Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Stephen Jay Gould | Nguồn: UMass
Biên dịch: Phúc Trần | Hiệu đính:  Dexter
08/11/2017

Cuộc sống của tôi gần đây đã có cuộc gặp gỡ theo cách riêng tư nhất với hai câu châm biếm nổi tiếng của Mark Twain1. Một câu tôi sẽ để dành đến cuối bài viết này. Câu còn lại (đôi khi được gán cho Disraeli2) điểm mặt ba phương pháp xuyên tạc, cái sau tồi tệ hơn cái trước: dối trá, dối trá, và thống kê.

Hãy xem xét một ví dụ thông dụng về cách sử dụng các con số để thổi phồng sự thật – một trường hợp khá phù hợp với câu chuyện của tôi.

Thống kê sử dụng các phương pháp khác nhau để tính “trung bình” (average)3, hay một khuynh hướng trung tâm. Trung bình cộng (mean) là khái niệm thường dùng để mô tả trung bình – tính tổng của các phần tử và chia cho số phần tử (trong một thế giới công bằng, nếu 5 đứa trẻ xin được 100 thanh kẹo trong lễ Halloween tiếp theo thì mỗi đứa sẽ có 20 thanh). Trung vị (median), một cách khác để gợi lên khuynh hướng trung tâm, là điểm chính giữa. Nếu tôi sắp xếp năm đứa trẻ theo chiều cao, đứa trẻ ở giữa sẽ thấp hơn hai đứa này và cao hơn hai đứa khác (hai đứa thấp hơn có thể sẽ gặp khó khăn khi chúng muốn phân chia kẹo một cách công bằng). Một chính khách cầm quyền có thể tuyên bố đầy kiêu hãnh rằng: “Thu nhập trung bình của người dân là $15.000 một năm.” Thủ lĩnh phe đối lập có thể phản bác: “Nhưng một nửa người dân kiếm được ít hơn $10.000 mỗi năm.” Cả hai đều đúng, nhưng họ đều không sử dụng thống kê một cách khách quan. Người thứ nhất đã sử dụng giá trị trung bình cộng, người thứ hai sử dụng giá trị trung vị (median) (Trung bình cộng lớn hơn trung vị trong những trường hợp như thế này vì một triệu phú có thể có ảnh hưởng đến kết quả tính trung bình cộng nhiều hơn hàng trăm người nghèo, trong khi người đó chỉ có thể cân bằng với một kẻ hành khất khi tính trung vị).

Có một vấn đề lớn hơn và rắc rối hơn gây ra sự nghi ngờ và khinh thị đối với thống kê. Nhiều người đã đề ra sự phân biệt đầy bất hạnh và vô căn cứ giữa trái tim và trí óc, nói cách khác là giữa cảm xúc và lý trí. Theo một số phong tục đương thời, được tiếp tay bởi thái độ thường được cho là tập trung ở Nam California, cảm xúc được tôn vinh như là cơ sở đúng đắn duy nhất cho hành động – nếu bạn cảm thấy thế là tốt, cứ làm đi – trong khi lí trí bị xem là tàn dư của chủ nghĩa quý tộc lỗi thời. Thống kê, do sự phân biệt ngớ ngẩn này, thường trở thành biểu tượng của kẻ thù. Như Hilaire Belloc viết: “Thống kê là chiến thắng của phương pháp định lượng, và phương pháp định lượng là chiến thắng của sự cằn cỗi và cái chết.”

Đây là một câu chuyện cá nhân về thống kê, được diễn giải đúng đắn, với vai trò là một nguồn dưỡng chất và sinh lực. Nó phát động một cuộc thánh chiến với thái độ hạ thấp lí trí bằng cách kể một câu chuyện nhỏ về tính thiết thực của những kiến thức khoa học hàn lâm khô khan. Trái tim và bộ óc là hai trung tâm của cùng một cơ thể, một nhân cách.

Vào tháng bảy năm 1982, tôi phát hiện ra mình mắc ung thư trung biểu mô ổ bụng (abdominal mesothelioma), một loại ung thư hiếm gặp và nghiêm trọng thường có liên hệ với phơi nhiễm amiang. Khi vừa hồi phục sau cuộc phẫu thuật, tôi đặt câu hỏi đầu tiên với bác sĩ và chuyên gia hóa trị liệu của mình: “Tài liệu chuyên môn nào là tốt nhất về ung thư trung biểu mô thế?” Cô ấy trả lời, với một chút xã giao (đó là lần duy nhất cô ấy cư xử theo cách nào đó khác ngoài sự thẳng thắn bộc trực), rằng chẳng có gì đáng đọc trong các tài liệu y khoa cả. Tất nhiên, cố giữ một trí thức tránh khỏi các tài liệu cũng có ích như khuyên loài Homo sapiens, loài linh trưởng có ham muốn tình dục mạnh mẽ nhất, tiết dục vậy. Ngay khi có thể đi lại, tôi đã gửi thư cho Thư viện Y khoa Countway của Harvard và nhập cụm từ ung thư trung biểu mô vào chương trình tìm kiếm tài liệu tham khảo trên máy tính. Một giờ sau, với những tài liệu mới nhất về ung thư trung biểu mô, tôi nhận ra, với một cái nuốt khan, tại sao bác sĩ của tôi lại đưa ra lời khuyên nhân đạo đó. Các tài liệu không thể rõ ràng và tàn nhẫn hơn: ung thư trung biểu mô không thể chữa được, với tỉ lệ tử vong trung vị chỉ 8 tháng sau khi phát hiện. Tôi đã cảm thấy choáng váng trong khoảng mười lăm phút, sau đó tôi mỉm cười và tự nhủ rằng: vậy ra đó là lý do họ không cho mình đọc bất cứ thứ gì. Sau đó, bộ não của tôi bắt đầu làm việc lại, ơn chúa.

Nếu một chút học vấn có thể là một thứ nguy hiểm4 thì tôi đã bắt gặp một ví dụ kinh điển. Thái độ đóng vai trò rất quan trọng khi chiến đấu với ung thư. Chúng ta không biết tại sao (theo quan điểm duy vật kiểu cũ của mình, tôi cho rằng những trạng thái tinh thần có tác động phản hồi lên hệ miễn dịch). Tuy nhiên khi so sánh các bệnh nhân ung thư ở cùng độ tuổi, giai cấp, tình trạng sức khỏe, và tình trạng kinh tế xã hội thì những người có thái độ tích cực, có mục đích sống và ý chí mạnh mẽ, có quyết tâm đấu tranh với căn bệnh, có thái độ phản hồi tích cực trong việc hỗ trợ quá trình điều trị của bản thân và không thụ động chấp nhận mọi thứ bác sĩ nói, có xu hướng sống lâu hơn. Vài tháng sau, tôi hỏi cố vấn khoa học của mình, Sir Peter Medawar, người từng đạt giải Nobel về miễn dịch học, về phương thuốc chữa ung thư tốt nhất. Ông đã trả lời rằng đó là “Một tính cách lạc quan.” Vì người ta không thể thay đổi bản thân trong một thời gian ngắn để phục vụ một mục đích xác định được nên thật may mắn khi tôi có thể nói rằng mình sở hữu một tính cách bình tĩnh và tự tin trong đúng hoàn cảnh đó.

Phương thuốc chữa ung thư tốt nhất là một tính cách lạc quan.

Vì thế, đây là tình huống khó xử cho những bác sĩ theo chủ nghĩa nhân đạo: nếu thái độ thật sự quan trọng đến thế, liệu có nên thông báo một kết quả u ám như vậy hay không, nhất là khi rất ít người có đủ hiểu biết về thống kê để đánh giá ý nghĩa thật sự của các phát biểu. Nhờ nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu quá trình tiến hóa trên quy mô nhỏ của loài sên Bahamian theo phương pháp định lượng, tôi đã có được loại kiến thức chuyên môn này – và tôi chắc rằng nó đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tôi tự cứu sống mình. Theo cách ngôn của Bacon, kiến thức quả thật là sức mạnh.

Vấn đề này có thể được phát biểu ngắn gọn như sau: Rốt cuộc thì “Tỉ lệ tử vong trung vị là tám tháng” có nghĩa là gì nếu nói theo ngôn ngữ thông thường? Tôi ngờ rằng hầu hết mọi người sẽ diễn giải câu đó thành: “Tôi có lẽ sẽ chết trong vòng tám tháng.” – và đó chính là kết luận cần phải tránh, vì nó không đúng, và vì thái độ rất quan trọng. Đương nhiên tôi không quá vui mừng, nhưng tôi cũng không hiểu câu phát biểu này theo cách thông thường đó. Kiến thức chuyên môn của tôi chỉ ra một góc nhìn khác về “tỉ lệ tử vong trung vị tám tháng.” Đó là một khác biệt rất tinh tế, nhưng sâu sắc – vì nó đại diện cho một lối tư duy đặc trưng trong lĩnh vực sinh học tiến hóa và lịch sử tự nhiên của tôi.

Chúng ta vẫn mang theo hành trang lịch sử được kế thừa từ Chủ nghĩa Plato5, thứ luôn tìm kiếm những bản chất rõ ràng và các ranh giới rạch ròi. (Do đó chúng ta luôn hy vọng tìm được một khái niệm chắc chắn về “điểm bắt đầu của sự sống” hoặc “định nghĩa của cái chết”, dù tự nhiên thể hiện trước chúng ta dưới dạng một thực tại liên tục không thể quy giản.) Thứ di sản của Chủ nghĩa Plato đó, cùng với tầm quan trọng mà nó gán cho những sự phân biệt rõ ràng và những thực thể độc lập bất biến, khiến mọi người có khuynh hướng nhìn nhận sai về các phương pháp xác định khuynh hướng trung tâm trong thống kê, và thật ra là hoàn toàn đối lập với cách diễn giải thích hợp trong thế giới thực đầy biến số, mơ hồ và bất định của chúng ta. Nói ngắn gọn, chúng ta xem trung bình và trung vị là những “thực tại” chắc chắn, còn các biến số cho phép ta tính toán chúng chỉ là những thông số đo đạc nhất thời và không hoàn hảo của thực tại đó.6 Nếu trung vị là thực tại và các biến số dao động quanh nó chỉ là công cụ tính toán thì câu phát biểu “Tôi có lẽ sẽ chết trong vòng tám tháng” có thể được xem là cách diễn giải phù hợp.

Tuy nhiên, mọi nhà sinh học tiến hóa đều biết rằng chính bản thân sự biến thiên mới là bản chất không thể quy giản duy nhất của tự nhiên. Sự biến thiên không phải là một bộ số liệu không hoàn hảo dùng để tính khuynh hướng trung tâm mà chính nó mới là thực tại chắc chắn. Trung bình và trung vị là những khái niệm trừu tượng. Do đó, tôi xem xét các kết quả thống kê về ung thư trung biểu mô theo cách khá khác biệt – và đó không chỉ là do tôi là một người lạc quan có khuynh hướng nhìn thấy chiếc bánh vòng thay vì cái lỗ, mà chủ yếu là do tôi biết rằng chính sự dao động mới là thực tại. Tôi phải đặt bản thân mình vào giữa các dao động đó.

Chúng ta xem trung bình và trung vị là những “thực tại” chắc chắn, còn các biến số cho phép ta tính toán chúng chỉ là những thông số đo đạc nhất thời và không hoàn hảo của thực tại đó.

Khi tôi biết về cái trung vị tám tháng, phản ứng lí trí đầu tiên của tôi là: tốt thôi, phân nửa bệnh nhân sẽ sống lâu hơn, giờ vấn đề là tôi có bao nhiêu cơ hội thuộc về nửa đó. Tôi đã đọc một cách hung hăng và lo lắng suốt một tiếng đồng hồ và rút ra kết luận, khá nhẹ nhõm, rằng: tuyệt, tôi có mọi đặc điểm phù hợp với khả năng sống lâu hơn: tôi còn trẻ, bệnh của tôi được phát hiện ở giai đoạn sớm; tôi sẽ nhận được sự điều trị tốt nhất nước; tôi còn cả thế giới để sống; và tôi biết cách đọc dữ liệu đúng và không tuyệt vọng.

Một vấn đề chuyên môn khác càng làm tôi cảm thấy an ủi hơn. Tôi ngay lập tức nhận ra rằng sự phân phối của các biến quanh trung vị tám tháng của tôi hầu như chắc chắn là thứ mà các nhà thống kê sẽ gọi là “lệch phải.” (Trong một phân phối đối xứng, mặt cắt đồ thị biến thiên ở bên trái của khuynh hướng trung tâm là ảnh đối xứng của đồ thị biến thiên ở bên phải. Trong phân phối lệch, đồ thị biến thiên của khuynh hướng trung tâm về một phía bị kéo giãn về phía bên trái trong phân phối lệch trái và về phái bên phải trong phân phối lệch phải.) Tôi đã lập luận rằng phân phối biến thiên phải là lệch phải. Bởi vì, phần bên trái của phân phối chứa giới hạn dưới là không, và giới hạn này không thể thay đổi được (vì ung thư trung biểu mô chỉ có thể được xác định ngay lúc chết hoặc trước đó.)7 Do đó, không có nhiều không gian cho phần thấp hơn (phần bên trái) của phân phối – nó phải được nén vào giữa khoảng không và tám tháng. Ngược lại, phần cao hơn (phần bên phải) của phân phối có thể kéo dài từ năm này qua năm khác, dù không ai có thể sống mãi. Phân phối này phải là lệch phải, và tôi cần biết được cái đuôi dài của nó kéo đến đâu – vì tôi đã kết luận rằng bộ hồ sơ đầy hứa hẹn của tôi đã giúp tôi trở thành ứng cử viên tốt cho cái đuôi đó.

Quả thật, phân phối đó lệch phải rất mạnh, với một cái đuôi kéo dài (dù nhỏ) nhiều năm sau trung vị tám tháng. Tôi không thấy có bất cứ lý nào khiến tôi không thể nằm trong cái đuôi đó, và tôi đã thở dài nhẹ nhõm. Kiến thức chuyên môn của tôi đã có ích. Tôi đã đọc đồ thị đúng. Tôi đã hỏi đúng câu hỏi và tìm ra câu trả lời. Trong tất cả mọi khả năng, tôi đã có được món quà quý giá nhất cho mọi tình huống – thời gian. Tôi không cần phải dừng lại và ngay lập tức làm theo lời phán truyền của Isaiah cho Hezekiah8 – hãy sắp đặt nhà của ngươi, vì ngươi sẽ chết, chẳng sống được đâu. Tôi sẽ có thời gian để suy nghĩ, lập kế hoạch, và chiến đấu.

Lời phán truyền của Tiên tri Isaiah cho Vua Hezekiah: “Hãy sắp đặt nhà của ngươi, vì ngươi sẽ chết, chẳng sống được đâu.” – Tôi đã may mắn khi không phải làm theo lời khuyên này. Nguồn ảnh: Flickr

Tôi vẫn thích quan điểm hiếu chiến hơn xem cái chết là kẻ thù to lớn nhất – và tôi không thấy bất cứ điều gì đáng trách ở những người vùng lên chống lại ánh sáng đang tắt dần.

Một điểm cuối cùng về các phân phối thống kê. Chúng chỉ đúng cho một tập hợp các tình huống xác định – trong trường hợp này là khả năng sống sót khi mắc ung thư trung biểu mô với các phương pháp chữa trị cũ. Nếu các tình huống thay đổi, phân phối cũng có thể thay đổi. Tôi đã được chữa trị theo một phác đồ thử nghiệm và, nếu may mắn, sẽ nằm trong nhóm đầu tiên của một phân phối mới, với mức trung vị cao và cái đuôi bên phải kéo dài đến tận lúc chết tự nhiên vì tuổi tác.

Theo quan điểm của tôi, xu thế hiện nay xem việc chấp nhận cái chết như biểu hiện của phẩm giá bên trong được thổi hơi quá. Tất nhiên là tôi đồng tình với lời giáo huấn của Ecclesiastes9 rằng có một thời để yêu và một thời để chết – và khi cuộn len của tôi đã hết, tôi hi vọng sẽ đối mặt với cái kết một cách bình thản và theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, trong hầu hết các tình huống, tôi vẫn thích quan điểm hiếu chiến hơn xem cái chết là kẻ thù to lớn nhất – và tôi không thấy bất cứ điều gì đáng trách ở những người vùng lên chống lại ánh sáng đang tắt dần.

Có rất nhiều vũ khí có thể dùng cho trận chiến này, và không có gì hiệu quả hơn sự hài hước. Cái chết của tôi đã được thông báo ở một buổi họp mặt của các đồng nghiệp của tôi ở Scotland, và tôi suýt nữa đã được tận hưởng cái thú đọc cáo phó của chính mình do một trong những thằng bạn thân nhất viết cho (gã đó sinh nghi và kiểm tra lại; hắn cũng là một nhà thống kê và không hi vọng tôi sẽ nằm quá xa khỏi cái đuôi bên phải).

Tuy thế, vụ đó vẫn giúp tôi có được trận cười đầu tiên sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh. Nghĩ mà xem, tôi suýt nữa đã lặp lại câu nói nổi tiếng nhất của Mark Twain: các tin đồn về cái chết của tôi đã bị thổi phồng quá mức.

 

Đọc thêm:

  1. Sơ lược về ung thư trung biểu mô: https://www.dieutri.vn/benhkhac/u-trung-bieu-mo
  2. Sơ lược về amiang: http://moh.gov.vn/pcbenhnghenghiep/pages/tintuc.aspx?CateID=9&ItemID=919
  1. Câu “Các tin đồn về cái chết của tôi đã bị thổi phồng quá mức.“ của Mark Twain rất nổi tiếng và được trích dẫn rất nhiều. Tuy nhiên, theo thông tin người dịch tìm hiểu, Mark Twain chưa từng nói như vậy, hoặc ít nhất cũng không đúng nguyên văn. Năm 1897, khi nghe tin cáo phó của mình được đăng ở New York, Mark Twain đã viết thư cho tờ New York Journal, trong đó có một đoạn như sau: “… James Ross Clemens, một người em họ của tôi, đã bị bệnh rất nặng ở London vào khoảng hai hay ba tuần trước, nhưng giờ đã khỏe. Tin đồn về bệnh của tôi xuất phát từ bệnh của cậu ấy. Tin đồn về cái chết của tôi là một sự thổi phồng.” Nguồn: http://www.thisdayinquotes.com/2010/06/reports-of-my-death-are-greatly.html

  1. Mark Twain (1835 -1910), tên thật là Samuel Langhorne Clemens là một nhà văn khôi hài, tiểu thuyết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng người Mỹ. Ông được xem là một trong những người đặt nền óng cho văn học Mỹ hiện đại. Một số tác phẩm của ông gồm: The Adventures of Tom Sawyer và The Adventures of Huckleberry Finn.

  2. Benjamin Disraeli (1804 – 1881): Thủ tướng Anh giai đoạn 1874 – 1880.

  3. Ở đây, tác giả dùng trung bình (average) the nghĩa bao gồm cả trung bình cộng (mean) và trung vị (median).

  4. Tác giả lấy ý từ câu thơ “A little learning is a dangerous thing” trong bài thơ “An Essay on Criticism” của nhà thơ người Anh Alexander Pope. Ý của câu này là sự hiểu biết hạn hẹp có thể khiến con người trở nên kiêu ngạo và đưa ra những kết luận sai lầm.

  5. Chủ nghĩa Plato: tư tưởng triết học của Plato, triết gia thời Hy Lạp cổ đại. Plato cho rằng các ý tưởng trừu tưởng, hay các “Hình thái” (Form) là dạng thực tại cao nhất. Ở đây, tác giả muốn đề cập đến khuynh hướng tư duy xem các ý tưởng trừu tượng này là có thật. Để ví dụ, có thể xem các “Hình thái” như bản đồ. Trên bản đồ như chúng ta có thể xác định vị trí hay ranh giới của các đối tượng rất rõ ràng, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng các ranh giới này có thật hay thế giới thực giống y như bản đồ. Tương tự các khái niệm như trung bình và trung vị cũng chỉ là những khái niệm thống kê chứ không phải là thực tại.

  6. Ý tác giả là chúng ta có xu hướng xem trung bình và trung vị là thực tế, còn những dao động quanh trung bình chỉ là do phép đo hoặc đối tượng được đo đạc của chúng ta không hoàn hảo.
    Comment của người dịch: có lẽ vì vậy chúng ta mới xem giá trị trung bình là chuẩn và đặt ra khái niệm “độ lệch chuẩn.”

  7. Nói cách khác thì vì tác giả đang tính thời gian sống sau khi bệnh được phát hiện nên thời gian đó không thể nhỏ hơn 0.

  8. Hai nhân vật trong Kinh Thánh.

  9. Ecclesiastes là một trong số 24 quyển của Kinh Thánh Do Thái hay còn gọi là Kinh Tanakh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất