a
§ Tác giả: Elaheh Nozari | Nguồn: The Awl
Biên dịch: Uông Uyên | Hiệu đính:  Nguyên
10/04/2017
"Những ngôi nhà kẹp con đường ở giữa như cái bánh sandwich là hai loại riêng biệt và hòa vào nhau cũng như hai chất lỏng có hai trọng lượng cụ thể khác nhau. Đầu tiên là những ngôi nhà đã có từ rất lâu, với những khoảng sân sau lớn; tiếp đó là những ngôi nhà tương đối mới hơn. Không ngôi nhà mới nào có sân; một số thậm chí còn không có một chút xíu khoảng sân nào. Không đủ chỗ giữa mái hiên và lối đi để phơi hai hàng quần áo. Ở một số nơi, quần áo thậm chí còn được treo trên lối đi, buộc tôi phải đi qua hàng khăn tắm và áo sơ mi vẫn còn đang nhỏ giọt. Tôi ở gần đến nỗi có thể nghe thấy tiếng TV và tiếng xả bồn cầu phía bên trong. Tôi thậm chí còn ngửi thấy mùi cà ri trong một gian bếp." Trích truyện The Wind-Up Bird & Tuesday’s Women (Tạm dịch: Chú Chim Dây Cót & Người Phụ Nữ Của Thứ Ba) từ tác phẩm The Elephant Vanishes (Tạm dịch: Con Voi Biến Mất).

Việc viết về đồ ăn nhận lấy một sự buộc tội tồi tệ vì bị cho là ẻo lả và chảnh chọe, điều này khá là bất công vì thức ăn là một phần quan trọng trong sự tồn tại của chúng ta. Ngoài các nhà văn ẩm thực chuyên nghiệp, nhiều nhà văn viết truyện giả tưởng cũng từng mô tả các khía cạnh cảm giác và xúc cảm của thực phẩm, từ Marcel Proust đến Nora Ephron, nhưng chưa ai khai thác cái bản chất tầm thường của nó giống như nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Điều này không làm Murakami mất đi người hâm mộ, và có một số blog chỉ để nói về những món ăn mà các nhân vật của ông chuẩn bị, như blog What I Talk About When I Talk About Cooking (Tạm dịch: Những Gì Tôi Nói Khi Tôi Nói Về Nấu Ăn). Murakami viết những cốt truyện phức tạp với mức độ thông minh cảm xúc cực kỳ cao, nhưng dù cho những câu chuyện của ông tuyệt vời đến đâu, người ta khó có thể liên hệ được nhân vật của ông với đời thực, và đồ ăn mang lại sự cân bằng giữa sự siêu thực và sự bình thường. Ông đưa món ăn vào những câu chuyện của mình một cách vô vị để truyền đạt những lý do sâu xa về việc tại sao chúng ta ăn, chúng ta ăn như thế nào, và ăn cái gì.

Số trang giấy dành cho việc mô tả món ăn trong tiểu thuyết của Murakami thật không bình thường chút nào. Trong tác phẩm Dance Dance Dance (Tạm dịch: Khiêu vũ Khiêu vũ Khiêu vũ), không một ngày nào trôi qua trong cuộc sống của người kể chuyện mà anh ta không nói với người đọc về những gì anh ta đã ăn. Vậy nhưng, thức ăn không liên quan gì đến cốt truyện: cuốn sách nói về một chàng trai tìm kiếm một cô gái điếm mà anh từng yêu. Murakami mô tả chi tiết chế độ ăn uống của nhân vật không tên này với một sự sáo rỗng đáng chú ý. Trong một phân cảnh, anh ta đang ở tại một khách sạn sang trọng và tuyên bố rằng anh ta đã chán ngấy đồ ăn sáng, vì vậy anh ta đi đến Dunkin ‘Donuts và mua hai chiếc bánh muffin nhạt nhẽo. (“Một ngày bạn chán bữa sáng tại khách sạn. Dunkin ‘Donuts chính là thứ bạn cần. Nó rẻ tiền và bạn được uống thêm cà phê.”) Anh chàng này đang sống vào những năm 1980 tại Nhật Bản, nhưng chi tiết này ngay lập tức khiến anh trở nên quen thuộc và dễ liên tưởng hơn .

After Dark (Tạm dịch: Sau Khi Trời Tối) là một cuốn tiểu thuyết ngắn bắt đầu tại một cửa hàng Denny’s lúc 11:56 tối. Trong vài trang đầu tiên chúng ta gặp Takahashi, một sinh viên thổi kèn trombon đến Denny’s để ăn một bữa nhẹ buổi đêm gồm salad gà và bánh mì nướng giòn. Anh chàng bắt đầu một cuộc độc thoại ngắn về món salad gà của Denny’s, giải thích cho việc mặc dù đó là tất cả những gì anh đã gọi, anh vẫn nhìn vào thực đơn. “Chẳng phải sẽ rất buồn khi bước cửa hàng Denny’s và gọi món salad gà mà không cần nhìn vào thực đơn sao? Nó như thể nói với cả thế giới là, “Tôi đến Denny’s suốt vì tôi thích món salad gà.” Sự tự nhận thức của Takahashi về tình yêu của ông với salad gà (mà một nhân vật khác nhanh chóng lưu ý có lẽ đây toàn là “những thứ thuốc quái lạ”) thật dễ liên tưởng với chúng ta.

“Đối với Murakami, chúng ta ăn như thế nào phản ánh chính con người chúng ta.” Nguồn ảnh: Unsplash.

Đối với Murakami, chúng ta ăn như thế nào phản ánh chính con người chúng ta. Trong tác phẩm 1Q84, nhân vật Dowager1 là một góa phụ lớn tuổi giàu có, luôn ăn những thức ăn có các thành phần tự nhiên và các bữa trưa có hơi hướm món Pháp như “măng tây trắng luộc, salad Niçoise, và trứng tráng với thịt cua.” Bà ăn những phần nhỏ và uống trà, “giống như một bà tiên ở sâu trong rừng đang nhấp một giọt sương mai đầy sức sống”. Bạn sẽ cảm nhận được từ chế độ ăn uống và cách dùng bữa của bà ấy, rằng bà không chỉ là một người đầy cao quý và tinh tế, mà còn gần như là khai sáng. So sánh bà với Ushikawa, một luật-sư-chuyển-nghề-làm-điều-tra-viên-tư khiếm nhã, người đã bị gia đình bỏ rơi và không có cuộc sống gì khác ngoài việc theo dõi người khác dưới lốt vỏ công việc. Anh ta là một kẻ tệ hại chán chường và cách anh ta ăn cũng giống như vậy. Nếu bà góa phụ ăn rau tươi, thì Ushikawa ăn những đồ chế biến sẵn như món đào đóng hộp và bánh sữa mứt ngọt, và sống qua ngày mà không có lấy một bữa ăn nóng hổi. Nếu bà góa phụ đối đãi với cơ thể của bà như một ngôi đền, thì Ushikawa đối xử với cơ thể anh ta giống như một bãi rác. Bà ấy tĩnh tâm với chính mình, còn anh ta thì không.

Yuki, một cô bé 13 tuổi trong Dance Dance Dance, có một chế độ ăn uống tương tự như Ushikawa. Mặc dù hoàn cảnh của cô rất khác so với Ushikawa, khuynh hướng ăn những thứ bẩn thỉu của cô bắt nguồn từ cảm giác bị ruồng bỏ. Cha mẹ cô giàu có và nổi tiếng, nhưng họ sống riêng và không quan tâm đến cô. Cô không có bạn bè cho đến khi cô gặp người kể chuyện, hơn cô hai mươi tuổi, người trở thành bạn đồng hành kiêm người trông trẻ thân thiết của cô. Trong một phân đoạn, ông gọi và hỏi xem cô có đang ăn uống lành mạnh hay không. “Xem nào. Đầu tiên là gà rán KFC, sau đó là McDonald’s, rồi Dairy Queen,” cô nói. Khi họ đi ra ngoài, ông không cho cô ăn những đồ rẻ tiền2. Sau đó, ông đưa cô đến một nhà hàng nơi họ ăn sandwich bò nướng và bánh mì lúa mạch. Ông nói, “Tôi cũng bắt cô bé uống một ly sữa tinh khiết. Thịt mềm và có mùi cây horseradish3. Rất thỏa mãn. Đây là một bữa ăn.” Người kể chuyện đảm nhiệm công việc chăm sóc mà bố mẹ Yuki đã không làm, và nuôi dưỡng cô theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Murakami thường mô tả các nhân vật của mình chuẩn bị bữa ăn để khắc họa sự độc lập của họ. Trong Dance Dance Dance, bạn trai của mẹ Yuki là một nhà thơ chỉ có một tay, người cắt bánh sandwich giăm bông tuyệt đến nỗi người kể chuyện phải thắc mắc thành lời làm sao anh ta có thể cắt bánh mì như vậy chỉ với một tay. Trong tác phẩm Norwegian Wood (Tạm dịch: Rừng Na Uy), Toru quan sát Midori với sự ngưỡng mộ khi cô chuẩn bị bữa ăn trưa vào một buổi chiều nọ (“Chỉ một giây trước cô ấy còn đang nếm thử một món ăn đã nấu chín, mà ngay giây tiếp theo cô ấy đã ở bên cái thớt, cắt thái xoành xoạch, sau đó cô ấy lấy một cái gì đó ra khỏi tủ lạnh và đổ nó vào trong bát, và trước khi tôi kịp để ý thì cô ấy đã rửa xong một cái nồi cô vừa dùng để nấu”). Midori đã tự học nấu ăn từ năm lớp năm vì mẹ cô không quan tâm đến việc nhà. Khi chúng ta gặp cô trong truyện, cô ấy chẳng khác nào một đứa trẻ mồ côi: mẹ cô đã chết, bố cô đang hấp hối, và chị gái cô đã đính hôn. Mặc dù bị bỏ rơi, cô chăm sóc bản thân mình rất tốt.

“Việc nấu ăn không chỉ là dấu hiệu của sự độc lập mà còn là một hành vi từ bên trong để sắp xếp trật tự cho sự hỗn loạn của thế giới bên ngoài. ” Nguồn ảnh: Unsplash.

Việc nấu ăn không chỉ là dấu hiệu của sự độc lập mà còn là một hành vi từ bên trong để sắp xếp trật tự cho sự hỗn loạn của thế giới bên ngoài. Trong tác phẩm 1Q84, hai nhân vật chính, Tengo và Aomame, vô tình bước vào một thế giới phản địa đàng (dystopian universe)4, nơi họ không có quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Trong một đoạn văn, Tengo bị theo dõi bởi nhân vật Ushikawa đã nói ở trên và anh bị buộc tội lừa đảo vì viết thuê một quyển sách bán chạy nhất. Thói quen về nhà mỗi ngày và nấu ăn cho phép anh ta tránh xa và hiểu được về những chuyện đang xảy ra xung quanh mình. Anh thường nấu các món ăn trịnh trọng từ bất cứ thứ gì có trong tủ lạnh. Murakami đã nói rằng ứng biến là cách nấu ăn ưa thích của anh. Trong một đoạn, Tengo làm “cơm thập cẩm từ giăm bông, nấm và gạo lức, và súp miso với đậu phụ và wakame (rong biển)”. Nấu ăn không phải là việc nhà đối với Tengo; anh “sử dụng nó như một khoảng thời gian để suy nghĩ về những vấn đề hàng ngày, về những bài toán, về việc viết lách của anh… anh có thể suy nghĩ một cách trật tự hơn khi đứng trong bếp và di chuyển bàn tay của mình hơn là không làm gì cả.”

Bạn không cần phải đi trị liệu để biết rằng thức ăn có thể mang đến sự thoải mái, nhưng với Murakami, sự thoải mái cũng được tìm thấy trong chánh niệm bắt nguồn từ việc chuẩn bị đồ ăn. Trong cuốn The Wind-Up Bird Chronicle (Tạm dịch: Biên niên ký chim vặn dây cót), Toru mới thất nghiệp và dành hầu hết thời gian để nấu ăn và tìm kiếm con mèo bị thất lạc của mình. Ở phần đầu của cuốn sách, điện thoại đổ chuông trong lúc anh đang làm mì ống (chương 1) và bánh sandwich cà chua và phô mai (chương 3), và anh cố không trả lời cho đến khi anh chuẩn bị xong đồ ăn. “Tôi để điện thoại đổ chuông ba lần và cắt bánh sandwich làm đôi. Rồi tôi đặt nó lên một cái đĩa, lau con dao, và cất vào ngăn đựng dao kéo, trước khi rót cho mình một tách cà phê tôi đã làm ấm. Điện thoại vẫn tiếp tục vang lên.” Toru chú ý đến từng bước nhỏ vặt vãnh trong chuỗi hành động này; bằng cách để điện thoại đổ chuông, anh đang cố ngăn chặn thế giới bên ngoài không xâm nhập vào thói quen của mình.

Như bất kỳ người ăn uống vô độ bình thường nào khác có thể chứng thực, đôi khi chúng ta ăn để lấp đầy một khoảng trống. Trong truyện ngắn “The Second Bakery Attack” (Tạm dịch: “Cuộc tấn công thứ hai vào tiệm bánh”), một cặp vợ chồng mới cưới thức dậy vào lúc nửa đêm vì đói không chịu nổi. Họ đã kết hôn hai tuần và không hoàn toàn thoải mái với nhau (“chúng tôi vẫn chưa có một sự thấu hiểu căn kẽ về các quy định đối với thói quen ăn uống của nhau. Chứ chưa nói gì đến những thứ khác.) Nói ngắn gọn, sau khi không tìm được chút đồ ăn nào trong bếp, họ lái xe đến McDonald’s để ăn cướp, nhưng thay vì đòi tiền, họ đòi 30 phần Big Mac. Anh ăn sáu cái, cô ăn bốn cái, và ngay khi sự đói khát biến mất, họ cảm thấy gần gũi hơn.

Trong tác phẩm Kafka on the Shore (Tạm dịch: Kafka bên Bờ biển), khi Kafka chạy trốn khỏi nhà, cậu ở tại một khách sạn và ăn một bữa sáng lớn có bánh mì nướng, sữa nóng, giăm bông, và trứng. Đó là một bữa ăn bổ dưỡng, nóng hổi mà có thể làm cậu no bụng, nhưng cậu vẫn không no. Khi cậu nhìn một cách vô vọng vào xung quanh trong vài giây, tiếng nói trong đầu cậu (“một cậu bạn tên Crow”) đã thốt lên, “Cậu sẽ không về nhà nữa, nơi cậu có thể ngấu nghiến bất cứ thứ gì cậu thích… Cậu đã bỏ nhà ra đi, đúng không? Tập làm quen với điều đó đi. Cậu đã quen với việc dậy sớm và ăn một bữa sáng có rất nhiều món, nhưng những ngày đó đã qua rồi, bạn tôi ạ”. Cậu vừa mới rời bỏ một cuộc sống no đủ nhưng cô đơn tại nhà của cha mình với ý định mơ hồ là “đi đến một thị trấn xa xôi và sống ở một góc của một thư viện nhỏ.” Cậu đã chọn một nơi ngẫu nhiên (“Shikoku, tôi quyết định rồi. Đó là nơi tôi sẽ đến. Không có lý do đặc biệt nào để chọn Shikoku cả, chỉ là việc nghiên cứu tấm bản đồ khiến tôi có cảm giác đó là nơi tôi nên đến.”) Cậu vẫn chưa đến đích hay nhận ra lý do trong tiềm thức đằng sau việc muốn rời khỏi nhà, nhưng cơn đói không thể thỏa mãn của cậu chỉ là dấu hiệu cho sự lưu vong của cậu; giống như là cậu không thể cảm thấy no trừ khi cậu có một chỗ ổn định.

“Cậu vẫn chưa đến đích hay nhận ra lý do trong tiềm thức đằng sau việc muốn rời khỏi nhà, nhưng cơn đói không thể thỏa mãn của cậu chỉ là dấu hiệu cho sự lưu vong của cậu; giống như là cậu không thể cảm thấy no trừ khi cậu có một chỗ ổn định.” Nguồn ảnh: Unsplash.

Có một đoạn văn trong truyện Kafka on the shore kể về huyền thoại từ Hội luận của Plato (Plato’s Symposium), rằng mỗi người (ban đầu) được cấu thành từ hai người, và sau đó Thượng đế đã chia tất cả mọi người ra làm hai để họ phải dành cả cuộc đời để tìm kiếm nửa còn lại của mình. Ý tưởng này – và cái điều tương ứng là con người vốn là một sinh vật cô đơn – có thể dễ dàng nhận thấy trong nhiều câu chuyện của Murakami, đặc biệt là khi nhân vật của ông đang ăn. Sự tán tỉnh của Midori và Toru trong Norwegian Wood diễn ra trong bữa ăn. Họ gặp nhau lần đầu tiên tại một quán ăn yên tĩnh gần trường đại học của họ: Toru đang ăn một mình (một món trứng tráng với nấm và salad đậu xanh) và Midori, người nhận ra anh từ lớp học, để bạn bè cô lại và đi qua chỗ anh để tự giới thiệu. Cô hỏi liệu cô có làm gián đoạn bữa ăn của anh không và anh trả lời ngay, “Không, không có gì để gián đoạn cả.” Người đọc nhận ra Toru có cảm tình với Midori khi cô không đến trường và anh thành ra ăn một “bữa trưa cô độc lạnh lẽo, vô vị.”

Trong khi một mối quan hệ được xây dựng trên việc chia sẻ các bữa ăn trong Norwegian Wood, một câu chuyện khác lại trở nên dang dở trong cuốn The Wind-Up Bird Chronicle. Toru đảm nhận những công việc nhà như mua sắm tạp hóa và nấu bữa tối trong khi vợ anh, Kumiko, làm việc. Cô thường có mặt ở nhà lúc 6:30 tối, nhưng một tối nọ cô không về cho đến tận 9 giờ. Toru bắt đầu chuẩn bị một món xào thập cẩm gồm thịt bò, hành tây, ớt xanh, và giá đỗ khi cô về nhà, nhưng khi anh đang nấu nó, cô bắt đầu gây sự với anh bởi vì anh không biết rằng cô “tuyệt đối căm ghét thịt bò xào với ớt xanh.” Đó chính xác là kiểu cãi nhau vô lý khi bạn đang khó chịu với ai đó và cần một lý do để gây sự, và nó báo trước về tương lai của họ với tư cách một cặp vợ chồng. Một vài chương sau đó, cô không về nhà nữa, và Toru vô vọng đi quanh bếp và ăn sáng một mình. Điều này thực sự đau lòng hơn bề ngoài: họ chưa bao giờ bỏ lỡ bữa ăn sáng với nhau kể từ khi họ cưới – đó là sự khởi đầu của sự kết thúc.

“Ông mô tả các chi tiết liên tiếp về việc các nhân vật của ông ăn và chế biến thức ăn, và hành động của họ ngay lập tức trở nên quen thuộc với chúng ta khi chúng ta nhìn họ thông qua lăng kính này.” Nguồn ảnh: Unsplash.

Trong một cuộc phỏng vấn về “Nghệ thuật Giả tưởng” với tạp chí Paris Review, Murakami nói công việc nhà văn giả tưởng của mình là “quan sát mọi người và thế giới, và không đánh giá gì cả.” Ông mô tả các chi tiết liên tiếp về việc các nhân vật của ông ăn và chế biến thức ăn, và hành động của họ ngay lập tức trở nên quen thuộc với chúng ta khi chúng ta nhìn họ thông qua lăng kính này. Chúng ta đều đã trải qua cảm giác thèm đồ ăn vặt của Yuki khi chúng ta cảm thấy trong lòng trống rỗng, những làn sóng yên bình của Tengo khi chúng ta nấu bữa tối ở nhà sau một ngày căng thẳng, và cả cảm giác cô đơn lẫn khát khao của Torus khi chúng ta ăn một bữa ăn một mình mà ta muốn ăn cùng ai đó ta quan tâm.

Murakami sử dụng món ăn để truyền đạt cảm xúc phổ quát về sự dễ chịu, tình yêu, sự gắn kết, và sự độc lập. Như Toru quan sát trong khi ăn một trái dưa chuột trong Norwegian Wood, “Thật tuyệt vời khi ăn thức ăn ngon. Nó làm cho bạn cảm thấy mình đang sống.” Việc nhân vật có thể quan sát như vậy dù anh chỉ đang ăn loại rau có vị gần như nước lã và chẳng có tí calo nào cho thấy rằng bạn có thể tìm được sự hài lòng ngay cả trong những điều đơn giản nhất. Bạn có thể ăn dưa chuột mà không nếm mùi vị của nó, hoặc bạn có thể sống, và trân trọng một hương vị tươi mới ẩn dưới lớp vỏ bọc đắng cay. Chúng ta không ăn chỉ để sống, chúng ta ăn để trải nghiệm cuộc sống.


  1. Dowager theo từ điển Oxford có nghĩa là người phụ nữ lớn tuổi giàu có, nhân vật này trong tác phẩm 1Q84 của Haruki Murakami được gọi là quả phụ nhân hay bà chủ. Tên thật của bà là Ogata Shizue, một goá phụ giàu có khoảng 70 tuổi sống ở “Willow House” (Tạm dịch: Biệt thự Cây Liễu) ở khu Azabu. Bà lập nên một nơi cưu mang cho những người phụ nữ phải chịu cảnh bạo lực trong gia đình, và khi gặp được Aomame (nhân vật chính trong truyện), bà đã thuyết phục cô cùng bà ngấm ngầm trừng phạt những gã đàn ông bạo lực đó.

    Độc giả quan tâm có thể xem thêm tại đây.

  2. Trong bản gốc là “junk food,” chỉ những đồ ăn rẻ tiền không lành mạnh, chứa nhiều calories từ đường và chất béo, không có nhiều chất xơ, vitamin, protein, và chất khoáng.

  3. Horseradish theo tiếng Việt thường được gọi là “cải ngựa”; trong tác phẩm của Haruki Murakami là loại sốt làm từ rễ của loại cây này trộn với giấm. Nó được dùng chung với thịt bò nướng, bánh mì hoặc với salad.
    Đối với người Nhật, mặc dù theo truyền thống thì loại sốt ăn kèm này được làm từ cây wasabi (một loại cây cùng họ Brassicaceae với cây cải ngựa), tuy nhiên hiện nay thì thường được làm bằng cây cải ngựa vì sự khan hiếm của cây wasabi.

  4. Dystopia (phản địa đàng) là một từ gốc Hy Lạp chỉ các xã hội, các thế giới phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ. Các xã hội dystopia xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt các tác phẩm lấy bối cảnh tương lai để thể hiện sự phi nhân tính, chế độ độc tài, thảm hoạ môi trường, và các yếu tố liên quan đến sự thoái hoá xã hội. 1984 và Brave New World là hai tác phẩm dystopia nổi tiếng nhất.

    Các xã hội dystopia xuất hiện trong rất nhiều dòng viễn tưởng và tiểu thuyết để thu hút sự chú ý cảu độc giả đối với các vấn đề đang tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ, chẳng hạn như về xã hội, môi trường, chính trị, kinh tế, tôn giáo, tâm lý, đạo đức, khoa học và/hoặc công nghệ. Tuy nhiên, một số tác giả cũng sử dụng thuật ngữ này để chỉ các xã hội thực sự hiện hữu, nhiều trong số đó là hoặc đã là các nhà nước độc tài, hay các xã hội đang trong giai đoạn sụp đổ và tan rã.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất