Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Andrew Solomon | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Ninh | Hiệu đính:  Za
06/10/2018

Cứ 40 giây lại có một người tự sát. Tại Mỹ, trong danh sách những nguyên nhân tử vong thường gặp nhất ở người trên 10 tuổi, tự sát đứng thứ 10. Nguyên nhân này phổ biến hơn nhiều so với việc bị giết hại, hay trụy mạch, hay AIDS. Mỗi năm, gần nửa triệu người Mỹ phải nhập viện sau khi tìm cách tự sát. Cứ năm người bị trầm cảm thì có một người sẽ tìm cách tự sát, và cứ 16 trường hợp tự sát không thành lại có một trường hợp tử vong. Tỉ lệ tự sát đang tăng, nhất là ở đàn ông trung niên. Những con số thống kê này đã được kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần rồi, vậy mà vẫn như nước đổ lá khoai. Tự sát có thể chỉ là một giải pháp vĩnh viễn cho một vấn đề tạm thời nào đó, nhưng cũng là một lời mời gọi đầy cám dỗ mà càng ngày càng có nhiều người bị cuốn vào.

Chúng ta thần tượng Robin Williams1 vì những màn biểu diễn đầy hưng phấn của ông. Ở đỉnh cao phong độ, ông không những cực kỳ hài hước mà còn có một vẻ điên rồ rất hấp dẫn. Nhưng những người sở hữu nguồn năng lượng dồi dào như vậy cũng có lúc tuột dốc không phanh. Nỗi tuyệt vọng của những người hoạt náo nhất dường như tỉ lệ thuận với niềm vui của họ. Tâm trạng của họ lúc lên cao vút, lúc xuống mất hút. Dù không phải ai cũng như vậy: Bill Clinton chẳng hạn, ông luôn duy trì một vẻ bận rộn và dường như không có lúc nào đuối sức hay thu mình lại. Nhưng không có nhiều người như thế.

Robin Williams không hề giấu giếm những tâm trạng rối loạn của mình. Trong một bài báo về ông đăng trên tờ The Guardian năm 2010, Decca Aitkenhead đã viết:

“Ông có một vẻ trầm mặc đến thê lương. Khi không phải giả giọng ai, ông nói bằng một giọng trầm và hơi run run, nghe như thể sắp khóc, một giọng nói rất hợp để phát biểu ở tang lễ. Ở ông toát ra một vẻ tốt bụng và nhẹ nhàng, thậm chí là mềm yếu, nhưng trên hết là một nỗi buồn.”

Aitkenhead đã hỏi Robin Williams rằng, ông có nghĩ mình sẽ thấy vui vẻ hơn không. Ông trả lời: “Tôi nghĩ vậy. Tôi không sợ cảm giác buồn. Buồn cũng không sao. Khi nghĩ như thế, bạn sẽ thấy là mọi thứ đều ổn. Đó là mấu chốt, là bí quyết đấy.” Khi đó, Aitkenhead nghĩ ông là người đa cảm, nhưng sau này nhìn lại, những lời ấy đã nói lên rằng Williams vẫn luôn phải chiến đấu với sự sợ hãi chính nỗi buồn của mình. Ông lo sợ, có lẽ vì ông biết rằng nỗi buồn ấy có thể bao trùm mọi thứ.

Khi báo đài đưa tin về các vụ tự sát, họ luôn đưa ra một “nguyên nhân,” và thế là họ đã thêm logic vào một việc không hề logic là tự kết thúc đời mình. Những câu chuyện tự tử của người nổi tiếng vẫn thường được lý trí hóa như thế, bởi vì chuyện một người đang thành công rực rỡ lại có thể cảm thấy bất hạnh thật là vô lý. Vì sao một người sở hữu rất nhiều thứ mà chúng ta hằng mơ ước lại có thể muốn kết liễu đời mình? Và bởi vì đời ai mà chẳng có lúc này lúc khác, ngành công-nghiệp-giải-thích sẽ thông báo với ta rằng hôn nhân của người đó vừa đổ vỡ, hay họ là con nghiện hết thuốc chữa, hay vừa gặp phải một tai họa trong sự nghiệp, hay bị một hội nhóm cuồng tín nào đó xúi bẩy. Nhưng Robin Williams lại chẳng có vấn đề nào như thế cả. Đúng là ông đã từng phải cai nghiện, nhưng đó là chuyện từ lâu lắm rồi. Đúng là ông đã kết hôn tới lần thứ ba, nhưng đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc và ông có vẻ rất thân thiết với các con của mình. Đúng là chương trình truyền hình gần đây nhất của ông đã bị hủy, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng gì tới việc ông là một trong những nghệ sỹ hàng đầu của thời đại này. Thế nên ông không có “lý do” gì để tự sát, cũng như hầu hết những trường hợp tự sát khác, họ không có “lý do” gì để tự sát, ngoại trừ trầm cảm (đơn cực hay lưỡng cực2), vốn là căn nguyên của hầu hết các vụ tự sát.

Tự sát cũng không phải là biểu hiện của sự “ích kỷ” hay “hèn nhát” như những kẻ ưa chuộng nguyên nhân vẫn thường kết luận. Tự sát không phải là một hành động tùy tiện. Dù tự sát có vẻ bốc đồng đến thế nào đi nữa, đây vẫn là một bước rất lớn mà không nhiều người có đủ sức hay đủ quyết tâm thực hiện. Một mặt, việc các bạn trẻ tự sát rõ ràng là một bi kịch, bởi vì họ còn trẻ, đường đời còn dài, họ còn nhiều cơ hội giải quyết vấn đề. Mặt khác, những trường hợp tự sát ở tuổi trung niên cũng đau lòng không kém, bởi vì họ đã thua cuộc sau bao nhiêu năm chiến đấu với sự thôi thúc đó. Đằng sau những câu chuyện ấy là sự thừa nhận thất bại, rằng nếu đến giờ mà mọi chuyện vẫn chưa tốt lên thì sau này cũng chẳng có hi vọng gì. Việc Robin Williams tự sát không phải là một hành vi nuông chiều bản thân của một người không dám dũng cảm chiến đấu lại những con quái vật trong chính mình. Đó là một hành động vì tuyệt vọng khi một người biết rõ rằng mình sẽ không bao giờ thắng nổi cuộc chiến đó, bất luận điều đó là đúng hay sai.

Tự sát không phải là một hành vi nuông chiều bản thân của một người không dám dũng cảm chiến đấu lại những con quái vật trong chính mình. Đó là một hành động vì tuyệt vọng khi một người biết rõ rằng mình sẽ không bao giờ thắng nổi cuộc chiến đó.

Chứng trầm cảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, và phẫu thuật tim mạch lại làm tăng nguy cơ trầm cảm. Một vòng luẩn quẩn xui xẻo. Không ai biết được liệu ca phẫu thuật tim của Robin Williams có làm chứng trầm cảm của ông nặng thêm không. Bia rượu là một chất ức chế: nó dìm những cảm giác tiêu cực xuống ít nhiều – đây là lý do vì sao nhiều người nghiện rượu – nhưng nó cũng có thể làm cho nỗi tuyệt vọng thêm cùng cực. Chưa rõ Robin Williams có uống rượu ngay trước khi tự sát hay không, nhưng mới gần đây ông có tới một trung tâm trị liệu ở Hazelden, Minnesota, để “triệt để hóa” việc bỏ rượu của mình. Nếu chúng ta muốn chơi trò tìm “nguyên nhân,” thì đấy, có vài điều hiển hiện như thế.

Chính những phẩm chất làm cho một người trở nên xuất sắc cũng là những điều dẫn họ tới tự sát. Những người thành công rực rỡ thường cầu toàn và luôn tìm cách đạt tới những tiêu chuẩn bất khả thi. Các ngôi sao thường khao khát được khán giả yêu thích và hâm mộ. Nhưng không một người cầu toàn nào có thể đạt tới những chuẩn mực mà họ tự đặt ra cho bản thân, và không một người thèm khát tình cảm nào nhận được đủ tình yêu cho mình. Hầu hết các vai diễn của Robin Williams đều thể hiện một tính cách sống động đến bất kham, một sự thôi thúc tìm kiếm, như thể luôn săn đuổi một chân lý không tên nào đó. Khi xuất hiện trước công chúng, ông không bao giờ có những biểu hiện tự cao tự đại đã thành tật ở các ngôi sao; sự nghiệp của ông là sự kết hợp giữa tính cách hướng ngoại phóng túng và những tìm hiểu thực sự về bản thân. Ông xuất sắc nhập vai sinh vật ngoài hành tinh bởi vì trong tâm tưởng ông đã tự coi mình là một kẻ xa lạ với cõi người, lúc nào cũng phải tập diễn xuất để hòa nhập với những người còn lại như chúng ta. Tự sát là tội của sự cô đơn, và những người luôn được tâng bốc thường phải chịu đựng một sự cô đơn đáng sợ. Những lúc như thế, đầu óc thông minh cũng không giải quyết được gì, và tài năng xuất chúng hầu như luôn làm cho người ta cảm thấy vô cùng đơn độc.

Ảnh: Unsplash

Vụ tự sát nào cũng làm cho những người ở lại tiếc nuối, nhưng cái chết của những hình tượng như Robin Williams thường gây xôn xao nhất. Không còn sự phấn chấn dễ lây của ông, thế giới này dường như buồn bã hơn. Và bởi vì tự sát có thể lây lan, có lẽ ngoài kia đã có những người bắt chước theo ông – họ cho rằng nếu đến cả Robin Williams cũng không làm gì được thì họ cũng bỏ cuộc thôi. Sau khi một người nổi tiếng ra đi, làn sóng tự sát thường dâng lên. Tỉ lệ tự sát ở Mỹ đã tăng thêm 12% sau khi Marilyn Monroe tự kết thúc đời mình.

Việc Robin Williams tự sát đã cho ta thấy rằng, không ai trong chúng ta là miễn nhiễm. Nếu anh muốn tự xử mình ngay cả khi anh là Robin Williams, thì tất cả chúng ta đều có thể bị tổn thương bởi những góc khuất đáng sợ đó. Nhiều người cho rằng khi giải quyết được những vấn đề cụ thể, họ sẽ thấy hạnh phúc hơn. Họ cho rằng nếu có thêm tiền, tình, hay thành công thì đời sẽ vui. Khi nhận ra lối suy nghĩ lạc quan thái quá đó hóa ra chỉ là lầm tưởng, chúng ta lại phải đối diện với một sự thật đau lòng. Niềm hy vọng của ta bị đập tan mỗi khi có ai đó nhắc nhở ta rằng, hạnh phúc không phải là thứ mặc định hay kiếm chác được; rằng chúng ta vẫn luôn bị cầm tù bởi chính bộ não không hoàn hảo của mình; rằng suy cho cùng, mỗi chúng ta vẫn là một cá thể đơn độc, và không gì có thể lay chuyển được sự đơn độc đó trong mỗi người.


  1. Robin Williams là một diễn viên xuất sắc người Mỹ. Có thể kể ra một vài vai diễn nổi tiếng của ông: Thần đèn Genie trong phim hoạt hình Aladdin; Adrian Cronauer trong phim Good Morning, Vietnam; Sean Maguire trong phim Goodwill Hunting… Ông mất do tự sát năm 2014.
    Đọc thêm về Robin Williams: https://vi.wikipedia.org/wiki/Robin_Williams.

  2. Trầm cảm đơn cực là một hội chứng tâm lý/tâm thần với các triệu chứng như mệt mỏi, buồn bã, chán nản, cảm thấy vô giá trị và có ý nghĩ tự sát… kéo dài hơn hai tuần. Trầm cảm mãn tính có thể kéo dài hàng năm. Đọc thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7m_c%E1%BA%A3m

    Người mắc rối loạn lưỡng cực trải qua cả các giai đoạn trầm cảm và các giai đoạn hưng phấn quá độ đan xen nhau. Đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Bipolar_disorder

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất