a
§ Tác giả: Kanishk Tharoor | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Dexter
08/01/2017
Một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới, nằm trên Con đường Tơ lụa, thủ phủ Merv mà ngày nay là Turkmenistan đã bị phá hủy bởi con trai của Thành Cát Tư Hãn và người Mông Cổ vào năm 1221 SCN với ước tính khoảng 700.000 người chết. Nơi đây chẳng bao giờ có thể được hồi sinh.

Khi George Curzon ghé thăm thành phố đã bị tàn phá Merv1vào năm 1888, sự đổ nát ở nơi này khiến ông bị choáng ngợp. Ngài đại sứ tương lai của Ấn Độ viết như sau, “Giữa đống hoang tàn của gạch ngói vỡ vụn, hình ảnh những bức tường, tòa tháp, tường thành, và nhà thờ, trải dài trong hỗn loạn đến tận chân trời, nhắc ta nhớ rằng chúng ta đang ở ngay trung tâm của một nơi từng vô cùng kì vĩ trong quá khứ.”

Những du khách ngày nay khi ghé thăm Merv ở miền nam Turkmenistan vẫn có thể thăm thú những tàn tích phủ đầy bụi phơi mình trong gió. Giống như Curzon, họ có lẽ phải vật lộn để tưởng tượng kích thước, mật độ, và sự trù phú một thời của một trong những thành phố đã lụi tàn vĩ đại nhất trên thế giới.

Ở thế kỷ 12, Merv nằm ngay trên tuyến đường buôn bán thịnh vượng của Con đường Tơ lụa. Thành phố này là thủ phủ của đế chế Seljuk2 trải dài từ Trung Á đến Địa Trung Hải. Theo một vài ước tính, Merv là thành phố lớn nhất trên thế giới vào năm 1200 SCN, với dân số lên đến hơn nửa triệu người.

Nhưng chỉ một vài thập kỷ sau đó, thành phố bị san bằng triệt để bởi những đạo quân của Thành Cát Tư Hãn trong một cuộc chinh phạt tàn bạo, dẫn đến cái chết của 700.000 người, theo ước tính tại thời điểm đó.

Giữa đống hoang tàn của gạch ngói vỡ vụn, hình ảnh những bức tường, tòa tháp, tường thành, và nhà thờ, trải dài trong hỗn loạn đến tận chân trời, nhắc ta nhớ rằng chúng ta đang ở ngay trung tâm của một nơi từng vô cùng kì vĩ trong quá khứ

Một nhà buôn đi theo hướng đông bắc để tới Bukhara hoặc về hướng tây nam xuống Nishapur3 hẳn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy Merv. Chằng chịt bởi những kênh đào, cầu, và rất nhiều vườn tược, Merv thời Trung Cổ cùng những ốc đảo quanh đó xanh ngắt và vô cùng trù phú, giống như một sự chào đón trên sa mạc Karakum4 hoang vu.

Những bức tường bao quanh thành phố trải dài năm dặm, xen giữa là những tòa tháp lớn và bốn cổng thành chính. Những con phố thường hẹp và quanh co, chật ních những ngôi nhà san sát nhau, và điểm xuyết những tòa nhà lớn hơn như thánh đường Hồi giáo, trường học, thư viện, và nhà tắm công cộng.

Thành trì của đế chế Seljuk – với vô vàn cung điện, vườn tược, và các tòa nhà hành chính – bao phủ khu vực đông bắc của Merv. Nhiều thể chế chính trị khác nhau chọn Merv làm trụ sở để cai quản Khurasan, một khu vực bao gồm đông Iran và một phần của Turkmenistan ngày nay, Uzbekistan, Tajikistan, và Afghanistan.

“Với sự sạch sẽ, những con phố đẹp đẽ, cách quy hoạch các tòa nhà và khu dân cư bên những bờ sông… thành phố của họ [Merv] cao quý hơn tất cả những thành phố khác của Khurasan,” nhà địa lý và lữ hành người Ba Tư ở thế kỷ thứ 10, al-Istakhri đã viết như vậy. “Tất cả những khu chợ ở đây đều rất đẹp.”

Đến Merv, những thương lái có thể sẽ đưa những con vật thồ đầy hàng hóa của mình vào khu vườn của một caravanserai hai tầng (một nhà khách với vườn dành cho khách du lịch), nơi anh ta có thể phải cạnh tranh để dành chỗ với những lái buôn khác đến từ tận Ấn Độ, Iraq, và Tây Trung Quốc. Hoặc anh ta có thể đi thẳng tới những chợ lớn ở Merv, gặp những lái buôn khác ở ngay ngoài cổng thị trấn hoặc đôi khi ở gần những thánh đường chính. Khói từ những lò gạch hoặc lò luyện thép (Merv nổi tiếng với ngành luyện kim) bao phủ cả những khu luyện kim khác ở vùng ngoại ô.

Nếu nhà buôn của chúng ta cảm thấy nóng, anh ta có thể đi đến nhà lạnh ở ngoại ô thành phố; một tòa nhà cao tầng hình nón nơi người dân dự trữ tuyết trong mùa đông, được sử dụng như một tủ lạnh bằng gạch bùn khổng lồ. Có lẽ anh ta sẽ đến thăm một người thuộc giới thượng lưu của thành phố sống trong một koshk (một kiểu nhà giống như pháo đài bên ngoài những bức tường, tránh xa bụi bặm và tiếng ồn của thành phố).

Ice House, Merv (3891851361).jpg
Tàn tích nhà lạnh (ice house) của Merv. Nguồn: Wikimedia.

Nếu anh ta đi dọc theo những con đường của kênh Majan dẫn đến trung tâm thành phố, đi ngang qua phân xưởng của những thợ dệt may và thêu thùa, anh ta sẽ tới được Thánh đường Hồi giáo trung tâm của Merv mà kế bên là một công trình tưởng niệm, lăng của vua (Sultan) Sanjar5. Được xây vào năm 1157 SCN để tưởng nhớ vị vua Seljuk từng trị vì trong một thời gian dài, lăng mộ là một tòa nhà rộng lớn hình vuông với những mái vòm tuyệt đẹp, bao quanh bởi lớp mái lợp bằng sứ tráng men màu xanh ngọc lam. Những mảnh sứ này xanh đến nỗi theo một nhà địa lý học người Ả Rập tên Yaqut al-Hamawi từng ghé thăm Merv vào thế kỷ 13, “Người ta có thể nhìn thấy vòm mái ấy từ khoảng cách tương đương với một ngày đi đường.”

Thành phố được biết tới là Marv-i-Shahijan hay “Merv vĩ đại,” một chuỗi những thị trấn rộng lớn và nổi tiếng nhất ở ốc đảo Merv. Trên thực tế, thành phố nằm cạnh một hiện thân trước đó của Merv ở phía đông, được biết đến là Gyaur-kala (có nghĩa là “pháo đài của những kẻ ngoại giáo”).

Gyaur-kala phát triển dưới thời những vị vua Sassanid của Ba Tư từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ bảy SCN. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở phiên bản cổ hơn này của Merv bằng chứng về một xã hội đô thị đa dạng, nơi sinh sống của các cộng đồng những người theo Hỏa giáo, Phật giáo, Mani giáo, Thiên Chúa giáo, và Do Thái giáo. Dưới sự cai trị của đạo Hồi kể từ sau thế kỷ thứ bảy, trung tâm của những hoạt động thành thị đã chuyển sang phía Tây qua con kênh Razik đến nơi mà sau đó trở thành Marv-i-Shahijan (còn được biết đến là Sultan-kala, “pháo đài của vua”). Rất nhiều công trình ở Gyaur-kala có lẽ đã được dỡ bỏ để làm vật liệu xây dựng một Merv mới, và những phân xưởng công nghiệp, lò gạch, và lò nung mọc lên từ đống đổ nát này.

Những nhà sử học tìm thấy dấu vết về sự định cư đô thị của khu vực này từ tận thế kỷ thứ sáu TCN. Cuộc sống ở ốc đảo Merv đã luôn phải lệ thuộc vào nguồn nước từ dòng Murghab. Con sông chảy về phía bắc qua những rặng núi của Afghanistan cho đến khi kết thúc tại một khu vực đầm lầy ở giữa sa mạc. Du Huan, một chiến binh Trung Quốc từng bị bắt giữ ở Merv trong một thập kỷ vào thế kỷ thứ tám SCN, đã mô tả về sự trù phú của ốc đảo như sau: “Một con sông lớn … chảy vào lãnh địa của nó, nơi nó phân chia thành hàng trăm con kênh khác nhau, mang nước tưới đến cho cả khu vực. Những làng mạc và hàng rào giao với nhau và tất cả mọi nơi đều được bao phủ bởi cây cối.”

Trong nhiều thế kỷ, những cư dân của Merv đã xây dựng và duy trì một loạt các con đập và đê dọc sông Murghab, cùng một hệ thống các con kênh và hồ chứa để đảm bảo nguồn nước cho thành phố. Chức vụ mir-ab, hay người trông coi vấn đề cung cấp nước, là một vị trí quan trọng ở Merv: Theo những ghi chép thời bấy giờ, người giữ chức vụ này có một lực lượng 10.000 nhân công dưới trướng mình, bao gồm một đội ngũ 300 thợ lặn thường xuyên đắp lại các con đê bằng gỗ. Công việc của họ là bảo trì con đập ở Murghab, ngăn chặn sự tích tụ phù sa và điều khiển dòng chảy của nước vào những con kênh của Merv trong cả mùa khô và mùa mưa.

Sultan Sanjar mausoleum.jpg
Lăng Sultan Sanjar ở Merv. Nguồn: Wikimedia.

Nguồn gốc thứ hai của sự trù phú và phát triển của Merv là vị trí chiến lược của nó trên giao điểm của những con đường giao thương xuyên lục địa. Merv nổi tiếng vì những mặt hàng xuất khẩu của mình, đặc biệt là lụa. “Nơi đây sản sinh ra những loại vải lụa cao cấp, mềm mượt, được biết đến với cái tên vải Merv,” theo ghi chép của một nhà địa lý người Ả Rập tên al-Idrisi vào thế kỷ 12. Dây thừng và vải trùm đầu làm bằng vải Merv cực kỳ phổ biến trong thế giới Hồi giáo.

Và những quả dưa được trồng trên đất Merv cũng như vậy. “Những trái cây của Merv ngon hơn bất cứ nơi nào khác,” Ibn Hawqal, một người ghi chép tới từ Ả Rập vào thế kỷ thứ 10 đã viết như vậy, “và người ta không thể thấy ở bất kỳ thành phố nào khác những cung điện và rặng cây, vườn tược và sông suối như ở đây.”

Danh tiếng của Merv về thương mại và sự giàu có lớn đến nỗi một người Ai Cập làm công việc sao chép bản thảo ở thế kỷ thứ 14 tên al-Nuwayri đã nói đặc điểm nổi bật nhất của thành phố là “tính hà tiện.”

Nhưng Merv dưới sự cai trị của triều đại Seljuks còn là một thành phố của học thuật và văn hóa. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao những nhà thơ, nhà toán học, thiên văn học, bác sĩ, nhạc công, và nhà vật lý vĩ đại. Nhà thông thái Umar Khayyam được biết là đã dành nhiều năm làm việc ở đài quan sát thiên văn của Merv. “Trong tất cả những nước của Iran,” al-Istakhri viết về Merv, “những người này được chú ý vì tài năng và trình độ giáo dục của họ.” Yaqut al-Hamawi đếm được có ít nhất 10 thư viện lớn ở thành phố, bao gồm một thư viện gắn liền với thánh đường chính chứa đến 12.000 đầu sách.

Trong những ngày huy hoàng của triều đại Seljuk, Merv là một trung tâm văn hóa, thu hút những nhà tư tưởng và nghệ sĩ hàng đầu trong khắp thế giới Hồi giáo. Nó đặt xu hướng cho không chỉ việc nghiên cứu khoa học và thiên văn, mà còn cả kiến trúc, thời trang, và âm nhạc. Là một marwazi (có nghĩa là một người tới từ Merv) đồng nghĩa với việc có một trình độ giáo dục và thông thái nhất định. Nhiều người trong số họ có tầm ảnh hưởng lớn trong giới học thuật. Dù bị biệt lập trong một ốc đảo trên sa mạc Karakum, Merv là một thành phố vô cùng phát triển, một biểu tượng của văn hóa thương mại và trí thức nở rộ dọc con đường Tơ Lụa.

Nhưng Merv dưới sự cai trị của triều đại Seljuks còn là một thành phố của học thuật và văn hóa. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao những nhà thơ, nhà toán học, thiên văn học, bác sĩ, nhạc công, và nhà vật lý vĩ đại.

Merv cũng không xa lạ gì với những biến động chính trị và chiến tranh, khi nơi đây đã gục ngã dưới sự càn quét của những thế lực chính trị và triều đại đối lập trong suốt bề dày lịch sử của nó. Cuộc càn quét thê lương nhất có lẽ là sự tàn phá của đội quân Mông Cổ vào năm 1221. Yaqut al-Hamawi bị bắt ép phải chạy trốn khỏi những thư viện của Merv khi các toán quân của Đà Lôi, con trai của Thành Cát Tư Hãn, tiến vào thành phố.

“Thực sự, nếu không phải vì người Mông Cổ thì tôi đã sống và chết ở đó, tôi khó có thể rời xa thành phố,” ông viết một cách buồn bã. Đội quân Mông Cổ chiếm đóng thành phố sáu ngày trước khi nơi đây quy hàng, và rồi tiến hành một trong những cuộc tàn sát tồi tệ nhất thời bấy giờ.

Theo nhà sử học người Ả Rập Ibn al-Athir, người đã ghi chép lại dựa trên những báo cáo về người tị nạn đến từ Merv: “Thành Cát Tư Hãn ngồi trên ngai vàng và ra lệnh giải các toán lính đã bị bắt đến trước mặt mình. Sau đó những người lính này bị xử tử ngay tại chỗ, và mọi người chỉ có thể nhìn và khóc. Còn với dân thường, quân Mông Cổ chia cách đàn ông, phụ nữ, trẻ em, và tài sản. Đó là một ngày tràn ngập sợ hãi và tiếng khóc mà không ai có thể quên. Họ bắt người giàu và đánh đập, tra tấn một cách tàn ác hòng truy lùng mọi tàn sản… Rồi họ đốt cháy thành phố và thiêu đốt ngôi mộ của vua Sanjar, quật mộ ông lên để tìm tiền bạc. Họ nói, ‘Những người này đã chống lại chúng ta’ rồi giết tất cả. Khi Thành Cát Tư Hãn yêu cầu đếm số người chết, con số lên đến 700.000 người.”

Con số này phần nhiều đã bị thổi phồng, nhưng Merv chưa bao giờ có thể thực sự hồi phục từ trận đánh đó. Quân Mông Cổ tàn phá con đập bên sông Murghab, phá tan nguồn sống của ốc đảo Merv. Trong những thế kỉ tiếp theo, nhiều nhà cai trị đã cố gắng xây dựng và ổn định lại Merv, nhưng thành phố chưa bao giờ có thể lấy lại được quy mô và vị thế như nó từng có dưới triều đại Seljuks.

Vào năm 1888, George Curzon chỉ nhìn thấy sự đổ nát: “Những bức tường đất sét bị nung trong ánh mặt trời, trông thật tồi tàn và buồn bã, những mái vòm vỡ vụn và những tòa tháp xiêu vẹo; nhưng vẫn còn thấp thoáng đâu đó một sự vĩ đại trong chính tình trạng này, một giọng nói trong đống đổ nát sầu thảm của thành phố.”


  1. Merv là một thành phố ốc đảo trên sa mạc Karakum ở Trung Á, nằm trên con đường Tơ lụa và gần thành phố Mary, Turkmenistan ngày nay. Nơi đây từng là khu vực giao thoa văn hóa và chính trị quan trọng, và vào thế kỷ 12 được coi là thành phố lớn nhất trên thế giới. Xem thêm thông tin chi tiết về Merv tại đây.

  2. Đế chế Seljuk là một đế chế tồn tại từ năm 1037 – 1194, lập nên bởi những người Turk thuộc nhánh Oghuz của hệ ngôn ngữ Turk và theo dòng Sunni của Hồi giáo. Seljuk xâm chiếm khu vực Tây Nam Á vào thế kỷ 11 và thành lập một đế chế với phạm vi lãnh thổ bao gồm Mesopotamia, Syria, Palestine, và phần lớn Iran. Trong thời đại của đế chế Seljuk, Merv đã phát triển với quy mô rộng lớn nhất từ trước đến giờ.

  3. Bukhara là một thành phố của Uzebekistan nằm về phía đông bắc của Merv, còn Nishapur là một thành phố của Iran nằm về phía tây nam của Merv.

  4. Karakum là một sa mạc rộng 350.000 km vuông ở Trung Á. Diện tích của nó chiếm 70% lãnh thổ Turkmenistan.

  5. Sultan là một danh xưng cao quý dùng để gọi những người cai trị Hồi giáo ở một số nước, có thể hiểu mang nghĩa tương đương với vua hay hoàng đế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất