a
§ Tác giả: Ian Sample, Hannah Devlin | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Chunsome | Hiệu đính:  Lưu Đàm
19/09/2021

Nguồn gốc của giải Nobel từ đâu?

Trước sự bàng hoàng của gia đình, trong di chúc cuối cùng của  Alfred Nobel1 vào năm 1895, ông đã để lại phần lớn tài sản của mình, tương đương 148 triệu bảng Anh (khoảng 4,704 tỷ VND) hiện nay, cho một quỹ giải thưởng. Doanh nhân người Thụy Điển ấy đã dự tính về di sản của mình, sau khi tích lũy được khối tài sản kếch xù từ các nhà máy sản xuất pháo và từ việc phát minh ra thuốc nổ và các chất nổ khác.

Quỹ được thiết lập với năm giải thưởng để trao hàng năm cho những người có công trình được xem là “đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại” của năm trước đó. Ông đã đặt tên cho 5 giải là vật lý, hóa học, sinh lý học hoặc y học, văn học và hòa bình.

Năm 1968, một khoản tài trợ từ ngân hàng trung ương của Thụy Điển đã thành lập giải thưởng tưởng niệm Nobel về kinh tế, nhưng các thành viên trong gia đình ông cho rằng đây không phải là một giải Nobel thực sự. Tất cả giải Nobel đều được trao từ Thụy Điển, ngoại trừ giải Nobel hòa bình2 mà Nobel đã quy định là cần được trao từ Na Uy nhưng không giải thích. 

Làm thế nào để thắng giải? 

Không ai có thể tự tiến cử bản thân, nhưng mỗi năm có hàng nghìn giáo sư, thành viên của các viện hàn lâm quốc gia, những người đã đoạt giải Nobel, và thậm chí cả hội đồng nghị viện vận động hành lang các ủy ban trao giải Nobel thay mặt cho các ứng cử viên mà họ yêu thích. Quá trình đề cử bắt đầu vào tháng 9 năm trước đó và kết thúc vào tháng 1. 

Thiên hướng giữ bí mật của Quỹ Nobel đảm bảo những người được đề cử không được tiết lộ trong 50 năm. Tuy nhiên, dù có nhận được đề cử cũng chưa chắc thành công. Lise Meitner, người đã hỗ trợ việc phân tách nguyên tử, chưa bao giờ nhận được giải Nobel mặc dù bà đã được đề cử tới 48 lần.

Nhà vật lý người Áo-Thụy Điển Lise Meitner, được chụp năm 2010, đã được đề cử 48 lần. Ảnh: flickr.

Người ta trao giải cho những công trình như thế nào?

Các nhà khoa học có xu hướng giải quyết các vấn đề lớn hoặc phát triển các công nghệ mới. Các giải Nobel đã được trao cho các phát minh như mạch tích hợp3, máy MRI và các loại kính hiển vi, và cho các khám phá từ các hạt hạ nguyên tử, vi rút HIV đến mô hình thang xoắn của DNA và sóng hấp dẫn.4

Sự may mắn thường là một phần trong cuộc chơi, vào năm 1965, Robert Wilson và Arno Penzias sợ rằng phân chim bồ câu là nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiễu sóng khó chịu trên kính viễn vọng vô tuyến mới của họ. Sau đó, họ đã nhận ra nguyên nhân thực sự của nhiễu loạn đó: dư quang của vụ nổ lớn.

Kính viễn vọng vô tuyến. Ảnh: Unsplash

Các nhà kinh tế học sẽ nói với bạn rằng các công trình tính toán trong quá khứ cũng chẳng đoán định nổi tương lai sẽ ra sao, và với việc chỉ có mỗi một người phụ nữ đạt giải kinh tế học, người ta hy vọng câu nói đó là sự thật. Giải thưởng này đã làm rất tốt trong việc khen thưởng những người đàn ông tạo ra các mô hình toán học của thế giới, nhưng không ai trong số họ dự đoán rằng các ngân hàng lớn sẽ tự dấn mình vào mồ chôn vào các năm 2008-09. 

Ủy ban văn học nghiên cứu về công trình cả đời của mỗi người được đề cử để tìm bằng chứng cho thấy họ đã mang lại điều gì đó mới mẻ cho nhân loại. Sự hài hước hiếm khi được khen thưởng. Đối với Mạc Ngôn5, công dân Trung Quốc đầu tiên giành được giải thưởng, với  “chủ nghĩa hiện thực ảo giác (hallucinatory realism)”, trong khi Doris Lessing6 “một nhà sử thi về trải nghiệm phụ nữ” dưới “một nền văn minh chia để trị” (“an epicist of the female experience” subjected “a divided civilisation to scrutiny”). Bob Dylan7, tác giả của lời bài hát “lắc qua lắc lại, lắc qua lắc lại như bát súp”(wiggle, wiggle, wiggle like a bowl of soup) được vinh danh vì đã tạo ra “những cách diễn đạt thơ mới”.

Giải thưởng hòa bình cho đến nay là giải Nobel mang tính chính trị nhất. Điều bất thường là nó có thể được trao cho toàn bộ tổ chức, như với những tổ chức đã nhận trước đây, từ Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Chiến dịch Quốc tế nhằm loại bỏ Vũ khí Hạt nhân đến Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu và Liên minh Châu Âu. Nhưng rất nhiều cá nhân đã được vinh danh trong sự nghiệp giành lại hòa bình: Tiến sĩ Martin Luther King8, lãnh đạo phong trào dân quyền; Đức Tổng Giám mục Desmond9 Tutu, nhà hoạt động nhân quyền và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; và Malala Yousafzai10, với cuộc đấu tranh chống lại việc đàn áp trẻ em.

Tiến sĩ Martin Luther King. Ảnh: Unsplash

Giải thưởng trị giá bao nhiêu?

Năm nay (2019), một người đoạt giải Nobel sẽ nhận được 9 triệu kronor Thụy Điển(gần 23.6 tỷ VND). Nhưng vì hầu hết các giải thưởng được chia cho hai hoặc ba người, nên số tiền thắng cá nhân có thể hạ thấp xuống còn 2,25m kronor.
Đối với một số người đoạt giải (hoặc gia đình của họ) thì huy chương vàng sinh lợi nhiều hơn. Năm 2014, James Watson trở thành người đoạt giải còn sống đầu tiên bán đấu giá huy chương của mình. Nó được Alisher Usmanov, người giàu nhất nước Nga, mua với giá 4,1 triệu đô la (khoảng 94,3 tỷ VND), ông sau đó tuyên bố sẽ trả lại huy chương cho Watson. Một năm trước đó, năm 2004, Francis Crick qua đời, gia đình ông đã bán huy chương của ông với giá 2,27 triệu USD (khoảng 52,2 tỷ VND).

Huân chương Nobel được trao tặng. Ảnh: flickr

Nó thay đổi cuộc sống con người như thế nào?

Những người đoạt giải Nobel thường chuyển mình từ người có cuộc sống yên tĩnh khi điều hành một phòng thí nghiệm hoặc viết sách thành người khá nổi tiếng (minor celebrity) chỉ trong một đêm. Các lời mời đến thuyết trình, tham dự các bữa tiệc và phát biểu ý kiến về nhiều chủ đề khác nhau sẽ đến với họ như dòng lũ. Một số rất vui khi có một chỗ đứng để đưa ra các vấn đề chính trị và tiếp cận với các chính trị gia, các lãnh đạo doanh nghiệp và giới truyền thông. Đối với những người khác, họ xem giải thường như thứ đẩy họ xuống con dốc cuộc đời. Khôi nguyên gốc Anh-Hà Lan, Sir Andre Geim, nói đùa rằng “những câu hỏi của các nhà báo” là một trong những thứ tiêu cực.

Một người đoạt giải vật lý khác, Brian Schmidt nói với tạp chí New Scientist: “Một trong những nguy họa khi trở thành người đoạt giải Nobel là tiếng nói của chúng tôi trở nên quá lớn khi đưa ra quan điểm cá nhân – về mặt này, tôi cần phải cẩn thận hơn nhiều so với trước đây về những gì tôi nói và những gì tôi viết.”

Giải Nobel có thể được kỳ vọng sẽ nâng cao sức ảnh hưởng của một người trong lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng có ít nhất một vài trường hợp thì điều ngược lại dường như đã xảy ra. Theo hồ sơ xuất bản của 204 người đoạt giải Nobel từ năm 1980 đến năm 2009, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các bài báo xuất bản sau khi nhận giải của họ được trích dẫn ít hơn và chúng được xuất bản trên các tạp chí ít danh giá hơn.

Martin Chalfie, người đoạt giải Nobel hóa học năm 2008, phàn nàn rằng ông thậm chí đã phải vật lộn trong việc tuyển sinh viên cho mình kể từ khi nhận giải, ông nghĩ đó có thể là do khuôn mẫu “người đoạt giải khó ưa (insufferable laureate)” làm người ta ghét. Ông nói: “Chắc chắn số lượng người nộp đơn vào phòng thí nghiệm sẽ không tăng mà thực sự có thể giảm mạnh. Chẳng ai biết chắc nguyên nhân là gì nữa,”.

Martin Chalfie là một trong ba người đoạt giải Nobel năm 2008 nhờ công trình nghiên cứu về protein huỳnh quang xanh (Green Fluorescent Protein). Ảnh: flickr

Chuyện bên lề: Người ta tiêu tiền thắng giải Nobel như thế nào?

Trong những năm qua, những người đoạt giải Nobel đã sử dụng số tiền này để tăng lương hưu, cho con cái vào đại học, thiết lập các quỹ học bổng và hỗ trợ các chiến dịch chống lại thành kiến ​​đối với phụ nữ trong khoa học. Marie và Pierre Curie lại bỏ đáng kể tiền thưởng Nobel của họ vào nghiên cứu thêm. Những người khác đã thay đổi cảnh quan theo đúng nghĩa đen. Khi còn nhỏ, Günter Blobel (giải y học, 1999) đã chứng kiến ​​vụ đánh bom Dresden. Ông đã quyên góp số tiền thắng được của mình cho thành phố để khôi phục lại nhà thờ lớn và xây dựng một giáo đường Do Thái mới. Thời gian sau đó, Orhan Pamuk (giải văn học, 2006) đã dành phần lớn số tiền của ông để xây dựng Bảo tàng Ngây thơ (Museum of Innocence) ở Istanbul, sau khi cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 2008 của ông ra đời. Ở quy mô nhỏ hơn một chút, Richard Roberts (giải y học, 1993) đã lắp đặt một bãi cỏ chơi bóng cửa (croquet) tại nhà của mình. Franco Modigliani (giải kinh tế học, 1985) đã nâng cấp chiếc thuyền buồm cỡ nhỏ của mình, trong khi Ngài Paul Nurse (giải y khoa, 2001), hiện là người đứng đầu Viện Francis Crick ở London, tự thưởng cho mình một chiếc mô tô Kawasaki GPZ. Sau đó, ông đổi sang một chiếc Triumph Bonneville. Khi Albert Einstein đoạt giải Nobel vật lý năm 1921, ông đã trao phần lớn số tiền thắng được cho người vợ đầu tiên, Mileva Marić, và hai con trai của họ.

Ứng cử viên năm nay (2019) là ai?

Sau khi hoãn giải thưởng văn học năm ngoái sau vụ bê bối tấn công tình dục và hàng loạt đơn từ chức, Viện hàn lâm Nobel sẽ trao hai giải văn học trong năm nay. Gerald Murnane (nhà văn người Úc), người phục vụ đồ uống tại câu lạc bộ chơi gôn của ông ở Goroke, cách 250 dặm theo phía tây bắc của Melbourne, chắc chắn là một ứng cử viên sáng giá. Nhưng còn rất nhiều người khác nữa: Ngugi wa Thiong’o, tác giả người Kenya, người bị bỏ tù một năm không xét xử vào năm 1978; một loạt người Mỹ từ Joyce Carol Oates đến Don DeLillo, Thomas Pynchon, và Haruki Murakami, người luôn là một trong những ứng cử viên yêu thích của nhà cái.

Chúng ta có thể thấy giải thưởng y học hoặc hóa học về chỉnh sửa gen có thể đến với Jennifer Doudna, Emmanuel Charpentier và Feng Zhang. Còn quá sớm để những người đứng sau Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện (the Event Horizon Telescope) giành được giải thưởng vật lý với hình ảnh đầu tiên về điểm không thể quay đầu xung quanh một lỗ đen. Nhưng Alain Aspect và những người khác đang có cơ hội cho nghiên cứu của họ về rối lượng tử11, thứ mà Einstein mô tả là “hành vi kỳ quái ở khoảng cách xa”.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ Colin Camerer và George Loewenstein đã giành được giải thưởng kinh tế học cho công trình của họ về kinh tế học hành vi và “kinh tế học thần kinh (neuroeconomics)”.
Nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu 16 tuổi Greta Thunberg đã được đề cử cho giải thưởng hòa bình. Nhưng cô sẽ không thể được xem xét cho giải thưởng năm nay trừ khi được đề cử trước thời hạn tháng Giêng. Đức Thánh Cha Phanxicô đang có cơ hội nhận giải.

Greta Thunberg. Ảnh: flickr

Có vấn đề gì về sự đa dạng không?

Các bảng thống kê trông có vẻ không ổn. Rất ít phụ nữ đã được công nhận trong những năm qua. Khi Donna Strickland được trao giải thưởng vật lý năm ngoái, bà đã phá chuỗi thời gian liên tục 54 năm dành riêng cho nam giới và trở thành người phụ nữ thứ ba nhận giải. Chỉ có năm người nữ đoạt giải hóa học và thật đáng báo động khi giải thưởng kinh tế, được xem như một giải Nobel bổ sung mang tính thời đại, có tỷ lệ nữ/nam đoạt giải thấp nhất, với chỉ duy nhất một phụ nữ là Elinor Ostrom, đoạt giải kể từ năm 1969. Kể từ năm 1901, chỉ ba phụ nữ đã đạt giải vật lý.

Hơn 90% người đoạt giải là nam giới. Nguồn: nobelprize.org

Một lập luận thường được đưa ra trong các cuộc thảo luận về tại sao tỷ lệ phụ nữ lại thấp như thế là vì giải Nobel thường được trao cho những người trong cuối sự nghiệp của họ, danh sách vinh danh phản ánh thời kỳ mà các phòng thí nghiệm thậm chí còn ít đa dạng hơn hiện nay. Điều đáng chú ý là độ tuổi của những người đoạt giải ngày càng tăng. Từ năm 1931 đến năm 1940, độ tuổi trung bình của người đoạt giải vật lý là 41; ở thập kỷ này độ tuổi đó đã là 68.

Độ tuổi phổ biến nhất của người đoạt giải Nobel là 63. Nguồn: nobelprize.org

Cũng có những ý kiến chỉ trích rằng giải thưởng này có xu hướng thiên về phương Tây, với Mỹ, Canada và Tây Âu chiếm hơn 81% tổng số người đoạt giải kể từ năm 1901. Châu Phi là khu vực có ít người đoạt giải nhất – chỉ 17 người, trong đó chỉ có 7 người ở bên ngoài Nam Phi.

Hơn một phần ba giải Nobel đã được người Mỹ giành được, 56 quốc gia giành được ít hơn 10 giải thưởng. Nguồn: nobelprize.org

Tổng người tên là John giành được giải Nobel còn nhiều hơn số người Châu Phi đạt giải.

Cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf là một trong 17 người đoạt giải Nobel đến từ châu Phi. Ảnh: flickr

Có khi nào giải thưởng bị đánh giá sai không?

Một trong những trường hợp điển hình nhất thuộc về Johannes Fibiger, ông giành được giải thưởng y học năm 1926 “với việc tìm ra ung thư biểu mô Spiroptera”. Fibiger đã phát hiện ra một loại giun ký sinh nhỏ mà ông kết luận là thủ phạm gây ra ung thư dạ dày ở các loài gặm nhấm. Vào thời điểm đó, khám phá của ông được xem là “đóng góp lớn nhất cho y học thực nghiệm.”

Nhưng về sau, người ta đã chứng minh rằng nguyên nhân chính gây ra các u ở loài gặm nhấm là do thiếu vitamin A. Lúc bấy giờ, tình thế đã thay đổi, phát hiện của ông hóa ra lại là “một trong những sai lầm lớn nhất của Viện Karolinska“.

Một quyết định bị chỉ trích nặng nề khác là giải thưởng về sinh lý học hoặc y học năm 1949 được trao cho nhà thần kinh học người Bồ Đào Nha, António Egas Moniz, vì ông đã phát triển phương pháp phẫu thuật tách thùy não trán, thủ thuật này sau đó đã bị thất sủng và cấm đoán – nhưng chỉ sau khi người ta đã thực hiện cho hàng chục nghìn bệnh nhân. 

Cũng có những giải thưởng có vẻ như hơi kỳ quặc khi nghĩ lại. Nils Gustaf Dalén đã giành được giải thưởng vật lý năm 1912 vì đã phát minh ra một loại van hải đăng mới có thể tự động tắt đèn hiệu khi mặt trời mọc. Phát minh này có lợi cho những người canh giữ hải đăng, nhưng lại là một sự trao giải khác thường, vì Einstein vừa đưa ra thuyết tương đối.
Ủy ban giải thưởng hòa bình được cho là có nhiệm vụ khó khăn nhất, khi họ phải đề cử một người hoặc tổ chức có khả năng “đóng góp tốt hoặc tốt nhất cho tình hòa hữu giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hoặc giảm các quân đội thường trực và cho việc tổ chức và thúc đẩy các đại hội hòa bình”. Nhiều người chỉ trích rằng việc trao giải thưởng cho Barack Obama là sớm một cách vô lý, khi ông đã được đề cử chỉ trong vòng 12 ngày sau khi nhậm chức; giải thưởng năm 1991 cho Aung San Suu Kyi vướng vào tranh biện sau khi bà không làm bất kì điều gì thành công trước cuộc đàn áp người Hồi giáo Rohingya bởi quân đội Myanmar. Gandhi chưa bao giờ nhận giải Nobel hòa bình, mặc dù ông đã được đề cử 5 lần. Vào năm 2006, sau nhiều thập kỷ sau đó, một ủy ban trao giải Nobel thay mặt các tổ chức đã tuyên bố đây là “thiếu sót lớn nhất trong lịch sử 106 năm của chúng tôi”.

Các giải thưởng có bao giờ gây ra vấn đề gì không?

Có rất nhiều tranh cãi. Khi ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ, Henry Kissinger, được trao giải thưởng hòa bình vào năm 1973, hai thành viên ủy ban Nobel người Na Uy đã từ chức để phản đối. Kissinger đã ra lệnh ném bom Hà Nội trong khi đàm phán ngừng bắn.

Việc trao giải thưởng hòa bình năm 2010 cho nhà văn và nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đã gây ra một loạt tranh chấp ngoại giao giữa chính quyền cộng sản khó tính và phía Na Uy.

Giải thưởng về y học năm 2008 lẽ ra đã công nhận đỉnh cao sự nghiệp của nhà virus học người Đức Harald zur Hausen. Nhưng giải thưởng, được trao cho phát hiện của ông rằng HPV gây ung thư cổ tử cung, đã bị lu mờ bởi một cuộc điều tra chống tham nhũng của cảnh sát Thụy Điển về mối liên hệ giữa các công ty dược phẩm AstraZeneca, công ty vốn đầu tư chính vào vắc xin HPV, và hai thành viên của hội đồng tuyển chọn của giải thưởng y học (các cáo buộc này chưa bao giờ được khẳng định).

Quy tắc ba (số lượng người nhận giải tối đa là ba) cho các giải thưởng khoa học và kinh tế đã bị chỉ trích vì cổ xúy về huyền thoại thiên tài đơn độc. Cũng có những người tin rằng người ta đã công nhận nhầm người. Năm 2003, bác sĩ Raymond Damadian người Mỹ đã phải gỡ các trang quảng cáo toàn trang trên một số tờ báo vì quyết định “đáng xấu hổ” khi họ bỏ qua những đóng góp của ông trong việc phát triển MRI12, giải thưởng này thuộc về Paul Lauterbur và Ngài Peter Mansfield. Những người khác lại bình thản hơn. Dame Jocelyn Bell Burnell, người bị bỏ qua đối với phát hiện ra Sao Xung (pulsar)13, nói với tờ Guardian rằng bà ấy cảm thấy “rất ổn mà chẳng cần nhận được giải Nobel làm gì” bởi vì bà ấy đã giành được giải thưởng khác gần như mỗi năm kể từ đó, điều này “vui hơn nhiều ”.

Tiệc trao giải Nobel. Ảnh: flickr

Điều gì xảy ra tại buổi lễ?

Hãy nghĩ đến sự hào nhoáng, hoàng gia và một chút điên rồ. Giải thưởng được trao cho những người thắng giải vào ngày 10 tháng 12, ngày kỷ niệm ngày mất của Nobel. Các giải thưởng khoa học, văn học và kinh tế được trao bởi Vua Thụy Điển ở Stockholm, trong khi chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy trao giải thưởng hòa bình ở Oslo.

Với bằng khen và huy chương trong tay, những người mới đoạt giải hướng mình đến một bữa tiệc. Kèn cống nhỏ văng vẳng, đàn organ nhộn nhịp, tiếng nâng ly, âm nhạc, khiêu vũ, các lời phát biểu, cùng với các chai rượu sâm banh và đĩa được bày biện các thực phẩm như cá nóc nhà tròn turbot, thạch bí ngô, thịt gà khảm guinea, bọt cải xoong, bánh ngọt nhân hạnh nhân giã khoai tây, trái cây và bánh tráng chiên giòn.

Trong trường hợp thời gian kéo dài, có rất nhiều tiết mục giải trí. Năm ngoái, Ballet, Opera và Dàn nhạc Hoàng gia Thụy Điển đã biểu diễn bốn tiết mục về chủ đề lòng dũng cảm. Vào năm 2015, ca sĩ người Thụy Điển Anna Ternheim đã hát về sự cô đơn với đệm đàn của đội đàn tám người và một đàn cưa, tiết mục tiếp theo là một ca sĩ khác được đệm nhạc bởi một tay đàn hạc laser.
Vào năm 2012, những người nhào lộn đã chiếm trọn buổi biểu diễn. Cirkus Cirkör đã thực hiện ba tiết mục để dấy lên câu hỏi: “Liệu có thể tạo nên hòa bình không?” Theo chương trình/chủ đề của bữa tiệc thì điều đó là chắc chắn là có thể. “Một người không bao giờ là quá nhỏ bé khi đóng góp xây dựng nền hòa bình thế giới,”.


  1. Alfred Nobel (1833 -1896) là một nhà hóa học, kỹ sư, nhà phát minh, doanh nhân và nhà từ thiện người Thụy Điển. Ông có 355 bằng sáng chế khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là thuốc nổ. Ông sở hữu Bofors, công ty mà ông chuyển hướng từ vai trò chủ yếu trước kia là nhà sản xuất sắt thép sang nhà sản xuất súng thần công và các loại vũ khí khác. Sau khi đọc một tiền cáo phó lên án ông đã kiếm lợi từ việc bán vũ khí, ông đã để lại tài sản của mình cho tổ chức giải Nobel. Xem thêm:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Alfred_Nobel

  2. Theo di chúc của Alfred Nobel, người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra, một ủy ban gồm 5 thành viên do Quốc hội Na Uy bầu chọn. Xem thêm:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Nobel_Peace_Prize

  3. Mạch tích hợp (còn được gọi là IC, chip hoặc vi mạch) là tập các mạch điện chứa các linh kiện bán dẫn (như transistor) và linh kiện điện tử thụ động (như điện trở) được kết nối với nhau, để thực hiện được một chức năng xác định. Xem thêm:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Integrated_circuit

  4. Sóng hấp dẫn là là những dao động nhấp nhô bởi độ cong của cấu trúc không-thời gian thành các dạng sóng lan truyền ra bên ngoài từ sự thăng giáng các nguồn hấp dẫn (thay đổi theo thời gian), và những sóng này mang năng lượng dưới dạng bức xạ hấp dẫn. Xem thêm:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Gravitational_wave

  5. Mạc Ngôn (sinh ngày 17 tháng 2 năm 1955) là một nhà văn người Trung Quốc xuất thân từ nông dân. Ông được thế giới biết đến với tác phẩm Cao lương đỏ đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Bộ phim đã được giải Gấu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 1988. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 2012. Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Mo_Yan

  6. Doris Lessing CH OBE (sinh Doris May Tayler tại Kermanshah, Ba Tư, ngày 22 tháng 10 năm 1919 – 17 tháng 11 năm 2013) là một nhà văn Anh đoạt giải Nobel và là tác giả của các tác phẩm và tiểu thuyết như The Grass is Singing (Cỏ hát) và The Golden Notebook (Cuốn sổ vàng). Năm 2007, Lessing được trao giải Nobel Văn học. Bà được Viện Hàn lâm Thụy Điển mô tả là một “người viết sử thi của sự trải nghiệm phụ nữ, đầy nghi hoặc, nhiệt huyết có sức khôn ngoan, chín chắn để chinh phục nền văn minh phân hóa đến mức kỹ lưỡng” (“that epicist of the female experience, who with scepticism, fire and visionary power has subjected a divided civilisation to scrutiny”). Lessing là người phụ nữ thứ 11 đoạt giải thưởng này trong 106 năm lịch sử giải Nobel. Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Doris_Lessing

  7. Bob Dylan – Robert Allen Zimmerman (sinh ngày 24 tháng 5 năm 1941), thường được biết đến với nghệ danh Bob Dylan, là một nam ca sĩ kiêm sáng tác nhạc, tác giả và nghệ sĩ thị giác người Mỹ. Được coi là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại,[2] Dylan là một nhân vật quan trọng của nền văn hóa đại chúng trong hơn 50 năm. Phần lớn các sản phẩm nổi tiếng nhất của ông bắt nguồn từ những năm 1960, khi các bài hát như “Blowin’ in the Wind” (1963) và “The Times They Are a-Changin'” (1964) trở thành thánh ca cho phong trào dân quyền và phản chiến. Hội đồng giải thưởng Pulitzer năm 2008 đã trao cho ông một giải thưởng đặc biệt vì “tác động sâu sắc của ông đối với âm nhạc đại chúng và văn hóa Mỹ, được đánh dấu bằng những vần thơ trữ tình có sức mạnh phi thường”. Bob Dylan được trao giải Nobel Văn học vào năm 2016. Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Bob_Dylan

  8. Dr Martin Luther King (1929 – 1968) là Mục sư Baptist, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo.

  9. Archbishop Desmond Tutu (1931 – ) là nhà hoạt động người Nam Phi và tổng Giám mục Anh giáo nghỉ hưu, người đã nổi tiếng khắp thế giới trong thập niên 1980 như là một đối thủ của chính sách apartheid ở Nam Phi. Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Desmond_Tutu

  10. Malala Yousafzai (1997 – ), thường được gọi với cái tên đơn danh là Malala, là một nhà hoạt động Pakistan vì giáo dục nữ giới và là người đoạt giải Nobel trẻ tuổi nhất. Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Malala_Yousafzai

  11. Rối lượng tử (Quantum entanglement) là một hiệu ứng trong cơ học lượng tử trong đó trạng thái lượng tử của hai hay nhiều vật thể có liên hệ với nhau, dù chúng cách xa tới mức nào, thậm chí là tới khoảng cách lên tới cả nhiều năm ánh sáng. Xem thêm:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Quantum_entanglement

  12. Magnetic resonance imaging (MRI) Chụp cộng hưởng từ là một kỹ thuật hình ảnh y tế được sử dụng trong X quang để tạo hình ảnh về giải phẫu và các quá trình sinh lý của cơ thể. Xem thêm:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Magnetic_resonance_imaging

  13. Sao xung (hay pulsar) là các sao neutron xoay rất nhanh, nó biểu hiện như một nguồn sóng radio, được phát ra đều đặn ở các chu kì ngắn. Cường độ bức xạ thay đổi theo một chu kì đều, điều này chỉ ra chuyển động xoay của ngôi sao. Xem thêm:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Pulsar

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Triết Học 101
Bạn không thích triết học? Bạn nghĩ triết học là một môn không có tính ứng dụng cao? Triết học chỉ xoay xung quanh chủ nghĩa Mác Lê-nin? Bài viết sẽ cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh hơn về triết học.
Mới nhất