Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Geoff Watts | Nguồn: Mosaic
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Dexter
15/07/2016
Phóng xạ khơi nguồn nỗi sợ hãi căn bản ở rất nhiều người, nhưng Geoff Watts cho rằng cảm giác thái quá về những rủi ro của phóng xạ có thể gây ra những tác hại thực sự.

Thị trấn spa Bad Gastein1 trên dãy núi An-pơ, Áo. Giờ là 10 giờ sáng thứ Tư, một ngày đầu tháng Ba, lạnh và có tuyết rơi – nhưng không phải ở lối vào đường hầm chính của trung tâm trị liệu, nơi từng là một mỏ vàng. Khoác lên người một bộ đồ bơi, dép xỏ ngón và áo choàng tắm, tôi chui vào một toa tàu trên đường ray hẹp để đi một quãng đường 2km tới trung tâm của ngọn núi Radhausberg.

Mười lăm phút sau chúng tôi đã tới nơi và tôi sẵn sàng để tận hưởng một môi trường mà được quảng cáo trên tờ rơi là giúp tăng cường sức khỏe. Tất nhiên, tận hưởng là một từ mang tính chủ quan. Nhiệt độ bên trong những đường hầm tù mù trong núi là khoảng 40 độ C, và độ ẩm là 100%. Mồ hôi của tôi bắt đầu tứa ra. Quan trọng hơn, tôi đang hít một bầu không khí chứa đầy radon.

Từ từ… radon sao? Đó là một loại khí phóng xạ. Vậy mà tôi đang ở đây, không hề có một dụng cụ đo liều lượng phóng xạ cá nhân nào (film badge dosimeter), đừng nói đến tấm chắn bảo vệ bằng chì, giữa một nhóm người đã trả tiền để đến Gasteiner Heilstollen (nghĩa là “đường hầm chữa trị’) và sẵn sàng, thậm chí là háo hức, để trải qua những buổi trị liệu vô cùng mệt mỏi với sự khó chịu thể chất, bởi một học thuyết gây tranh cãi là một lượng nhỏ phóng xạ không chỉ vô hại mà còn giúp cải thiện sức khỏe.

Những nguy cơ vô hình luôn là những thứ khiếp đảm nhất, và phóng xạ là một thứ bạn không thể nhìn thấy.

Quan điểm của chúng ta về phóng xạ và những rủi ro cùng lợi ích của nó rất phức tạp và phần lớn là – không tính sự vui vẻ trong đường hầm Heilstollen – tiêu cực. Chúng ta đều ý thức được những hệ quả của vũ khí hạt nhân, cảnh tượng mùa đông hạt nhân Armageddon2, ung thư và những dị tật bẩm sinh gây ra bởi liều lượng phóng xạ cao và những thứ tương tự. Hình ảnh chụp lại đám mây hình nấm đã gieo rắc sự sợ hãi vào trái tim ta từ thập niên 40, nhưng chính những thứ chúng ta không thể nhìn thấy trong những bức ảnh ấy mới là điều làm chúng ta thấy sợ hãi nhất.

Những nguy cơ vô hình luôn là những thứ khiếp đảm nhất, và phóng xạ là một thứ bạn không thể nhìn thấy. Cũng như việc bạn không thể điều khiển nó. Rất nhiều năm về trước, một nhà nghiên cứu trong quân đội nói với tôi là ông ước sao mình có thể vẽ phóng xạ với gam màu xanh da trời. Ông nói, nếu chúng ta có thể nhìn thấy nó, chúng ta sẽ có thể đương đầu với nó một cách dễ dàng hơn và ít sợ nó hơn. Sự bí ẩn vốn có của nhóm tiêu dùng thương mại lớn nhất của phóng xạ, ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, chẳng giúp được gì. Chỉ gần đây ngành công nghiệp này mới nhận ra là việc làm những thứ ngoài tầm mắt, đằng sau những cánh cửa đóng kín, là cách tốt nhất để thổi phồng sự nghi ngờ của quần chúng. Vậy nên, khá dễ hiểu là tại sao nhiều người lại nói rằng (ngoại trừ việc chụp X-quang và CT trong y học) thì thứ phóng xạ an toàn duy nhất là không có phóng xạ gì cả.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý. Tôi tin rằng một nỗi sợ chính đáng về mức độ cao và không bị kiểm soát của phóng xạ đã khiến chúng ta khó nhận ra rằng những rủi ro của phóng xạ ở liều lượng thấp thì có thể chấp nhận được hoặc quản lý được. Tưởng tượng là nếu chúng ta phản ứng với lửa như cách chúng ta phản ứng với hạt nhân: chúng ta có lẽ đã giải quyết các vụ cháy nhà bằng cách cấm dùng diêm.

Và tôi lo rằng, một nỗi sợ bị thổi phồng đang khiến chúng ta thất bại trong việc tận dụng phóng xạ cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

§

Để hiểu hơn về việc chúng ta lúc nào cũng phản ứng thái quá với phóng xạ, hãy nhớ lại những sự kiện xảy ra năm 2011 ở Nhật Bản. Cơn động đất 9 độ richter và trận sóng thần theo sau đó vào ngày 11 tháng Ba, rõ ràng là một thảm họa. 20.000 người chết và hơn 500 km vuông đất bị ngập lụt. Những gia đình mất đi nhà cửa, công việc, và cuộc sống.

Chẳng mất nhiều thời gian để giới truyền thông khám phá ra rằng một trong những nạn nhân, trong tâm bão khi cơn sóng thần ập đến, là nhà máy hạt nhân Fukushima. Kể từ thời điểm đó câu chuyện dần chuyển hướng, từ một thảm họa tự nhiên biến thành một thảm họa do con người. Nó trở thành một cảnh tượng rợn người: một thảm họa hạt nhân.

Trong số 20.000 người tử vong, một số là trực tiếp do trận động đất, trong khi những người còn lại là bị chết đuối. Bao nhiêu người chết do phóng xạ từ nhà máy bị phá hủy? Chẳng có ai cả. Trên chuyên mục hậu quả sức khỏe của bi kịch Fukushima, báo cáo của Ủy Ban Khoa Học Liên Hợp Quốc về Tác động của Phóng xạ Nguyên tử nói rằng: “Không có bất cứ một ca tử vong hay mắc bệnh nghiêm trọng nào liên quan đến phóng xạ ở những công nhân và người dân bị phơi nhiễm trong tai nạn.”

Lượng phóng xạ mà người dân bị phơi nhiễm, theo bản báo cáo, là từ thấp đến rất thấp. “Không có một nguy cơ tăng rõ rệt nào về những tác hại sức khỏe liên quan đến phóng xạ được dự đoán ở những người bị phơi nhiễm cũng như con cháu họ.”

Tóm lại, trong khi thảm họa thiên nhiên kinh hoàng đã giết tới hàng ngàn người, ở Nhật và trên thế giới mọi người lại chỉ chú ý vào một yếu tố mà lúc đó không làm bất cứ ai chết cả.

Điều này không phải là để giảm nhẹ tác động của sự kiện này. Ba trong số các lò phản ứng của nhà máy bị thiệt hại đến tận lõi, và một lượng lớn nguyên liệu phóng xạ bị phát tán ra ngoài môi trường. Mười hai công nhận được cho là đã nhiễm chất iodine-131, có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp. Bên cạnh đó, 160 công nhân nhiễm lượng phóng xạ đủ để tăng nguy cơ mắc phải các bệnh ung thư khác. Tuy vậy, theo bản báo cáo, “nếu nguy cơ mắc ung thư của nhóm này có tăng lên thì cũng rất khó để nhận biết được vì rất khó để xác định một mức độ nguy cơ nhỏ như vậy trong những con số thống kê về mức độ dao động bình thường của nguy cơ mắc ung thư.”

Tóm lại, trong khi thảm họa thiên nhiên kinh hoàng đã giết tới hàng ngàn người, ở Nhật và trên thế giới mọi người lại chỉ chú ý vào một yếu tố mà lúc đó không làm bất cứ ai chết cả. Việc phơi nhiễm phóng xạ có thể sẽ làm giảm tuổi thọ của những người liên quan trực tiếp, nhưng tác động của nó sẽ nhỏ đến nỗi chúng ta không thể biết chắc chắn liệu có phải là do tai nạn này hay không.

Khi nói về thảm họa, nguyên tử đánh bật tự nhiên. Cảm giác của chúng ta về sự quan trọng tương đối của mọi thứ bị thiên lệch một cách kỳ lạ.

§

Tất nhiên, trường hợp Chernobyl thì tồi tệ hơn. Một lò phản ứng được thiết kế không đạt tiêu chuẩn hoạt động dưới sự kiểm soát an toàn yếu kém trong một xã hội quan liêu và bí mật là công thức cho một thảm họa. Vào ngày 26 tháng Tư năm 1986, tất cả các nguyên liệu này tụ hội – mỉa mai thay là lại xảy ra trong một cuộc kiểm tra an toàn thử nghiệm lỏng lẻo. Một lò phản ứng bị nóng quá mức, gây ra cháy nổ, và phát tán một lượng lớn phóng xạ ra không khí. 116.000 người phải sơ tán, 270.000 người khác sống trong vùng bị mô tả là “nhiễm độc nặng.”

Nghe thật tồi tệ. Trong số 134 công nhân tham gia vào cuộc dọn rửa đầu tiên, mọi thứ thực sự rất tồi tệ. Mức độ phơi nhiễm của họ đủ để gây ra những căn bệnh nghiêm trọng do phóng xạ, và 28 người trong số họ đã tử vong sau đó. Và rồi, việc mất niềm tin vào nguồn tin chính thống cùng tin đồn về những hậu quả nghiêm trọng gây ra một nỗi sợ lệch lạc. Một tin đồn lan truyền trong khoảng thời gian ngay sau vụ tai nạn nói rằng 15.000 người đã bị chôn trong những ngôi mộ tập thể. Những tin đồn kiểu đó chẳng biến mất ngay; một tin đồn khác vào năm 2000 nói rằng 300.000 người đã chết bởi phóng xạ vào thời điểm đó.

Hiện thực, dù rất đáng quan tâm, lại ít nghiêm trọng hơn. Một nhóm chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập để kiểm tra hậu quả sau thảm họa và tính toán những hệ lụy về sức khỏe trong tương lai. Trên cơ sở mức độ phơi nhiễm phóng xạ trung bình của những người bị sơ tán, những người không bị sơ tán, và hàng nghìn công nhân khác tham gia vào công cuộc dọn rửa sau đó, bản báo cáo kết luận rằng những ca tử vong do ung thư trong ba nhóm này sẽ tăng lên không quá 4 phần trăm. Những kết luận của bản báo cáo đã từng, và vẫn đang, bị phản đối – nhưng sức nặng của những ý kiến chính thống đang tiếp tục ngả theo tính toán của các chuyên gia này.

“Đúng là số lượng những ca bị ung thư tuyến giáp đã tăng lên,” James Smith, Giáo sư ngành Khoa học Môi trường tại Đại học Portsmouth và là một trong ba người điều phối của dự án European Community (Tạm dịch: Cộng đồng Châu Âu) về những thảm họa môi trường của tai nạn này cho biết. Nhưng ông bổ sung một thông tin nữa: “Liên Xô đã không có đủ biện pháp để ngăn mọi người ăn thức ăn và uống sữa bị nhiễm độc, và điều này đã đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em.” Nói cách khác, những cái chết không hoàn toàn là không thể tránh khỏi.

Có lẽ sự vô hình của phóng xạ đã châm ngòi cho những báo cáo thổi phồng về một số ít những sự kiện.

Bất kì một ca tử vong bởi bất kì lý do nào trong bất cứ ngành công nghiệp nào đều là đáng tiếc và, lý tưởng mà nói, đều có thể ngăn chặn. Nhưng có phải năng lượng hạt nhân vốn bản thân nó đã nguy hiểm hơn những loại năng lượng khác? Một đánh giá vào năm 2002 bởi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) so sánh mức độ rủi ro theo đơn vị của năng lượng sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm than, sinh khối, gió, và hạt nhân. Các con số bao gồm mỗi công đoạn trong quá trình sản xuất năng lượng từ khâu khai thác nguyên liệu thô đến những hậu quả về sức khỏe của việc tạo năng lượng và sử dụng nó.

Trong khi than đứng đầu bảng về việc hủy hoại sức khỏe, năng lượng hạt nhân xếp cuối cùng. Nếu bạn nghĩ về quá trình tạo ra năng lượng từ than, từ những chất độc trong quá trình khai khoáng cho đến ô nhiễm không khí, thì kết quả xếp hạng này chẳng ngạc nhiên tí nào. Nhưng trong khi quá rõ ràng để thấy những đám khói gây khó thở bao trùm các thành phố lớn ở Châu Á, những ca tử vong liên quan đến ngành công nghiệp than chẳng gây ra một nỗi sợ hay sự căm phẫn nào như một tai nạn hạt nhân. Có lẽ sự vô hình của phóng xạ đã châm ngòi cho những báo cáo thổi phồng về một số ít những sự kiện – và rồi những phóng sự đó, bằng sự phổ biến của nó cũng như mức độ giật gân trong nội dung, xác nhận và làm tăng thêm nỗi sợ của chúng ta.

§

Một số lượng đáng kể chính phủ các nước phản ứng lại với những sự kiện tại Nhật vào năm 2011. Đáng chú ý nhất là Đức. Dù không mấy mặn mà với năng lượng hạt nhân, vào thời điểm đó đất nước này đã chấp nhận kéo dài thời gian hoạt động của những nhà máy hạt nhân vốn đang tồn tại. Nhưng sau sự kiện Fukushima, đất nước này đổi ý. Các nhà phê bình chính sách thì cố gắng kêu gọi mọi người nhớ lại lần cuối cùng nước Đức thật sự có một trận động đất mạnh, chẳng nói gì đến sóng thần.

Trớ trêu là, dù là một đất nước có nhiều người phản đối năng lượng hạt nhân nhất Châu Âu, người Đức chiếm một lượng đáng kể các du khách đến phòng trị liệu chứa đầy radon tại Bad Gastein.

Đường hầm Gasteiner Heilstollen mà tôi dành 30 phút hít thở khí radon đủ chỗ cho khoảng 20 người đã kí để xác nhận giá trị bảo vệ của nó hoặc những lợi ích được cho là giảm nhẹ một số tình trạng như viêm thấp khớp, hen suyễn và viêm xoang hoặc một số bệnh về da như vẩy nến.

Bác sĩ chịu trách nhiệm trong chuyến thăm quan của tôi là Simon Gütl. Ông nói với tôi về những cuộc thử nghiệm trị liệu, những cuộc điều tra kiểm định do mức độ nổi tiếng của phương pháp trị liệu này, và về những bệnh nhân đã có thể giảm hoặc thậm chí là bỏ hẳn những phương pháp điều trị sử dụng thuốc mà nếu không tham gia họ hẳn vẫn đang dùng. Bằng chứng này sẽ được đánh giá là một tiêu chuẩn vàng như thế nào về chất lượng, tôi không rõ – nhưng tôi bị ấn tượng bởi sự hưng phấn của mọi người khi tìm đến một thế lực trong tự nhiên mà hầu hết những người khác nghĩ là phải tránh bằng bất cứ giá nào. Với một trong những hành khách cùng chuyến thăm quan với tôi thì lần này đã là lần thứ 70 bà đến trung tâm trị liệu này.

Giám đốc quản lý của Gasteiner Heilstollen là bác sĩ Christoph Köstinger. Ông nói với tôi rằng, có khoảng 9.000 bệnh nhân thực hiện một buổi liệu pháp spa mỗi ngày trong vòng từ 2-4 tuần, và hàng nghìn người nữa theo những khóa ngắn hơn. Ông hoàn toàn nhận thức được những cảm xúc trái chiều của mọi người về phóng xạ: “Tôi chia mọi người thành ba nhóm,” ông nói. “Những người thực sự sợ phóng xạ thì đã không đến chỗ chúng tôi rồi. Tiếp theo là những người không sợ và nói là không sao cả. Và rất nhiều người có hơi sợ, nhưng luôn có thể giải thích cho họ về sự cân bằng của những rủi ro.”

Ông cũng nhận thức được sự căm ghét rộng rãi đối với năng lượng hạt nhân trên khắp nước Đức. “Một số bệnh nhân tự giải thích với họ là thứ này [radon] là một kiểu phóng xạ tự nhiên,” ông giải thích, vội vàng bổ sung rằng với tư cách một bác sĩ, ông biết là chẳng có nghĩa lý gì khi phân loại phóng xạ ‘tự nhiên’ và ‘không tự nhiên’.

§

Rõ ràng là, chúng ta lúc nào cũng bị phơi nhiễm với những nguồn phóng xạ liều lượng thấp.

Nằm trên chiếc giường không thoải mái lắm ở đường hầm Gastein, hít khí radon, có bao nhiêu phóng xạ tôi đang hấp thụ vào người? Rất ít. Tôi đã ở trong mỏ trong khoảng hơn một giờ đồng hồ. Köstinger tính rằng trong một chương trình trị liệu dài ba tuần, các bệnh nhân sẽ hấp thụ một lượng phóng xạ khoảng 1,8 mSv (millisieverts), khoảng ba phần tư lượng phóng xạ trung bình họ hấp thụ trong cả năm, – bởi vì, rõ ràng là, chúng ta lúc nào cũng bị phơi nhiễm với những nguồn phóng xạ liều lượng thấp.

Đầu tiên, mặt trời và các ngôi sao trong dải thiên hà của chúng ta và còn xa hơn thế nữa tạo ra bức xạ vũ trụ. Mức độ phơi nhiễm của chúng ta còn phụ thuộc vào vĩ độ chúng ta sống và sự thay đổi của từ trường Trái Đất. Và rồi thì còn có cả phóng xạ từ chính Trái Đất, bao gồm cả radon. Trong trường hợp này, địa lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng: ở một vài nơi radon không thể phát tán vào không khí với số lượng lớn hơn. Những chất rắn phóng xạ tự nhiên như uranium và thorium trong đá và đất cũng góp phần. Một lượng phóng xạ trung bình mọi người trên thế giới hấp thụ mỗi năm là 2,4 mSv. Để dễ liên tưởng hơn, mức độ này bằng khoảng 120 lần đi chụp X-quang lồng ngực.

Phần lớn những gì chúng ta biết về ảnh hưởng của phóng xạ lên con người đến từ những liều lượng lớn hơn rất nhiều trong những vụ nổ hạt nhân – những quả bom năm 1945 ở Hiroshima và Nagasaki. Trung tâm Nghiên cứu Ảnh hưởng Phóng xạ đã nghiên cứu sức khỏe của khoảng 100.000 người sống sót trong hai vụ nổ bom, và sức khỏe con cháu họ.

Kết quả từ những người sống sót không có gì ngạc nhiên. Với những bệnh ung thư như ung thư máu, mức độ rủi ro bắt đầu tăng vào khoảng mười năm sau sự kiện. Mức độ rủi ro còn phụ thuộc vào khoảng cách của mỗi người với vụ nổ, cũng như tuổi và giới tính. Ví dụ như, bất cứ ai ở cách vụ nổ 2,5km có nguy cơ phát triển khối u lớn hơn 10%. Trong trường hợp bệnh ung thư máu, con số của những ca tử vong xuất hiện chỉ hai năm sau thời điểm phơi nhiễm và tăng vọt trong khoảng từ bốn đến sáu năm sau.

Nhưng điều không được trông đợi là kết quả từ con cháu của những nạn nhân sống sót ở Hiroshima và Nagasaki. Mặc định ban đầu là họ cũng sẽ phải trải qua nguy cơ tương tự – nhưng cho đến nay điều này chưa hề xảy ra.

“Vào thời điểm này chúng tôi vẫn chưa thấy một sự tăng nào trong các ca ung thư hoặc tử vong không liên quan đến ung thư,” Roy Shore, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Ảnh hưởng Phóng xạ cho biết. Ông tiếp tục chỉ ra là phần lớn các bệnh sẽ xảy ra trong vòng 30 năm nữa, nên ông không thể hoàn toàn loại bỏ trường hợp tác động xảy ra muộn. Tuy vậy, những kết quả cho đến bây giờ khá là ngạc nhiên. “Dựa trên những dữ liệu thí nghiệm từ ruồi giấm đến chuột chúng tôi dự đoán là sẽ quan sát thấy một số bệnh phát triển trong tương lai,” ông thêm vào.

§

Xung quanh những tranh luận chưa có hồi kết về phóng xạ, điều gây tranh cãi nhất là mức độ thực sự của những tác hại (hoặc là lợi ích nếu bạn bị thuyết phục bởi bằng chứng từ Gasteiner Heilstollen) mà nó gây ra ở liều lượng thấp.

Có hai trường phái suy nghĩ trong chuyện này. Quan điểm thường được chấp nhận đến từ mối quan hệ đã biết giữa mức độ phơi nhiễm phóng xạ cao và khả năng bị ung thư. Đặt hai yếu tố này lên trục tung và trục hoành, ta sẽ có được một đồ thị gần như là đường thẳng cho mối quan hệ này. Sự không chắc chắn nằm ở những liều lượng rất thấp, và liệu có một mức độ nào mà rủi ro về phóng xạ sẽ hoàn toàn biến mất.

Phần lớn các ý kiến khoa học cho rằng không có một dữ liệu nào để nói là phóng xạ nguy hiểm cho đến khi liều lượng phóng xạ đạt mức khoảng 100 mSv.

“Ở liều lượng cực kì thấp – đến mức như một ca chụp CT chẳng hạn – chúng tôi không có nhiều bằng chứng đủ mạnh cho bất cứ một giả thuyết nào,” Shore nói. “Vấn đề ở đây là cách diễn giải.” Ông tự thấy là cần phải thận trọng khi mặc định rằng không có giới hạn nào cả: cái giả thuyết ‘đường thẳng không giới hạn’ (linear no-threshold – LNT)3 đã quá nổi tiếng.

Giáo sư Gerry Thomas là người quản lý mảng bệnh lý phân tử tại Đại học Imperial College London và có hứng thú đặc biệt với nghiên cứu về những tác động của phóng xạ. Bà chỉ ra rằng, những căn bệnh gây ra bởi phóng xạ cũng có nguyên nhân từ các yếu tố khác nữa, nên ở liều lượng rất thấp phải cần một số lượng người thật lớn mới có thể chứng minh được những bệnh đó có phải do phóng xạ không. “Phần lớn các ý kiến khoa học cho rằng không có một dữ liệu nào để nói là phóng xạ nguy hiểm cho đến khi liều lượng phóng xạ đạt mức khoảng 100 mSv.”

Kể cả như vậy, phần lớn những nhà chức trách quản lý phóng xạ và cố vấn của họ ủng hộ quan điểm LNT. Các giới hạn an toàn vì vậy được đặt ở mức rất thấp. Ví dụ như, giới hạn trần cho sự phơi nhiễm phóng xạ ở Anh là 1 mSv/năm – ít hơn một nửa so với lượng phóng xạ trung bình một người hấp thụ hàng năm.

Phát biểu về phòng trị liệu Bad Gastein, Köstinger có một quan điểm thực tế. Ông cân bằng nguy cơ một liều lượng nhỏ phóng xạ có thể gây ra với cái ông vẫn mô tả là “tác động đã được chứng minh bởi khoa học” của phương pháp trị liệu của mình. “Chúng tôi có một nguy cơ giả định [từ phóng xạ],” ông nói, “nhưng thậm chí trong trường hợp tồi tệ nhất thì nó vẫn là rất nhỏ so với nguy cơ từ các loại thuốc mà những bệnh nhân của chúng tôi đã thành công trong việc ngưng sử dụng chúng. Nếu có một nguy cơ, chúng tôi có thể sống với nó. Nếu kiến thức khoa học gợi ý là có một hạn mức, điều đó cũng ổn thôi.”

Kết luận tổng quát của tất cả những điều này là phóng xạ không hề chết chóc như ta thường mặc định. Thậm chí, điều thường bị bỏ quên trong những tranh luận là việc sự khác biệt giữa một nguy cơ rất nhỏ và một nguy cơ cũng rất nhỏ khác nhưng chỉ lớn hơn một chút có lẽ chẳng gây ra hậu quả nào. Trên thực tế, các chính sách và quyết định mà đã quá ám ảnh với việc phải tối thiểu hóa nguy cơ phóng xạ, khi nhìn rộng ra, thì chẳng hiệu quả gì.

§

Vậy việc nhiều người mang một nỗi sợ thái quá về phóng xạ có ảnh hưởng gì không? Dù gì đi nữa, hàng triệu người trong chúng ta vẫn có những nỗi sợ phi lý về đủ thứ từ nhện đến việc đi máy bay. Chúng ta phải tự vượt qua. Còn thế giới thì vẫn tiếp diễn.

Có hai ví dụ cho thấy tại sao một nỗi sợ phi lý về phóng xạ lại có ảnh hưởng quan trọng. Cả hai, theo cách của chúng, đều không có lợi cho cả cá nhân và cộng đồng.

Ví dụ đầu tiên là sự chần chừ trong việc khai thác năng lượng nguyên tử. Từ năm 1970 đổ đi, quá trình sản xuất năng lượng trên toàn cầu bởi những nhà máy hạt nhân đã tăng dần đều. Vào thập niên 90, sự tăng trưởng này tiếp diễn, nhưng với tốc độ chậm hơn. Từ năm 2000, nó chững lại, và rồi bắt đầu giảm. Thậm chí kể cả khi người ta bắt đầu nhiệt tình hơn với việc sản xuất năng lượng không phát thải carbon, thì việc sử dụng năng lượng hạt nhân-không-carbon vẫn cứ chững lại, và rồi giảm xuống.

Có rất nhiều lý do cho việc này, đặc biệt là những tranh cãi về chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân và tổn thất khi ngừng sử dụng chúng. Nhưng sự nghi ngờ của quần chúng có lẽ là nguyên nhân quan trọng hơn cả trong các quyết định chính sách. Chúng ta đã thấy các nhà máy điện hạt nhân bắt đầu chạm đến điểm cuối trong quá trình hoạt động của mình. Rồi trong cơn hoảng loạn về khả năng không đủ điện để chiếu sáng, chúng ta đã duy trì thêm quá trình đó. Nhưng một số nước đã né tránh việc thay thế chúng, nhận định rằng nguy cơ nhận thấy từ phóng xạ lớn hơn vai trò đầy tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu do con người gây ra. Từ bằng chứng này, tôi thấy rõ ràng là sự cân bằng ở đây thực ra nghiêng hẳn về một hướng.

Những hệ quả cá nhân của một nỗi sợ thừa thãi về phóng xạ còn nguy hại hơn. Bằng chứng cho việc này có thể thấy trong hậu quả của những sự kiện ở Chernobyl và Fukushima. Nhóm chuyên gia của WHO đã kiểm nghiệm thảm họa ở Chernobyl báo cáo rằng việc sợ phóng xạ có ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và đời sống của những người dân địa phương đã được sơ tán.

Những ảnh hưởng xã hội và tâm lý của vụ Chernobyl còn tệ hơn những ảnh hưởng trực tiếp của phóng xạ.

“Có những câu chuyện buồn ở Chernobyl và gần đây hơn là từ Fukushima về những người bị hắt hủi bởi cộng đồng mà họ chuyển đến vì họ bị cho là nhiễm phóng xạ và theo một cách nào đó là bị nhiễm độc,” Smith nói. “Một kết luận từ bản báo cáo của WHO là những ảnh hưởng xã hội và tâm lý của vụ Chernobyl còn tệ hơn những ảnh hưởng trực tiếp của phóng xạ.”

Ông nhớ lại một người đàn ông đánh cá ở một hồ nước bị nhiễm độc trong vòng bán kính của vụ nổ Chernobyl. “Người đàn ông này nói rằng ông ta sẽ không đi đâu cả: ‘Thế Chiến Hai đã không làm tôi phải rời khỏi nhà mình, nên tôi sẽ không đi đâu chỉ vì một chút phóng xạ này.’

“Bạn không thể tuyên bố chắc chắn, vì tất cả chỉ là thống kê, nhưng người đàn ông đó có lẽ đã lựa chọn đúng. Ông ta tất nhiên có rủi ro cao hơn vì ông ta ăn thực phẩm địa phương bị nhiễm độc, nhưng cái nguy cơ mà ông ta có thể sẽ phải đối mặt nếu ông ta bị bắt chuyển đến nơi khác và sống một cuộc sống khác có lẽ còn khiến cuộc sống của ông ta ngắn ngủi hơn.”

Mặc dù những người được sơ tán ở Fukushima không bị ảnh hưởng nhiều bởi những lời đồn kì quái như ở Chernobyl, nhưng họ cũng phải trải qua những hậu quả khó chịu của một nỗi sợ phóng xạ phi lý và những hệ quả không đoán trước được của nó đến sức khỏe. Một điều tra về những người sơ tán vào năm 2012 cho thấy rằng cứ năm người thì có một người có dấu hiệu suy sụp tinh thần.

Căng thẳng và những vấn đề sức khỏe tâm lý là không thể tránh khỏi khi việc sơ tán và tái định cư là cần thiết. Nhưng việc áp dụng nhiệt tình những quy tắc phòng ngừa, các mặc định cho trường hợp xấu nhất về tác động của phóng xạ, và một biên độ an toàn rộng đã gây ra những cách kiểm nghiệm nguy cơ phản tác dụng. Cùng với những lời đồn thổi không căn cứ, đôi khi được cổ vũ bởi một thành phần bí mật của chính phủ và một sự chần chừ trong việc đối mặt với những nghi ngờ phi lý, phóng xạ đã trở thành cơn ác mộng tồi tệ nhất với tất cả mọi người.

§

Di chuyển chậm rãi qua đường hầm ra khỏi Gasteiner Heilstollen, tôi nhớ lại ý tưởng về việc vẽ phóng xạ với gam màu xanh da trời. Đột nhiên, khi cố để không nghĩ đến sức nóng ẩm ướt trong đường hầm, tôi tự hỏi sẽ thế nào nếu chúng ta nhận thức được phóng xạ. Không phải bằng cách vẽ nó, mà bởi những cách khác.

Thử tưởng tượng nếu đôi mắt của chúng ta có thể nhìn xa hơn những vùng nhìn thấy được trong quang phổ và có thể phát hiện phóng xa, có thể ra tín hiệu về tất cả mọi thứ cho não bằng cơ quan thị giác – hay thậm chí là thính giác. Hoặc nếu da chúng ta có thể tiến hóa để cảm thấy như bị kim châm khi phóng xạ hiện diện. Nhưng phóng xạ có ở tất cả mọi nơi, và vẫn luôn tồn tại. Nếu chúng ta có thể cảm nhận được nó, chúng ta lúc nào cũng sẽ bị mất tập trung.

Có một giải pháp thay thế nhân tạo rõ ràng khác: thử tưởng tượng những bộ đếm Geiger4 rẻ tiền và được sản xuất toàn cầu, sẽ được cài đặt để ở trạng thái yên lặng khi – chú ý điểm này – lượng phóng xạ ở dưới mức có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những người dùng bộ đếm này, những người mà trước đó đã lo lắng về phóng xạ, có lẽ sẽ ngạc nhiên khi họ gần như chẳng bao giờ nghe chuông báo động reo cả. Chắc chắn là không kể cả khi họ tham gia chuyến thăm quan vào lòng núi của tôi. Hay trong một buổi chụp CT toàn thân. Thậm chí là kể cả khi họ cắm trại một tuần cạnh nghĩa trang ở Chernobyl.

Nhưng liệu chừng đó có đủ để trấn an bạn?


  1. Bad Gastein là một thị trấn spa nằm trong một thung lũng trên dãy núi An-pơ ở nước Áo. “Bad” trong Bad Gastein có nghĩa là spa, cho thấy thị trấn có lịch sử lâu đời là một nơi nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe. Gasteiner Heilstollen, địa điểm mà tác giả đang nhắc tới, là một trung tâm trị liệu của thị trấn nổi tiếng với phương pháp trị liệu bằng cách hít khí radon, một loại khí phóng xạ.

  2. Mùa đông hạt nhân là một giả thuyết về những hậu quả khí hậu gây ra bởi chiến tranh hạt nhân. Armageddon theo sách Khải Huyền là nơi sẽ diễn ra trận chiến giữa các đội quân trong thời điểm cuối cùng. Cụm từ này cũng thường được dùng ám chỉ sự kết thúc của thế giới.

  3. Linear no-threshold (LNT) là một mô hình được sử dụng trong việc bảo vệ phóng xạ thông qua việc tính toán mức độ phơi nhiễm và đặt ra giới hạn an toàn. Mô hình này mặc định rằng theo thời gian, những ảnh hưởng sinh học của phóng xạ sẽ cộng dồn và tỉ lệ trực tiếp với liều lượng phóng xạ, và cho rằng phóng xạ luôn nguy hiểm, không có một giới hạn an toàn nào cả.

  4. Bộ đếm Geiger (Geiger counter) là một thiết bị dùng để đo phóng xạ ion hóa bằng cách phát hiện các thành phần phóng xạ như các hạt alpha, beta, và tia gamma.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Triết Học 101 – Lập Luận
Điều căn bản mà bất kì ai muốn học triết và hiểu triết cần nắm rõ là lập luận. Tất cả các vấn để trong triết học đều quay xung quanh lập luận. Nhưng không phải ai cũng biết thế nào là lập luận và lập luận ra sao là đúng.
Mới nhất