a
§ Tác giả: Carl Zimmer | Nguồn: Mosaic
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
29/05/2016
Hơn một thế kỷ sau phát hiện về sự tồn tại của các nhóm máu, chúng ta vẫn chưa hiểu nổi chúng sinh ra để làm gì. Chúng có thực sự quan trọng không? Carl Zimmer vào cuộc điều tra.

Khi bố mẹ cho tôi biết tôi mang nhóm máu A+, tôi có một cảm giác kiêu hãnh lạ lùng. Nếu A+ là điểm số cao nhất ở trường, thì hẳn là A+ cũng là nhóm máu xuất sắc nhất – một cách mà sinh học đánh dấu sự xuất chúng.

Cũng chẳng mất nhiều thời gian để tôi nhận ra cảm giác đó ngốc nghếch thế nào và dìm nó xuống. Nhưng tôi đã không được học nhiều về chuyện có nhóm máu A+ thì rốt cuộc có ý nghĩa gì. Đến tận khi đã lớn, tất cả những gì tôi biết là nếu tôi phải vô bệnh viện và cần truyền máu, các bác sĩ sẽ phải đảm bảo là họ truyền cho tôi loại máu phù hợp.

Vậy nhưng vẫn còn một số câu hỏi phiền toái. Tại sao 40% người da trắng có nhóm máu A, trong khi chỉ 27% người châu Á mang nhóm máu này? Các nhóm máu khác nhau đến từ đâu, và chúng có chức năng gì? Để có được câu trả lời, tôi tìm đến các chuyên gia huyết học, gen học, sinh học tiến hóa, vi-rút, và khoa học dinh dưỡng.

Vào năm 1900, bác sĩ người Áo Karl Landsteiner lần đầu tiên phát hiện ra sự tồn tại của các nhóm máu, và giành giải thưởng Nobel Y học cho nghiên cứu này vào năm 1930. Kể từ đó các nhà khoa học đã phát triển được những công cụ mạnh mẽ hơn để nghiên cứu cơ chế sinh học của các nhóm máu. Họ tìm ra một số manh mối thú vị – ví dụ như gốc rễ tổ tiên của chúng, và ảnh hưởng của nhóm máu đến sức khỏe. Vậy mà tôi vẫn thấy là theo nhiều cách thì các nhóm máu vẫn bí hiểm một cách lạ lùng. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được một cách giải thích thỏa đáng cho sự tồn tại của chúng.

“Chẳng phải là rất kỳ diệu sao?” Câu hỏi được đưa ra bởi Ajit Varki, một nhà sinh học tại trường Đại học California – San Diego. “Gần một trăm năm sau khi giải Nobel được trao cho phát hiện này, chúng ta vẫn không biết chính xác chúng được dùng để làm gì.”

§

Việc tôi biết rằng mình mang nhóm máu A là nhờ vào một trong những phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử y khoa. Bởi các bác sĩ biết đến các nhóm máu, họ có thể cứu nhiều mạng sống bằng cách truyền máu cho bệnh nhân. Nhưng trong phần lớn lịch sử thì, việc truyền máu từ một người sang một người khác đã từng là một giấc mơ đầy những lo âu.

Các bác sĩ thời kỳ Phục Hưng suy nghĩ nhiều về việc chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ truyền máu vào bệnh nhân của họ. Một số nghĩ là đây có thể là phương pháp chữa trị cho tất cả mọi thể loại bệnh tật, thậm chí cả bệnh thần kinh. Cuối cùng, vào những năm 1600, một vài bác sĩ thử nghiệm ý tưởng này, dẫn đến những kết quả khủng khiếp. Một bác sĩ người Pháp tiêm máu của con bê vào một người đàn ông bị điên, ngay lập tức ông này bắt đầu đổ mồ hôi và nôn mửa và thải ra nước tiểu có màu như bồ hóng ống khói. Sau một lần truyền nữa, ông ta tử vong.

Những sự kiện chết chóc như vậy khiến việc truyền máu mang tai tiếng trong suốt 150 năm. Thậm chí đến tận thế kỷ 19, chỉ một số ít các bác sĩ dám thử phương pháp này. Một trong số họ là vị bác sĩ người Anh James Blundell. Giống như các bác sĩ khác của thời đó, ông chứng kiến nhiều bệnh nhân nữ của mình qua đời vì mất máu khi sinh nở. Sau cái chết của một bệnh nhân vào năm 1817, ông nhận thấy là mình không thể chấp nhận để mọi chuyện như vậy được nữa.

“Tôi không thể cưỡng lại việc cân nhắc rằng, bệnh nhân đã có thể được cứu sống bằng cách truyền máu,” ông viết lại sau đó như vậy.

Blundell bị thuyết phục là những thảm họa trong truyền máu trước đó xảy ra là do một lỗi nghiêm trọng: truyền “máu từ loài súc vật”, như cách ông đã mô tả. Các bác sĩ không nên truyền máu giữa các loài khác nhau, ông kết luận, bởi “các loại máu khác nhau rất nhiều giữa các loài”.

Bệnh nhân là người thì chỉ nên nhận máu từ người, Blundell quyết định. Nhưng chưa một ai từng thử nghiệm truyền máu như vậy trước đó cả. Blundell chuẩn bị làm việc này bằng cách thiết kế một hệ thống các phễu, kim tiêm, và ống dẫn để có thể dẫn máu từ người hiến tặng vào cơ thể người bệnh. Sau khi thử nghiệm hệ thống này trên chó, Blundell được triệu đến bên giường một người đàn ông đang chảy máu đến chết. “Chỉ việc truyền máu thôi đã có thể cho ông ta cơ hội sống,” ông viết.

Vài người hiến tặng cung cấp cho Blundell 14 ounces máu (tương đương 414 ml), và ông đã tiêm lượng máu này vào tay người đàn ông bị bệnh. Sau quá trình này, bệnh nhân nói với ông rằng anh ta cảm thấy khá hơn – “đỡ choáng váng hơn” – nhưng hai ngày sau đó thì anh ta tử vong.

Blundell đã đúng khi tin rằng người chỉ nên nhận máu người. Nhưng ông đã không biết một điều quan trọng khác về máu: là một người chỉ nên nhận máu từ một số người nhất định.

Dù vậy, thí nghiệm này thuyết phục Blundell rằng truyền máu có thể là một lợi ích lớn với loài người, và ông tiếp tục truyền máu cho những nạn nhân không còn hi vọng gì trong những năm tiếp theo. Tổng cộng, ông đã truyền máu cho mười người. Chỉ bốn người là sống sót.

Trong khi một số bác sĩ khác cũng thí nghiệm việc truyền máu, tỉ lệ thành công của họ cũng ảm đạm như vậy. Nhiều cách khác nhau được thử nghiệm, bao gồm cả việc sử dụng sữa khi truyền máu vào năm 1870 (mà không ngạc nhiên là thất bại và vô cùng nguy hiểm).

§

Blundell đã đúng khi tin rằng người chỉ nên nhận máu người. Nhưng ông đã không biết một điều quan trọng khác về máu: là một người chỉ nên nhận máu từ một số người nhất định. Có lẽ là việc Blundell không biết thực tế đơn giản này đã dẫn đến cái chết của các bệnh nhân của ông. Điều khiến những cái chết đó bi thảm hơn là phát hiện về các nhóm máu vào một vài thập kỷ sau đó lại là kết quả của một quá trình khá đơn giản.

Những manh mối đầu tiên về việc tại sao truyền máu vào đầu thế kỷ 19 lại thất bại là những cục đông trong máu. Khi các nhà khoa học vào cuối những năm 1800 trộn máu từ những người khác nhau trong ống nghiệm, họ nhận thấy là thi thoảng các tế bào máu dính lại với nhau. Nhưng vì máu này thường được lấy từ người bệnh, nên các nhà khoa học cho là việc máu đông chỉ là một loại bệnh lý không đáng tìm hiểu. Không một ai buồn kiểm tra xem liệu máu của những người khỏe mạnh thì có bị đông như vậy không, cho đến khi Karl Landsteiner đặt câu hỏi này. Ngay lập tức, ông nhận thấy là hỗn hợp máu từ người khỏe mạnh cũng thi thoảng bị đông lại với nhau.

Landsteiner phác ra sơ đồ quy luật đông máu bằng cách thu thập máu từ các thành viên trong phòng thí nghiệm của mình và từ chính ông. Ông chia mỗi mẫu thành các tế bào hồng cầu và huyết tương, và kết hợp huyết tương của một người với hồng cầu của người khác.

Landsteiner tìm ra rằng việc đông máu chỉ xảy ra khi ông trộn máu của một số người nhất định với nhau. Bằng cách kiểm tra tất cả các khả năng kết hợp, ông phân loại các đối tượng vào ba nhóm. Ông đặt cho chúng các tên ngẫu nhiên là A, B, và C. (Sau này C được đổi tên thành O, và một vài năm sau đó thì các nhà nghiên cứu khám phá ra nhóm máu AB. Đến giữa thế kỷ 20 thì nhà nghiên cứu người Mỹ Philip Levine tìm ra một cách khác để phân loại máu, dựa vào việc nó có yếu tố protein Rh hay không. Một dấu cộng hay trừ ở cuối các chữ cái Landsteiner đã đặt sẽ cho thấy liệu một người có yếu tố này hay không.)

Khi Landsteiner trộn máu của nhiều người khác nhau, ông tìm ra một số quy luật nhất định. Nếu ông trộn huyết tương của nhóm A với hồng cầu của người cùng nhóm A, cả huyết tương và hồng cầu đều giữ ở dạng lỏng. Điều tương tự cũng áp dụng cho huyết tương và hồng cầu của nhóm B. Nhưng nếu Landsteiner trộn huyết tương của nhóm A với hồng cầu của nhóm B, các tế bào sẽ dính lại với nhau (và ngược lại). Máu từ những người thuộc nhóm O thì lại khác. Khi Landsteiner trộn hồng cầu nhóm A hoặc B với huyết tương nhóm O, các tế bào đóng cục. Nhưng ông có thể trộn huyết tương A hoặc B với hồng cầu O mà không gặp phải sự đông nào.

Những thế hệ các nhà khoa học sau đó khám phá ra rằng bề mặt tế bào hồng cầu của mỗi nhóm máu được trang trí với các phân tử khác nhau trên bề mặt của chúng.

Chính việc đóng cục này khiến cho truyền máu trở nên vô cùng nguy hiểm. Nếu một bác sĩ tiêm máu nhóm B vào tay tôi, cơ thể tôi sẽ chất đầy các cục li ti. Chúng sẽ phá hủy hệ thống tuần hoàn của tôi và khiến tôi mất máu khủng khiếp, khó thở và hoàn toàn có thể chết. Nhưng nếu tôi nhận nhóm máu A hoặc O, tôi sẽ không làm sao cả.

Landsteiner không biết chính xác điều gì làm một nhóm khác biệt với nhóm còn lại. Những thế hệ các nhà khoa học sau đó khám phá ra rằng bề mặt tế bào hồng cầu của mỗi nhóm máu được trang trí với các phân tử khác nhau trên bề mặt của chúng. Ví dụ như nhóm máu A của tôi, các tế bào xây những phân tử này thành hai bậc, giống như hai tầng của một ngôi nhà vậy. Tầng thứ nhất được gọi là kháng nguyên H. Trên đó là tầng thứ hai được gọi là kháng nguyên A.

Những người có nhóm máu B lại xây tầng thứ hai theo hình khác. Còn nhóm O thì xây nhà kiểu trại gia súc một tầng: Họ chỉ dùng kháng nguyên H thôi và không xây thêm tầng nào nữa.

Hệ miễn dịch của mỗi người (trong cuộc đời) dần trở nên thích ứng với nhóm máu của người đó. Nếu mọi người bị truyền nhầm nhóm máu, hệ miễn dịch của họ sẽ phản ứng lại bằng một sự tấn công dữ dội, giống như máu là một kẻ xâm lăng vậy. Trường hợp ngoại lệ là nhóm máu O. Nó chỉ có kháng nguyên H, là kháng nguyên mà có cả trong những nhóm máu khác nữa. Vậy nên đối với người có nhóm A hay B thì nó trông có vẻ quen thuộc. Sự quen thuộc này khiến những người nhóm máu O trở thành những người hiến máu toàn cầu, và máu của họ thì đặc biệt có giá trị với các trung tâm dự trữ máu.

Landsteiner báo cáo lại thí nghiệm của ông trong một tài liệu ngắn và súc tích xuất bản năm 1900. “Có lẽ nên đề cập là những quan sát ghi lại ở đây có thể giúp giải thích những kết quả khác nhau của các liệu pháp truyền máu,” ông đã kết luận bằng một phát biểu trang nhã như vậy. Khám phá của Landsteiner mở ra một con đường hiến máu an toàn, có thể thực hiện trên diện rộng, và thậm chí những ngân hàng máu ngày nay cũng sử dụng phương pháp đông máu cơ bản của ông để kiểm tra nhóm máu một cách nhanh chóng và tin cậy.

Nhưng khi Landsteiner đã trả lời xong câu hỏi cũ, ông lại khơi lên những câu hỏi mới. Nếu có lý do, thì nhóm máu là để làm gì? Tại sao các tế bào hồng cầu lại phải bận tâm đến chuyện xây các căn nhà phân tử của chúng? Và tại sao mọi người lại có các ngôi nhà khác nhau?

Câu trả lời khoa học cô đọng cho những câu hỏi này khá khó để tìm ra. Và trong khi đó, một số cách giải thích không khoa học lại trở nên vô cùng phổ biến. “Chuyện này thật nực cười,” Connie Westhoff, Giám đốc tại Immunohematology, Genomics, and Rare Blood at New York Blood Center, thở dài.

§

Vào năm 1996, một người chuyên áp dụng các liệu pháp thiên nhiên tên Peter D’Adamo xuất bản một cuốn sách tên là Eat Right 4 Your Type (Tạm dịch: Ăn cho đúng với nhóm của bạn). D’Adamo tranh luận rằng chúng ta phải ăn dựa trên cơ sở nhóm máu của mình, để hài hòa với di sản tiến hóa của chúng ta.

Anh ta khẳng định rằng các nhóm máu “có vẻ như đã xuất hiện vào những thời điểm quan trọng trong sự phát triển của con người.” Theo D’Adamo, nhóm O xuất hiện trong thời kỳ săn bắt hái lượm ở châu Phi, nhóm A vào buổi chớm bắt đầu của nông nghiệp, và nhóm B có vào khoảng giữa 10.000 và 15.000 năm trước ở cao nguyên Himalaya. Nhóm AB, anh ta tranh luận, là một sự kết hợp hiện đại của A và B.

Từ những giả định không bằng chứng này, D’Adamo nói rằng nhóm máu quyết định việc chúng ta nên ăn gì. Ví dụ như với nhóm máu A nông nghiệp của tôi, tôi nên ăn chay. Những người có nhóm O từ các tổ tiên săn bắn thì nên ăn thật nhiều thịt và tránh các sản phẩm từ ngũ cốc và sữa. Theo cuốn sách, những loại thức ăn không phù hợp với nhóm máu của chúng ta chứa kháng nguyên mà có thể gây ra đủ loại bệnh tật. D’Adamo đề xuất rằng sử dụng phương pháp ăn uống của anh ta sẽ giúp tránh lây nhiễm bệnh, giảm cân, chống lại ung thư và tiểu đường, và làm chậm quá trình lão hóa.

Cuốn sách này của D’Adamo đã bán được tới 7 triệu bản và được dịch sang 60 thứ tiếng. Nối gót nó là một loạt các sách về chế độ ăn dựa trên nhóm máu; D’Adamo còn bán cả một chuỗi các thực phẩm chức năng cân chỉnh theo từng nhóm máu trên website của mình. Kết quả là, các bác sĩ thường được bệnh nhân hỏi liệu chế độ ăn dựa trên nhóm máu có thực sự hiệu quả không.

Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi này là làm thí nghiệm. Trong Eat Right 4 Your Type, D’Adamo viết là anh ta đã thực hiện tới năm thứ tám của một thử nghiệm dài mười năm về chế độ ăn theo nhóm máu trên phụ nữ bị ung thư. Tuy vậy, mười tám năm sau, dữ liệu của cuộc thử nghiệm này vẫn không được công bố.

Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Hội Chữ Thập Đỏ tại Bỉ quyết định tìm hiểu xem liệu có bất cứ bằng chứng gì cho liệu pháp ăn uống này không. Họ truy lùng các công trình khoa học để tìm những thí nghiệm đo lường lợi ích của việc ăn dựa trên nhóm máu. Dù đã phân tích trên 1.000 nghiên cứu, công sức của họ vẫn là công cốc. “Không có một bằng chứng trực tiếp nào ủng hộ các lợi ích sức khỏe của chế độ ăn theo nhóm máu ABO,” Emmy De Buck tại Hội Chữ Thập Đỏ Bỉ, khu vực Flanders, nói.

Sau khi De Buck và đồng nghiệp của bà công bố nghiên cứu của họ trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition, D’Adamo phản hồi lại trên blog của mình. Mặc dầu thiếu những chứng cứ có cơ sở khoa học để chứng minh cho chế độ ăn theo nhóm máu, anh ta khẳng định rằng quy luật đằng sau nó là đúng. “Có lập luận đầy khoa học cho việc ăn theo nhóm máu, cũng như có lập luận khoa học cho những phép tính toán của Einstein mà đã dẫn đến Thuyết Tương Đối vậy,” anh ta viết.

So sánh với Einstein hay không thì cũng kệ, các nhà khoa học thực sự nghiên cứu về nhóm máu bác bỏ khẳng định này. “Việc ủng hộ những chế độ ăn thế này là sai,” một nhóm các nhà nghiên cứu thẳng thắn công bố trên Transfusion Medicine Reviews.

Dù vậy, một số người theo Chế Độ Ăn Theo Nhóm Máu lại có những kết quả tích cực. Theo Ahmed El-Sohemy, một nhà khoa học dinh dưỡng ở Đại Học Toronto, việc này không phải là lý do để nghĩ là nhóm máu có liên quan đến sự thành công của chế độ ăn.

El-Sohemy là một chuyên gia trong ngành Nutrigenomics1 đang lên. Ông và các đồng nghiệp của mình đã tập hợp 1,500 tình nguyện viên để nghiên cứu, theo dõi những thứ họ ăn và sức khỏe của họ. Họ phân tích DNA của những người tham gia để xem gen có liên quan đến việc đồ ăn ảnh hưởng đến họ không. Hai người có thể phản ứng rất khác nhau với cùng một chế độ ăn dựa trên gen của họ.

“Gần như mỗi lần tôi nói về chủ đề này, ai đó lại hỏi tôi, “Ồ đây có phải chính là cái chuyện ăn theo nhóm máu không?’” El-Sohemy nói. Là một nhà khoa học, ông thấy Eat Right 4 Your Type còn rất nhiều thiếu sót. “Không một thứ nào trong cuốn sách được dựa trên khoa học,” ông nói. Nhưng El-Sohemy nhận ra rằng, bởi vì ông biết nhóm máu của 1,500 tình nguyện viên của mình, ông có thể thấy là rốt cục việc ăn theo nhóm máu có tốt cho mọi người không.

El-Sohemy và các đồng nghiệp của ông chia những người tham gia thí nghiệm theo các nhóm dựa trên chế độ ăn của họ. Một số ăn nhiều thịt như D’Adamo gợi ý cho nhóm O, một số gần như ăn chay theo nhóm A, và cứ như vậy. Các nhà khoa học cho điểm mỗi người trong cuộc nghiên cứu để đánh giá xem họ có tuân thủ theo đúng chế độ ăn của mình không.

“Điểm mấu chốt ở đây,” El-Sohemy nói, “là nó chẳng liên quan gì đến nhóm máu cả.”

Các nhà nghiên cứu tìm ra là, trên thực tế, một số chế độ ăn có thể có ích. Ví dụ như những người ăn theo chế độ nhóm A có chỉ số khối cơ thể thấp hơn, vòng eo nhỏ hơn, và huyết áp thấp hơn. Những người theo nhóm O có hàm lượng chất béo thấp hơn. Chế độ ăn cho nhóm B – gồm nhiều sản phẩm từ sữa – thì chẳng đem lại lợi ích gì cả.

“Điểm mấu chốt ở đây,” El-Sohemy nói, “là nó chẳng liên quan gì đến nhóm máu cả.” Nói theo cách khác, nếu bạn có nhóm máu O, bạn vẫn có thể được lợi từ chế độ ăn của nhóm A cũng như những người có nhóm máu A – có lẽ bởi vì các lợi ích của một chế độ ăn gần như chay có thể áp dụng cho bất cứ ai. Bất kỳ người nhóm máu O nào có thể giảm một lượng lớn carbohydrate, và lợi ích của việc này thì áp dụng cho gần như tất cả mọi người. Trong khi đó, một chế độ ăn nhiều sữa thì chẳng tốt cho bất cứ ai cả – dù nhóm máu của họ là gì đi chăng nữa.

§

Một trong những điểm hấp dẫn của Chế Độ Ăn Theo Nhóm Máu là cách nó kể câu chuyện về nguồn gốc của những nhóm máu khác nhau của chúng ta. Nhưng câu chuyện đó gần như chẳng giống gì những chứng cứ các nhà khoa học đã thu thập được về quá trình tiến hóa.

Sau khám phá của Landsteiner về nhóm máu vào năm 1900, các nhà khoa học khác tự hỏi liệu các động vật khác cũng có các nhóm khác nhau. Hóa ra là một số loài linh trưởng có máu có thể hòa lẫn với một vài nhóm máu nhất định của con người. Nhưng trong một thời gian dài khá là khó để biết được là nên làm gì với những kết quả này. Việc máu của khỉ không bị đông cục với nhóm máu A của tôi không có nghĩa là loài khỉ thừa hưởng gen A  mà tôi có từ một tổ tiên chung của chúng ta. Nhóm máu A có lẽ đã tiến hóa hơn một lần.

Sự không chắc chắn này bắt đầu tan rã từ những thập niên 90, với việc các nhà khoa học giải mã sinh học phân tử của các nhóm máu. Họ tìm ra một gen gọi là ABO, chịu trách nhiệm cho việc xây tầng thứ 2 của các ngôi nhà nhóm máu. Gen của nhóm A hơi khác nhóm B ở một vài điểm đột biến. Những người có nhóm O thì mang những đột biến trên gen ABO, ngăn họ không sản sinh ra những enzyme dùng để tạo cả kháng nguyên A và B.

Sau đó các nhà khoa học đã có thể so sánh gen ABO của con người với các loài khác. Laure Ségurel và các đồng nghiệp của cô ở National Center for Scientific Research in Paris đã thực hiện cuộc khảo sát tham vọng nhất về gen ABO của các loài linh trưởng cho đến nay. Và họ tìm ra rằng những nhóm máu của chúng ta không phải là quá già. Loài vượn (Gibbon) và con người đều có những biến thể cho cả hai nhóm A và B, những biến thể đó đến từ một tổ tiên chung sống cách đây 20 triệu năm.

Các nhóm máu của chúng ta có thể có tuổi thọ nhiều hơn, nhưng khó mà biết được là nhiều đến mức nào. Các nhà khoa học vẫn chưa thể phân tích gen của tất cả các loài linh trưởng, vậy nên họ không thể thấy những phiên bản (gen ABO) của chính chúng ta phổ biến thế nào ở các loài khác. Nhưng bằng chứng mà các nhà khoa học thu thập được cho đến nay đã cho thấy một lịch sử hỗn loạn về nhóm máu. Ở một số loài, đột biến gen đã khiến một (vài) nhóm máu biến mất. Tinh tinh, loài vật có họ hàng gần nhất với chúng ta, chỉ có nhóm máu A và O. Khỉ đột (Gorilla) thì lại chỉ có nhóm máu B. Ở một số trường hợp, đột biến còn thay đổi gen ABO, biến nhóm máu A thành nhóm máu B. Và thậm chí là kể cả ở người, các nhà khoa học đang phát hiện ra là có những đột biến phát sinh nhiều lần và ngăn protein ABO xây tầng thứ hai trên ngôi nhà của nhóm máu. Những đột biến này khiến nhóm máu A trở thành B hoặc O. “Có hàng trăm cách để có nhóm máu O,” Westhoff nói.

§

Nói cách khác thì, nhóm máu A của tôi không phải là được thừa hưởng từ các tổ tiên nông dân. Nó là di sản của những tổ tiên giống như khỉ của tôi. Chắc chắn là, nếu nhóm máu của tôi đã tồn tại qua hàng triệu năm, nó hẳn phải cho tôi một số lợi ích sinh học rõ ràng gì đó. Nếu không thì, các tế bào máu của tôi phải bận tâm đến chuyện xây dựng những cấu trúc phân tử phức tạp như vậy làm gì?

Vậy mà các nhà khoa học vẫn đang phải vật lộn với việc xác định lợi ích gen ABO mang lại. “Không có một lời giải thích tốt và chắc chắn nào cho ABO,” Antoine Blancher ở Đại học Toulouse nói, “mặc dù rất nhiều câu trả lời đã được đưa ra.”

Minh họa rõ ràng nhất cho sự thiếu hiểu biết của chúng ta về lợi ích của nhóm máu được đưa ra ánh sáng lần đầu tiên tại Bombay vào năm 1952. Các bác sĩ phát hiện ra một loạt bệnh nhân không có nhóm máu nào liên quan đến ABO cả – không A, không B, không AB, không O. Nếu nhóm máu A và B là những căn nhà hai tầng, và O là trại nuôi gia súc một tầng, thì các bệnh nhân Bombay này chỉ có một khoảng trống rỗng không trên tế bào hồng cầu của họ.

Kiểu hình Bombay chứng minh rằng không hề có một ưu thế sống-hay-chết tức thì nào đối với việc có các nhóm máu kiểu ABO.

Từ lúc được phát hiện, tình trạng này – được gọi là kiểu hình Bombay – đã được ghi nhận là xuất hiện cả ở những người khác, dù vẫn là một dạng hiếm. Với kiến thức khoa học hiện tại thì nó không nguy hiểm gì cả. Nguy cơ duy nhất về mặt y tế là khi phải truyền máu. Những người mang kiểu hình Bombay chỉ có thể nhận máu từ những người có kiểu máu tương tự. Thậm chí cả nhóm O, mang tiếng là nhóm máu toàn cầu, cũng có thể giết họ nếu được truyền.

Kiểu hình Bombay chứng minh rằng không hề có một ưu thế sống-hay-chết tức thì nào đối với việc có các nhóm máu kiểu ABO. Một số nhà khoa học nghĩ rằng lời giải thích cho nhóm máu có lẽ nằm ở sự đa dạng của chúng. Rằng các nhóm máu khác nhau bảo vệ chúng ta khỏi các loại bệnh khác nhau.

Các bác sĩ nhận thấy có một mối quan hệ giữa nhóm máu và các loại bệnh lần đầu tiên vào giữa thế kỷ 20, và danh sách vẫn tiếp tục dài thêm kể từ đó. “Vẫn còn có rất nhiều sự liên kết được tìm thấy giữa nhóm máu và các loại bệnh truyền nhiễm, ung thư, và một loạt kiểu bệnh khác,” Pamela Greenwell ở Đại học Westminster nói với tôi như vậy.

Nhờ Greenwell tôi buồn rầu biết được là nhóm máu A sẽ khiến tôi dễ mắc các bệnh ung thư hơn, như ung thư tuyến tụy và ung thư máu. Tôi cũng dễ bị nhiễm đậu mùa, bệnh tim, và sốt rét nặng. Mặt khác, những người có những nhóm máu khác cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc các loại bệnh khác cao hơn. Chẳng hạn như những người nhóm máu O sẽ dễ bị loét da và đứt dây chằng.

Những mối liên hệ giữa nhóm máu và bệnh tật này mang một sự ngẫu nhiên bí hiểm, và các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân đằng sau chúng. Ví dụ như, Kevin Kain ở Đại học Toronto và đồng nghiệp của ông đã và đang điều tra việc tại sao những người nhóm máu O lại miễn dịch tốt hơn với bệnh sốt rét so với những người mang các nhóm máu khác. Nghiên cứu của ông gợi ý rằng các tế bào miễn dịch có thể dễ dàng nhận diện những tế bào máu bị nhiễm bệnh nếu chúng thuộc kiểu O hơn là các kiểu khác.

Giải pháp cho vấn đề bí ẩn này có thể được tìm ra thông qua một thực tế là tế bào máu không chỉ là loại tế bào duy nhất sản xuất ra kháng nguyên nhóm máu (blood type antigens).

Rắc rối hơn nữa là sự liên hệ giữa nhóm máu và các bệnh chẳng liên quan đến máu. Chẳng hạn như norovirus2. Mầm bệnh phiền phức này là ác mộng của các du thuyền, bởi nó có thể quét qua hàng trăm hành khách, gây nôn mửa liên tục và tiêu chảy. Nó gây ra việc này bằng cách tấn công các tế bào thành ruột và không hề động đến tế bào máu. Vậy mà, nhóm máu vẫn có ảnh hưởng đến nguy cơ con người có thể bị nhiễm một chủng bất kì của norovirus.

Giải pháp cho vấn đề bí ẩn này có thể được tìm ra thông qua một thực tế là tế bào máu không chỉ là loại tế bào duy nhất sản xuất ra kháng nguyên nhóm máu (blood type antigens). Kháng nguyên cũng được sản sinh bởi các tế bào trong mạch máu, khí đạo, da, và tóc. Nhiều người thậm chí còn có kháng nguyên nhóm máu tiết ra trong nước bọt. Norovirus khiến chúng ta bị bệnh bằng cách bám lấy những kháng nguyên nhóm máu sản xuất bởi các tế bào trong ruột.

Vậy nhưng một norovirus chỉ có thể bám chặt lấy một tế bào nếu protein của nó khớp với kháng nguyên nhóm máu của tế bào đó. Vậy nên hoàn toàn có khả năng là mỗi kiểu norovirus lại có protein thích nghi để gắn với một loại kháng nguyên máu nhất định, nhưng không phù hợp với các nhóm khác. Điều này sẽ giải thích tại sao nhóm máu của chúng ta lại ảnh hưởng đến kiểu norovirus mà chúng ta có thể bị nhiễm.

Đây có lẽ cũng là đầu mối cho việc tại sao một tổ hợp các nhóm máu lại tồn tại được qua nhiều triệu năm như vậy. Tổ tiên linh trưởng của chúng ta luôn vướng vào một cuộc tranh đấu với một mớ các mầm bệnh khác nhau, bao gồm virus, vi khuẩn, và những nguy cơ gây bệnh khác. Một vài mầm bệnh trong số đó có lẽ đã thích nghi để lợi dụng các loại kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Những mầm bệnh mà phù hợp với nhóm máu phổ biến nhất đã có thể thành công nhất, bởi chúng có nhiều vật chủ hơn cả để mà gây nhiễm bệnh. Nhưng, dần dần, chúng đã phá hủy lợi thế đó khi giết vật chủ của mình. Trong khi đó, linh trưởng với các nhóm máu hiếm hơn lại trỗi dậy, nhờ sự bảo vệ khỏi một số kẻ thù của mình.

Khi tôi suy nghĩ về khả năng này, nhóm máu A đối với tôi vẫn rắc rối như hồi tôi còn là một cậu nhóc vậy. Nhưng đây là một sự lằng nhằng sâu sắc hơn mà thành ra lại mang đến cho tôi sự dễ chịu. Tôi nhận ra là lý do việc tôi có nhóm máu cuối cùng có lẽ lại chẳng liên quan gì đến máu cả.


  1. Nutrigenomics là một phân nhánh của ngành Nutritional Genomics (ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa gen, dinh dưỡng, và sức khỏe), nghiên cứu về ảnh hưởng của thực phẩm và các thành phần thực phẩm lên biểu hiện gen.

  2. Norovirus là nhóm virus gây ra bệnh viêm dạ dày ruột hay tiêu chảy nhiễm trùng (gastroenteritis) ở người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất