a
§ Tác giả: Kiki Sanford | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Dexter
06/11/2016
Bài viết dưới đây là bài phỏng vấn của tạp chí Nautilus với Giáo sư Gad Saad của Đại học Concordia, Montreal, Canada.

Vị giáo sư ngành marketing người Canada gốc Li-băng Gad Saad1 (cả hai nghe đều giống như từ “sad”) sẵn sàng bảo vệ thuyết tâm lý học tiến hóa (evolutionary psychology) trước những lời cáo buộc rằng đây chỉ là một thứ lý lẽ tiện lợi, kiểu “chuyện là thế.”2 (Trước khi đi sâu hơn vào chủ đề, ông nói, “Thứ lỗi cho tôi, câu trả lời sẽ khá dài dòng đấy, bởi câu hỏi của cô rất quan trọng.”) Ông đã sáng lập và phát triển ngành “tiêu dùng tiến hóa” (evolutionary consumption) sau khi nhận ra rằng những nguyên lý trong tâm lý học tiến hóa có thể được sử dụng để nghiên cứu hành vi tiêu dùng, và giờ ông đang giữ chức Trưởng Ban Nghiên cứu về Khoa học Hành vi Tiến hóa và Tiêu dùng Darwin tại Đại học Concordia ở Montreal. “Con người là loài động vật tiêu thụ với những sự thèm muốn tham lam” ông đã viết như vậy trên trang blog “Homo Consumericus”3 của mình trên trang Psychology Today. “Phần lớn những thứ chúng ta làm, chẳng hạn như thở và ngủ, đều bao hàm những hành vi tiêu thụ.”

Mới đây, vì cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kì, bên cạnh những thứ khác, ông đã bị “tiêu thụ” bởi chính trị. Ông tranh luận về việc này trên kênh Youtube “The Saad Truth” của mình, nơi những người theo dõi gọi ông là “The Gadfather.” Nhưng chính trị không phải một hứng thú mới của ông. Vào năm 2003, ông đã xuất bản một chương sách trên tờ Human Nature and Public Policy về chủ đề này, với tựa đề “Evolution and Political Marketing,” (Tạm dịch: Tiến hóa và marketing chính trị) mà trong đó ông lập luận rằng tâm lý học tiến hóa là cách tốt nhất để giải thích những khía cạnh gây ảnh hưởng khi cử tri chọn lựa ứng cử viên cho lá phiếu của họ.

Nautilus gần đây đã có một cuộc trò chuyện với Saad về việc làm thế nào chúng ta có thể hiểu các chính trị gia, và những cách mà họ quảng bá cho thông điệp của họ, thông qua lăng kính tiến hóa.

Có mối liên quan gì giữa chủ nghĩa tiêu thụ và chính trị?

Tôi định nghĩa khái niệm tiêu thụ rất rộng. Nó không phải chỉ là việc uống Coca hay Starbucks. Ví dụ như, chúng ta tiêu thụ những câu chuyện tôn giáo và các ứng cử viên chính trị. Họ là những sản phẩm. Trong trường hợp này, các ứng cử viên là những gói hàng chứa những phẩm chất khác nhau. Chúng ta đang chọn lựa một sản phẩm – một sản phẩm mà ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của tôi có lẽ sẽ lớn hơn lon coca ăn kiêng tôi mua ngày mai. Theo cách này, tất nhiên, marketing chính trị chỉ là một nhánh trong lĩnh vực marketing nói chung. Những chính trị gia hẳn là đang quảng cáo cho chính bản thân họ, và chúng ta đang đưa ra những quyết định tiêu dùng khi chúng ta lựa chọn giữa Donald Trump và Hillary Clinton.

Vậy vai trò của thuyết tiến hóa là gì?

Chúng ta nhìn vào những kiểu phẩm chất mà mọi người tìm kiếm ở các ứng cử viên chính trị của họ, và xem xét xem liệu có bất cứ phẩm chất nào trong số đó là thứ chúng ta mong đợi theo khía cạnh tiến hóa hay không. Chiều cao, đặc điểm khuôn mặt, giọng nói: Đây là những dấu hiệu tiến hóa đặc trưng mà thông qua nghiên cứu về giao phối chúng ta biết là cực kỳ quan trọng. Khi tất cả những yếu tố khác như nhau, chúng ta sẽ để những đặc điểm cụ thể đó ảnh hưởng tới quyết định của mình. Ross Perot4, nếu bạn còn nhớ anh ta, là một ứng cử viên độc lập mà, nếu tôi có thể cư xử rộng lượng và có chút cảm tính, đã không thắng trò xổ số về gen này. Vì vậy, tôi thực sự đã không phải nghe nhiều từ ông ta trước khi tôi nói rằng, “Chỉ xét riêng việc ông ta không sở hữu những dấu hiệu đặc trưng quan trọng theo góc nhìn tiến hóa, thì ông ta khó mà thắng được.”

Ross Perot. Nguồn: Wikimedia.
Ross Perot. Nguồn: Wikimedia.

Liệu có duy lý không khi mà những đặc điểm bề ngoài lại có ảnh hưởng lớn như vậy đến hành vi của chúng ta?

Chúng ta là những động vật sử dụng thị giác. Khoảng 80% những phản ứng của chúng ta được phân tích thông qua thị giác. Tất nhiên, hẳn là việc chúng ta coi trọng vẻ bề ngoài nghe có thể sẽ phi lý. Trong một vài trường hợp, chúng ta, phần đông dân số và những người có quyền bầu cử, sử dụng một nguyên lý tiến hóa khác, gọi là nguyên lý nhanh gọn dựa trên kinh nghiệm.  Nguyên lý này là kiểu nguyên tắc ngón tay cái (rule of thumb) – một đường đi tắt. Đó thường là những sự thích nghi thông qua tiến hóa. Hãy thử tưởng tượng một con vật phải ngồi yên một chỗ và phân tích tất cả những hệ quả có thể xảy ra của tất cả những hành động mà nó có thể sẽ làm. Sự tính toán này sẽ cực kỳ phức tạp. Nó có thể bị xơi tái bởi một loài săn mồi trong khi đang tính toán tất cả những hệ quả đó. Phát triển những phương pháp tư duy theo kiểu đi đường tắt như vậy có thể mang lại những kết quả tốt nhất, nhưng đôi khi chúng cũng phản tác dụng.

Liệu các chuyên gia có thể sử dụng những phương pháp dựa trên kinh nghiệm cơ bản này để dự đoán người thắng cuộc bầu cử không?

Vào năm 2004, tôi nhìn thấy Barack Obama trên chương trình truyền hình của Charlie Rose. Vào lúc đó, ông ta đang tranh cử cho vị trí ở Thượng Viện. Ngày hôm sau, tôi nói chuyện với một người bạn thân của mình và bảo rằng, “Hãy nhớ lấy lời tôi, tôi đã xác định được ai sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ.” Tôi đã sử dụng những quy luật gì trong trường hợp này? Không có một điều gì ông ta nói lúc đó đi thẳng vào bản chất vấn đề, cũng giống như những chính trị gia khác vậy. Nhưng thử đoán xem, ông ta cho người ta thấy tất cả mọi thứ cần thiết. Một giọng nói ấm áp. Một nụ cười đẹp. Thân hình cao ráo. Dáng vẻ thật ngầu. Những mối liên hệ văn hóa phổ biến. Bạn biết không? Ông ta trông giống như một nhà lãnh đạo. Nếu bạn yêu cầu mọi người, thậm chí cả những người thông thái nhất, cho bạn những lý do thực sự khiến họ thích hoặc không thích ông ta, đa số sẽ không thể trả lời bạn. Nhưng chúa ơi, trông ông ta thật phù hợp với vị trí tổng thống. Và bởi vậy, tôi sẽ chọn ông ta, dựa trên những đặc điểm nhanh gọn của tôi.

Liệu còn có những quy luật nhanh gọn khác mà các cử tri dùng để lựa chọn giữa những ứng cử viên không?

Có một thứ gọi là quy luật từ điển, quy luật được áp dụng nhiều và phổ biến nhất trong việc quyết định. Vì sao? Bởi nó chẳng tốn tí nơ-ron tư duy nào. Quy luật này cho rằng: Nếu một người ghi điểm cao hơn trong một khía cạnh mà tôi cho là quan trọng nhất thì tôi sẽ chọn người đó. Ví dụ như, đối với tôi, chính sách nhập cư rất quan trọng. Nếu Donald Trump ghi được 9 trên 10 điểm về vấn đề nhập cư, và Hillary Clinton được 7 trên 10 điểm, thì Donald Trump là lựa chọn tốt hơn, dù rằng nếu tôi cân nhắc tất cả các yếu tố, tôi có lẽ đã chọn Hillary Clinton.

Những chính trị gia hẳn là đang quảng cáo cho chính bản thân họ, và chúng ta đang đưa ra những quyết định tiêu dùng khi chúng ta lựa chọn giữa Donald Trump và Hillary Clinton.

Tôi sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức nếu phải ngồi phân tích cả 17.000 yếu tố. Một lần nữa, từ một góc nhìn quy phạm – một góc nhìn của loài homo economicus5, một con người duy lý – thì đây là điều tôi nên làm, bởi tôi không nên bỏ sót bất kì thông tin nào. Nhưng phần lớn chúng ta không có thời gian hay năng lượng hay tham vọng để xem qua cả đống thông tin như vậy, và vì thế nên chúng ta sử dụng những phương pháp giúp đơn giản hóa. Nếu vấn đề nhập cư thực sự quan trọng với tôi, thì cứ mặc kệ tất cả những thứ còn lại đi.

Ông có thể giải thích vì sao mà một số người lại bỏ phiếu ngược lại với lợi ích của họ không?

Có rất nhiều lý do, nhưng để đưa ra một lý do duy nhất thì: đây là bởi sự lười biếng của hành vi. Nếu tổ tiên tôi đã bầu cho Đảng Dân Chủ trong suốt 70 năm qua, thì tôi sẽ dính lấy lựa chọn này dù các bằng chứng có cho thấy là nó không mang lại lợi ích cho tôi. Tôi nhìn thấy điều này ngay ở những người bạn trong giới học thuật của mình. Đây là những người rõ ràng rất thông thái và tri thức, vậy mà họ lại trở thành những tên ngốc càm ràm khi biện hộ cho ứng cử viên họ chọn lựa. Họ kể xấu bên còn lại. Kết quả của việc này chẳng quan trọng gì với tôi, vậy nên tôi luôn bất ngờ với cách mà mọi người nghĩ như thế này. “Tôi quyết định rằng tôi là thành viên Đảng Dân Chủ và theo chủ nghĩa tiến bộ. Đây là một phần con người tôi. Bất cứ một người biết suy nghĩ, đầu óc cởi mở, và trọng sự công bằng nào cũng là một người theo Đảng Dân Chủ. Vì vậy, tôi không cần phải nghe thêm gì nữa.” Đây là lý do vì sao mà những cuộc tranh luận chính trị thực sự chỉ dành cho những ai chưa có quyết định của mình. Chúng ta diễn tất cả những trò này chỉ để cho những kẻ chưa thể quyết định.

Làm thế nào mà ông tiếp cận tâm lý học tiến hóa của người tiêu thụ và cử tri mà không tạo ra một lý lẽ theo kiểu “chuyện là thế”?

Đây có lẽ là sai lầm phổ biến nhất chúng ta thường nghe về tâm lý học tiến hóa. Đầu tiên phải nói đến sự khác nhau giữa cách giải thích kế cận và cách giải thích sau cùng. Chẳng hạn như khi bạn nghiên cứu những loại bệnh trong thời kỳ mang thai của phụ nữ, bạn có thể đặt ra vô vàn những câu hỏi kiểu kế cận như “Lượng hormone biến động của một phụ nữ sẽ ảnh hưởng thế nào đến mức độ của những triệu chứng đau ốm của cô ấy?” Còn câu hỏi sau cùng, mang tính chất Darwin sẽ là, “Tại sao phụ nữ lại phát triển những cơ chế sinh lý cụ thể như vậy?”

Những nhà tâm lý học tiến hóa cũng phát triển cái gọi là mạng lưới định luật (nomological network) từ những chứng cứ thu thập được – rất nhiều chứng cứ đến từ những nhánh khác hẳn nhau. Đầu tiên, bạn lập ra những đặc điểm có thể đúng với tất cả mọi người. Bạn đi đến chỗ bộ tộc Yanomami ở Amazon, mà hình ảnh chưa bị đưa lên truyền thông, và những thành viên bộ tộc đó sẽ chỉ ra đích xác cùng một người phụ nữ. Việc này không giống như chuyện bạn chỉ thực hiện nghiên cứu này trong phòng thí nghiệm đại học ở trường Ohio State.

Phạm vi của những thuyết tiến hóa lớn tới mức việc chứng minh một giả thuyết là sai nên là một việc dễ dàng.

Thứ hai, bạn phải cho thấy được thông qua những nghiên cứu y tế là phụ nữ có thân hình đồng hồ cát sẽ dễ có thai hơn. Họ ít bị bệnh hơn. Dựa trên dịch tễ học, bạn có thể kết luận là những phụ nữ có thân hình đồng hồ cát thì có khả năng sinh sản tốt hơn. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu những tác phẩm nghệ thuật, ví dụ như tượng, trong những nền văn hóa có sự khác biệt rõ rệt – Hy Lạp cổ đại, Ai Cập cổ đại, Ấn Độ, Châu Phi – và thực hiện một phân tích nội dung cho những bức tượng đó. Thử đoán xem, chúng đều có hình dáng đồng hồ cát. Bạn cũng có thể nghiên cứu bằng cách sử dụng phương pháp cộng hưởng từ chức năng để quét hình ảnh trong não bộ của đàn ông, và cho thấy được là khu vực khoái cảm của họ có những dấu hiệu kích hoạt cao hơn khi họ được cho xem những hình ảnh đó. Bạn cũng có thể nghiên cứu trên những người bị khiếm thị bẩm sinh, những người chưa bao giờ có khả năng nhìn, và cho thấy rằng những người đàn ông này thông qua xúc giác, chỉ bằng cách chạm vào, sẽ chọn những phụ nữ có thân hình đồng hồ cát.

Điều này có lẽ đã khiến bạn nổi da gà luôn rồi, mà đó là tôi còn chưa kể ra tất cả những bằng chứng. Nếu một ai đó muốn chứng minh là nó sai, vậy thì hãy mang những dữ liệu ra để chứng minh, nhưng cho tới lúc đó, thuyết tiến hóa có một tiêu chuẩn bằng chứng cao hơn nhiều so với những ngành khoa học khác. Một khi bạn đã xây nên một mạng lưới định luật đầy đủ, thì rất khó để có thể biện luận cho điều ngược lại.

Vậy thì thuyết tiến hóa, theo một cách nào đó, có phải là “quá lớn để có thể sai”?

Phạm vi của những thuyết tiến hóa lớn tới mức việc chứng minh một giả thuyết là sai nên là một việc dễ dàng. Nó không thể bị chứng minh là sai không phải là bởi, nói theo cách của nhận thức luận thì, nó là lý lẽ kiểu “chuyện là thế,” nó như thế bởi nó đúng. Từ thời Darwin, không biết bao nhiêu người đã dành cả sự nghiệp của họ, cố gắng một cách tuyệt vọng để chứng minh thuyết tiến hóa sai, và họ vẫn chưa làm được. Đó là bởi vì Darwin đúng. Việc chương sách viết vào năm 2003 của tôi đã 13 tuổi không quan trọng, bởi kể cả chúng ta có đọc lại chương sách này vào 1.300 năm sau đi chăng nữa, thì tôi nghĩ rằng nó sẽ vẫn còn giá trị. Tôi sẽ không mong đợi một vài trong số những hiện thực này thay đổi trừ phi có một số tác động nhất định thay đổi cách não bộ chúng ta làm việc.


  1. Gad Saad (s.n. 1964) là một nhà khoa học người Canada gốc Li-băng trong lĩnh vực hành vi tiến hóa. Ông biết tới bởi áp dụng các nguyên lý tâm lý học tiến hóa để nghiên cứu và giải thích các vấn đề liên quan đến marketing và hành vi tiêu thụ. Xem thêm thông tin chi tiết về Gad Saad tại đây.

  2. Nguyên gốc: Just-so story. Trong khoa học và triết học, đây được coi là một lỗi ngụy biện khi được dùng để lý giải rằng mọi chuyện vốn đã như vậy, không thể chứng minh được. Cụm từ này thường được dùng khi giải thích về những phong tục văn hóa, đặc điểm sinh học, hoặc những hành vi của con người hay động vật.

  3. Homo Consumericus là một thuật ngữ trong lĩnh vực xã hội, ám chỉ rằng thời hiện đại đã khiến con người trở thành một giống loài khó đoán với nhu cầu tiêu thụ không thể thỏa mãn.

  4. Ross Perot, tên thật là Henry Ross Perot, (s.n. 1930) là một doanh nhân người Mỹ được biết đến nhiều nhất với tư cách một ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1992. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông tập trung vào cách chính sách như cân đối ngân sách quốc gia, phản đối việc kiểm soát súng, và chấm dứt việc thuê ngoài (outsourcing). Ông chiếm được nhiều sự ủng hộ vì gây dựng một hình ảnh gần gũi và không giống như những chính khách thông thường, và trở thành một ứng cử viên tiềm năng bên cạnh hai ứng cử viên còn lại là Bill Clinton của Đảng Dân Chủ và George H. W. Bush của Đảng Cộng Hòa. Xem thêm thông tin về chiến dịch tranh cử Tổng thống của Ross Perot tại đây.

  5. Homo economicus là một khái niệm kinh tế mô tả con người như những sinh vật lý trí và hành động để tối đa lợi ích cá nhân của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Ý thức và những giấc mơ
Những ý thức chúng ta có khi nằm mơ có nền tảng và đặc điểm như thế nào? Kiểu ý thức này đóng vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta?
Xa mặt nhưng không cách lòng
Yêu xa là gì? Bạn có đang trong mối quan hệ yêu xa với người thương bên kia trái đất? Liệu khoảng cách có giúp những trái tim xích gần nhau hơn không?
Mới nhất