Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Joshua Rothman | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Việt Anh | Hiệu đính:  Dexter
25/07/2016

Tuần trước, tại Code Conference, một sự kiện công nghệ ở California, Elon Musk, nhà tỷ phú sáng lập Tesla Motors, SpaceX và nhiều công ty công nghệ hàng đầu khác, đã nhận được một câu hỏi bất ngờ từ phía khán giả: Musk nghĩ thế nào về việc chúng ta đang sống không phải là trong thế giới thực, mà là trong thế giới giả lập máy tính phức tạp? Thật ngạc nhiên khi Musk cho thấy rằng ông đã quá quen với vấn đề này: “Tôi đã có quá nhiều cuộc thảo luận xung quanh ý tưởng đó đến mức phát rồ lên.” Với tốc độ phát triển của trò chơi điện tử như hiện nay, ông cho rằng sự xuất hiện của những bản mô phỏng “y như thật” là điều không thể tránh khỏi. Khả năng chúng ta đang sống trong “hiện thực căn bản”1, Musk kết luận, chỉ vỏn vẹn “một phần tỉ”.

Musk dường như bị thuyết phục bởi thứ mà các triết gia gọi là “lý luận giả lập” (simulation argument), một khái niệm được đưa ra trong một bài nghiên cứu vào năm 2003 của nhà triết học – tương lai học của Đại học Oxford Nick Bostrom2. Lý luận này mở đầu bằng việc chỉ ra những xu thế hiện nay trong công nghệ, ví dụ như sự phát triển của công nghệ thực tế ảo hay việc lập bản đồ não người. (Một dự án lập bản đồ não người có tên là BRAIN Initiative đã được Chính quyền Obama đầu tư.) Lý luận này kết luận bằng việc đề xuất rằng chúng ta thực ra là những sinh vật số sống trong một thế giới giả lập máy tính được tạo ra bởi chính những thế hệ tương lai. Nhiều năm trở lại đây, có những người, thường là trong trạng thái phê, đã từng tưởng tượng ra viễn cảnh này. Nhưng mới đây, một số triết gia, nhà tương lai học, cây bút viễn tưởng và kỹ sư công nghệ – những người gần như có niềm tin sùng bái vào tiến bộ công nghệ – cũng phải chấp nhận rằng lý luận giả lập không những hợp lý mà còn có tính tất yếu.

Hai tiền đề cho lý luận giả lập có thể được đưa ra tranh luận nhưng chúng đều có cơ sở. Theo tiền đề thứ nhất, ý thức hoàn toàn có khả năng được mô phỏng lại trên máy tính, trong đó các cổng logic đóng vai trò làm xi-náp và chất dẫn truyền thần kinh. (Nếu như sự tự nhận thức có thể sản sinh từ một búi các nơ-ron thì silicon cũng là một môi trường lý tưởng để phát triển.) Tiền đề thứ hai chỉ ra rằng những nền văn minh tiên tiến sẽ được tiếp cận với một lượng sức mạnh vi tính khổng lồ. Để ví dụ, Bostrom phỏng đoán rằng sau hàng nghìn năm nữa, con cháu của chúng ta sẽ du hành không gian và sử dụng những cỗ máy siêu nhỏ để biến mặt trăng hay các hành tinh khác thành những “hành tinh máy tính” khổng lồ. Theo lập luận này, một nền văn minh tân tiến như vậy có thể sử dụng sức mạnh vi tính để chạy một chương trình “giả lập tổ tiên” – về cơ bản giống như một phiên bản cao cấp của trò chơi điện tử “The Sims,” tập trung vào lịch sử tiến hoá của họ. Hiện tại, việc tạo ra một thế giới mô phỏng như vậy nghe có vẻ khác thường, nhưng Bostrom ước tính trong tương lai sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng triệu chương trình giả lập tổ tiên được chạy trên chỉ một chiếc máy tính. Nếu đúng như thế thì số lượng ý thức được giả lập sẽ vượt qua số lượng ý thức tự nhiên của con người, và khi đó rất có khả năng chúng ta đang thực sự sống trong một thế giới giả lập.

Nếu chỉ xét bề ngoài, lý luận giả lập có một số điểm giống với lập luận vào thế kỷ XVII của René Descartes3, rằng có một “thế lực ma quỷ” vô hình đang định hình nhận thức của chúng ta. Nhưng lập luận của Descartes chỉ đơn thuần là về sự hoài nghi – Làm sao để biết rằng chúng ta đang không sống trong một thế giới giống như trong bộ phim Ma Trận4? – còn lý luận giả lập nói về cách chúng ta hình dung ra tương lai. Trong suốt hơn một thế kỷ, các nhà tương lai học cũng như các cây bút khoa học viễn tưởng đã tưởng tượng ra một ngày mà con người sử dụng công nghệ để trở thành “hậu nhân” (posthuman), vượt qua mọi giới hạn của người thường. Đó là thời đại con người có thể thoát khỏi cái chết bằng cách tải ký ức của họ lên máy tính, bổ sung hay thay thế trí não họ với trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), hoặc mở rộng đường biên tri thức của vật lý, sinh học và kỹ thuật để vươn tới những vì sao. Thậm chí ngay bây giờ chúng ta đã có thể thấy những mầm mống của tương lai hậu nhân: siêu máy tính Watson chiến thắng trò chơi “Jeopardy!”; công nghệ thực tế ảo bắt đầu xuất hiện; một nhóm các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc mô phỏng lại hệ thần kinh của giun tròn trong một cơ thể làm từ Lego; và, Elon Musk dự định công bố kế hoạch chi tiết cho cuộc đổ bộ lên sao Hoả vào tháng 9.

Nếu như bạn mong rằng nhân loại còn tồn tại lâu dài trong tương lai, ngày càng có nhiều quyền năng và tri thức, thì bạn phải chấp nhận có khả năng ngày nay chúng ta chỉ là những sinh vật số được mô phỏng lại.

Tương lai hậu nhân chưa bao giờ trở nên dễ đoán như vậy, đặc biệt là với Musk hay những ai đi đầu trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, việc chúng ta đang sống trong một vòng lặp thời gian sẽ bóp méo giấc mơ này. Có thể chúng ta sẽ không thể tiến tới giai đoạn hậu nhân; ở một thời điểm nào đó, tiến bộ trong công nghệ sẽ dừng lại. Hay chỉ đơn giản là thế hệ hậu nhân của chúng ta không muốn chạy các chương trình giả lập (dẫu vậy, việc đó cũng khó có thể xảy ra vì bản thân chúng ta vốn đã thích làm điều này). Hay không chừng loài người có thể bị tuyệt chủng trước khi biết cách tự giả lập. “Có lẽ chúng ta nên hy vọng rằng mọi thứ đều được giả lập,” Musk kết luận, bởi “hoặc chúng ta sẽ tạo ra những bản giả lập không khác gì thực tế hoặc nền văn minh trên thế giới sẽ bị diệt vong. Chỉ có hai lựa chọn đó thôi.” Nếu như bạn mong rằng nhân loại còn tồn tại lâu dài trong tương lai, ngày càng có nhiều quyền năng và tri thức, thì bạn phải chấp nhận có khả năng ngày nay chúng ta chỉ là những sinh vật số được mô phỏng lại.

Việc chúng ta đang sống trong một chương trình giả lập liệu có vấn đề gì không? Chúng ta nên cảm thấy thế nào về viễn cảnh đó? Các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng đã đi đến nhiều kết luận. Ý tưởng sinh sống như một “bản sao” trong thế giới mô phỏng đã được khai thác, ví dụ như cuộc sống vào những ngày đầu của quá trình tạo giả lập ở trong cuốn “Permutation City” (Tạm dịch: Thành phố hoán vị), một tiểu thuyết viết bởi cây bút viễn tưởng Greg Egan. Nhân vật chính trong câu chuyện, Paul Durham, một nhà khoa học máy tính, đã sao chép não bộ của anh vào máy tính để tạo ra một bản sao của chính mình; trong khi Paul bản gốc vẫn sống ở ngoài thế giới thực, Paul bản sao sống trong thế giới ảo, giống như một trò chơi điện tử hiện đại. Paul không thể quên được rằng, khi bản sao của anh quay mặt đi khỏi bức hoạ “The Garden of Earthly Delights” của Bosch trong căn hộ, thì chương trình giả lập không hiển thị các chi tiết của bức họa nữa, mà tinh giảm nó thành “một hình chữ nhật màu xám” để tiết kiệm bộ nhớ. Nếu như chúng ta đang sống trong một thế giới giả lập, việc tương tự cũng có thể xảy ra: Tại sao máy tính phải mô phỏng hết các nguyên tử trong vũ trụ trong khi nó biết chúng ta đang rời mắt khỏi cái gì? Người giả lập (simulated people) có lý do cho việc mắc chứng hoang tưởng.

Có một điều đáng buồn về sự hiện diện của cuộc sống giả lập: Niềm vui sướng khi chúng ta đạt được thành tựu sẽ không còn nguyên vẹn bởi có khả năng mọi thứ đã xảy ra hết với thế hệ hậu nhân. (Không chừng họ còn ngồi tận hưởng những cuộc đấu tranh của chúng ta, mặc dầu kết quả đã được phân định rồi.) Cái cảm giác chậm trễ này là chủ đề của “The Talos Principle,” trò chơi điện tử của studio Croteam tại Croatia. Trong trò chơi này, dịch bệnh bắt đầu lan truyền ra cả nhân loại, và trong nỗ lực cuối cùng để lưu giữ lại một phần nào đó của lịch sử, các kỹ sư đã lập trình một thế giới giả lập nhỏ gồm các chương trình máy tính có khả năng tự sửa chữa. Qua thời gian, các chương trình này tự động cải tiến, còn người chơi sẽ đóng vai một chương trình có ý thức, sinh sống vào thời điểm rất lâu sau thảm hoạ của loài người. Đi ngang qua những tàn tích vĩ đại của nền văn minh nhân loại (kiến trúc Hy Lạp, Ai Cập hay Gothic châu Âu), người chơi sẽ bắt gặp những mảnh vụn của các bản văn tự cổ đại – từ “Paradise Lost” (Tạm dịch: Thiên đường bị mất), cuốn sách về cõi chết của người Ai Cập, đến Kant, Schopenhauer, e-mail, các bài viết blog – và tự hỏi chúng có tác dụng gì. Trò chơi ngầm ám chỉ một cách đầy bi thương rằng cuộc sống giả lập là không thể tránh khỏi. Kể cả nếu Elon Musk đổ bộ thành công lên Sao Hoả, thì ông cũng không phải là người đầu tiên làm được điều này. Lịch sử, theo một nghĩa nào đó, đã xảy ra rồi.

Chúng ta cũng nên có chút rung động đối với thời kì quá độ – giai đoạn kì lạ mà ở đó cách thức thực hiện những công việc truyền thống có thể bị nhiễu loạn bởi sự xuất hiện của những sinh thể giả lập mới và kì quái. Trong một tác phẩm phi hư cấu về khoa học – xã hội mới được đăng đầu năm nay có tên “The Age of Em” (Tạm dịch: “Kỉ nguyên của Người giả lập”), nhà kinh tế học và tương lai học Robin Hanson 5 kể lại một giai đoạn mà các nhà nghiên cứu chưa giải mã được trí tuệ nhân tạo, nhưng đã biết cách sao chép bản thân họ vào trong máy tính để tạo ra các “ems,” hay người giả lập, với số lượng nhanh chóng áp đảo số người bình thường. Nếu như Bostrom thừa nhận rằng thế hệ sau của chúng ta lập trình nên các thế giới giả lập để thoả mãn trí tò mò, thì Hanson lại nhìn vào khía cạnh kinh tế của việc mô phỏng lại con người: thay vì vất vả tìm một nhóm lập trình viên, một công ty hoàn toàn có thể thuê một nhân viên giả lập và nhân bản cô ta hàng triệu lần. Một người giả lập năng nổ sẽ vui vẻ tự sao chép cô ta để làm nhiều việc cùng lúc; khi xong xuôi, một bản sao của cô ta có thể lựa chọn tự xoá mình, hay “kết liễu.” (Hanson viết rằng, một con người giả lập khi suy xét việc tự kết liễu sẽ không hỏi “Liệu tôi có muốn chết?,” bởi các bản sao khác vẫn tiếp tục sống; thay vào đó, câu hỏi sẽ là “Liệu tôi có muốn ghi nhớ điều này?”) Một nhân viên giả lập có thể được sao chép ngay sau một kì nghỉ, điều đó có nghĩa khi nhân viên đặc biệt này được đưa vào môi trường làm việc giả lập, cô ấy sẽ vui vẻ, thoải mái và sẵn sàng cho công việc. Nhân viên giả lập này cũng có thể được chạy trên một phần cứng máy tính mạnh hơn rất nhiều so với não bộ con người để có thể nghĩ (và làm việc) với tốc độ nhanh gấp hàng triệu, thậm chí hàng nghìn tỉ lần so với một người bình thường.

Hanson cho rằng những người giả lập không nhất thiết phải có cuộc đời buồn khổ. Trái lại, họ có thể trở nên thành đạt, yêu một ai đó, hay tìm sự đáp ứng, giải toả trong nhịp sống nhanh và cạnh tranh của họ. Trong khi đó, người bình thường (không phải là người giả lập) có thể sẽ nghỉ hưu và sống vào khoản thu nhập từ đầu tư của họ vào nền kinh tế giả lập nhanh và dần trở nên tự chủ này – một góc nhìn thuận lợi để quan sát sự suy tàn của nền văn minh không giả lập. Nhiều người đã hình dung về việc công nghệ sẽ giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng công việc; Nếu ý tưởng của Hanson là có thật, sự giải thoát đó sẽ đến từ việc ảo hoá loài người.

Những người ở ngoài chương trình giả lập không phải là Chúa – mà chính là chúng ta.

Ta có thể tìm thấy những ngụ ý thần học ẩn sau giả thuyết chúng ta đang sống trong một chương trình giả lập. Trong cuốn sách xuất bản năm 2014 có tên “Your Digital Afterlives” (Tạm dịch: “Kiếp kỹ thuật số sau của bạn”), triết gia Eric Steinhart nghiên cứu những điểm tương đồng giữa lý luận giả lập và quan điểm của nhiều tôn giáo và trường phái thần học. Ông chủ yếu tập trung vào khả năng xảy ra các chương trình giả lập lồng ghép. Nếu như đat được cảnh giới hậu nhân trong vũ trụ giả lập hiện tại, chúng ta có thể mô phỏng lại đồng loại của chúng ta, và sau đó những bản giả lập đó sẽ tiếp tục mô phỏng đồng loại của họ, cứ như thế trong một vòng lặp đệ quy 6. Trong khi đó, sự ra đời của công nghệ thực tế ảo sẽ làm tăng khả năng chúng ta đang sống trong một thế giới giả lập. Vì thế, bản chất của thực tại có thể bao gồm các chương trình giả lập được lồng ghép với nhau. Với giả thuyết này, Steinhart nhìn ra được một phiên bản số vô tận của “chuỗi vĩ đại các loài.” Ông dự đoán, một khi chúng ta hoàn thiện công nghệ giả lập, đồng thời có sự trưởng thành về đạo đức, thì những người chúng ta giả lập sẽ được quan tâm hơn; thậm chí chúng ta sẽ tìm ra cách “hướng thượng” (promote) cho họ vào trong thế giới giả lập của chúng ta khi họ chết, nhờ đó vòng hồi sinh vô tận của họ thông qua hướng thượng cũng được khởi tạo. Kiếp sau hoá ra lại trở thành một chuyến đi đến những bậc cao hơn của một chương trình giả lập. (Ở trong tài liệu gốc của Bostrom, ông hình dung ra một ngã rẽ khác: nếu như chi phí điện toán của các chương trình giả lập lồng ghép quá cao, những người đang mô phỏng chúng ta có thể thoát khỏi việc giả lập chỉ bằng một cú click chuột. Việc phát minh ra công nghệ giả lập có thể sẽ đánh dấu ngày tận cùng của thế giới.)

Lý luận giả lập nghe hấp dẫn phần nào bởi nó đem đến cho những người theo chủ nghĩa vô thần một cách nói về tâm linh. Việc chúng ta chỉ đang sống trong một phần của thực tại và không thể chạm tới phần còn lại có thể mang lại cảm giác kinh hãi. Những câu hỏi của một người về người giả lập ra chúng ta cũng tương tự những câu hỏi của anh ta về Chúa: Tại sao đấng tạo hoá lại lựa chọn giữ lại cái ác và sự thống khổ? (Liệu họ có thể thay đổi điều này trong phần cài đặt?) Thế giới bản gốc, không giả lập đến từ đâu? Theo lối nghĩ đó, lý luận giả lập là một câu chuyện duy vật 7 sâu sắc, bao quát, và gần như mang tính tôn giáo. Tất nhiên, lý luận giả lập sẽ không mang chút thiêng liêng hay thần thánh nào. Những người ở ngoài chương trình giả lập không phải là Chúa – mà chính là chúng ta.

Nếu được xem như truyện ngụ ngôn, lý luận giả lập đơn thuần chỉ là sự mỉa mai. Tóm lại, đây là một câu chuyện về các giới hạn. Một mặt, chúng ta tối đa hoá khả năng con người bằng cách tạo ra các thế giới của riêng chúng ta; mặt khác, bằng cách làm như vậy, việc nắm bắt được tri thức tối thượng về vũ trụ chúng ta đang sống trở thành điều bất khả thi. Sự siêu việt đi cùng với sự thấp kém. Việc thoả mãn những tham vọng toàn năng càng khiến cho vũ trụ trở nên khó hiểu hơn.


  1. Hiện chưa có tài liệu nào định nghĩa chính thức cho khái niệm này. Tuy nhiên, từ một số nguồn thông tin không chính thống trên mạng, ta có thể hiểu “hiện thực căn bản” hàm ý chúng ta là chủng tộc có ý thức đầu tiên tồn tại và thuộc thế hệ có nền móng để xây dựng các thế giới giả lập trong tương lai. Bạn có thể đọc thêm tại đây.

  2. Nick Bostrom sinh ngày 10 tháng 3 năm 1973. Ông là một nhà triết học người Thụy Điển, hiện đang làm việc tại Đại học Oxford. Nick Bostrom nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về rủi ro tồn tại (existential risk), nguyên lý vị nhân (anthropic principle) hay hệ quả luận (consequentialism). Vào năm 2009 và 2015, ông được đứng trong danh sách Top 100 Global Thinkers của tạp chí Foreign Policy. Link wiki: https://en.wikipedia.org/wiki/Nick_Bostrom/. Bạn cũng có thể đọc các bài nghiên cứu của ông tại đây

  3. René Descartes (1596-1650) là một nhà triết học, nhà toán học và nhà khoa học người Pháp. Được coi là cha đẻ của triết học phương Tây hiện đại, ông là tác giả của cuốn “Suy ngẫm về Triết học Tiên khởi” (Meditations on First Philosophy) và câu nói nổi tiếng “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại.” Link wiki: https://en.wikipedia.org/wiki/Ren%C3%A9_Descartes

  4. Ma trận (The Matrix) là bộ phim khoa học viễn tưởng, hành động Mỹ được công chiếu vào năm 1999, do hãng phim Warner Bros phát hành. Bối cảnh bộ phim là viễn cảnh tương lai u ám, trong đó hiện thực cảm nhận bởi con người thực ra chỉ là hiện thực được giả lập, có tên gọi là “Ma trận”, được tạo ra bởi các cỗ máy có tri giác, nhằm tiêu diệt loài người. Lập trình viên máy tính mang biệt danh “Neo” biết được sự thật này nên đã cùng một số người được giải thoát khỏi “mộng giới” tiến hành nổi dậy chống lại những cỗ máy hủy diệt, bảo vệ thế giới.

  5. Robin Dale Hanson sinh ngày 28 tháng 8 năm 1959. Ông là phó giáo sư kinh tế học tại Đại học George Mason và là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Tương lai nhân loại (Future of Humanitiy Institute) thuộc Đại học Oxford. Link wiki: https://en.wikipedia.org/wiki/Robin_Hanson

  6. Đệ quy xảy ra khi một khái niệm được định nghĩa bởi chính nó. Trong toán học và khoa học máy tính, các cấu trúc được gọi là đệ quy nếu trong đó một lớp các đối tượng được định nghĩa bằng việc xác định một vài (thường chỉ là một) trường hợp cơ bản và sau đó đưa ra các quy tắc để đưa các trường hợp phức tạp về các trường hợp cơ bản. Ở đây theo người dịch hiểu, ý của tác giả là một bản mô phỏng sẽ có một bản mô phỏng khác và cứ thế lồng vào nhau, giống như hình ảnh ta nhìn thấy khi để hai chiếc gương đối diện nhau vậy. Bạn có thể đọc thêm về đệ quy tại đây.

  7. “Câu chuyện duy vật” ở đây có thể là một câu chuyện hư cấu, được viết nên nhằm giải thích nguồn gốc của thế giới hay trả lời những vấn đề liên quan đến sự tồn tại của thực tại, trên quan điểm duy vật.

4 thoughts on “Cuộc sống của chúng ta có được giả lập từ máy tính?

  1. Thật sự Vũ Trụ của chúng ta không phải là một thế giới giả lập . Mà vũ trụ của chúng ta vận hành theo phương trình vũ trụ . Ví dụ như : X + Y + Z + N mũ ba , mũ bốn , mũ năm gì đó . Từ khi hình thành vũ trụ ( Lí thuyết Bigbang ) thì phương trình vũ trụ đã ra đời . Để cho vũ trụ vận hành có trật tự . Điều này thuộc về tự nhiên , không do một trí tuệ siêu việt nào làm được . Sẵn đây nói luôn : Vũ trụ có tâm vũ trụ . Tìm ra cái tậm đó , mọi người sẽ thấy điều kì diệu .

    1. Vậy bạn có cho rằng bản thể thật của chúng ta cũng có thể mô phỏng về vũ trụ về những thứ chỉ thuộc về tự nhiên k? Và rằng bản thể thật k thể tìm ra cách vận hành của tất cả mọi thứ, nhưng vẫn có thể mô phỏng 1 cách hoàn hảo để những người giả lập k nghĩ rằng mình là giả lập, và rất có thể, bản thể thật cho rằng sẽ thật tuyệt nếu người giả lập tìm ra được sự vận hành của cái gọi là “thuộc về tự nhiên”?

    1. Thật sự vũ trụ của chúng ta đang sống không phải là giả lập . Mà là một vũ trụ vận hành theo phương trình của sự sống . Ví dụ như : X+Y+Z+N mũ 3 , mũ 4 , mũ 5 gì đó . Điều này thuộc về tự nhiên . Không do một trí tuệ siêu việt nào tạo ra . Vũ trụ có tâm vũ trụ . Tìm ra tâm vũ trụ sẽ thấy điều kì diệu .

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất