Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Stephen Cave | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
30/06/2016
Cụm từ “ý chí tự do”, phiên bản gốc trong Tiếng Anh là “Free Will”, là khái niệm chỉ khả năng của con người trong việc độc lập chọn lựa hành động và đưa ra quyết định. Thông tin chi tiết hơn về khái niệm này có thể được xem ở đây.

Trong nhiều thế kỷ, các triết gia và các nhà thần học đã gần như nhất trí rằng nền văn minh loài người, theo cách chúng ta vẫn hiểu, phụ thuộc vào một niềm tin phổ biến về ý chí tự do – và việc mất đi niềm tin này sẽ vô cùng nguy hiểm. Ví dụ như, các nguyên tắc đạo đức mặc định là chúng ta có thể tự do lựa chọn giữa đúng và sai. Trong truyền thống Thiên Chúa Giáo, điều này được biết đến là “tự do đạo đức” – khả năng phân biệt và theo đuổi điều tốt, thay vì chỉ đơn giản bị thôi thúc bởi những ham muốn và thèm khát. Triết gia vĩ đại thời kỳ Khai Sáng Immanuel Kant tái xác nhận mối liên hệ này giữa tự do và những điều tốt đẹp. Ông cho rằng, nếu chúng ta không thể tự do chọn lựa, thì sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi nói là chúng ta phải lựa chọn con đường đúng đắn.

Ngày nay, mặc định về ý chí tự do chảy xuyên suốt trong tất cả các khía cạnh của chính trị Mỹ, từ cung cấp phúc lợi đến luật hình sự. Nó thấm nhuần vào văn hóa đại chúng và là nền tảng của giấc mơ Mỹ – niềm tin rằng ai cũng có thể đạt được điều họ muốn, bất chấp xuất phát điểm trong cuộc sống của họ có như thế nào. Như Barack Obama viết trong The Audacity of Hope (Tạm dịch: Sự táo bạo của hy vọng), “các giá trị của nước Mỹ có gốc rễ là sự lạc quan cơ bản về cuộc sống và niềm tin vào ý chí tự do.”

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu niềm tin này bị xói mòn?

Khả năng của chúng ta trong việc chọn lựa số phận không hề tự do, mà phụ thuộc vào di truyền sinh học.

Khoa học ngày càng khẳng định quyết liệt hơn rằng tất cả các hành vi của con người đều có thể được giải thích thông qua một hệ thống các quy luật nguyên nhân và hệ quả. Sự thay đổi trong nhận thức này tiếp nối cuộc cách mạng trí thức bắt đầu khoảng 150 năm về trước, khi Charles Darwin lần đầu xuất bản cuốn Nguồn gốc các loài1. Một thời gian ngắn sau khi Darwin đưa ra học thuyết tiến hóa, em họ của ông, Ngài Francis Galton bắt đầu vẽ ra những hệ quả: Nếu chúng ta đã trải qua quá trình tiến hóa, thì những khả năng trí não như trí thông minh hẳn phải là kết quả của di truyền. Nhưng chúng ta sử dụng những khả năng đó – mà một số người có nhiều hơn những người khác – để đưa ra các quyết định. Vậy nên khả năng của chúng ta trong việc chọn lựa số phận không hề tự do, mà phụ thuộc vào di truyền sinh học.

Galton mở ra một cuộc tranh luận dậy sóng trong suốt thế kỷ 20, về vấn đề tự nhiên và nuôi dưỡng2. Những hành động của chúng ta có phải là kết quả phản chiếu của gen di truyền? Hay là kết quả của những gì môi trường xung quanh in dấu lên ta? Mỗi yếu tố lại có cả đống bằng chứng tích tụ chứng minh cho sự quan trọng của nó. Dù là các nhà khoa học có ủng hộ bên này, hay bên kia, hay cả hai, họ càng ngày càng mặc định rằng những hành động của chúng ta hẳn phải được quy định bởi một cái gì đó.

Trong vài thập kỷ gần đây, nghiên cứu về cách thức làm việc nội bộ của não đã giúp giải quyết cuộc tranh luận tự nhiên-nuôi dưỡng – và đã làm lung lay tư tưởng về ý chí tự do một lần nữa. Những máy quét não cho phép chúng ta xâm nhập vào bên trong hộp sọ của con người, khám phá những mạng lưới chằng chịt của nơ-ron và cho phép các nhà khoa học thống nhất rộng rãi là những mạng lưới này được định hình bởi cả gen di truyền và môi trường. Nhưng cũng có một sự thống nhất khác trong cộng đồng khoa học là hoạt động của các nơ-ron quy định không chỉ một số mà là tất cả những suy nghĩ, hi vọng, trí nhớ, và mơ ước của chúng ta.

Chúng ta biết rằng những thay đổi trong thành phần hóa học của não bộ có thể thay đổi hành vi – không thì chẳng chất cồn hay thuốc an thần nào có tác dụng cả. Điều tương tự cũng đúng với cấu trúc não: Trường hợp những người bình thường sau khi bị u não lại trở thành kẻ sát nhân hay ái nhi cho thấy chúng ta bị phụ thuộc vào những đặc tính vật lý của chất xám như thế nào.

Nhiều nhà khoa học nói rằng bác sĩ người Mỹ Benjamin Libet đã chứng minh vào thập niên 80 là chúng ta không hề có ý chí tự do. Ai cũng đã biết là hoạt động điện tích tụ trong não bộ của một người trước khi cả khi người đó cử động; Libet cho thấy là việc này xảy ra trước khi một người thực sự quyết định một cách có ý thức là mình sẽ chuyển động. Cảm nhận có ý thức rằng ta quyết định sẽ hành động, mà chúng ta thường cho là ý chí tự do, hóa ra lại là một sự bổ sung, một kiểu hậu sự kiện xảy ra sau khi não đã quyết định xong hành động đó rồi.

Hình ảnh của khoa học đương đại về hành vi con người là một bức tranh vẽ một nơ-ron hoạt động, kích hoạt một nơ-ron khác, kích hoạt những suy nghĩ và hành động, một phần nhỏ trong một dây chuyền không đứt đoạn dẫn ngược lại tới tận ngày chúng ta ra đời, và còn xa hơn thế.

Cuộc tranh luận về vấn đề tự nhiên-nuôi dưỡng vào thế kỷ 20 đã đặt nền móng để chúng ta nghĩ rằng bản thân mình bị ảnh hưởng bởi những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng nó chừa lại cho chúng ta một ít hi vọng, ít nhất là trong trí tưởng tượng của đại chúng, về khả năng là chúng ta có thể vượt qua ngoại cảnh hay gen di truyền để trở thành người quyết định số phận của mình. Thách thức đặt ra bởi khoa học thần kinh thì cực đoan hơn: Nó mô tả não dưới dạng một hệ thống vật lý, như bất cứ hệ thống nào khác, và gợi ý rằng chúng ta chẳng phải dùng ý chí để ra lệnh cho nó, cũng như chúng ta chẳng phải ra lệnh cho tim mình để nó đập. Hình ảnh của khoa học đương đại về hành vi con người là một bức tranh vẽ một nơ-ron hoạt động, kích hoạt một nơ-ron khác, kích hoạt những suy nghĩ và hành động, một phần nhỏ trong một dây chuyền không đứt đoạn dẫn ngược lại tới tận ngày chúng ta ra đời, và còn xa hơn thế. Vì vậy trên lý thuyết, những hành động của chúng ta là hoàn toàn có thể tiên đoán được. Nếu chúng ta hiểu đủ nhiều về cấu trúc và tính chất hóa học trong não bộ của bất cứ một ai, trên lý thuyết chúng ta có thể đưa ra phán đoán về phản ứng của người đó cho bất cứ một tác động nào, với xác suất chính xác 100%.

Nghiên cứu này và những ngụ ý của nó không hề mới. Cái mới là sự lan truyền của những nghi ngờ về sự tồn tại của ý chí tự do, vượt ra khỏi phạm vi phòng thí nghiệm để đến với đại chúng. Ví dụ như, số lượng các phiên tòa sử dụng bằng chứng từ khoa học thần kinh đã tăng gấp đôi so với thập kỷ trước – thường là trong trường hợp bị cáo nói rằng hành vi phạm tội của họ là do não họ bắt họ làm như vậy. Và rất nhiều người đang tiếp thu tư tưởng này trong cả những hoàn cảnh khác nữa, ít nhất là có thể thấy qua số lượng sách và bài báo với nội dung nói về “não của bạn” trong tất cả mọi thứ từ âm nhạc đến phép thuật. Thuyết tiền định (Determinism)3, theo một mức độ nhất định, đang ngày càng phổ biến hơn. Và số người nghi ngờ cũng tăng lên.

Sự phát triển này đặt ra một câu hỏi phiền phức – và ngày càng vượt ra ngoài phạm vi lý thuyết – là: Nếu trách nhiệm đạo đức phụ thuộc vào niềm tin về ý chí tự do của chúng ta, thì khi nhiều người tin vào thuyết tiền định hơn, liệu chúng ta có trở nên vô trách nhiệm hơn về mặt đạo đức? Và nếu chúng ta ngày càng cho rằng ý chí tự do chỉ là một ảo tưởng, điều gì sẽ xảy ra với tất cả những quy định và cơ chế được xây dựng dựa trên khái niệm này?

Vào năm 2002, hai nhà tâm lý học đã đưa ra một ý tưởng đơn giản mà thông minh: Thay vì dự đoán về việc điều gì sẽ xảy ra nếu con người không còn tin vào khả năng tự do chọn lựa của mình, họ có thể tự làm thí nghiệm để tìm hiểu. Kathleen Vohs, lúc đó đang làm việc ở Đại học Utah, và Jonathan Schooler, ở Đại học Pittsburgh, yêu cầu một nhóm những người tham gia thí nghiệm đọc một đoạn văn có luận điểm rằng ý chí tự do là ảo tưởng, và một nhóm khác đọc một đoạn văn có lập trường trung lập về chủ đề này. Rồi họ đưa mỗi nhóm vào những hoàn cảnh cám dỗ khác nhau và quan sát hành vi của mọi người. Liệu những sự khác biệt trong niềm tin triết học trừu tượng có ảnh hưởng đến quyết định của mọi người?

Quả nhiên là có. Khi được yêu cầu làm một bài kiểm tra toán mà mỗi người có thể dễ dàng gian lận, nhóm được hướng đến việc nghĩ tự do ý chí là ảo tưởng có xu hướng xem trộm đáp án nhiều hơn. Khi được cho cơ hội để ăn cắp – lấy nhiều tiền hơn mức họ được phép từ một phong bì chứa các đồng xu giá trị $1 – những người mà niềm tin vào ý chí tự do bị làm lung lay trước đó lấy trộm nhiều hơn. Trên một thang đo, Vohs nói với tôi cô ấy và Schooler phát hiện ra rằng “những người được kích thích để ít tin vào ý chí tự do hơn sẽ có khả năng cư xử thiếu đạo đức hơn.”

Có vẻ như là khi mọi người không còn tin rằng họ là những con người tự do, họ cũng không còn thấy là họ đáng bị đổ lỗi cho những hành động của mình. Hệ quả là, họ hành xử thiếu trách nhiệm hơn và đầu hàng trước những bản năng của mình. Vohs nhấn mạnh rằng kết quả này không bị ràng buộc bởi những điều kiện sắp đặt của một cuộc thí nghiệm. “Bạn cũng sẽ thấy những kết quả tương tự ở những người mà bản thân họ vốn đã tin nhiều hoặc ít vào ý chí tự do,” cô nói.

Ví dụ như, trong một nghiên cứu khác, Vohs và các đồng nghiệp đo niềm tin vào ý chí tự do của một nhóm các công nhân, và phân tích khả năng làm việc của họ dựa trên đánh giá của người quản đốc. Những người tin là họ có khả năng điều khiển hành động của mình hơn thì đi làm đúng giờ hơn và được đánh giá bởi quản đốc là có năng lực hơn. Trên thực tế, niềm tin vào suy nghĩ tự do hóa ra lại đưa ra dự đoán chính xác hơn về khả năng làm việc so với những tiêu chuẩn khác như đạo đức nghề nghiệp.

Một người tiên phong khác trong lĩnh vực nghiên cứu về khía cạnh tâm lý của ý chí tự do, Roy Baumeister ở Đại học bang Florida, đã mở rộng những kết quả này. Để ví dụ, ông và đồng nghiệp tìm ra rằng sinh viên ít tin vào ý chí tự do hơn sẽ ít tự nguyện dùng thời gian của mình để giúp bạn cùng lớp, so với những người tin nhiều hơn. Tương tự, những người được hướng theo quan điểm của thuyết tiền định bằng cách đọc các mệnh đề như “Khoa học đã cho thấy tự do suy nghĩ là sai lầm” có xu hướng ít cho tiền người vô gia cư hay cho người khác mượn điện thoại di động của mình hơn.

Những nghiên cứu xa hơn của Baumeister và đồng nghiệp đã cho thấy mối liên kết giữa sự suy giảm niềm tin vào ý chí tự do với stress, bất hạnh, và việc thiếu cam kết trong các mối quan hệ. Họ tìm ra rằng khi người tham gia nghiên cứu được hướng để tin là “tất cả các hành động của con người đều tuân theo những sự kiện trước đó và đều có thể hiểu thông qua các hoạt động của phân tử,” những người đó sẽ ít cảm thấy là cuộc đời có ý nghĩa hơn. Vào đầu năm nay, những nhà nghiên cứu khác đã công bố một nghiên cứu cho thấy một niềm tin yếu hơn vào ý chí tự do có liên quan đến kết quả học tập kém.

Và danh sách vẫn còn dài nữa: Việc tin rằng ý chí tự do là một ảo tưởng đã được chứng minh là khiến con người ít sáng tạo, dễ đầu hàng, ít sẵn sàng để học từ những sai lầm, và ít biết ơn người khác. Trên mọi khía cạnh, có vẻ như là khi chúng ta chấp nhận thuyết tiền định, chúng ta nuông chiều mặt tối của mình.

Ít có học giả nào có thể thoải mái khuyên rằng mọi người cần tin một lời nói dối trắng trợn. Ủng hộ những điều không đúng sự thật sẽ ảnh hưởng đến sự chính trực của họ và vi phạm một quy định vốn đã luôn được các triết gia trân trọng: Niềm hy vọng kiểu Plato rằng sự thật và điều tốt đẹp luôn đi cùng nhau. Saul Smilansky, một giáo sư triết học tại Đại học Haifa, Israel, đã vật lộn với tình thế khó khăn này trong suốt sự nghiệp của mình và đi đến một kết luận đau lòng: “Chúng ta không thể gánh được hậu quả của việc mọi người tiếp thu sự thật” về ý chí tự do.

Smilansky tin rằng suy nghĩ tự do không tồn tại theo cách hiểu truyền thống – và rằng sẽ rất tệ nếu hầu hết mọi người nhận ra điều này. “Tưởng tượng là,” ông nói với tôi, “tôi đang cân nhắc có nên làm tròn bổn phận của mình hay không, ví dụ như nhảy dù vào đồn địch chẳng hạn, hay một việc gì đó tẻ nhạt hơn, như đánh cược công việc của mình để báo cáo một hành động sai trái. Nếu tất cả mọi người chấp nhận là không hề có ý chí tự do, thì tôi sẽ biết là mọi người sẽ nói, ‘Dù anh ta có làm gì, anh ta không có sự lựa chọn – chúng ta không thể đổ lỗi cho anh ta.’ Vậy nên tôi biết tôi sẽ không bị chê trách nếu tôi chọn giải pháp ích kỷ.” Điều này, ông tin rằng, rất nguy hiểm với xã hội, và “khi mọi người càng chấp nhận quan điểm của thuyết tiền định, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn.”

Smilansky cho rằng, thuyết tiền định không chỉ giảm nhẹ việc trách phạt; nó còn giảm nhẹ việc khen thưởng nữa. Tưởng tượng là tôi liều mạng mình để nhảy vào đồn địch thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm. Sau đó, mọi người sẽ nói rằng tôi không có lựa chọn, rằng chiến công của tôi cũng chỉ là, theo cách nói của Smilansky, “việc những điều được quy định từ trước trở thành sự thật,” và vì vậy không đáng được tuyên dương. Và cũng như việc giảm nhẹ sự trách phạt sẽ phá đi những gì ngăn ta cư xử xấu xa, giảm nhẹ việc khen thưởng cũng loại bỏ động cơ để làm điều tốt. Các anh hùng của chúng ta sẽ ít truyền cảm hứng hơn, ông nói, những thành quả của chúng ta sẽ không còn đáng ghi nhận nữa, và sớm thôi chúng ta sẽ chìm vào suy đồi và chán nản.

Smilansky ủng hộ một quan điểm ông gọi là thuyết ảo tưởng (illusionism) – niềm tin rằng ý chí tự do quả thực là một ảo tưởng, nhưng là kiểu ảo tưởng mà xã hội phải bảo vệ. Ý tưởng về thuyết tiền định, và những bằng chứng thực tế ủng hộ nó, cần được giữ kín trong tòa tháp ngà4. Chỉ có những người đã thấu hiểu ở đằng sau bức tường đó mới nên, như cách ông nói với tôi, “nhìn thẳng vào sự thật tăm tối đó.” Smilansky nói rằng ông nhận ra có một điều gì đó khủng khiếp, thậm chí là tồi tệ, về ý tưởng này – nhưng nếu sự chọn lựa là giữa sự thực và điều tốt, thì vì xã hội, sự thực cần phải được hy sinh.

Khi mọi người ngừng tin rằng họ là những cá thể tự do, họ cũng không còn nghĩ rằng mình nên bị đổ lỗi cho những hành động của mình.

Các luận điểm của Smilansky có lẽ ban đầu nghe khá kỳ cục, xét đến niềm tin của ông là thế giới thiếu ý chí tự do: Nếu chúng ta không thực sự quyết định bất cứ thứ gì, ai còn quan tâm đến chuyện thông tin nào nên được phát tán? Nhưng thông tin mới, tất nhiên, cũng là một đầu vào cảm giác như bất cứ thứ gì khác; nó có thể thay đổi hành vi của chúng ta, thậm chí kể cả chúng ta không nhận thức được thay đổi đó. Trong ngôn ngữ của nguyên nhân và hệ quả, niềm tin vào ý chí tự do có lẽ không truyền cảm hứng cho chúng ta để cố gắng hết sức mình, nhưng nó có kích thích chúng ta làm như vậy.

Thuyết ảo tưởng là một quan điểm không được ủng hộ nhiều bởi các triết gia, phần lớn trong số họ vẫn hy vọng là điều tốt và sự thật có thể được dung hòa. Nhưng nó đại diện cho một dòng suy nghĩ lâu đời của các bậc trí thức. Nietzsche gọi ý chí tự do là “kỹ xảo của một nhà thần học” cho phép chúng ta “phán xét và trừng phạt.” Và nhiều nhà tư tưởng đã tin rằng, như Smilansky, các cơ chế về phán xét và trừng phạt là cần thiết nếu chúng ta muốn tránh việc rơi vào sự độc ác và bạo lực.

Smilansky không ủng hộ các chính sách kiểu Orwellian5 về việc điều khiển suy nghĩ. May mắn là, ông khẳng định, chúng ta không cần những chính sách đó. Niềm tin vào ý chí tự do đến với chúng ta một cách tự nhiên . Các nhà khoa học và bình luận chỉ đơn giản là cần luyện một số bài tập kìm nén bản thân, thay vì hào hứng thức tỉnh mọi người về một ảo tưởng đứng sau mọi giá trị họ trân trọng. Phần lớn các nhà khoa học “không nhận ra hệ quả của những ý tưởng này,” Smilansky nói với tôi. “Đẩy mạnh thuyết tiền định là vô cùng tự mãn và nguy hiểm.”

Tuy nhiên, không phải tất cả các học giả công khai chống lại ý chí tự do đều không thấy được những hậu quả xã hội và tâm lý của nó. Một vài người đơn giản là không đồng ý rằng những hậu quả này có thể bao gồm sự sụp đổ của một nền văn minh. Một trong những người nổi bật nhất (trong số này) là nhà thần kinh học và nhà văn Sam Harris, người đã viết cuốn Free Will xuất bản năm 2012, nhằm hạ bệ những ảo tưởng về sự tồn tại của lựa chọn có ý thức. Giống như Smilansky, ông tin rằng không hề có ý chí tự do. Nhưng Harris nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta dẹp bỏ toàn bộ ý tưởng này.

“Chúng ta cần những niềm tin của mình phải đi theo những điều đúng đắn,” Harris nói với tôi. Ảo tưởng, dù có ý tốt đến thế nào, sẽ luôn kìm hãm chúng ta. Ví dụ như, chúng ta hiện đang đe dọa bỏ tù để thuyết phục mọi người không làm điều xấu. Nhưng ông cho rằng, nếu chúng ta, thay vì vậy, chấp nhận rằng “hành vi của con người xảy ra do bệnh học thần kinh,” thì chúng ta có thể hiểu rõ hơn cái gì thực sự khiến mọi người làm điều xấu bất chấp sự đe dọa trừng phạt – và làm thế nào để ngăn chặn họ. “Chúng ta cần,” Harris nói với tôi, “biết rằng, với tư cách một xã hội, chúng ta cần sử dụng đòn bẩy nào để khuyến khích mọi người trở thành phiên bản tốt nhất mà họ có thể.”

Bắt mỗi người chịu trách nhiệm cho hành động của họ có vẻ là một điểm mấu chốt của cuộc sống văn minh, nhưng chúng ta cũng phải trả một cái giá cao cho việc này: Đổ lỗi cho mọi người khiến chúng ta giận dữ và đầy thù hận, và chúng ảnh hưởng đến những phán xét của chúng ta.

Theo Harris, chúng ta nên thừa nhận rằng thậm chí những tên tội phạm nguy hiểm nhất – những kẻ sát nhân tâm thần chẳng hạn – về một mặt nào đó là do kém may mắn. “Họ không chọn bộ gen của mình. Họ không chọn cha mẹ mình. Họ không tự làm nên não mình, mà não họ lại là nguồn cơn của những ý định và hành động.” Nghĩ một cách sâu hơn thì, những tội ác của họ không phải lỗi của họ. Chấp nhận điều này, chúng ta có thể khách quan cân nhắc việc làm thế nào để quản lý những người phạm tội, nhằm mục đích cải tạo họ, bảo vệ xã hội, và giảm số lượng tội phạm trong tương lai. Harris nghĩ rằng, theo thời gian, “có lẽ chúng ta sẽ có thể chữa khỏi bệnh tâm thần,” nhưng chỉ trong trường hợp chúng ta chấp nhận rằng não bộ, chứ không phải là một kiểu ý chí tự do ảo tưởng, mới là nguồn gốc của những lỗi lầm.

Chấp nhận điều này cũng sẽ giải phóng chúng ta khỏi hận thù. Bắt mỗi người chịu trách nhiệm cho hành động của họ có vẻ là một điểm mấu chốt của cuộc sống văn minh, nhưng chúng ta cũng phải trả một cái giá cao cho việc này: Đổ lỗi cho mọi người khiến chúng ta giận dữ và đầy thù hận, và chúng ảnh hưởng đến những phán xét của chúng ta.

“Thử so sánh những phản ứng đối với cơn bão Katrina,” Harris nói, với “phản ứng trong vụ khủng bố 11/9.” Đối với nhiều người Mỹ, những kẻ cướp máy bay đó đại diện cho kiểu tội phạm tự do chọn lựa làm điều xấu xa. Nhưng nếu chúng ta từ bỏ ý tưởng về ý chí tự do, thì những hành động của những tên khủng bố đó cũng giống như bất cứ hiện tượng tự nhiên nào khác – và điều này, Harris tin rằng, sẽ khiến chúng ta lý trí hơn trong phản ứng của mình.

Mặc dù quy mô của hai thảm họa này tương tự nhau, những phản ứng lại khác nhau một trời một vực. Không một ai cố gắng trả thù những cơn bão nhiệt đới hay tuyên chiến với thời tiết6, nên cách phản ứng với cơn bão Katrina đơn thuần tập trung vào việc tái xây dựng và ngăn ngừa các thảm họa tương lai. Phản ứng với sự kiện 11/9, Harris nói, lại bị bao trùm bởi sự giận dữ và ước muốn trả thù, và đã dẫn đến những tổn thất không cần thiết của không biết bao nhiêu mạng người nữa. Harris không có ý là chúng ta không nên làm gì với thảm họa 11/9, mà là chỉ những phản ứng lý trí mới mang đến những kết quả khác và có lẽ là ít tốn kém hơn. “Sự căm thù vô cùng độc hại,” ông nói với tôi, “và có thể làm rối loạn cuộc sống của cá nhân và cả xã hội. Việc mất niềm tin vào ý chí tự do cũng sẽ làm lý do để ghét bất cứ ai biến mất.”

Trong khi những bằng chứng từ Kathleen Vohs và các đồng nghiệp của cô cho thấy những vấn đề xã hội sẽ nảy sinh nếu chúng ta nhìn nhận hành động của chính mình bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoài tầm kiểm soát – làm lung lay những giá trị đạo đức, động lực, và cảm nhận về ý nghĩa của cuộc đời của chúng ta – Harris nghĩ rằng lợi ích xã hội sẽ nảy sinh từ việc nhìn nhận hành vi của người khác theo chính cách như vậy. Từ góc nhìn đó, những ngụ ý về mặt đạo đức của thuyết tiền định trông sẽ khác hẳn, và thực ra còn khá hơn nữa.

Hơn nữa là, Harris nói, khi người bình thường hiểu rõ hơn về cách não bộ của họ hoạt động, nhiều vấn đề đưa ra bởi Vohs và những người khác sẽ được tháo gỡ. Ông viết trong sách của mình rằng, thuyết tiền định không có nghĩa là “nhận thức có ý thức và suy nghĩ tự chủ không có vai trò gì.” Một số kiểu hành động cụ thể đòi hỏi chúng ta trở nên có ý thức với lựa chọn – cân đo các luận điểm chứng cứ. Đúng là, nếu chúng ta ở trong tình huống y hệt 100 lần đi nữa thì chúng ta vẫn sẽ đưa ra một quyết định như vậy, “cũng giống như tua lại một bộ phim và xem nó một lần nữa.” Nhưng việc cân nhắc – vật lộn với thực tế và cảm xúc mà chúng ta thấy là quan trọng với bản chất của mình – thì dù sao vẫn là thật.

Vấn đề quan trọng, theo quan điểm của Harris, là việc mọi người thường bị nhầm lẫn giữa khái niệm của thuyết tiền định và thuyết định mệnh (fatalism)7. Thuyết tiền định cho rằng những quyết định của chúng ta là một phần của một chuỗi những nguyên nhân và hệ quả không thể bị phá vỡ. Còn thuyết định mệnh thì tin rằng những quyết định của chúng ta không thực sự quan trọng, bởi những thứ đã được định sẵn là sẽ xảy ra thì vẫn cứ xảy ra – giống như việc Oedipus8 lấy mẹ mình, bất chấp anh ta nỗ lực tránh việc đó như thế nào.

Hầu hết các nhà khoa học “không nhận ra là những ý tưởng này có thể dẫn đến những hệ quả gì,” Smilansky nói. Sẽ vô cùng “tự mãn và nguy hiểm” nếu chúng ta ủng hộ chúng.

Khi mọi người được nghe rằng ý chí tự do không tồn tại, họ nhầm lẫn mà đi theo thuyết định mệnh; họ nghĩ rằng những cố gắng của họ sẽ chẳng tạo nên điều gì khác biệt. Nhưng đây là một sai lầm. Con người không phải là có một số phận tất yếu. Trái lại, với một tác động khác (như một cách nhìn khác về ý chí tự do), họ sẽ cư xử khác và có những cuộc sống khác. Nếu con người hiểu những điểm khác biệt này rõ ràng hơn, Harris tin rằng hậu quả của việc mất niềm tin vào ý chí tự do sẽ đỡ tiêu cực hơn những kết quả từ thí nghiệm của Vohs và Baumeister.

Vậy có thể đi xa hơn không? Liệu có một cách nào có thể bảo tồn được cả niềm cảm hứng từ việc tin tưởng vào ý chí tự do, lẫn sự thấu hiểu những hệ quả của thuyết tiền định?

Các triết gia và nhà thần học đã quen với việc nói về ý chí tự do như thể nó được bật lên hoặc tắt đi; như thể ý thức của chúng ta trôi nổi như một hồn ma, hoàn toàn tách rời khỏi dây chuyền nguyên nhân hệ quả, hay như thể chúng ta trượt qua cuộc đời như một tảng đá lăn xuống sườn đồi. Nhưng có thể có một cách khác để nhìn nhận khả năng lựa chọn của con người.

Một số học giả đưa ra luận điểm rằng chúng ta nên nghĩ về sự tự do chọn lựa như là những khả năng thực tế và khôn ngoan của chúng ta để vẽ ra nhiều phản ứng khả thi cho một hoàn cảnh nhất định. Một trong số những người này là Bruce Waller, một giáo sư triết học tại Đại học Youngstown. Trong quyển sách mới của mình, Restorative Free Will (Tạm dịch: Ý chí tự do phục hồi), ông viết rằng chúng ta nên tập trung vào khả năng tạo ra một tập hợp các lựa chọn khác nhau của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào,  và lựa chọn một trong số chúng mà không bị ràng buộc bởi những yếu tố bên ngoài.

Đối với Waller, việc những quá trình này bị kiểm soát bởi một dây chuyền nhân quả của các nơ-ron hoạt động không quan trọng. Theo quan điểm của ông, tự do ý chí và thuyết tiền định không phải là hai thứ trái ngược như cách chúng thường được hiểu; chúng đơn giản là mô tả hành động của chúng ta ở những cấp độ khác nhau.

Con người, với bộ não vĩ đại, vượt xa các loài động vật khác trong việc suy nghĩ và cân nhắc các lựa chọn. Số lượng những lựa chọn chúng ta có nhiều hơn cả, và vì vậy, chúng ta cũng tự do hơn, theo một cách có ý nghĩa.

Waller tin rằng cách nhìn của mình phù hợp với hiểu biết khoa học về quá trình tiến hóa của chúng ta: Những động vật tìm kiếm thức ăn – con người, hay chuột, gấu, quạ – cần phải có khả năng tự tạo ra những lựa chọn cho bản thân và đưa ra quyết định trong một môi trường phức tạp và luôn thay đổi. Con người, với bộ não vĩ đại, vượt xa các loài động vật khác trong việc suy nghĩ và cân nhắc các lựa chọn. Số lượng những lựa chọn chúng ta có nhiều hơn cả, và vì vậy, chúng ta cũng tự do hơn, theo một cách có ý nghĩa.

Định nghĩa của Waller về ý chí tự do tương đồng với cách nhiều người bình thường nghĩ về vấn đề này. Một nghiên cứu năm 2012 tìm ra rằng phần lớn mọi người nghĩ về ý chí tự do theo hướng là những khao khát của họ không bị ràng buộc bởi một sức ép nào (ví dụ như bị một người chĩa súng vào đầu chẳng hạn). Chừng nào chúng ta tiếp tục tin tưởng vào kiểu tự do thực dụng này, chừng đó là đủ để duy trì những lý tưởng và tiêu chuẩn đạo đức đã được phân tích bởi Vohs và Baumeister.

Vậy nhưng cách hiểu của Waller về ý chí tự do vẫn dẫn đến một quan điểm rất khác về công bằng và trách nhiệm, so với cách mọi người hiểu bây giờ. Chẳng có ai gây ra điều gì: Chẳng có ai chọn được gen của mình hay môi trường mình sinh ra. Vì vậy không ai có thể chịu trách nhiệm cuối cùng cho việc anh ta là ai và anh ta làm gì. Waller nói với tôi rằng ông ủng hộ tinh thần của bài phát biểu năm 2012 của Barack Obama “You didn’t build that” (Tạm dịch: Bạn không làm ra nó), trong đó Tổng thống kêu gọi mọi người quan tâm đến những yếu tố ngoại cảnh giúp mang đến thành công. Ông cũng không ngạc nhiên là bài phát biểu đó gây ra những phản ứng mạnh mẽ, từ những người muốn tin rằng họ là kiến trúc sư duy nhất tạo nên những thành tựu của mình. Nhưng ông lập luận rằng chúng ta cần phải chấp nhận những kết quả của cuộc sống được xác định bằng những điểm khác biệt  giữa tự nhiên và sự nuôi dưỡng, “vậy nên chúng ta có thể có những biện pháp thực tế để khắc phục những điều chưa may mắn và giúp tất cả mọi người đạt được tối đa tiềm năng của họ.”

Hiểu được câu hỏi làm như thế nào sẽ là công việc cần nhiều thập kỷ, khi chúng ta dần dần tháo gỡ bản chất của tâm trí mình. Trong nhiều lĩnh vực, công việc này có vẻ sẽ kích thích nhiều sự cảm thông hơn: cung cấp nhiều sự hỗ trợ hơn (với những biện pháp hợp lý hơn) cho những người trong hoàn cảnh khó khăn. Và khi sự đe dọa trừng phạt là cần thiết để ngăn chặn một hành động, trong nhiều trường hợp nó sẽ được cân bằng với những nỗ lực để đẩy mạnh, chứ không phải giảm bớt, khả năng độc lập mà ai cũng cần để có một cuộc sống đàng hoàng. Kiểu ý chí mà dẫn đến thành công – bằng việc nhìn ra được những lựa chọn tích cực, và đưa ra những quyết định tốt và kiên trì với chúng – có thể được nuôi dưỡng, và những người ở dưới đáy xã hội là những người cần sự nuôi dưỡng này nhất.

Đối với một số người, điều này nghe có vẻ như là một cố gắng thừa thãi để vừa giữ được bánh mà vẫn được ăn9. Và theo một cách nào đó thì đúng là như vậy. Đây là sự cố gắng để giữ lại phần tốt nhất của hệ thống niềm tin vào ý chí tự do trong khi bỏ đi phần xấu nhất. Tổng thống Obama – người vừa bảo vệ “niềm tin vào ý chí tự do” vừa lập luận rằng chúng ta không phải kiến trúc sư duy nhất tạo nên thành công của mình – đã học được là vấn đề này nhạy cảm thế nào. Vậy nhưng nó có thể là cái chúng ta cần để cứu vãn giấc mơ Mỹ – hay quả thực là cứu cả những tư tưởng của chúng ta về nền văn minh, ở khắp mọi nơi – trong kỷ nguyên khoa học này.


  1. “On the Origin of Species” là một cuốn sách của Charles Darwin xuất bản vào năm 1859, và được coi là công trình đặt nền tảng cho lĩnh vực sinh học tiến hóa. Ý tưởng chính trình bày trong On the Origin of Species là sự đa dạng của muôn loài hình thành thông qua quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, và có nguồn gốc từ những tổ tiên chung.

  2. Tranh luận về vấn đề tự nhiên – nuôi dưỡng (Nature vs Nurture), là sự so sánh về tầm quan trọng giữa bản chất bẩm sinh của con người (nature) và sự giáo dục và những trải nghiệm cá nhân (nurture) trong việc hình thành tính cách cũng như sự khác biệt giữa người với người.

  3. Thuyết tiền định (Determinism) là một tư tưởng triết học cho rằng tất cả các sự việc xảy ra đều bị chi phối bởi những sự kiện khác đã và đang diễn ra. Tư tưởng này nhấn mạnh quan hệ nhân – quả, cho rằng quá khứ, hiện tại, và tương lai là một chuỗi quan hệ chặt chẽ không thể bị phá vỡ và không một sự kiện nào trong chuỗi quan hệ ấy có thể bị loại bỏ hay tránh né. Thuyết tiền định vì vậy cho rằng “ý chí tự do” chỉ là một sự ảo tưởng.

  4. Tháp ngà, nguyên gốc Tiếng Anh: Ivory Tower, là một khái niệm dùng để chỉ những nơi tách biệt với cuộc sống hàng ngày, thường được dùng cho các hoạt động trí thức. Thông thường, cụm từ này được dùng để ám chỉ thế giới hàn lâm của các nhà khoa học, nơi họ nghiên cứu về những vấn đề mà chỉ mình họ mới hiểu.

  5. Orwellian, có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết Một chín tám tư của George Orwell, được dùng để chỉ những điều kiện xã hội độc tài và hà khắc, thống trị bởi những luật lệ tàn bạo và độc đoán, trái ngược lại với một xã hội tự do và dân chủ.

  6. Nguyên gốc Tiếng Anh: War on Weather, là một cách chơi chữ từ cụm “War on Terror,” khái niệm dùng để chỉ những hoạt động quân sự được tiến hành sau vụ khủng bố 11/9.

  7. Thuyết định mệnh, Fatalism, là tư tưởng triết học cho rằng tất cả những sự kiện đều đã được định sẵn bởi số mệnh và con người hoàn toàn bất lực trong việc thay đổi số phận của mình.

  8. Oedipus là một vị vua trong thần thoại Hy Lạp, người được tiên đoán trước khi ra đời là sẽ giết cha và lấy mẹ mình. Theo truyền thuyết, một chuỗi các sự kiện đã xảy ra khiến Oedipus vô tình biến lời tiên tri này thành sự thật mà không hề hay biết.

  9. Nguyên gốc Tiếng Anh: To have one’s cake and eat it too, có nguồn gốc từ một thành ngữ Tiếng Anh là “You can’t have your cake and eat it.” Ý nghĩa của câu này là một người không thể vừa muốn giữ bánh của mình lại vừa muốn ăn nó, chỉ việc một người không nên tham lam mong muốn quá nhiều hay muốn những thứ mà không thể cùng xảy ra.

5 thoughts on “Ý chí tự do không hề tồn tại

  1. Mình đã kì vọng trong bài viết nhắc đến Kant, việc giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức theo Kant là mối quan hệ 2 lập trường về cùng một bản thể duy nhất. Mọi người nên đọc thử cuốn : Tất định luận và tự do lựa chọn” của Isaia Berlin.

  2. Tôi thành công với và đặt niềm tin với học thuyết trên , trên lĩnh vưc đó phù hợp kì vọng của xã hội !

  3. Mình ủng hộ quan điểm của ông Harris. Thí nghiệm của Vohs chỉ khẳng định thêm rằng chúng ta không có tự do ý chí, mà thật ra rất dễ dàng bị chi phối bởi ngoại cảnh. Có nghĩa là dù mọi người có nhận thức được rằng họ không có tự do ý chí thì vẫn có cách tác động đến họ để họ không buông thả hay gì đó tiêu cực, mà ngược lại trở nên tốt đẹp hơn.

    1. Ý chí tự do nói một cách dễ hiểu là hình thức cân bằng của tự nhiên, con người đứng đầu trong chuỗi thức ăn nên thực tế cho thấy nếu ý chí tự do bị lừa dối, kìm hãm bởi phán xét và trừng phạt thì con người sẽ phát triển về số lượng quá lớn mà không có cơ chế cân bằng tự nhiên nào có thể kìm hãm lại được.
      Nhưng dù thế nào xã hội vẫn còn rất nhiều những cá thể tin và được tin vào ý chí tự do. Đến một thời điểm nào đấy chính niềm tin vào ý chí tự do này sẽ là giải pháp để cân bằng số lượng người, đồng thời là đòn bẩy để phát triển xã hội theo hướng tốt hơn – một xã hội tự do cạnh tranh đa dạng mà không bị chi phối bởi một nhóm người có khả năng định nghĩa và kiểm soát ý chí tự do theo cách của họ muốn –

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất