a
§ Tác giả: Gaia Vince | Nguồn: Mosaic Science
Biên dịch: Việt Anh | Hiệu đính:  Aceae
08/12/2016
Hầu hết mọi người trên thế giới đều sử dụng nhiều hơn một ngôn ngữ; điều này gợi ý rằng bộ não con người đã tiến hoá để làm việc bằng nhiều thứ tiếng. Nếu vậy, Gaia Vince thắc mắc, liệu những người chỉ nói một ngôn ngữ có đang bỏ lỡ điều gì không?

Trong một quán cafe ở phía nam London, hai công nhân xây dựng đang có một cuộc trò chuyện rôm rả, người này tiếp lời người kia. Ngôn từ của họ như nhảy múa cùng với các cử chỉ, điệu bộ và đôi khi họ còn bật ra những tràng cười sảng khoái. Họ đang bàn luận về một người phụ nữ, điều đó thì rõ rồi, còn chi tiết ra sao thì tôi không hay. Thật là xấu hổ, bởi vì cuộc nói chuyện giữa bọn họ trông rất vui và thú vị, nhất là đối với một người hóng hớt như tôi. Nhưng tôi không nói ngôn ngữ của họ.

Không khỏi tò mò, tôi ngắt lời và hỏi xem họ đang dùng ngôn ngữ gì. Nở nụ cười thân thiện, họ nhịp nhàng chuyển sang tiếng Anh, cho biết rằng họ là người gốc Nam Phi và đã từng nói tiếng Xhosa1. Ở Johannesburg, nơi xuất thân của họ, hầu hết mọi người sử dụng ít nhất năm thứ tiếng, theo Theo Morris, một trong hai người họ. Ví dụ, tiếng mẹ đẻ của Theo là tiếng Sotho2, còn của bố anh là tiếng Zulu3, anh ta học tiếng Xhosa Bantu và Ndebele từ bạn bè và hàng xóm, rồi tiếng Anh và tiếng Afrikaans ở trường. “Tôi từng đến Đức trước khi tới đây, nên tôi cũng biết cả tiếng Đức,” anh chia sẻ.

Học nhiều ngôn ngữ như vậy có dễ không?

“Có chứ, chuyện cũng thường thôi,” anh ta bật cười.

Anh ta nói đúng. Hơn một nửa số người trên khắp thế giới – dao động trong khoảng từ 60 đến 75 phần trăm theo các ước tính khác nhau – nói ít nhất hai thứ tiếng. Nhiều quốc gia có nhiều hơn một quốc ngữ – con số này ở Nam Phi lên đến 11. Mọi người đều được kì vọng có thể nói, đọc, và viết ít nhất một trong các “siêu” ngôn ngữ, ví dụ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Ấn, hay cả tiếng Ả Rập. Vì vậy việc chỉ biết một thứ tiếng, như trong trường hợp của nhiều người nói tiếng Anh bản địa, đồng nghĩa với việc rơi vào thiểu số, và có thể bị bỏ rơi.

Người ta đã chỉ ra rằng chủ nghĩa đa ngôn ngữ có nhiều lợi thế xã hội, tâm lí và cho lối sống. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đang tìm ra các lợi ích cho sức khoẻ từ việc sử dụng nhiều hơn một ngôn ngữ, bao gồm việc hồi phục nhanh hơn từ đột quỵ và bắt đầu muộn hơn của chứng mất trí.

Phải chăng não người đã tiến hoá để có thể nói được nhiều thứ tiếng – và những người chỉ nói một ngôn ngữ đang không tận dụng hết tiềm năng của họ? Và trong một thế giới mà đang đánh mất các ngôn ngữ nhanh hơn bao giờ hết – với tốc độ hai ngôn ngữ một tháng, phân nửa số ngôn ngữ của loài người sẽ tuyệt chủng vào cuối thế kỉ này – điều gì sẽ xảy ra nếu như sự đa dạng ngôn ngữ biến mất và gần như tất cả chúng ta đều nói chỉ một thứ tiếng?

Những người thông thạo hai thứ tiếng chặn cảm xúc của bản thân và tập trung vào người đối diện tốt hơn nhiều so với những người nói một thứ tiếng – họ nhanh nhẹn và chính xác hơn.

Ngồi trong một phòng thí nghiệm, tôi đang đeo tai nghe và quan sát các bức ảnh có các bông tuyết trên màn hình máy tính. Mỗi khi có một cặp bông tuyết xuất hiện, một đoạn băng được mở lên, miêu tả một trong hai bông tuyết đó. Nhiệm vụ của tôi là chỉ ra xem đoạn băng đó đang miêu tả bông tuyết nào. Cái khó duy nhất ở đây là tất cả các lời miêu tả này đều sử dụng một ngôn ngữ mới được phát minh có tên là Syntaflake.

Đó là một phần trong thí nghiệm của Panos Athanasopoulos, một người Hy Lạp đầy nhiệt huyết với niềm đam mê dành cho ngôn ngữ. Là giáo sư ngôn ngữ tâm lý học và nhận thức song ngữ (bilingual cognition) thuộc Đại học Lancaster, Anh, ông là người đi đầu trong một luồng nghiên cứu mới về trí tuệ song ngữ. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, phòng thí nghiệm của ông là một toà tháp Babel của các quốc tịch và ngôn ngữ khác nhau – nhưng không ai ở đây nói tiếng Syntaflake cả.

Đây là một nhiệm vụ hết sức kì lạ và cực kì khó khăn. Thông thường, khi tương tác bằng một ngoại ngữ, sẽ có những manh mối, gợi ý để giúp bạn hiểu được ý nghĩa của câu nói. Người đối thoại có thể chỉ vào bông tuyết trong khi nói, sử dụng cử chỉ tay để miêu tả hình dạng hay dùng các ngón tay để thể hiện các con số, ví dụ như vậy. Còn trong trường hợp này tôi không có bất cứ gợi ý nào như vậy, và vì nó (Syntaflake) là một ngôn ngữ được bịa ra, tôi càng không thể dựa vào việc tìm ra những điểm tương đồng với các ngôn ngữ tôi đã biết.

Tuy nhiên, một lúc sau, tôi bắt đầu cảm thấy có thể có một dấu hiệu từ cú pháp/câu cú và các âm thanh. Tôi quyết định chuyển sang giải quyết theo hướng toán học và lôi giấy bút ra để ghi lại bất cứ quy luật nào xuất hiện, với quyết tâm không để “trượt” bài kiểm tra này.

Thí nghiệm này làm tôi nhớ đến lần đi thăm một thị trấn nông thôn cách Bắc Kinh một vài giờ di chuyển, và tôi buộc phải hiểu một ngôn ngữ mà tôi chẳng thể nói hay đọc, giữa những con người cũng xa lạ với tiếng Anh như thế. Nhưng kể cả như vậy thì lúc đó vẫn có các gợi ý… Còn bây giờ, khi không có bất cứ tương tác nào với con người, các quy luật chi phối những âm thanh câu chữ mà tôi nghe được vẫn mập mờ, khó hiểu, và đến cuối chương trình tôi đành phải chấp nhận thua cuộc.

Tôi trò chuyện cùng với Athanasopoulos trong khi chờ đợi kết quả được phân tích bởi nhóm của ông ấy.

Tôi ủ rũ kể lại những khó khăn gặp phải khi học ngôn ngữ mới này, mặc cho những nỗ lực tốt nhất của tôi. Nhưng có vẻ tôi đã sai ở điểm này: “Những người đạt được kết quả tốt nhất trong nhiệm vụ này là những người chẳng chút để tâm và chỉ muốn xong càng nhanh càng tốt. Học sinh và giáo viên, những người sẽ cố giải quyết vấn đề và tìm ra một dấu hiệu luôn có kết quả tồi nhất,” ông nói.

“Trong khoảng thời gian như vậy, việc giải mã quy luật của ngôn ngữ đó (Syntaflake) và hiểu được ý nghĩa của các câu nói là bất khả thi. Nhưng bộ não bạn được lập trình sẵn để tìm ra lời giải trong tiềm thức. Đó là lí do vì sao, nếu như bạn không nghĩ về nó, bạn sẽ không gặp vấn đề gì với bài kiểm tra này – và trẻ em thường có kết quả cao nhất.”

Được gắn liền với danh tính đến vậy, ngôn ngữ cũng mang trong mình tính chính trị sâu sắc.

Những từ ngữ đầu tiên có thể đã xuất hiện vào 250.000 năm về trước, khi tổ tiên của chúng ta sử dụng hai chi sau để di chuyển và giải phóng lồng ngực khỏi việc chống đỡ sức nặng của cơ thể, tạo tiền đề để phát triển việc kiểm soát hơi thở và cao độ của giọng nói. Và một khi loài người đã có một ngôn ngữ, chẳng mất nhiều thời gian để ta có nhiều ngôn ngữ.

Sự tiến hoá của ngôn ngữ có thể được so sánh với tiến hoá sinh học, nhưng trong khi thay đổi mang tính di truyền được thúc đẩy bởi áp lực từ môi trường, ngôn ngữ biến hoá và phát triển thông qua áp lực từ xã hội. Qua thời gian, những nhóm người đầu tiên khác nhau đã có thể nói được nhiều thứ tiếng khác nhau. Sau đó, để có thể giao tiếp với các nhóm người khác – để giao thương, đi lại, và hơn thế nữa – việc một số thành viên trong một gia đình hay một nhóm nói được các thứ tiếng khác là thật sự cần thiết.

Chúng ta có thể phần nào hiểu được chủ nghĩa đa ngôn ngữ đã phổ biến đến mức nào bằng cách quan sát những tộc người săn bắt hái lượm còn sống sót đến ngày nay. “Nếu bạn để ý những người săn bắt hái lượm, hầu hết họ đều nói được nhiều thứ tiếng,” theo Thomas Bak, một nhà thần kinh học nhận thức hiện nghiên cứu khoa học ngôn ngữ tại Đại học Edinburgh, Scotland. “Nguyên tắc là một người không được phép cưới một người khác cùng bộ lạc hoặc thị tộc và sinh con – đó là điều cấm kị. Vì vậy bố và mẹ của mỗi đứa trẻ đều nói những thứ tiếng khác nhau.”

Ở những vùng mà thổ dân Australia4 sinh sống, nơi mà hơn 130 ngôn ngữ bản xứ vẫn đang lưu hành, chủ nghĩa đa ngôn ngữ là một phần của vùng đất này. “Bạn đang đi dạo và trò chuyện với một người bản địa, và sau đó bạn có thể sẽ đi qua một consông nhỏ rồi người đồng hành với bạn đột nhiên chuyển sang một thứ tiếng khác,” Bak nói. “Họ nói thứ tiếng của đất mẹ.” Điều này cũng có thể đúng ở bất cứ nơi nào khác. “Đơn cử như ở Belgium: bạn bắt một chuyến tàu ở Liège, đầu tiên các thông báo sẽ được phát bằng tiếng Pháp. Sau đó đi qua Loewen, nơi chúng được phát bằng tiếng Hà Lan trước, và rồi ở Brussels mọi thứ lại quay trở về tiếng Pháp đầu tiên.”

Được gắn liền với danh tính đến vậy, ngôn ngữ cũng mang (trong mình) tính chính trị sâu sắc. Sự nổi lên của các quốc gia châu Âu và sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc trong thế kỉ 19 đã biến việc nói một thứ tiếng khác ngoài thứ tiếng dân tộc thành một biểu hiện của sự không trung thành. Điều này có lẽ đã góp phần tạo ra một quan điểm phổ biến – đặc biệt là ở Anh và Mĩ – cho rằng dạy cho trẻ em nói được hai thứ tiếng là có hại cho sức khoẻ của chúng và rộng hơn là cho xã hội.

Có những nguồn cảnh báo rằng trẻ em được dạy hai thứ tiếng sẽ bị lẫn lộn bởi hai thứ ngôn ngữ, kém thông minh hơn, có lòng tự trọng thấp hơn, cư xử một cách bất thường, hình thành một nhân cách riêng rẽ và thậm chí có thể mắc chứng tâm thần phân liệt. Quan điểm này còn tồn tại cho đến rất gần đây, khiến cho nhiều người nhập cư từ bỏ việc sử dụng tiếng mẹ đẻ với con cái của họ, để lấy ví dụ. Quan điểm này vẫn tiếp diễn mặc dù đã có một thí nghiệm vào năm 1962, từng bị làm ngơ qua hàng thập kỉ, chỉ ra rằng những đứa trẻ nói được hai thứ tiếng có kết quả tốt hơn những trẻ chỉ nói một thứ tiếng trong các bài kiểm tra trí thông minh, dù là có dựa trên ngôn ngữ (verbal test) hay là không.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trong thế kỉ qua từ thần kinh học, tâm lí học và ngôn ngữ học, khi sử dụng các công cụ não đồ tân tiến nhất, đang hé lộ một loạt các lợi ích về nhận thức dành cho những người nói hai thứ tiếng. Tất cả đều liên quan đến việc những bộ não cực kì linh hoạt của chúng ta học cách làm nhiều việc một lúc (đa nhiệm).

Nhiều người nói được hai thứ tiếng cho biết họ cảm thấy như một người khác khi họ sử dụng ngôn ngữ thứ hai của họ.

Hãy thử hỏi món ăn ưa thích của tôi bằng tiếng Anh, và tôi sẽ tưởng tượng ra mình đang ở London giữa các lựa chọn của mình tại đó. Nhưng nếu được hỏi trong tiếng Pháp, tôi sẽ bay đến Paris, nơi mà tôi sẽ có các lựa chọn khác. Vì vậy cùng một câu hỏi mang tính cá nhân có thể có nhiều câu trả lời khác nhau tuỳ thuộc vào ngôn ngữ mà người hỏi sử dụng. Đây là một ý tưởng thâm thuý, khi chỉ ra rằng bạn có một nhân cách riêng đối với mỗi ngôn ngữ mà bạn nói, và bạn cư xử khác biệt khi nói các thứ tiếng khác nhau.

Athanasopoulos và cộng sự đã và đang nghiên cứu khả năng của ngôn ngữ để thay đổi cách nhìn (về các vấn đề) của con người. Trong một thí nghiệm, những người nói tiếng Anh và tiếng Đức được xem các đoạn băng hoạt cảnh, ví dụ một người phụ nữ đang đi bộ ra chiếc xe của cô ta hay một người đàn ông đang đạp xe đến siêu thị. Những người nói tiếng Anh tập trung vào hành động và có cách miêu tả đặc trưng là “một người phụ nữ đang đi bộ” hay “một người đàn ông đang đạp xe.” Mặt khác, những người nói tiếng Đức có một thế giới quan toàn diện hơn và sẽ thêm vào mục tiêu của hành động: họ có thể nói (trong tiếng Đức) “một người phụ nữ đi bộ tiến tới chiếc xe của cô ta” hoặc “một người đàn ông đạp xe đến siêu thị.”

Một phần nguyên nhân của hiện tượng này là do bộ công cụ ngữ pháp có sẵn của mỗi ngôn ngữ, Athanasopoulos giải thích. Không như tiếng Đức, tiếng Anh có đuôi “-ing” để miêu tả các hành động đang diễn ra. Điều đó khiến những người nói tiếng Anh ít có khả năng gán một mục tiêu cho một hành động khi miêu tả một khung cảnh mơ hồ hơn là so với người nói tiếng Đức. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra những người nói cả hai thứ tiếng Anh-Đức, việc họ tập trung vào hành động hay mục tiêu phụ thuộc vào đất nước mà ở đó họ làm bài kiểm tra. Nếu những người này được kiểm tra ở Đức, họ sẽ tập trung vào mục tiêu; nếu ở Anh, họ sẽ tập trung vào hành động, không kể ngôn ngữ nào được sử dụng, điều đó chỉ ra vai trò của sự pha trộn văn hoá và ngôn ngữ trong việc hình thành thế giới quan của một con người.

Vào những năm 60, một trong những người đi đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ tâm lí học (psycholinguistics), Susan Ervin-Tripp, khi làm thí nghiệm với các phụ nữ nói hai thứ tiếng Anh-Nhật, đã yêu cầu họ hoàn thành các câu (nói) trong từng ngôn ngữ. Bà tìm ra rằng cách họ kết thúc mỗi câu rất khác nhau, phụ thuộc vào ngôn ngữ mà họ sử dụng. Ví dụ, câu “Khi những mong muốn của tôi xung đột với gia đình tôi…” trong tiếng Nhật sẽ được kết thúc bằng “đó là một khoảng thời gian rất khốn khổ”; còn trong tiếng Anh sẽ là “tôi sẽ làm điều tôi muốn.” Một ví dụ khác, “Những người bạn thật sự nên…” sẽ được kết thúc bằng “giúp đỡ lẫn nhau” trong tiếng Nhật và “nên sống thật” trong tiếng Anh.

Từ đây, Ervin-Tripp kết luận rằng suy nghĩ của con người diễn ra bên trong các nếp suy nghĩ của ngôn ngữ (language mindset), và những người nói hai thứ tiếng có những nếp suy nghĩ khác nhau dành cho mỗi thứ tiếng – một ý tưởng khác thường nhưng cũng đã được kiểm chứng từ các nghiên cứu sau đó, và nhiều người nói hai thứ tiếng cho biết họ cảm thấy như trở thành một người khác khi họ sử dụng ngôn ngữ thứ hai của họ.

Tuy nhiên, những nếp nghĩ khác nhau này liên tục xung đột, trong khi những bộ não song ngữ lựa chọn ngôn ngữ nào để sử dụng.

Trong một thí nghiệm với nhóm người song ngữ Anh-Đức của ông, Athanasopoulos yêu cầu họ đọc lại thật to các chuỗi số bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Điều này đã “chặn” ngôn ngữ còn lại, và khi được xem các đoạn băng hoạt cảnh, những người nói hai thứ tiếng này sẽ có xu hướng miêu tả tập trung vào hành động hay mục tiêu tuỳ thuộc vào ngôn ngữ nào đã bị chặn lại. Khi họ nhắc lại các con số bằng tiếng Đức, phản hồi của họ đối với các đoạn băng sẽ mang tính Đức hơn và tập trung vào mục tiêu hơn. Khi ngôn ngữ bị thay đổi giữa chừng trong lúc họ nhắc lại các con số, phản hồi của họ cũng thay đổi theo.

Vậy chuyện gì đang diễn ra? Liệu có thực sự tồn tại hai tâm trí khác nhau trong một bộ não song ngữ? Lời giải cho câu hỏi đó chính là mục tiêu của thí nghiệm bông tuyết. Tôi có chút lo lắng về những gì mà kết quả tệ hại sẽ phản ảnh về tôi, nhưng Athanasopoulos trấn an rằng tôi cũng giống như bao người khác đã tham gia thí nghiệm – và cho đến giờ kết quả vẫn đang ủng hộ giả thuyết của ông.

Để có thể đánh giá ảnh hưởng của việc cố gắng thông hiểu ngôn ngữ Syntaflake đến não bộ của tôi, tôi làm thêm một bài kiểm tra khác trước và sau khi hoàn thành thí nghiệm bông tuyết. Ở trong những nhiệm vụ phụ này, các tổ hợp mũi tên xuất hiện trên màn hình và tôi phải bấm nút sang trái hoặc sang phải tuỳ theo hướng của mũi tên ở giữa màn hình. Đôi khi tổ hợp các mũi tên ở xung quanh gây bối rối, nên đến cuối lần thử đầu tiên vai của tôi thì khọm lên đến tai còn tôi thì kiệt sức vì quá tập trung. Kết quả của một nhiệm vụ kiểu này khó có thể được cải thiện qua luyện tập (hầu hết mọi người đều làm tệ hơn ở lần thử thứ hai), nhưng khi làm lại bài kiểm tra ấy sau khi hoàn thành nhiệm vụ bông tuyết, tôi tiến bộ rõ rệt, hệt như Athanasopoulos tiên đoán.

“Việc học một ngôn ngữ mới đã cải thiện kết quả của bạn trong lần thử thứ hai,” ông giải thích. Dù tôi cảm thấy an tâm khi rơi vào phạm vi bình thường, đây là một kết quả kì lạ. Làm sao có thể thế được?

Những nhiệm vụ phụ ấy gồm những bài tập về giải quyết xung đột nhận thức – nếu hầu hết các mũi tên đều chỉ sang trái, động cơ tức thời của tôi là bấm vào nút sang trái, nhưng đây không phải là câu trả lời đúng nếu như mũi tên ở giữa màn hình chỉ sang phải. Một ví dụ khác về xung đột nhận thức là một bài trắc nghiệm mà trong đó tên của các màu sắc được viết bằng các màu khác (ví dụ, “xanh” được viết bằng mực đỏ). Mục tiêu của bài trắc nghiệm là phải chỉ ra màu sắc nào được sử dụng để viết mỗi từ, nhưng làm như vậy rất khó, bởi chúng ta đọc một từ với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với việc chúng ta xử lí màu sắc của các chữ cái. Cần phải có nỗ lực tinh thần đáng kể để vượt qua cám dỗ khiến chúng ta nói ra từ mà chúng ta không thể không đọc trên màn hình.

Thí nghiệm bông tuyết chuẩn bị cho hồi đai5 của tôi để làm bài trắc nghiệm phụ thứ hai, bởi dường như việc nói nhiều hơn một thứ tiếng có tác dụng luyện tập tổng quan cho hệ thống chỉ huy (của hệ thần kinh?). Một chuỗi đều đặn các nghiên cứu trong thập kỉ vừa qua đã chỉ ra rằng người nói hai thứ tiếng có kết quả vượt trội hơn so với người chỉ nói một thứ tiếng trong các bài kiểm tra về nhận thức và xã hội, từ các bài trắc nghiệm dưa trên ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ đến việc họ hiểu người khác đến mức nào. Khả năng đồng cảm sâu sắc hơn (ở người nói hai thứ tiếng) được cho là do những người nói hai thứ tiếng làm tốt hơn trong việc chặn lại cảm xúc và niềm tin của chính họ để tập trung vào suy nghĩ của người khác.

“Những người nói hai thứ tiếng làm tốt hơn rất nhiều so với những người nói một thứ tiếng – họ nhanh hơn và chính xác hơn,” Athanasopoulos nói. Và điều đó gợi ý rằng hệ thống chỉ huy thần kinh của họ có sự khác biệt so với những người chỉ nói một thứ tiếng.

Trên thực tế, theo nhà tâm lí học thần kinh nhận thức Jubin Abutalebi thuộc Đại học San Raffaele, Milan, Italy, chúng ta có thể nhận ra những người nói hai thứ tiếng chỉ đơn giản bằng việc quét não bộ của họ.Những người nói hai thứ tiếng có lượng chất xám ở hồi đai lớn hơn đáng kể so với người chỉ nói một thứ tiếng, lí do bởi vì họ sử dụng khu vực thần kinh đó thường xuyên hơn rất nhiều,” ông nói. Hồi đai giống như cơ bắp của nhận thức, ông nói thêm: bạn càng sử dụng nó, nó sẽ càng khoẻ hơn, to hơn và dẻo dai hơn.

Hoá ra, những người nói hai thứ tiếng luôn phải thực thi quyền điều khiển hệ thống chỉ huy não bộ, bởi hai thứ tiếng trong họ luôn cạnh tranh để được chú ý. Các nghiên cứu não đồ chỉ ra rằng khi một người nói hai thứ tiếng đang sử dụng một ngôn ngữ, hồi đai của họ liên tục kiềm chế cảm giác thôi thúc sử dụng từ ngữ và ngữ pháp của ngôn ngữ còn lại. Không chỉ vậy, tâm trí họ cũng luôn phải đưa ra các đánh giá về việc sử dụng ngôn ngữ được yêu cầu khi nào và như thế nào. Ví dụ, những người nói hai thứ tiếng rất hiếm khi bị lẫn lộn giữa các ngôn ngữ, nhưng họ có thể mang vào ngữ cảnh một từ hoặc câu của ngôn ngữ còn lại nếu người đối diện cũng biết tiếng đó.

“Tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng Ba Lan, nhưng vợ tôi là người Tây Ban Nha nên tôi nói được tiếng Tây Ban Nha, và chúng tôi sống ở Edinburgh nên cả hai người còn nói cả tiếng Anh nữa,” Thomas Bak nói. “Khi tôi nói với vợ bằng tiếng Anh, thi thoảng tôi sẽ thêm vài từ tiếng Tây Ban Nha vào, nhưng tôi không bao giờ vô tình sử dụng tiếng Ba Lan. Và khi tôi nói chuyện với mẹ vợ bằng tiếng Tây Ban Nha, tôi không bao giờ vô ý thêm các từ tiếng Anh vào ngữ cảnh vì bà ấy sẽ không thể hiểu được. Mọi việc đều tự động mà không cần phải suy nghĩ, nhưng hệ thống chỉ huy của tôi phải hoạt động rất vất vả để ức chế các ngôn ngữ khác.”

Đối với những người nói hai thứ tiếng, vốn có hệ thống chỉ huy não bộ vượt trội, bài trắc nghiệm phụ chỉ là một phiên bản có ý thức của việc mà não bộ của họ phải xử lí hàng ngày trong vô thức – việc họ làm tốt bài kiểm tra ấy không có gì là lạ.

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu làm các bài tập về nhận thức nhiều hơn để giữ gìn sức khoẻ tinh thần, nhất là nếu như chúng ta chỉ nói một thứ tiếng.

Tất nhiên khả năng tập trung và giải quyết vấn đề siêu việt hơn, một tâm trí linh hoạt hơn và khả năng đa nhiệm tốt hơn là những thứ rất có giá trị trong cuộc sống. Nhưng có lẽ lợi ích lớn nhất của việc sử dụng hai ngôn ngữ sẽ xuất hiện trong quá trình lão hoá, khi chức năng chỉ huy thần kinh thường suy giảm: dường như việc nói hai thứ tiếng sẽ giúp chống lại chứng mất trí nhớ.

Nhà ngôn ngữ tâm lý Ellen Bialystok đã khám phá ra một điều đáng kinh ngạc tại Đại học York ở Toronto, trong khi đang so sánh hai nhóm người đang lão hoá gồm những người nói một thứ tiếng với những người nói hai thứ tiếng.

Những người nói hai thứ tiếng biểu hiện triệu chứng bệnh Alzheimer chậm hơn khoảng bốn đến năm năm so với những người nói một thứ tiếng có cùng quá trình tiến triển bệnh,” bà nói.

Việc nói hai thứ tiếng không phòng ngừa chứng mất trí nhớ, nhưng nó đã trì hoãn sự ảnh hưởng của chứng bệnh này; vì vậy với hai người có tiến triển bệnh trong não bộ như nhau, người nói hai thứ tiếng biểu lộ ra các triệu chứng muộn hơn trung bình năm năm so với người nói một thứ tiếng. Bialystok cho rằng lí do là vì việc sử dụng hai thứ tiếng sắp xếp lại bộ não và cải thiện hệ thống chỉ huy, nâng cao “nhận thức dự trữ” của con người. Điều đó có nghĩa là khi các phần của bộ não hứng chịu tổn thương, những người nói hai thứ tiếng có thể hồi phục lại nhiều hơn bởi họ có nhiều chất xám và các đường dẫn thần kinh thay thế hơn.

Việc nói hai thứ tiếng cũng có thể giúp ích sau chấn thương não bộ. Trong một nghiên cứu gần đây trên 600 người sống sót sau đột quỵ ở Ấn Độ, Bak đã phát hiện ra rằng khả năng hồi phục nhận thức lớn gấp hai lần ở những người nói hai thứ tiếng so với những người chỉ nói một.

Những kết quả như vậy chỉ ra rằng việc nói hai thứ tiếng giúp chúng ta khoẻ mạnh về mặt tinh thần. Có khi nó lại là một lợi thế mà đã được chọn lọc bởi tiến hóa ở những bộ não của chúng ta – một giả thuyết được ủng hộ bởi sự dễ dàng khi học các ngôn ngữ mới và thay đổi luân phiên giữa chúng, và bởi sự phổ biến kéo dài của việc nói hai thứ tiếng xuyên suốt lịch sử thế giới. Cũng như việc chúng ta cần tập thể dục để giữ một cơ thể khoẻ mạnh – cơ thể vốn được tiến hoá dành cho lối sống năng động về mặt thể lực của người săn bắt hái lượm, có lẽ chúng ta nên bắt đầu làm các bài tập về nhận thức nhiều hơn để giữ gìn sức khoẻ tinh thần, nhất là nếu như chúng ta chỉ nói một thứ tiếng.

Trong những năm gần đây, có một làn sóng phản ứng lại với các nghiên cứu chứng tỏ lợi ích của việc nói hai thứ tiếng. Một vài nhà nghiên cứu đã thử và thất bại trong việc tái tạo lại một số kết quả thí nghiệm; số khác đặt ra nghi ngờ về những lợi ích liên quan đến sự cải thiện chức năng chỉ huy (của hệ thần kinh) trong cuộc sống hằng ngày. Bak viết một bài đáp lại các lời chỉ trích, và cho biết ngày nay có quá nhiều bằng chứng từ các thí nghiệm tâm lí, được ủng hộ bởi các nghiên cứu não đồ, rằng não bộ của những người nói hai thứ tiếng và những người nói một thứ tiếng hoạt động khác nhau. Ông nói rằng những người chỉ trích đã mắc sai sót trong các phương pháp thí nghiệm của họ.

Bialystok cũng đồng ý với Bak, và bổ sung rằng không thể đánh giá liệu việc nói hai thứ tiếng có cải thiện kết quả các bài kiểm tra ở trường của trẻ, bởi có rất nhiều nhân tố gây nhiễu. Nhưng, bà nói, “cứ cho là ít nhất nó cũng không có tác dụng gì – và không có nghiên cứu nào đã chứng tỏ nó gây tổn hại đến hiệu suất làm việc – nhưng nếu xét đến rất nhiều các lợi ích về mặt xã hội và văn hoá của việc thông thạo một ngôn ngữ khác, việc nói hai thứ tiếng đáng được ủng hộ.” Còn về mặt lợi ích tài chính, một ước tính đặt ra giá trị của việc biết một ngôn ngữ thứ hai lên đến $128.000 trong vòng 40 năm.

Mất ba năm để một đứa trẻ học một ngôn ngữ, nhưng với người lớn chỉ là vài tháng.

Kết quả bài trắc nghiệm của tôi tại phòng thí nghiệm của Athanasopoulos chỉ ra rằng chỉ với 45 phút nỗ lực cố gắng hiểu một ngôn ngữ mới, chức năng nhận thức cũng có thể được cải thiện. Nghiên cứu của ông vẫn chưa hoàn thiện, nhưng các nghiên cứu khác đã cho thấy các lợi ích của việc học một ngôn ngữ có thể được gặt hái nhanh chóng. Vấn đề ở chỗ, những lợi ích ấy sẽ biến mất trừ khi chúng được sử dụng – và có rất ít khả năng tôi sẽ sử dụng thứ ngôn ngữ bông tuyết giả tưởng ấy một lần nào nữa! Việc học một ngôn ngữ không phải là cách duy nhất để cải thiện chức năng nhận thức – việc chơi các trò chơi điện tử, học một nhạc cụ, thậm chí vài trò chơi bài cũng có tác dụng tương tự – nhưng vì chúng ta luôn phải sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống hằng ngày, đó có lẽ là bài tập tốt nhất cho chức năng nhận thức. Vậy làm thế nào để áp dụng lý thuyết này vào thực tế?

Một lựa chọn là dạy trẻ học bằng các ngôn ngữ khác nhau. Nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng hình thức này: ví dụ, nhiều trẻ em Ấn Độ sẽ sử dụng một ngôn ngữ khác ở trường học thay vì tiếng mẹ đẻ của chúng. Nhưng hình thức này lại hiếm gặp ở các nước nói tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện đang có một xu hướng tiến đến cái gọi là giáo dục song ngữ (immersion schooling), ở đó trong một nửa thời gian học trẻ được dạy bằng một ngôn ngữ khác. Bang Utah tại Mỹ là đơn vị đi tiên phong với ý tưởng này, khi có rất nhiều trường học đang cung cấp các chương trình song ngữ trong tiếng Trung quan thoại hoặc tiếng Tây Ban Nha.

“Chúng tôi sử dụng mô hình bán thời gian, vì vậy ngôn ngữ mục tiêu sẽ được sử dụng để dạy học vào buổi sáng, và sau đó tiếng Anh sẽ được sử dụng vào buổi chiều – trình tự này sẽ được đảo ngược vào các ngày sau, bởi có những trẻ chỉ tiếp thu tốt hơn vào buổi sáng hoặc buổi chiều,” theo ông Gregg Roberts, người đang làm việc với Phòng Giáo dục Bang Utah và đã đi đầu về mảng giáo dục song ngữ ở bang này. “Chúng tôi đã tìm ra rằng trẻ (được học chương trình song ngữ) có kết quả học ở tất cả các môn ngang bằng và nhìn chung tốt hơn những trẻ chỉ học một thứ tiếng. Chúng có khả năng tập trung, chú ý tốt hơn và có lòng tự trọng cao hơn nhiều. Bất cứ khi nào bạn thông hiểu một ngôn ngữ khác, bạn sẽ càng hiểu hơn về ngôn ngữ và văn hoá của chính bạn. Việc này có lợi cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Chúng ta cần phải chấm dứt sự trì trệ gắn với việc chỉ biết một ngôn ngữ như hiện nay.

Phương pháp tiếp cận song ngữ hiện cũng đang được thử nghiệm ở Vương quốc Anh. Tại trường Trung học cơ sở Bohunt tại Liphook, Hampshire, hiệu trưởng Neil Strowger đã đứng lớp cho một vài buổi học của chương trình song ngữ tiếng Trung.

Tôi dự giờ một buổi học hội hoạ gồm các bé 12 tuổi và hai giáo viên giảng dạy: một người nói tiếng Anh, người còn lại nói tiếng Trung. Lũ trẻ bị lôi cuốn nhưng vẫn giữ trật tự để tập trung vào việc học nhiều ý tưởng một lúc. Lúc phát biểu chúng thường sử dụng tiếng Trung – và có gì đó thật ảo diệu khi nhìn những đứa trẻ ở Vương quốc Anh bàn luận về nghệ sĩ graffiti Banksy bằng tiếng Trung quan thoại. Những học sinh này cho biết chúng chọn học bằng tiếng Trung vì chúng nghĩ nó sẽ “vui nhộn” và “thú vị” và “hữu ích” – khác xa với những bài học tiếng Pháp buồn tẻ mà tôi từng phải chịu đựng ở trường.

Hầu hết số học sinh trong lớp hội hoạ sẽ tham gia kì thi tiếng Trung GCSE sớm hơn vài năm, nhưng Strowger nói với tôi rằng chương trình học đã mang lại rất nhiều lợi ích bên cạnh việc nâng cao điểm số: cải thiện sự nhập tâm và niềm vui thú của học sinh, đẩy mạnh nhận thức của chúng về các nền văn hoá khác để chuẩn bị trở thành những công dân toàn cầu, mở mang tầm hiểu biết và nâng cao triển vọng nghề nghiệp của chúng.

Vậy còn những người không còn đi học như chúng ta? Để có thể duy trì lợi ích của việc nói hai thứ tiếng, bạn cần sử dụng cả hai, và việc này có thể gây khó khăn, đặc biệt đối với những người lớn tuổi không có nhiều cơ hội để luyện tập. Có lẽ chúng ta cần có các câu lạc bộ ngôn ngữ, nơi mọi người có thể gặp mặt và nói chuyện với nhau bằng các thứ tiếng khác. Bak đã thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm nhỏ với người cao tuổi học tiếng Gaelic (một ngôn ngữ thường được sử dụng ở Ireland, Scotland và Isle of Man) tại Scotland và đã thấy các lợi ích chỉ sau một tuần. Giờ đây ông nhắm đến một cuộc thử nghiệm với quy mô lớn hơn rất nhiều.

Không bao giờ là quá muộn để học một ngôn ngữ mới, và nó có thể trở nên rất bổ ích. Alex Rawlings là một nhà đa ngôn ngữ chuyên nghiệp người Anh có thể nói 15 thứ tiếng: “Mỗi ngôn ngữ mang đến cho bạn một phong cách sống mới, một sắc thái hoàn toàn mới của cuộc sống,” ông nói. “Nó gây nghiện đấy!”

“Người ta bảo người lớn học ngôn ngữ là rất khó. Nhưng tôi cho rằng mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều sau năm tám tuổi. Mất ba năm để một đứa trẻ học một ngôn ngữ, nhưng với người lớn chỉ vài tháng.”

Theo các nghiên cứu gần đây, đó là một khoản đầu tư thời gian đáng giá. Việc nói hai thứ tiếng có thể giúp trí não chúng ta còn hoạt động được lâu dài hơn và hiệu quả hơn khi về già, điều này có thể có ảnh hưởng to lớn đến việc cách chúng ta dạy dỗ con cháu và đối xử với người lớn tuổi. Trong khi đó, tốt nhất nên nói, talk, hablar, parler, sprechen, beszél, berbicara bằng càng nhiều ngôn ngữ càng tốt.


  1. Tiếng Xhosa thuộc ngữ hệ Bantu với phụ âm tắc mút (từ “Xhosa” bắt đầu với một tiếng tắc mút – một ví dụ của âm tắc mút là tiếng tặc lưỡi mà trẻ con hay làm) là một trong những ngôn ngữ chính thống của Nam Phi. Ngôn ngữ này được sử dụng bởi khoảng 7,6 triệu người, tương đương 18% dân số của Nam Phi.

    Bạn đọc có thể đọc thêm về tiếng Xhosa tại đây.

  2. Tiếng Sotho là một trong những ngôn ngữ Nam Bantu thuộc nhóm ngôn ngữ Sotho-Tswana (S.30), được sử dụng cùng với 10 ngôn ngữ chính thức ở Nam Phi, và ở Lesotho, nơi mà ngôn ngữ này là là quốc ngữ.

    Bạn đọc có thể đọc thêm về tiếng Sotho tại đây.

  3. Tiếng Zulu là ngôn ngữ của người Zulu, với khoảng 10 triệu người sử dụng, phần lớn trong số họ (trên 95%) sống ở Nam Phi. Tiếng Zulu là tiếng mẹ đẻ được sử dụng rộng rãi nhất Nam Phi (với 24% dân số sử dụng), và được thông hiểu bởi hơn 50% dân số nước này.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về tiếng Zulu tại đây.

  4. Australia Aboriginals chỉ những thổ dân Australia, những con người đặt chân lên vùng đất Australia vào khoảng 45000 – 50000 năm về trước.

    Trước khi Australia bị xâm chiếm bởi người châu Âu, các thổ dân này sinh sống rải rác ở khắp nơi trên lục địa. Tuy nhiên, ngày nay hơn một nửa số thổ dân hiện đang sống trong các thị trấn, thường là ở vùng ngoại ô với điều kiện sống tệ hại. Cũng có nhiều người vẫn cố bám trụ lại nửa phía Bắc của lục địa này và duy trì lối sống săn bắt hái lượm.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về thổ dân Australia tại đây.

  5. Hồi đai (Anterior Cingulate Cortex – ACC) là phần trước của đai vỏ não, phần có hình vòng cung bao quanh thể chai (Corpus Callosum). Nó có vai trò quan trọng với các chức năng của hệ thống thần kinh thực vật (autonomic nervous system), ví dụ như điều hoà huyết áp hay nhịp tim. Hoạt động của hồi đai cũng liên quan đến các chức năng thần kinh cấp cao hơn, đơn cử như phản xạ có điều kiện, khả năng đưa ra các quyết định, kiểm soát ham muốn và cảm xúc.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về hồi đai tại đây và tại đây.

6 thoughts on “Tại sao bộ não song ngữ nhạy bén hơn?

    1. Đấy chính là sự đặc trưng những bài ở trang web này đó bạn. Bạn muốn bài ngắn thì bạn có thể vào trang web tamlyyhoctoipham.com cũng hay đó

  1. mới đọc 1 nửa, cũng chưa đọc các link reference nhưng có 1 số ý kiến này về các thí nghiệm.
    Thứ nhất, ở thí nghiệm ngôn ngữ bông tuyết, đáng tiếc là họ ko nói chi tiết, nhưng mình nghĩ có 1 điều khá rõ ràng là nếu trẻ con làm bừa thì chúng nó sẽ có 50% xác suất chọn kết quả đúng, còn người cố phân tích thì vừa phải chịu áp lực từ suy nghĩ, vừa có áp lực thời gian nên kết quả sẽ kém hơn, vậy liệu có thể kết luận là ko lo nghĩ kết quả tốt hơn là do bộ não tự có bản năng xử lí ?
    Thứ 2, ở thí nghiệm người song ngữ sẽ nhìn sự vật theo hướng nào, theo mình đây là 1 thí nghiệm rất hay nếu được làm hoàn hảo. Nhưng rất tiếc, 1 lần nữa họ ko nói rõ đã làm thế nào để loại bỏ các yếu tố quốc tịch xuất thân, educational background … mà theo mình là rất khó làm.
    Thứ 3, ở ví dụ chữ viết có màu khác với nghĩa, có thật là chúng ta đọc chữ nhanh hơn là nhìn màu và xử lí nghĩa trước ? tưởng phải hoàn toàn ngược lại chứ ? ví dụ đơn giản, giờ mình nói quả táo thì chắc trong đầu ai cũng có hình ảnh quả táo hay nói đỏ thì ai cũng nghĩ tới 1 cục màu đỏ thay vì những chữ cái chứ ?
    Tóm lại thì với người dễ bị thuyết phục nhất bởi thí nghiệm rõ ràng như mình thì đọc những đoạn như thế thấy ko được thoải mái lắm :-s

    1. Thí nghiệm thì chỉ một phần đánh giá quan điểm. Nếu như bạn đọc hết bài thì thực ra đây là một bài có mục đichs chung là nhận thức. Về cơ bản nó giúp ta cải thiện việc nhận thức não bộ cũng như các ưngs dụng “2 ngôn ngữ” trường học có kết quả rất tốt.

    2. Mình có một số ý nho nhỏ:
      1. Trong bài không nói rõ nhưng chúng ta có thể tự tìm ra bài báo của nghiên cứu này và đọc thiết kế thí nghiệm, mình nghĩ đối với một nghiên cứu về ngôn ngữ như thế này thì người ta khó mà bỏ qua các yếu tố background như bạn đã nói.
      2. Bạn đã ấn vào thử nghiệm Stroop Effect đó chưa? Thử nghiệm này sử dụng chữ và màu sắc, chứ không phải là Âm thanh và sự tưởng tượng (“Nói quả táo thì chắc trong đầu ai cũng có hình ảnh quả táo hay nói đỏ thì ai cũng nghĩ tới 1 cục màu đỏ thay vì những chữ cái” như bạn nói ). Và ý tưởng của bạn cũng là một ví dụ cho việc xử lý nghĩa – nghĩa của từ, chứ không phải là bản thân chữ cái.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất