a
§ Tác giả: Jon Stewart | Nguồn: Aeon Essays
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  K
14/08/2021

Làm-người là gì1? Theo truyền thống, bản chất con người được cho là một điều chi cố định, được sinh ra bởi tự nhiên hoặc Chúa Trời, không bao giờ thay đổi. Mỗi người được sáng tạo riêng biệt, sở hữu riêng cho mình một bộ tổng hợp những khả năng, là cái định hình nhân vị mỗi người. Quan điểm trên thuộc về những trường phái triết học cổ đại như Trường phái Platon, Trường phái Aristotle, Trường phái Khắc kỷ, và cả Công giáo. Gần đây hơn, một tranh cãi khác nổ ra, cho rằng chẳng có bất kỳ bản tính con người nào sất, thay vào đó là một bộ phức hợp các hành vi và thái độ được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Theo quan điểm này, tất cả luận bàn về một loại bản chất con người cố định chỉ là một phương cách ngây ngô, thuận tiện để bàn luận về trải nghiệm làm người, mà rốt cuộc lại chẳng tương đồng chút nào với thực tại ngoài kia. Quan điểm này có thể được tìm thấy trong trường phái hiện sinh luận (existentialism), giải cấu trúc luận (deconstruction) và các trường phái triết học tinh thần khác thời hiện đại.

Tuy nhiên, xen giữa tiến trình thay đổi này còn có một cách tiếp cận thứ ba. Lịch sử luận (historicism), cái tên gọi hẳn còn gây tranh cãi, tuyên bố có đấy một khái niệm thực sự về bản chất con người, nhưng bản chất này thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội. Cách tiếp cận này chủ yếu được biết đến thông qua triết gia Đức G.W.F. Hegel (1770-1831). Ông bác bỏ quan điểm đầu tiên của các nhà bản chất luận (essentialist), phủ nhận việc bản chất con người bất biến do được ban phát hoặc tạo nên. Nhưng ông cũng bác bỏ nốt quan điểm thứ hai, không tin rằng ý niệm về bản chất con người chỉ là một ảo ảnh lỗi thời kế thừa từ truyền thống. Thay vào đó, Hegel tuyên bố rằng điều hữu ích và đáng kể nhất ấy là hãy luận bàn về điều kiện thực tế của một số hình thái nhất định bản chất của con người, và vấn đề này có thể được sáng tỏ hơn khi phân tích sự phát triển của nhân loại xuyên suốt tiến trình lịch sử. Rủi thay, kiểu trình bày của Hegel lại khá khó tiếp cận, dẫn đến việc nhiều người nhìn nhận quan điểm của ông là khó hiểu và rối rắm. Lý thuyết nhân loại học triết lý2 của Hegel, vốn liên hệ mật thiết với lý thuyết phát triển lịch sử của ông, vì vậy vẫn còn là tranh cãi giữa các bậc học giả. Thật đáng tiếc.

Với lượng kiến thức đáng nể về lịch sử và văn hóa, Hegel phân tích do đâu mà cái thứ ta gọi là tính chủ quan3 và tính cá nhân4 trỗi dậy lần đầu và tiếp tục phát triển. Ông quan niệm rằng, vào thời khởi thủy của giống loài mình, con người không nhận thức được bản thân như một cá thể độc lập, giống với những gì chúng ta nhìn nhận ngày nay. Không hề có khái niệm về một thế giới nội tâm độc nhất và riêng biệt mà thời đại của chúng ta vẫn hằng tôn sùng. Thay vào đó, người cổ đại trước hết nhìn nhận bản thân họ thuộc về một hội nhóm lớn hơn: một gia đình, một bộ lạc, một đất nước v.v. Điều này đồng nghĩa với việc những câu hỏi về sự tự do cá nhân hay quyền tự quyết không xuất hiện như những gì ta hằng tưởng tượng.

Ngày nay, phần đông chúng ta tự tin rằng chúng ta có quyền tự quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến đời mình với vai trò là những cá nhân độc lập. Ta tự lựa chọn ngành học mà ta thấy thích, nghề nghiệp mà ta thấy hay, người mà ta muốn cưới, tôn giáo mà ta tin tưởng. Những thứ này được nhìn nhận là những lựa chọn riêng tư mà cá nhân có quyền tự quyết. Lối suy nghĩ này hiện thời đã trở thành trực giác của chúng ta, nhưng thật ra lại chẳng hề tuyệt đối mà lại thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội và lịch sử. Người cổ đại có một quan niệm rất khác về những thứ trên.

Họ tuyệt đối hóa bản thân như một phần của quốc gia thay vì như những cá nhân

Đối với văn hóa cổ đại tại Lưỡng Hà, Ai Cập và Hy Lạp, cá nhân chẳng có những quyền trên. Người ta ra đời trong một gia đình hoặc tầng lớp xã hội nhất định, và việc này định đoạt phần lớn quãng đời còn lại của con người nọ. Các nền văn hóa cổ đại này bị thống trị bởi tập quán, và phong tục truyền thống điều khiển mọi khía cạnh hành vi của đời sống con người. Những tập quán được lồng ghép vào luật lệ, giáo dục, tôn giáo và các khía cạnh khác của văn hóa; ngược lại, chúng cũng tiếp tục củng cố tập quán. Cơ hội của con người được định hình và giới hạn bởi tầng lớp và đẳng cấp xã hội của người đó5. Tương tự, vai trò giới tính đã được cố định vững chắc. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, quan điểm và ước muốn của họ bị xem là vô giá trị. Con trai theo nghiệp bố, con gái bị gả cho những nhà môn đăng hộ đối. Thế giới nội tâm cá nhân không tồn tại như trong thời nay.

Có thể thấy rõ điều này trong một số cổ văn. Sử gia và tác gia hồi ký Plutarch người Hy Lạp từng mô tả chi tiết đời sống khắc nghiệt của người Sparta, kết quả từ luật lệ của nhà lập pháp huyền thoại Lycurgus. Plutarch giải thích quá trình rèn luyện của người Spartan “kéo dài đến tuổi trưởng thành, vì chẳng ai được quyền sống theo ý thích bản thân. Thay vào đó, hệt với những gì xảy ra trong trại lính, kể cả trong thành phố, họ phải tuân theo một lề luật sinh hoạt nhất định và cống hiến bản thân cho những vấn đề cộng đồng. Họ tuyệt đối hóa bản thân như một phần của quốc gia thay vì như những cá nhân.”

Plutarch giải thích thêm rằng Lycurgus “bắt buộc công dân không được ham muốn và thậm chí không được nghĩ đến một đời sống riêng tư, thay vào đó phải sống như bầy ong, luôn gắn chặt với cộng đồng, quần tụ xung quanh lãnh đạo, ham muốn nhiệt thành cống hiến bản thân cho quốc gia. Hiến pháp của Lycurgus được ca tụng rộng rãi trong thế giới cổ đại, và thế giới đó cho rằng ông đã tìm ra được công thức chính xác để tạo ra một xã hội sẽ tiếp tục sản sinh ra những người có đạo đức6 và hưng thịnh. Nhưng Sparta của Lycurgus là một xã hội không chấp nhận quyền tự quyết của cá nhân. Quan điểm đã rõ ràng: đời sống cá nhân vô giá trị, không đáng kể so với nhu cầu của xã hội hoặc quốc gia. Thứ mà chúng ta gọi là cá nhân sau rốt chẳng có nghĩa lý gì.

Ảnh: Yasin Yusuf/Unsplash

Thất bại khi nhìn vào thế giới nội tâm cá nhân tiếp tục mở rộng câu hỏi về trách nhiệm, tội lỗi trong vấn đề luật pháp, đạo đức. Ngày nay, tòa án xem xét kỹ càng ý định của bị cáo để đánh giá mức độ hình phạt thích đáng. Một hành vi phạm pháp được lên kế hoạch và tính toán cẩn thận được xem là xấu xa hơn một hành động bộc phát đột ngột có nguyên nhân từ sự mất kiểm soát nhất thời do nóng giận, ghen tuông. Nhưng vào thời cổ đại, ý định nội tâm của cá nhân không hề được đả động trong quá trình đánh giá, tòa án chỉ chú ý đến đến hậu quả của hành động. Quan trọng là điều gì đã xảy ra, ý định cá nhân không là gì đáng kể. Oedipus không hề dự định giết cha, cưới mẹ, nhưng đã được xem là có tội bởi những hành động chính ông gây ra. Dù cho gã đã cố làm mọi điều để tránh lời tiên tri, điều này vẫn không được xem là tình tiết giảm nhẹ cho bản cáo trạng của Oedipus7.

Socrates được xem là người tiên phong trong cuộc cách mạng suy tư về tính chủ quan của cá nhân. Là một thành viên của cuộc cách mạng khoa học Hy Lạp, ông tin rằng chẳng điều gì phải được chấp nhận chỉ bởi đấy là truyền thống. Thay vào đó, Socrates tranh luận rằng, cá nhân có nghĩa vụ phải dò xét tất cả mọi chân lý bằng chính phê phán lý tính của mình, và chỉ những điều gì vượt qua bài kiểm tra lý tính kia mới xứng đáng được chấp nhận. Ông trở thành một nỗi phiền toái đối với người dân Athens khi mải miết lang thang và truy vấn người đời về những điều họ tự cho là sành sỏi. Ông khơi gợi để họ tự tin bàn luận về điều này điều kia, sau đấy lại truy xét sâu hơn và cho họ thấy những sai lầm trong cách họ tư duy. Sau cùng, những người tranh luận cùng ông mang trong mình bực bội và nhục nhã. Vấn đề ở đây là phần lớn người đời mặc định xem tập quán và truyền thống là đúng, mà hiếm khi nào truy xét phê phán điều gì. Thông điệp căn bản của Socrates là người đời hãy phê phán mọi điều và chỉ chấp nhận những gì hợp lý. Tóm lại, cá nhân có quyền xác thực tính đúng sai thay vì chỉ nghe theo nhận định từ những thứ được xem là uy quyền hơn cá nhân. Tư tưởng cấp tiến, đầy khiêu khích này chưa sẵn sàng được đón nhận bởi người dân Athen, và Socrates đã phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Cuộc cách mạng mang tên Socrates lan tỏa với tiên phong là Cơ Đốc Giáo. Ngài Jesus bác bỏ uy quyền thế giới và hướng vào phần nội tâm của loài người. Nhiều giáo lý của ngài ẩn chứa một bước chuyển biến từ cái nhìn ngoại giới trong lề luật cũ thành cái nhìn nội tâm trong lề luật mới8. Ngài Jesus nói với môn đồ: 

Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà-dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi9.

Luật cũ cấm tà dâm: một hành động ngoại giới. Nhưng Ngài Jesus khẳng định rằng tội lỗi thật sự đã diễn ra bên trong thế giới nội tâm khi người ta khởi ham muốn tà dâm. Vậy là chỉ bởi ham muốn thôi, người ta đã phạm tội trước cả khi hành động thực tế được thực thi. Tương tự, Ngài phê phán những người khoe mẽ khi thờ phụng, và khuyên nhủ môn đồ chỉ nên tự mình cầu nguyện. Điều quan trọng không phải là hành động ở ngoại giới mà là tình trạng nội tâm của cá nhân. Đạo đức giờ đây tọa lạc trong nội tâm.

Nghĩa là đạo đức đã mở rộng trải dài biên cương của nó. Hành động trong ngoại giới luôn bị giới hạn bởi không gian và thời gian; người ta chỉ có thể thực thi một số lượng hành động hữu hạn. Trái lại, khi bàn về tư tưởng và dục vọng nội tâm, một thế giới vô hạn mở ra. Từ đấy, cần một bộ chuẩn mực đúng đắn hơn về luân lý10 khi con người không những cần giám sát những gì họ làm mà phải giám sát cả những gì họ nghĩ. Điều này nhanh chóng khiến người ta cứng nhắc khăng khăng rằng suy nghĩ của họ phải luôn thuần khiết và xứng đáng với Chúa. Thay vì phán xử một số lượng hữu hạn các hành động tội lỗi mà con người thực hiện trong đời sống, Chúa giờ đây xem xét hằng hà sa số những suy nghĩ và dục vọng tội lỗi tồn tại riêng tư trong tâm trí của mỗi chúng ta – phần lớn chúng sẽ không bao giờ được thực tế hóa thành hành động.

Một ví dụ khác về việc chuyển dịch từ ngoại giới thành nội giới có thể được tìm thấy trong nội hàm rất khác biệt của những trường ca (epic) đến từ những tác gia Hy Lạp và La Mã, khi so sánh với tác phẩm của nhà thơ Cơ Đốc Dante Alighieri. Nơi Homer, chúng ta được dịp chiêm ngưỡng những chiến công hiển hách của những anh hùng nơi ngoại giới, ta có cuộc bao vây 10 năm thành Troy, có Odysseus đánh bại những kẻ cầu hôn và giành lại ngai vương Ithaka vốn thuộc về mình. Tương tự, với Virgil, chúng ta theo chân anh hùng Aeneas gắng công tìm một vùng đất hứa cho dân tộc mình và chuẩn bị thành lập La Mã. Tất cả những điều trên là những sự kiện ngoại giới. Trái lại, Thần Khúc (1308-20) của Dante nói về sự phát triển đời sống nội tâm, tinh thần của một cá nhân riêng lẻ11. Dù cho nhân vật của chúng ta cũng đã trải qua một đại hành trình như Odysseus và Aeneas, đã gặp qua muôn hình vạn trạng các nhân vật khác nhau, nhưng bản chất của cuộc hành trình hoàn toàn khác biệt. Cuộc tranh đấu của Dante là một cuộc tranh đấu nội tâm liên quan đến tinh thần cá nhân của riêng ông, đối ngược với cuộc tranh đấu của Odysseus và Aeneas trước ngoại giới.

Từ góc nhìn hiện đại của mình, phần lớn chúng ta mơ hồ vui vẻ khi nghĩ rằng bản thân có quyền tự quyết đời mình. Góc nhìn này gần như tương tự như nguyên tắc về tự do chủ quan (subjective freedom) của Hegel, với quan niệm rằng cá nhân có quyền đề xuất hoặc trì hoãn nhận định của mình về tính đúng-sai của các vấn đề mà họ đối diện. Trong thế giới hiện đại, chúng ta có quyền bác bỏ và phê phán tất cả những điều đối nghịch với nhận thức của cá nhân mình. Điều này hoàn toàn vắng mặt trong thế giới cổ đại. Sự phát triển của tư tưởng tự do chủ quan trở thành câu chuyện giải phóng nhân loại khỏi ách thống trị của tập quán và truyền thống. Nhờ sự phát triển của tư tưởng này mà các nguyên tắc như nhân quyền cá nhân, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do nhận thức được ra đời. Đây là những điều được trân quý trong thời hiện đại, và cũng dễ dàng làm sao khi đọc một bài tự thuật lịch sử như thể đấy là một câu chuyện vẻ vang một chiều về chiến thắng của cá nhân trước truyền thống.

Nhưng vấn đề chẳng đơn giản như vậy. Trong khi người hiện đại chúng ta trân quý tự do cá nhân, chúng ta cũng phải trả một cái giá nào đó để đạt được chúng. Bởi xu hướng tập trung vào cá nhân và lấy đó làm tiêu chuẩn cho chân lý, cho tính đúng sai mang chúng ta đối mặt với những vấn đề kỳ lạ của thời hiện đại, ấy là dị biệt và bất quy tắc. Người hiện đại cảm thấy cô đơn và tách biệt khỏi cộng đồng, làng xã, quê hương, đất nước v.v. Người ta dễ dàng đánh mất định hướng và lạc lối trong phố xá, nơi mà ở đó người ta ngày ngày phải chạm trán với biết bao người xa kẻ lạ, chẳng chút gì gắn bó. Người ta chẳng còn cảm thấy bất kỳ mối tương đồng nào giữa bản thân và những thiết chế, cấu trúc xã hội bao quanh, những thứ mà giờ đây thường xuyên trái nghịch với cảm tính của chúng ta.

Khía cạnh lợi ích của văn hóa cổ đại nằm ở chỗ nó nuôi dưỡng một cảm giác ràng buộc nơi gia đình và cộng đồng. Ai nấy đều tri nhận và đảm đương vai trò của họ, và đấy được cho là mấu chốt của một đời sống hạnh phúc. Người ta cảm thấy một sự tương đồng tức thì giữa bản thân và văn hóa, tôn giáo, xã hội xung quanh họ. Người cổ đại thể hiện bằng sự hài hòa, các tư tưởng gia trung cổ thể hiện bằng trật tự. Khi mà người ta còn ở nguyên tại vị trí được chỉ định, thì khi ấy mọi thứ lẽ chừng vẫn vận hành trơn tru tốt đẹp. Nhưng khi một ai đó bước khỏi lằn ranh, trật tự bị xô đổ và sự bất hài hòa trỗi dậy. Ngày nay mối ràng buộc quan trọng nơi cộng đồng, trong đời sống xã hội đã mất đi, và đấy là cái giá người ta phải trả để đổi lấy tính cá nhân của bản thân. Phần lớn chúng ta hẳn sẽ tranh luận rằng việc xóa bỏ tư tưởng phân lớp đẳng cấp, giai tầng, xóa bỏ những ràng buộc định chế xã hội là một điều đúng đắn, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, nhưng chúng ta cũng đừng nên bỏ qua sự thật rằng có một sự đánh đổi ở đây, rằng sự phát triển này không hề miễn phí.

Ảnh: Naveen Chandra/Unsplash

Hegel tuyên bố rằng, nếu như sự trỗi dậy của tính chủ quan trong thế giới cổ đại và trung cổ là một sự phát triển khai phóng, thì trong thời hiện đại, con lắc đã chạm đến sự cực đoan. Bắt đầu với Thời Phục Hưng và Thời Cải Cách, người ta ngày càng nhận ra được giá trị và tầm quan trọng của tính chủ quan trong cá nhân. Điều này sản sinh những tư tưởng mới, chẳng hạn như ý kiến của Luther rằng niềm tin tôn giáo là vấn đề mà mỗi cá nhân cần tự quyết, hoặc Thời Khai Sáng quan niệm rằng cá nhân sở hữu nhân quyền tối thượng được Chúa trao ban. Với phong trào Lãng Mạn thế kỷ 19, sự tán tụng tính cá nhân phát triển leo thang với những tư tưởng như sùng bái thiên tài, sống đời nghệ thuật, tự do yêu đương, bác bỏ giá trị tư sản. Những yếu tố trong các tư tưởng trên cũng được tìm thấy trong phong trào văn hóa hiện sinh thế kỷ 20, trong đó có cả những trường hợp chối bỏ tất cả mọi chân lý đến từ ngoại giới, khăng khăng khẳng định tự do tuyệt đối nhất thời của cá nhân12.

Đỉnh điểm phát triển thuộc về văn hóa phương Tây thế kỷ 21, đôi khi được miêu tả như một thời đại bất cần, tự luyến, nơi mà tất cả những đơn vị cá nhân13 kia theo đuổi những mục tiêu và lý tưởng riêng tư của bản thân mình, chẳng chút đả động gì đến thế giới bên ngoài. Sự trỗi dậy của tính cá nhân chống lại nền tảng truyền thống thời sơ kỳ giờ đây đã trở thành sự thống trị của tính cá nhân chống lại những phế tích của truyền thống, hay nói chính xác hơn là chống lại bất kỳ một chân lý nào từ ngoại giới.

Ngày nay, chúng ta cống hiến cả đời mình cho sự phát triển và khẳng định một bản sắc cá nhân nào đó riêng lẻ, tách biệt với người khác. Con người ngày càng sáng tạo trong khi thực hiện điều trên. Nỗi ám ảnh về việc phải tạo ra một bộ sơ yếu lý lịch đăng lên mạng xã hội thường được trích dẫn như một ví dụ điển hình về tính tự luyến thời hiện đại. Nỗi ám ảnh này trở thành sự thổi phồng về tầm quan trọng trong hoạt động và thành tích của một cá nhân, khiến người ta bỏ mặc mọi thứ nơi ngoại giới, chẳng hạn như sai lầm hay thiếu sót của một người nào đó, nếu những thứ trên không tương ứng với câu chuyện ta muốn kể về chính mình. Trong câu chuyện này, thi thoảng ta lại thấy một nỗ lực chừng như tuyệt vọng khi cố gắng tạo ra một hình ảnh cá nhân viễn tưởng khác biệt với tha nhân. Độc lập với bất kỳ chân lý nào khác, người ta trở thành tác giả trong câu chuyện của chính họ – viễn tưởng hay thực tế – mà trong đó người ta có thể kể bất cứ điều gì họ thích.

Chúng ta ở trong một thế giới thuộc về tương đối luận, nơi mà bất cứ thứ gì không phù hợp với chúng ta đều được gọi là tin giả.

Việc chú trọng vào bản thân giờ đây gần như có mặt trong mọi khía cạnh của đời sống: cơ thể, trang phục, tài sản, sở thích, khẩu vị. Tại bất kỳ một cấp độ nào, ta đều thèm khát tìm ra một điều gì đó có khả năng thể hiện được cho người khác thấy tính chất chừng như độc nhất của cá nhân chúng ta. Các nhà quảng cáo và tiếp thị nhận ra được cái thèm khát tiềm thức này và mãi hoài khai thác nó. Nghịch lý làm sao, họ thuyết phục chúng ta tin rằng nếu ta mua sản phẩm của họ, như hàng triệu người khác ngoài kia, ta sẽ thể hiện được tính cá nhân độc nhất của mình. Thật may mắn cho những doanh nghiệp kiếm tiền từ cách trên, hiệu ứng xoắn ốc, hiệu ứng dây chuyền đang xảy ra. Mục đích là để tìm ra điều chi đặc biệt nhằm đóng vai trò như một dấu hiệu hướng ra ngoại giới, phản ánh rằng ai đó thật sự là một cá nhân. Nhưng những dấu hiệu này chỉ là những quáng nắng chóng tỏ chóng tàn, và khi người khác cũng dần bị thu hút theo, cái thứ ban đầu xuất hiện như một biểu hiện của tính cá nhân giờ đây dần trở thành thái cực đối nghịch, một dấu hiệu cho thấy ai kia mang tâm lý đám đông. Do vậy ta cũng có được, sự thay đổi lẹ làng về sở thích và quan điểm sống trở thành đặc điểm của tuổi thiếu niên. Người ta mãi hoài tìm kiếm một điều chi mới mẻ và độc đáo, thứ mà thật ra chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Khi cái trend nọ chạm đến ngưỡng bùng phát và trở nên vô cùng phổ biến, nó không còn giữ được chức năng cũ, và một trend mới lại được truy tìm và lấp vào khoảng trống.

Niềm riết róng muốn khẳng định bản thân như một cá nhân là lời minh họa về tầm quan trọng trong nguyên tắc thực thi tính cá nhân và tính chủ quan trong thời hiện đại. Vài người cười trừ, xem sự việc trên là một vấn đề tuổi dậy thì không hơn, nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong thời đại của chúng ta, sự thất vọng trên dẫn đến sự bác bỏ mọi loại hình chân lý khách quan. Nó dẫn chúng ta đến một thế giới thuộc về tương đối luận, nơi mà bất cứ thứ gì không phù hợp hay mâu thuẫn với sở thích của chúng ta đều có thể bị gọi là tin giả, có thể bị bảo rằng đấy chỉ là sản phẩm mà các đảng phái chính trị sử dụng để đối chọi nhau. Ý tưởng về một ngoại giới khách quan chứa đựng chân lý nhanh chóng tan biến. Vài nhà bình luận, chẳng hạn như Ralph Keyes và Lee McIntyre tuyên bố rằng chúng ta đang sống trong một thế giới “hậu chân lý”. Đấy là kết quả của lời khẳng định ngày càng chắc nịch rằng chính các cá nhân, trong tư cách là những cá nhân riêng lẻ, có thể thống trị chân lý của chính họ.

Điều này có lẽ được thấy rõ nhất trong chính trị. Tranh luận chính trị đáng lẽ phải được đặc trưng bởi những thảo luận nghiêm trọng về các vấn đề thực tế liên quan đến thịnh vượng của xã hội, còn các thảo luận này đáng lẽ phải dựa vào các chứng cớ có nguồn gốc rõ ràng nhằm củng cố cho sự thiết lập các chính sách. Tuy nhiên dạng tranh luận chính trị này đã bị thay thế bằng những lời kêu gọi đánh thẳng vào cảm tính, sinh ra từ những nỗ lực khơi gợi hoài nghi yếm thế14 nhằm đánh lừa cử tri bằng dối trá và thông tin sai lệch, dự sẽ bôi tro trét trấu những ứng cử viên hoặc quan điểm chính sách đối lập. Những công ty chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ vẽ vời những xuyên tạc và phổ biến những sai lạc nhằm đảo hướng dư luận. Song hành với một ý thức hệ nào đó tuyên bố những định hướng chính trị cụ thể, thì lời biện hộ cho ý thức hệ đó cũng rào trước đón sau rằng chẳng có một chân lý khách quan nào cả, vậy nên người ta tự do lan truyền những gói hàng ngụy thông tin được sản xuất và đóng gói bài bản, có chiến lược. Xu hướng này không chỉ đáng lo ngại đối với chính trị mà còn đối với những lĩnh vực khác như báo chí, giáo dục và khoa học. Ví dụ được nghĩ ngay đến là những người chối bỏ không tin vào biến đổi khí hậu hoặc Cuộc diệt chủng Do Thái trong Thế chiến II . Những thứ như phương pháp khoa học, xác thực nguồn tin, kiểm chứng sự thật dường như đã lỗi thời.

Trong bài giảng của mình, Hegel cố gắng nhận dạng những giai đoạn phát triển của lịch sử. Thời tiền sử được đặc trưng bởi sự đồng hóa bất phản tư15 diễn ra tức thì với cái toàn thể xung quanh. Tồn tại sự hài hòa giữa cá nhân và vai trò của cá nhân với tư cách một thành viên gia đình, một công dân v.v. Trong bức tranh này, cá nhân như những đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành, chưa có khả năng tự mình đưa ra các quyết định hợp lý. Họ cũng chưa hoàn toàn tự do. Thời hiện đại lại được đặc trưng bởi cảm giác dị biệt dẫn đến sự phản kháng16 và mối bất hòa. Cá nhân cảm thấy cần phải khẳng định mình chống lại gia đình, học đường, quốc gia hoặc những thiết chế lớn hơn. Đây là kiểu tư duy của phong trào Lãng Mạn thời đại của Hegel – và cũng là thời đại giờ đây của chúng ta.

Theo lý thuyết lịch sử của Hegel, mỗi giai đoạn lịch sử có sự biện giải riêng của nó: “Mỗi giai đoạn phát triển tư tưởng về tự do đều tự có cho mình một quyền riêng biệt, liệu rằng có nên không xuất hiện sự tự do cũng là một trong những quyền tự quyết của giai đoạn đấy17.” Tự do là một ý niệm chậm rãi trỗi dậy qua hàng thiên niên kỷ, mà song hành với nó, khái niệm phát triển con người dần dà cũng được hình thành. Khi một nguyên tắc ra đời, thì cùng lúc đấy, một nguyên tắc đối nghịch cũng được sản sinh. Tư tưởng của Hegel bảo rằng chúng ta cần tìm ra tỷ lệ cân bằng phù hợp giữa hai thái cực chủ nghĩa truyền thống và chủ nghĩa cá nhân, cái tỷ lệ vẫn bảo tồn được mối liên hệ cộng đồng liên hiệp trong những nền văn hóa cổ đại nhưng vẫn có chỗ cho sự phát triển của cá nhân. Và thật rõ ràng, chúng ta vẫn chưa tiến được đến thời điểm đạt được trạng thái cân bằng này.

Mối liên hệ giữa khái niệm về bản chất con người và lý tưởng về chân lý không hẳn lúc nào cũng hiển hiện rõ ràng. Nhưng như chúng ta đã thấy, hai thứ này liên kết mật thiết với nhau. Khi nhân loại bắt đầu nhận biết được rằng có một điều chi quan trọng và bất khả quy giản về thế giới nội tâm của cá nhân, đó là lúc sự biến chuyển về ý niệm chân lý dần diễn ra. Qua thời gian, tư tưởng về một chân lý cố định nơi ngoại giới bắt đầu suy thoái, những khái niệm như chân lý chủ quan (Søren Kierkegaard), thế giới quan riêng biệt18 (Friedrich Nietzsche), sự trì hoãn và chuyển hóa liên tục của ý nghĩa trong từ ngữ19 (Jacques Derrida) bắt đầu trỗi dậy.

Sự phát triển này giờ đây đạt tới cực điểm thông qua một sự phủ định hoàn toàn mọi chân lý và xác thực khách quan. Khi quan điểm này trình làng, người ta thấy rằng họ có quyền tự do thêu dệt lên viễn tưởng của chính họ và khẳng định chúng là thật, dù cho thậm chí phiên bản sự thật viễn tưởng đấy trái nghịch hoàn toàn với bằng chứng đã được xác thực khách quan, với luật lệ đã được thiết lập, và với tập quán đã được chấp nhận hoặc nguyên tắc luân lý hiển nhiên. Bất kỳ bằng chứng khách quan nào có vẻ mâu thuẫn với quan điểm của họ đều bị họ bác bỏ như thể đấy là sự vi phạm quyền tự do cá nhân.

Với nhiều người, đấy là một xu hướng hết sức phiền nhiễu trong thế giới hiện đại bởi nó xóa bỏ hết mọi cảm giác về trách nhiệm và tội lỗi của cá nhân. Ngay cả những hành vi cử chỉ xấu xa nhất vẫn luôn được biện minh bằng chân lý của cá nhân. Chẳng ai còn quan tâm đến việc làm suy yếu tính cá nhân, nhưng ẩn tàng đâu đó, ta vẫn cảm thấy ngày càng rõ rệt hơn cần phải tìm ra phương thức phục hồi lý tưởng về chân lý ngoại giới khách quan. Chỉ như vậy thì ta mới có thể xóa bỏ sự dị biệt, phục hồi những tranh luận chính trị thực sự ý nghĩa, và tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển trong một cộng đồng rộng khắp hơn.


  1. being là một thuật ngữ đặc thù, dùng danh động từ (gerund) hàm ý một nghĩa sống động. Hegel nói riêng và các triết gia Đức nói chung chú trọng vào việc này, sử dụng dasein, một danh động từ với sein = to be

  2. Philosophical anthropology– Ngành nhân loại học nghiên cứu về triết lý, tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao con người lại tư tưởng như vậy?”. (i) Chu trình phát triển có thể được tóm tắt như sau, ta có: Nhân học (anthropos = người; logos = khoa học) là khoa học nghiên cứu về con người, tìm hiểu lý do “tại sao” mà “con người” lại “như thế”. VD: Nhân học sinh học (biological, hay còn gọi là nhân học vật lý (physical)) tìm hiểu tại sao mà con người lại tiến hoá như thế, tại sao khối lượng sọ người lại lớn hơn khối lượng sọ vượn; Nhân học ngôn ngữ (linguistics) nghiên cứu tại sao mà con người lại nói năng, phát âm, giao tiếp như thế. Tương tự, danh sách kéo dài tùy vào mục đích và/hoặc phương pháp, nhân học kinh tế nghiên cứu hành vi kinh tế, nhân học chính nghiên cứu về hành vi chính trị v.v. Các ngành nhân học chồng chéo lẫn nhau về mục đích, phương pháp, trong đó, hai ngành chồng chéo nhau nhất là nhân học xã hội (social) và nhân học văn hóa (cultural). Ngành xã hội hướng về các câu hỏi tại sao xuất hiện mối liên hệ như thế giữa các cá nhân, hội nhóm như thế trong xã hội, ngành văn hóa hướng về câu hỏi tại sao xuất hiện cái tương tác như thế giữa con người với văn hóa. Nhân học văn hóa là điểm mấu chốt ở đây. Vậy văn hóa là gì? Văn hóa là phong tục, văn chương, nghệ thuật, tín ngưỡng của một thời kỳ trong một đơn vị không gian. Tại sao Don Quixote lang thang đánh cối xay gió, mà đến giờ đây Kafka chỉ là con côn trùng bệnh tật trong phòng, tại sao từ áo trắng quần tây lại hóa thành hippy hãnh diện. Ồ, câu hỏi giờ đây trở thành “tại sao người ta lại có tư tưởng như thế?”, và tự nó là một vấn đề triết học. Cùng với sự nổi lên của các ngành hiện sinh luận, hiện tượng luận, những ngành đặt con người vào vị trí trung tâm, nhân loại học triết lý lại có thêm những công cụ mới để hỗ trợ tìm hiểu về tư tưởng con người. Vậy, tóm gọn lại, nhân học triết học là ngành nghiên cứu tại sao con người lại có tư tưởng như thế, và tại sao tư tưởng ấy lại thay đổi qua hiện tại, quá khứ, vị lai. (ii – high) Trong suốt quá trình lịch sử, các triết gia phần nào cũng là nhà nhân loại học, bởi họ góp phần khiến nhân loại tự hiểu chính mình, nhưng để được gọi là triết gia về nhân loại, thì phải là người đặt con người vào vị trí trung tâm, trái với ngành mỹ học là triết học về cái đẹp, đạo đức học là triết học về đạo đức v.v. Đặt con người vào trung tâm, xem con người là một đối tượng bất định để nghiên cứu về sự bất định đó. Ấy cũng là chủ đề của bài luận này. Mời các bạn tiếp tục thưởng thức và mong rằng vẫn tiếp tục đọc các ghi chú hình máy bay đính kèm để cùng high.

  3. Subjectivity, hoặc có thể gọi là tính chủ thể, trái nghĩa với tính khách quan

  4. Individuality. Ở đây cần đào sâu hơn về ý nghĩa từ nguyên học của chữ này. Individual có thể được tách ra thành in (not, không) + dividual (có thể chia nhỏ), nghĩa gốc là một đơn vị không thể nào chia nhỏ được nữa, một thể mà theo Xuân Diệu thì ấy là “ta là một, là riêng, là duy nhất”. Ý nghĩa này tương tự như chữ cá nhân trong Việt Ngữ, trong đó, “cá/個” là riêng biệt, biệt lập, các từ ghép khác là cá thể, cá biệt.

  5. Tầng lớp (class) và đẳng cấp (caste) đều là hệ thống phân chia giai cấp, nhưng nhìn chung class dùng cho hệ thống phân chia dựa vào tài sản, caste đặc thù hơn và cố định vào tín ngưỡng, tôn giáo, sắc tộc v.v.).

  6. Moral/Morality (đạo đức) khác với Ethics (Luân lý). Đạo đức là quan niệm, thói quen, nguyên tắc của tự bản thân cá nhân. Luân lý là quy tắc ứng xử được thỏa thuận bởi một nhóm người, một văn hóa. Việc cần phân biệt là cần thiết vì liên quan đến vấn đề cá nhân-cộng đồng.

  7. Oedipus, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Do sợ lời tiên tri con giết cha, cưới mẹ thành hiện thực, vua cha ruồng bỏ hắn khi còn trong nôi. Đến tuổi trưởng thành, biết được lời tiên tri, hắn cố gắng tránh tiếp cận đức vua và hoàng hậu nhưng không thành, và lời tiên tri trở thành hiện thực. Thần thoại này cũng được nhà phân tâm học Sigmund Freud sử dụng để đặt tên cho lý thuyết tính dục Oedipus complex của mình. Và Oedipus từ đấy vang danh đến thời hiện đại.

  8. Tác giả sử dụng từ old lawnew law không viết hoa, để trung thành với nguyên tác, người dịch chỉ dịch theo nghĩa đen, dù vẫn hiểu tác giả nói đến Kinh Cựu ƯớcKinh Tân Ước.

  9. Kinh thánh tiếng Việt, Bản truyền thống 1925, Ma-thi-ơ 5:27-28

  10. Ethics, luân lý là các quy ước của một nhóm, cộng đồng, văn hóa.

  11. Thần Khúc kể về cuộc du hành vào Địa Ngục, Tĩnh Thổ, Thiên Đường với góc nhìn thứ nhất của chính Dante. Trước khi vào Địa ngục, Dante nhận được sự hỗ trợ của Virgil. Dante thừa nhận trong chính tác phẩm rằng ông bị ảnh hưởng nhiều bởi Virgil. Các học giả cho rằng Virgil đại diện cho phần lý tính trong con người Dante. Virgil là một người phi-Cơ-Đốc không được hưởng ân sủng, vậy nên khi đến ngưỡng cửa Thiên Đường, Virgil không thể bước vào, phải nhờ đến một người hướng đạo mới đại diện cho ân sủng tiếp tục hỗ trợ Dante.

    Canto I, câu 121-126: “if you too wish to make the climb,/a spirit, worthier than I, must take you;/ I shall go back, leaving you in her care,/ because that Emperor dwelling on high/will not let me lead any to His city,/since I in life rebelled against His law.”

    Bản dịch của học giả Nguyễn Văn Hoàn: “Nếu ngươi muốn lên trên đó,/ Ta sẽ gửi ngươi cho một anh hồn xứng đáng hơn ta./ Vào lúc ta cùng ngươi từ giã./ Đấng Thượng đế trên cao ngự trị,/ Không muốn ta bước chân lên đó,/ Vì ta chưa quy thuận luật Người!

    Dante cố ý cho nhân vật Virgil sử dụng từ Emperor/Hoàng đế (bản gốc tiếng Ý dùng chữ imperador) để đề cập đến tính phi-Cơ-Đốc của Virgil. Trong bản dịch của mình, GS. Nguyễn Văn Hoàn đã chưa dịch đúng chữ này, mà sử dụng từ Thượng Đế.

    Trong tác phẩm, Dante cũng có nhắc đến 04 tác giả phi-Cơ-Đốc khác là Homer, Horace, Ovid và Lucan.

  12. Cùng trường phái hiện sinh, nhưng mỗi triết gia hiện sinh đều có cách diễn giải riêng của bản thân mình. Trong quyển Triết học hiện sinh, học giả Trần Thái Đỉnh đã phân loại một số nhà hiện sinh lỗi lạc như sau: Kierkegaard hiện sinh trung thực, Nietzsche hiện sinh vô thần, Jaspers hiện sinh và siêu việt, Marcel hiện sinh và huyền nhiệm, Sartre hiện sinh phi lý, Heidegger hiện sinh và hiện hữu. Một số phát biểu nổi tiếng ảnh hưởng đến cán cân cá nhân-ngoại giới có thể kể đến như “Thượng Đế đã chế/ God is dead” của Nietzsche, “Địa ngục là tha nhân/ The hell is other” của Sartre.

  13. dịch thoát chữ atom

  14. Cynical, người dịch sử dụng chữ hoài nghi yếm thế để phân biệt với thái độ hoài nghi Skepticism truy tìm chân lý đích thực.

  15. Unreflective, trái nghĩa với reflective (Có sự suy tư về bản thân, tự biết về chính mình. Các ngành triết và tâm lý dùng chữ phản tư, phản tỉnh).

  16. Hiện sinh Nietzsche

  17. Đoạn này thuộc phần ghi chú, điểm 30, phần dẫn nhập của tác phẩm Philosophy of Right. Người dịch cố gắng đưa ra bản dịch dễ tiếp cận, không bám vào nguyên văn. Nguyên tác trong bài luận ‘Every stage in the development of the idea of freedom has its own special right, since it is the existence of freedom in one of its own determinations.’

    Tác phẩm này đã được học giả Bùi Văn Nam Sơn dịch dưới tựa đề Các nguyên lý của Triết học pháp quyền, dịch từ nguyên tác tiếng Đức. Sau đây xin trích một đoạn để người đọc có thể đối chiếu: “Mỗi cấp độ trong sự phát triển của Ý niệm về sự tự do có pháp quyền riêng biệt của mình, bởi nó là sự hiện hữu của tự do ở một trong những quy định riêng của tự do.”

  18. Perspectivism, nhiều học giả dịch thành chủ nghĩa thị kiến, chủ nghĩa quan điểm, nhưng để tiện tiếp cận, người dịch diễn giải thành học thuyết thế giới quan riêng biệt.

  19. Nguyên tác là “the indefinite deferral of meaning”. Để dễ tiếp cận, người dịch dịch thoát ý cụm từ trên. Khái niệm trên có tên gọi chính xác là Différance, một thuật ngữ tiếng Pháp được Derrida chơi chữ bằng cách thay chữ (a) vào chữ (e) trong chữ Différ(e)nce (khác biệt). Chữ trên vừa có nghĩa là differ (dị biệt), vừa có nghĩa là defer (trì hoãn). Derrida tuyên bố rằng bộ ba “thực tại/cái được biểu đạt” – “văn bản/cái biểu đạt” – “cái được hiểu nơi người đọc” có một khoảng cách nhất định, một ý nghĩa của một từ sẽ chuyển dịch, trôi tuột, tái tạo liên tục. Ví dụ: (i) Khi ta tra từ điển để tìm hiểu ý nghĩa một từ A, trong đoạn giải thích đấy lại có một từ B chưa biết, tại đây, ý nghĩa của từ A tạm dừng lại, trước khi ta tra tiếp từ B, và ý nghĩa của từ A lại tiếp tục biến đổi dựa vào thông tin đến từ từ B; (ii) Không giống từ điển, việc sử dụng ngôn ngữ thực tế có một tốc độ trì hoãn & biến đổi rất cao. Khi tôi nhờ anh shipper chạy đến ngôi nhà màu vàng nhạt, làm sao tôi biết được liệu anh không chạy đến một ngôi nhà ngả vàng vào khác theo quan niệm của anh. Vậy là, trong quá trình trao đổi “ngôi nhà vàng nào, vàng nhạt, ngả vàng, vàng vàng, hơi vàng, hay vàng nào khác, ngôi nhà bên trái cũng vàng nhạt mà không nhà bên phải cũng chẳng khác là bao”, khái niệm “vàng nhạt” của tôi và anh liên tục trì hoãn, trượt đi, chuyển hóa, và sau khi đơn hàng được hoàn thành, tôi nhìn sang nhà đối diện và ngẫm nghĩ, ơ đấy cũng là vàng nhạt à, ừ thì cũng hợp lý, còn anh trên đường về lẩm nhẩm bảo, ồ thì ra vàng nhạt là như thế (iii) Khi ai đấy bảo tôi rằng họ tự do, trong khi tôi thấy họ là một hình mẫu rập khuôn của xã hội, vậy tại hiện thời, trong không gian văn hóa tôi đang sống, tôi sẽ dùng chữ tự do như thế nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất