a
§ Tác giả: Aziz Ansari & Eric Klinenberg | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Minh Hoàng | Hiệu đính:  Za
14/02/2020

Vài năm trước tôi gặp một cô gái – gọi cô là Tanya vậy – và chúng tôi đã “tình một đêm” với nhau ở Los Angeles. Chúng tôi cùng tham dự một bữa tiệc sinh nhật, và lúc tiệc sắp tàn, cô ấy ngỏ lời chở tôi về nhà. Chúng tôi đã trò chuyện và tán tỉnh nhau một chút suốt buổi tối, nên tôi mời cô ấy vào làm chút rượu. Vào thời điểm đó, tôi đang thuê một căn nhà khá đẹp trên khu đồi Hollywood. Nó gần giống căn nhà của De Niro trong phim Heat, nhưng hợp với tôi hơn là một tên trộm lành nghề chuyên đi cướp từ những chiếc xe bọc thép. Tôi pha hai ly cocktail và chúng tôi lần lượt chọn nhạc trong lúc tán gẫu một cách vui vẻ. Và rồi chúng tôi bắt đầu âu yếm nhau, và tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Tôi nhớ rằng trong cơn say mình đã nói gì đó ngu ngốc trong lúc cô ấy ra về, kiểu: “Tanya, em là một cô nàng rất quyến rũ …” Cô ấy đáp lại: “Aziz, anh cũng là một chàng trai vô cùng quyến rũ.” Cuộc gặp gỡ đó có vẻ đầy hứa hẹn, như tất cả mọi người trong phòng đã đồng ý: chúng tôi đều là những người quyến rũ.

Tôi muốn gặp lại Tanya, và thế là tôi phải đối mặt với một vấn đề không phải của riêng ai: Mình nên liên lạc khi nào và bằng cách nào? Gọi hay nhắn tin? Hay nhắn qua Facebook? Hay thôi, đốt lửa phát tín hiệu từ xa? Mọi người thường làm gì nhỉ?

Tôi rốt cuộc quyết định nhắn tin, vì cô ấy có vẻ là một người hay nhắn tin. Tôi đợi một vài ngày, để không tỏ ra quá vồ vập. Tôi phát hiện ra ban nhạc Beach House mà chúng tôi đã nghe đêm ấy có biểu diễn ở L.A. vào tuần đó, nên đây có vẻ là nước đi hoàn hảo.

Tôi nhắn như thế này:

“Hey – không biết em đã về NYC chưa, nhưng Beach House sẽ chơi ở Wiltern vào tối nay và mai. Em có muốn đi xem không? Nếu hỏi khéo thì có khi họ cho em lên hát bài The Motto đấy?”

Một lời mời nhẹ nhàng và dứt khoát kèm theo một chút bông đùa. (Tanya đã hát bài “The Motto” của Drake ở bữa tiệc, và ấn tượng là cô ấy thuộc gần hết lời.)

Một vài phút trôi qua và tin nhắn của tôi hiện “đã đọc.” Tim tôi ngừng đập. Đây là giây phút quyết định. Tôi chuẩn bị tinh thần và nhìn mấy chấm nhỏ của iPhone hiện lên. Mấy cái dấu chấm báo cho bạn biết rằng người kia đang nhắn lại, giày vò chẳng khác gì cảm giác ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc đang chậm rãi leo lên đỉnh. Nhưng rồi, sau vài giây – chúng biến mất. Và không có lời đáp nào từ Tanya.

Hmmm … Có chuyện gì thế nhỉ? Một vài phút nữa trôi qua và … Không có gì. Mười lăm phút trôi qua … Không có gì. Sự tự tin của tôi ngày một chùng xuống và chuyển sang sự nghi ngờ. Một tiếng trôi qua … Không có gì. Hai tiếng … Không có gì. Ba tiếng … Không có gì. Một cơn khủng hoảng nhỏ nổi lên. Tôi nhìn chằm chằm vào tin nhắn của mình. Lòng tự tin thuở nào đã biến thành sự nghi ngờ bản thân.

Mình ngu thật! Đáng ra phải viết “Hey” với hai chữ “y,” không phải một! Mình hỏi nhiều thứ quá rồi. Nghĩ gì vậy trời? Ồ, lại là một câu hỏi nữa. Aziz, MÀY BỊ ĐIÊN HAY SAO MÀ HỎI LẮM THẾ?

Rồi tôi nhận ra một điều thú vị: sự bối rối của tôi lúc này không hề tồn tại vào 20 hay thậm chí là 10 năm về trước. Nhìn tôi kìa, chăm chăm cái điện thoại hết phút này sang phút khác, trải qua một cơn bão của sự hoang mang, đau đớn, và giận dữ chỉ vì người kia không nhắn cho tôi dù chỉ là một câu ngắn ngủn ngu ngốc trên một chiếc điện thoại nhỏ xíu ngớ ngẩn.

Hẹn hò thời hiện đại vô cùng căng thẳng – đặc biệt là khi nhắn tin, thứ sắp trở thành phương tiện chuẩn mực để ngỏ lời với một ai đó. Vào năm 2010 chỉ 10 phần trăm người trẻ sử dụng tin nhắn để ngỏ lời với người khác vào lần đầu tiên; năm 2013, con số tăng lên 32 phần trăm. Và cứ như vậy, càng nhiều người ngồi thừ ra, nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại với vô vàn cảm xúc. Nhưng điều kỳ lạ là chúng ta làm điều đó cùng nhau, và cũng cùng nhau chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra, âu cũng an ủi phần nào. Vì thế, tôi quyết định tự tìm hiểu, và vì thằng cha diễn hài Aziz Ansari thể nào cũng chả giải quyết vấn đề một mình được, nên tôi đã hợp tác với nhà xã hội học Eric Klinenberg từ Đại học New York. Chúng tôi tiến hành một dự án nghiên cứu đồ sộ vào năm 2013 và 2014, bao gồm việc thực hiện các nhóm khảo sát và phỏng vấn mọi người trên khắp thế giới, cũng như phỏng vấn những nhà nghiên cứu hàng đầu đã dành cả sự nghiệp để tìm hiểu việc hẹn hò thời hiện đại. Chúng tôi đã học được nhiều điều về việc tìm kiếm tình yêu trong xã hội ngày nay, bao gồm bạn nên làm gì khi gửi đi hay nhận được một tin nhắn.

Một vấn đề gây nhiều tranh cãi là khoảng thời gian bạn nên chờ trước khi nhắn tin phản hồi. Một vài người theo cơ chế nhân đôi thời gian. (Người kia nhắn lại sau năm phút thì mình chờ 10, chẳng hạn.) Làm như vậy sẽ giúp bạn giành được lợi thế và trông có vẻ bận rộn và ít rảnh rỗi hơn người kia. Một số khác nghĩ rằng đợi một vài phút là đủ để chứng tỏ bạn có những việc khác quan trọng hơn là nhìn điện thoại. Một số thì nghĩ rằng nhân đôi thời gian cũng tốt, nhưng thỉnh thoảng nên phản hồi sớm để trông không có vẻ quá toan tính (nhưng đừng nhắn dài quá là được!). Một vài người luôn đợi lâu gấp 1.25 lần. Một số khác thì cho rằng ba phút là vừa đủ. Cũng có một vài người quá mệt mỏi với những trò chơi kiểu này và nghĩ rằng những phản hồi kịp thời và không toan tính thể hiện sự tự tin và mới mẻ.

Nhưng những việc này liệu có hiệu quả không? Tại sao có nhiều người đến thế làm vậy? Có chiến lược nào trong số đó thực sự phù hợp với kết quả nghiên cứu tâm lý không?

Sức mạnh của việc chờ đợi

Trong những năm gần đây các nhà khoa học hành vi đã làm rõ phần nào lý do các chiến lược chờ đợi có thể có hiệu quả. Đầu tiên hãy xem xét quan niệm rằng việc nhắn lại ngay lập tức có thể khiến bạn trở nên ít thu hút hơn. Các nhà tâm lý học đã thực hiện hàng trăm thử nghiệm xoay quanh việc trao thưởng cho các con vật thí nghiệm theo những cách khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất là “sự không chắc chắn của phần thưởng” (reward uncertainty) – chẳng hạn như một con vật không thể đoán trước liệu đẩy một cái cần có cho nó đồ ăn hay không – có thể gia tăng đáng kể sự thích thú đối với phần thưởng, đồng thời tăng hàm lượng dopamine để chúng cảm thấy sảng khoái.

Nếu coi tin nhắn phản hồi từ một ai đó là “phần thưởng,” nhớ rằng những con vật thí nghiệm nhận được phần thưởng mỗi lần chúng đẩy cái cần rốt cuộc sẽ hời hợt đi vì chúng biết rằng bất cứ khi nào muốn được thưởng, chúng chỉ cần đẩy cái cần. Vậy về cơ bản, nếu bạn là người hay phản hồi ngay lập tức, bạn sẽ bị “coi rẻ” và phần thưởng của bạn dần giảm giá trị trong mắt người kia. Vì thế, người kia sẽ không còn khao khát nhắn tin cho bạn, hoặc, trong trường hợp của con vật thí nghiệm, đẩy cái cần.

Nhắn tin là một phương tiện điều chỉnh suy nghĩ chúng ta theo một cách riêng, và chúng ta nghĩ rằng những cuộc đối thoại sẽ hoạt động khác so với gọi điện thoại. Trước cái thời mà ai ai cũng có điện thoại di động, chúng ta có thể chờ khá lâu – thậm chí là vài ngày – để gọi lại trước khi người kia trở nên lo lắng. Nhắn tin đã khiến chúng ta quen với việc nhận được phản hồi nhanh chóng hơn. Từ những cuộc phỏng vấn của chúng tôi, khoảng thời gian phụ thuộc vào từng cá nhân, nhưng nó có thể là 10 phút, một tiếng, hoặc ngay lập tức, tùy theo tin nhắn trước. Nếu không nhận được phản hồi tức thì, chúng ta lập tức trở nên hoảng loạn.

Natasha Schüll, một nhà nhân chủng học bấy giờ đang làm việc ở Viện Công nghệ Massachusetts, nghiên cứu chứng nghiện cờ bạc và cụ thể là điều gì xảy ra đối với trí não và thể chất của những người chìm đắm trong cảm giác thỏa mãn tức thì mà các máy đánh bạc mang lại. Khi chúng tôi gặp nhau ở Boston, cô giải thích rằng khác với đánh bài, đánh cược đua ngựa, hay xổ số hằng tuần – những trò chơi bắt các con bạc chờ đợi (đến lượt đánh, đến lúc các con ngựa chạm đích, hay đến lúc rút thăm hằng tuần) – máy đánh bạc hoạt động nhanh chóng, cho người chơi biết kết quả tức thì.

“Bạn quen với việc nhận được kết quả ngay lập tức, và không chấp nhận bất kỳ sự trì hoãn nào,” Schüll nói. Cô so sánh máy đánh bạc và việc nhắn tin, cả hai đều tạo ra sự mong đợi một phản hồi tức thì. “Khi bạn nhắn tin với một người bạn thích, một người bạn chưa thực sự quen biết, nó cũng như chơi máy đánh bạc vậy: cảm giác ngờ vực, mong ngóng, và lo lắng vô cùng lớn. Bạn muốn nó – bạn cần nó – ngay lập tức, và nếu nó không xuất hiện, cả cơ thể bạn như đang hét ‘Aaaaah!’ Bạn chẳng biết phải làm gì khi không nhận được phản hồi, kết quả chưa được quyết định.”

Schüll nói rằng nhắn tin rất khác so với để lại tin nhắn trên máy trả lời tự động tại nhà, điều chúng ta thường làm trước khi có điện thoại thông minh. “Về mặt thời gian, và cảm xúc, để lại tin nhắn cho ai đó giống với mua vé xổ số hơn,” cô giải thích. “Bạn biết mình sẽ phải chờ lâu hơn trước khi được biết con số trúng thưởng. Bạn không mong đợi một cuộc gọi lại ngay lập tức và bạn thậm chí còn có thể tận hưởng sự hồi hộp ấy, vì bạn biết mình sẽ phải đợi vài ngày. Nhưng với nhắn tin, nếu bạn không nhận được phản hồi trong vỏn vẹn 15 phút, bạn sẽ phát điên.”

Schüll kể rằng chính cô đã nếm trải cảm giác đau khổ của việc chờ đợi này. Một vài năm trước cô đang nhắn tin với một chàng trai cô mới bắt đầu hẹn hò và vô cùng thích, và anh chàng cũng có vẻ rất yêu mến cô. Rồi, anh ấy đột nhiên bặt vô âm tín. Anh không liên lạc với cô trong vòng ba ngày. Cô bị ám ảnh với sự biến mất của anh và không thể tập trung vào cuộc sống thường nhật với bạn bè. “Chẳng ai muốn ở cùng tôi cả,” cô nói, “vì tôi cứ bị ám ảnh, kiểu: Anh chàng này biến đâu rồi?!”

Rốt cục anh ấy cũng phản hồi và cô đã thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng anh thực ra đã mất điện thoại, và vì nó lưu số của cô, anh ấy không có cách nào để liên lạc với cô.

“Với một cú điện thoại, ba ngày im lặng có lẽ không làm bạn phát điên đến như vậy, nhưng vì trí não của tôi đã quen với việc nhắn tin, việc phần thưởng đó biến mất … Ba ngày đó có lẽ như địa ngục vậy,” cô nói. Kể cả các cặp đôi cũng trải nghiệm cảm giác lo lắng này khi nhắn tin. Trong chính mối quan hệ của tôi, một mối quan hệ nghiêm túc, hạnh phúc, tôi cũng đã nhiều lần cảm thấy bất an khi không nhận được tin nhắn nhanh chóng. Đây là một ví dụ:

Anh có quay lại khách sạn trước khi đến câu lạc bộ hài kịch không? (Gửi lúc 6:34)

Chắc là không đâu. Anh phải chuẩn bị cho buổi diễn và làm một ly với Zach. Muốn gặp bọn anh không? (Gửi lúc 6:36)

Chú ý khoảng cách 20 phút ở đây.

Thôi. (Gửi lúc 6:56)

Trong khoảng trống sau “Muốn gặp bọn anh không?” tôi chắc rằng cô ấy không vui về điều gì đó. Các phản hồi trước của cô ấy khá tức thì, và có vẻ như sự tạm ngừng là một dấu hiệu rằng có gì đó không ổn và tôi đáng lẽ phải quay lại khách sạn hay ít ra cũng phải làm gì đó.

Hẹn anh ở câu lạc bộ hài kịch vậy (Gửi lúc 6:56)

Em có dỗi không đó (Gửi lúc 7:01)

Chú ý khoảng cách thời gian ở đây nữa.

Chẳng dỗi gì đâu

Em đang nghỉ ở khách sạn. Đi lại cả ngày rồi nên chẳng muốn nhấc chân lên nữa. (Gửi lúc 7:17)

OK anh hỏi thăm thôi 😊 (Gửi lúc 7:17)

Lại nữa, khi cô ấy không trả lời sau “Em có dỗi không đó” tôi khá chắc rằng cô ấy đang dỗi, vì tội gì phải chờ lâu đến thế để nói rằng cô ấy không dỗi? Những thay đổi trong cách tôi nhìn nhận cảm xúc của cô ấy và của chính bản thân đơn thuần là do khoảng cách thời gian giữa các tin nhắn.

Nếu việc này ảnh hưởng lên cả các cặp đôi nghiêm túc, thì cũng dễ hiểu nếu những nguyên tắc tâm lý chứng minh rằng chờ đợi là một chiến lược tốt cho những người độc thân đang cố trở nên thu hút.

Ví dụ như bạn là một anh chàng, và bạn gặp ba cô gái tại quán bar. Ngày hôm sau bạn nhắn tin cho họ. Hai người trả lời khá nhanh chóng, và người còn lại không hề có phản hồi. Hai cô gái kia đã, theo một cách nào đó, thể hiện sự quan tâm bằng cách trả lời tin nhắn, và vì thế, làm bạn thấy hài lòng. Người còn lại, vì cô ấy chưa phản hồi, đã tạo ra sự không chắc chắn, và bạn phải tìm kiếm lý do tại sao. Bạn cứ băn khoăn: Tại sao cô ấy chưa trả lời? Có chuyện gì à? Mình đã làm sai chỗ nào ư? Cô gái thứ ba đã tạo ra cảm giác bất an, thứ có thể tạo nên sức hút mạnh mẽ theo các nhà tâm lý học xã hội.

Erin Whitchurch, Timothy Wilson, và Daniel Gilbert đã phối hợp tiến hành một nghiên cứu, trong đó họ cho những người phụ nữ xem trang cá nhân Facebook của những người đàn ông mà họ được cho biết là đã xem trang cá nhân của họ. Một nhóm được kể rằng họ sẽ xem những người đã đánh giá trang cá nhân của họ cao nhất. Nhóm thứ hai được kể rằng họ sẽ xem những người đánh giá họ trung bình. Và nhóm thứ ba được kể rằng họ sẽ xem những người “không chắc chắn” thích họ đến mức nào. Như đã dự đoán, những người phụ nữ thích những người được cho là đã thích họ nhất hơn những người đánh giá họ trung bình. (Nguyên lý tương hoán (reciprocity principle): ta thích những người thích ta.) Tuy nhiên, những người phụ nữ bị thu hút bởi nhóm “không chắc chắn” nhiều nhất. Sau đó họ cũng báo cáo rằng họ suy nghĩ về những người “không chắc chắn” nhiều nhất. Bạn càng nghĩ về một người, thì người đó càng hiện hữu trong trí óc của bạn, và rốt cục có thể dẫn đến cảm giác bị thu hút.

Một ý tưởng khác từ tâm lý học xã hội xuất hiện trong trò chơi nhắn tin của chúng ta là nguyên tắc khan hiếm (scarcity principle). Về cơ bản, một thứ trở nên giá trị hơn trong mắt chúng ta khi nó hiếm xuất hiện. Khi bạn nhắn tin với một người ít đi, bạn đang làm cho mình trở nên “hiếm” hơn và khiến bản thân lôi cuốn hơn.

Nhưng chuyện gì đã xảy ra với Tanya?

Điều cần lưu tâm về đống hỗn độn này là, bất chấp tất cả những ngờ vực về nội dung hay thời gian của tin nhắn đã gửi, đôi khi lỗi không phải ở bạn mà là ở các yếu tố khác. Khi tôi đang trăn trở về Tanya, một anh bạn đã khuyên tôi, và nghĩ lại thì đó là lời khuyên tốt nhất tôi nhận được. Cậu ấy bảo: “Nhiều lúc cậu ở trong những tình huống như thế này và nghi ngờ những điều mình đã làm, nói, hay viết, nhưng đôi khi vấn đề là ở họ mà cậu chẳng hề hay biết.”

Một vài tháng sau tôi tình cờ gặp lại Tanya. Chúng tôi đi chơi vui vẻ với nhau và rốt cục cô ấy xin lỗi vì đã không trả lời tôi lần ấy. Có vẻ như hồi đó, cô ấy đang băn khoăn về xu hướng tính dục của mình và đang cố gắng xác định xem mình có phải lesbian không.

Tôi thì chưa bao giờ nghĩ là như vậy. Chúng tôi lại “tình một đêm” tối hôm đó, và cô ấy nói rằng lần này sẽ chẳng có trò chơi nào nữa. Tôi nhắn tin cho cô ấy vài ngày sau để hỏi về kế hoạch này. Phản hồi của cô ấy: sự im lặng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất