a
§ Tác giả: Rick Fedrizzi | Nguồn: Wilson Quarterly Magazine
Biên dịch: Uong Uyen | Hiệu đính:  Aceae
15/09/2017

Phong trào bảo vệ môi trường về cơ bản là rất đúng đắn, nhưng những chiến lược của chúng ta đã trở nên lỗi thời,” chủ tịch sáng lập tổ chức phi lợi nhuận U.S. Green Building Council viết. “Hoạt động kinh doanh chính là hi vọng duy nhất của phong trào hoạt động vì môi trường.”

Quê hương của tôi ở thành phố Syracuse, bang New York, không cách xa thị trấn Seneca Falls, nơi khai sinh của phong trào nữ quyền. Tôi nhớ đã được học về nó khi còn nhỏđược dạy về Wesleyan Chapel, Elizabeth Cady Stanton, và Công ước về Nữ Quyền năm 1848. Thật khó để tưởng tượng về một khoảng thời gian mà khi đó phụ nữ chẳng có quyền gì cả, không được bầu cử, và bị coi như một món đồ sở hữu. Nhưng vào năm 1848, người dân tại một ngôi làng nhỏ nằm ở phía bắc bang New York đã liên kết lại với nhau và khởi xướng một phong trào mà, trải qua rất nhiều thập kỷ sau đó, sẽ làm thay đổi nước Mỹ và cả thế giới.

Một tấm biển kỷ niệm tại Seneca Falls. Nguồn: Return of Kings.

Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã sùng bái những phong trào xã hội vĩ đại của thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Khi tôi học lớp ba chính là lúc Martin Luther King, Jr., đọc bài phát biểu “Tôi có một ước mơ1” của ông, và tôi còn nhớ một năm sau đó Tổng thống Lyndon Jonhson ký thành văn Đạo luật về Quyền Công dân2 (Civil Rights Act). Khi tôi học cấp ba thì phong trào LGBT đã lan ra cả nước, và tôi chỉ mới tốt nghiệp trường kinh doanh khi mà một vài trong số những nhà hoạt động xã hội kể trên đến Washington biểu tình giữa cuộc khủng hoảng AIDS vào những năm 1980.

Với người khác, những câu chuyện này có thể làm tôi có vẻ đã lớn tuổi. Nhưng với tôi, những phong trào xã hội không tưởng này cảm giác như mới xảy ra gần đây thôi.

Tôi nghĩ về chúng khi ngẫm nghĩ về tương lai của chủ nghĩa môi trường. Mặt khác, nỗ lực xây dựng một thế giới bền vững của chúng ta rất khác so với những phong trào giành tự do và bình đẳng khác trong lịch sử nước Mỹ. Sự suy thoái của môi trường là một nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội, nhưng sự bất công trong chủ nghĩa môi trường lại là một dạng phân biệt đối xử tinh vi. Kẻ thù (thường) không phải là người ghét phụ nữ, người phân biệt chủng tộc, người kỳ thị người đồng tính. Kẻ thù ở tất cả mọi nơi nhưng cũng không ở đâu cả; kẻ thù chính là nền tảng của cuộc sống công nghiệp và hiện đại.

Tuy nhiên, ngoài những nét khác biệt dễ thấy, chủ nghĩa môi trường có nhiều điều để học từ những phong trào xã hội trong quá khứ và hiện tại, và một bài học đáng để suy ngẫm điển hình đó là: Đúng chưa chắc đã đủ.

Những anh hùng dũng cảm chiến đấu vì công bằng xã hội biết rằng cơ hội chiến thắng đầu tiên không bao giờ là cơ hội cuối cùng. Nhưng phong trào bảo vệ môi trường thì lại không có được niềm an ủi này.

Phong trào nữ quyền, quyền công dân, quyền của người lao động, và quyền của người đồng tính tất cả đều đã – và đang – ở bên phe chính nghĩa. Từ góc nhìn của chúng ta, dường như rõ ràng là những phong trào xã hội này đã thắng lợi. Chúng ta nhìn lại lịch sử và thấy rõ những sự bất công lộ liễu khiến cho những phong trào này trở nên đúng và cần thiết. Nhưng những phong trào xã hội này không dành chiến thắng vì chúng ở phía lẽ phải; mà chúng chiến thắng vì chúng hiệu quả. Những cuộc biểu tình bất bạo động, tổ chức công đoàn, chính trị, tư pháp, và các hoạt động kinh tế – đây là những chiến lược mang lại hiệu quả rực rỡ mà các phong trào xã hội lớn đặt ra và triển khai để chiếm ưu thế khi đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ, độc ác, và đôi khi bạo lực.

Hiện nay, các nhà bảo vệ môi trường thường không hiểu nổi làm thế nào xã hội lại có thể nhẫn tâm và cố tình đầu độc không khí và nguồn nước như thế. Chúng ta không thể hiểu được tại sao thi thoảng người ta mới nhớ đến phát triển bền vững thay vì coi nó một giá trị cốt lõi để áp dụng mọi nơi mọi lúc. Chúng ta không thể giải thích tại sao việc thông qua những đạo luật về thay đổi khí hậu lại rề rà đến vô tận. Lời đáp cho câu hỏi liệu chúng ta có nên hướng tới một môi trường bền vững đã quá rõ ràng; lịch sử, đạo đức, khoa học, ý kiến công chúng, và thậm chí cả Đức Giáo hoàng, đều đứng về phía môi trường.

Vậy đâu là điều còn thiếu?

Phong trào môi trường một cách sâu sắc và cơ bản là tốt đẹp, nhưng chiến thuật của chúng ta đã trở nên lỗi thời. Các yếu tố của một phong trào xã hội trẻ tuổi – một ý tưởng đầy cảm hứng, một lời kêu gọi thay đổi, một cảm giác cấp bách về mặt đạo đức – không còn đủ để đưa phong trào tiến lên phía trước.

Khi phong trào giành nữ quyền đấu tranh vì quyền bầu cử, những người ủng hộ nó đã chiến đấu trong khi biết rằng ngay cả khi họ không đạt được mục tiêu, những người con của họ sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh. Khi các nhà hoạt động dũng cảm của phong trào dân quyền cùng nhau hành quân, họ tiến về phía trước với một cảm giác chắc chắn rằng, như Martin Luther King sẽ nói, “vòng cung của vũ trụ đạo đức” đang dần uốn cong “hướng đến công lý.” Ngày nay, những người ủng hộ phong trào LGBT đang đấu tranh cho quyền được bảo vệ bình đẳng và được công nhận trong mắt pháp luật. Họ đã có được nhiều chiến thắng hào hùng xứng đáng ghi vào lịch sử, gần đây nhất là tại Tòa án tối cao3, và sẽ có nhiều cuộc đấu tranh khác. Nhưng ngay cả khi họ thất bại một ngày nào đó, sẽ luôn có một ngày khác, tuần khác, và thêm một năm khác để tiếp tục cuộc vận động vì sự bình đẳng thực sự.

Phong trào môi trường một cách sâu sắc cơ bản là tốt đẹp và đúng đắn, nhưng chiến thuật của chúng ta đã trở nên lỗi thời. Đúng đơn giản là đã không còn đủ.

Những linh hồn dũng cảm đã chiến đấu vì công bằng xã hội biết rằng cơ hội chiến thắng đầu tiên của họ không phải là chiến thắng cuối cùng. Nhưng phong trào môi trường thì không có sự thoải mái đó. Thay vào đó, chúng ta hầu như đã hết thời gian. Điều này không có nghĩa là phong trào bảo vệ môi trường là khẩn cấp hơn các phong trào lịch sử khác về công lý và bất bình đẳng. Chỉ để nói rằng, trong trường hợp này, cánh cửa của chúng ta đang đóng lại rất nhanh.

Trong khi bạn đọc câu này, lớp băng ở hai cực đang tan dần, mực nước biển đang dâng lên, trái đất đang ấm dần lên, và mức độ ô nhiễm thì ngày càng chồng chất. Sẽ sớm thôi, những ảnh hưởng ở tầm thảm họa của biến đổi khí hậu sẽ không thể đảo ngược được. Con cháu của ta và những người nối bước trong phong trào bảo vệ môi trường không thể bước tiếp từ điểm ta dừng lại. Thay vào đó, họ sẽ buộc phải đối phó với những hệ quả kinh khủng do thất bại của chúng ta.

Đó là lý do vì sao phong trào bảo vệ môi trường như hiện nay cần phải đi tới một kết cục nhất định. Quãng đường chúng ta phải đi còn rất dài, và chúng ta cần phải tới đích thật nhanh. Đó là lý do tại sao chúng ta phải định nghĩa lại phong trào bảo vệ môi trường một cách toàn diện, lấy ý tưởng rằng sự ổn định và bền vững đem lại nhiều lợi nhuận làm mấu chốt. Chúng ta cần một phong trào môi trường hoàn toàn mới để làm bàn đạp đưa ta đến bước tiến mới. Chúng ta cần một phong trào mà có thể khai thác sức mạnh đáng kinh ngạc của động cơ kinh tế, thay vì đấu tranh một cách vô ích để đàn áp nó. Doanh nghiệp chính là hi vọng duy nhất của chủ nghĩa môi trường.

Doanh nghiệp chính là hi vọng duy nhất của chủ nghĩa môi trường.

Ngày xửa ngày xưa, chúng ta đã tùng một lần cứu được trái đất. Ban đầu, không ai biết là có vấn đề. Một loại khí không thể nhìn thấy được, thải ra bởi việc tiêu thụ hàng hóa mỗi ngày, đã làm ô nhiễm khí quyển và đe dọa đến sự sống tương lai của Trái đất. Chầm chậm nhưng chắc chắn, bằng chứng chồng chất cho đến khi không thể phủ nhận được nữa: Ta cần phải hành động.

Chính phủ Mỹ bắt đầu đặt ra những quy định trong nước, nhưng chỉ như thế thì không đủ. Đây là một vấn đề toàn cầu mà không quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết. Sau đó, một hiệp ước quốc tế đã đưa ra một mục tiêu rất tham vọng. Mỹ đã ký hiệp ước này, cũng như 196 nước khác, bao gồm mọi thành viên Liên Hợp Quốc.

Thỏa thuận quốc tế này đã đem lại hiệu quả. Thiệt hại gây ra bởi khí ga độc hại này đã chậm lại, sau đó dừng hẳn, và cuối cùng đảo ngược.

Nghe thì có vẻ như một giấc mộng ban ngày của những nhà bảo vệ môi trường, mộng tưởng về điều tuyệt vời mà thế giới cần phải làm để phản ứng với mối đe dọa từ việc biến đổi khí hậu. Nhưng đây không phải là một câu chuyện hư cấu. Nó là lịch sử – lịch sử đương thời.

Chất thải này không phải là CO2, nó là hợp chất của cácbon với clo và flo, hay còn gọi là CFC, thải ra từ điều hòa, tủ lạnh, bình cứu hỏa, bình xịt đủ loại, và vô số những sản phẩm khác. Năm 1974, Mario Molina và F. Sherwood Rowland tại Đại học California đã nhận diện mối đe dọa từ hợp chất này ở tầng cao của khí quyển, nơi chất này vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, bao gồm nguyên tử clo. Molina và Rowland đã phát hiện ra rằng clo phá hủy tầng ô-zôn, lớp bọc bảo vệ trái đất khỏi bức xạ tia cực tím nguy hiểm. Không có tầng ô-zôn cũng có nghĩa là không có cây cối, không côn trùng, không vi khuẩn, không động vật, không con người – một hành tinh giống sao Hỏa hơn là Trái đất. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra CFC làm suy yếu tầng ô-zôn với tốc độ chóng mặt, một nguyên tử clo thoát ra từ một phân tử CFC có thể quét sạch 100.000 phân tử ô-zôn.

Cuối những năm 1970, EPA (Environmental Protection Agency hay Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) ban hành luật cấm sử dụng CFC trong các bình xịt khí. Thật không may, việc này đã không ngăn chặn hoặc thậm chí là ghìm lại được số lượng CFC được sản xuất, con số này tiếp tục tăng đến những năm 1980. Sau đó, vào năm 1985, tổ chức Khảo sát Nam Cực của Anh (British Antarctic Survey) khám phá ra một điều đáng sợ: một phần ba tầng ô-zôn đã biến mất kể từ năm 1972, và CFC chính là nguyên nhân. Phát hiện khoa học này không thể chối cãi, và mối hiểm nguy thì không thể phủ nhận được.

Sau đó, một điều tuyệt vời đã xảy ra – một điều kể từ đó chúng ta chưa bao giờ chứng kiến lại: thế giới đã hành động.

Năm 1987, thế giới cùng nhau kí vào Nghị định thư Montreal, với yêu cầu khối tư nhân cắt giảm một nửa lượng sản xuất CFC trong vòng mười năm. Khi những bằng chứng mới yêu cầu một giải pháp quyết liệt hơn, nghị định được cập nhật, yêu cầu đến năm 1996 phải dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất CFC ở các nước phát triển. Ngoài sự phản đối ban đầu từ ngành công nghiệp, cho rằng CFC là một thành phần cần thiết và không thể thay thế trong các sản phẩm tiêu dùng mà họ sản xuất, các doanh nghiệp cuối cùng cũng đã tìm ra chất thay thế hay giải pháp khác để loại CFC ra khỏi khí quyển của chúng ta.

Nói tóm lại, hành động đã có hiệu quả. Theo EPA, mật độ clo trong tầng bình lưu đạt đến mức cao nhất vào cuối những năm 1990, và giảm đều kể từ đó. Tầng ô-zôn hiện nay đang trên đường phục hồi lại hoàn toàn. Cuộc chiến cấm CFC có lẽ là chiến thắng về môi trường quan trọng nhất trong lịch sử thế giới.

Nhưng thật không may, từ thời điểm đó thời thế đã thay đổi. Tua nhanh 20 năm, tới cuộc chiến gần đây giữa các nhà môi trường và cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề đường ống Keystone XL. Năm 2008, công ty năng lượng TransCanada quyết định xây dựng một đường ống mới, bắt đầu từ một đường ống dẫn dầu Canada với tên gọi Keystone, để kết nối vùng đất cát chứa dầu của bang Alberta, Canada, tới bang Nebraska, Hoa Kỳ, và cuối cùng là tới các nhà máy lọc dầu trên Bờ biển Vịnh (Gulf Coast). Vài tháng sau, phong trào môi trường dẫn đầu bởi nhiều tổ chức và nhân vật đáng chú ý nhất, đã huy động và phản hồi lại một cách đáng kinh ngạc, tăng sức ép chính trị lên chính quyền Obama và trì hoãn mọi hành động ủng hộ Keystone của Tổng thống – giữ dự án này trong trạng thái lấp lửng trong vòng sáu năm rưỡi đầu của nhiệm kỳ Obama. Đầu tháng 11 năm 2015, Tổng thống Obama tuyên bố phản đối dự án Keystone.

Bill McKibben, nhà hoạt động môi trường nổi bật, nhà sáng lập tổ chức 350.org, cũng như tác giả của nhiều cuốn sách, tại một buổi biểu tình phản đối dự án Keystone XL. Nguồn: Wikimedia.

Trận chiến Keystone còn chỉ ra một vấn đề lớn hơn. Là một người quan tâm không chỉ đến phong trào môi trường mà còn về thành công của nó, hoạt động xung quanh vấn đề Keystone XL làm tôi bận tâm vô cùng. Chắc chắn nó là một điểm thuận lợi để giải tỏa tức giận do thất bại của chính phủ trong việc phản ứng có ý nghĩa đối với cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không phải là chống lại những đường ống, mà là cuộc chiến chống lại việc phát thải các-bon.

Đối với những người hoạt động vì môi trường, cuộc chiến chống lại Keystone XL là một sự phân tâm. Các nhà sản xuất dầu chỉ đơn giản tìm ra cách khác để đưa sản phẩm của họ ra thị trường.

Ảnh hưởng tương đối của việc dừng lắp đặt đường ống Keystone XL chỉ là một giọt nước giữa biển cả mênh mông. Theo tờ New York Times ghi nhận tháng 11 năm 2014, lượng phát thải các-bon từ Keystone “chiếm ít hơn 1% lượng phát thải khí nhà kính của Hoa Kỳ, và là một phần vô cùng nhỏ của tổng số toàn cầu.”

Hơn nữa, với việc đường ống Keystone XL nằm trong tình trạng lấp lửng, các nhà sản xuất dầu mỏ đã tìm kiếm những cách khác để đưa sản phẩm của họ ra thị trường. Và họ đã tìm thấy một phương án hay: tàu hỏa. Theo hãng tin Reuters, “lưu thông dầu bằng đường tàu đã tăng ít nhất 42 lần kể từ năm 2009.” Trong khi chính quyền Obama đang mua thời gian nghiên cứu Keystone, số dầu vận chuyển bằng đường sắt lại tăng hơn một nửa con số dự kiến ​​của đường ống Keystone. Trên thực tế, các công ty đường sắt đã rất thành công trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển của các nhà sản xuất dầu, đến mức một chuyên gia nói với báo Slate: “Những doanh nghiệp xây đường ống hẳn phải sợ hãi lắm.” Bằng cách đánh bại Keystone XL, liệu các nhà môi trường có làm chậm lại, dừng hẳn, hay đảo ngược lại việc phát thải khí các-bon? Câu trả lời rõ ràng là không.

Nếu xem xét hai câu chuyện này – nỗ lực hành động toàn cầu để cứu lấy tầng ô-zôn, và cuộc chiến không ngừng hai thập kỷ sau đó về việc xây dựng một đường ống đơn lẻ – thật khó để không nhận ra rằng có một điều cơ bản đã thay đổi.

Phong trào bảo vệ môi trường đã phát triển về quy mô, quyền lực, và ảnh hưởng so với những năm 1970, và ngày nay nó có nhiều thành viên hơn, nhiều vốn tài trợ hơn, và nhiều nhà vận động hành lang tài năng và tận tụy làm việc tại chính phủ. Trên thực tế, các cuộc biểu tình Keystone XL cho thấy được phong trào môi trường có thể có quy mô lớn hơn bao nhiêu. Và không cần phải nói, mục tiêu tổng thể – xây dựng một thế giới bền vững hơn – chưa bao giờ cấp thiết hơn thế.

Sự thật khó nuốt là phong trào môi trường đang thất bại. Đúng vậy, đã có nhiều chiến thắng quan trọng: các tiêu chuẩn về phương tiện sử dụng nhiên liệu hiệu quả chặt chẽ hơn, đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo trên toàn quốc, và các tiêu chuẩn về danh mục đầu tư và hệ thống bán lại quyền phát thải4 (cap-and-trade) ở cấp tiểu bang và khu vực. Nhưng dứt khoát là ta đang thua ở những trận chiến lớn.

Sự thật khó nuốt là phong trào môi trường đang thất bại.

Nghị định thư Kyoto là một ví dụ nổi tiếng. Thỏa thuận này – được đưa ra ở Kyoto, Nhật Bản, và được Hoa Kỳ tán thành trên nguyên tắc vào năm 1997 – đặt ra mức phát thải khí nhà kính trần cho các nước phát triển. Nhưng Mỹ là một trong số ít các quốc gia chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước. Vì sao? Bởi vì Thượng viện Hoa Kỳ đã bị thuyết phục rằng họ phải chọn giữa môi trường và tăng trưởng kinh tế. Và thậm chí đây không phải là một trận đấu sát nút. Theo Benjamin Kline trong ghi chép của ông về phong trào bảo vệ môi trường, First Along the River, ngay cả trước khi bản thảo nghị định Kyoto được hoàn thiện, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu rằng “Hoa Kỳ không nên ký kết bất kỳ nghị định nào không bao gồm các mục tiêu ràng buộc và lịch trình cho cả các quốc gia đang phát triển cũng như các nước công nghiệp hoá, hoặc “sẽ dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Hoa Kỳ.”

Chỉ hơn một thập kỷ sau, vào tháng 12 năm 2009, các quốc gia trên thế giới lại ngồi vào bàn họp tại Copenhagen. Một lần nữa, bất chấp những lời hứa, sự lạc quan, và nhiều ý định tốt đẹp, các cuộc đàm phán lại thất bại. Tại sao mọi thứ lại đi lệch hướng? Không có gì bí ẩn cả: một lần nữa, ý tưởng cho rằng các mục tiêu về môi trường sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng là một trở ngại không thể vượt qua trong các cuộc đàm phán. Năm 2012, Roger Pielke đã tổng kết lại trong tạp chí Foreign Policy: “Nếu các quốc gia và mọi người trên thế giới vào đầu thế kỷ 21 có chung cam kết với một tư tưởng, thì đó là việc tăng trưởng GDP là không thể thương lượng.”

Vào năm 2014, ta đã thấy một tia hi vọng khi Tổng thống Obama tuyên bố một thỏa thuận về khí hậu lớn với Trung Quốc. Thỏa thuận lịch sử này là lần đầu tiên Trung Quốc cam kết cắt giảm lượng khí thải các-bon, và bởi vì hai quốc gia này phát thải gần một nửa lượng khí nhà kính toàn cầu, nên thỏa thuận này có tiềm năng tạo ra tác động đáng kể trong nhiều năm tới. Nhưng nó cũng là nhắc nhở về cách mà phong trào bảo vệ môi trường đã thất bại trong thời gian gần đây. Ít lâu sau khi thỏa thuận khí hậu với Trung Quốc được công bố, đại diện Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã lên án thỏa hiệp này.

Trong nội địa Hoa Kỳ, phong trào bảo vệ môi trường tiếp tục chịu nhiều tổn hại trên phương diện chính trị. Ta chỉ cần cân nhắc đến thất bại của ý tưởng hạn chế và bán lại quyền phát thải. Năm 2009, Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 219-212, thông qua một dự luật mang tên Waxman-Markey, đưa ra các mục tiêu về năng lượng tái tạo đầy tham vọng và tạo ra một hệ thống mới gồm các mức phát thải tối đa và giấy phép (phát thải) trao đổi được. Những ý tưởng trong dự luật này nhận được một số ủng hộ từ cả hai đảng, và thậm chí có phần giống như Đạo luật Không khí Sạch do Tổng thống George HW Bush ký năm 1990. Tuy nhiên, sau khi Waxman-Markey thông qua Hạ viện với chênh lệch số phiếu ít ỏi, Thượng viện đã lặng lẽ giết chết nó – không bỏ phiếu, thậm chí không một lời chống đối.

Có hai cách nhìn vào những thất bại to lớn của phong trào môi trường trong việc huy động một chính sách hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu như trong cuộc khủng hoảng CFC vào những năm 1980. Cách thứ nhất tôi đã nghe rất nhiều người thuộc phong trào bảo vệ môi trường nói: Chúng ta thất bại bởi vì chúng ta đã làm việc không đủ chăm chỉ, chiến đấu không đủ khốc liệt, biểu tình không đủ xa, hoặc phản kháng không đủ lớn tiếng. Nhưng có một cách khác để nhìn nhận thất bại này – một cách chính xác hơn và, tôi tin rằng, có hiệu quả hơn: Chúng ta thất bại vì chúng ta để ‘kinh doanh’ và ‘tăng trưởng’ trở thành đối thủ của chúng ta.

Trong nỗ lực thúc đẩy hành động tại Kyoto và Copenhagen, chúng ta đã xây dựng bản thân trở thành đối thủ của kinh doanh toàn cầu. Trong cuộc đấu tranh về việc hạn chế và bán lại quyền phát thải, dân chúng mặc định – hoặc bị thuyết phục bởi những người phản đối phong trào bảo vệ môi trường – rằng chúng ta đang mong muốn xóa bỏ việc làm của họ. Đây là những cuộc chiến mà các nhà môi trường sẽ luôn bại trận.

Các nhà môi trường đã chọn sai đối thủ vì quá nhiều người trong chúng ta có một thế giới quan không còn phù hợp với thời đại nữa. Kẻ thù của phong trào bảo vệ môi trường không phải là doanh nghiệp, hoạt động công nghiệp, công ăn việc làm, hay tăng trưởng kinh tế; mà kẻ thù là suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Trong một thời gian quá dài, các nhà môi trường vẫn tiếp tục theo đuổi ý tưởng rằng chúng ta cần phải đánh bại nhóm đầu tiên để đánh bại cái thứ hai.

Thế giới quan người được kẻ mất này cuối cùng đã đến lúc quá đát. Cả trong nước và quốc tế, lựa chọn giữa một tương lai bền vững và một xã hội thịnh vượng không đưa ra khuôn khổ để định hướng hành động hay chính sách công hữu ích. Cách suy nghĩ cũ này đã dẫn chúng ta đến tình trạng đáng buồn ngày hôm nay: một thế giới không có môi trường khỏe mạnh hay một nền kinh tế cứng cáp.

Nói cách khác, tất cả mọi người đều thua cuộc.

§

Trong một thời gian dài, ngành công nghiệp là đối thủ của các nhà môi trường. Và chiến thuật ba bên gồm thảo luận, luật pháp, và quy định đã có hiệu quả đáng ngạc nhiên trong việc hiện thực hóa những điểm này. Ngày nay, trò chơi đã thay đổi. Sự bền vững gây nên lợi nhuận, và thế có nghĩa là các tổ chức môi trường cần một kế hoạch tấn công mới. Hôm nay, “greenthink” (Tạm dịch: suy nghĩ xanh) đưa ra một chiến lược-ba-phần khác có hiệu quả hơn nhiều, đào sâu hơn, và gây ra thay đổi hơn.

Phần đầu tiên của chiến lược mới này khá đơn giản: kết nối sự bền vững và lợi nhuận. Nói một cách khác, các tổ chức vì môi trường thành công nhất hiện nay làm việc với doanh nghiệp để cho họ thấy họ có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền, và/hoặc thu được bao nhiêu tiền, bằng cách chuyển sang những giải pháp kinh doanh bền vững.

Một trong những ví dụ tuyệt vời nhất của chiến thuật này có lẽ là nỗ lực đầu tiên trong việc triển khai nó. Quỹ Bảo vệ Môi trường (Environmental Defense Fund – EDF) được thành lập vào năm 1967 với nhiệm vụ đúng như tên gọi của nó: bảo vệ môi trường. Tổ chức này đã giành được một số chiến thắng to lớn trong những năm qua, bao gồm cả nỗ lực thúc đẩy những sửa đổi năm 1990 của Đạo luật Không khí Sạch. Cùng năm đó, EDF đã bắt tay vào một cuộc hợp tác cách mạng với McDonald’s, trở thành một thí nghiệm một hoạt động vì môi trường mới.

McDonald’s phục vụ đồ ăn cho “hàng tỷ và hàng tỷ” người dân trên khắp thế giới. Trong quá trình này, nó cũng tạo ra hàng tỷ và hàng tỷ ký chất thải. Mỗi phần ăn, mỗi túi khoai tây chiên kích thước siêu lớn, và mỗi ly sô đa lớn đều nằm trong túi đựng quen thuộc của McDonald’s được trang trí với hai chiếc vòm vàng. Trong một thời gian dài, túi đựng này được làm từ polystyrene, nhựa xốp hay chính là Styrofoam, rất có hại đối với môi trường và có thể tồn tại trong bãi rác qua nhiều thế kỷ mà không bị phân hủy. Đây là thứ đã được sử dụng để đựng chiếc burger của bạn, cho đến khi EDF ngồi xuống với McDonald’s và hỏi một câu hỏi đơn giản: Bao bì này có hiệu quả không? Khai thác điểm này là rất thông minh, bởi vì “hiệu quả” có thể cùng lúc mang hai nghĩa. Đối với EDF nó có nghĩa là: Bao bì có hiệu quả về mặt môi trường hay không? Trong khi McDonald’s cũng cởi mở với câu hỏi đó, công ty này lại quan tâm đến vấn đề khác: bao bì của nó có hiệu quả về kinh tế không? EDF đã giúp McDonald’s thấy một điều gì đó tuyệt vời: hai câu hỏi này là một. Và chúng có cùng một câu trả lời: không.

Quỹ Bảo vệ Môi trường hỏi McDonald’s một câu hỏi đơn giản: Bao bì này có hiệu quả không?

Với sự trợ giúp của EDF, McDonald đã thay đổi bao bì của mình trở nên tốt hơn – và thay đổi mãi mãi. Thay cho xốp, McDonald bắt đầu phục vụ bánh mì kẹp thịt và bánh sandwich trong bao bì bằng giấy, và bắt đầu sử dụng chất liệu tái chế vào các sản phẩm này. Trong một thập niên tiếp theo, McDonald đã “loại bỏ hơn 150 triệu ký bao bì, tái chế 1 triệu tấn hộp các tông, và cắt giảm 30 phần trăm chất thải,” theo một thông cáo báo chí năm 2010. Điều tuyệt nhất là sự thay đổi tích cực này không khiến McDonald tốn một xu – trên thực tế, nó còn giúp họ tiết kiệm được 6 triệu đô la mỗi năm.

Kể từ khi có bước hợp tác đột phá với McDonald’s, EDF đã phát triển các chương trình khác kết nối giữa lợi nhuận và tính bền vững. Ví dụ, năm 2008, tổ chức đã thành lập Tập đoàn Khí hậu EDF (EDF Climate Corps), kết hợp các nhóm sinh viên MBA (thạc sỹ kinh doanh) với các tập đoàn lớn để phát triển các chiến lược nhằm giảm lượng chất thải, loại bỏ khí nhà kính khỏi khí quyển và quan trọng nhất theo ​​quan điểm của đối tác tư nhân của họ là tiết kiệm hàng triệu đô la.

Các tổ chức khác đã đi theo con đường của EDF, và những tổ chức giỏi nhất thì đã tiến xa thêm một bước nữa. Thứ nhất, họ chứng tỏ cho các đối tác tư nhân nhận thấy phát triển bền vững có thể đem lại lợi nhuận như thế nào. Và thứ hai, họ phát triển các hệ thống để giúp cho các công ty và người tiêu dùng hành động đúng đắn.

Hệ thống xếp hạng LEED5 của Hội đồng Xây dựng Xanh Hoa Kỳ (U.S. Green Building Council) là một ví dụ tuyệt vời của việc giúp cho doanh nghiệp tư nhân dễ dàng áp dụng các phương pháp và nguyên liệu xây dựng bền vững (Tác giả bài viết này là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Chủ tịch sáng lập của U.S. Green Building Council). Nhưng một trong những tổ chức phi lợi nhuận ban đầu triển khai chiến lược thứ hai này, không ai khác, chính là Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund hay WWF). WWF được thành lập năm 1961, là một trong những tổ chức môi trường lâu đời nhất thế giới. Nhưng nó cũng là một trong số những tổ chức đầu tiên nhận ra tính cần thiết của việc tham luận cùng và sử dụng sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân để bảo vệ động vật, con người, và hành tinh.

Trên trang web của mình, WWF tuyên bố niềm tin rằng “sức mạnh của thị trường toàn cầu có thể và cần phải được chuyển đổi thành một lực lượng bảo tồn môi trường.” Và tổ chức này đã tạo ra nhiều chương trình chứng nhận công nghiệp đáng kinh ngạc, đạt được chính mục tiêu này. Một ví dụ điển hình là Hội đồng Quản lý Hàng hải (Marine Stewardship Council, MSC), mà WWF và Unilever đã cùng thành lập vào năm 1996 để chứng nhận quyền đánh bắt hải sản lâu dài. Theo WWF, “gần 15.000 sản phẩm thủy sản với doanh thu hàng năm hơn 3 tỷ đô la mang nhãn MSC.” Gần đây hơn, WWF đã làm việc với tám công ty chuyên đóng hộp cá ngừ để thành lập Quỹ Bền vững Thủy sản Quốc tế (International Seafood Sustainability Foundation, ISSF). ISSF hiện bao gồm 26 đối tác trong khu vực tư nhân và chiếm 75 phần trăm ngành cá ngừ đóng hộp, tất cả đều hướng tới cải thiện quản lý môi trường.

Tương tự, Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia (National Resources Defense Council, NRDC) là tấm gương trong việc sẵn sàng theo đuổi quan hệ hợp tác với khốitư nhân, đặc biệt làm việc với các ngành không phải công nghiệp mục tiêu truyền thống – ví dụ như thể thao chuyên nghiệp.

Khởi đầu vào năm 2003 bằng việc hợp tác với đội bóng chày Philadelphia Eagles, trong năm 2005 đã phát triển và bao gồm mối quan hệ hợp tác với một giải đấu chuyên nghiệp, Major League Baseball, nay hoạt động của hội đồng này đã trở thành một phong trào rộng khắp đáng kinh ngạc. Tính đến hôm nay, NRDC hợp tác với tất cả các giải đấu thể thao lớn ở Bắc Mỹ, bao gồm cả NBA, NHL và NFL (lần lượt là các giải bóng rổ, khúc côn cầu, và bóng bầu dục). Trong mỗi giải đấu đều có những câu chuyện thành công lớn. Trong một năm, đội bóng rổ Miami Heat đã tiết kiệm được 1,6 triệu USD thông qua các sáng kiến ​​xanh và tiêu thụ năng lượng tốt hơn (gồm cả một sân đấu được chứng nhận của LEED) và trong quá trình này đã nhận được 1 triệu đô la tài trợ từ các công ty quan tâm đến nỗ lực sống xanh của đội. Tương tự như vậy, giữa năm 2006 và năm 2011, đội bóng chày Seattle Mariners đã tiết kiệm được 1,5 triệu đô la trên hóa đơn dịch vụ điện nước và giảm 21,2 triệu pound lượng phát thải khí nhà kính mỗi năm.

Một số tổ chức bảo vệ môi trường hiệu quả nhất mà bạn có thể tưởng tượng lại là các doanh nghiệp.

Các tổ chức môi trường như EDF, NRDC, WWF, và USGBC đã đi tiên phong trong chiến lược thành công đáng kinh ngạc khi làm việc với ngành công nghiệp để tạo sự kết nối giữa tính bền vững và khả năng sinh lợi một cách thực sự và có ý nghĩa. Nó đem lại những kết quả về môi trường rẻ hơn và dễ dàng hơn. Đây là cách mà các tổ chức môi trường ngày nay phải hoạt động để di chuyển “quả bóng đến khung thành” theo hướng có ý nghĩa và có thể đo lường được.

Nhưng chủ nghĩa môi trường phiên bản mới phải mở rộng ra khỏi thế giới của các tổ chức phi lợi nhuận – phải trở nên lớn hơn nhiều. Chắc chắn, các tổ chức vì môi trường cần phải hợp tác với các doanh nghiệp, nhưng một số tổ chức bảo vệ môi trường hiệu quả nhất mà bạn có thể tưởng tượng lại là các doanh nghiệp.

Năm 2007, khi Eben Bayer và Gavin McIntyre đang là sinh viên năm cuối tại Học viện Bách khoa Rensselaer ở Troy, New York, Bayer nộp một dự án được làm từ nấm – một đĩa “cách nhiệt” mà anh trồng trong cái hũ dưới tầng hầm nhà mình. Một giáo viên khác có thể rất bực mình về bài tập trồng trọt như thế này, nhưng giáo sư Burt Swersey thì không – ông rất phấn khởi. Ông nói với tờ New Yorker vào năm 2013, “[Bayer] đã lấy ra nó ra khỏi túi của mình, nó có màu trắng, miếng cách điện tuyệt vời này đã được trồng, không có hydrocarbon, hầu như không sử dụng năng lượng. Thứ này có thể được làm bằng hầu hết các vật liệu phế thải – vỏ trấu, chất thải từ bông, vật liệu nông dân vất bỏ, chất liệu mà không có thị trường tiêu thụ – và nó sẽ không lấy đi nguồn cung cấp lương thực của bất kỳ ai, và nó có thể được làm từ vật liệu tại địa phương, do đó bạn có thể cắt giảm chi phí vận chuyển. Và nó có thể phân hủy sinh học hoàn toàn! Bạn còn cần gì hơn thế?”

Với sự giúp đỡ của giáo sư Swersey, Bayer và McIntyre bắt đầu một công ty được gọi là Ecovative. Sau nhiều năm hoàn thiện, họ phát hiện ra rằng sản phẩm lấy ý tưởng từ nấm của họ có khả năng – và có chi phí sản xuất tương tự – như nhựa hoá dầu như polystyrene. Sự khác biệt là, Bao bì từ Nấm của Ecovative 100% có thể phân huỷ và đạt tiêu chuẩn bền vững. Hơn thế nữa, công ty này đã biến nguồn rác thải thành một thứ có giá trị thương mại to lớn. Và các công ty khác cũng như các nhà đầu tư đã chú ý đến điều này.

Ý tưởng của Ecovative. Nguồn: MESH Magazine.

Ngày nay, Ecovative đang làm những điều rất lớn lao, như huy động hàng triệu đô la vốn đầu tư mạo hiểm để hoàn thiện và mở rộng hoạt động – và giành được một số giải thưởng trên con đường này. Năm 2012, Ecovative đã hợp tác với Sealed Air, công ty Fortune 500 nổi tiếng với tư cách là nhà sản xuất Bubble Wrap. Khách hàng bao gồm các công ty như Dell và Crate & Barrel.

Mỗi lần tiền đổi tay là một cơ hội để làm điều tốt cho hành tinh này.

Để làm rõ: Bayer và McIntyre là những nhà môi trường tâm huyết. Cá nhân tôi không biết họ, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu, giống như nhiều người trong chúng ta, họ ăn thức ăn hữu cơ, đi xe hybrid và tái chế với niềm tự hào. Nhưng như những người sáng lập Ecovative bị ám ảnh bởi tính bền vững, họ không muốn là Rachel Carson kế tiếp. Như Bayer nói với tờ The New Yorker, “Chúng tôi muốn trở thành Dow hoặc DuPont6 của thế kỷ này.”

Mục tiêu của Ecovative là mục tiêu kinh doanh. Phương pháp của họ là phương pháp kinh doanh. Trong nhiều năm trước, các tổ chức môi trường có thể đã cố gắng đơn giản cấm polystyrene hoặc Styrofoam. Hôm nay, Ecovative đang làm việc thay vì thay thế nó bằng một cái gì đó tốt hơn, bằng cách cạnh tranh trên thị trường với một sản phẩm thực sự bền vững. Và nó đang giành được nhiều giải thưởng, danh tiếng, khách hàng, và lợi nhuận.

Ecovative là một trong nhiều công ty trên khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới đang theo đuổi chủ nghĩa môi trường thông qua chủ nghĩa kinh doanh và đạt được kết quả đáng kinh ngạc. Các công ty như Method, Seventh Generation, và Honest Company đang đưa các sản phẩm làm sạch tự nhiên lên kệ các chuỗi cửa hàng lớn như Whole Foods và Target. TerraCycle đã lấy rác, chẳng hạn như túi chip và hộp nước trái cây và biến nó thành những sản phẩm thời trang như hộp cơm trưa và ba lô được bán tại các cửa hàng Walmart trên khắp đất nước. Ta mới chỉ nêu một vài cái tên. Giám đốc điều hành của công ty sản xuất vật dụng ngoài trời Patagonia, Yvon Chouinard, nói rằng: “Mỗi khi đưa ra một quyết định tốt đẹp với hành tinh, chúng tôi lại được hưởng lợi từ việc này.” Nói một cách hơi khác, có khả năng là sẽ khiến các nhà khởi nghiệp môi trường tương lai rất hứng khởi: Mỗi lần tiền đổi tay là một cơ hội để làm điều gì đó tốt đẹp cho hành tinh này.

Bền vững là lợi nhuận, lợi nhuận là bền vững.

Mỗi năm tại Greenbuild – hội nghị và triển lãm xây dựng môi trường xanh hàng năm của USGBC – chúng tôi trao tặng nhiều giải thưởng lãnh đạo. Năm 2012, chúng tôi trao giải công nhận một chàng trai tài giỏi, lôi cuốn và rất tuyệt vời tên Steve Saunders.

Steve, một doanh nhân đến từ Irving, bang Texas, đã bắt đầu sự nghiệp của mình với các hệ thống điều hòa không khí – một công việc tuyệt vời khi bạn sống ở Texas nóng rộp cả da, nhưng không phải lúc nào cũng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trong 15 năm qua, công việc kinh doanh của Steve đã mở rộng kết hợp cả các hệ thống đánh giá và các nguyên tắc thiết kế xanh, bao gồm cả LEED. Ngày nay, hai công ty của Steve – U.S. -EcoLogic và TexEnergy Solutions – là những công ty tư vấn về hiệu quả sử dụng năng lượng ở khu dân cư và xây dựng môi trường xanh lớn nhất trên thế giới.

Dù vậy, hầu hết khách hàng của Steve không phải là các nhà môi trường. Trên thực tế, khi Steve giới thiệu dịch vụ của công ty cho các nhà xây dựng và nhà phát triển của Texas, các mối quan tâm về môi trường hiếm khi xuất hiện. “Tôi nói với mọi người về việc làm thế nào họ có thể kiếm tiền,” Steve nói. “Tôi không nói với họ về việc họ có thể cứu thế giới như thế nào. Đó là việc của họ.”

Công việc kinh doanh của anh là một công việc tiết kiệm cho thế giới. Các công ty của Steve đã giúp xây dựng và chứng nhận hơn 43.000 ngôi nhà ENERGY STAR và 24.000 căn hộ. Điều đó có nghĩa là hơn 141 triệu feet vuông, hay hơn năm mươi mốt không gian đáng sử dụng của tòa nhà Empire State. Ngoài ra, các giải pháp của công ty U.S.-EcoLogic và TexEnergy cũng chịu trách nhiệm cho 20 phần trăm của tất cả nhà ở được chứng nhận LEED trên trái đất, làm cho họ trở thành nhà cung cấp LEED lớn nhất về nhà ở.

Nếu bạn hỏi tôi tôi sẽ nói, Steve là một trong những nhà môi trường hiệu quả nhất so với bất cứ đâu trên thế giới này. Vâng, anh ấy sống ở Texas. Vâng, anh điều hành một doanh nghiệp lớn. Vâng, anh ấy có một giọng nói dài hơi, nghe âm nhạc đồng quê và biết làm thịt nướng trung bình. Nhưng ai đã viết quy tắc rằng bạn không thể là một nhà môi trường của một điểm nóng? Ai nói các nhà môi trường không thể mặc những bộ quần áo kinh doanh?

Trong nhiều năm, thông điệp của tôi dành cho cộng đồng doanh nghiệp là tính bền vững đem lại lợi nhuận. Nhưng điều ngược lại quan trọng không kém đối với tương lai của phong trào vì môi trường và tương lai của hành tinh này, và các nhà lãnh đạo và nhà hoạt động môi trường ngày nay cần phải lắng nghe thông điệp đó một cách rõ ràng: Lợi nhuận đem lại sự bền vững.

Tất cả những gì tôi mong bạn bè của tôi trong phong trào bảo vệ môi trường hiểu được là: Đừng nghi ngờ động cơ lợi nhuận – hãy tận dụng nó.

Tôi không yêu cầu các nhà môi trường phải thỏa hiệp những giá trị thiêng liêng nhất của họ. Tôi không yêu cầu họ kém phần nhiệt tình hoặc cam kết trong sự nghiệp cứu vãn hành tinh và cải thiện sức khoẻ và phúc lợi cho cộng đồng và những người sống, làm việc, vui chơi và học tập ở họ. Tôi không gợi ý rằng chúng ta vẫy lá cờ trắng trước mặt ngành công nghiệp đã dành hàng thập kỷ tàn phá đất đai và làm ngộ độc nguồn nước của chúng ta.

Tất cả những gì tôi mong bạn bè của tôi trong phong trào bảo vệ môi trường hiểu được là: Đừng nghi ngờ động cơ lợi nhuận – hãy tận dụng nó. Đừng sợ doanh nghiệp tư nhân – hãy hợp tác với nó. Đừng bỏ lơ thị trường – hãy nắm lấy nó. Và, hơn bất cứ điều gì khác, đừng lãng phí cơ hội này.

Xây dựng một phong trào vì môi trường mới sẽ đòi hỏi những giá trị và kỹ năng mà đã làm cho phong trào bảo vệ môi trường trong quá khứ thành công như thế. Phong trào môi trường mới sẽ đòi hỏi sự chăm chỉ, cống hiến, lý tưởng, và niềm đam mê. Và vâng, nó sẽ bao gồm cả một chút sự phẫn nộ chính đáng.

Chúng ta vẫn cần những điều này. Nhưng một điều chúng ta phải loại bỏ là những hiểu lầm mang tính ngấm ngầm và gây hại của chúng ta, rằng doanh nghiệp luôn luôn và có bản chất là xấu. Phong trào bảo vệ môi trường mới đòi hỏi một quan điểm mới. Trong chủ nghĩa môi trường phiên bản 2.0, doanh nghiệp không phải là kẻ thù – đó là phương tiện mà chúng ta có thể sử dụng để đạt được những mục tiêu chính đáng.


  1. Bài diễn thuyết này được Martin Luther King đọc vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 cho hơn 25 vạn người nghe tại thành phố Wasington, trước cửa nhà tưởng niệm Lincoln. Đây là một trong những bài phát biểu nổi tiếng nhất trong lịch sử, kêu gọi sự bình đẳng giữa những người khác màu da và chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. King đã dẫn dắt phong trào xã hội về sự bình đẳng trong thời gian ông không nhận được sự ủng hộ của số đông, tuy nhiên, với sự dũng cảm và quyết tâm, cuộc tranh đấu đòi nhân quyền của ông đã đạt kết quả tuyệt hảo khi mà 45 năm sau, người da đen đầu tiên – Barrack Obama, đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ.

  2. 2/7/1964, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã ký Đạo luật Dân quyền lịch sử trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên cả nước Mỹ. Đạo luật nêu ra các điều khoản về cấm phân biệt chủng tộc trong việc làm và giáo dục, cũng như sự phân biệt chủng tộc ở nơi công cộng. Hơn nữa, đạo luật này còn đặt nền móng quan trọng cho nhiều đạo luật khác – trong đó có Đạo luật Quyền Bầu cử 1965, đặt ra các nguyên tắc nghiêm ngặt bảo vệ quyền bầu cử của người Mỹ gốc Phi – được sử dụng để thực thi các quyền bình đẳng của phụ nữ cũng như các nhóm thiểu số trong xã hội.

  3. Ngày 26/6/2015, Tòa án Tối cao Mỹ chính thức công nhận mọi công dân Mỹ đều có thể kết hôn, không phân biệt giới tính hay xu hướng tình dục, với tỷ lệ 5/4 số phiếu biểu quyết. Các cặp đồng tính nam và nữ trên toàn nước Mỹ sẽ được hưởng mọi quyền lợi cũng như thực thi mọi nghĩa vụ như một cặp vợ chồng bình thường.

  4. Hệ thống bán lại quyền phát thải (cap-and-trade) là một chương trình các nước giàu đặt ra để hạn chế lượng khí thải, bằng cách:

    1. ấn định lượng khí thải được phép cho từng công ty
    2. nếu thải ít khí hơn lượng được phép, các công ty này sẽ được bán quyền thải số khí chưa thải cho các công ty khác, hoặc các nước giàu. Các nước giàu như Trung Quốc, Mỹ,… khuyến khích giảm thải bằng cách bỏ tiền ra mua lại.

  5. LEED là tên gọi tắt của cụm từ tiếng anh Leadership in Energy & Environmental Design (Tạm dịch: “Định hướng Thiết kế về Năng lượng và Môi trường”. Tiêu chuẩn LEED được ra đời lần đầu tiên vào năm 1995 tại Mỹ, do U.S. Green Building Council (USGBC) phát triển.

    Đây là một tiêu chuẩn trong xây dựng hướng đến việc cải thiện hiệu suất, kết hợp với các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải C02, nâng cao chất lượng môi trường sống, nâng cao khả năng quản lý nguồn tài nguyên và khả năng linh hoat của công trình trong việc thích ứng với sự thay đổi, nhằm tạo ra những công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người.

  6. Dow Chemical là công ty dẫn đầu ngành công nghiệp hóa chất Mỹ, còn DuPont có lịch sử hơn 200 năm tuổi, bắt đầu với ngành sản xuất thuốc súng và hiện là hãng chuyên sản xuất các sản phẩm hóa chất cho các ngành công nghiệp, như hóa dầu, dược phẩm, thực phẩm và xây dựng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Xa mặt nhưng không cách lòng
Yêu xa là gì? Bạn có đang trong mối quan hệ yêu xa với người thương bên kia trái đất? Liệu khoảng cách có giúp những trái tim xích gần nhau hơn không?
Mới nhất