a
§ Tác giả: Nathan Heller | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Mika | Hiệu đính:  Nguyên
07/03/2017

Chú khỉ đột Harambe được miêu tả là “thông minh,” “hiếu kỳ,” “ dũng cảm,” và “vĩ đại.” Nhưng chỉ đến mùa xuân năm ngoái Harambe mới trở nên nổi tiếng. Vào ngày 28/5, một cậu bé, cũng hiếu kỳ và dũng cảm, đã trượt qua hàng rào bảo vệ tại sở thú Cincinnati và rơi vào hào nước bao quanh nơi ở của Harambe và hai chú khỉ đột khác. Lúc đó, mọi người ở khu vực hàng rào la hét và khóc lóc, kèm theo hàng loạt tiếng ồn khác của chuông báo động. Harambe đứng cạnh cậu bé, như thể nó đang che chở cậu khỏi sự hỗn loạn đó, và sau đó, tóm lấy một bên cổ chân của cậu, lôi cậu trên sàn nước như lôi một con búp bê đi khắp sân chơi. Trong một chốc lát, nó tóm lấy chỗ thắt lưng của đứa bé một cách nhẹ nhàng và đỡ cậu lên chân của nó, trong một tư thế chuẩn con người. Sau đó, khi mà những tiếng ồn ào vẫn tiếp diễn, nó lần nữa đánh ngã cậu bé về phía trước và kéo lê cậu qua nửa hào nước.

Harambe là một con khỉ đột lưng bạc mười bảy tuổi, một loài vật có sức mạnh kinh khủng. Khi nhân viên vườn thú không thể phá tan sự chú ý của nó khỏi cậu bé, một thành viên Đội Phản ứng Động vật Nguy hiểm thuộc vườn thú đã bắn hạ nó. Cậu bé chỉ nằm viện trong một thời gian ngắn và xuất viện sau đó, được tuyên bố là không có vết thương nghiêm trọng nào.

Trong tiếng Swahili, cái tên Harambe có nghĩa là “cùng làm việc” (pulling together)1. Vậy mà sau cái chết của Harambe thì có vẻ như mọi người đã bị chia rẽ. “Chúng tôi không có ý coi nhẹ việc bắn Harambe, nhưng mạng sống của đứa trẻ lúc đó đang gặp nguy hiểm,” – giám đốc sở thú Thane Maynard giải thích. Các nhà nghiên cứu về động vật linh trưởng phần lớn đều đồng ý với phát ngôn này, nhưng một vài nhân chứng thì không như vậy. Một nhóm có tên Honoring Harambe (Tạm dịch: Tưởng Nhớ Harambe) xuất hiện trên Facebook, với những bức chân dung phác họa bởi người hâm mộ, kèm theo hashtag #JusticeforHarambe (Tạm dịch: Công lý cho Harambe), cùng lời tri ân, “Chúng ta sẽ mãi nhớ đến sự hi sinh của Harambe…. Hãy yên nghỉ trong bình yên nhé, Người anh hùng.” Bài đăng còn có cả nhạc kèm theo.

Chúng ta không thể tưởng tượng việc là một con khỉ đột sẽ như thế nào, chúng ta chỉ có thể mường tượng bản thân chúng ta dưới lốt một chú khỉ đột thì sẽ như thế nào thôi.

Như những chi tiết về câu chuyện của chú khỉ đột được tổng hợp trên báo chí, Harambe thường được mô tả như đang trong một buổi chụp thời trang của một hãng thông tấn nào đó, khom lưng lại với một cánh tay trên đầu gối phải, nhìn vào camera như Sean Connery thời còn phong độ. “Chú khỉ đột xinh đẹp này đã mất đi mạng sống chỉ vì ba mẹ của đứa trẻ kia không trông chừng con mình cẩn thận,” một bản kiến nghị kêu gọi một cuộc điều tra hình sự đã viết như vậy. Theo CNN, bản kiến nghị này nhận được nửa triệu chữ kí ủng hộ – nhiều hơn vài ngàn so với một kiến nghị khác kêu gọi buộc tội những cảnh sát trong vụ án Tamir Rice2. Mọi người nhồi nhét những suy nghĩ của mình vào đầu Harambe. “Chúng ta có xu hướng nhìn nhận những hành động của mình qua lăng kính của con người,” nhà thần kinh học Kurt Gray phát biểu với truyền thông khi sự phẫn nộ đạt đỉnh điểm. “Chúng ta không thể tưởng tượng việc là một con khỉ đột sẽ như thế nào, chúng ta chỉ có thể mường tượng bản thân chúng ta dưới lốt một chú khỉ đột thì sẽ như thế nào thôi.”

Thực tế giản đơn này là nguyên do cho cuộc tranh cãi đạo đức diễn ra hàng thế kỉ nay. Một nhà hoạt động ủng hộ Harambe có lẽ tin rằng việc giết một chú khỉ đột nhằm bảo vệ một mạng người là bất công bởi vì những điểm tương đồng trong tư duy giữa chúng và ta: cách mà một con khỉ đột suy nghĩ có rất nhiều điểm giống với cách con người suy nghĩ, do đó, chúng xứng đáng được hưởng một tiêu chuẩn đạo đức tương xứng. Số khác thì tin rằng khỉ đột có được vị trí của chúng là do sự khác nhau về mặt nhận thức: vì khả năng lý trí vượt trội của mình, chúng ta được xem là đã vượt lên trên trò chơi mèo ăn chuột3 để trở thành những người bảo vệ đặc biệt của các loài động vật, từ gà cho đến tinh tinh. (Cả hai góc nhìn đều ủng hộ cho một quan điểm có tên “untroubled omnivorism” (Tạm dịch: Ăn tạp không áy náy): chúng ta giết động vật vì ta cũng là động vật, hoặc vì sự xuất chúng của chúng ta đồng nghĩa với việc lợi ích của con người lớn hơn tất thảy mọi thứ.) Những niềm tin này, rõ ràng là mâu thuẫn với nhau, cho thấy sự không chắc chắn về việc chúng ta liệu có phải là những người bạn hay người thống trị đúng đắn với những thực thể có não khác hay không. “Một người không thể thấu hiểu được chính mình chỉ đến khi người đó thấy hình ảnh phản chiếu (của mình) trong con mắt của một loài không phải loài người.’’, nhà nhân chủng học và tự nhiên học Loren Eisely đã viết như vậy. Đối mặt với sự tương đồng và khác biệt, chúng ta buộc phải đặt ra các giới hạn về phạm vi đạo đức của loài người.

*****

Mặc dù vậy, ngày nay, một sự công nhận kiểu vậy có thể mang đến nhiều rắc rối. Trong một thế giới tự động hóa, cái nhìn mà chúng ta bắt gặp có lẽ không còn đến từ một sinh vật sống nữa. Có một khả năng đang gia tăng rằng cái nhìn đó sẽ là từ một con robot: một tâm trí độc lập mới và thống trị hơn bao giờ hết. Thường thì, những vụ quấy rối hàng loạt với Siri hay bạo lực đối với những chiếc ôtô không người lái vẫn chưa dấy lên một hồi chuông báo động nào như Harambe. Nhưng, nếu như sự giống nhau về tâm trí hay sự ưu việt là chuẩn mực đạo đức của chúng ta, thì tại sao sự sống nhân tạo với bộ óc tiên tiến và trách nhiệm bảo vệ con người lại được miễn? Chỉ khi chúng ta xác định được chính xác những yêu cầu của động vật với chúng ta, chúng ta sẽ không thể hiểu rõ là ta nợ robot những gì – hay chúng nợ ta những gì.

Nếu như sự giống nhau về tâm trí hay sự ưu việt là chuẩn mực đạo đức của chúng ta, thì tại sao sự sống nhân tạo với bộ óc tiên tiến và trách nhiệm bảo vệ con người lại được miễn?

Một trường hợp đơn giản có thể gỡ rối những thắc mắc này. Lấy ví dụ loài cá. Liệu chúng có xứng đáng với những gì mà D. H. Lawrence gọi là “giá trị đạo đức mãnh liệt, tiềm ẩn” của loài người? Nhiều người cũng phản ứng lại một cách mãnh liệt tiềm ẩn: Không đời nào, món phi lê ạ. Có vẻ như Chúa Giê su thích ăn cá; sau khi phục sinh, Ngài ăn một ít cá nướng. Chẳng mấy người khi đi câu cá cuối tuần xem việc câu cá bằng mồi nhân tạo là một biểu hiện của sự thịnh nộ và suy đồi (khá đối lập), và người ăn sushi gọi món kuromaguro thường cảm thấy đau cho túi tiền của họ hơn là cho linh hồn của con cá. Thật chẳng dễ để thương cảm cho cuộc đời của một con cá, một phần vì cá không có vẻ yêu thích cuộc sống của chúng cho lắm. Vậy tại sao ta phải nghĩ đến chúng khi cân nhắc về tiêu chuẩn đạo đức?

“What a Fish Knows: The Inner Lives of Our Underwater Cousins” (Tạm dịch: Điều mà một chú cá biết: Cuộc sống nội tâm của người anh họ dưới nước của chúng ta) (Xuất bản bởi Scientific American/Farrar, Straus & Giroux) là một bài luận do Jonathan Balcombe dày công nghiên cứu và viết rất tinh tế nhằm ủng hộ các yêu cầu đạo đức của loài cá, và nói ngắn gọn thì, ông ấy nghĩ rằng ta nợ chúng rất nhiều: khi một con cá để ý đến ta, ta bước vào thế giới nhận thức của một cá thể khác,” Balcombe, giám đốc của Hiệp hội Nhân đạo về tri giác của động vật viết. “Bằng chứng chỉ ra rằng ít nhất là một số loài cá có nhiều cảm xúc khác nhau, bao gồm sợ hãi, căng thẳng, ham vui, vui sướng và tò mò.” Mong muốn của Balcombe rằng cá được vui vẻ có lẽ khá kỳ dị với những người chẳng thấy gì trong đôi mắt một con cá chẽm4. Nhưng ông cho rằng sự thờ ơ này phản ánh định kiến, bởi vì những trải nghiệm của cá – và ngụ ý là của cả nhiều loài sinh vật bậc thấp khác – giống với chúng ta hơn ta nghĩ.

Lấy ví dụ như cảm giác đau của loài cá. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cách mà chúng ta rụt tay vô thức khỏi bếp lò nóng không chỉ là phản xạ tự vệ, mà là một phiên bản của cái sự “ôi đau!” đánh vào nhận thức não bộ của chúng ta. Vì lí do này và những yếu tố khác, Balcombe nghĩ rằng hành vi của cá có nhiều chủ đích hơn so với những gì người ta từng nghĩ. Ông ấy ca ngợi loài cá bống đen , nhờ khả năng ghi nhớ địa hình khu vực mà nó thường hay bơi xung quanh, và sau đó, khi thủy triều xuống thấp, sử dụng bản đồ mà nó đã ghi nhớ trước đó để bơi vượt qua hồ khác. Loài tuskfish rất giỏi trong việc sử dụng các công cụ (chúng mang nghêu đi xung quanh để đập vào những hòn đá đã được chọn cẩn thận)5, trong khi những loài cleaner wrasses6 thể hiện tốt hơn hẳn tinh tinh trong những bài kiểm tra nhất định về khả năng học theo phương pháp quy nạp. Một số loài cá thậm chí đi ngược lại với bầy đàn. Không phải tất cả cá hồi đều bơi ngược dòng, đẻ trứng, và chết đi như chúng ta vẫn được học. Một vài chú cá quay ngược, bơi trở lại, và thực hiện cả quá trình này một lần nữa.

Từ đây, ta có thể nhanh chóng đi tới kết luận rằng cá có khả năng có những diễn biến tâm lý. Một số loài cá bị căng thẳng cực độ tận hưởng mát-xa, bơi thành đàn đến các vật thể mà chúng có thể chà xát hai vây của mình cho đến khi nồng độ cortisol7 giảm. Cá nóc đực khoe mẽ bằng cách thổi các hình mạn đà la8 phức tạp lên cát và trang trí theo sở thích của chúng với các vỏ sò. Balcombe ghi chép lại rằng cá hồi nâu cái làm giả cảm giác cực khoái theo kiểu cá hồi. Không ai, chí ít là tất cả các con cá hồi đực, có thể chắc chắn về ý nghĩa của việc này.

Balcombe nghĩ rằng ý tưởng cá không có điểm chung nào với chúng ta phát sinh từ một định kiến: chúng ta có thể đồng cảm với một con chuột hamster, với đôi mắt chớp chớp long lanh và giữ thức ăn bằng những móng vuốt nhỏ bé, nhưng loài cá không tay chân, không thể chớp mắt thì có vẻ như quá “khác”. Mặc dù bộ não của cá nhỏ, việc cho rằng điều này có nghĩa là chúng ngu ngốc cũng “giống như tranh luận rằng bóng bay không thể bay vì chúng không có cánh”; một người nào đó từng nói với Balcombe như vậy.  Balcombe đã cố gắng quá mức khi phân tích vấn đề này, và cuốn sách của ông có chút kỳ lạ, nhân cách hóa các giai thoại về những người chia sẻ khoảnh khắc đặc biệt với người bạn mắt trồi của họ. Nhưng quan điểm của ông vẫn còn nguyên giá trị. Nếu chúng ta xem cá như một loài ngang bằng với chúng ta về mặt nhận thức, chúng cũng nên được bao gồm trong vòng tròn trách nhiệm đạo đức của loài người.

*****

Các cuộc tranh luận xoay quanh ranh giới của những vòng tròn này. Chúng ta có nên xem xét việc đập một con muỗi là một hành vi vô đạo đức? Nếu những con côn trùng này không xứng đáng có được sự xem xét đạo đức, vậy phẩm chất quan trọng mà chúng thiếu là gì? Một cuốn sách mới rất đáng đọc của hai giáo sư Đại học Luật Cornell là Sherry F. Colb và Michael C. Dorf, tựa đề “Beating Hearts: Abortion and Animal Rights” (Tạm dịch: Nhịp đập con tim: Phá thai và Quyền động vật) (Xuất bản bởi Columbia), khám phá những thách thức của việc đặt ra các giới hạn như vậy. Các tác giả đã chỉ ra rằng, một cách kỳ quặc, có rất ít điểm chung giữa những người ủng hộ quyền bảo vệ động vật và những người lên án việc phá thai (pro-life supporters). Chẳng phải cái lý lẽ phản đối việc kết liễu sự sống của những loài có hệ thần kinh đơn giản hơn, như cá, cũng tương tự như lý lẽ phản đối việc phá hủy những bào thai sao? Colb và Dorf là những người ăn chay trường ủng hộ việc phụ nữ được quyền quyết định phá thai (pro-choice) (“Cuộc hành trình ăn chay trường của chúng tôi bắt đầu từ trải nghiệm chia sẻ cuộc sống với những chú chó của mình”), vì vậy, mặc dù họ cũng nhìn thấy nghịch lý này, họ không nghĩ rằng có một tiêu chuẩn kép ở đây.

Sự khác biệt lớn ở đây, họ tranh luận, là “tri giác.” Nhiều loài động vật có tri giác, nhưng hợp tử và phôi thai thì không. Colb và Dorf định nghĩa tri giác là “khả năng có những kinh nghiệm chủ quan,” điều này thì hơi phức tạp một chút, bởi chúng ta khó có thể chỉ ra rõ ràng sự chủ quan của động vật. Một bài viết nổi tiếng nhan đề “What Is It Like to Be a Bat?,” (Tạm dịch: Sẽ như thế nào nếu là một con dơi?) của nhà triết học Thomas Nagel, chỉ ra rằng ngay cả khi con người bắt đầu bay, ăn bọ, và di chuyển bằng sóng định vị thì họ vẫn sẽ không thực sự có những trải nghiệm như một con dơi, hay thứ “cảm giác dơi” mà sinh vật ấy đã có từ khi sinh ra. Colb và Dorf đôi khi rơi vào một cái bẫy như vậy. Trong một đoạn văn, họ cho rằng việc động vật có biết đau hay không không quan trọng, bởi vì “những cơn đau tàn bạo nhất khiến chúng không thể hiểu được sự đau đớn hay bất cứ điều gì khác” – một cách hiểu theo kiểu rất con người về trải nghiệm này.

Động vật, dù vậy, rõ ràng là tương tác với thế giới khác với cách của thực vật và những vật thể ngẫu nhiên. Các túp lều cỏ chẳng quan tâm đến chuyện chúng bị đốt thành tro hay còn nguyên vẹn. Nhưng một kẻ dị giáo trên giàn thiêu sẽ thực sự mong không bị đốt cháy, và một chú heo trên xiên nướng hẳn cũng có ước muốn tương tự. Colb và Dorf gọi việc này là “mong muốn lợi ích” (interests), một cách gọi, trong khi không hoàn toàn khiến họ hài lòng, thường ngụ ý chỉ chủ nghĩa vị lợi, trường phái đạo đức dựa trên việc theo đuổi lợi ích lớn nhất là trên hết. Jeremy Bentham, người sáng lập trường phái này, đã đề cập đến động vật trong một chú thích gợi mở trong cuốn “An Introduction to the Principles of Morals and Legislation” (1789) (Tạm dịch: Dẫn nhập vào các nguyên tắc luân lý và pháp chế) của ông:

Ngày ấy có thể đến, khi phần còn lại của tạo hóa động vật có thể đạt được những quyền mà chỉ bàn tay bạo quyền mới có thể cướp khỏi chúng. . . . Câu hỏi không phải là, chúng có thể suy luận không? cũng không phải là chúng có thể trò chuyện không? mà là, chúng có thể biết đau không?

Nếu động vật biết đau, như triết gia Peter Singer viết trong “Animal Liberation” (Tạm dịch: Giải phóng Động vật) (1975), chúng ta có nên nghĩ đến chúng khi tính toán các phương pháp giảm đau không? Cách tiếp cận kiểu này để đi đến mối quan hệ bình đẳng cũng có những lợi ích: nó thiết lập các yêu cầu đạo đức của động vật mà không áp đặt động cơ của con người lên chúng. Nhưng điều đó lại dẫn đến các vấn đề khác. Đánh đập hàng xóm của bạn rõ ràng là tồi tệ hơn đầu độc một con chuột. Vậy nhưng, làm sao chúng ta có thể nói như vậy, nếu sự đau khổ của thực thể ấy mới là điều quan trọng nhất?

Vấn đề ở đây là cảm nhận của chúng ta về sự đau đớn rất không đáng tin. Chúng ta cũng cảm thấy dằn vặt như vậy về các đồ vật, ví dụ như robot, những thứ mà không hề có cảm giác đau đớn.

Câu trả lời của Singer có lẽ mang tư tưởng vị lợi: vấn đề không phải là một sinh vật, mà là toàn bộ một hệ thống. Giết chết người hàng xóm sẽ gây ra nhiều nỗi đau hơn là giết một con chuột. Tuy vậy, các tình huống buộc chúng ta phải lựa chọn giữa mạng sống của động vật và con người thì rất hiếm, và việc giảm thiểu sự đau đớn cho động vật thường dễ dàng. Chúng ta có thể dừng việc dồn những con bò vào máy xay thịt. Chúng ta có thể nướng đậu hũ thay vì đùi gà. Hầu hết mọi người, khi bị yêu cầu dìm chết một chú mèo con, sẽ cảm thấy dằn vặt lương tâm đến tột cùng. Điều này cho thấy, ở một mức độ nào đó, chúng ta hiểu rằng không thể làm lơ sự đau đớn. Vấn đề ở đây là cảm nhận của chúng ta về sự đau đớn rất không đáng tin. Chúng ta cũng cảm thấy dằn vặt như vậy về các đồ vật, ví dụ như robot, những thứ mà không hề có cảm giác đau đớn.

*****

Mùa hè năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu robot người Canada đã đặt một phát minh kỳ quặc, có thể di chuyển tự do, trên các đường phố ở Mỹ. Họ gọi nó là “hitchBOT“, không phải vì nó ghét hút thuốc lá và thích uống rượu Johnnie Walker Black – vũ trụ không hào phóng đến mức đó – mà là vì nó được lập trình để đi nhờ xe. Mang một đôi giày đi mưa, với nụ cười ngốc nghếch được hiển thị trên màn hình “khuôn mặt,” hitchBOT được dự tính sẽ đi từ Salem, Massachusetts, đến San Francisco, với một ngón cái giơ lên9 và tính cách dễ mến thể hiện qua giọng nói. Các hành trình trước đó của nó, đi khắp Canada và vòng quanh Châu Âu, đã mang đến kết quả khả quan: chú robot luôn đến được đích. Trong hai tuần, hitchBOT đi khắp vùng Đông Bắc của Mỹ, nói những lời mời gọi như “Bạn có muốn có một cuộc trò chuyện không? … Tôi có hứng thú với khoa học nhân văn.” Rồi nó biến mất. Vào ngày 1/8, nó đã được tìm thấy bên cạnh một bức tường gạch ở Philadelphia, bị đánh đập và chặt đầu. Cánh tay của nó đã bị đứt lìa.

Dư luận phản ứng nhanh chóng. “Tôi không thể nói dối. Tôi vẫn đang cảm thấy tuyệt vọng bởi cái chết của hitchBOT”, một phóng viên đã tweet như vậy. “Việc hitchBOT bị phá huỷ một lần nữa nhắc chúng ta nhớ rằng xã hội này còn phải đi một chặng đường dài,” một blogger viết.

Khả năng con người phát triển tình cảm ấm áp và không rõ ràng với robot là tiền đề cho một thể loại phim bom tấn bao gồm “Wall-E” và “A.I.,” và điều này đã đạt đến đỉnh điểm ở vũ trụ trong phim “Star Wars,” với nhiều thế hệ những robot thú vị bị đày đọa cùng những con người tẻ nhạt. Nhưng tình cảm cũng được áp dụng trong lĩnh vực rất thực tế. Một nhà nghiên cứu robot tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos từng tạo ra một robot xấu xí, trông giống như con rết được thiết kế để dọn mìn bằng cách bò về phía trước cho đến khi tất cả các chân của nó phát nổ. Trong một cuộc thử nghiệm ở Arizona, một đại tá quân đội đã ra lệnh dừng buổi thử nghiệm bởi, theo tờ Washington Post, ông thấy sự bạo lực này đối với robot là  “vô nhân đạo.”

Theo tiêu chuẩn của Singer, điều này thật nhảm nhí. Robot không phải một thực thể sống, và chúng ta biết chắc chắn rằng chúng không phải chịu đựng gì cả. Vậy tại sao ngay cả những đại tá mạnh mẽ lại cảm thấy một phần trách nhiệm đạo đức với chúng? Nhà nghiên cứu Kate Darling, đã làm việc với M.I.T., Harvard, và Yale, gần đây cố gắng để hiểu những gì đang bị đe dọa trong sợi dây liên kết robot. Trong một bài báo, cô chỉ ra ba yếu tố: sự hiện hữu (đối tượng tồn tại trong không gian của chúng ta, không phải trên màn hình), cảm nhận về sự di chuyển độc lập (đối tượng đi lại như thể chúng có ý thức riêng), và hành vi xã hội (robot được lập trình để bắt chước các cử chỉ của con người). Trong một thí nghiệm của Darling và các đồng nghiệp, những người tham gia đã được phát Pleo – một loại robot nhỏ hình khủng long Camarasaurus con – và được hướng dẫn để tương tác với chúng. Sau đó, họ được yêu cầu treo Pleo lên và đánh đập chúng đến chết. Một số từ chối. Một số che chắn cho Pleo khỏi những nắm đấm của những người khác. Một người phụ nữ tháo pin ra khỏi con robot của mình để “cho nó khỏi đau đớn.” Cuối cùng, những người tham gia đã bị thuyết phục “hy sinh” một con Pleo đang rên rỉ, để những con khác được an toàn.

Vấn đề với việc tra tấn một robot không liên quan gì đến bản thân con robot, mà là việc chúng ta sợ gì nhất ở chính bản thân mình.

Darling, khi cố gắng giải thích hành vi này, đề xuất rằng việc  chúng ta không muốn ngược đãi những loại máy móc trông như thật là do các “giá trị xã hội.” Trong khi lý trí của chúng ta biết rằng Pleo chẳng là gì ngoài các bảng mạch, bánh răng, và phần mềm – một cỗ máy có thể tắt được, giống như một cái máy pha cà phê – sự đồng cảm bất chợt của chúng ta đã bị đánh lừa, và, bởi vì chúng ta đang bị lừa, nên việc đánh đập các con robot đối với ta là một hành vi sai trái. (Đây là thông điệp của chương trình mới rất nổi tiếng trên kênh HBO có tên “Westworld”, trong đó việc lạm dụng các người máy tiên tiến là biểu tượng cho sự phản trắc của con người.) “Có mối lo rằng việc ngược đãi một đối tượng mà trông giống như một thực thể sống có thể ảnh hưởng đến sự đồng cảm nói chung của chúng ta đối với các thực thể khác,” Darling viết. Nói cách khác, vấn đề với việc tra tấn một robot không liên quan gì đến bản thân con robot, mà là việc chúng ta sợ gì nhất ở chính bản thân mình.

*****

Những nỗi lo ấy, giống như những dòng sông lớn đổ về Mississippi, dẫn đến một sự chia rẽ lịch sử trong lĩnh vực đạo đức học. Một bên là những người, chẳng hạn như Bentham, tin rằng đạo đức được xác định bởi kết quả. (Không có vấn đề gì về mặt đạo đức khi nói dối về mái tóc nhìn như điên của bạn cùng phòng, bởi vì nói sự thật sẽ chỉ mang lại sự không vui cho tất cả mọi người.) Bên còn lại là những người nghĩ rằng đạo đức cần dựa trên quyền và các quy tắc. (Một người có đạo đức không thể là một kẻ nói dối, dù chỉ là về kiểu tóc.) Lĩnh vực đạo đức học động vật có xu hướng ủng hộ nhóm đầu tiên: mọi người bị kêu gọi cần cân nhắc tác động của họ lên các sinh vật sống. Nhưng nghiên cứu như của Darling khiến chúng ta tự hỏi liệu con đường trước mắt có phải sẽ phụ thuộc vào nhóm thứ hai – dựa trên các quyền và nghĩa vụ thay vì tính toán hậu quả.

Hãy xem xét tính logic, hoặc phi logic của đạo luật phòng chống đối xử tàn bạo với động vật. Bang New York cấm gây đau đớn cho vật nuôi nhưng lại cho phép bẫy cáo; cấm giật điện đến chết đối với động vật “có lông” (fur-bearing)10 chẳng hạn như chuột xạ hương, nhưng lại không hề đả động tới những con vật cũng đầy lông khác, như chuột; và cấm xăm trang trí trên chó, nhưng bò thì chẳng sao. Như Darling nói: “Việc chúng ta mong muốn bảo vệ những loài động vật mà chúng ta dễ liên hệ hơn cho thấy rằng chúng ta có lẽ chỉ quan tâm đến trạng thái cảm xúc của chính mình hơn là bất cứ tiêu chuẩn sinh học khách quan nào.” Cô tham khảo Kant, người coi đạo đức học động vật là để phục vụ cho con người. “Nếu một người đàn ông bắn con chó của mình. . . người đó cũng đã phá hoại những phẩm chất tử tế và nhân đạo của chính ông ta”, ông viết như vậy trong “Lectures on Ethics” (Tạm dịch: Bài giảng về đạo đức). “Một người đã thể hiển sự tàn ác đến như vậy với động vật thì cũng không thể kém tàn độc hơn với con người.”

Đây không phải là mối quan hệ đạo đức ngang hàng. Nó giống như một kiểu giám hộ thụ động, với những con người tranh đấu để hiện thực hóa sự nhân đạo cao quý của mình, và các loài động vật – hoặc robot – được hưởng lợi từ những hiệu ứng nhỏ giọt (trickle-down effects)11 của nỗ lực đó. Darling cho rằng quan điểm này phù hợp với một thời đại khi con người, động vật, và robot đang ngày càng có sự kết nối lớn hơn. Chúng ta có mong rằng đứa con mười sáu tháng tuổi của mình hiểu tại sao kéo đuôi con mèo là tàn nhẫn nhưng đuổi theo một con Roomba12 thì lại được chấp nhận về mặt đạo đức? Chẳng phải chúng ta muốn nuôi một đứa trẻ để nó không có động cơ đe dọa bất kỳ thứ gì giống như một thực thể sống, bất luận sự tồn tại thực sự của nó có như thế nào đi chăng nữa hay sao? Đối với thế hệ hiện giờ vẫn còn cuốn tã, việc nói chuyện với một trí thông minh nhân tạo như Siri là một việc hoàn toàn tự nhiên. Chúng ta nói chuyện với bạn bè, chúng ta nói chuyện với các thiết bị, chúng ta cưng chiều chú chó của mình, chúng ta thân mật với người yêu. Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, việc Kant khăng khăng rằng quyền chỉ có thể tồn tại trong những hành động giữa người với người dường như là cứng nhắc một cách vô ích.

*****

Đến đây có lẽ một nhà đạo đức học sẽ tức đến mức muốn đá bay một chú chó nhỏ, như Gaston Modot trong “L’Age d’Or”. Coi các thực thể khác ngang hàng về mặt đạo đức có vẻ là một việc sẽ không đi đến đâu: ranh giới nơi sự ngang hàng này bắt đầu không rõ ràng, và những nỗ lực để tìm ra nó gặp trở ngại bởi những thành kiến và nhận thức sai lầm của chúng ta. Nhưng việc cư xử như những người giám hộ thì lại đẩy các sinh vật khác xuống một vị trí thấp hơn – và cái ý tưởng cho rằng con người là những bậc thầy đặc biệt của vũ trụ, chịu trách nhiệm trong việc quyết định ai sẽ sống và phát triển, và ai sẽ chết, có lẽ đã lỗi thời rồi. Những người theo chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham như Peter Singer có thể cũng bị mắc kẹt trong những tư tưởng cực đoan kì lạ. Nếu việc tránh đau khổ là mục tiêu, thì không có mấy lý lẽ để phản đối sự tuyệt chủng không đau đớn của cả một loài.

Vậy chúng ta cần làm gì? Cách đây vài năm, Christine M. Korsgaard, một nhà triết học tại Harvard và học giả về triết học Kant, bắt đầu nghiên cứu về một trường hợp của triết học Kant trong lĩnh vực quyền động vật (trường hợp này dựa trên nguyên tắc tự do cá nhân hơn là sự đau đớn của động vật trong từng trường hợp cụ thể như của Singer). Trở ngại đầu tiên của cô là chính bản thân Kant. Kant nghĩ rằng các quyền phát sinh từ lý trí, tạo nên một không gian nơi mà mỗi người có thể hành động theo cách họ cho là tốt đẹp dựa trên tư duy lý trí của chính họ mà không chịu sự áp đặt suy nghĩ của một kẻ độc tài nào. (Quyền sở hữu của tôi không cho phép bạn đặt một bồn tắm nóng khổng lồ trên bãi cỏ trước sân nhà tôi, kể cả nếu bạn cho việc này là tốt. Điều này cho phép tôi tự do sử dụng bãi cỏ của mình theo bất cứ cách không-bồn-tắm nào mà tôi cho là tốt.) Động vật không thể lý giải lựa chọn của chúng, Kant chỉ ra như vậy, nên chúng sẽ mất sự tự do về quyền. Nếu chim ruồi hút mật hoa được yêu cầu thực hiện ý muốn của mình theo tiêu chuẩn lý trí cao nhất, nó sẽ cứ bay liên tục từ hoa này sang hoa khác.

Tuy nhiên, Korsgaard cho rằng việc quyết định tất cả mọi thứ dựa trên lý trí là một kiểu ngụy biện đánh lạc hướng (ngụy biện cá trích – red herring), bởi vì ngay cả đối với Kant, con người không chỉ hành động theo lý trí. Họ cũng có những phút bốc đồng. Cô nghĩ động cơ cơ bản thúc đẩy hành động thực ra phát sinh từ khả năng nhận thức một việc là tốt hay xấu, một đặc điểm mà các loài động vật cũng có. Nếu chúng ta, với tư cách con người, đòi quyền sở hữu tâm trí và cơ thể của một con chó như cách chúng ta đòi quyền sở hữu mảnh sân nhà, chúng ta sẽ thực thi một thứ quyền lực độc đoán, và đó là điều Kant muốn tránh. Vì vậy, theo chính các nguyên tắc của Kant, động vật phải có sự tự do – tức là – quyền quyết định đối với cơ thể chúng.

Quan điểm này không đòi hỏi các loài động vật phải so đo những đặc tính trừu tượng như trí thông minh, ý thức, hay tri giác. Chính xác hơn thì, quan điểm đó thậm chí còn không cấm đoán chúng ta ăn trứng trần hay thịt nai. Nó mở rộng phạm vi áp dụng các giá trị của thời kỳ Khai Sáng – tức quyền lựa chọn trong cuộc sống, đề cao tự do cá nhân lên trên sự độc tài – đến các sinh vật có thể đang bị chúng ta giam cầm. Nó tuyên bố: Hãy để những con gà đi rong! Hãy cho cá hồi một cơ hội để ứng phó với lưới đánh cá trong lòng đại dương rộng mở, thay vì cầm tù chúng trong ao nuôi. Chúng ta không thể chắc chắn liệu những con gà và con cá kia có quan tâm đến điều này không, nhưng đối với chúng ta, những con người, những tiêu chuẩn này đóng vai trò then chốt trong việc ngăn ngừa những hành vi độc đoán.

Robot dường như còn đi xa hơn chủ nghĩa nhân văn này, vì chúng thiếu sự tự do cơ thể. (Xe ô tô tự lái không thể tự quyết định đi đến bãi biển.) Nhưng những bước nhảy trong lĩnh vực học máy (machine learning), nơi trí thông minh nhân tạo được lập trình để tự dạy chính bản thân chúng, đã bắt đầu thách thức tiền đề này. Liệu các robot có bao giờ được trao quyền không? John Markoff, một phóng viên mảng công nghệ của tờ Times, đặt ra câu hỏi này trong cuốn “Machines of Loving Grace” (Ecco) (Tạm dịch: Những cỗ máy hiền từ). Đây là một vấn đề cần cân nhắc, một phần vì tâm trí của robot, không giống như động vật, được chế tạo theo hình ảnh của con người; chúng có tiềm năng thách thức và đánh bại ta trong trò chơi do chính ta tạo ra. Markoff phân tích nỗi sợ hãi phổ biến rằng các robot sẽ ảnh hưởng xấu đến tầng lớp trung lưu: “Công nghệ không thể là khởi nguồn của sự tăng trưởng kinh tế. Thay vì vậy, nó sẽ đe dọa tất cả các công việc được lộ trình hóa và dựa trên kĩ năng mà đòi hỏi khả năng thực hiện các kiểu lao động “trí thức” khác nhau. Nói cách khác, đừng chỉ lo lắng về những con robot sẽ thay thế công việc của bạn trên dây chuyền lắp ráp; hãy lo lắng về việc chúng sẽ vượt xa chuyên môn của bạn trên bàn phân tích hoặc sàn môi giới. Không bức tường nào có thể bảo vệ công ăn việc làm tại Hoa Kỳ khỏi sự xâm lấn lớn trong những năm tới. Robot là thành quả của những bộ óc thiên tài của nước Mỹ, và tất cả bọn chúng đang học tất cả mọi thứ ta biết.

Một cuộc xâm lăng của robot sẽ không diễn ra như một trận chiến của những con người trung thành chống lại các cỗ máy độc ác. Nó có lẽ sẽ xảy ra theo cách vốn đã bắt đầu từ lâu: sự cộng sinh với những công nghệ rẻ tiền, hữu ích mà chúng ta chào đón trong cuộc sống hàng ngày.

Tương lai đó thúc giục ta phải chỉnh đốn lại những mục tiêu đạo đức của mình ngay bây giờ. Một cuộc xâm lăng của robot sẽ không diễn ra như một trận chiến của những con người trung thành chống lại các cỗ máy độc ác. Nó có lẽ sẽ xảy ra theo cách vốn đã bắt đầu từ lâu: sự cộng sinh với những công nghệ rẻ tiền, hữu ích mà chúng ta chào đón trong cuộc sống hàng ngày. Điện thoại ngày nay giúp tăng cường trí nhớ của chúng ta; chatbot được tích hợp giúp chúng ta không phải nghe nhạc chờ khi dùng dịch vụ chăm sóc khách hàng; các ứng dụng cho phép chúng ta đuổi bắt Pokémon khắp Trái Đất. Chúng ta giờ đã biết trải nghiệm Cyborg (Tạm dịch: sinh vật cơ khí hóa)13 là như thế nào, và nó khiến chúng ta khổ sở không phải vì thực tế tàn nhẫn mà là do nó làm chúng ta nhận thức được giới hạn của chính mình.

*****

Vấn đề kinh điển của việc lập trình xe ô tô tự lái là việc tránh gây tai nạn. Một chiếc xe nên làm gì nếu phải lựa chọn giữa việc đổi hướng đâm vào một đám đông mười người và đâm vào một bức tường, làm chính chủ nhân của mình thiệt mạng? Các tình huống khó xử không chỉ thuộc phạm trù đạo đức mà còn cả thương mại (liệu bạn có muốn mua một chiếc xe được lập trình để giết bạn trong một số trường hợp nhất định?), và chúng cho thấy chính những quyết định khó khăn mà chúng ta, những con người, đưa ra nhưng lại muốn lờ đi. Khía cạnh kinh hoàng của Trí tuệ Nhân tạo không hẳn là HAL 900014, một cỗ máy thô lỗ không muốn bị tắt nguồn. Vấn đề ở đây là chiếc xe ô tô tính toán đạo đức, máy bay quân sự không người lái: những con robot làm chính xác những gì chúng ta muốn, và kết quả là chúng cơ giới hóa hành vi đạo đức của chính chúng ta.

Một cách tiếp cận hợp thời trong lĩnh vực khoa học nhân văn hiện nay là “posthumanism” (tạm dịch: chủ nghĩa hậu nhân văn), tức là tìm cách tránh tiền đề – từng phổ biến trong thời đại Khai sáng, nhưng không thuyết phục dựa trên tri thức hiện đại – rằng có một cái gì đó kì diệu ở con người. Một vài người theo chủ nghĩa này như N. Katherine Hayles đã sử dụng cyborg, dù chính thống (chẳng hạn như những loại công nghệ có thể mặc trên người) hay cực đoan, để thách thức những ý tưởng cũ rằng tâm trí và cơ thể là hai yếu tố hợp thành đầy đủ một con người. Những người khác, như Cary Wolfe, đã chỉ ra rằng việc mang bộ phận giả, chấp nhận những thứ không thuộc cơ thể ta, cũng có thể là một phần của đời sống động vật. Một cách tất yếu, chủ nghĩa hậu nhân văn kết thúc chặng đường của nó ở một nơi rất nhân văn, hoặc ít nhất là có tính người. Là con người, chúng ta nhận ra đầy đủ bản chất của mình thông qua việc chiếm đoạt; như hầu hết các loài động vật và robot, chúng ta trưởng thành bằng cách học theo những thói quen của thế giới xung quanh chúng ta, và bằng cách sử dụng các dụng cụ. Những rủi ro của việc này là có thật. Harambe, sinh ra trong một sở thú, sống trong một thế giới tạo ra bởi con người, và cũng chết bởi thế giới ấy. Thực tế rằng việc này vẫn còn ám ảnh chúng ta chính là đặc điểm tốt đẹp nhất của loài người. Và việc chúng ta tôn sùng những bóng ma hơn cả sự sống là điều tồi tệ nhất.


  1. Nghĩa của cụm “pulling together” theo từ điển Oxford là: To act, work, etc. together with other people in an organized way without fighting,” có thể tạm hiểu là cùng làm việc với nhau một cách đoàn kết và có tổ chức. Ý nghĩa của cái tên Harambe bởi vậy trái ngược với sự chia rẽ của mọi người sau đó.

  2. Ngày 22/11/2014, Tamir Rice, một cậu bé 12 tuổi, đã bị hai sĩ quan Timothy Loehmann (26 tuổi) và Frank Garmback (46 tuổi) bắn chết tại thành phố Cleveland, bang Ohio ở Mỹ, sau khi đeo một khẩu súng giả tại một sân chơi. Một người gọi điện thoại báo tin với nhân viên trực đường dây nóng 911 rằng cậu bé dọa những mọi người bằng một khẩu súng nhưng người này không nghĩ đó là súng thật. Hai sĩ quan cảnh sát có mặt tại hiện trường không được cảnh báo về điều này và Loehmann đã bắn hai phát vào Rice ngay lập tức sau khi xuống xe tuần tra mà không hề cảnh báo cậu phải bỏ khẩu súng xuống. Toàn bộ vụ việc đều được video quay lại. Trong quá trình điều tra, người ta mới phát hiện khẩu súng mà Rice cầm chỉ là một súng hơi hạng nhẹ, bản sao của súng lục bán tự động. Ký hiệu để phân biệt nó với súng thật đã bị gỡ bỏ. Vài tháng sau đó, chính quyền thành phố Cleveland đã đạt được thỏa thuận bồi thường 6 triệu USD cho gia đình Tamir Rice và không thừa nhận bất kỳ hành động phạm pháp nào của giới chức an ninh. Cái chết của Rice là một trong hàng loạt vụ cảnh sát làm thiệt mạng người Mỹ gốc Phi trong những năm qua, thu hút nhiều sự chú ý của dư luận và gây ra làn sóng biểu tình trên toàn nước Mỹ phản đối sự lạm quyền của cảnh sát. Độc giả quan tâm có thể xem thêm chi tiết tại đây.

  3. Theo ý hiểu của người dịch, tác giả đang nói tới việc con người với trí tuệ vượt trội đã vượt lên trên cuộc đấu tranh sinh tồn thông thường giữa các loài.

  4. Nguyên gốc câu này trong Tiếng Anh là “Balcombe’s wish for joy to the fishes (a plural he prefers to “fish,” the better to mark them as individuals) may seem eccentric to readers who look into the eyes of a sea bass and see nothing.” Phần ghi chú trong ngoặc chỉ việc tác giả thích sử dụng “fishes” khi chỉ số nhiều của cá thay vì “fish” (cả hai cách đều đúng), vì cách dùng “fishes” cho thấy sự coi trọng những con cá như từng cá thể riêng biệt.

  5. Loài cá này mang nghêu trong miệng và đập vào đá để làm vỡ vỏ nghêu nhằm ăn nghêu bên trong. Việc này có thể được coi là cách cá sử dụng “công cụ” (tool) cho mục đích của mình.

  6. Cleaner wrasses là những loài cá cộng sinh với các loài cá săn mồi khác bằng cách bám trên mình những con cá khác và dọn sạch các tế bào chết và ký sinh trùng trên mình những con cá đó bằng cách ăn chúng.

  7. Cortisol là một loại hoóc-môn steroid, được tiết ra để phản ứng lại với stress và việc hạ đường huyết. Hoóc-môn này có chức năng tăng hàm lượng đường trong máu, giảm hệ thống miễn dịch, và tăng cường sự chuyển hóa chất của chất béo, protein, và carbonhydrate.

  8. Mandala (có thể đọc là Mạn đà la) là một biểu tượng tâm linh trong Hindu giáo và Phật giáo đại diện cho vũ trụ. Trong cách dùng thông thường, Mandala là một từ dùng để chỉ bất cứ một hình khối, sơ đồ, hay họa tiết nào miêu tả vũ trụ.

  9. Một cách ra hiệu muốn bắt xe ở Mỹ.

  10. “Fur-bearing” chỉ những động vật có lông mà bộ lông của chúng có giá trị thương mại lớn. Sau đó khi mô tả loài chuột thông thường ông sử dụng từ “furry,” tức cũng là những loài có lông nhưng lông của chúng không có giá trị mấy.

  11. Trickle-down effect là một hô hình trong marketing, giải thích quá trình tiếp nhận sản phẩm và cách những sản phẩm mới được đón nhận trong xã hội. Mô hình này thể hiện hai diễn biến trái ngược nhau, trong khi những tầng lớp xã hội thấp hơn cố gắng bắt chước xu thế của tầng lớp cao hơn, thì tầng lớp cao hơn lại cố gắng làm mới xu thế hay mặt hàng họ sử dụng để khẳng định vị thế. Hai quá trình này vì vậy thúc đẩy sự ra đời của sản phẩm mới và việc sản phẩm được chấp nhận bởi người tiêu dùng. Theo ý hiểu của người dịch, tác giả nhắc đến mô hình này ở đây nhằm mô tả cách sự nhân đạo của con người với động vật lan truyền trong xã hội.

  12. Roomba là một loại robot tự động làm chức năng hút bụi trong nhà.

  13. Cyborg (hợp thành từ âm tiết đầu của hai từ Cybernetic Organism) chỉ những sinh vật có chức năng được phục hồi hoặc tăng cường nhờ việc tích hợp một kiểu máy móc hoặc công nghệ nhân tạo vào cơ thể.

  14. HAL 9000 là một nhân vật giả tưởng và cũng là nhân vật phản diện chính trong series truyện giả tưởng Space Odyssey của tác giả Arthur C. Clarke. Đây là một robot có giác quan, làm nhiệm vụ điều khiển hệ thống tàu vũ trụ Discovery One trong truyện và tương tác với các phi hành gia khác. HAL 9000 thường được mô tả là một chiếc đèn camera chấm đỏ hoặc vàng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất