a
§ Tác giả: Bruce Hood | Nguồn: aeon
Biên dịch: Mai Nhi | Hiệu đính:  HL
28/03/2020

Năm 1859, khoảng 450 hành khách trên chuyến tàu Royal Charter đi từ các mỏ vàng tại Úc trở về Liverpool đã chết đuối khi con tàu hơi nước này bị đắm ngoài khơi bờ bắc xứ Wales. Điểm đáng chú ý của bi kịch này so với vô số thảm kịch hàng hải khác là rất nhiều trong số những hành khách đã bị chìm xuống bởi chính trọng lượng của số vàng họ mang theo bên mình, thứ họ không muốn bỏ lại khi đã về gần nhà đến thế. Con người có một sự ám ảnh mạnh mẽ, đôi khi, tới mức phi lý với những tài sản vật chất. Mỗi năm, lại có thêm nhiều người bị giết hoặc trọng thương khi cố ngăn chặn những kẻ cướp xe của mình – một quyết định thiếu sáng suốt mà rất ít người sẽ chọn nếu có đủ thời gian cân nhắc. Dường như có một con quỷ sai khiến ta, làm ta khổ sở vì những thứ mình sở hữu và liều mạng để theo đuổi sự giàu có vật chất. Có lẽ chính chúng ta mới là kẻ bị chiếm hữu.

Tất nhiên,chủ nghĩa vật chất và việc tích trữ của cải là động cơ thúc đẩy mạnh mẽ cho con người. Phần lớn chúng ta sẽ đồng tình với câu nói thường được coi là của nữ diễn viên Mae West: “Giàu nghèo tôi đã từng trải qua cả – tin tôi đi, giàu có vẫn tốt hơn.” Nhưng rồi đến một lúc chúng ta đạt được mức sống đầy đủ, thoải mái, nhưng vẫn muốn có thêm và thêm – tại sao lại như thế?

Ta thường không để ý rằng chúng ta thích khoe khoang sự giàu có dưới dạng vật chất mà mình sở hữu. Vào năm 1899, nhà kinh tế học Thorstein Veblen quan sát thấy “thìa bạc” (silver spoon) là một dấu hiệu thể hiện vị trí xã hội của tầng lớp tinh hoa. Ông gọi hiện tượng sẵn lòng ‘rút ví’ để mua những hàng hóa đắt tiền thay vì những món rẻ hơn – với cùng một chức năng – để thể hiện địa vị là “tiêu dùng phô trương.” Hiện tượng này có thể được giải thích thông qua góc nhìn sinh học tiến hóa.

Phần lớn các loài động vật cạnh tranh để sinh sản. Tuy nhiên, cạnh tranh bằng các cuộc chiến đi kèm với nguy cơ thương tật hay tử vong. Một chiến thuật khác chính là tự quảng cáo những lợi thế của bản thân, nhờ đó đối tượng sẽ chọn ta làm bạn tình thay vì những đối thủ khác. Các loài vật chọn lọc những đặc trưng có thể báo hiệu sự tương thích cho bạn tình tiềm năng, gồm những phần phụ1 như bộ lông vũ sặc sỡ và cặp sừng ấn tượng hay những hành vi phô trương như những nghi thức thu hút bạn tình đầy phức tạp và tinh tế, vốn là một ví dụ điển hình của ‘lý thuyết báo hiệu’2. Do sự phân công lao động không đồng đều trong quá trình sinh sản, lý thuyết này giải thích vì sao con đực lại thường có vẻ ngoài màu mè và những hành động hoa mỹ hơn là con cái. Cái giá phải trả để có những đặc điểm này không nhỏ, nhưng chắc chắn là xứng đáng vì nếu chúng không đem lại lợi ích gì, chọn lọc tự nhiên đã loại bỏ những sự thích nghi này. 

Những lợi ích của chúng bao gồm sự khỏe mạnh được di truyền. Lý thuyết báo hiệu giải thích vì sao những đặc điểm nhìn thì có vẻ vô ích này lại là những dấu hiệu đáng tin của những đặc tính được kỳ vọng. Loài công là ví dụ điển hình cho sự tốn kém của những tín hiệu này: Công trống sở hữu bộ đuôi quạt đầy màu sắc và trau chuốt, đặc điểm đã được tiến hoá để đưa ra tín hiệu cho con công mái rằng chúng sở hữu bộ gen tốt nhất. Bộ lông của chúng màu mè đến mức Charles Darwin, vào năm 1860, đã viết: ‘Chỉ nhìn thoáng qua chiếc lông đuôi công thôi cũng đủ làm tôi phát ốm.’ Lý do là do chiếc đuôi công không được tối ưu hóa cho quá trình sinh tồn. Nó quá nặng, đòi hỏi nhiều năng lượng để nuôi dưỡng và chăm sóc. Giống như một chiếc đầm xòe nặng nề dài chấm đất, chúng thật cồng kềnh và không hề giúp ích cho việc di chuyển hiệu quả. Nhưng dù bộ lông vũ nặng nề có đem lại bất lợi ở những hoàn cảnh nhất định, chúng cũng đưa ra tín hiệu về khả năng di truyền vì những gen tạo nên bộ lông sặc sỡ cũng thường có liên quan đến hệ miễn dịch tốt.

Nhưng dù bộ lông vũ nặng nề có đem lại bất lợi ở những hoàn cảnh nhất định, chúng cũng đưa ra tín hiệu về khả năng di truyền vì những gen tạo nên bộ lông sặc sỡ cũng thường có liên quan đến hệ miễn dịch tốt.

Ở loài người, cả nam và nữ đều tiến hóa để có những đặc điểm thể chất có khả năng ra tín hiệu cho sự khỏe mạnh về mặt sinh học, nhưng, với khả năng công nghệ, chúng ta cũng có thể thể hiện lợi thế của mình dưới dạng của cải vật chất. Những người giàu có nhất nhiều khả năng sẽ sống lâu hơn, có nhiều con cháu hơn và chuẩn bị tốt hơn cho những tai ương xảy đến trong tương lai. Chúng ta đều bị hấp dẫn bởi sự giàu có. Những người lái xe trong cơn bực tức sẽ có khả năng bấm còi hối thúc một chiếc xe cũ rích hơn là một chiếc xe thể thao đắt tiền. Những người ăn diện trong những bộ quần áo hàng hiệu sang trọng cũng thường nhận được sự đối đãi tốt hơn từ người khác, cũng như hấp dẫn được bạn tình.

Ngoài việc sở hữu đồ đạc là một dấu hiệu của khả năng sinh sản, còn có một lý do khác mang đậm màu sắc cá nhân – theo Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học hiện đại. Ông đã viết vào năm 1759: ‘Của cải đem lại vinh quang cho kẻ giàu có, vì chúng đơn thuần khiến anh ta thấy như cả thế giới chú tâm đến mình.’ Sự giàu có về vật chất không chỉ cho ta một cuộc sống thoải mái hơn, mà còn cho ta cảm giác thỏa mãn từ sự ngưỡng mộ của kẻ khác. Chúng ta yêu thích sự giàu sang. Những cuộc mua sắm xa xỉ kích thích trung tâm hưng phấn của não bộ. Nếu bạn nghĩ rằng mình đang uống một ly rượu vang đắt tiền, không những bạn sẽ cảm thấy ngon miệng hơn, mà cả hệ thống đánh giá của bộ não có liên kết với những trải nghiệm hưng phấn cũng được kích hoạt mạnh mẽ hơn so với khi uống cùng loại rượu đó, nhưng với ý nghĩ rằng nó chỉ là loại rượu rẻ tiền.

Và hơn hết, ta chính là những thứ mình sở hữu. Hơn 100 năm sau nhận định của Smith, William James3 cho rằng bản thân chúng ta không chỉ là cơ thể và tâm trí mà còn là tất cả những thứ chúng ta sở hữu, bao gồm tài sản vật chất. Quan điểm này sau đó được phát triển trong khái niệm “cái tôi mở rộng” bởi chuyên gia marketing Russell Belk. Năm 1988, ông đã lập luận rằng chúng ta dùng quyền sở hữu và tài sản từ bé như một cách để định hình danh tính và tạo lập địa vị. Có lẽ vì thế mà “Của tớ!” là 1 trong những cụm từ phổ biến của trẻ lên 3, và tới hơn 80% những cuộc gây lộn tại vườn trẻ và sân chơi là để tranh giành đồ chơi.

Chúng ta dùng quyền sở hữu và tài sản từ bé như một cách để định hình danh tính và tạo lập địa vị. (Ảnh: Unsplash)

Qua thời gian (cùng các luật sư), chúng ta đã phát triển những cách thức tinh vi hơn để giải quyết vấn đề tranh giành tài sản, nhưng mối liên kết cảm xúc với tài sản của chúng ta – sự “mở rộng” của danh tính mỗi người – vẫn còn đó. Ví dụ, một trong những hiện tượng tâm lý điển hình nhất của kinh tế học hành vi chính là hiện tượng sở hữu4, lần đầu tiên được nhắc tới vào năm 1991 bởi Richard Thaler, Daniel Kahneman và Jack Knetsch. Có rất nhiều phiên bản của hiệu ứng này, nhưng có lẽ gây chú ý nhất là cách chúng ta định giá đồ vật giống nhau (ví dụ như cốc cà phê) với giá trị như nhau, cho tới khi ta sở hữu chúng, ta bắt đầu cho rằng chiếc cốc của mình có giá trị hơn số tiền người mua muốn bỏ ra. Một điều thú vị là hiệu ứng này dễ nhận thấy trong những nền văn hóa khuyến khích sự độc lập từ bản thân hơn là những nền văn hóa xem trọng sự hỗ trợ, phụ thuộc lẫn nhau. Một lần nữa, điều này trùng khớp với khái niệm “cái tôi mở rộng,” khi con người được định hình bởi những thứ của riêng chúng ta.

Thông thường, hiện tượng sở hữu không xuất hiện ít nhất là cho đến khi trẻ lên 6-7 tuổi, nhưng vào năm 2016, tôi và đồng nghiệp của mình đã nhận thấy rằng ta có thể khiến hiệu ứng xuất hiện sớm hơn nếu ta hướng trẻ nghĩ đến bản thân chúng trong một thí nghiệm vẽ chân dung đơn giản. Một điều đáng chú ý là hiệu ứng sở hữu không mấy ảnh hưởng đến tộc người Hadza tại Tanzania, một trong những bộ lạc săn bắt hái lượm cuối cùng. Sự sở hữu tài sản đối với họ là một khái niệm cộng đồng, và họ áp dụng chính sách ‘nhu cầu-chia sẻ ’– nếu bạn có thứ tôi cần, hãy đưa nó cho tôi.

Belk cũng nhận ra rằng những vật sở hữu mà ta nghĩ rằng chúng nói lên nhiều nhất về con người ta chính là những thứ nhiệm màu nhất đối với ta. Có những vật mang giá trị tinh thần không thể nào thay thế được, và thường mang những đặc tính hoặc bản chất tạo nên tính nguyên bản của chúng. Bắt nguồn từ Thuyết ý niệm của Plato5, bản chất phi vật lý chính là điều tạo nên danh tính. Tính bản chất là thứ ăn sâu trong tâm lý con người, ta đẫm mình trong thế giới vật lý này với những thứ tài sản siêu hình của mình. Nó cho thấy tại sao ta lại trân trọng những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản hơn là những thứ tương tự hoặc các bản sao chép, vì sao ta lại rất vui lòng cầm trên tay cuốn sách về cuộc đời và sự tàn ác của Adolf Hitler nhưng lại thấy kinh tởm trước cuốn sách dạy nấu ăn mang tên hắn mà không đề cập nào đến bất kỳ các tội ác nào.

Tính bản chất chính là điều khiến chiếc nhẫn cưới của bạn trở nên không thể thay thế. Không phải ai cũng biết đến tính bản chất của mình, nhưng nó nằm trong gốc rễ của những cuộc tranh giành tài sản gay gắt nhất lịch sử, khi chúng trở nên thiêng liêng và là một phần của danh tính chúng ta. Bằng cách này, của cải không chỉ là cách chúng ta thể hiện với người khác về việc chúng ta là ai, mà còn nhắc nhở cho ta rằng mình là ai, và về nỗi khát khao được là một nguyên bản trong một thế giới đang số hóa từng ngày.


  1. Trong sinh học không xương sống, một phần phụ là một bộ phận bên ngoài hoặc một phần kéo dài của cơ thể, mà nó nhô ra từ thân mình của một sinh vật (trong sinh học xương sống, ví dụ sẽ được lấy là một chi của động vật có xương sống).

  2. Trong sinh học tiến hóa, lý thuyết báo hiệu là một tập hợp các nghiên cứu lý thuyết tập trung vào giao tiếp ở động vật, cả trong nội bộ loài và ngoài loài. Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_thuy%E1%BA%BFt_b%C3%A1o_hi%E1%BB%87u

  3. William James (sinh 11 tháng 1 1842 – mất 26 tháng 8 1910) là một nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ. Ông đã viết những cuốn sách có tầm ảnh hưởng về khoa học tâm lý, tâm lý học giáo dục, tâm lý học trải nghiệm tôn giáo, chủ nghĩa thần bí cũng như triết học về chủ nghĩa thực dụng. Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/William_James

  4. Hiệu ứng sở hữu – tình trạng “tiếc của” (hay “con cá mất là con cá to”) xảy ra khi một người sẵn sàng bán một vật với giá cao hơn giá mà họ muốn mua nó (nếu họ không sở hữu vật này).

  5. Trong thuyết ý niệm, những ý nghĩ, quan niệm là bản chất phi vật lý của vạn vật, còn những vật chất vật lý chỉ là sự bắt chước. https://en.wikipedia.org/wiki/Theory_of_forms

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất