoàn thành nhanh hơn, chẳng hạn như cắt cỏ hoặc sửa đồ quanh nhà. Tất cả những điều này giúp giải thích tại sao thời gian dành cho các bà mẹ, và đặc biệt là các bà mẹ đang làm việc, luôn cảm thấy khan hiếm. Geoffrey Godbey, chuyên gia sử dụng thời gian tại Đại học Penn State nói: “các bà mẹ có con nhỏ là bộ phận khan hiếm thời gian nhất trong xã hội.”

Mặc dù giờ đây phụ nữ làm ít việc nhà hơn trước kia, những gì mà họ đang làm bây giờ lại là các công việc không bao giờ kết thúc.

Thời nay các bậc phụ huynh cũng có cái nhìn sâu sắc hơn về cách trẻ học hỏi và phát triển, do đó họ có nhiều công cụ (và nỗi sợ hãi) để nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Điều này giải thích lý do tại sao những người khá giả đang đầu tư quá nhiều thời gian vào làm cha mẹ: chuẩn bị cho trẻ thành công là cách tốt nhất để chuyển những đặc quyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Bây giờ, khi tuổi thọ tăng lên, cha mẹ có ít lý do hơn để trao lại tài sản lớn cho con mình khi họ chết. Vì vậy, cách tốt nhất để đảm bảo sự thành công của con cái là cung cấp giáo dục và kỹ năng cần thiết để tiến lên phía trước, đặc biệt khi nguồn nhân lực ngày càng trở nên quan trọng cho sự thành công. Điều này giúp giải thích tại sao các bậc cha mẹ có điều kiện thường dành nhiều thời gian lo lắng cho các trường học và đưa đón con cái họ đến các sự kiện giúp làm đẹp hồ sơ, CV. Philip Cohen, giáo sư xã hội học tại Đại học Maryland, người nghiên cứu các gia đình hiện đại, nhận định: “Cha mẹ bây giờ sợ phải kém cỏi hơn hàng xóm của họ. “Cảm giác như đây là một cuộc chạy đua vũ trang.”

Không có thời gian để lãng phí
Thời gian giải trí bây giờ đã thành một thứ chỉ có trong truyền thuyết. Một số bị nguyền rủa với quá nhiều thời gian rảnh. Những người khác thấy nó quá tốn kém để tận hưởng. Nhiều người dành những giây phút rảnh rỗi chỉ để nhìn chằm chằm vào màn hình, mặc dù các việc khác (thăm bạn bè, tình nguyện ở nhà thờ) mới khiến họ hạnh phúc hơn. Không ít người cho rằng họ sẽ có được thời gian rảnh rỗi sau khi nghỉ hưu. Trong khi chờ đến lúc đó, việc bận rộn có phần thưởng riêng của nó. Nếu không, tại sao mọi người lại chấp nhận làm thế?

Cuối cùng thì, thời gian chính là một tài nguồn tài nguyên kỳ lạ và trơn trượt, dễ dàng trao đổi, chỉ thấy được khi nó đã trôi qua và có giá trị nhất khi nó biến mất. Chưa có ai phải phàn nàn về việc có quá nhiều thời gian. Thay vào đó, hầu hết mọi người lo lắng về việc nó trôi đi như thế nào, và tự hỏi nó đã đi đến đâu. Điều tàn nhẫn là, nó trôi đi nhanh hơn khi ta già đi, vì các năm sau lại ít quan trọng hơn các năm trước (theo tỷ lệ), nhưng cũng ít sinh động hơn. Kinh nghiệm trở thành thói quen, thay vì điều mới lạ. Các năm trôi qua trộn lẫn vao nhau và xô đẩy quá khứ, với phần ký ức sống động nhất nằm đâu đó ở phần đầu. Và càng cố gắng níu giữ thứ gì, thứ đó càng mất đi nhanh hơn.

Vào thế kỷ thứ nhất, Seneca viết rằng ông đã giật mình vì có bao nhiêu người dường như ít coi trọng cuộc sống mà họ đang sống – mọi người có vẻ bận rộn, cực kỳ bận rộn, có thể chết với nỗi sợ hãi nhưng lại bất tử với những tham vọng và lãng phí thời gian. Ông nhận thấy ngay cả những người giàu cũng đẩy nhanh cuộc sống của họ, hủy hoại sự may mắn của họ, chờ đợi thời điểm trong tương lai khi họ được nghỉ ngơi. “Người ta rất sẵn sàng bảo vệ tài sản cá nhân của họ; nhưng khi nói đến thời gian, họ sẵn sàng lãng phí cái mà họ nên tiết kiệm, ông nhận xét trong cuốn sách “Về cuộc sống ngắn ngủi”, có lẽ đây là cuốn sách viết về việc quản lý thời gian đầu tiên. Thời gian trên trái đất có thể không chắc chắn và thoáng qua, nhưng hầu như mọi người đều có đủ thời gian để hít thở sâu, suy nghĩ kỹ và thưởng thức hương thơm từ hoa hồng. “Cuộc sống sẽ rất dài nếu bạn biết cách sử dụng nó.”

Gần 2.000 năm sau, de Grazia đưa ra lời khuyên tương tự. Cuộc sống hiện đại, nơi con người lãng phí thời gian rảnh, tích trữ tiền bạc, hay xía vào chuyện người khác, buôn bán nhiều thứ rỗng tuếch, khiến anh ta tức giận. Ông thấy mọi người ở khắp mọi nơi đều chạy, chạy, chạy, nhưng chạy đến đâu? Để làm gì? Mọi người đã trao đổi thời gian của họ cho tất cả các thứ khác, nhưng điều đó có đáng không? Năm 1962, ông đã kết thúc quyển sách của mình “Of Time, Work and Leisure” (Tạm dịch: Về Thời gian, Công việc và Giải trí) với dòng chữ:

“Tựa lưng vào gốc cây, để tay ra sau đầu, nghĩ về những gì chúng ta đã trải qua, cười và nhớ rằng điểm bắt đầu và kết thúc các thành quả lớn của con người đều rất lộn xộn.”


  1. Nguyên văn của tầng lớp nhàn rỗi là “The Leisure class”, là thuật ngữ được Thorstein Veblen (1857-1929) sử dụng trong tác phẩm của mình, “The Theory of the Leisure class”, ám chỉ tầng lớp nhà giàu mới nổi ở Mỹ, cũng có thể hiểu là tầng lớp trên, tầng lớp thượng lưu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất