a
§ Tác giả: David P. Barash | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Thành Nguyên | Hiệu đính:  Za
16/03/2019

Tôi thích vườn bách thú. Thật sự thích. Tôi hoan nghênh việc những vườn bách thú thời nay ngày càng chú trọng vào những triển lãm tự nhiên1, những chương trình nhân giống (breeding programme) các loài nguy cấp, và nỗ lực giáo dục cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã. Nhưng thật ra, cũng giống như bao người, phần lớn lý do khiến tôi thích vườn bách thú là bởi tôi thích ngắm nhìn động vật.


Động vật nuôi nhốt có lẽ thỏa mãn được ham muốn của chúng ta: vượt qua cái lằn ranh đời sống, thứ chia cách chúng ta với những sinh vật khác. Ảnh: Daiga Ellaby (Unsplash)

Động vật nuôi nhốt có lẽ thỏa mãn được ham muốn của chúng ta: vượt qua cái lằn ranh đời sống, thứ chia cách chúng ta với những sinh vật khác. Nhưng thực tế đáng buồn là, phần lớn động vật trong vườn bách thú đã trở thành, như đã được nhà phê bình nghệ thuật John Berger miêu tả vào năm 1977, “một di tích sống cho sự biến mất của chính chúng.”2 Niềm vui lớn nhất trong việc ngắm nhìn động vật vẫn luôn đến từ việc quan sát các sinh vật sống tự do trong môi trường tự nhiên của chúng. Với một thu nhập đủ dùng, bạn có thể đến Ấn Độ, Nam Mỹ hay Nam Cực trong những chuyến tham quan ngắm nhìn động vật, tha hồ ngắm Big Five của Châu Phi (voi, tê giác, sư tử, báo, và trâu), hay lên một chiếc thuyền để ngắm những con cá voi phun nước qua chiếc lỗ trên lưng.

Các loài động vật hoang dã trên thế giới từ lâu đã cư ngụ trong sâu thẳm trí tưởng tượng của con người, không ít hơn thời gian mà chúng tồn tại trong tự nhiên, trên hành tinh – mái nhà chung này. Không có một xã hội loài người nào trên Trái đất, dù là nguyên thủy hay công nghệ cao, mà lại không dính dáng đến việc hình tượng hóa động vật, bất kể những động vật kia là loài thuần hóa hay sinh sống tự do. Quả thật, sự vui thích của con người đối với động vật đã có từ thời cổ xưa và vô cùng phổ biến, đến nỗi dường như đây là một điều phổ quát liên-văn-hóa của con người.

Hang động Chauvet tại miền nam nước Pháp chứa đầy những bức họa cẩn thận, đáng yêu – được vẽ khoảng 34.000 năm trước – của hàng tá những loài động vật khác nhau: những loài săn mồi như gấu hang (cave bear), sư tử hang (cave lion) và sói tiền sử (dire wolf), và những loài ăn cỏ như gia súc, ngựa hay voi ma-mút. Có ít nhất một đôi tê giác lông mượt (woolly rhinos) rõ ràng đang chiến đấu với nhau.

Trong nền văn hóa của chúng ta, động vật hiện diện đáng kể trong những câu chuyện cho trẻ em, chưa kể đến đồ chơi, quần áo, thậm chí là các trang thiết bị. Nhưng nhiều người trưởng thành sống tại các vùng đô thị và/hoặc các xã hội công nghệ cao lại đánh mất đi mối quan tâm về động vật song song với quá trình “trưởng thành.”

Gần như chắc chắn, “trưởng thành” theo nghĩa này là sự hủy hoại cái bản tính hướng-về-động-vật của con người, cái bản tính sâu sắc của chúng ta. Nó gán cho chúng ta một thế giới mà ở đó giao thông vận tải được thực hiện bởi xe hơi, xe buýt, xe lửa và máy bay, thay vì bởi ngựa hoặc xe bò. Chúng ta nhận thịt và sữa từ cửa hàng thay vì từ bầy gia súc hay từ nỗ lực đi săn bắn; chúng ta phòng thủ bằng hệ thống bảo vệ hoạt động nhờ điện, cảnh sát, súng ngắn cá nhân hay khế ước xã hội, thay vì bằng những cảnh báo âm thanh từ những con vật bán-thuần-hóa – những lính canh của chúng ta. Đối với nhiều người trong số chúng ta, thật khó để nuôi hay thậm chí là biết đến những loài động vật khác trong một khu rừng toàn bê tông mang tên đô thị. Nhưng, thậm chí khi chúng ta ngày càng xa cách với những động vật thật ngoài đời, chúng ta thấy rằng mình lại đối mặt với ngày càng nhiều hình ảnh từ chúng, nhân vật hoạt hình chẳng hạn, mà chẳng thể nào tránh được.

Thậm chí khi chúng ta ngày càng xa cách với những động vật thật ngoài đời, chúng ta thấy rằng mình lại đối mặt với ngày càng nhiều hình ảnh từ chúng. Ảnh: Franck V (Unsplash)

Tính đại chúng của các loài thú cưng, phim về động vật, show truyền hình, và sách vở thể hiện rằng mối tương tác với các loài động vật bắt nguồn từ một nhu cầu sâu xa của con người. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bầu bạn cùng động vật đóng góp một cách tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nhiều người, nhưng các nghiên cứu này lại không giải thích được rằng tại sao động vật lại có khả năng tạo ra những ảnh hưởng như vậy; thay vào đó, chúng chỉ nêu ý kiến rằng động vật (ít nhất là với một số loài) từ lâu đã song hành với trạng thái hạnh phúc của con người. Ngoài ra, người ta cũng nhận được những niềm vui giản đơn khác từ việc quan sát và tương tác với động vật. “Niềm vui” không phải là thứ mà chọn lọc tự nhiên phân phát chẳng cần lý do – và chúng ta có thể đoán được rằng lý do nọ liên hệ mật thiết với một lợi ích được tối ưu nào đó. Trong phạm trù tiến hóa, niềm vui được sử dụng như một mồi nhử, như một phần thưởng tức thì. Vậy câu hỏi được đặt ra đơn giản như sau: Người ta nhận được gì từ việc ngắm nhìn động vật? Và liệu tiến hóa có giúp giải thích được niềm mong mỏi ngắm nhìn những sinh vật khác của chúng ta?

Câu hỏi khoa học về việc tại sao nhiều người trong số chúng ta thích ngắm nhìn động vật phần lớn vẫn còn bỏ ngỏ. Một trong số các dự án nghiên cứu đầu tiên của tôi khi còn là một nghiên cứu sinh ngành động vật học tại Đại học Wisconsin có tiêu đề “Ai Ngắm Ai tại Vườn Bách Thú?” Tôi ngồi trước cuộc triển lãm tự nhiên của một gia đình khỉ macaque đuôi-sư-tử (lion-tailed macaque monkey) (gồm một đực trưởng thành, một cái trưởng thành, một con non (juvenial) và một sơ sinh) và giả vờ như đang quan sát chúng, trong khi thật ra đang ghi chép lại những cuộc đối thoại của các du khách về gia đình khỉ. Kết quả khá rõ ràng: đàn ông tập trung về con đực trưởng thành hơn (“Nhìn xem nó to chưa kìa!”), phụ nữ chú ý đặc biệt đến con cái trưởng thành, cũng như con khỉ sơ sinh (“Nhìn kìa anh, có một cặp mẹ con kìa!”), trong khi đó những đứa nhóc thì đặc biệt quan tâm đến phiên bản khỉ của chúng (“Con khỉ nhỏ kia thật dễ thương làm sao!”). Một lời giải thích có vẻ hợp lý là con người, ít nhất là tại một vài thời điểm, nhìn vào động vật – cụ thể là những động vật linh trưởng không phải con người – như một sự phản chiếu, dù là méo mó, của chính bản thân họ.

Điều này đúng đối với nhiều nền văn hóa: động vật được sử dụng một cách rộng rãi – có lẽ là đến mức phổ quát [trong các nền văn hóa khác nhau – ND] – để biểu thị những “kiểu” người khác nhau, chẳng hạn như kẻ gian manh, người thông thái, công nhân cần cù, chiến binh dũng cảm, vân vân. Chính quyền Victorian (Victorian Society), đặc biệt là sau thời của Charles Darwin, lo lắng khi nhận thấy những điểm tương đồng rõ rệt giữa loài người và các loài linh trưởng không-phải-người khác. “Hậu duệ của khỉ ư?”, tương truyền vợ của Giám mục thành Worcester đã la toáng lên như vậy vào năm 1860. “Hãy hy vọng rằng đó không phải là sự thật. Nhưng nếu đó là sự thật, hãy hy vọng rằng điều này không được biết đến rộng rãi!”

Chà, điều đó thật, và được biết đến rộng rãi, ít nhất là giữa những người không bị bó buộc bởi chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo3. Những nhà quan sát thuộc thành thị (và đầy tinh tế) như triết gia Đức Walter Benjamin lưu ý về khả năng có thể xảy ra khi người và động vật nhận thức được lẫn nhau, kết quả chẳng khác mấy so với phản ứng của bà vợ Giám Mục. “Khi ghét bỏ động vật,” ông viết vào năm 1982, “cảm giác nổi trội nhất là nỗi sợ bị nhận ra bởi chúng thông qua tiếp xúc. Nỗi khiếp sợ khuấy động sâu bên trong con người ta, là một nhận thức mơ hồ rằng ở trong con người ta, có một thứ gì đó tương tự như động vật có thể sẽ bị phát giác.” Nhưng kinh hoàng không phải là một phản ứng điển hình khi nhìn vào động vật. Tôi có lẽ nằm đâu đó trong phần thiểu số bất thường của cái biểu đồ phân phối chuẩn đầy khuôn phép khi nhắc đến niềm hăng hái ngắm nhìn động vật. Nhưng tôi hoàn toàn không cô đơn khi là một trong những người nhận được niềm vui từ việc nhìn ngắm những sinh vật sống khác, đặc biệt là những sinh vật sống tự do.

Berger đã than thở rằng “cái nhìn giữa động vật và con người” – một mối liên kết liên-loài (cross-species) có lẽ đã đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển của xã hội loài người – đã bị dập tắt bởi sự mất liên lạc với những động vật trong xã hội công nghiệp. Tôi không chắc lắm. Động vật hoang dã trong thành thị thật sự rất đông đúc, dù sự đa dạng loài lại thấp một cách đáng tiếc: Có chim bồ câu, chuột, gián và – phụ thuộc vào từng địa phương – những loài mòng biển khác nhau. Sói đồng hoang và gấu mèo xuất hiện thường xuyên một cách đáng ngạc nhiên, thậm chí là tại những thành phố lớn, tuy là không bắt gặp thường xuyên. Thậm chí tại các khu vực thành thị của Ấn Độ, có những con bò thiêng (thường trông hốc hác và rất đáng thương) cùng những con khỉ macaque – thi thoảng vô cùng nguy hiểm. Ngắm chim4 là một thú vui phổ biến, nhìn chung thì thú vui này còn nổi tiếng hơn là bản thân các loài chim.

Và những chuyến viếng thăm vườn bách thú hay thủy cung (aquarium) đang tăng lên, bởi các tiêu chuẩn trong cách chăm sóc động vật ở những nơi đó đang chất lượng hơn bao giờ hết. Những tầng lầu xi măng hay những thanh chắn kim loại giờ đây dần được thay thế bằng các triển lãm tự nhiên, ở đó, các loài động vật được cho ăn, thi thoảng chúng có một đời sống bán-bình-thường (semi-normal), và cho du khách (thiên về đối tượng trẻ em) cơ hội ngắm nhìn động vật, điều này có lẽ sẽ khuấy động được đến những nơ-ron thần kinh phổ quát (hay cơ bản – ND) nhất của con người, những nơ-ron có niên đại từ xa xưa, thuở chúng ta còn ở trên các thảo nguyên Châu Phi.


Những chuyến viếng thăm vườn bách thú hay thủy cung (aquarium) đang tăng lên, bởi các tiêu chuẩn trong cách chăm sóc động vật ở những nơi đó đang chất lượng hơn bao giờ hết. Ảnh: Matt Bighel (Unsplash)

Điều này gợi lên một vài nền tảng tiến hóa trong xu hướng ngắm nhìn động vật của con người. Đầu tiên, chúng ta đang sống, thở, nhìn, nghe, ngửi, chạm, ăn, đại tiện, tiểu tiện, giao hợp, nuôi con và cuối cùng là chết như một động vật. Dường như ẩn sâu trong tâm lý con người có một nhận thức đơn giản nhưng sâu sắc về một liên hệ giữa Ta và Chúng. “Chúng ta cùng một dòng máu, ngươi và ta,” là câu thần chú được truyền dạy cho Mowgli – nhân vật trong tập truyện đáng nhớ Jungle Book (1894-5) của tác giả Rudyard Kipling5. Nó xác nhận mối liên hệ giữa cậu bé rừng xanh với người bảo hộ phi-nhân (non-human), người bạn, người họ hàng của mình. Có thể, chỉ là lẽ tự nhiên khi chúng ta, bản chất là những con vật, luôn cố gắng để kết nối với các sinh vật khác. Thậm chí khi chúng ta không có khả năng nói chuyện với chúng như Bác sỹ Dolittle (Doctor Dolittle)6, hoặc chia sẻ với chúng những khía cạnh sâu thẳm nhất của đời sống chúng ta như Mowgli, thì ít nhất chúng ta có thể đắm mình – hay nhiều khả năng là có thể khám phá bản thân – khi đang nhìn ngắm chúng.

Và hơn nữa, xuyên suốt phần lớn lịch sử tiến hóa (và lịch sử gần đây) của chúng ta, sự thịnh vượng – hay thậm chí là sự sinh tồn – của chúng ta phụ thuộc vào mối quan hệ với những loài động vật khác, phần nhiều trong số chúng là thú săn mồi, còn chúng ta là con mồi của chúng. Chỉ riêng điều này đã tạo nên một ưu thế chọn lọc7 hiệu quả đối với tổ tiên chúng ta, những người đã quan tâm đến sự hiện diện cũng như các thói quen của những con vật khác, đặc biệt là những con vật to lớn và nguy hiểm, như hổ răng kiếm, gấu hang, sói tiền sử và các loại tương tự – điều này gợi ra rằng đằng sau từ “khiếp sợ” và “ghét bỏ” của Benjamin ẩn chứa điều gì đó ít khoa trương hơn thứ khoa học nhận thức về việc nhận dạng lẫn nhau để từ đó suy giảm cái tôi: đó là tự bảo vệ mình.

Vậy nên, có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà người ta đặc biệt quan tâm đến những hành động của các loài động vật săn mồi. Như nhân vật Dorothy từng thốt lên trong Phù Thủy Xứ Oz: “Sư tử và hổ và gấu, trời ơi!”, thi thoảng, dĩ nhiên, sự chú ý này thể hiện nỗi sợ hãi hơn là niềm thích thú; trong cuốn sách Snakes, Sunrises, and Shakespeare (Tạm dịch: Rắn, Bình minh, và Shakespeare) của mình, nhà sinh thái học Gordon Orians chỉ ra rằng, một cách liên-văn-hóa, người ta bẩm sinh sợ rắn và nhện, nhưng lại phải học cách phòng tránh tai nạn từ ổ điện.

Ngược lại, dù tùy lúc lại trở thành động vật ăn thịt hay động vật ăn xác thối – hoặc cả hai – tổ tiên của chúng ta luôn rình rập những loài động vật khác, và điều này đã hướng sự chú ý của họ đến lựa chọn như sau: có thể kiếm được bữa ăn như thế nào với lực lượng hiện nay, sự lựa chọn tinh vi này gồm các câu hỏi, thứ gì đang ở gần đây, có thể tìm thấy chúng ở đâu, có thể tiếp cận chúng bằng cách nào là tốt nhất. Ngắm nhìn động vật một cách cẩn thận, vì vậy, được tưởng thưởng xứng đáng: không chỉ khiến chúng ta giảm thiểu rủi ro trong việc trở thành con mồi, mà còn tăng khả năng săn mồi thành công của chúng ta.

Với những dữ liệu về tính cổ xưa trong việc thuần hóa động vật – bao gồm cả chó và những loài khác – rõ ràng loài người thời kỳ đầu đã sớm phụ thuộc vào những loài động vật thích hợp được giữ lại bên cạnh mình, khiến chúng trở thành những gia súc thồ hàng, nguồn cung trứng, sữa, thịt, và hơn nữa, có thể huấn luyện chúng thành bạn đồng hành trong việc săn bắt, thiết bị báo động khi có kẻ địch ở gần, thậm chí là cung cấp hơi ấm – không chỉ bằng da và lông, mà bằng chính thân thể của chúng theo nghĩa đen, đã ôm chặt lấy tổ tiên thuộc Thế Pleistocen của chúng ta (kéo dài từ khoảng 2.588.000 đến 11.700 năm trước – ND) trong những đêm dài của Kỷ Băng Hà lạnh cóng.

Có những cách nhìn nhận khác nhau khi ngắm nhìn động vật. Một bác sỹ thú y sẽ xem xét tình trạng sức khỏe, tìm kiếm những dấu hiệu của bệnh tật. Một cư dân thành thị có lẽ sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy những con diều hâu đuôi đỏ hoặc những con chim ưng làm tổ trên gờ của một tòa nhà cao tầng, nhưng sẽ lại thờ ơ khi nhìn vào con mồi của chúng – những con bồ câu, hay còn được gọi là những con chuột có cánh8, đó là chưa nói đến nỗi kinh hoàng mang tên gián, hay những con chuột đích thực bốn chân, đuôi dài. Một con mèo có thể nhìn thẳng vào một vị vua và ngược lại, nhưng chúng ta không nên soi mói cái miệng dơ dáy của một con ngựa vừa được tặng cho mình9. (Nhân tiện, với tư cách là một người giữ ngựa lâu năm, tôi có thể khẳng định rằng không có thứ gì giống như một con ngựa được tặng, bởi người bà con của chúng ta cần cỏ khô, vitamin, chăm sóc móng guốc, tiêm chủng và chăm sóc thú ý một cách thường xuyên. Vì vậy, bằng mọi giá, hãy nhìn vào miệng của bất kỳ một con ngựa nào được gửi đến làm quà cho bạn!) Một thợ săn nhìn vào con mồi của mình với sự pha trộn giữa nỗi hào hứng, sự xác quyết và tính toán lạnh lùng; nhiếp ảnh gia về đời sống hoang dã dõi theo đối tượng của mình cũng với những điều tương tự như thế.

Nếu chỉ trên phương diện niềm vui, thì chẳng mấy nghi ngờ rằng việc ngắm chim đứng đầu danh sách. Dù chúng có nguồn gốc từ khủng long (nghĩa là tổ tiên chung gần nhất của ta và chúng là một loài bò sát thời Kỷ Than Đá (Carboniferous-era), khoảng 300 triệu năm trước), chim là loài động vật hoang dã được ngắm nhìn kỹ càng nhất bởi một lý do chính đáng: nhiều loài trong số chúng vô cùng đáng yêu, rực rỡ sắc màu và muôn màu muôn vẻ. Các loài động vật có vú, đáng buồn thay, tương đối tẻ nhạt, chẳng ngạc nhiên khi các loài chim có thể thấy được rất nhiều màu, trái ngược với những động vật có vú – trừ các loài linh trưởng ngoại lệ như chúng ta chẳng hạn – chỉ thấy được mỗi màu xám hoặc nâu. Thêm nữa (tôi nói điều này không chỉ với tư cách là một động vật có vú, mà còn là người có các nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu là về các loài động vật có vú), các loài chim hoạt bát hơn, sống động hơn, và vì vậy đáng xem hơn so với những họ hàng, những kẻ lắm lông, những bà con chuyên-cung-cấp-sữa, và đáng xem hơn nhiều so với những loài lưỡng cư hay bò sát, bởi chúng có thể khiến người xem thất vọng tràn trề khi chẳng hề làm bất cứ việc gì trong nhiều phút – thậm chí hàng giờ.

Ngay cả khi chúng chẳng hề bay lượn, lao đi như tên, vút lên trời cao, đi bộ, lượn lờ rẽ nước, bơi lội, hay nhảy múa, chim chóc vẫn đáng được nhìn ngắm. “Cái dấu hiệu muôn đời của trí tuệ,” Ralph Waldo Emerson viết vào năm 1836, “là thấy được điều kỳ diệu trong cái thông thường10.” Hãy cùng xem qua một số loài chim rất thông thường nơi Bắc Mỹ: cái đầu màu xanh lá lung linh của vịt trời, cái mỏ cong ngược lên một cách tinh tế của chim mỏ cứng (avocet), nét sặc sỡ độc nhất vô nhị của chim sẻ màu (painted bunting). Với những dáng hình và màu sắc được miêu tả kỹ càng như vậy, khó khiến khách tham quan chọn lựa chúng mà không hề có chút thiên vị nào. Khi nói đến việc ngắm chim – và thật sự ngắm nhìn chúng – thậm chí ngay cả cái “thông thường” kia cũng vượt quá cái điều gọi là kỳ diệu, vượt quá cái điều gọi là sửng sốt. Cái ngắm nhìn kia bỗng trở thành một điều chẳng thể tin được

Ngắm nhìn khuôn mặt như hề với những màu sắc đỏ-trắng-đen đầy hài hước của một chú sẻ vàng Châu Âu – ngắm nhìn thật sự, chứ chẳng phải lướt qua sự tồn tại của nó một cách lơ đãng rồi ghi chú vài dòng ngắn ngủi vào sách vở – thách thức giác quan của chúng ta đối với cõi phàm trần này. Hay ngắm nhìn cái màu trắng thanh tao, ma mị của một con cú tuyết, bộ lông điểm trắng đi cùng cái mỏ màu vàng của chim sáo đậu (một giống loài rắc rối, được đem sang từ Vương Quốc Anh, và cư dân Bắc Mỹ thì căm ghét chúng bởi chúng giành nơi sinh sống của các loài bản địa), cái đuôi chia đôi thon gọn của chim én. Những sự tri giác đấy thách thức giác quan của chúng ta đối với cõi phàm trần này. Và khi ngắm nhìn những con vật như trên – những sinh vật “bình thường” đối với ánh nhìn mệt mỏi và ngu muội – là trải nghiệm được một cách đánh giá mới mẻ về chính thực tại này, bởi sức sống của chúng không chỉ phản chiếu mà còn phóng đại chính sức sống của chúng ta. “Hy vọng,” nhà thơ Emily Dickinson viết vào năm 1891, “là một loài lông vũ.”11

Việc ngắm nhìnngắm nhìn thực sự – động vật đã luôn truyền cảm hứng đến một thế giới gây choáng ngợp bằng bao la các sáng tạo nghệ thuật, liền mạch từ những tranh vẽ ở hang động Chauvet đến bộ các tấm thảm thêu The Lady and the Unicorn12 thời Trung Đại, và bao gồm cả những bức họa về chim chóc của John James Audubon13, cũng như bức tranh đầy ám ảnh The Dream (1910) của Henri Rousseau14. Những nhà thơ cũng có thể trở thành một người quan sát đam mê sâu sắc, như bài thơ “Jubilate Agno” của Christopher Smart được viết vào thế kỷ 1815. Được viết trong một niềm say mê tôn giáo khi tác giả bị cầm tù như một gã tâm thần, bài thơ bắt đầu bằng một lời kinh dành cho các loài động vật trước khi tán dương nhiệt liệt con mèo của tác giả, Jeoffry:

Vì gã chống lại sức mạnh bóng đêm bằng làn da sét điện cùng đôi mắt chói lòa.
Vì gã chống lại Quỷ Dữ, kẻ đã chết, bằng cách hòa nhịp cùng cuộc sống.
Vì khi đọc lời kinh buổi sáng, gã thương yêu mặt trời và mặt trời thương yêu gã.
Vì gã là dòng dõi Hổ.

Vì gã là sự kết giao của nghiêm trang và đùa giỡn.

Vì không có gì ngọt ngào hơn sự bình yên của gã khi gã đang yên giấc.
Vì chẳng có gì sống động hơn cuộc đời gã khi gã đang di chuyển.

Vì cái tinh thần thần thánh hòa vào xác thịt của gã, để tiếp tục tồn tại, trong hình dáng một con mèo.

Có lẽ bài thơ viết về động vật ưa thích của tôi là của tác giả Rainer Maria Rilke. Chuyện kể rằng vào năm 1905, sau khi Rilke đã được người thợ điêu khắc Auguste Rodin thuê làm thư ký nghệ thuật (Amanuensis) của mình, nhưng một ngày nọ Rilke tâm sự rằng ông đã mệt nhoài với cái máy đánh chữ. Rodin bèn khuyên rằng: “Hãy đến vườn bách thú [trên thực tế, đó là vườn bách thú Jardin des Plantes của Paris], và quan sát một con vật.” “Trong bao lâu?” nhà thơ trẻ hỏi. “Ngắm đến khi anh nhìn thấy được chúng. Có thể sẽ mất vài tháng.” Rilke nghe theo lời khuyên, và cuối cùng đã cho ra đời tác phẩm được xem là bài thơ tuyệt vời nhất của ông: “The Panther (tạm dịch: Con báo)16.”

Một trong những điều mà tôi thích về câu chuyện này (cũng như là về chính bài thơ), là nó nói lên được sự khác biệt giữa một ngành khoa học mà tôi được đào tạo khi còn là sinh viên (tập tính học17) và một dự án thương mại khoa học (scientific enterprise) ít cạnh tranh hơn nhiều (tâm lý học so sánh18). Cách tiếp cận của tâm lý học so sánh trong việc nghiên cứu động vật thường diễn ra trong một phòng thí nghiệm và liên quan đến việc đưa các cá thể được chọn từ một danh sách các loài động vật – thường là chuột thí nghiệm và chim bồ cầu – vào phòng thí nghiệm kiểu Skinner Box19, với mục đích quan sát được một vài đầu ra: tần suất bar-pressing20, độ trễ để bắt đầu bar-pressing, và tương tự. Chắc chắn rằng người thí nghiệm chẳng cần ngắm nhìn động vật, một khi hành vi của chúng đã được định hình một cách thích hợp, hoặc khi chúng đã học được những việc mà người thí nghiệm muốn chúng phải làm. Trái lại, tập tính học – việc nghiên cứu về mặt sinh học các hành vi động vật – đòi hỏi động vật phải được quan sát bất cứ khi nào có thể trong môi trường tự nhiên của chúng (bất đắc dĩ thì mới trong môi trường mô phỏng). Nhìn chung, ngành tập tính học khẳng định rằng các động vật được quan sát hơn là được đo lường trong khi đang thực hiện một hành động tùy tiện, áp đặt chẳng hạn như bar-pressing. Đối với ngành này, một vài tháng cũng chẳng đủ.

Tập tính học là một phiên bản khoa học của việc ngắm nhìn động vật cổ điển, tốt đẹp. Vì vậy, dù danh tiếng mà nhà linh trưởng học Jane Goodall21, một trong những người khổng lồ của lĩnh vực nghiên cứu tập tính học, có được là nhờ những khám phá quan trọng, thì trên thực tế những nghiên cứu này chỉ được ra đời khi bà dành hàng ngàn giờ, theo nghĩa đen, quan sát tinh tinh trong môi trường tự nhiên của chúng, cũng như chăm chú dõi theo từng bước di chuyển của chúng.

Cốt lõi của tập tính học là sự quan sát sâu sắc, chăm chú, chi tiết và kiên nhẫn, ngắm đối tượng với một sự chú ý tinh tế để thâm nhập vào thế giới của chúng, hơn là cưỡng bức chúng đi vào thế giới của chúng ta. Đó là điều mà Rodin và Rilke đã làm được. Nhà tự nhiên học Henry Beston ghi chép lại về điều này vào năm 1928, trong một đoạn văn mà tôi tin rằng là thứ tuyệt diệu nhất từng được viết ra về động vật, và là lời khuyên tốt nhất tôi biết về việc ngắm chúng:

Chúng ta cần một khái niệm khác sáng suốt hơn về động vật. Rời xa khỏi thiên nhiên tối thượng và sống trong những tạo tác phức tạp, người văn minh thăm dò các sinh vật qua lăng kính tri thức và thấy một cánh lông vũ đã bị phóng to, thấy toàn bộ hình ảnh đã bị biến dạng. Chúng ta bảo vệ chúng bởi sự bất toàn của chúng, bởi số phận thảm thương của chúng – cái số phận phải nhận lấy một thể sống thấp kém hơn nhiều so với chúng ta. Và chúng ta có lỗi vì những điều trên. Vì động vật không thể được đánh giá bởi loài người. Trong một thế giới xa xưa toàn diện hơn thế giới của chúng ta, với những giác quan phát triển được ban tặng mà chúng ta đã mất đi hay chưa bao giờ đạt đến, chúng sống bằng những thanh âm mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể được nghe. Chúng không phải anh em, chúng không phải thuộc hạ: chúng là những dân tộc khác, chúng bị tóm lấy cùng chúng ta trong mạng lưới đời sống và thời gian, những bạn tù của sự huy hoàng, của chuyến du hành trái đất.

Lời khuyên của tôi dành cho những người sắp trở thành những kẻ ngắm nhìn động vật là, theo cách nói của E M Forster, “chỉ có kết giao thì cuộc sống rời rạc mới không còn nữa.” Chỉ cần mở đôi mắt, tốt hơn hết là với sự hỗ trợ của ống nhòm, nhìn vào cái thực tại đời sống động vật tách biệt với đời sống chúng ta. Chuẩn bị đắm mình vào một trong những “chuyến đi” phê pha nhất, hệt như những liều thuốc gây ảo giác, nhìn qua ống nhòm và nhìn vào thế giới của động vật, đắm mình đi trong khi nhập vào – trong một thoáng – một đời sống khác, một âm vang của chính đời sống chúng ta, nhưng hoàn toàn khác biệt.

“Vết nứt có trên mọi vật,” Leonard Cohen đã hát như vậy, “Đó là cách ánh sáng tiến vào22.” Ngắm nhìn động vật khiến vết nứt ấy rộng ra thêm từng chút một, và qua đó chúng ta có một cái nhìn rõ hơn – không chỉ để nhìn vào động vật, mà còn là nhìn vào bản thân chính chúng ta.


  1. Triển lãm tự nhiên – Naturalistic exhibit: Là một môi trường nuôi nhốt động vật tự nhiên, có thể cung cấp cho du khách cảm giác như các loài động vật đang sống trong môi trường hoang dã của chúng.

  2. John Begger (1926 – 2017): Là nhà phê bình nghệ thuật, tiểu thuyết gia, họa sỹ và nhà thơ người Anh. Câu trích dẫn trên được trích từ bài luận Why Look at Animals?

  3. Religious Fundamentalism: Chủ nghĩa cơ yếu (Fundamentalism) đề cập đến niềm tin nghiêm ngặt, trung thành tuyệt đối với những nguyên tắc cơ bản, trong thực tế thường nói đến tôn giáo, hay ý thức hệ chính trị. Nhìn rộng ra, Chủ nghĩa cơ yếu thường chống lại những đổi mới để thích hợp với thời thế và đòi hỏi quay trở về nguồn gốc của một tôn giáo, hay ý thức hệ nào đó.
    Đối tượng của Chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo là các ghi chép trong kinh sách.
    Nguồn tham khảo:<https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_c%C6%A1_y%E1%BA%BFu>

  4. Birdwatching (hay Birding) – Ngắm chim: là một dạng giải trí quan sát thiên nhiên, mà đối tượng được hướng đến là các loài chim. Dạng giải trí này phát triển khá mạnh ở các nước phát triển. Một số tổ chức lớn có thể kể đến như: British Trust for Ornithology, Royal Society for the Protection of Birds, American Birding Association, Cornell Lab of Ornithology, BirdLife International. Nguồn tham khảo: < https://en.wikipedia.org/wiki/Birdwatching>

  5. Rudyard Kipling (1865 – 1936) là nhà báo, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Anh. Ông được sinh ra tại Ấn Độ, nơi đã truyền cho ông rất nhiều cảm hứng sáng tác. Jungle book (1894) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling

  6. Bác sỹ Dolittle (Doctor Dolittle) là nhân vật trung tâm trong series sách dành cho trẻ em của tác giả Hugh Lofting, bắt đầu với câu truyện The Story of Doctor Dolittle xuất bản năm 1920. Nhân vật chính là một bác sỹ xa lánh bệnh nhân – con người, thay vào đó ông gần gũi với các bệnh nhân – động vật mà ông có thể nói chuyện bằng ngôn ngữ của chúng.

  7. Ưu thế chọn lọc – Selective advantage: Các đặc điểm mà một sinh vật sử dụng nhằm để sống sót và sinh sản tốt hơn những sinh vật khác trong một quần thể môi trường tự nhiên. Đây là nền tảng cơ bản của tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên. Nguồn tham khảo: < https://en.wiktionary.org/wiki/selective_advantage>

  8. Một số người xem bồ câu giống như chuột bởi chúng lan truyền bệnh dịch và phát triển quá đông đúc tại các trung tâm thành phố lớn, ngoài ra chúng còn đi vệ sinh lên cư dân thành phố. Nguồn tham khảo: https://www.urbandictionary.com/define.php?term=winged-rats

  9. A cat may look at a king: Ngụ ý rằng mọi người đều có quyền làm người như nhau.
    Look a gift horse in the mouth: Nói đến việc một người soi mói, chê bai điểm xấu của một món quà được gửi tặng cho người đó.
    Hai câu trên ám chỉ rằng, trong trường hợp cụ thể của bài luận này, mọi con vật đều bình đẳng, và chúng ta không nên soi mói một đặc điểm của các loài động vật khác, dù đặc điểm đó khiến ta không thích (ND).

  10. Ralph Waldo Emerson (1803 – 1882): Là nhà biện luận, giáo sư, triết gia và nhà thơ dẫn dắt phong trào siêu việt (Transcendentalism) giữa thế kỷ 19, triết lý siêu việt được thể hiện trong tác phẩm Nature (Tạm dịch: Tự nhiên) viết vào năm 1836.
    Câu trích dẫn nằm trong chương Prospects (Tạm dịch: Viễn cảnh) của tác phẩm Nature. Nguyên văn: The invariable mark of wisdom is to see the miraculous in the common.

  11. Nguyên văn: Hope’ Is the Thing With Feathers, là câu mở đầu cũng là tựa đề của bài thơ cùng tên của nhà thơ Emily Dickinson viết vào năm 1891.

    Loài chim thường được xem là một loài tự do, không lệ thuộc, bằng cách miêu tả/hoán dụ “hy vọng – hope” như một loài chim, Dickinson đã tạo nên một hình ảnh đáng yêu về khao khát của con người. Nguồn tham khảo: < https://www.encyclopedia.com/arts/educational-magazines/hope-thing-feathers>

    Hope is the thing with feathers
    Hy vọng là một loài lông vũ
    That perches in the soul,
    Đậu trong linh hồn,
    And sings the tune without the words,
    Và hát những nốt không lời,
    And never stops at all,
    Và không bao giờ dừng lại,

    And sweetest in the gale is heard;
    Và nốt ngọt ngào nhất trong cơn lốc được nghe;
    And sore must be the storm
    Và sầu đau phải là cơn bão
    That could abash the little bird
    Thứ có thể khiến con chim nhỏ mơ hồ
    That kept so many warm.
    Thứ có thể khiến nhiều người ấm áp.

    I’ve heard it in the chillest land,
    Tôi nghe thấy nó trên miền lạnh giá,
    And on the strangest sea;
    Và trên những vùng biển lạ xa;
    Yet, never, in extremity,
    Nhưng, chưa bao giờ, dù cùng cực,
    It asked a crumb of me.
    Nó lại đòi hỏi điều gì.

  12. The Lady and the Unicorn (Tạm dịch: Người đàn bà và Kỳ lân) là tên gọi được đặt vào thời hiện đại cho một bộ 6 tấm thảm thêu được tạo tác tại Pháp vào khoảng năm 1500. 6 tấm thảm đại diện cho những niềm vui trần tục được cảm nhận qua các giác quan: Touch (Chạm), Taste (Nếm), Smell (Ngửi), Hearing (Nghe), Sight (Nhìn), cuối cùng là À Mon Seul Désir (to my only/sole desire – khao khát duy nhất)

  13. John James Audubon (1785 – 1851): Là nhà điểu học, tự nhiên học và họa sỹ người Hoa Kỳ. Ông được biết đến với các nghiên cứu sâu rộng mô tả tất cả các loài chim của Hoa Kỳ, cũng như nổi tiếng với các bức tranh mô tả các loài chim trong môi trường tự nhiên. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là The Birds of America (Tạm dịch: Các loài chim Hoa Kỳ).

  14. Henri Rousseau (1844 – 1910): Là họa sỹ Pháp theo trường phái hậu ấn tượng. Bức họa The Dream (tạm dịch: Giấc mơ) được vẽ vào năm 1910 là bức họa cuối cùng của ông, miêu tả cảnh vật của một khu rừng và một người đàn bà khỏa thân nằm trong đó.

  15. Christopher Smart (1722 – 1771) là một nhà thơ người Anh. Tác phẩm Jubilate Agno là một trong hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông (bên cạnh A Song to David).

  16. René Karl Wilhelm Johann Josef Maria Rilke (1875 – 2926) là nhà thơ và tiểu thuyết gia người Úc – Bohemia.
    The Panther là một bài thơ (tiếng Đức) được Rainer Maria Rilke viết vào năm 1902. Bài thơ miêu tả một con báo sau song sắt, được trưng bày tại sở thú Ménagerie du Jardin des plantes nằm tại Paris.

  17. Ethology – Tập tính học: Là một ngành nghiên cứu khoa học và khách quan về hành vi của động vật, thường tập trung vào hành vi của động vật trong môi trường tự nhiên và xem hành vi là một đặc điểm thích nghi tiến hóa.

  18. Comparative Psychology – Tâm lý học so sánh: Là một ngành nghiên cứu khoa học về hành vi và các quá trình tâm thần của các động vật không phải con người, có xu hướng nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm với những điều kiện lý tưởng.

  19. Skinner Box: Còn có tên là Operant Conditioning Chamber (Phòng Điều kiện hóa từ Kết quả). Điều kiện hóa từ kết quả (đôi khi còn được gọi là điều kiện hóa công cụ) là một phương thức học tập xuất hiện thông qua quá trình thưởng phạt các hành vi. Qua điều kiện hóa từ kết quả, một liên kết được tạo dựng giữa hành vi và một kết quả do hành vi đó mang lại. Nguồn: < https://trangtamly.blog/2018/07/31/the-nao-la-dieu-kien-hoa-tu-ket-qua-operant-conditioning/>

  20. Bar-Pressing: Trong thí nghiệm Skinner Box, một trong các công cụ dạng một nút (hoặc thanh) có thể nhấn được được sử dụng để nghiên cứu về mối liên kết giữa hành vi và kết quả. Ví dụ như người ta tiến hành thí nghiệm: Khi một con chuột trong phòng thí nghiệm nhấn nút màu xanh, nó sẽ nhận được các viên thức ăn coi như phần thưởng, khi nó nhấn nút màu đỏ, cái nó nhận được là một cú sốc điện, và xem kết quả từ thí nghiệm trên.

  21. Jane Goodall: Dame Jane Morris Goodall (sinh năm 1934) là nhà linh trưởng học, tập tính học và nhân chủng học người Anh và là sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Bà được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về tinh tinh với 45 năm nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội và gia đình của tinh tinh hoang dã trong vườn quốc gia Gombe Stream, Tanzania.

  22. Leonard Cohen (1934 – 2016) là nhạc sỹ, ca sỹ, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Canada. Lời ca trên thuộc bài hát “Anthem.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất