a
§ Tác giả: Oliver Wainwright | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Aceae | Hiệu đính:  Nguyên
22/01/2017
Vài cuộc thăm dò sử dụng laser mới đây đã hé lộ vết tích của một khu định cư đô thị mênh mông, với kích cỡ tương đương Los Angeles, bao quanh những ngôi đền Angkor trong khu rừng Campuchia. Cố đô Khmer cổ xưa chưa bao giờ mất đi… nó chỉ hơi bị che phủ mà thôi.

Những cụm đá khổng lồ hình quả thông chồi lên khỏi vòm cây của khu rừng Campuchia rậm rạp, nom như những tên lửa cổ đại chuẩn bị cất cánh; con hào lặng im như tấm gương nằm phía dưới phản chiếu hình bóng không lẫn đi đâu được của chúng. Những cái rễ cây ngoằn nghèo như xúc tu bao quanh những thềm đá tròn, tìm đường vòng qua những vòm cửa và quấn chặt lấy những gương mặt gỗ đá yên bình của những vị thần-đế mỉm cười, chẳng hề hay rằng đế quốc của họ đã từ lâu phải quỳ phục trước thiên nhiên.

Trong lúc cùng hai triệu du khách đến đây hằng năm ngắm nhìn những ngôi đền bí ẩn của Angkor, bạn vẫn có thể có cảm giác như đang phát hiện ra vương quốc đã mất này lần đầu tiên. Trong khi lang thang giữa những di tích tàn lụi, cách xa nhau trong rừng sâu, điều khó mường tượng hơn là việc những tượng đài này đã từng là một phần của thành phố lớn và trải rộng nhất hành tinh.

“Các cuộc điều tra của chúng tôi đã phát hiện các dấu vết quy hoạch định cư tương đương về kích cỡ so với LA hay Sydney, với hình thái đô thị giống như hình mẫu siêu đô thị rải rác và có mật độ thấp của thế giới hiện đại.”

Các nhà khảo cổ đã có linh cảm (về nơi này) từ lâu, nhưng nghi ngờ của họ chỉ mới gần đây được xác thực chi tiết bằng một cuộc thăm dò sử dụng laser từ trên không, lần đầu tiên nhìn thấu qua vòm lá rừng và hé lộ các ô quy hoạch của một khu dân cư rộng lớn kéo dài hàng dặm xung quanh các phức hợp có chiến hào. Cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng thủ phủ Khmer cổ đại này, vốn hưng thịnh nhất từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15, có nhiều điểm chung với Los Angeles hơn là ta có thể thấy được nếu chỉ nhìn một chuỗi các ngôi đền đứng tách biệt và huy hoàng trong rừng rậm.

“Công nghệ laser đã thay đổi toàn bộ tình hình,” theo Damian Evans, nhà khảo cổ người Úc, người đã dẫn đầu cuộc thăm dò trên không tại École Française d’Extrême-Orient (một học viện Pháp chú trọng vào nghiên cứu các xã hội châu Á), hợp tác cùng Cơ quan Thẩm quyền Quốc gia APSARA cũng như Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia. “Các cuộc điều tra của chúng tôi đã phát hiện các dấu vết quy hoạch định cư tương đương về kích cỡ so với LA hay Sydney, với hình thái đô thị giống như hình mẫu siêu đô thị rải rác và có mật độ thấp của thế giới hiện đại.”

Trong nhiều thế kỷ, các cuộc khám phá Angkor chỉ chú trọng vào các khu chùa đền, tập trung vào tính biểu trưng tôn giáo của các cấu trúc và những vũ trụ được miêu tả bởi các hình in chìm bas tinh xảo. Và cũng không khó để hiểu lý do cho việc này.

“Hoành tráng hơn bất kỳ thứ gì Hy Lạp hay La Mã đã để lại cho chúng ta,” đó là đánh giá của nhà thám hiểm người Pháp trẻ tuổi Henri Mouhot, khi ông lần đầu tình cờ khám phá Angkor Wat vào năm 1858; đây là một khu phức hợp ông đã miêu tả là “có thể cạnh tranh với [ngôi đền] của Solomon, được dựng lên bởi một Michelangelo nào đó của thế giới cổ đại.” Chỉ riêng ngôi đền trung tâm này, được xây bởi Vua Suryavarman đệ Nhị vào đầu thế kỷ 12, vẫn giữ danh hiệu phức hợp tôn giáo lớn nhất trên thế giới, lớn hơn thành phố Vatican bốn lần, với năm tòa tháp hình nón trên một khuôn viên rộng 160ha.

Vì chúng là những cấu trúc duy nhất còn sót lại trong khu vực này, người ta mặc định rằng các ngôi đền này giống như những thị trấn trung cổ có tường thành bao quanh, bên trong mỗi ngôi đền lại có vài ngàn người cư ngụ. Có lẽ chúng đã được xây bởi các thế hệ vua chúa nối tiếp nhau, trong lúc gia đình hoàng gia và hầu cận di chuyển từ nơi này sang nơi khác, để lại một chuỗi các thành thị tách biệt lấm chấm trên bình nguyên, mỗi chiếc được bao quanh bởi một hào phòng thủ.

Hóa ra sự thật lại không hề giống như vậy. Các cuộc thăm dò laser, được thực hiện vào năm 2012 và 2015, hé lộ rằng các khuôn viên thiêng liêng này thực ra không chứa nhiều thứ lắm. Thay vì đó chúng được bao quanh bởi một mạng lưới đô thị trải rộng, một ô bàn cờ các đại lộ, đường xá, và kênh rạch trải dài trên địa hình xung quanh, phủ kín một diện tích lớn hơn Paris ngày nay. Những thứ mà nhiều thế hệ các nhà khảo cổ học vẫn nghiên cứu chỉ đơn giản là tương đương với một thành phố châu Âu bị gạt bỏ mọi thứ ngoại trừ các nhà thờ và thánh đường.

Vào thời hoàng kim của nó tại thế kỷ 12, trong khi London có dân số 18.000 người, Angkor là nhà của hàng trăm ngàn người, thậm chí là ba phần tư triệu người, theo vài ước tính. Vậy thì siêu đô thị nơi đồng lúa này mang hình thù như thế nào?

“Tôi không thực sự muốn dùng từ “thành phố,’” Evans nói. “Angkor không đi theo hình mẫu thường thấy của một thành phố cổ đại có tường thành và biên giới rõ ràng. Thay vì đó, chúng tôi khám phá được một khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư rất cao, trên một diện tích khoảng 35-40km vuông, rồi dần dần chuyển biến thành một dạng đất canh tác-đô thị. Nó dần dần hòa lẫn vào một thế giới đầy các ngôi miếu địa phương, lẫn lộn với những đồng lúa, vườn chợ, và ao hồ.” Đây chính là bản mẫu của mô hình ngoại ô đô thị ngày nay.

“Angkor không đi theo hình mẫu thường thấy của một thành phố cổ đại có tường thành và biên giới rõ ràng.” Đây chính là bản mẫu của mô hình ngoại ô đô thị ngày nay.

Nhờ công nghệ được phát triển bởi NASA, toàn bộ khung cảnh này có thể được quan sát sau vài giờ trên máy bay trực thăng, so với nhiều năm dùng dao phay khai quật nơi rừng rậm nhiệt đới (vừa đi vừa tránh giẫm phải mìn). Công nghệ lidar (viết tắt của light imaging detection and ranging, tạm dịch: …) cứ mỗi bốn giây lại bắn ra một triệu tia laser từ mặt dưới của máy bay trực thăng, cho phép thực hiện một kiểu phá rừng ảo, lột đi vòm cây rừng để thấy được những thứ nằm dưới đó.

Những phát hiện (của cuộc điều tra) đã làm sáng tỏ nhiều điều. Cuộc điều tra laser đã phơi bày một địa hình khắc sâu một mạng lưới các luống và gò, chính là bộ xương của thành phố khắc vào đất.

“Trên mặt đất thì bạn chỉ thấy các đống lồi lõm,” Evans nói, “nhưng góc nhìn từ trên không cho thấy một hệ thống rất tinh vi gồm các mạng lưới đường xá, các khu dân cư được quy hoạch, và hệ thống ống dẫn nước phức tạp. Angkor là một tác phẩm địa kỹ thuật (geoengineering) có quy mô không nơi đâu sánh bằng.”

Chứng cứ của các khu dân cư này trên mặt đất đã bị xói mòn từ lâu rồi. Trong xã hội Khmer, đá chỉ được sử dụng cho các tượng đài tôn giáo; chúng được xây từ những khối đá vĩ đại được vận chuyển về từ các mỏ cách đó 30 dặm trên những kênh chuyên dụng (theo như phát hiện của cuộc thăm dò laser năm ngoái). Tất cả những công trình khác – kể cả các cung điện hoàng gia – được làm bằng gỗ và lá lợp, những căn nhà đứng trên cột phía trên các gò đất, được thiết kế để tránh nước lũ mùa mưa.

Khả năng làm chủ địa hình tự nhiên của người Khmer có lẽ là thành tựu lớn lao nhất của họ, và công nghệ lập bản đồ lidar đã cho thấy nhiều lớp bằng chứng của công cuộc địa chuyển hóa (terraforming) và hệ thống quản lý nước phức tạp, vượt xa bất kỳ nền văn minh nào khác tại thời điểm đó.

Một lần nữa, các nghiên cứu khảo cổ học thời kỳ đầu tập trung chủ yếu vào vai trò biểu tượng của nước trong hệ vũ trụ của Angkor, diễn giải các bể chứa mênh mông như là biểu tượng cho các đại dương truyền thuyết bao quanh Ngọn Meru, ngôi nhà của các vị thần Hindu. Mặc dù các đường dẫn nước rõ ràng là có vai trò nhất định trong kiến trúc thiêng liêng của thành phố, nhiệm vụ cốt yếu của chúng là để tưới nước cho các cánh đồng lúa, nguồn gốc của sự thịnh vượng của vương quốc. Thành công nơi khí hậu nhiệt đới phụ thuộc vào việc ngăn lũ trong mùa mưa và dự trữ đủ nước để cung cấp cho mùa màng vào mùa khô – và rõ ràng là người Khmer đã rất thuần thục trong việc này.

Các khu dân cư được sắp xếp quanh hàng ngàn các ao nước mưa công cộng, trong khi ruộng lấy nước từ một cặp bể chứa lớn, hay “barays,” với một mạng lưới kênh rạch hoàn thiện kết nối toàn bộ hệ thống này với nhau. Baray phía Tây, kéo dài năm dặm rộng một dặm về phía Tây trung tâm Angkor, vẫn giữ kỷ lục là khối nước được đục bằng tay lớn nhất trên Trái đất. Với hàng đê đất cao đóng xung quanh, nó chính là đỉnh cao của khả năng thâu tóm và lợi dụng địa hình của người Khmer.

Nhưng kỹ năng thao túng nước bậc thầy này cũng có thể là gốc rễ thất bại của Angkor, hé lộ một khả năng về nguyên do suy tàn của thành phố tráng lệ này, Evans và nhóm của ông giờ nghĩ vậy.

Nguồn: Wikimedia.
Nguồn: Wikimedia.

Các nhà khảo cổ đã từ lâu suy đoán về câu hỏi tại sao thủ phủ Khmer lại trượt dài xuống tàn lụi. Một giả thuyết cho rằng thành phố đã bị cướp bóc bởi một cuộc xâm lăng từ Xiêm La vào 1431, khiến gia tộc hoàng gia và dân chúng phải di tản hàng loạt tới một khu vực gần Phnom Penh ngày nay. Nhưng có ít bằng chứng cho thấy một cuộc di cư lớn như vậy.

Vài người khác thì đưa ra lập luận rằng sự chuyển đổi từ đạo Hindu sang một tôn giáo khác bình lặng hơn là đạo Phật, sau triều đại của vua Jayavarman đệ Nhị, đã hút hết tinh thần hiếu chiến hay xây dựng tượng đài của nền văn minh Angkor. Nhưng giả thuyết này lại không tính đến những cuộc xâm lấn bạo lực của các nhà thống trị đi theo Phật giáo ở các nơi khác trên thế giới thời bấy giờ. Một gợi ý bấp bênh khác cho rằng người Khmer, kiệt sức sau tất cả những dự án xây dựng, cuối cùng đã gục xuống vì mệt mỏi bởi đền chùa tượng đài.

Tuy vậy, Evans giờ tin rằng các yếu tố môi trường đã đóng vai trò không hề nhỏ. “Khi ta nhìn vào các trầm tích, có bằng chứng cho thấy từng có những trận lũ lụt thảm khốc,” ông nói. “Trong khi mở rộng Angkor, họ đã phá hủy toàn bộ khu rừng trong lưu vực, và chúng tôi đã tìm thấy các điểm sự cố trong hệ thống nước, cho thấy rằng nhiều phần trong mạng lưới đơn giản là hỏng hóc.” Vì toàn bộ thể chế phong kiến dựa trên sự thành công của việc quản lý nước, một mắt xích đứt cũng đủ để kích hoạt sự suy tàn.

Mặc dù ta có bị hấp dẫn với viễn cảnh một cuộc di tản quy mô rộng, Evans muốn nhấn mạnh rằng chẳng có sự sụp đổ nhanh gọn và bi kịch nào cả. “Có nhiều bằng chứng cho thấy sức sống vẫn tiếp tục ở Angkor,” ông nói. Khi các nhà buôn Bồ Đào Nha ghé thăm nơi này vào thế kỷ 16, hay các đoàn thám hiểm Pháp đến đây vào thế kỷ 19, họ đã gặp những cộng đồng vài ngàn người sống trong hay xung quanh các ngôi đền. “Nó có thể đã biến mất khỏi nhận thức của người châu Âu một thời gian,” ông nói thêm, “nhưng Angkor chưa bao giờ là một thành phố ‘đã mất.’” Nó chỉ hơi bị che phủ mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất