a
§ Tác giả: Peter Brannen | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Việt Thắng | Hiệu đính:  Thuỷ Tiên
07/08/2021

Đó thực sự là quãng thời gian chật vật đối với những phi công dội bom trên đất châu Âu, máy bay của họ oanh tạc những thành phố dưới mặt đất như những con chim săn mồi. Mặc dù họ là người nhấn chìm các con phố một thời đông đúc trong biển lửa, cái chết lúc nào cũng cận kề đội ném bom của quân Đồng minh. Thực tế là, sống sót qua một nhiệm vụ ném bom chỉ hên xui như tung đồng xu. Khi bom đạn của họ dội xuống, từ dưới thành phố đầy khói lửa và ở các mảng đồng ruộng tối đen, một loạt đạn bác sẽ khai hỏa bắn rụng máy bay khỏi bầu trời như trò bắn đĩa tập. Khi các tân binh đối diện với giường tầng trống trải của những phi công đã mất, họ đã sa sút tinh thần ngay từ trước khi ngồi vào buồng lái. Mong muốn xoa dịu nỗi nản lòng này, các sĩ quan phe Đồng minh đã nghiên cứu quy luật của lỗ đạn trên những chiếc phi cơ trở về căn cứ để tăng cường giáp ở những bộ phận dễ trúng đạn.

Theo suy luận thông thường, người ta nghĩ rằng phi cơ ném bom cần được bọc thêm giáp ở những chỗ bị trúng đạn nhiều nhất. Nhưng nhà toán học người Hungary Abraham Wald và các đồng nghiệp của ông trong Nhóm Nghiên cứu Xác suất ở Đại học Columbia lại có một khẳng định khác thường và phản trực quan. Đừng bảo vệ máy bay ở những chỗ trúng nhiều đạn nhất, Wald nói. Hãy gia cố cho máy bay ở những vị trí mà không có lỗ đạn nào.

“Anh nên bọc giáp ở những chỗ không bị trúng đạn, bởi lẽ những phi cơ trúng đạn ở những chỗ đó thì không thể trở về căn cứ,” Anders Sandberg, một nghiên cứu viên lão làng ở Viện nghiên cứu Tương lai Nhân loại của Đại học Oxford nói. “Những chiếc đó đã bị bắn hạ.”

Những lỗ đạn không chứng tỏ những chiếc máy bay đã trở về dễ bị trúng đạn ở đâu, mà chỉ cho thấy những gì mà người ta quan sát được sau này. Hiện tượng này được biết tới là hiệu ứng chọn lọc người quan sát (observer selection effect), và thiên kiến này không chỉ áp dụng cho những phi cơ đầy lỗ đạn, mà còn áp dụng cho cả thế giới.

Sẽ thế nào, nếu như chúng ta lật lại lịch sử hành tinh và thấy một quy luật tương tự? Sau cùng thì, bề mặt hành tinh của chúng ta rải đầy những hố thiên thạch rộng 100 dặm sau vài tỷ năm tồn tại, nhưng chẳng có hố thiên thạch nào có kích thước 600 dặm. Dĩ nhiên, những hố thiên thạch to đến vậy không thể xuất hiện. Ở những thế giới có hố thiên thạch như vậy tồn tại, sẽ chẳng còn ai còn sống để băn khoăn về nó. Bằng một cách lạ lùng nào đó, những hố thiên thạch khổng lồ không xuất hiện bởi vì một sự thực là chúng ta đang ở đây để tìm kiếm chúng. Cũng giống như việc lỗ đạn trên những phi cơ sống sót trở về chỉ biểu thị những kẻ sống sót, toàn bộ lịch sử hành tinh của chúng ta cũng vậy. Rất có thể chúng ta được che chắn khỏi những mối đe dọa đến tồn vong loài người chính bởi sự tồn tại của ta.

“Hiệu ứng người quan sát chọn lọc là kiểu hiệu ứng mà những dữ liệu bạn thu thập được phụ thuộc, theo một nghĩa nào đó, vào việc bạn còn sống, hay bạn có tồn tại để quan sát,” Sandberg nói. “Giờ thì điều này trở nên vô cùng hay ho và đáng sợ khi chúng ta quan sát sự tồn tại của nhân loại qua lăng kính này.”


Thực sự là một phép màu khi hàng tỷ năm qua, sự sống trên hành tinh của chúng ta được thả rông cho tiến hóa mà không hề có đợt gián đoạn chết chóc nào xảy đến. Sợi xích sinh tồn không đứt đoạn này là điều cần thiết để một đống bị thịt như chúng ta có thể ngồi thẳng dậy, và mới gần đây có thể trăn trở sao mình lại ở đây. Và cũng giống như những máy bay thủng đạn lỗ chỗ nhưng vẫn sống sót quay về, hành tinh của chúng ta vẫn tồn tại sau hằng hà sa số những sự kiện cận kề sinh tử. Từng có những thảm họa núi lửa phun trào, những cú va chạm với thiên thạch bay với tốc độ siêu thanh to bằng cả núi Everest, và những kỷ băng hà đóng băng trái đất tới cận vùng nhiệt đới. Nếu bất cứ thảm họa nào trong số đó tồi tệ hơn, chúng ta đã không còn ở đây. Nhưng chúng cũng không thể tồi tệ hơn chính vì lí do này.

Như Sandberg và những người đồng tác giả với ông là Nick Bostrom và Milan Ćirković đã viết, “Những nguy cơ mang tính thảm họa như va chạm với tiểu hành tinh hoặc sao chổi, siêu núi lửa phun trào, và các vụ nổ siêu tân tinh1/tia gamma2 được tính toán dựa trên mức độ xuất hiện thường xuyên của chúng. Vì vậy, mức độ thường xuyên của những thảm họa hoặc mang tính hủy diệt hoặc không đồng điệu với sự tồn tại của người quan sát đã bị đánh giá thấp một cách có hệ thống.”

Tức là, quá khứ may mắn của chúng ta làm lu mờ dự đoán của ta về tương lai. Không những ta chẳng thể tìm ra những hố thiên thạch mang tính tận diệt khi dò xét lại lịch sử — kì lạ hơn, ta còn không thể tìm ra dấu vết những vụ va chạm này trong đất đá, mặc dù chúng xảy ra thường xuyên với những hành tinh khác giống chúng ta. Những mối nguy đe dọa sự tồn vong của nhân loại, cho dù khả năng chúng xảy ra là cực kì cao, chúng vẫn chỉ vất vưởng đâu đây, bị che khuất bởi “cái bóng vị nhân”3 của chúng ta.

“Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra bạn đã không ở đây để đặt ra bài toán này”

“Có lẽ vũ trụ là một nơi đầy rẫy nguy hiểm và số lượng các hành tinh giống Trái Đất nhưng bị hủy diệt là vô cùng nhiều,” Sandberg nói. “Nhưng nếu như vũ trụ đủ lớn, thì trên một hành tinh hiếm hoi nào đó sẽ xuất hiện những người quan sát, họ sẽ chứng kiến những tàn dư của hố thiên thạch, của những thảm họa và cho rằng, ‘Vũ trụ cũng khá an toàn đấy chứ!’ Nhưng dĩ nhiên, vấn đề là sự tồn tại của họ dựa trên việc họ hết sức, hết sức may mắn. Thực tế họ đang sống trong một vũ trụ không an toàn chút nào và có thể thứ ba tuần tới họ sẽ có một bất ngờ chẳng vui vẻ gì đâu.”

Nếu điều Sandberg nói là đúng, nó có thể lý giải vì sao kính viễn vọng vô tuyến của chúng ta chỉ trả kết quả về là một sự im hơi lặng tiếng từ khoảng vũ trụ của chúng ta. Có lẽ chúng ta thực sự là quả đất ngàn năm có một, chênh vênh giữa một lịch sử gần như bất khả — một lịch sử không hề tồn tại những khí độc chết người trôi nổi và những hỗn độn trong hệ mặt trời, nhưng lại có đầy những sự kiện thuận lợi một cách quái đản, như cú va chạm sớm trong lịch sử đã tạo nên một mặt trăng khổng lồ quay ổn định quanh quỹ đạo của chúng ta và khiến sự sống đơm hoa kết trái. Khi hệ mặt trời tiếp tục xoay chuyển, bằng cách nào đó chúng ta có vừa đủ lượng nước giúp bôi trơn các mảng kiến tạo, giữ cho khí hậu phù hợp cho sự sống trong cả trăm triệu năm và ngăn chặn một thảm họa tái thiết cả hành tinh kiểu Sao Kim, nhưng đồng thời cũng không có quá thừa mứa nước để tạo nên một hành tinh nước không có sự sống.

Có lẽ vũ trụ là một nơi đầy rẫy nguy hiểm và số lượng các hành tinh giống Trái Đất nhưng bị hủy diệt là vô cùng nhiều. Ảnh: Beat Schuler

Lịch sử Trái Đất dạy chúng ta rằng một thứ tưởng chừng như vô hại như việc có một siêu lục địa trong một khoảng thời gian ngắn4 cũng có thể từng đưa thế giới tới bờ vực diệt vong rất nhiều lần, điều này chứng tỏ toàn bộ công trình về sự sống phức tạp này mong manh tới chừng nào. Và không những chúng ta được hưởng lợi từ một chuỗi những sự kiện vô cùng may mắn này, bằng cách nào đó chúng ta chưa từng phải quay về con số không trong suốt 4,5 tỉ năm qua — ngay cả khi vẫn có những ngôi sao chổi với tiềm năng hủy diệt như Hale-Bopp sượt qua. Có lẽ từ sự ăn may khủng khiếp này — sự ăn may cần thiết để sản sinh ra những người quan sát như chúng ta — có thể suy ra rằng Vũ trụ vĩ đại này sẽ chỉ chứa toàn những hòn đá vô tri và những luồng khí bay vô định.

Hiệu ứng người quan sát có chọn lọc đã lý giải lịch sử vũ trụ ôn hòa này cũng có thể áp dụng đối với quá khứ gần đây của chúng ta. Sau tất cả, cũng như cách chúng ta không thể tồn tại ở một hành tinh lỗ chỗ những hố va chạm to bằng cả lục địa, chúng ta không thể tồn tại ở một hành tinh bị phá hủy do chính bàn tay con người.


Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mới gần đây được ban cho khả năng có thể tự kết liễu mình bằng vũ khí hạt nhân. Suốt hơn nửa thế kỉ, thế giới chúng ta đã liên tục bị đe dọa trước một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Nhưng bằng cách nào đó điều này chưa từng xảy ra. Nếu có, bạn đã không ở đây để đọc bài viết này.

Có lẽ bạn có thể nhờ phép thử kéo dài bảy thập kỉ này để ước tính khả năng thảm họa hạt nhân xảy ra. Vì chúng ta đến nay vẫn chưa tự thổi bay chính mình, rất hợp lí khi cho rằng xác suất một thảm họa như vậy xảy ra vào bất kì năm nào chắc hẳn gần như bằng không.

“Nghe hợp lí phải không—dĩ nhiên, chỉ có điều, nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra bạn đã không ở đây để đặt ra bài toán này,” Sandberg nói.

Hoặc là chiến tranh hạt nhân thực sự rất khó xảy ra, hoặc là một thứ gì đó rất kỳ quặc đang can thiệp vào chuyện này. Khi xem xét hiệu ứng người quan sát có chọn lọc, việc chúng ta đến nay vẫn còn sống sau thời kỳ hạt nhân chỉ chứng tỏ có những mối nguy hiểm vô hình mạnh mẽ. Có lẽ đây là tình hình mà hầu hết những nền văn minh với khả năng tự diệt vong thường gặp phải.

Những thảm họa hạt nhân từng được chứng kiến trong quá khứ (con số bằng không) khiến chúng ta mờ tịt về khả năng chúng sẽ xảy ra trong tương lai.

“Bạn có thể tưởng tượng một thế giới nơi mỗi năm có xác suất xảy ra chiến tranh hạt nhân là 50 phần trăm. Thế thì năm đầu tiên, một nửa của thế giới bị đánh bom hạt nhân. Sang năm sau một nửa những người còn sống bị đánh bom tiếp. Và cứ tiếp tục như vậy. Trong viễn cảnh kinh khủng này — sau 70 năm — nếu bạn có một vũ trụ đủ lớn hoặc nhiều vũ trụ song song, bạn vẫn có thể bắt gặp vài người quan sát [còn sót lại] và họ nói rằng ‘Này! Có vẻ như chúng ta đang khá an toàn đấy chứ!’ Và họ sẽ bất ngờ làm sao khi thấy đống bom hạt nhân bắt đầu bay vù vù trên đầu họ.”

Thế giới hiện đại, giống như vũ trụ rộng lớn, có thể nguy hiểm hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ — chính xác là bởi vì chúng ta vẫn đang ở đây. Những thảm họa hạt nhân trong quá khứ (con số bằng không) khiến chúng ta mờ tịt về khả năng chúng sẽ xảy ra trong tương lai.


Ngày 26 tháng 9 năm 1983, một sĩ quan Liên Xô tên là Stanislav Petrov thấy mình tê liệt toàn thân. Anh ta đang điều khiển hệ thống cảnh báo sớm của Liên Xô đối với tên lửa hạt nhân của Mỹ thì máy tính phát một cảnh báo không thể nghĩ tới: phát hiện các đầu đạn hạt nhân đang lao tới với tính chính xác cao. Đó là đợt tấn công hạt nhân đầu tiên và có khả năng kết thúc cả nền văn minh. Hay đó chỉ là trục trặc máy tính.

“Còi báo động hú lên, nhưng tôi chỉ ngồi đó vài giây, nhìn chết trân vào cái màn hình màu đỏ to lớn với chữ ‘khai hỏa’ hiện trên đó,” Petrov sau này trả lời phỏng vấn đài BBC. “Tất cả những gì tôi phải làm là với tay lấy điện thoại; điện thẳng cho tổng chỉ huy — nhưng tôi không thể di chuyển. Cảm giác như đang ngồi trên chảo dầu nóng vậy … Đến tận hai mươi ba phút sau tôi mới phát hiện hóa ra chẳng có gì xảy ra cả. Nếu đó là một cuộc tấn công thật sự, tôi đã biết rồi. Thật nhẹ nhõm … họ thật là may mắn khi tôi là người trực ca tối hôm đó.”

Ngày 9 tháng 11 năm 1979, cố vấn viên an ninh quốc phòng Mỹ Zbigniew Brzezinski bị đánh thức bởi một người trợ lý quân sự để báo cho ông ta về một đợt tấn công hạt nhân toàn lực, lần này là từ phía Liên Xô. Khi ông ta đang chuẩn bị gọi cho tổng thống để cố vấn về cuộc phản công, Brzezinski quyết định không đánh thức vợ mình, muốn để cô ấy ra đi thanh thản trong giấc ngủ cùng với phần còn lại của nhân loại. Một lúc sau đó Brzezinski biết được đó là báo động giả. Chỉ vài tháng sau, một con chip máy tính giá 46 cent đã gây ra ba lần báo động giả nữa trong hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ. Tháng 11 năm 1983, Mỹ và các nước liên minh đã tiến hành một cuộc diễn tập chiến tranh cực kì sát với thực tế có tên Able Archer 83, cuộc tập trận suýt nữa đã kích động Liên Xô gây chiến, một việc không được biết đến nhiều bởi công chúng trong thời điểm đó.

Ngày 17 tháng 1 năm 1966, một máy bay ném bom của Không quân Hoa Kỳ chở bốn quả bom nhiệt hạch đã rơi xuống bờ biển Tây Ban Nha mà không hề gây ra bất cứ ảnh hưởng địa chính trị nào. Ngày 27 tháng 10 năm 1962, khi Liên Xô triệt hạ một máy bay do thám của Mỹ trên đất Cuba, các cố vấn của tổng thống John F. Kennedy đã thôi thúc ông trả đũa. Ông đã không làm vậy. Nhưng sau này em trai ông là Robert đã viết lại về khoảnh khắc xương máu này, “Cảm giác như chiếc thòng lọng đang siết chặt trên cổ chúng tôi, trên cổ người dân Mỹ, và toàn nhân loại, còn cây cầu dẫn ra lối thoát đang sụp đổ.” Hai ngày trước đó, đương khi thế giới ở tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc và quân đội ở trạng thái cảnh giác cao nhất, một chú gấu đã trèo qua hàng rào của một căn cứ không quân ở Duluth, Minnesota, kích hoạt báo động giả ở Căn cứ Lực lượng Phòng không Quốc gia Volk Field gần đó, khiến các phi công hỗn loạn lao lên các máy bay trang bị vũ khí hạt nhân. Một xe tải đã điên cuồng lao xuống đường băng để ngăn máy bay trước khi họ có thể cất cánh.

“Có lẽ rút cục thì lý do chúng ta ở đây lâu đến vậy là vì chúng ta vẫn đang ở đây.”

Nhưng bằng cách nào đó, chẳng lần đá đưa với tận thế nào trong những lần này đã trở thành sự thật. Nếu có, chúng ta đã không ở đây. Nhưng nếu như chiến tranh hạt nhân thực ra khá dễ xảy ra thì sao? Nếu vậy, những thế giới tránh được ngày tận thế như chúng ta sẽ là điều kỳ lạ về mặt xác suất, đòi hỏi thêm những lá bùa hộ mệnh kỳ lạ và ngày càng khó xảy ra hơn trong tương lai. Nhưng trong một vũ trụ đủ lớn chúng có tồn tại. Và đó là những thế giới duy nhất còn sống để nghiên cứu lịch sử vấn đề ngoại giao hạt nhân. Do đó, có lẽ chúng ta là một trong những hành tinh hiếm hoi và kỳ quặc mà sống sót qua 72 năm đầu tiên cùng vũ khí hạt nhân nhờ việc chứng kiến những điều không thể lý giải.

Khi tôi lần đầu trò chuyện với Sandberg ba năm trước, ông nghĩ đây là một khả năng khác — rằng những lần thoát chết trong gang tấc thời Chiến trạnh Lạnh có thể là thứ đang ngăn chúng ta khỏi ngày tận thế hạt nhân. Với mỗi anh Stanislav Petrov bối rối trước lý do tại sao anh ta không bấm nút, có thể có 99 anh khác đã không hề bị phân vân. Nhưng ở các thế giới sứt mẻ rải rác khắp vũ trụ đó, chỉ là chẳng có ai còn sót lại để lên án anh ta vì điều đó.

“Chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều điều kỳ diệu nữa,” Sandberg nói với tôi trong lần chuyện trò đó. “Không chỉ có Petrov, những cuộc điện hỏng và những thất bại khác đã cứu chúng ta. Trong tương lai chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa những sự kiện kỳ lạ này.”

Tuy nhiên, từ ngày đó trở đi, ông dường như đã suy xét lại. Tích hợp hiệu ứng người quan sát có chọn lọc vào bài toán này, Sandberg hiện tại nghĩ rằng những lần thoát chết trong gang tấc trước kia có thể có tác dụng trấn an. Nếu thực sự rằng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”5 trong ngoại giao hạt nhân rất dễ chuyển biến xấu và giết chết tất cả mọi người, thì những kẻ sống sót khỏi sự phát minh ra vũ khí hạt nhân — như chúng ta — nên hi vọng rằng những lần gang tấc như vậy trong quá khứ là ít thôi. Thay vào đó ta nên hi vọng đã chứng kiến một lịch sử bình yên đến lạ lùng, một lịch sử không tồn tại các sự kiện kinh sợ như khủng hoảng tên lửa Cuba. Đó là vì những thế giới siêu yên bình này có dẫn tới một kết cục tốt hơn (và nhiều người sống sót hơn), hơn là những thế giới liên tục vờn nhau với tận thế. Sau cùng, bạn có khả năng là người nào hơn: người vừa sống sót qua 100 lần trò cò quay Nga6 hay một người chưa từng cầm súng lên?

Nhưng bởi vì chúng ta đã chứng kiến nhiều lần thoát chết như vậy trong quá khứ, phải chăng mọi thứ đã không kề cận bờ vực tuyệt chủng đến vậy, và có thể những lỗ đạn gần khối động cơ mà chúng ta nghĩ là nguy hiểm thực sự chỉ là vô hại. Có lẽ sự tồn tại của Petrov chứng tỏ rằng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”, hay thậm chí chiến tranh hạt nhân, không thực sự là trò chơi sinh tử nguy hiểm như chúng ta vẫn nghĩ. Có lẽ chiến tranh hạt nhân không giết hết tất cả mọi người. Hoặc có thể những đợt tấn công hạt nhân đầu tiên không tất yếu sẽ châm ngòi cho hai phe giải phóng toàn bộ hỏa lực của họ. Nếu điều đó đã xảy ra, Petrov sẽ chưa từng có thể lại gần nút đỏ.

“Người đồng tác giả cảm thấy kết luận tôi đưa ra chưa đủ hay,” Sandberg nói. “Những quy chuẩn trong văn phòng này đôi khi khá điên rồ.”

Một tên lửa đạn đạo tầm trung của Xô Viết ở Quảng trường Đỏ, năm 1965. Ảnh tư liệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).

Nếu hiệu ứng chọn lọc người quan sát có thể làm những sao chổi chết chóc đi lệch quỹ đạo, và có thể cả những gì chúng ta chứng kiến trong lịch sử gần đây của nhân loại, có lẽ sự thiên vị kỳ lạ này đã tồn tại xa tít từ lúc khởi đầu.

Anthony Aguirre, nhà vũ trụ học lý thuyết ở Đại học California ở Santa Cruz, nghĩ rằng việc vũ trụ đã tồn tại lâu như vậy có thể là hệ quả kỳ lạ nhất của hiệu ứng chọn lọc người quan sát. Aguirre đóng vai trò là nhà sáng lập viện Future of Life, một cơ quan giống của Sandberg, viện này nhằm mục đích xác định những mối nguy hiểm hiện sinh trong tương lai gần, hội đồng cố vấn của cơ quan này có cả Elon Musk và Stephen Hawking quá cố.

“Một thảm họa thường ít được nhắc tới là … phân rã chân không,” ông nói một cách bí ẩn. Aguirre giải thích rằng, hai từ này biểu thị cho thảm họa nguy hiểm và đáng sợ nhất mà người ta có thể hình dung.

Mặc dù cái kết của vũ trụ thường được cho rằng là một sự khai mở từ từ trong một tương lai xa — sự tan biến vĩnh viễn vào bóng tối sau quãng đời ngắn ngủi của chúng ta, bước vào một kỷ nguyên trống vắng và lạnh lẽo kéo dài đến vĩnh hằng — vũ trụ này cũng có thể kết thúc một cách đột ngột và dữ dội, Aguirre nói, và vào bất cứ lúc nào.

“Tồn tại vô số các trường tỏa khắp không gian,” ông mở đầu. “Điện từ trường chỉ là một trường phổ biến.” Trường electron, trường proton, trường Higgs — những trường này tồn tại ở khắp mọi nơi. Và khi ta nói một không gian trống rỗng nghĩa là không có sự kích thích của các trường này. Một electron giống như sự kích thích của trường electron, và khi ta nhấc toàn bộ electron ra, trường vẫn nguyên ở đó. Ta nói nó đang ở trong thái chân không. Nhưng trạng thái chân không không phải hoàn toàn ổn định. Đó là trạng thái mà khi bạn lấy đi các electron, nó vẫn mang một ít năng lượng. Và về mặt lý thuyết, mức năng lượng này có thể khác, hoặc thấp hơn. Thực tế, chẳng có lí do nào để cho rằng trạng thái chân không mà chúng ta đang ở là trạng thái chân không thấp nhất có thể về mặt năng lượng. Và có những lí do khá hợp lí rằng nó không phải.”

Ông bắt đầu cười trong lo lắng. Tôi ban đầu không hiểu, rồi sau đó biết được rằng nếu trạng thái chân không bất ngờ hạ thấp nữa tới một mức năng lượng mới, hệ định luật vật lý sẽ trở nên điên đảo và vũ trụ mà chúng ta biết sẽ chấm dứt.

“Nó sẽ bắt đầu từ một điểm nhỏ đâu đó trong vũ trụ và giãn nở với tốc độ ánh sáng và rồi hủy diệt mọi thứ,” Aguirre nói. “Thì ngay khi quả bong bóng đó đi qua đây, chúng ta sẽ ở trong một trạng thái mà các định luật vật lý hoàn toàn không tương thích với chúng ta.”

Thảm cảnh tồi tệ này không phải một trò đùa vui trong học thuật, một sản phẩm của những kẻ nghiện cà phê với bảng phấn. Chỉ là những sự chuyển đổi như vậy có thể đã xảy ra từ thuở hồng hoang của vũ trụ, bởi vì những định luật vật lý đã hình thành từ ngọn lửa sơ khai của Vụ Nổ Lớn, và những lực căn bản mà chúng ta biết ngày nay đã kết tinh lại từ những dạng kì lạ hơn. Thực tế, năm 2012, khi thế giới ăn mừng vì khám phá ra trường Higgs (thông qua hạt Higgs) — sự xác thực vỡ oà sau cả nửa thế kỉ lý thuyết — một vài nhà vật lí học đã lặng lẽ khẳng định rằng trường Higgs có vẻ không ổn định, và một ngày nào đó có thể hủy diệt cả vũ trụ.

“Thế nên về mặt lý thuyết, có thể là trường Higgs, nhưng cũng có thể bất cứ tổ hợp nào của các trường khác trong vật lí sẽ chuyển đổi sang trạng thái chân không.”

Nếu điều đó xảy ra lúc đó sẽ là sự kết thúc của vạn vật. Và sẽ chẳng còn người quan sát nào sau đó nữa.

“Nhưng vì chúng ta vẫn ở đây, một suy luận hợp lí là quãng thời gian để điều này xảy ra là hàng tỷ năm, ít nhất là vậy. Nhưng chẳng có lí do đặc biệt chính đáng nào để cho rằng — chà,” ông ngừng lại.

“Vậy thì, anh có thể đưa ra rất nhiều lý lẽ khác,” ông nói. “Anh có thể nói rằng nếu đã hàng tỷ năm trôi qua thì cũng có thể là hàng nghìn tỷ, hàng triệu tỷ hay hàng tỷ tỷ năm nữa, vì thế không nên lo nghĩ quá nhiều đâu, hay như …”

Hay như những thiên thạch sượt qua hành tinh chúng ta hàng tỷ năm trước khi ta xuất hiện, bảo đảm cho sự xuất hiện của chúng ta nhưng lại bịt mắt ta trước những hiểm họa tương lai. Cũng như cách những người quan sát chưa từng xuất hiện ở các thế giới bị phá hủy sớm, họ cũng không xuất hiện ở những vũ trụ kết thúc nhanh. Dẫu cho những thế giới đó phổ biến thế nào đi nữa.

“Có lẽ rút cục thì lý do chúng ta ở đây lâu đến vậy,” Aguirre nói, “là vì chúng ta vẫn đang ở đây.”

Những bóng ma của vô số những vũ trụ xấu số bắt đầu lượn lờ quanh cuộc đối thoại của chúng tôi như con sâu làm rầu nồi canh — hay như những máy bay ở đáy eo biển Manche.7

“Vậy là,” tôi bắt đầu, “có hàng tỷ những vũ trụ mà sự sống có thể sinh sôi được nhưng chỉ là chúng —”

“Đúng vậy, chúng không tồn tại được lâu. Và chúng ta là một trong những vũ trụ hiện diện đủ lâu … Có thể sự tồn tại của chúng ta khá mong manh. Như kiểu, chúng ta là dạng vũ trụ ngắn ngủi mà cho phép mọi thứ khởi sinh và bắt đầu suy ngẫm về những vũ trụ ngắn ngủi và cứ như vậy. Đó là một viễn cảnh tồi tệ.”

Aguirre bật cười lần nữa. Cũng như sự vắng bóng bí ẩn của các hố thiên thạch rộng bằng cả lục địa của Sandberg, cái kết của vũ trụ có thể đang ẩn hiện trong bóng tối, bị trì hoãn — đến tận bây giờ — bởi chính sự hiện diện của chúng ta. Có lẽ chúng ta chỉ có thể thức dậy trong một vũ trụ mà đã giữ vững sự vận hành ổn định gần như bất khả kéo dài hàng tỷ năm. Trong những tháng ngày đầu tiên của máy gia tốc hạt lớn8, khi cỗ máy hạng nặng này liên tục gặp trục trặc về mặt kỹ thuật và tài chính, một số nhà nghiên cứu — từng gọi những điều không may này là “phản phép lạ” — thậm chí còn nửa đùa nửa thật đề xướng rằng vũ trụ đang ngăn cản chúng ta hủy diệt thế giới khi máy gia tốc vận hành thành công.

“Tôi không loại trừ khả năng năm phút trước một bản thể khác của chúng ta đã chết.” Nguồn ảnh: geralt

Có điều gì đó khá thú vị khi vũ trụ học (cosmology) ban tặng cho những người nghiên cứu nó khả năng có những suy nghĩ lạ lùng.

“Anh có muốn đi xuyên qua gương9 không?” Aguirre hỏi tôi.

“Tôi muốn chứ,” tôi nói, khá bất ngờ rằng chúng tôi chưa từng làm vậy.

Cơ học lượng tử, một lĩnh vực vật lý cực kì thành công và cực kì quái lạ về những thứ rất nhỏ, đưa ra các dự đoán với độ chính xác đến chữ số thập phân thứ tùy ý trong thế giới thực. Nói cách khác, cơ học lượng tử cho thấy sự mô tả chính xác nhất về cách thế giới vận hành ở mức độ cơ sở nhất. Một trong những hệ quả mang tính thử nghiệm khó hiểu nhất của cơ học lượng tử, và của thế kỉ 20, đó là dường như các hạt tồn tại trong kiểu một lò luyện ngục có tính xác suất, tồn tại ở mọi nơi và chẳng nơi nào cụ thể, cùng lúc vừa quay cùng chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ — đó là, cho tới khi ta quan sát chúng. Khi được định lượng, tất cả những khả năng này quy về một kết quả nhất định và người quan sát sẽ lấy một giá trị cụ thể cho một hạt.

Một trong các cách lý giải khả quan nhất cho sự kì quái lượng tử này đó là tất cả các thực tại khả dĩ của hạt mà đã bị lọc ra bởi hành động quan sát, thực tế, chúng được ghi nhận ở các vũ trụ song song rẽ nhánh bởi người quan sát ở vũ trụ song song đó — những vũ trụ giống như vũ trụ mà chúng ta đang sống. Dẫu vũ trụ là vô tận về mặt khoảng cách, nó cũng có thể rẽ nhánh vô tận giữa một rừng bản thể học. Đây gọi là “diễn giải đa thế giới” (many-worlds interpretation) trong cơ học lượng tử. Nhắc lại một lần nữa, đây không phải một lý thuyết không đại chúng hay chỉ có các chuyên gia mới biết. Đây là một trong những diễn giải về thế giới kỳ lạ của cơ học lượng tử được các nhà vật lí học tin tưởng nhất. Và nếu như một thảm họa phân rã chân không có tính hủy diệt vũ trụ xảy ra, nó sẽ diễn ra trong đấu trường hiện sinh quái lạ này.

“Điều thú vị về sự tạo mầm10 của các bong bóng phân rã chân không này là nó chính là một hiện tượng cơ học lượng tử,” Aguirre nói về thảm họa tối thượng này.

Nghĩa là, cái chết bất thình lình của vũ trụ có tính xác suất — như một phiên bản khác cực kì rủi ro của con mèo xấu số của Schrödinger — chia cắt thực tại thành nhiều bản sao và mọi bản sao sẽ bị xóa sổ, chỉ chừa lại một phiên bản may mắn hơn sống sót. Và cứ cho là chúng ta là những sinh vật trong vũ trụ “đa thế giới” đó, liên tục bị phân mảnh thành bao cuộc đời khác nhau, Aguirre rất băn khoăn liệu chúng ta có bao giờ thực sự sẽ trải qua một thảm họa lượng tử quét sạch không gian khi nó đứng gõ cửa chúng ta.

“Thế thì, chúng ta có để ý được gì không? Đó là câu hỏi.”

Nếu thiên kiến chọn lọc người quan sát được áp dụng cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta đang liên tục được che chắn khỏi ngày tận thế của vũ trụ.

“Thế giả sử diễn giải đa thế giới của cơ học lượng tử là đúng,” ông nói. “Vậy một trong hai bản thể của chúng ta sẽ chấm dứt tồn tại. Khi đó bản thể còn lại cứ tiếp tục sống vờ như chưa từng có gì xảy ra ư? Vào bất cứ lúc nào, tôi không thể loại trừ khả năng năm phút trước một bản thể khác của chúng ta đã chết. Chẳng có lý do nào để nói vậy. Vậy là có một câu hỏi hay ho nhưng cũng rắc rối rằng liệu những sự kiện này lúc nào cũng xảy ra và chúng ta chỉ là không để ý tới nó.”

Nếu, theo như Epicurus11, rằng nơi có chết chóc, sẽ không có chúng ta, nếu có chúng ta, cái chết không tồn tại, thì phải chăng chúng ta chỉ đang trải nghiệm những nhánh thực tại liên tục không bị xóa sổ bởi bong bóng phân rã chân không. Hay nói cách khác, mỗi giây đều xảy ra tận thế của vũ trụ; chúng ta chỉ là không hề hay biết.

Nhưng nếu thiên kiến chọn lọc người quan sát được áp dụng cho những thảm họa khủng khiếp như phân rã chân không thì có vẻ như nó đã nên chủ động ngăn chặn bất cứ thế giới phân nhánh nào mà kết thúc bằng cái chết của mỗi người trong chúng ta. Tôi bắt đầu nghĩ về những cú suýt chết của chính mình, như có vụ tai nạn xe hồi bé mà cái chắn bùn của xe tải do một gã say xỉn cầm lái đâm xuyên qua cửa sổ chiếc station wagon12 của mẹ tôi và chỉ sượt qua đầu tôi cách vài inch. Liệu tôi có phải một người quan sát thiên lệch trong tai nạn đó không? Sau tất cả, tôi không thể xem như mình hiện tại là một trong nhiều bản thể đã chết của mình trong tai nạn đó.

“Chẳng phải điều này dẫn tới việc,” tôi hỏi, “có một thế giới vô cùng kỳ lạ mà ở đó ta chẳng bao giờ lo lắng phải chết?”

“Không gì có thể bảo vệ anh khỏi việc lão hóa từ từ,” ông nói. “Đây chính là lớp phòng thủ chống lại cái chết dã man bất thình lình, cái chết mà anh tránh được, nhưng trò chơi vẫn công bằng vì có những thứ gây thương tích hoặc làm anh trầy da tróc vảy.”

Tình trạng giày vò vĩnh viễn này, nơi một người có thể sống lâu tùy ý bằng cách điều hướng qua các dòng chảy nhỏ giữa nhiều dòng thời gian của đa thế giới, và sống sót trên một đường đời vô cùng khó xảy ra, được gọi là quantum immortality (tạm dịch: trường sinh lượng tử), hay địa ngục lượng tử.

“Trường sinh lượng tử là một trong những ý tưởng kinh hãi nhất có thể hình dung,” ông Sandberg của Đại học Oxford nói. Chủ đề này thậm chí đã trở thành điều cấm kỵ trong giới nghiên cứu vật lý, họ cho rằng việc reo rắc ý tưởng này có thể sẽ khiến một nhà vật lý tay mơ với niềm tin mãnh liệt dấn thân vào trò cò quay Nga.

“Người nào thử trò này [cò quay Nga], dưới góc độ đa số những người quan sát, sẽ chết chắc,” Sandberg nói. “Tất nhiên, sẽ có vô cùng ít ỏi một số người quan sát nhận thấy mình rất rất may mắn. Nhưng nếu anh ta vẫn tiếp tục chơi, con số này sẽ ngày càng nhỏ lại. Nhưng sẽ luôn có một trong các bản thể của anh ta.”

Trong cuộc thảo luận với Aguirre tôi nhận ra rằng đồng nghiệp của ông, nhà vật lý học Max Tegmark, gần đây đã đưa ra nhận định rằng nếu hình thức trường sinh chủ quan này thực sự được ban tặng bởi đa thế giới của cơ học lượng tử, thì tôi phải nên già hơn rất nhiều so với tôi bây giờ.

“Vậy, nếu chúng ta sống mãi nhờ địa ngục lượng tử, phải chăng bạn sẽ có thể nói rằng, ‘Chà, khá chắc rằng tôi sẽ chưa thể tìm thấy chính mình trên hành trình 41,5 năm đầu đời,’ hay đại loại thế không? Tôi cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào cách tính của anh, bởi lẽ — giờ thì câu chuyện đi xa quá rồi — nhưng nói tóm lại là có rất rất nhiều những bản thể trẻ hơn của anh và họ liên tục bị loại bỏ, cho nên, tùy theo cách tính của anh, anh khả năng cao được coi là trẻ trong trường hợp đấy.”

“Nếu chúng ta tự diệt thì vẫn sẽ còn vô số sự sống ở đâu đó trong vũ trụ. Và vô số con người nữa.”

Nhận thấy tôi nhấp nhổm bất an, Aguirre cố gắng gói gém lại sự kỳ dị để trở về với thực tế.

“Tôi nghĩ rằng về cơ bản tất cả những điều này có gì đó sai sai,” ông nói. “Tôi coi đó là phép phản chứng13, nhưng cũng không biết chắc chắn nhầm lẫn chỗ nào.”

Nếu chúng ta thật ra không được ban tặng một cuộc sống vĩnh hằng nhờ sự liên kết nào đó của đa thế giới và hiệu ứng chọn lọc người quan sát, và thế giới thì kết thúc cái tạch, thì chúng ta vẫn còn hy vọng — ít nhất là, đối với những người quan sát có nhận thức.

“Vũ trụ chắc chắn vô cùng rộng lớn, và tôi đánh cược vào cái vô tận,” ông nói. “Vì tôi nghĩ rằng nếu sự giãn nở xảy ra — và tôi khá chắc là nó đã xảy ra rồi — thì tôi cho rằng nó sẽ dẫn tới sự giãn nở vĩnh hằng,” ông đề cập tới một lý thuyết cho rằng vũ trụ chúng ta chỉ là một trong vô vàn các bong bóng vũ trụ, bị mắc kẹt trong một Sáng tạo không hồi kết. “Và giãn nở vĩnh hằng dẫn tới một vũ trụ vô tận. Nếu tồn tại một vũ trụ vô tận thì đúng, nếu chúng ta tự diệt sẽ vẫn còn vô số sự sống ở đâu đó trong vũ trụ. Và vô số con người nữa … vô số Peter và vô số Anthony đang ngồi trong vô số văn phòng.”

Aguirre nói rất thảnh thơi nhưng không hề đùa cợt. Đồng nghiệp của ông Max Tegmark ước tính rằng ở một vũ trụ vô tận sẽ tồn tại một bản sao y hệt của tôi ở cách 10^10^29 mét.

“Có rất nhiều bản sao như vậy.”

Aguirre bảo tôi rằng ông vừa mới đọc xong cuốn Unbroken (tạm dịch: Nguyên Vẹn), câu chuyện về một viên trung úy Không quân trong Thế Chiến II Louis Zamperini, người sống sót một cách thần kỳ sau vụ rơi chiếc phi cơ chở bom thủng đạn lỗ chỗ, vụ tai nạn khiến 8 trên 10 người cùng đội bay với ông thiệt mạng. Zamperini đã sống sót sau một tháng rưỡi trôi lênh đênh giữa Thái Bình Dương mà không hề có nước uống, một tình cảnh thiếu thốn đã cướp đi sinh mạng người đồng đội của ông; và hai năm sau đó nữa bị tra tấn bởi Đế quốc Nhật. Nhưng những câu chuyện sống sót, như của Zamperini, có lẽ kể cho ta về những hân hoan đại thắng và tinh thần bền bỉ của con người ít hơn là — mặc dù chúng cũng kể nhiều — bao nhiêu lính Mỹ đã hi sinh trong tình cảnh tương tự để sản sinh ra một bản tiểu sử khó xảy ra về mặt xác suất đến vậy.

“Rõ ràng, đa số người ta sẽ chết trong tình cảnh như vậy,” Aguirre nói về Zamperini. “Nhưng bạn đọc về người đã không chết trong tình cảnh đó, nên trông nó có vẻ như một chuỗi sự kiện đáng kinh ngạc.”

Có lẽ chúng ta đang sống trong một vũ trụ Zamperini, ta nợ những thế giới tan vỡ sự tồn tại của mình. Nếu chúng ta có thể thức dậy trong một thế giới hiếm hoi và kỳ diệu — thì đây là một vũ trụ đủ lớn — chúng ta chẳng cần ngạc nhiên khi thấy quá khứ của mình cũng đầy những phép màu.


  1. Siêu tân tinh (supernova) là một vụ nổ đánh dấu sự kết thúc vòng đời của một ngôi sao có kích cỡ rất lớn (thường là gấp 8 lần Mặt Trời hoặc hơn). Một vụ nổ siêu tân tinh có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày, thậm chí có thể kéo dài vài tuần.

  2. Vụ nổ tia gamma, hay chớp gamma (Gamma-ray burst) là các vụ nổ xảy ra khi những ngôi sao vô cùng lớn (gấp 20-40 lần Mặt Trời hoặc hơn) kết thúc vòng đời của mình. Năng lượng sản sinh trong vài giây từ một vụ nổ tia gamma lớn hơn rất nhiều so với năng lượng mà Mặt Trời của chúng ta sản xuất được trong 9 tỷ năm cuộc đời của nó.

  3. Nguyên lý vị nhân là một khái niệm của triết học, được hình thành dựa trên ý tưởng chính đó là sự tồn tại của các tham số đặc trưng của vũ trụ mà chúng ta quan sát, có thể không xác định được một cách trực tiếp thông qua các định luật cơ bản của vật lý, nhưng bằng lý lẽ về sự tồn tại của các quan sát viên thông thái. Nói cách khác, các đặc tính và trạng thái tồn tại hiện nay của vũ trụ là như vậy để phát sinh sự tồn tại của chúng ta, những người quan sát thông minh có khả năng đặt vấn đề và nghiên cứu về nó.

  4. Siêu lục địa Pangaea đã tồn tại trong khoảng 100 triệu năm.

  5. Chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) là chiến thuật đàm phán trong đó một bên tích cực theo đuổi đến cùng các điều khoản để bên kia phải đồng ý hoặc từ bỏ.

  6. Cò quay Nga (Russian roulette) là trò chơi mà người tham gia sử dụng một khẩu súng lục ổ quay với một viên đạn duy nhất bên trong để bắn vào đầu mình theo lượt. Người còn sống sẽ là người chiến thắng.

  7. Eo biển Manche (The English Channel) là một đoạn eo biển dài thuộc Đại Tây Dương xen giữa đảo Anh và bờ biển phía bắc của Pháp, liền với Bắc Hải.

  8. Large Hadron Collider (Máy gia tốc hạt lớn) là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton (một trong các loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn. Mục đích chính của nó là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn – những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt. Trên lý thuyết, chiếc máy này được cho là sẽ chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs, những kết quả nghiên cứu từ chiếc máy này có thể chứng minh những dự đoán từ trước cũng như những liên kết còn thiếu trong mô hình chuẩn, và giải thích được những hạt sơ cấp khác có được những đặc tính như khối lượng như thế nào.

  9. “Đi qua gương” (go through the looking glass) là một cụm từ được mượn từ cuốn sách Through the Looking-Glass, and What Alice Found There (Alice ở Xứ Sở Trong Gương) của Lewis Carroll. Ở đây Aguirre muốn mời tác giả đi vào một thế giới những thứ kỳ quái của cơ học lượng tử, thứ mà chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu từ đoạn văn sau.

  10. Tạo mầm (nucleation) là bước đầu tiên trong sự hình thành một pha nhiệt động lực học mới hoặc một cấu trúc mới, thông qua sự tự lắp ráp (self-assembly) hoặc tự sắp xếp (self-organization). Tạo mầm thường được cho là giai đoạn có thể xác định xem người quan sát sẽ phải chờ bao lâu trước khi pha mới hoặc một cấu trúc tự sắp xếp xuất hiện. Ví dụ, nếu một lượng nước được làm lạnh (với áp suất không khí ở điều kiện tiêu chuẩn) dưới 0°C, nó sẽ thường đông lại thành đá, nhưng nếu nhiệt độ chỉ ở dưới vài độ dưới 0°C thì trong nước sẽ không có đá trong một thời gian dài. Trong điều kiện này, sự tạo mầm của đá bị chậm lại hoặc thậm chí không xảy ra. Tuy nhiên, ở nhiệt độ thấp hơn, các tinh thể nước đá xuất hiện sau thời gian ngắn. Trong điều kiện này thì sự tạo mầm diễn ra nhanh.

  11. Epicurus (Tiếng Hy Lạp: Έπίκουρος) (sinh năm 341 trước CN tại Samos – mất 270 trước CN tại Athens) là một nhà triết học Hy Lạp cổ đại, người đã khai sinh ra Thuyết Epicurean, một trường phái tư tưởng nổi tiếng trong triết học văn hóa Hy Lạp cổ đại kéo dài đến 600 năm.

  12. Station Wagon là một dòng xe ô tô với khoang hành lý được kéo dài ra phía sau.

  13. Phép phản chứng hay phương pháp phản chứng (còn được goi là reductio ad absurdum, tiếng La tinh có nghĩa là “thu giảm đến sự vô lý”) là một trong các phương pháp chứng minh gián tiếp. Phương pháp này chứng minh một phát biểu bằng cách cho thấy rằng kịch bản ngược lại sẽ dẫn đến một điều vô lý hoặc một sự mâu thuẫn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất