Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Steven Poole | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Hà Nguyễn | Hiệu đính:  Nguyên
05/09/2016
Dù có bị khoa học chối bỏ hay bị coi khinh như thứ dị hợm, những niềm tin ngu ngốc vẫn tồn tại. Theo lý thì chúng phải chết dần – nhưng chuyện không đơn giản như thế.

Vào tháng Giêng 2016, rapper BoB chia sẻ trên Twitter với người hâm mộ rằng Trái Đất thực sự phẳng. Anh ta thừa nhận: “Rất nhiều người ngán ngẩm với cụm từ ‘Trái Đất phẳng’, nhưng bạn không thể nhìn thấy mọi bằng chứng mà vẫn như không biết được… hãy tỉnh ra đi”. Rốt cuộc nhà vật lý học thiên thể Neil deGrasse Tyson cũng tham gia thảo luận, đề xuất chỉnh sửa một cách thân thiện những bằng chứng ngớ ngẩn về lý thuyết phi địa cầu của BoB và kết thúc bằng lời nhận xét mỉa mai “Có bị lùi về 500 năm theo lý của cậu đi nữa thì cũng không có nghĩa chúng tôi đều không ưa nhạc của cậu đâu.”

Thực ra câu chuyện còn phức tạp hơn cả việc lùi lại 500 năm. Đối lập với những gì chúng ta thường nghe, con người không hề nghĩ rằng Trái Đất phẳng cho đến khi Columbus dong thuyền sang châu Mỹ. Vào thời Hy Lạp cổ đại, các triết gia như Pythagoras và Parmenides đã nhận thấy Trái Đất có hình cầu. Aristotle đã chỉ ra rằng bạn có thể nhìn thấy các vì sao ở Ai Cập và đảo Síp nhưng không thể thấy ở những nơi có vĩ độ cao hơn, và Trái Đất đổ bóng hình cung lên mặt trăng khi nguyệt thực. Ông kết luận với logic hoàn hảo rằng Trái Đất phải là hình tròn.

Ý tưởng Trái Đất phẳng vẫn bị gạt bỏ bởi nó đơn giản là một điều ngớ ngẩn – cho đến gần đây, khi nó tái xuất trên internet một cách đáng gờm. Một người Mỹ tên Mark Sargent, trước kia là game thủ chuyên nghiệp và chuyên gia tư vấn phần mềm, là tác giả của một bộ các video Manh mối về Trái Đất Phẳng với hàng triệu lượt xem trên Youtube. (trang web của hắn ta cảnh báo rằng “Bạn đang sống trong một hệ thống khép kín khổng lồ”). Cộng đồng Trái Đất Phẳng còn hiện hữu và ờm, có cả một trang web lớn mạnh nữa. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Rất nhiều ý tưởng đã được nâng cấp tài tình hay điều chỉnh cho phù hợp với thời hiện đại, và sự hồi sinh của nó dường như vẫn gây thu hút. Mặt khác, một số ý tưởng từ quá khứ chỉ đơn giản là quá sai lệch và đáng ra phải để mặc cho chúng tự mục rữa. Khi những ý tưởng này tái xuất, những thứ được tái khám phá trở thành một xác chết biết đi. Đây là những ý tưởng zombie1. Bạn có thể cố loại bỏ chúng, nhưng chúng sẽ không chết. Và sự tồn tại của chúng chính là rắc rối lớn cho những mặc định bình thường của chúng ta về việc thị trường ý tưởng vận hành thế nào.

Giống như nhà buôn và khách hàng có thể tự do mua bán hàng hóa trong chợ, thì sự tự do ngôn luận đảm bảo rằng mọi người được tự do trao đổi ý kiến, kiểm tra chúng và xem xem ý tưởng nào sẽ dẫn đầu.

Cụm từ “thị trường ý tưởng” ban đầu được dùng để bảo vệ việc phát ngôn tự do. Giống như nhà buôn và khách hàng có thể tự do mua bán hàng hóa trong chợ, thì sự tự do ngôn luận đảm bảo rằng mọi người được tự do trao đổi ý kiến, kiểm tra chúng và xem xem ý tưởng nào sẽ dẫn đầu. Cũng giống như hàng tốt bán đắt và hàng xấu thì ế ẩm, trong thị trường ý tưởng sự thật sẽ chiến thắng, còn sai lầm và dối trá sẽ biến mất.

Dĩ nhiên việc cho rằng sự cạnh tranh giữa các ý tưởng là cần thiết để nâng cao hiểu biết của chúng ta cũng có phần đúng. Nhưng việc tin rằng những ý tưởng tốt nhất sẽ luôn chiến thắng thì lại giống việc tin rằng thị trường tài chính không bị quản lý sẽ luôn tạo ra kết quả kinh tế tốt nhất. Như người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, đã trình bày vắn tắt về kiến thức căn bản này (niềm tin về ý kiến tốt chiến thắng và ý tưởng tồi sẽ thất bại) tại Davos “Cuối cùng, thị trường rồi sẽ phân loại chúng thôi.” Có lẽ vậy. Nhưng trong lúc ta chờ đợi, những điều tồi tệ có thể xảy ra.

Những con zombie không hề tồn tại trong thị trường vật chất – ví dụ như ứng dụng công nghệ. Giờ đây không còn ai đi mua máy thu âm video hiệu Betamax nữa, vì chúng đã bị các công nghệ khác bỏ xa và không thể có cơ hội quay lại. (Còn một số thiết bị công nghệ cũ kỹ khác, như máy đánh chữ thủ công hay đàn piano acoustic, vẫn được sử dụng là vì theo nhận xét của người dùng, chúng chưa hề bị vượt mặt bởi những công nghệ khác.) Thế nên những ý tưởng zombie như thuyết Trái Đất phẳng không thể tồn tại ở một thị trường ý tưởng vận hành tốt được. Song, chúng vẫn sống. Bằng cách nào thế?

Một manh mối đến từ lĩnh vực kinh tế học. Người ta phát hiện ra rằng bản thân thị trường ý tưởng kinh tế bị phá hoại bởi zombie. Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bất ngờ nổ ra, nhà kinh tế học người Úc John Quiggin đã xuất bản một tác phẩm khai sáng mang tên Zombie Economics (Tạm dịch: Kinh tế học thây ma), mô tả việc các học thuyết vì lí do nào đó vẫn còn tồn tại vất vưởng dù chúng rõ ràng đã được coi là những học thuyết chết, bị bác bỏ bởi những sự kiện có thực trên thế giới. Ví dụ như giả thuyết về thị trường hiệu quả đầy tai tiếng (efficient markets hypothesis)2, theo cấu trúc vững chắc nhất của nó, cho rằng “thị trường tài chính là lời hướng dẫn tốt nhất có thể cho các giá trị của cải kinh tế và bởi vậy sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho các quyết định đầu tư và sản xuất”. Quiggin đã lý luận rằng điều này không thể nào đúng được. Giả thuyết thị trường hiệu quả không chỉ bị bác bỏ bởi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007 – 2008, mà còn, theo quan điểm của Quiggin, chính là nguyên nhân ban đầu của cuộc khủng hoảng: ý tưởng “dỡ bỏ điều tiết tài chính được hợp lý hóa, khiến nhu cầu này tăng lên, rồi cả việc xóa bỏ việc kiểm soát dòng tiền vốn quốc tế và sự bành trướng của các bộ phận tài chính. Những diễn biến này rốt cuộc lại gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.”

Mặc dù vậy, một ý tưởng sẽ có cơ may tồn tại như một con zombie nếu nó mang lại lợi ích cho những nhóm người có ảnh hưởng. Giả thuyết thị trường hiệu quả tạo ra lợi nhuận cho các chủ ngân hàng, những người muốn thỏa thuận không bị cản trở bởi quy định. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc tư nhân hóa nền công nghiệp quốc doanh: hiếm khi nó mang lại điều tốt đẹp cho những người dân, mà luôn là khoản lợi nhuận tiền bạc cho những ai liên quan trực tiếp.

Một ý tưởng sẽ có cơ may tồn tại như một con zombie nếu nó mang lại lợi ích cho những nhóm người có ảnh hưởng.

Quả thực, thị trường ý tưởng thường trao tặng sự đáng tin (cho một ý tưởng) chỉ bằng việc lặp lại (ý tưởng đó) – trong khoa học cũng như cuộc vận động chính trị. Ví dụ như, có thể bạn biết rằng lưỡi con người có những vùng cảm nhận khác nhau: đầu lưỡi nhận biết vị ngọt, hai bên lưỡi nhận biết vị mặn và chua và sâu phía trong là nếm vị đắng. Bạn hẳn cũng từng nhìn thấy một bản đồ khoa học của lưỡi mô tả điều này rồi – chúng xuất hiện trong sách dạy nấu ăn cũng như sách giáo khoa y dược. Đây là một trong những phát hiện bất ngờ nho nhỏ và thú vị của khoa học mà không ai thắc mắc. Và nó thực nhảm nhí.

Như vị giáo sư sinh học danh tiếng, Stuart Firestein, đã giải thích trong cuốn sách xuất bản năm 2012 Ignorance: How it Drives Science (Tạm dịch: Sự ngu dốt: Cách chúng điều khiển khoa học), câu chuyện thần thoại về bản đồ lưỡi rộ lên bởi một lỗi dịch thuật trong một quyển sách giáo khoa sinh lý học của Đức xuất bản năm 1901. Các vùng lưỡi khác nhau chỉ nhạy cảm nhiều hoặc ít hơn “tí xíu” với bốn vị cơ bản, nhưng chúng đều có thể nhận biết được tất cả các vị. Bản dịch “đã phóng đại quá mức” so với câu khẳng định gốc của tác giả. Ấy vậy mà cái bản đồ lưỡi huyền thoại này vẫn còn tồn tại qua hàng thế kỷ.

Mặc dù vậy, một trong những nghịch lý của ý tưởng thây ma là chúng có thể mang lại hiệu ứng xã hội tích cực. Câu trả lời là không nhất thiết phải ngăn chặn chúng, vì ngay cả những ý tưởng rõ ràng là đồi bại và bất chính cũng có thể dẫn đến những màn bóc mẽ khai sáng và công trình nghiên cứu hiệu quả. Một số ít người sẽ lý luận rằng thị trường thương mại cần những sản phẩm gian lận và mắc lỗi. Nhưng trong thị trường ý tưởng, các zombie thực ra có thể hữu dụng. Hoặc nếu không, ít nhất chúng cũng khiến ta cảm thấy tốt đẹp hơn. Nghịch lý thay, điều đó lại là thứ tôi nghĩ những người theo thuyết Trái Đất phẳng ngày nay mang lại – sự thoải mái.

§

Triết lý Trái Đất phẳng được hồi sinh lúc này, được lan rộng bởi chàng rapper và các video trên Youtube, không đơn giản là sự tái phát của tính ngu dốt thời kỳ tiền khoa học. Đúng hơn, nó là mẹ đẻ của tất cả thuyết âm mưu. Vấn đề ở đây là những kẻ khẳng định Trái Đất hình tròn đang cố lừa bịp bạn, giam giữ bạn trong bóng đêm. Theo cách đó, nó là phiên bản hiện đại của một ý tưởng cũ kỹ.

Như bất kỳ thuyết âm mưu nào, ý tưởng Trái Đất phẳng được giới thiệu thông qua những thứ có vẻ dị thường, những thứ dường như không phù hợp với những câu chuyện “chính thống”. Có bao giờ bạn suy nghĩ về việc những kẻ theo thuyết Trái Đất phẳng thắc mắc tại sao các  chuyến bay thương mại không hề băng qua Nam Cực không? Sau tất cả, hẳn là đường bay từ Nam Phi đến New Zealand, hoặc từ Sydney tới Buenos Aires, là đường bay trực tiếp nhất – đấy là nếu Trái Đất có hình tròn. Nhưng không phải thế. Chẳng có nơi nào gọi là Nam Cực cả, vậy nên việc bay qua đó là vô lý. Hơn nữa, hiệp ước châu Nam Cực (Antarctic Treaty)3, được ký kết bởi các cường quốc trên thế giới, nghiêm cấm mọi chuyến bay qua Nam Cực, hẳn là vì một sự bất thường đang diễn ra ở đó. Và thế là thuyết âm mưu lại bắt đầu. Ổ thực ra là, một số các tuyến thương mại vẫn bay qua một phần của lục địa Nam Cực. Nguyên nhân không có bất kỳ chuyến bay nào bay qua cả Nam Cực là vì luật hàng không yêu cầu bất cứ máy bay nào thực hiện đường bay như thế đều phải có thiết bị cứu hộ đắt đỏ cho tất cả các hành khách – mà rõ ràng điều này vượt quá khả năng chi trả của máy bay chở khách.

Ok vậy thì, kẻ theo thuyết Trái Đất phẳng nói, còn việc những bức ảnh được chụp từ những ngọn núi hay kinh khí cầu không hề cho thấy bất cứ đường chân trời nào thì sao đây? Chứng tỏ tất cả đều nằm trên một mặt phẳng – vậy nên Trái Đất chắc chắn phải phẳng. Ồ, một người biết lý lẽ sẽ đáp lại, nó trông có vẻ phẳng bởi Trái đất, dù là hình tròn, nhưng rất rất lớn. Những bức ảnh chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) theo quỹ đạo cho thấy một Trái Đất với đường cong rõ rệt.

Ngay cả những ý tưởng rõ ràng là đồi bại và bất chính cũng có thể dẫn đến những màn bóc mẽ khai sáng và công trình nghiên cứu hiệu quả.

Và đây là nơi thuyết âm mưu thực sự bắt đầu. Với những người theo thuyết Trái Đất phẳng, bất kỳ bức ảnh nào từ Trạm Vũ trụ Quốc tế đều là giả. Cả những bức ảnh nổi tiếng chụp Trái Đất hình tròn lơ lửng trong không gian của những chuyến du hành thuộc chương trình Apollo cũng thế. Dĩ nhiên, việc họ đáp xuống Mặt trăng cũng là giả nốt. Đây là thuyết âm mưu nuốt chửng mọi thuyết âm mưu khác. Theo như thuyết Trái Đất phẳng phiên bản “thế giới bị bao bọc” của Mark Sargent thì thực chất việc du hành vũ trụ chắc chắn là giả mạo vì có một cái vòm cứng không thể xuyên qua bao phủ xung quanh hành tinh phẳng của chúng ta. Mỹ và Liên bang Cộng hòa Xô-viết (USSR) đã cố phá vỡ cái vòm này bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân vào năm 1950: đó cũng chính là sự thật đằng sau tất cả các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Orlando-Ferguson-flat-earth-map edit.jpg
Tấm bản đồ Trái đất phẳng vẽ bởi Orlando Ferguson vào năm 1893. Nguồn: Wikipedia.

Sự tác động về mặt trí tuệ ở đây là việc bác bỏ và gây hoang mang. Rõ ràng có rất nhiều sự khôn khéo đóng góp vào việc xây dựng nên tạo thuyết Trái Đất phẳng để duy trì sự tồn tại của nó. Rất dễ để chúng ta cho là một số nhà văn hàng đầu (hoặc, như người hâm mộ của họ vẫn gọi,“nhà nghiên cứu”) về chủ đề này chỉ đang tự mua vui theo kiểu tri thức bằng cách chế giễu người khác, nhưng cũng có rất nhiều tín đồ thực sự trên mạng cho rằng ý tưởng về thuyết âm mưu của “tín đồ địa cầu” theo cách nào đó cũng phù hợp và xuôi tai với suy nghĩ của họ về cách thế giới vận hành. Mặc dù vậy, bạn có thể nghĩ rằng câu hỏi thực sự ở đây là: cái thuyết âm mưu được trau chuốt cực kỳ công phu và tốn kém như thế rốt cuộc là để làm gì? Mục đích chính xác của nó là gì chứ?

Tôi cho rằng dường như sự sùng tín mớ lý thuyết ấy xuất phát từ một kiểu lạc quan gần như điên rồ về tiềm năng của loài người. Hẳn nhiên, đây là một quan điểm tiêu cực về bản chất loài người, nhưng thật ấn tượng khi nghĩ về những nhân vật bí mật, chuyên tâm và quyền lực đến đến mức có thể lừa gạt cả thế giới về một thứ to lớn như vậy. Thậm chí cả những nhà hoạt động ủng hộ Brexit, những người đã cảnh báo dân chúng đánh dấu chéo bằng bút mực trong ngày bầu cử để MI5 không thể tẩy xóa phiếu bầu của họ, đang biểu lộ niềm kiêu hãnh ngoan cố cho sự thống trị của nền dân chủ quái dị ở Anh. Sargent đã thú nhận trên trang web của hắn “Thực sự tôi đã cạn kiệt những đề tài “mũ bạc” mới (new tin hat topics)4 để nghiên cứu rồi, và TÔI VẪN không hề thấy xấu hổ vì ý tưởng kia đâu, nhưng mỗi khi nhìn vào nó tôi lại cảm thấy còn một điều gì đó chưa được giải quyết, và một khi tôi thấy toàn bộ kế hoạch của mình tiệm cận đến sự hoàn hảo, tôi cảm thấy thú vị vô cùng.” Nó khá hay đấy chứ. Dù rất điên rồ, nhưng mà hay. Như ví dụ cực kỳ độc hại từ Khoa luận giáo5 cũng là minh chứng rằng, thật hấp dẫn để tin khoa học viễn tưởng thay vì sự thực – bởi những câu chuyện luôn dễ nghe hơn thực tế.

Một nguyên nhân mà các câu chuyện thần thoại và cổ tích thị thành lại tồn tại quá lâu như vậy có thể là vì chúng ta thích những cách giải thích đơn giản – chẳng hạn như sự suy yếu của các dịch vụ công là do những người nhập cư – và có xu hướng tin tưởng chúng.

§

Chúng ta đều biết rằng việc đặt nghi vấn với những lời chỉ dạy ta nhận được là một thói quen tốt. Mặc dù đôi lúc, một sự hoài nghi lành mạnh có thể biến thành chứng nghi ngờ hoang tưởng, và các thuyết âm mưu vĩ đại dường như làm ta hài lòng một cách kỳ lạ. Một nguyên nhân mà các câu chuyện thần thoại và cổ tích thị thành lại tồn tại quá lâu như vậy có thể là vì chúng ta thích những cách giải thích đơn giản – chẳng hạn như sự suy yếu của các dịch vụ công là do những người nhập cư – và có xu hướng tin tưởng chúng. Ví dụ, nỗi sợ hãi mang tên “Vắc-xin MMR gây nên chứng tự kỷ” gây ra bởi Andrew Wakefield đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong nêu ra một nguyên nhân cụ thể (việc tiêm vắc-xin) cho một hội chứng gây nhiều quan ngại và còn chưa được hiểu rõ (chứng tự kỷ). Những năm sau đó vẫn chẳng có chứng minh gì cho tuyên bố của Wakefield, làn sóng “phản đối vắc-xin” vẫn còn lớn mạnh, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, gây ra sự nguy hiểm trầm trọng với sức khỏe cộng đồng. Những lợi ích của sự miễn dịch dường như đã bị lãng quên.

Niềm khao khát một lời giải thích đơn giản cũng giúp sáng tỏ phần lớn các thuyết âm mưu quái lạ đã vẽ nên một bức tranh an ủi về thế giới đầy rẫy ác quỷ gây ra bởi một bè đảng những kẻ tàn ác. Có lẽ có một hội kín đang chỉ đạo vở diễn – mà trong trường hợp đó thế giới ít nhất có một sự liên kết quái đản. Vì thế, đây có lẽ là lý do cho sự bất ngờ đầy thất vọng của một số người không hề mong đợi số phiếu phản đối Brexit của họ được đếm.

Và chuyện gì xảy ra nếu thế giới của các ý tưởng vận hành như một thị trường? Đó là khi những nhân vật nổi tiếng hoài nghi về biến đổi khí hậu được các công ty dầu khí hỗ trợ một cách bí mật. Ý tưởng rằng có một vài cuộc tranh cãi khoa học nổ ra về việc liệu đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch có phải nguyên do chính gây nên tình trạng nóng lên toàn cầu hiện tại hay không (mà thực ra là không hề có cuộc tranh cãi đó) là một ý tưởng đã được mua bán trao đổi theo đúng nghĩa đen, và tồn tại thành công một cách đầy ngoạn mục. Dĩ nhiên, đây chỉ là một ví dụ rất kịch tính về cách các nền dân chủ phương Tây bị nắm giữ bởi hành lang công nghiệp và sự đóng góp từ các đảng, mà sự suy xét các ý tưởng một cách thân thiện mà có thể tăng lợi nhuận chỉ đơn thuần là thứ để trao đổi mua bán chả khác gì những món hàng. Nếu thị trường ý tưởng vận hành như vẫn được quảng bá, thì không chỉ riêng sự tham nhũng kiểu này sẽ biến mất, mà nhìn chung các ý tưởng vốn dĩ vẫn bị bác bỏ qua hàng trăm hay hàng ngàn năm qua sẽ không thể sống lại. Tuy nhiên điều này đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần.

Như một số Triết gia đã lý luận rằng, giả thuyết Thượng đế tạo nên vũ trụ không hoàn toàn là hư cấu.

Trong khi sự trở lại của các giả thuyết Trái Đất phẳng là ngu ngốc và đáng báo động, thì nó cũng cho thấy những vấn đề có thực và sâu sắc về kiến thức nhân loại. Sau tất cả, làm cách nào mà tôi hay bạn biết thực sự Trái Đất có hình tròn hay không? Cơ bản là, chúng ta đặt lòng tin vào nó. Có thể ta đã tự mình cảm nhận một vài dấu hiệu thông thường của nó, nhưng phần lớn vẫn là ta chấp nhận lời giải thích từ người khác. Tất cả các chuyên gia đều cho rằng Trái Đất là hình tròn, ta tin họ, và cứ thế sống với niềm tin đó. Bác bỏ sự đồng thuận về kinh tế rằng Brexit sẽ là điềm xấu cho Anh, Micheal Gove phát biểu rằng nền cộng hòa Anh đã có đủ chuyên gia rồi (hoặc ít nhất là các chuyên gia ẩn náu ở những nơi gọi vắn tắt là tổ chức), nhưng sự thật là tất thảy chúng ta đều phải dựa vào các chuyên gia trong hầu hết những việc ta nghĩ là ta biết.

Vấn đề thứ hai là chúng ta không thể thực sự biết chắc liệu cách mà thế giới vẫn hiện ra trước mắt ta thực ra có phải là kết quả của những thuyết âm mưu vĩ đại hay sự lừa bịp không. Giả thuyết Trái Đất phẳng hiện đại gần giống một giả thuyết về các loài thậm chí còn to lớn hơn của thuyết âm mưu. Như một số triết gia đã lý luận, việc Thượng đế đã tạo nên cả vũ trụ không hoàn toàn là không thể, trong đó bao gồm các hóa thạch, chính chúng ta và tất cả ký ức sai lệch của ta nữa, chỉ năm phút trước. Hoặc có thể tất cả những ấn tượng cảm giác mà tôi có là do một con quỷ khôn ngoan đang điều khiển não tôi nhằm đánh lừa tôi (theo Descartes)6 hay bởi một chương trình thực tế ảo được điều khiển bởi trí thông minh nhân tạo xấu xa có trực giác (theo The Matrix)7.

Sự thật là tất thảy chúng ta đều phải dựa vào các chuyên gia trong hầu hết những việc ta nghĩ là ta biết.

Sự hồi sinh của thuyết Trái Đất phẳng cũng đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nhiều trang web sử dụng kiến thức toán học, khoa học, và trải nghiệm mỗi ngày để giải thích tại sao thế giới này thực sự hình tròn. Đây là một điểm lợi cho giáo dục phổ cập. Và chúng ta không nên dễ dàng kết luận rằng việc tin vào thuyết âm mưu nhìn qua chính là bằng chứng của sự ngu ngốc. Bởi bằng chứng là, có những âm mưu có thực. Các thành viên của tổ chức al-Qaida đã bí mật âm mưu với nhau để lái máy bay đâm thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center). Và, như Edward Snowden đã tiết lộ, các đơn vị tình báo của Anh và Mỹ thực sự đã âm mưu can thiệp vào liên lạc điện tử của hàng triệu người dân. Có lẽ thuyết âm mưu chính thức nổi bật nhất mà chúng ta từng biết là chuyện đã xảy ra với Trung Quốc. Khi mọi người phát hiện Thiên An Môn 500 năm tuổi đã bị sập vào 1960, nó được bí mật thay thế, từng chút từng chút một, với một bản sao hoàn chỉnh nhất, trong một thuyết âm mưu vô cùng thành công với gần 300 người đã cố xoay xở để giữ kín bí mật đó hàng năm trời.

Thiên An Môn
Thiên An Môn – Một trong những thuyết âm mưu lớn nhất có lẽ chúng ta từng biết. Nguồn: Wikipedia.

Thực chất, một sự cởi mở lành mạnh với thuyết âm mưu có thể được coi là nền tảng cho một sự tò mò tri thức chân thành. Nhà vật lý học Frank Wilczek đã diễn giải điều này như sau: “Khi lớn lên, tôi thích cái ý tưởng rằng có những sức mạnh khủng khiếp và ý nghĩa bí mật ẩn sau vẻ bề ngoài của vạn vật.” Ý tưởng vĩ đại của Newton về một thứ lực vô hình (trọng lực) vận hành thế giới hoàn toàn hẳn là một thuyết âm mưu vũ trụ theo cách nghĩ này. Đúng, rất nhiều thuyết âm mưu thực chất chỉ là những ý tưởng zombie – nhưng cái ý tưởng là không hề có âm mưu nào thì cũng zombie chẳng kém.

§

Một người có thể giả định rằng, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn trong một thị trường riêng biệt chỉ dành cho ý tưởng khoa học. Ở đó, các tờ báo khoa học uy tín có những tiêu chuẩn biên tập khắt khe. Zombie và các sai sót thị trường vì thế mà được ngăn chặn. Đừng vội kết luận như vậy. Hãy nhớ lại bản đồ lưỡi mà xem. Hóa ra ngay cả thị trường ý tưởng khoa học cũng không hề hoàn hảo.

Cộng đồng khoa học vận hành dựa trên hệ thống bình duyệt (peer review), trong đó khi một bài viết được nộp cho một tạp chí, biên tập viên sẽ gửi chúng đến nhiều người kiểm duyệt ẩn danh, vốn là các chuyên gia thuộc lĩnh vực đó, để họ nhận xét liệu bài viết đó có xứng đáng được xuất bản hay không, hoặc có tiềm năng xuất bản nếu được xem xét, chỉnh sửa lại không. (Ở Anh, tờ Royal Society đã bắt đầu tìm kiếm những dạng bài báo cáo như thế vào năm 1832.) Việc một bài viết phải đối mặt với những cản trở như vậy để được đăng trên các tờ báo khoa học và nhân đạo uy tín có nghĩa là – ít nhất trên lý thuyết – những giả thuyết vớ vẩn, phi chứng cứ không thể có cơ hội được xuất bản.

Tuy nhiên ngày càng có nhiều tin đồn trong giới học thuật khiến cơ chế bình duyệt tan rã. Nó thậm chí còn đàn áp một cách mạnh mẽ các ý tưởng tốt trong khi để lọt vô số các ý tưởng cực kỳ tồi tệ. Theo một bài báo từ tạp chí Scientific American năm 2011, “những kết luận sai lầm và phóng đại trong các bài nghiên cứu khoa học được bình duyệt đã chạm ngưỡng cao khủng khiếp trong những năm gần đây”. Kỳ thực, tác giả của bài viết đó, một giáo sư ngành y dược tên John Ioannidis, đã có một bài viết nổi tiếng trước đây mang tên Why Most Published Research Findings Are False (Tạm dịch “Tại sao hầu hết các phát hiện nghiên cứu được xuất bản đều sai”). Ông đã lưu ý rằng những vấn đề như vậy đặc biệt nghiêm trọng trong ngành nghiên cứu chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực luôn có những mâu thuẫn về mặt lợi ích bởi các nghiên cứu trong ngành được tài trợ bởi các công ty dược lớn, nhưng cũng có một rắc rối lớn trong ngành mặt tâm lý học nữa.

Ví dụ như ý tưởng rất phổ biến về chủ đề định hướng suy nghĩ (priming). Vào năm 1996, một bài nghiên cứu được xuất bản đã khẳng định rằng các đối tượng nghiên cứu đã được định hướng bằng lời nói để suy nghĩ về tuổi già bằng cách được gợi ý để nghĩ về những từ như trò bingo, bang Florida, màu xám, và nếp nhăn, thì khi bước ra khỏi phòng thí nghiệm họ đi chậm hơn những đối tượng không được định hướng. Ý tưởng nổi bật này đã dẫn đến sự xôn xao trong các phát hiện khác cho rằng việc định hướng suy nghĩ có thể ảnh hưởng đến kết quả của bạn khi làm một bài trắc nghiệm, hay mức độ lễ phép của bạn với người lạ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã trở nên nghi ngờ, và không thể cho ra các kết quả giống nhau như nhiều nghiên cứu trước đây đã từng. Đây không phải là bằng chứng chắc chắn rằng những nghiên cứu trước đó là sai, nhưng nó thực sự cho thấy là không phải cứ được đăng bài trong một tạp chí bình duyệt thì độ tin cậy đã được đảm bảo. Một số người tranh luận rằng, tâm lý học hiện giờ đang trải qua một cuộc khủng hoảng của sự sao chép, cái mà Daniel Kahneman đã gọi là “vụ đâm tàu” đáng lo ngại (Looming “train wreck”)8 của cả một lĩnh vực.

Một rắc rối của thị-trường-ý-tưởng ở đây là, những bài nghiên cứu với kết quả đáng kinh ngạc và gây tò mò dư luận sẽ được quảng bá nhanh chóng bởi truyền thông, và được tung hô như là bằng chứng mặc định trong các quyển sách phổ biến.

Vậy việc định hướng suy nghĩ có thể trở thành một ý tưởng zombie trong tương lai hay không? Ờm, đa phần mọi người nghĩ rằng rất khó để bác bỏ tất cả những ảnh hưởng của việc định hướng suy nghĩ, vì hiện có rất nhiều các nghiên cứu khác nhau về chủ đề này. Vấn đề đáng quan tâm hơn chính là tìm cách giải quyết điều mà các nhà khoa học gọi là “tính hiệu lực sinh thái” (ecological validity) của ý tưởng – tức là, những ảnh hưởng đó khi chuyển từ sự đơn giản nhân tạo của môi trường thí nghiệm sang sự hỗn loạn của đời thực sẽ ở còn lại bao nhiêu? Cuộc tranh cãi về tâm lý học này chỉ cho thấy khoa học là nên như thế – tự sửa chữa. Mặc dù vậy, một rắc rối của thị-trường-ý-tưởng ở đây là, những bài nghiên cứu với kết quả đáng kinh ngạc và gây tò mò dư luận sẽ được quảng bá nhanh chóng bởi truyền thông, và được tung hô như là bằng chứng mặc định trong các quyển sách phổ biến, ngay khi chúng được xuất bản, và rất lâu trước khi những câu hỏi nghi vấn lạ lùng kế tiếp được đưa ra.

Lúc mới bắt đầu, ta sẽ thấy khá hợp lý khi chỉnh sửa một chút cụm từ phổ biến “các nghiên cứu cho thấy rằng…” và giới hạn ta với những cụm từ như “các nghiên cứu gợi ý là” hoặc “các nghiên cứu chỉ ra”. Dù sao đi nữa, từ “cho thấy” ám chỉ mạnh mẽ việc đã được chứng minh, một điều rất hiếm khi xảy ra ngoại trừ trong toán học. Các nghiên cứu luôn có thể bị tái xem xét. Đó chính là một phần khả năng của chúng.

Gần như hầu hết những người trong giới học thuật tôi trò chuyện cùng khi thực hiện nghiên cứu về chủ đề này đều nói rằng điểm giao thoa giữa việc nghiên cứu và xuất bản có sai sót trầm trọng. Phần vì động lực thúc đẩy đều sai – nền văn hóa “xuất bản hay là chết” (publish or perish)9 trao thưởng cho giới học thuật dựa trên số lượng các bài được xuất bản hơn là chất lượng. Và một phần nữa là vì vấn đề “thiên vị xuất bản”: các bài nghiên cứu được phát hành là những bài tạo ra kết quả được kỳ vọng. Còn những bài không thể đáp ứng sự kỳ vọng sẽ chết dần chết mòn trong ngăn kéo bàn.

Một sự cải cách được đề nghị bởi rất nhiều người để chống lại sự thiên vị xuất bản này là khuyến khích công bố nhiều “phát hiện phủ định” (negative findings) hơn  – những nghiên cứu có giả thuyết không được hỗ trợ bởi thực nghiệm. Dĩ nhiên, một vấn đề ở đây là các phát hiện như thế thường không gây hào hứng lắm. Những kết quả phủ định không thể tạo nên một tít báo giật gân. (Và tất cả những “phát hiện phủ định” thì đều bị coi là nhàm chán, hơn là được coi như những khám phá khẳng định rằng một số ý tưởng không hề khả thi.)

Vấn đề thiên vị xuất bản thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực y dược, nơi người ta ước tính rằng kết của của hơn một nửa các cuộc thí nghiệm đã được thực hiện không bao giờ được xuất bản, vì chúng có kết quả phủ định. Nhà nghiên cứu y dược Ben Goldacre đã viết “khi một nửa số bằng chứng bị giữ lại, thì bác sĩ và bệnh nhân không thể đưa ra những quyết định đúng đắn khi xem xét phương pháp điều trị nào là tốt nhất”. Vậy nên, Goldacre đã khởi động một chiến dịch mang tên All Trials để yêu cấu tất cả các kết quả nghiên cứu đều phải được công bố.

Tuy nhiên khi sự sống không bị đe dọa trực tiếp, những phát hiện phủ định có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn để được công bố ở các lĩnh vực khoa học khác nhau. Tờ Economist đưa ra một ý tưởng là “Các tạp chí nên có thêm chỗ cho các bài viết ‘không được thú vị lắm’, và các quỹ tài trợ nên để ra một khoản tiền để hỗ trợ những nghiên cứu như vậy. Nghe thật tuyệt vời, khi các tạp chí dành ra một phần riêng cho những kết quả nhàm chán, hay có thể là cả một tạp chí chuyên đăng những nghiên cứu tẻ nhạt và chẳng gây ngạc nhiên gì. Nhưng tìm người tài trợ à, chúc may mắn nhé.

Mặc dù vậy, tin tốt là một số thiếu sót trong thị trường ý tưởng khoa học có thể lại là những lợi thế ẩn giấu. Đúng là một số người cho rằng việc bình duyệt, với nhịp độ ảm đạm và sự thiên vị dành cho sự nhất trí đã có sẵn, đang đàn áp các ý tưởng mới và thách thức các quan điểm phổ biến. Ví dụ điển hình như bài nghiên cứu đầu tiên về phát minh tấm cấu tạo từ các nguyên tử carbon (graphene)10– một cách sắp xếp các nguyên tử carbon trong một tấm có độ dày chỉ bằng cỡ một nguyên tử – bị bác bỏ bởi tờ Nature vào năm 2004 vì nó đơn giản là “bất khả thi”. Tuy nhiên ý tưởng đó ấn tượng đến mức không thể bị đàn áp; trên thực tế, bài nghiên cứu về tấm graphene đã được đăng trên tạp chí Science chỉ sáu tháng sau đó. Hầu hết mọi người tin rằng các kết quả có nền tảng vững chắc rồi sẽ tìm được cách vượt qua hệ thống này. Nhưng đúng là để làm được như vậy khá khó khăn. Nếu thị trường này minh bạch và hiệu quả hơn, chúng ta sẽ bị ngập trong đống bài viết chẳng có nghĩa lý gì. Ngay cả việc bác bỏ các phát hiện mới đầy giận dữ và kiên quyết cũng có vị trí quan trọng trong giới tri thức. Với tư cách là một công cụ khám phá thế giới, khoa học không nên quá vội vàng trong việc ủng hộ mọi ý tưởng mới. Phải mang bộ mặt nghiêm nghị và nói rằng “Hãy gây ấn tượng với tôi”. Những ý tưởng hay cũng phải đối mặt với những thách thức như vậy, và mất khá lâu để trở nên phổ biến. Và chúng ta cũng không hy vọng mọi chuyện sẽ khác.

Tấm Graphene. Nguồn: Wikipedia.
Tấm Graphene. Nguồn: Wikipedia.

Quan trọng là ta cần xem xét lại quan điểm cho rằng các ý tưởng xuất sắc nhất rồi sẽ chiếm ưu thế: chính quan điểm này là một ý tưởng zombie, giúp tạo dựng các mối quan tâm mạnh mẽ.

Vậy thì, theo nhiều cách, thị trường ý tưởng không vận hành như được quảng bá: nó không năng suất, thường xảy ra tại nạn và thất bại, các sản phẩm nguy hiểm thường thắng thế, gây ra sự kinh ngạc và sự nản lòng. Quan trọng là ta cần xem xét lại quan điểm cho rằng các ý tưởng xuất sắc nhất rồi sẽ chiếm ưu thế: chính quan điểm này là một ý tưởng zombie, giúp tạo dựng các mối quan tâm mạnh mẽ. Vậy nhưng ngay cả ý tưởng zombie cũng có thể hữu dụng nếu chúng thúc đẩy sự phản biện nhiệt tình, qua đó cải thiện giáo dục đại chúng. Đúng là chúng ta có thể hối hận rằng con người thường hoài niệm quá khứ để tái tạo những lý thuyết xưa cũ như Trái Đất phẳng, mà lẽ ra chúng phải chết lâu rồi. Nhưng một số âm mưu là có thật, và khoa học luôn luôn cố gắng để lật tẩy những quyền lực ẩn giấu đằng sau những gì ta thường thấy. Sự hồi sinh của những ý tưởng zombie, cũng như sự bác bỏ ngoan cố những ý tưởng mới đầy hứa hẹn, đều có thể là công cụ quan trọng cho sự nâng cao hiểu biết nhân loại.


  1. Ý tưởng zombie (từ gốc: zombie idea) là những ý tưởng sai lệch đáng ra phải bị loại bỏ và biến mất, nhưng bằng cách nào đó chúng vẫn tồn tại như zombie trong khoảng thời gian dài.

  2. Giả thuyết thị trường hiệu quả (hay lý thuyết thị trường hiệu quả) (efficient market hypothesis) là một giả thuyết của lý thuyết tài chính khẳng định rằng các thị trường tài chính là hiệu quả (efficient), rằng giá của chứng khoán (securities) trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, phản ánh đầy đủ mọi thông tin đã biết. Do đó không thể kiếm được lợi nhuận bằng cách căn cứ vào các thông tin đã biết hay những hình thái biến động của giá cả trong quá khứ. Có thể nói một cách ngắn gọn là các nhà đầu tư không thể khôn hơn thị trường.

  3. Hiệp ước Nam Cực (tiếng Anh, Antarctic Treaty) và các hiệp định liên quan được gọi chung là Hệ thống Hiệp ước Nam Cực (gọi tắt là ATS), là các hiệp ước điều chỉnh quan hệ quốc tế giữa các quốc gia đối với châu Nam Cực, châu lục duy nhất trên Trái đất không có người bản địa sinh sống. Căn cứ theo mục đích của hệ thống hiệp ước, châu Nam Cực được định nghĩa là toàn bộ vùng đất và khối băng phía Nam 60 độ vĩ Nam.

  4. “Tin hat” hoặc “tin foil hat”: chỉ những chiếc mũ làm bằng các lá thiếc mỏng mà người ta tin rằng khi đội lên đầu sẽ bảo vệ thần kinh không bị điều khiển hoặc đọc được ý nghĩ. Ý tưởng “đội mũ thiếc” này được đề cập trong tác phẩm khoa học viễn tưởng của Julian Huxley. Nghĩa trong bài có thể là các chủ đề hư cấu, nhảm nhí và không thực tế.

  5. Khoa luận giáo (Scientology): Khoa Luận giáo được coi là một tổ chức tôn giáo có giáo lý và cách hành đạo liên quan đến thuyết Xuyên Hồn (một phương pháp giúp con người có thể giảm nhẹ những cảm giác và cảm xúc, nỗi sợ hãi và căng thẳng tâm thần… Theo diễn nghĩa của Khoa Luận giáo thì nó sẽ giúp người ta thấu suốt xuyên qua linh hồn) của L. Ron Hubbard (1911-1986).

  6. Vào năm 1641, Triết gia Pháp René Descartes đã đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của một con quỷ thông minh (evil genius hoặc malicious demon) đang điều khiển toàn bộ cơ thể ông khiến ông làm những điều sai trái. Giả thuyết này nằm trong luận thuyết “Meditations” của ông.

  7. The Matrix là bộ phim khoa học viễn tưởng đạo diễn bởi anh em nhà Wachoski, mô tả một thế giới giả lập được tạo nên để cai trị con người và những người sống trong thế giới ấy phải tìm mọi cách để thoát khỏi nó.

  8. Cụm từ được Daniel Kahneman nhắc đến trong email gửi cho các nhà tâm lý học để nói tới sự lo ngại đối với vụ việc họ đã sao chép các nghiên cứu thất bại nhằm khôi phục lòng tin đối với ngành nghiên cứu định hướng suy nghĩ. Theo Daniel Kahneman, vụ việc này sẽ gây mất lòng tin của ông về lĩnh vực này cũng như gây khó khăn cho các sinh viên đang học có được công việc trong tương lai.

  9. Cụm từ mô tả áp lực khi phải xuất ấn phẩm nhanh chóng và liên tục để duy trì công việc. Đọc thêm một bài viết liên qua của zeal mang tên “Đứng trên vai người khổng lồ” tại đây.

  10. Graphene là một kiểu tấm cấu tạo từ các nguyên tử cacbon liên kết với nhau theo kiểu hình lục giác tuần hoàn, được khám phá bởi hai nhà vật lý người Nga Andre Geim và Constantin Novoselov.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất