George Bernard Shaw hiểu được sức mạnh của tình yêu lãng mạn và sự gắn bó. Cả hai, tôi sẽ xác nhận, đều là sự mê đắm – mê đắm trong tuyệt vời khi mối quan hệ diễn ra tốt đẹp; mê đắm trong đau khổ khi tình yêu đổ vỡ. Hơn nữa, sự say mê ái tình này đã tiến hóa một thời gian dài trước đây, khi Lucy 1 cùng họ hàng và bạn bè của cô đi lang thang trên bãi cỏ vùng Đông Phi vào khoảng 3,2 triệu năm về trước.
Hãy nhìn vào tình yêu lãng mạn. Ngay cả người đang yêu trong hạnh phúc cũng thể hiện những đặc điểm của kẻ nghiện. Trước tiên, những người đàn ông và phụ nữ yêu mù quáng khao khát ở cạnh người tình của họ về mặt cảm xúc và thể xác. Sự khao khát này là thành phần trung tâm của mọi sự say mê. Những người đang yêu cùng cảm nhận được hạnh phúc dâng trào khi nghĩ về người đó, một hình thức của “say.” Khi nỗi ám ảnh được tạo nên, người đang yêu sẽ tìm mọi cách để gần gũi với người tình của họ nhiều hơn nữa, mà hiểu theo văn chương là “sự mãnh liệt.” Họ cũng hay suy nghĩ ám ảnh về người đó, một dạng ý nghĩ thâm nhập (intrusive thinking) căn bản của quá trình cai nghiện. Cũng bóp méo thực tại, thay đổi những sự ưu tiên, những thói quen thường nhật để phù hợp với người yêu, và thường làm những thứ bất hợp lý, nguy hiểm và quá khích để duy trì mối quan hệ với người đặc biệt ấy.
Cá tính của người đang yêu thậm chí có thể thay đổi, được hiểu là “sự xao động gây mủi lòng” (affect disturbance). Thực chất, nhiều kẻ ám ảnh sẵn sàng hy sinh vì người tình của họ, kể cả việc chết vì anh ta/cô ấy. Và giống như kẻ nghiện bị dày vò vì không có ma túy, người đang yêu cũng chịu đựng nỗi đau khi bị chia cắt khỏi nhân tình – hội chứng lo lắng vì xa cách (separation anxiety).
Tuy nhiên, rắc rối thực sự bắt đầu khi một người bị chối bỏ. Hầu hết những người đàn ông và đàn bà bị ruồng bỏ đều trải qua những dấu hiệu chung của sự cai nghiện, bao gồm giai đoạn phản kháng, kêu la, tình trạng suy sụp, lo lắng, xáo trộn giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít), biếng ăn hoặc thèm ăn, bực tức, và cảm giác đơn độc kéo dài.
Những người đang yêu cũng có triệu chứng tái phát như kẻ nghiện. Một thời gian dài sau khi mối quan hệ kết thúc, những sự kiện, con người, nơi chốn, bài hát hay những sự gợi nhớ khác từ bên ngoài liên quan đến người ra đi đều có thể đánh thức kỷ niệm. Điều này có thể nhen nhóm một vòng thèm khát mới, ý nghĩ thâm nhập, tiếng gọi dồn dập, viết thư hay thể hiện – tất cả đều mang niềm hy vọng thắp lại ngọn nến của sự lãng mạn. Bởi tình yêu lãng mạn thường liên quan tới một bộ những đặc điểm có mối liên hệ với tất cả các thói nghiện, một số nhà tâm lý học tin rằng tình yêu lãng mạn tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện.
Khi đồng sự của tôi tái phân tích dữ liệu, chúng tôi nhận thấy hoạt động ở vùng não có mối liên hệ với tất cả các thói nghiện.
Tôi nghĩ tình yêu lãng mạn là chất gây nghiện – như tôi đã đề cập, một thói nghiện tích cực là khi tình yêu được đáp lại, không gây hại, và phù hợp; và một thói nghiện tiêu cực là khi cảm xúc về tình yêu lãng mạn không phù hợp, gây hại, không được đáp lại hay chính thức bị từ chối.
Có người nói Einstein đã phát biểu rằng “Nếu lúc ban đầu ý tưởng nghe không hề ngớ ngẩn, thì nó hoàn toàn vô vọng.” Một số ít học giả và người bình thường cho rằng tình yêu mơ mộng là một thói nghiện – vì họ tin rằng tất cả các thói nghiện đều mang bệnh và gây hại. Tuy nhiên, dữ liệu lại không ủng hộ quan điểm này. Khi hai nhà thần kinh học Andreas Bartels và Semir Zeki so sánh bộ não của những người đang mê đắm trong tình yêu với bộ não của những kẻ nghiện vừa được tiêm ma túy hay các dạng thuốc phiện khác, nhiều vùng tương tự nhau trong hệ thống tưởng thưởng (reward system) của não bộ được kích hoạt. Hơn nữa, khi đồng sự của tôi tái phân tích dữ liệu về 17 người đàn ông và phụ nữ có mối tình hạnh phúc, chúng tôi nhận thấy hoạt động trong nhóm nucleus ở thể vân – nucleus accumbens (dữ liệu không được công bố) – một vùng của não bộ liên kết với tất cả thói nghiện – gồm cả việc thèm khát heroin, ma túy, nicotine, rượu, amphetamines (thuốc kích thích), các dạng thuốc phiện, và thậm chí bao gồm cả cờ bạc, tình dục, và thức ăn.
Những người đàn ông và phụ nữ say đắm trong tình yêu nghiện đối tác của họ. Người bạn đồng nghiệp trong thí nghiệm quét não của tôi, nhà thần kinh học Lucy Brown, đi đến kết luận rằng tình yêu lãng mạn là một thói nghiện tự nhiên, “một trạng thái biến đổi bình thường” được đa phần loài người trải nghiệm.
Sự lôi cuốn lãng mạn giờ đây được gắn với một bộ các đặc điểm tâm lý học, hành vi, và sinh lý học. Sự thu thập dữ liệu bắt đầu bằng màn phân tích kinh điển về sự điên rồ, được tìm thấy trong cuốn Love and Limerence (Tạm dịch: Ái tình và Sự say đắm) của Dorothy Tennov.
Tennov đã nghĩ ra khoảng 200 câu khẳng định về tình yêu lãng mạn rồi yêu cầu 400 người đàn ông và phụ nữ ở trong và xung quanh khuôn viên Đại học Bridgeport, bang Connecticut, đưa ra những phản hồi là “đúng” hay “sai.” Hàng trăm người trả lời lại bằng các phiên bản gần giống với bảng hỏi của cô. Từ sự phản hồi đó, cũng như nhật ký và những lý do cá nhân khác của họ, Tennov đã định nghĩa một nhóm người mang những đặc điểm chung của tình trạng “đang yêu”, một trạng thái được gọi “sự say đắm.”
Khía cạnh thú vị đầu tiên của tình yêu lãng mạn là giai đoạn khởi đầu của nó, cái khoảnh khắc một ai đó có “ý nghĩa đặc biệt.” Bạn bắt đầu chú ý một cách chủ đích đến anh/cô ta, tình trạng theo như các nhà khoa học hiểu là “sự nổi bật.” Nó có thể là việc ta nhìn thấy một người bạn cũ trong bộ dạng mới hoặc hoàn toàn xa lạ. Như một trong những người cung cấp tin tức của Tennov đã nói,“Thế giới của tôi đã biến đổi. Nó có một trung tâm mới và trung tâm đó chính là Marilyn.”
Tình yêu lãng mạn sau đó tiến triển theo một khuôn mẫu điển hình, bắt đầu bằng “ý nghĩ thâm nhập.” Những suy nghĩ về “nhân tình” bắt đầu xâm chiêm lấy tâm trí bạn. Những điều anh ấy nói cứ rung lên trong tai bạn; bạn nhìn thấy nụ cười của cô ấy, gợi nhớ lại một lời bình luận, một khoảnh khắc đặc biệt, một lời nói bóng gió – và thích thú với nó. Bạn tự hỏi rằng người ấy nghĩ gì về quyển sách bạn đang đọc, bộ phim bạn vừa xem, hoặc những rắc rối bạn đang gặp phải ở văn phòng. Và từng giây phút hai người bên nhau có một sức nặng và trở thành chất liệu cho sự hồi tưởng.
Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đầu tiên tôi tìm ra kết quả. Tôi cảm giác như thăng hoa lên tới chín tầng mây.
Ban đầu những ý nghĩ mộng mơ xâm nhập này có thể xảy ra bất thường. Nhưng nhiều người cho rằng, khi sự ám ảnh dần lớn lên, họ bỏ ra từ 85 đến 100% thời gian cả ngày lẫn đêm để lưu tâm chăm chú về một cá nhân đơn lẻ. Thật vậy, cùng với sự ám ảnh, những người đang yêu cũng mất khả năng tập trung vào những thứ khác, ví dụ như nhiệm vụ hằng ngày, công việc, trường học; họ dễ dàng bị mất tập trung. Hơn nữa, bắt đầu chú ý nhiều hơn vào những khía cạnh nhỏ nhặt của người ấy và phóng đại những đặc điểm này theo một quá trình được gọi là sự kết tinh. Sự kết tinh khác với lý tưởng hóa ở chỗ những người yêu say đắm thực sự vẫn biết được điểm yếu của thần tượng. Thực ra, những những tham gia vào cuộc khảo sát của Tennov vẫn liệt kê ra được những điểm yếu của đối phương. Nhưng họ chỉ đơn thuần là gạt chúng qua một bên hoặc tin tưởng rằng những điểm yếu đó là độc đáo và quyến rũ. Như Chaucer đã nói: “Tình yêu là mù quáng.”
Điều thiết yếu trong sự mộng tưởng của những người cung cấp thông tin trong cuộc khảo sát Tennov là ba cảm xúc chủ chốt này: sự khao khát, hy vọng và sự bất định. Giả sử đối phương hồi đáp rất nhẹ nhàng thôi, những người yêu say đắm cũng mộng mơ về những mảnh ghép quý giá đó trong nhiều ngày. Nếu đối phương khước từ lời đề nghị của họ, sự bất định sẽ chuyển thành vô vọng và không có sức sống (được biết đến như là sự vô cảm – anhedonia). Người đang yêu sẽ đờ đẫn, ủ dột cho đến khi anh/cô ta xoay xở để giải thích cho sự đình trệ này và phục hồi quyết tâm. Những điều gây bất hòa chủ yếu là nghịch cảnh và rào cản xã hội; những thứ này làm tăng cao niềm say mê lãng mạn và niềm khao khát – một hiện tượng mà tôi gọi là “sự hấp dẫn khó chịu.”
Và tất cả mọi thứ đằng sau cảm giác bồn chồn và sung sướng này là nỗi sợ hãi tuyệt đối. Một tài xế xe tải 28 tuổi đã mô tả cảm giác của đa số những người cung cấp thông tin là: “Tôi hồi hộp tới mức không kiểm soát được,” anh nói. “Nó giống như cái mà bạn gọi là nỗi sợ sân khấu, như khi bạn đứng trước mặt khán giả. Tay tôi run lên khi tôi rung chuông cửa. Khi gọi điện cho cô ấy, tôi có cảm giác như nhịp đập trong đầu tôi còn to hơn cả tiếng chuông điện thoại.”
Năng lượng dâng trào (sự hưng cảm nhẹ) là một trọng điểm khác của tình yêu lãng mạn. Những người bị mê hoặc này có biểu hiện rùng mình, tái nhợt, đỏ mặt, sự yếu đuối thông thường, trở nên cực kỳ vụng về và nói lắp, cũng giống như một hay nhiều phản ứng của hệ thần kinh giao cảm, bao gồm ra mồ hôi, dạ dày cồn cào, tim đập thình thịch, khó ăn hoặc khó ngủ. Một số người thậm chí còn cảm thấy sự mất mát các khả năng và kỹ năng cơ bản.
Stendhal, tiểu thuyết gia người Pháp sống vào thế kỷ 19 đã mô tả hoàn hảo cảm xúc này. Gợi nhớ về những buổi chiều đi dạo cùng người yêu, ông viết rằng, “Bất cứ lúc nào tôi choàng tay vào Léonore, tôi luôn cảm giác như sắp ngã gục, và tôi phải chỉnh lại cách đi đứng.” Xấu hổ, hào hứng, nỗi sợ bị từ chối, mong muốn hỗ trợ nhau, và sự thúc đẩy mạnh mẽ để có được người đặc biệt ấy là những cảm giác trọng tâm khác của sự cuồng si lãng mạn. Những người đang yêu rất dễ ghen. Một số người thậm chí còn tới mức độ muốn bảo vệ mối quan hệ tình cảm đang nảy nở, mà các nhà nghiên cứu hành vi động vật biết đến là “sự bảo vệ bạn tình.”
Trên hết, những người tham gia vào khảo sát của Tennov biểu lộ sự bất lực, là cảm giác mà sự ám ảnh là vô lý, không hề tự nguyện, không dự tính, không kiểm soát. Như một nhà điều hành kinh doanh ở tuổi ngũ tuần đã viết về người bạn tình công sở của ông, “Tôi đang đi đến luận điểm rằng sức hút với Emily là một hành động sinh học, tựa như bản năng mà không chút tự nguyện hay kiểm soát lý trí… Nó điều khiển tôi. Tôi cố gắng giằng xé một cách tuyệt vọng, để hạn chế sức ảnh hưởng của nó, để chuyển hướng nó (vào tình dục, chẳng hạn), để phủ nhận, để tận hưởng, và khốn nạn, để khiến cô ấy (người yêu anh ta) phản hồi! Dù tôi thừa biết rằng Emily và tôi hoàn toàn không thể chung sống với nhau, ý nghĩ về cô ấy cứ như một nỗi ám ảnh.”
Tình yêu lãng mạn dường như là một bộ các xúc cảm mãnh liệt, lao nhanh như tàu cao tốc trên cao xuống, xoay quanh con lắc mang hình dáng một người mà những mong muốn bất chợt của anh/cô ta dẫn đến sự hủy hoại mọi thứ xung quanh bạn – bao gồm công việc, gia đình và bạn bè. Và những ý nghĩ, xúc cảm, sự thúc đẩy của bức khảm không tự nguyện này chỉ một phần nào đó liên quan tới tình dục. Những kẻ cuồng si trong khảo sát Tennov khao khát được làm tình với người yêu. Tuy nhiên, ham muốn thể xác này lại bị che mờ bởi một khao khát mãnh liệt hơn. Họ muốn tình yêu của họ gọi điện, viết thư, rủ họ ra ngoài, và trên hết là có cùng sự say mê giống họ. Với những người đàn ông và đàn bà cuồng si, sự hòa hợp về cảm xúc đánh bại ham muốn thể xác. Trên thực tế, 95% phụ nữ trong khảo sát Tennov và 91% nam giới của họ phủ nhận mệnh đề “Điều quan trọng nhất của tình yêu là tình dục.”
Hơn nữa, những cảm xúc này có thể bùng nổ ở bất kỳ độ tuổi nào. Tôi phát hiện ra điều này khi tự tay thiết kế ra bảng câu hỏi khảo sát về tình yêu lãng mạn và thu thập dữ liệu của 437 người Mỹ và 402 người Nhật. Những người qua độ tuổi 45 và dưới 25 không hề có biểu hiện khác biệt nào về mặt số liệu trong khoảng 82% câu hỏi. Những xúc cảm mãnh liệt của tình yêu thường xảy ra lần đầu vào tuổi dậy thì. Nhưng ngay cả trẻ em cũng có thể trải qua một “sự cảm nắng” hay tình yêu trẻ con.
Người trẻ nhất bị mắc kẹt trong lưới tình mà tôi từng gặp là một câu bé hai tuổi rưỡi. Mỗi khi cô bé đặc biệt kia đến nhà cậu chơi chung, cậu chỉ ngồi vuốt ve mái tóc cô bé; sau khi cô rời đi, cậu chán nản trong khoảng 2 giờ liền. Cô bé đặc biệt; cậu chàng tương tư.
Vào năm 1996, tôi bắt đầu một dự án để dựng nên những gì xảy ra trong não bộ khi bạn yêu sâu đậm, cuồng si. Đầu tiên tôi lập một thí nghiệm. Tôi thu thập dữ liệu về hoạt động của não bộ (sử dụng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng – fMRI 2) khi những đối tượng đang yêu thực hiện hai nhiệm vụ riêng biệt: nhìn chằm chằm vào tấm ảnh của người họ yêu và nhìn vào tấm ảnh của ai đó không có tác động gì về cảm xúc với họ. Trong khi nhìn vào những tấm hình tích cực và trung tính này, họ sẽ thực hiện một nhiệm vụ gây xao nhãng. Trong tình huống này, tôi chiếu một con số lớn trên màn hình (như 6.137 chẳng hạn) và yêu cầu người tham gia đếm ngược từ con số này theo hệ số bảy. Tôi hy vọng điều này sẽ xóa sạch những cảm xúc mạnh liệt của não bộ giữa biểu hiện với người yêu và biểu hiện với sự kích thích trung tính. Sau đó tôi sẽ so sánh hoạt động của não bộ xảy ra dưới tác động của ba điều kiện này.
Giả thuyết của tôi ư? Trước tiên, tôi hoài nghi mình có thể tìm thấy hoạt động hưng phấn của hệ thống não bộ với dopamine – một chất kích thích tự nhiên – vì hệ thống não bộ này sản sinh ra năng lượng, sự hào hứng, khao khát, tập trung và động lực, một vài đặc điểm cốt lõi của tình yêu. Tôi cũng cho rằng chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine (chất cường giao cảm) 3 có thể góp phần vào sự điên cuồng này, bởi vì chất dẫn truyền thần kinh này cũng tạo ra sự tập trung và động lực, cũng như một số phản hồi cơ thể với tình yêu lãng mạn như cồn cào trong bụng, đầu gối loạng choạng, và khô miệng. Và tôi nghĩ rằng hệ thống serotonin có thể tạo nên những ý nghĩ thâm nhập, ám ảnh về sự say mê lãng mạn. Cuối cùng, tôi hy vọng rằng những hệ thống phân tử thần kinh khác cũng kết hợp với nhau sản sinh ra một loạt các cảm xúc, sự thúc đẩy và hành vi phổ biến đối với tình yêu. Nhưng cái tôi đánh cược vẫn là dopamine.
Những người bị tình yêu ruồng bỏ vẫn yêu điên dại và gắn bó sâu đậm với nhân tình đã ruồng bỏ họ. Những người đó đang chịu đựng nỗi đau về mặt thể xác và tinh thần.
Sau đó, cùng với Brown, nhà tâm lý học Art Aron, và những người khác, tôi cho 17 người mới yêu vào một máy quét não: 10 nữ và 7 nam những người đã yêu rất nhiều và rất hạnh phúc trong khoảng trung bình 7,4 tháng. Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc lần đầu tôi nhìn thấy kết quả. Tôi đang đứng trong phòng thí nghiệm tối đen của Đại học Y Dược Albert Einstein. Tôi cảm giác như thăng lên tận mây xanh. Trước mắt tôi là bản scan các chấm nhỏ của VTA (ventral tegmental area), một nhà máy nhỏ gần nền não, nơi tiết ra dopamine và bơm chất kích thích này đến nhiều khu vực khác của não bộ. Chúng tôi nhận thấy hoạt động ở nhiều khu vực khác của não bộ, nhưng VTA thì đặc biệt quan trọng. Nhà máy này là một phần của hệ thống tưởng thưởng trong não bộ, mạng lưới bộ não phát ra tín hiệu ham muốn, săn lùng, khát khao, năng lượng, sự tập trung và động lực. Không còn nghi ngờ gì khi họ có thể thức trắng đêm để nói chuyện và vuốt ve. Không nghi ngờ gì cả khi họ trở nên cực kỳ đãng trí, choáng váng, lạc quan, thích tụ tập và yêu đời. Họ đang thăng hoa theo “tốc độ” tự nhiên. Và đàn ông cảm nhận được sự say mê này mạnh mẽ y như phụ nữ. Tennov đã viết về hơn 800 người cung cấp tin rằng đàn ông và phụ nữ trải qua sự mê đắm cuồng nhiệt này “ở một tỉ lệ gần như ngang bằng nhau.” Tôi và các đồng sự giờ đây đã xác nhận điều này. Trong nghiên cứu fMRI về những thanh niên hạnh phúc trong tình yêu, nam giới cho thấy các hoạt động trong khu vực VTA và các đường dẫn truyền thần kinh khác cũng nhiều như nữ giới. Hơn nữa, khi đồng sự của tôi tái thực hiện cuộc thí nghiệm quét não tại Trung Quốc, những người Trung Quốc tham gia vào cũng cho thấy các hoạt động trong khu VTA và các đường dẫn truyền dopamine khác – đường dẫn truyền thần kinh của sự ham muốn. Hầu hết mọi người trên trái đất đều cảm nhận sự say mê giống nhau.
Thực chất, bởi vì khu VTA nằm gần các vùng não nguyên sơ gắn liền với đói và khát, tôi dần nhận ra rằng tình yêu là động lực cơ bản của con người. Cộng sự thực hiện quét não với tôi, ông Brown đã bổ sung vào phương diện này, nói rằng tình yêu là bản năng sống còn cần thiết như khát nước vậy. Động lực này, bản năng sống còn này, còn được gọi là thói nghiện.
Hơn nữa, chúng ta không phải là những sinh vật duy nhất có phản ứng với tình yêu. Khi một con chuột cái ở đồng cỏ Canada biểu lộ sự thu hút với con đực, nó đã làm tăng lên 50% hoạt tính dopamine trong các phần của hệ thống tưởng thưởng. Dopamine tăng cao cũng có mối liên hệ với sự thu hút bạn tình ở cừu cái. Vì thế, bản năng hấp dẫn thuộc thần kinh này chắc chắc bao bao gồm cả loài chim và động vật có vú, để khiến cho các cá thể chú ý tập trung vào các đối tượng kết thân riêng biệt, từ đó bảo toàn sức lực và thời gian tìm hiểu quý báu. Tuy nhiên, ở nhiều loài vật, sự hấp dẫn này rất ngắn ngủi, diễn ra chỉ trong vài phút, vài giờ, vài ngày, hoặc vài tuần. Ở người, giai đoạn đầu cuồng nhiệt có thể khéo dài lâu hơn hẳn.
Tuy vậy, luôn có sự khác biệt trong trải nghiệm này. Các hoạt động ở đường biên của dopamine (cũng như norepinephrine và serotonin) biến đổi từ người này tới người kế tiếp – việc biến đối thiên hướng của một ai đó một cách tiềm ẩn để yêu và mãi yêu. Nhưng các hệ thống não bộ khác cũng có thể ảnh hưởng đến sự lãng mạn. Ví dụ, một số người nói rằng họ không cảm nhận được tình yêu, mắc phải bệnh suy giảm tuyến yên (hypopituitarism), một bệnh hiếm gặp khi tuyến yên bị trục trặc, gây ra vấn đề về hormone và “mù yêu”. Những người đàn ông và phụ nữ này vẫn sống bình thường; một số kết hôn vì thân thiết; nhưng sự hạnh phúc đó, sự tan vỡ trái tim đó, là một bí ẩn với họ. Hơn nữa, tâm thần phân liệt (schizophrenia), rối loạn thần kinh (Parkinson’s disease), và những căn bệnh khác cũng làm thay đổi đường dẫn truyền dopamine.
Giống như bất kỳ thói nghiện nào, tình yêu cũng khiến cuộc sống của ta hỗn loạn – đặc biệt là lúc chia tay.
Để hiểu rõ hơn về hệ thống thần kinh liên kết với sự chối bỏ trong tình yêu, tôi cùng các đồng nghiệp đã dùng fMRI để nghiên cứu 10 phụ nữ và 5 đàn ông vừa mới chia tay. Thời gian trung bình cho lần chia tay đầu tiên là 63 ngày. Tất cả những người tham gia đều đạt điểm cao trong Bảng đo lường tình yêu cuồng nhiệt (Scale Love Passionate), một bảng khảo sát tự thuật phân loại cảm xúc mãnh liệt khi yêu. Tất cả đều nói rằng họ dùng 85% quỹ thời gian tỉnh táo để nghĩ về người đã từ chối họ. Và tất cả đều mong muốn tình yêu của mình trở lại.
Kết quả thật bất ngờ. Một số khu vực trong hệ thống tưởng thưởng của não bộ được kích hoạt. Bao gồm khu VTA liên kết với cảm xúc yêu đương mãnh liệt, vùng ventral pallidum gắn với cảm giác gắn bó sâu đậm; vỏ não thùy đảo (insular cortex) cùng vỏ não vành trước (anterior cingulate) gắn với nỗi đau thể xác, sự lo lắng, và nỗi khốn khổ gắn liền với nỗi đau thể xác; và nhóm nucleus ở thể vân (nucleus accumbens) cùng vỏ não trước trán (orbitofrontal/prefrontal cortex), các vùng não quyết định sự được mất – cũng như ham muốn và nghiện ngập.
Khi những kẻ đang yêu gặp sự ngăn trở với cảm xúc lãng mạn, sự mê đắm của họ càng mãnh liệt hơn – cái mà tôi gọi là sự hấp dẫn khó chịu.
Điều liên quan nhất trong câu chuyện là hoạt động ở một vài vùng của não bộ này gắn với tình trạng thèm thuốc của những người nghiện cocain và các loại ma túy khác. Tóm lại, như dữ liệu quét não của chúng tôi cho thấy, những người bị tình yêu ruồng bỏ vẫn yêu điên cuồng và gắn bó sâu đậm với người ruồng bỏ họ. Những người đó đang chịu đựng nỗi đau về mặt thể xác lẫn tinh thần. Như con chuột chạy vòng vòng trong bánh xe, họ không ngừng nghĩ về những điều đã mất. Và họ thèm khát được tái hợp với người đã từ chối họ – giống khi bạn nghiện thuốc vậy.
Chỉ có một số ít chúng ta thoát ra khỏi tình yêu mà không xây xát gì. Trong một cộng đồng các trường Đại học của Mỹ, 93% cả hai giới nói rằng họ bị người yêu bỏ rơi, trong khi 95% nói rằng họ từng bỏ rơi người từng yêu say đắm họ. Và đây có thể chỉ là sự thất vọng đầu tiên. Rất nhiều người có thể bị bỏ rơi thêm lần nữa sau này.
Có một khuôn mẫu cho quỹ đạo ruồng bỏ – hồi phục này. Trong suốt giai đoạn thứ nhất, giai đoạn biểu tình, người bị bỏ rơi sẽ làm việc điên cuồng để lấy lại tình cảm của bạn tình đã bỏ rơi họ. Khi sự buông bỏ/nỗi tuyệt vọng diễn ra, họ từ bỏ hi vọng và trượt dài vào trầm cảm. Cả hai đều liên quan tới hệ thống dopamine trong não bộ. Và tôi nghi ngờ rằng cả hai giai đoạn đều gắn liền với tâm trí của thành viên thuộc Tông Người (hominin) 4 trước lúc Lucy đang yêu, thậm chí có thể cô ấy mất đi người mình yêu từ rất lâu về trước rồi.
“Hy vọng càng ít ỏi, tôi càng yêu cô ấy nhiều hơn.” Hơn 2.000 năm trước Terence, nhà thơ người La Mã, đã nắm bắt được trải nghiệm này. Khi những kẻ đang yêu gặp sự ngăn trở với cảm xúc lãng mạn, sự mê đắm của họ càng mãnh liệt hơn – cái mà tôi gọi là sự hấp dẫn khó chịu. Nghịch cảnh làm tăng cao cảm xúc tình yêu. Hiện tượng này được đóng rễ trong não bộ. Khi phần thưởng bị hoãn lại trên đường, neuron trong hệ thống dopamine vẫn tiếp tục hoạt động – duy trì cảm xúc dữ dội về tình yêu. Thói nghiện đã được thiết lập.
Mặc dù khi tình yêu không hề gây hại, nó vẫn gắn liền với sự khao khát cực độ và nỗi lo lắng.
Sự mệt mỏi khiến cho phản hồi dopamine tăng lên. Khi động vật có vú trải qua cơn stress lần đầu, giữa các phản ứng cơ thể là hoạt động tăng cao của dopamine, norepinephrine và sự kiềm nén serotonin trung tâm, được biết đến là “sự phản hồi lại stress”. Những người bị bỏ rơi cũng có thể chịu đựng sự công kích khó chịu này, cái mà các nhà tâm lý học gọi là “sự phẫn nộ khi bị ruồng bỏ”. Dù cho người kia có ra đi với niềm tiếc thương và tỏ ra rất tử tế tôn trọng trách nhiệm của anh/cô ta như một người bạn hay cùng chia sẻ nghĩa vụ làm cha mẹ, nhiều người bị bỏ rơi vẫn loanh quanh trong sự đổ vỡ và phẫn nộ – một cách phản hồi khác của những mối liên kết trong hệ thần kinh.
Hệ thống phẫn nộ cơ bản được liên kết gần gũi với trung tâm của vỏ não trước trán , phần mong đợi phần thưởng. Vậy nên khi một người biết được phần thưởng bị phá hủy, thậm chí là không thể có được, những vùng này của vỏ não trước trán sẽ kích thích amygdala kích động sự tức giận, một đặc điểm khiến tim mệt mỏi, tăng huyết áp, ngăn chặn hệ thống miễn dịch. Sự phẫn nộ này đáp lại mong muốn không được thực thi là điều rất hay gặp ở động vật có vú. Khi chú mèo được vuốt ve, nó phát ra âm thanh nhẹ nhàng. Khi sự kích thích dễ chịu này bị rút lại, thi thoảng nó sẽ cắn.
Thực sự, niềm say mê lãng mạn và sự phẫn nộ khi bị ruồng bỏ có khá nhiều điểm chung. Cả hai đều liên quan tới sự tác động về thể chất và tinh thần; cả hai đều sản sinh ra suy nghĩ ám ảnh, sự tập trung, sự thúc đẩy và hành vi hướng đến mục tiêu; và cả hai đều tạo ra niềm khao khát dữ dội – hoặc cho sự đoàn tụ hoặc là sự trả thù người đã bỏ rơi họ. Hơn nữa, những xúc cảm về tình yêu lãng mạn và sự giận dữ có thể xảy ra đồng thời. Trong một cuộc nghiên cứu 124 cặp đôi đang hẹn hò, Bruce Ellis và Neil Malamuth phát biểu rằng tình yêu và “sự giận dữ/buồn bã” phản ứng với các kiểu thông tin khác nhau. Mức độ giận dữ/buồn bã của những người đang yêu loay hoay đáp lại những sự kiện làm hao mòn mục tiêu của họ, như sự phản bội của bạn tình, bất định về cảm xúc hoặc chối bỏ. Cảm xúc của những người đang yêu thì dao động đáp trả những sự kiện nâng cao mục tiêu của họ như sự hỗ trợ xã hội hữu hình của người ấy trong suốt chuyến dã ngoại cùng gia đình và người thân hay lời tuyên bố trực tiếp về tình yêu và sự tín nghĩa.
Vậy nên, tình yêu và sự giận dữ/buồn bã có thể xảy ra đồng thời, thêm sự mãnh liệt vào sự cai nghiện. Chúng ta chắc chắn được thừa hưởng sự hồi đáp biểu tình này, để chấm dứt bản năng cơ bản của động vật có vú đã châm ngòi mỗi khi bất kỳ sự gắn bó xã hội bị tan vỡ.
Hãy lấy chú cún làm ví dụ. Khi chúng bị tách khỏi mẹ và đặt trong nhà bếp một mình, chúng bắt đầu đi đi lại lại, hối hả nhảy qua cánh cửa, sủa rồi rên rỉ để chống cự. Những con chuột con bị cô lập không ngừng tuôn ra tiếng khóc rên rỉ; chúng hầu như không ngủ vì sự kích động não bộ quá mạnh mẽ. Mục đích của sự chống cự này là: tăng cao cảnh báo và kích thích sinh vật bị bỏ rơi phải mắng nhiếc, lùng sục và kêu gọi sự giúp đỡ. Sự chống cự, phản hồi mệt mỏi, hấp dẫn khó chịu, phẫn nộ khi bị bỏ rơi, khát khao và những triệu chứng từ bỏ: Tất cả đều đóng vai trò trong sự tác động toàn thế giới về những tội phạm của niềm say mê.
Giống như mọi thói nghiện, tình yêu có thể dẫn đến bạo lực. Tuy vậy, dần dần kẻ si tình bị chối từ cũng sẽ từ bỏ. Anh/cô ta chấm dứt màn theo đuổi người mình yêu, mở ra giai đoạn chung thứ hai của sự chối bỏ lãng mạn, là màn chia tay/tuyệt vọng. Trong suốt giai đoạn này, người bị chối bỏ trượt dốc trong trạng thái lờ đờ, sự nản lòng, u sầu và trầm cảm, được biết đến là sự phản hồi tuyệt vọng. Trong một cuộc nghiên cứu trên 114 người đàn ông và phụ nữ bị người tình bỏ rơi trong vòng tám tuần, 40% trong số đó trải qua tình trạng trầm cảm vừa phải. Một số thậm chí đã chết vì đau tim hay đột quỵ do trầm cảm. Số khác lại tự tử.
Chắc chắn hầu hết những trái tim tan vỡ đó cảm nhận được nỗi buồn trong suốt giai đoạn chống cự, nhưng chúng có thể tăng dần khi mọi hy vọng sụp đổ. Tình trạng tuyệt vọng này liên kết với mạng lưới não bộ. Nhưng, lại một lần nữa, dopamine là đối tượng có khả năng tham gia nhiều nhất. Khi các cá thể bị bỏ rơi dần tin rằng phần thưởng sẽ không bao giờ đến, các tế bào tiết ra dopamine trong hệ thống tưởng thưởng làm giảm hoạt động của họ, tạo nên trạng thái lờ đờ, u sầu và trầm cảm. Sự mệt mỏi ngắn hạn làm tăng cao sự sản sinh ra dopamine và norepinephrine. Sự mệt mỏi kéo dài kìm hãm các hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh, tạo nên trầm cảm thay thế.
Rất nhiều chuyên gia định nghĩa thói nghiện như một tình trạng hỗn loạn mất kiểm soát và gây rối. Và bởi vì tình yêu lãng mạn là trải nghiệm tích cực theo hoàn cảnh (không gây hại), nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa sẵn sàng để chính thức phân loại tình yêu lãng mạn là một thói nghiện. Nhưng tình yêu lãng mạn đơn thuần giống như bất kỳ thói nghiện nào khác, dưới hình thức khuôn mẫu ứng xử và bản năng não bộ. Dù khi tình yêu lãng mạn không hề gây hại, nó vẫn gắn liền với sự khát khao mạnh mẽ, sự lo lắng bồn chồn, và có thể thúc đẩy những người đang yêu để tin, nói, làm những điều nguy hiểm và không được khuyến khích. Hơn nữa, mọi hình thức lạm dụng các hợp chất gây nghiện, bao gồm rượu, các loại thuốc phiện, cocaine, amphetamines, cần sa và thuốc lá (cũng như các thói nghiện phi hợp chất khác như thức ăn, cờ bạc, và tình dục) đều kích hoạt một vài đường dẫn truyền nhận thưởng, thứ cũng được kích hoạt trong cả nam và nữ khi họ hạnh phúc vì yêu cũng như khi họ bị từ chối.
Tuy nhiên, không giống như mọi thói nghiện khác chỉ gây đau đớn cho một số ít, một số hình thức của sự say mê ái tình có thể xảy ra với hầu hết mọi người tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Dữ liệu hiện đại cho thấy tình yêu lãng mạn nên được xem xét như một thói nghiện, dù là nó không được phân loại chẩn đoán chính thức như vậy.
Con người dường như bị thúc đẩy bởi làn sóng cảm xúc lên xuống với nhịp đập bên trong, nhịp đập nổi lên khi tổ tiên chúng ta lần đầu tiên tụt xuống những cái cây của Châu Phi và phát triển nhịp độ của mối quan hệ cùng lúc với vòng tuần hoàn sinh nở – ba đến bốn năm. Có lẽ các hệ thống của bộ não như dopamine, vasopressin, oxytocin và các chất dẫn truyền thần kinh khác hòa nhạc cho nhịp đập này, lên cao khi bạn rơi vào lưới tình, biến đổi khi bạn cảm nhận sự gắn bó sâu sắc và sự đoàn tụ hài hòa, sau đó là bớt nhạy cảm hoặc bị quá tải, dẫn đến sự vô cảm hoặc cảm giác bồn chồn từ từ ăn mòn tình yêu của bạn và tiến đến sự chia ly – giai đoạn khốn khổ có thể châm ngòi cho nguồn gốc của mọi thói nghiện, nghiện một bạn tình.
Lucy là người nữ thuộc giống vượn người nguyên thủy phương Nam (Australopithecine afarensis) sống khoảng 3,2 triệu năm trước. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hài cốt của cô vào khoảng 41 năm về trước tại một thung lũng ở Hadar, Ethiopia (Đông Phi) và tin rằng đây chính là “bà tổ” của nhân loại.↩
fMRI (Functional Magnetic Resonance Imaging): chụp cộng hưởng từ chức năng – một phương pháp phổ biến để quét não, trong các thí nghiệm khoa học thần kinh và tâm lý học.↩
Norepinephrine là chất dẫn truyền thần kinh đảm nhận vai trò giao tiếp với hệ thần kinh cường giao cảm (Sympathetic nervous system), mà được cho rằng có liên quan tới việc sản sinh ra các trạng thái bồn chồn, kích thích cao độ mà từ đó có thể gây ra chứng rối loạn lo âu (anxiety disorders) và các tình trạng liên quan tới căng thẳng khác.↩
Tông Người (danh pháp khoa học: Hominini) là một tông trong Phân họ Người (Homininae) chỉ bao gồm các loài người (chi Homo), tinh tinh (chi Pan) cùng các tổ tiên đã tuyệt chủng của chúng. Các thành viên trong tông này trong khoa học được gọi là hominin.↩
đọc quen quen, hình như có điểm chung với 1 video TED
đúng rồi bạn, tác giả bài viết này cũng chính là diễn giả trong video TED đó