a
§ Tác giả: Gregg Easterbrook | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Minh Nhật | Hiệu đính:  Nguyên
15/02/2017
Đây là phần 2 bản dịch bài viết "Nóng lên toàn cầu: Ai được - ai mất?" Độc giả có thể xem phần 1 tại đây.

NƯỚC

Nếu bộ phim An Inconvenient Truth (Tạm dịch: Một sự thật khó chịu)1của Al Gore được mọi người tin tưởng thì bạn nên bắt đầu bán bất động sản ven biển ngay đi. Phim của Gore khẳng định rằng ảnh hưởng của khí nhà kính nhân tạo có thể khiến mực nước biển dâng thêm 20 feet (khoảng hơn 6 m) trong một tương lai gần, gây ngập lụt tại Manhattan, San Francisco, và hàng tá những thành phố khác; Micronesia2 sẽ biến mất hoàn toàn dưới những con sóng. Bộ phim của Gore là những con số dự báo ngày tận thế, nhưng chỉ sự đồng thuận trong khoa học thôi cũng đủ khiến chúng ta lo rồi: Vào năm 2005, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã cảnh bảo rằng các đại dương có thể dâng lên từ 4 inch (10,16 cm) đến 3 feet (khoảng 0,9 m) vào năm 2100. 4 inch nghe có vẻ không nhiều lắm, nhưng lại có thể đẩy những vùng ven biển Florida và Carolinas vào tình trạng nguy hiểm hơn so với các khu vực khác. Còn 3 feet có thể làm ngập lụt đáng kể các khu vực tại Bangladesh, đe dọa sự sống còn của Hà Lan, và gây rất nhiều tổn hại lên thành phố biển, cùng lúc nhấn chìm khá nhiều các bãi biển hiện đang thịnh hành. Còn những con hổ Châu Á? Thượng Hải và Hồng Kông nằm ngay trên mặt nước. Chỉ cần mực nước biển dâng lên vài feet thôi, và những thành phố của các con hổ này sẽ bị bỏ hoang.

Gia tăng nhiệt độ toàn cầu vào thế kỷ trước – khoảng 1 độ F (khoảng 0,56 độ C) – rất khiêm tốn và không gây bất cứ nguy hiểm về nước biển dâng nào. Những mối lo ngại về mực nước biển làm nảy sinh một khả năng là có thể có một vài khía cạnh phi tuyến tính trong hệ thống khí hậu, một “điểm bùng phát” (tipping point)3sẽ có thể khiến tốc độ nóng lên toàn cầu gia tăng rõ rệt. Có một lý do khiến sự nóng lên toàn cầu không xảy ra nhanh như trông đợi là các đại dương có thể hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide thải ra từ hoạt động của con người. Tuy nhiên, những nghiên cứu cho rằng khả năng hấp thụ carbon dioxide của các đại dương đang giảm dần; khi tốc độ hấp thụ suy giảm, sự tích lũy trong khí quyển sẽ diễn ra nhanh hơn, và biến đổi khí hậu có thể tăng tốc. Ngay khi thấy dấu hiệu đầu tiên của sự gia tăng tốc độ nóng lên toàn cầu: Hãy bán đi, bán hết tài sản ven biển của bạn. Dỡ bỏ luôn các cổ phần ven sông ở London và Seattle đi. Rồi mua đất và bất động sản tại Omaha hoặc Ontario.

Hiệu ứng nhà kính nhân tạo cũng có thể làm thay đổi các dòng biển theo những cách không thể đoán trước được. Đã có một vài bằng chứng cho thấy những dòng biển Bắc Cực đang biến đổi, trong khi dòng biển chính Bắc Đại Tây Dương mang nước ấm từ xích đạo lên phía Bắc có thể đang dần mất năng lượng. Nếu dòng biển Bắc Đại Tây Dương thay đổi, nhiệt độ tại châu Âu sẽ hạ xuống cho dù cả thế giới nhìn chung lại ấm lên. Hầu hết khu vực châu Âu nằm cao hơn về phía Bắc so với Maine hiện vẫn đang có khí hậu ôn đới nhờ dòng biển Bắc Đại Tây Dương mang một khối lượng nước ấm khổng lồ đến những vùng biển ngoài Scotland; lượng nước ấm đó có tác dụng như máy tạo thời tiết của châu Âu vậy. Những nghiên cứu địa chất cho thấy trong quá khứ dòng biển Bắc Đại Tây Dương đã từng ngừng hoạt động. Nếu điều đó xảy ra lần nữa do biến đổi khí hậu nhân tạo, châu Âu có thể sẽ có khí hậu như Newfoundland4ngày nay. Kết quả là dân số sụt giảm, cùng lúc đó các giá trị kinh tế của tất cả mọi thứ nằm trong phạm vi băng giá mở rộng cũng sẽ tụt dốc. Liên minh châu Âu có mức đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu xấp xỉ Hoa Kỳ: Sự hạ nhiệt độ đáng kể tại châu Âu có thể châm ngòi cho một tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Khi đã sẵn sàng bán cổ phần ở châu Âu, hãy tìm cơ hội mua bán gần vùng biển trong Vòng Bắc Cực (Arctic Circle). Vào năm 2005, một tàu nghiên cứu của Nga đã trở thành tàu nổi đầu tiên tới được Bắc Cực mà không cần đến tàu phá băng. Nếu băng tại biển Bắc Cực tan chảy, giao thông hàng hải sẽ bắt đầu quá cảnh tại cực Bắc. Trong cuốn sách The North Pole Was Here (Tạm dịch: Cực Bắc đã từng ở đây) xuất bản năm 2006, tác giả Andrew Revkin đã sơ lược lại tiểu sử Pat Broe, người đã mua một bến cảng biệt lập nằm về phía Bắc thị trấn Churchill, Manitoba từ chính phủ Canada với giá 7 đô la. Giả sử băng Bắc Cực tiếp tục tan chảy, những con tàu vận chuyển hàng hóa sẽ bắt đầu đi về phía Bắc để cắt giảm hàng ngàn dặm hành trình, và bến cảng của Churchill có thể sẽ trở nên sầm uất. Nếu băng tại Bắc cực biến mất và những tàu vận chuyển container chạy qua các vùng biển cực Bắc, chi phí vận chuyển có thể sẽ giảm xuống – tăng lợi ích của người tiêu dùng. Đặc biệt những hãng sản xuất tại châu Á có thể sẽ cắt giảm được chi phí vận chuyển đến Hoa Kỳ và liên minh châu Âu của họ. Cùng lúc, lưu lượng tại những tuyến đường vận tải có mật độ dày đặc nối liền Đông Á với châu Âu và với bờ Đông Hoa Kỳ có thể sẽ giảm đi, và những thành phố cảng trên các tuyến đường vận tải đó – như Singapore –  có thể sẽ suy yếu đi. Đồng thời, việc thiết lập quan hệ tốt với Nunavut có thể trở thành mối quan tâm của những tập đoàn trên thế giới.

Ồ, có thể còn có cả dầu bên dưới biển Bắc Cực nữa. Vậy ai sẽ là người sở hữu chúng đây? Hoa Kỳ, Nga, Canada, Na Uy, và Đan Mạch vốn đã khẳng định quyền khai thác pháp lý phức tạp đối với những phần biển Bắc cực – gồm cả những khu vực mà các quốc gia khác coi là vùng biển mở không chịu sự kiểm soát chủ quyền. Trong bối cảnh ngày nay, có vẻ kỳ quặc khi tưởng tượng ra cảnh các chính quyền trên thế giới đánh nhau để tranh giành các biển thuộc vùng Cực Bắc, nhưng trong quá khứ từng có rất nhiều động cơ chiến tranh bị xem là vô lý trước khi tiếng pháo nổ ra. Canada còn đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân công khai trên biển Bắc Cực.

Rồi lại một lần nữa, có lẽ quyền sở hữu những vùng biển này sẽ đi theo một hướng hoàn toàn khác. Thế kỷ 21 có thể sẽ chứng kiến một động thái thành lập quyền tư hữu trên đại dương (quyền sở hữu biển là giải pháp hứa hẹn nhất để đánh bắt vượt hạn mức tại các vùng biển mở.) Nếu quyền tư hữu tại các vùng biển ở cực Bắc ra đời, việc này có thể sánh ngang với cuộc định cư của những người Sooner5tại Oklahoma vào cuối những năm 1800.

Bất kể là điều gì xảy đến với các đại dương của chúng ta thì biến đổi khí hậu có thể sẽ gây ra xáo trộn kinh tế do ảnh hưởng đến việc cung cấp nước ngọt. Hiện nay, gần như tất cả các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả dầu khí, đều có nguồn cung cấp dồi dào. Riêng nước ngọt lại là một ngoại lệ: Trung Quốc đang làm suy kiệt tầng ngậm nước ở một tốc độ báo động để sản xuất ra đủ gạo nhằm nuôi sống chính bản thân mình, trong khi nước ngọt lại khan hiếm tại hầu hết khu vực Trung Đông và một số vùng của Châu Phi. Suy kiệt nước ngọt còn là mối lo đặc biệt đối với Ai Cập, Libya, và một vài bang thuộc Vịnh Ba Tư. Khoa học về hiệu ứng nhà kính vẫn còn chưa chắc chắn và các nhà nghiên cứu không có nhiều ý kiến về việc một thế giới đang nóng dần sẽ có lượng mưa nhiều hay ít hơn. Nếu thế giới nóng lên khiến lượng mưa và tuyết giảm xuống thì sự thu hẹp cung ứng nước uống và nước ngọt cho nông nghiệp sẽ là vấn đề báo động tài nguyên kế tiếp. Đối với những nhà đầu tư, điều này cho thấy cần có một cái nhìn thận trọng về sự tăng vọt trong các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc và Dubai khi cả 2 quốc gia này sớm phải đối mặt với các vấn đề về cung cấp nước ngọt. (Công nghệ khử muối sinh lời trong khi đó vẫn còn nằm ngoài tầm với của các kỹ sư.) Mặt khác, tại những khu vực có quyền sử dụng nước thì hãy chớp lấy thời cơ ngay.

Hầu hết những ảnh hưởng gây ra bởi sự nóng lên toàn cầu đối với các nguồn nước của chúng ta được hình thành trên suy đoán, do đó biến đổi khí hậu liên quan đến nước là một vấn đề có độ rủi ro/lợi nhuận cao đối với các nhà đầu tư cũng như xã hội. Nỗi khiếp sợ lớn nhất là biến đổi khí hậu sẽ chuyển những cơn mưa xa ra khỏi những khu vực cung cấp lương thực chính hiện nay và đưa chúng tới những vùng sa mạc, hay tệ hơn là ra biển. (Theo quan điểm của con người, tất cả mưa ngoài đại dương cũng như nước ngọt bị lãng phí vậy.) Nguyên nhân giúp thảm họa Man-tuýt6 không xảy ra khi nhân loại đã phát triển là vì gần nửa thế kỷ qua, sản lượng nông nghiệp tăng nhanh hơn dân số. Nhưng hệ thống nông nghiệp toàn cầu đang treo lơ lửng một cách nguy hiểm trên những giả định cho rằng các điều kiện phát triển sẽ tiếp tục tốt đẹp tại những khu vực cung ứng lương thực chính của thế giới là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Mỹ. Nếu không còn mưa ở những khu vực này, con người sẽ phải chịu đau khổ đáng kể trong nhiều nhiều năm, ngay cả khi cho rằng nông nghiệp Siberia rồi sẽ thay thế được sản lượng đã mất tại những nơi khác. Khi làm giảm sản lượng nông nghiệp, những biến đổi trong lượng mưa cũng có thể làm giá nông sản tăng vọt, một điều hiếm khi xảy ra trong nền kinh tế thế giới trong 30 năm vừa rồi.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy trong vài thập kỷ trở lại đây, lượng mưa ở vùng Bắc Mỹ chủ yếu đến từ một số ít những cơn mưa to, nặng hạt, xảy ra đột ngột (downpour) thay vì nhiều trận mưa nhỏ, diễn ra trong thời gian ngắn (shower) như trước đây. Mưa nặng hạt, xảy ra đột ngột gây ra ngập lụt và thiệt hại về tài sản trong khi ít có tác dụng cho nông nghiệp hơn những trận mưa có thời gian ngắn nhưng diễn ra thường xuyên. Bởi mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu do con người tạo ra và lượng mưa mang tính chất phỏng đoán nên những nhà đầu tư hiện nay không có cách nào tránh khỏi việc mua phải đất đai ở những nơi một ngày nào đó có thể bị tấn công thường xuyên bởi những cơn mưa nặng hạt. Nhưng mối lo ngại này chắc chắn đã phất lên ngọn cờ cảnh báo về những đầu tư ở Ấn Độ, Bangladesh, và Indonesia, nơi những cơn mưa mùa hạ (monsoon rains)7 đã và đang dẫn đến vấn đề xã hội.

Nỗi khiếp sợ lớn nhất là biến đổi khí hậu sẽ chuyển những cơn mưa xa ra khỏi những khu vực cung cấp lương thực chính hiện nay và đưa chúng tới những vùng sa mạc, hay tệ hơn là ra biển.

Tuy vậy, các đầu tư liên quan đến nước lại có thể hấp dẫn theo một cách khác: đó là thủy năng. Thủy năng không gây ra phát thải nên có thể trở thành dạng năng lượng có tầm quan trọng to lớn nếu khí nhà kính bị quy định một cách chặt chẽ. Quebec có thể được ví như một Ả Rập Saudi với lượng nước khổng lồ8. Khu liên hợp thủy năng quanh Vịnh James là một trong những nguồn cung cấp thủy điện dẫn đầu thế giới. Trong 30 năm, những nhà môi trường và một số nhà hoạt động Cree đã phản đối việc xây dựng khu liên hợp thủy năng vĩ đại này vì về cơ bản nó có thể ngăn chặn mọi con sông lớn đổ ra vịnh James và Hudson. Sẽ không khó để tưởng tượng ra viễn cảnh Canada hoàn thành việc tái thiết Quebec phía bắc cho mục đích khai thác thủy năng, nếu nhu cầu tại New England và vùng Trung Tây đủ lớn. Tương tự như vậy, tiềm năng thủy năng cũng xuất hiện tại những vùng lãnh thổ của Chile tại khu vực Patagonia. Đây là một vùng đẹp và hoang dã, ít bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người – và cũng là một khu vực hấp dẫn để trở thành những hồ chứa thủy năng.

Hình ảnh một gia đình người Inuit vào năm 1917. Nguồn: Wikimedia.

SỰ THÍCH NGHI

Tháng 10/2006, văn phòng Bộ tài chính Vương quốc Anh đã ước tính rằng trừ khi chúng ta thích nghi được, nếu không sự nóng lên toàn cầu có thể sẽ lấy đi 20% GDP kinh tế thế giới. Không cần phải nói, nếu điều đó xảy ra, ngay cả những danh mục đầu tư thông minh nhất cũng chẳng thể giúp được bạn. Tuy vậy, đây chỉ là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, và cũng có nhiều nhà kinh tế học hoài nghi dự đoán này. Những người lạc quan thì nghĩ rằng sự nóng lên toàn cầu có thể được ngăn chặn với chi phí thấp đáng ngạc nhiên (xem “Some Convenient Truths”9 – tạm dịch: “Một vài sự thật thuận tiện”, ra mắt vào tháng 9/2006). Một khi các quy định tạo ra động cơ lợi nhuận cho những phát minh về công nghệ giúp giảm thiểu khí nhà kính, những cải tiến có thể sẽ bùng nổ. Một số người đưa ra được các ý tưởng kiểm soát khí nhà kính sẽ trở nên giàu có; tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp bảo vệ môi trường mà các ý tưởng mang lại.

Việc ban hành một số đạo luật có quy định ràng buộc về khí nhà kính hiện cần thiết cho cả việc làm chậm tốc độ tích lũy khí nhà kính cũng như khuyến khích các nhà phát minh, kỹ sư, và doanh nhân nghĩ ra những ý tưởng giúp thúc đẩy xã hội vượt qua thời kỳ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thời báo The New York Times đã cằn nhằn về việc ngân sách tài chính năm 2007 của tổng thống George W. Bush chỉ dành 4,2 triệu đô la cho công tác nghiên cứu liên bang có thể giúp cắt giảm khí nhà kính. Đây là sự phê bình sai lầm: Tiến trình có thể sẽ nhanh hơn nếu chính phủ liên bang không chi bất cứ gì cho việc nghiên cứu giảm thiểu khí nhà kính – mà thay vào đó là ban hành các quy định giúp lĩnh vực tư nhân có động cơ lợi nhuận lớn để tìm các giải pháp hoạt động trên thực tiễn, thay vì những giải pháp trên mặt giấy từ nghiên cứu của chính phủ. Thị trường đã gây ra vấn đề khí nhà kính, và thị trường cũng là hy vọng lớn nhất để giải quyết nó. Đưa ra những động cơ thị trường cho sự phát triển của việc kiểm soát khí nhà kính – mà quả thực là khuyến khích tạo ra lợi nhuận trong việc kiểm soát khí nhà kính – là con đường hứa hẹn nhất để tránh tổn hại có thể xảy đến với những người bị tước đi quyền sở hữu tại những quốc gia đang phát triển khi khí hậu toàn cầu thay đổi.

Tuy nhiên, nếu lý thuyết về sự nóng lên toàn cầu là đúng, thì việc nhiệt độ toàn cầu cao hơn là không thể tránh khỏi. Thậm chí viễn cảnh lạc quan nhất về cải cách cũng là hình ảnh hàng thập kỷ liền khí nhà kính tích lũy trong khí quyển, và điều đó cũng có nghĩa là thế giới này đang nóng dần lên. Sự nóng lên có lẽ có thể quản lý được, nhưng hầu như không thể ngăn được trong một thời gian ngắn. Điều đó gợi ý rằng lĩnh vực đầu tư chính trong tương lai gần sẽ là sự thích ứng với biến đổi khí hậu. Những loại nông sản có thể trồng ở nhiệt độ cao, những ngôi nhà và công trình được thiết kế sao cho vẫn mát mẻ qua những đợt sóng nhiệt (heat wave)10, các phương tiện vận chuyển sử dụng ít nhiên liệu hơn, những cấu trúc bến tàu có thể chịu được các cơn bão dữ dội hơn – danh sách các phương pháp thích ứng cần thiết sẽ còn dài, và tất cả đều kéo theo việc sản xuất và mua bán. Những nhà môi trường thì lại không thích cuộc thảo luận về sự thích nghi lắm vì chúng hàm ý là chúng ta cần thỏa hiệp với một thế giới nóng hơn. Tuy vậy, sự thỏa hiệp đó cần phải được xây dựng – và các công ty, nhà đầu tư, doanh nghiệp nên bắt tay vào làm việc càng sớm càng tốt.

Duy trì hệ thống kinh tế và cán cân quyền lực toàn cầu giống như hiện nay dường như là trọng điểm trong lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ – và như vậy cũng đồng nghĩa với việc phải duy trì các công tác phòng chống sự biến đổi đáng kể từ khí hậu.

Cuối cùng thì tại sao các quốc gia nên hành động để kiểm soát khí nhà kính thay vì ngồi yên cho tình trạng hỗn loạn khí hậu xảy ra và xem thử ai sẽ là người thu lợi nhuận? Một lý do là vì chi phí cho việc kiểm soát có lẽ rẻ hơn rất nhiều so với chi phí tái xây dựng thế giới. Ví dụ như, những thành phố biển có thể bị bỏ rơi và tái xây dựng trong nội địa, nhưng việc cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính để ngăn ngừa nước biển dâng lại hiệu quả và ít tốn kém hơn nhiều. Những cải cách nhằm ngăn chặn sự chia rẽ nghiêm trọng về kinh tế và xã hội phát sinh từ biến đổi khí hậu có lẽ ít tốn kém, có phạm vi áp dụng lớn hơn là phản ứng lại với sự thay đổi. Lịch sử của các chương trình chống ô nhiễm đã cho thấy việc ngăn ngừa phát thải luôn rẻ hơn so với việc đảo ngược bất cứ thiệt hại nào do chúng gây ra.

Với Hoa Kỳ, lại có một cuộc tranh cãi đặc biệt gay gắt khác diễn ra. Trật tự thế giới hiện nay đang thiên vị Hoa Kỳ gần như ở mọi khía cạnh – chính trị, kinh tế, thậm chí cả tự nhiên, nếu xét đến sự cân bằng tuyệt vời về đất đai và tài nguyên của đất nước này. Thế giới đang nóng dần có thể còn thiên vị Hoa Kỳ nhiều hơn nữa; việc này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu trật tự toàn cầu vốn đã đặt Hoa Kỳ ở vị trí số 1, thì tại sao chúng ta còn muốn chấp nhận rủi ro biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi trật tự đó11? Duy trì hệ thống kinh tế và cán cân quyền lực toàn cầu giống như hiện nay dường như là trọng điểm trong lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ – và như vậy cũng đồng nghĩa với việc phải duy trì các công tác phòng chống sự biến đổi đáng kể từ khí hậu. Và, cuối cùng, đó chính là điều dành cho chúng ta trong một thế giới đang nóng dần.


  1. Cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore sau khi thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2000 đã quyết định tập trung vào công việc bảo vệ môi trường. Ông đã đi thuyết trình nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhà khoa học và An Inconvenient Truth là thành quả đúc kết của quá trình đó.

    Bộ phim là bức phác họa khách quan, toàn cảnh của môi trường thế giới và cuộc sống của con người bị ảnh hưởng như thế nào vì sự nóng lên của khí hậu toàn cầu hay hiệu ứng nhà kính.

    Thông tin chi tiết về bộ phim này có thể được xem thêm tại đây.

  2. Micronesia là một tiểu vùng của châu Đại Dương, gồm hàng ngàn đảo nhỏ ở tây Thái Bình Dương.

  3. Điềm bùng phát (Tipping point) là điểm mà tại đó có sự thay đổi lớn tạo nên bước nhảy chuyển tiếp giữa chất và lượng. Khi vượt qua điểm này, thì sự thay đổi sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn sau đó.

    James E. Hansen cho rằng biến đổi khí hậu trên trái đất sẽ đạt đến tipping point khi nồng độ của CO2 hiện tại là 391.7 pm. Sau đó tốc độ biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh hơn gấp nhiều lần so với trước đó cũng như so với các dự báo. Cũng theo ông, nhiệt độ tăng 1oC cũng chính là ngưỡng mà trái đất sẽ trở thành một hành tinh khác với hành tinh mà chúng ta đang sống (hiện tại nhiệt độ trái đất đã tăng 0.7oC trong 100 năm trở lại đây.)

    Điều này có nghĩa rằng các kết quả dự báo của IPPC đã đánh giá thấp sự thay đổi khí hậu, điển hình là nhiệt độ tăng và nước biển dâng. Do vậy việc thích ứng sẽ không có ý nghĩa nếu như con người không cùng nhau giảm phát thải.

    Thông tin chi tiết về tipping point có thể được xem thêm tại đây.

  4. Một đảo lớn ngoài khơi bờ biển phía đông của Bắc Mỹ và là phần đông dân nhất của tỉnh Newfoundland và Labrador của Canada.

    Newfoundland là đảo lớn thứ 16 thế giới và là đảo lớn thứ tư của Canada. Nơi đây chủ yếu mang đặc trưng của khí hậu cận Bắc Cực và khí hậu lục địa ẩm ướt. Thông tin chi tiết về Newfoundland có thể được xem thêm tại đây.

  5. Ngày 22 tháng 4 năm 1889 chính phủ liên bang mở 2 triệu acres đất của người Da Đỏ (là tiền thân của bang Oklahoma sau này) cho dân di cư. Ai tới trước thì được nhận trước. Lệnh ban ra là không ai được vượt biên giới trước ngày giờ ấn định.

    Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều người vượt biên, đợi đến thời điểm ấn định và giành đất trước. Những người này được gọi là “người đến sớm” (Sooner.)

    Sự kiện trên được gọi là “Giành đất” (Land Rush).Thông tin chi tiết về người Sooner cũng như sự kiện này có thể được xem thêm tại đây.

  6. Thảm họa Man-tuýt (Malthusian Catastrophe) được nhà nhân khẩu học và kinh tế học người Anh Thomas Malthus (1766-1834) nêu ra, cho rằng sự mất cân bằng giữa việc tăng dân số và tăng thức ăn là nguồn gốc của xung đột.

    Nghĩa là trong khi dân số tăng theo cấp số nhân thì nguồn tài nguyên, của cải chỉ tăng theo cấp số cộng tạo ra sự mất cân đối dẫn đến chiến tranh.

  7. Những cơn mưa nặng hạt xuất hiện cùng gió mùa hướng Tây Nam tại Nam Á vào mùa hạ.

  8. Ghi chú của người dịch: Ở đây tác giả có thể đang so sánh sự đối lập của một Ả Rập Saudi với sa mạc cát tiếp giáp lớn nhất thế giới và Quebec được coi là khu vực lưu trữ nước ngọt lớn nhất thế giới.

  9. Một bài viết khác của tác giả Gregg Easterbrook trên tạp chí The Atlantic. Độc giả quan tâm có thể xem tại đây.

  10. Khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần cùng với độ ẩm cao. Sóng nhiệt hình thành khi một khối không khí trở nên tĩnh (ít di chuyển) tại một khu vực nào đó.

  11. Vì tác giả là người Mỹ nên ông đặt ra câu hỏi này. Cụm từ “chúng ta” ở đây có thể được hiểu như “người Mỹ.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất