a
§ Tác giả: Alicia Ault | Nguồn: Smithsnonian Magazine
Biên dịch: Đình Đức | Hiệu đính:  K
04/03/2022

Giải quần vợt Pháp mở rộng sôi sục khi Naomi Osaka, một ngôi sao thể thao đồng thời là phụ nữ da màu, đã rút lui khi đối mặt với những đe dọa sau khi cô quyết định không tham gia họp báo sau trận đấu. Lập trường của Osaka đưa ra là nhằm bảo vệ bản thân, nhưng hành động này của nữ vận động viên cũng bất chấp các quy tắc và truyền thống lâu đời. Hành động của cô gợi lại thành tích đột phá của Althea Gibson cũng tại Roland Garros cách đây 65 năm, khi bà trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên giành chức vô địch quần vợt Pháp.

Đó không phải là lần đầu tiên Gibson phá vỡ giới hạn màu da trong một môn thể thao vốn từ đầu gắn liền với giới tinh hoa da trắng. Năm 1950, ở tuổi 23, Gibson là người Mỹ gốc Phi đầu tiên thi đấu tại Giải vô địch quốc gia Hoa Kỳ, ngày nay được gọi là giải Mỹ mở rộng.

Nhưng chỉ đến khi bà đánh bại Angela Mortimer với tỉ số 6-0, 12-10 và đạt danh hiệu Grand Slam tại Pháp, Gibson mới giành được sự công nhận của quốc tế của và đạt được những thành công vĩ đại hơn. Trong hai năm kế tiếp, Gibson xuất hiện trong 19 trận chung kết quan trọng, giành được 11 danh hiệu, bao gồm hai danh hiệu đơn nữ tại Giải Wimbledon (nơi bà được Nữ hoàng Elizabeth II chúc mừng) và hai danh hiệu đơn nữ tại Giải vô địch quốc gia Hoa Kỳ. Bà cũng đã giành được năm danh hiệu Grand Slam đôi nữ.

Sau chiến thắng tại Forest Hills ngày 11 tháng 7, 1957, Gibson được nghênh rước trên Đại lộ Broadway – trở thành người Mỹ gốc Phi thứ hai, sau Jesse Owens có được vinh dự này.

Sau chiến thắng tại Forest Hills ngày 11 tháng 7, 1957, Gibson được nghênh rước trên Đại lộ Broadway – trở thành người Mỹ gốc Phi thứ hai, sau Jesse Owens có được vinh dự này.  Ảnh: Wikimedia Commons

Gibson đã phải trải qua một chặng đường dài trước khi có những thành tích này. Bà bắt đầu chơi quần vợt khi còn là một thiếu niên ở khu Harlem tại Thành phố New York, và đã thắng nhiều giải đấu nghiệp dư cấp quốc gia — hầu hết được tài trợ bởi Hiệp hội Quần vợt Mỹ (ATA), một lời đáp trả từ người Mỹ gốc Phi dành cho Hiệp hội Quần vợt Sân cỏ Hoa Kỳ trắng phau (tiền thân của USTA – Hiệp hội Quần vợt Hoa Kỳ – ngày nay). Mặc dù đã chứng tỏ năng lực bản thân trên sân trong nhiều thập kỷ, nhưng cho đến trước giải Pháp mở rộng năm 1956, bà chưa bao giờ được coi là một tay vợt hàng đầu, chủ yếu bởi sắc tộc của mình.

Ashley Brown, nhà sử học tại Đại học Wisconsin, người đang viết tiểu sử về Gibson cho biết: “Thể thao Mỹ vẫn bị phân hóa sâu sắc.” Người phụ nữ New York da đen ấy không thể phát triển nếu không có sự hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ da đen đứng ra nuôi dưỡng và duy trì sự nghiệp của bà. Nhưng Gibson cũng ghi nhận vận động viên Jackie Robinson – người đã gia nhập Liên đoàn Bóng chày Mỹ vào năm 1947 – là người truyền cảm hứng cho việc bà tham gia thi đấu ở Giải vô địch quốc gia Hoa Kỳ ở Forest Hills, New York, ba năm sau.

Gibson chỉ tham gia Giải quốc gia Hoa Kỳ sau khi Alice Marble, nhà vô địch Grand Slam đáng kính của Mỹ, đăng đàn trên tờ American Lawn Tennis vào tháng 7 năm 1950 lên án sự cố chấp của môn thể thao này. “Nếu [Gibson] bị từ chối cơ hội dù thành công hoặc thất bại, thì đó là một chấp nê [trích] đối với môn thể thao mà tôi đã hiến gần trọn cuộc đời,” Marble viết, theo một bài báo của Brown trên Chuyên trang Lịch sử thể thao, “Đối với tôi, Althea [Gibson] là một vận động viên đồng nghiệp và vì vậy, cô ấy xứng đáng có cùng cơ hội để chứng tỏ bản thân mình giống như tôi.” Theo Ashley Brown, Forest Hills là một giấc mơ thành hiện thực. Gibson từng tự hứa với bản thân rằng “Một ngày nào đó, tôi sẽ chơi ở đấy”.

Gibson thắng trận đầu tiên. Trận thứ hai với Louise Brough danh tiếng bị cơn mưa làm gián đoạn. Theo một bài báo của USTA, khi tia sét đánh vỡ bức tượng đại bàng đá trên nóc sân, Gibson đã nói: “Đó là điềm báo rằng thời thế đang thay đổi”.

Damion Thomas, giám tuyển tại Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Phi thuộc Viện Smithsonian, cho biết tính hội nhập của quần vợt là “khác biệt và riêng biệt với tính hội nhập của các môn bóng chày, bóng rổ hay bóng bầu dục”. “Bạn đang nói về một môn thể thao tinh hoa, một country-club1 mang một ý nghĩa rất khác trong xã hội.”

Gibson được vinh danh tại Đài Danh vọng Quần vợt Quốc tế ở Newport, tiểu bang Rhode Island, vào tháng 2/2021 trong một chương trình ảo do Thomas dẫn cùng với sự tham gia của Katrina Adams, người phụ nữ da đen đầu tiên giữ chức chủ tịch USTA. Gibson đã đặt nền móng cho các thế hệ vận động viên da đen cả nam lẫn nữ khao khát chứng tỏ mình xứng đáng được ra sân thi thố với các đối thủ da trắng — trong đó có Adams, chơi ở giải chuyên nghiệp từ năm 1988 đến 1999, và hai chị em Venus rồi Serena Williams, cùng nhiều vận động viên khác.

Gibson từng có lúc không được nhận tiền thưởng và các khoản tài trợ béo bở vì bà thi đấu với tư cách nghiệp dư. Quần vợt trở thành thể thao chuyên nghiệp năm 1968. Và bà thì không thi đấu cốt để giành được sự “chấp nhận” của khán giả da trắng. Brown nhận định: “Cô ấy là một người có tính cạnh tranh sâu sắc”. Tác giả cũng chia sẻ: “Cô muốn chiến thắng và muốn thử thách bản thân.”

Thomas nói về Gibson và các vận động viên khác ở thời điểm đó như sau: “Mục tiêu không phải là vào được country club, mà là dành được nhiều nhất những cơ hội sẵn có để thi đấu ở những trình độ cao nhất, cũng như thách thức các quan niệm về sắc tộc.”

Gibson không lớn tiếng về vấn đề chủng tộc. Theo Thời báo New York, bà trả lời một phóng viên vào năm 1957 rằng, “Tôi không coi mình là người đại diện cho đồng bào của mình. Tôi chỉ đang nghĩ về tôi chứ không phải ai khác.” Thomas cho rằng bà đã được nuôi dạy để tin rằng sự nỗ lực xuất chúng của mỗi cá nhân có thể gặt hái về cơ hội và cơ hội tiếp cận tốt hơn cho tất cả người Mỹ gốc Phi.

Althea Gibson dành hai danh hiệu đơn nữ tại Câu lạc bộ quần vợt All England ở Wimbledon, nơi bà được Nữ hoàng Elizabeth II chúc mừng. Ảnh: NMAAHC, © AELTC, Michael Cole

Các cố vấn của Althea Gibson — Hubert Eaton, một bác sĩ người Mỹ gốc Phi ở Wilmington, bang North Carolina, và Robert Walter Johnson, một bác sĩ da đen ở Lynchburg, Virginia — đã dạy cho bà cách “hòa nhập” vào thế giới của country club, cách kiềm chế cảm xúc, và cách thể hiện bản thân theo phong cách “quý phái” thường được kỳ vọng ở các vận động viên quần vợt nữ. Gibson vẫn chọn quần sooc và quần dài, và để tóc ngắn. Brown cho biết Gibson đôi khi xung đột với giới truyền thông da đen và giới mộ điệu, những người luôn đặt kỳ vọng định chuẩn quá lớn vào mình. Trong một bài viết trên Chuyên trang Lịch sử Người Mỹ gốc Phi, Brown lại viết, Gibson “không nhất thiết quan tâm đến việc tuân theo những tư tưởng bày sẵn về cách chơi môn thể thao này”. Bà thường bị chỉ trích là “giống như đàn ông” bởi chiều cao 1 mét 80 và chơi thể thao đối kháng. Đôi khi, Gibson tỏ ra hung dữ, thậm chí còn bị mô tả là bẳn tính – có lẽ là kết quả của những bài học quyền anh từ người cha cũng như việc bị ông bạo hành trong quá khứ.

Thomas nói, cách kiểm soát cảm xúc mà bà học được rất quan trọng để chơi một môn thể thao cá nhân như quần vợt và cũng giúp bà mỗi khi gặp phải phân biệt chủng tộc dù dưới dạng tinh vi hay sỗ sàng. Ngay cả khi đã nổi tiếng, Gibson, giống như hầu hết người Mỹ gốc Phi, vẫn không được chào đón tại các khách sạn hoặc câu lạc bộ “chỉ dành cho người da trắng” khi đi du đấu. Thay vào đó, bà ở với bạn bè hoặc người quen giới thiệu, hoặc tại các khách sạn do người da đen sở hữu, Brown nói thêm.

Eaton và Johnson khuyên bà rằng hãy đánh bất kỳ quả bóng nào cách mặt đất 5cm— về cơ bản là hãy “phóng khoáng” trong việc hô bóng vào hoặc ra — đồng thời chú ý tránh tạo ra bất kỳ hành động tiêu cực nào với đối thủ da trắng, Thomas cho biết.

Sinh năm 1927 tại Nam Carolina, Gibson là con gái của hai vợ chồng nông dân lĩnh canh2 chuyển đến New York để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, định cư trên Phố 143, Harlem năm 1930. Cô bé vận động viên bắt đầu với việc chơi vợt gỗ trên phố nhà, nơi tổ chức Police Athletic League thường tổ chức các trận đấu, để rồi trở thành nhà vô địch ở tuổi 12. Một người hàng xóm, nghệ sĩ saxophone Buddy Walker, là người phát hiện ra tài năng của cô gái trẻ và mặc dù bản thân không dư dả, đã mua tặng những cây vợt tennis đã qua sử dụng và bắt đầu tập với những cú đánh.

Gibson thu hút sự chú ý của Fred Johnson, giảng viên tại Câu lạc bộ Quần vợt Cosmopolitan cho người da đen ở Harlem. Vào những năm 1940 và 1950, có đến 150 câu lạc bộ như vậy. Các thành viên câu lạc bộ đã trả tiền cho tư cách thành viên của bà và bắt đầu tài trợ cho để bà tham gia các giải đấu do ATA bảo trợ. Từ năm 1947, Gibson đã giành được danh hiệu quốc gia ATA trong 10 năm liên tiếp. Năm 1949, cô giành được học bổng quần vợt tại Florida A&M, một trường đại học trước đây dành riêng cho người Mỹ da đen ở Tallahassee.

Khi còn là sinh viên đại học, bà không chỉ thi đấu tại giải Forest Hills mà còn ở Wimbledon lần đầu tiên vào năm 1951. Gibson vẫn chưa có được sự công nhận ngang với các tay vợt nữ da trắng đương thời – chẳng hạn như Louise Brough, Maureen Connolly hay Doris Hart.

Nhưng sau đó, cuộc đời bà đã thay đổi vào năm 1955. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu Gibson thực hiện chuyến thi đấu thiện chí quốc tế cùng với ba vận động viên khác đều là người da trắng. Brown cho rằng Gibson được chọn một phần vì một sự kiện đáng nhớ khác diễn ra vào năm 1955 – sự kiện hành hình Emmett Till. Thomas cho rằng, Bộ Ngoại giao coi Gibson là lá chắn hoàn hảo để phản biện chiến dịch của Liên Xô muốn khắc họa nước Mỹ là một quốc gia phân biệt chủng tộc.

Gibson và ba vận động viên da trắng đã du đấu ở Đông Nam Á trong sáu tháng, chơi các trận đấu giao hữu, gặp gỡ các chức sắc và người dân địa phương, còn dạy quần vợt cho trẻ em nữa. Thomas nói: “Bà ấy ghi nhận chuyến đi này đã cho mình cơ hội tập trung vào quần vợt.” Khi chuyến du đấu kết thúc, Gibson ở lại nước ngoài thêm sáu tháng, điều này dẫn đến bước đột phá lớn nhất trong quần vợt của bà. Năm 1957, bà trở về quê nhà để giành chiến thắng tại Forest Hills, sau đó được tặng một cuộc diễu hành hoành tráng tại Broadway. Bà trở thành người Mỹ gốc Phi thứ hai, sau Jesse Owens, nhận được vinh dự này. Năm đó, Gibson đã xuất hiện trên trang bìa của cả hai tạp chí Sports IllustratedTime.

Thomas chia sẻ, “Ai mà nghĩ được rằng bà ấy sẽ có được ngày này, được hết Nữ hoàng và các vị tổng thống rồi cả nước Mỹ chúc mừng.”

Tuy nhiên, ngay sau đó, Gibson giải nghệ thi đấu nghiệp dư và nỗ lực trở thành một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp, nhưng môn thể thao này không kiếm được nhiều tiền, đặc biệt là đối với phụ nữ. Brown nói rằng việc nghỉ hưu của bà không phải là một điều bất ngờ, và nhấn mạnh rằng Gibson đã bắt đầu chơi quần vợt từ năm 13 tuổi, và tới năm 31 tuổi, thể chất của bà cũng đã tới giới hạn. Brown cho rằng bà cũng đang tìm kiếm một sự thay đổi, và quan trọng hơn là sự ổn định tài chính.

Gibson giải nghệ nghiệp dư và nỗ lực trở thành một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp (ảnh chụp năm 1959), nhưng bộ môn này không kiếm được nhiều tiền, đặc biệt là đối với phụ nữ. Brown nói rằng việc nghỉ hưu của Gibson không phải là một điều bất ngờ, và nhấn mạnh rằng bà ấy đã bắt đầu chơi quần vợt từ năm 13 tuổi, và tới năm 31 tuổi, thể chất của bà cũng tới giới hạn. Ảnh: NMAAHC

Gibson đã chơi các trận đấu giao hữu trong một chuyến du đấu cùng đội bóng rổ huyền thoại Harlem Globetrotters và trở lại với niềm yêu thích ca hát thuở xưa bằng việc thu âm một album. Album này không bán chạy. Sau đó, bà quay trở lại với thể thao, trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên tham gia giải đấu của Hiệp hội Golf Nhà nghề nữ (LPGA) vào năm 1964, khi đã 37 tuổi. Các giải đấu mang lại tài chính, nhưng Gibson chưa bao giờ giành được danh hiệu LPGA. Brown nói: “Một số người có thể nói rằng tôi hơi quá lời khi nói rằng Althea Gibson đã đạt được thành công tầm trung khi chơi golf.”

Sau sự thất vọng đó, Gibson đã thử sức mình với nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả tranh cử thất bại vào Thượng viện bang New Jersey năm 1977. Bà làm giám đốc thể thao của Hạt Essex, bang New Jersey, rồi trở thành giám đốc giải trí thành phố East Orange, rồi trở lại quần vợt bằng cách điều hành các trung tâm dạy quần vợt ngắn hạn và các chương trình dạy quần vợt cho các khu vực đô thị kém phát triển. Cuối cùng, bà đã có hai đợt huấn luyện ngắn hạn, cố vấn cho Leslie Allen và Zina Garrison, cả hai đều là phụ nữ da đen đã tham gia thi đấu giải chuyên nghiệp.

Nhưng không như nhiều vận động viên quần vợt chuyên nghiệp thời nay — và thậm chí một số tay vợt nghiệp dư những năm trước đây— Gibson không bao giờ được trao cơ hội để chuyển thành công trên sân của bà thành một công việc giảng dạy tại một khu nghỉ mát hoặc câu lạc bộ, hoặc vị trí huấn luyện viên dài hạn hay sự nghiệp truyền hình. Thomas nói: “Hầu hết các ngôi sao quần vợt tầm cỡ bà ấy đều tiếp tục kiếm sống bằng quần vợt. Nhưng Gibson thì không.”

Brown cho rằng chủng tộc và giới tính của Gibson là hai lý do chính khiến bà không bao giờ được mời giảng dạy. “Việc tung hô tài năng của tôi trước công chúng thì không tốn đồng nào, nhưng để thuê một người da đen — một phụ nữ da đen — dạy cho các thành viên câu lạc bộ da trắng đòi hỏi nhiều can đảm hơn nhu cầu ‘chi trả’ của các chủ câu lạc bộ,” Gibson nói , theo Brown, viết trên Chuyên trang Lịch sử Thể thao.

Gibson cũng đã từng nói rằng bà không đặc biệt hứng thú đến việc huấn luyện. Tuy nhiên, Brown nói, “chúng ta không khỏi có suy nghĩ bà ấy sẽ chấp nhận bất kỳ công việc nào”, vì mong muốn ổn định tài chính.

Bà được vinh danh tại Đài Danh vọng Quần vợt Quốc tế vào năm 1971, nhưng không được USTA chính thức công nhận cho đến năm 2019, khi Vườn điêu khắc Althea Gibson được khánh thành tại khuôn viên U.S. Open, hiện ở Flushing Meadows, New York.

Đó là một đoạn kết buồn vui lẫn lộn từ USTA. Vào những năm 1980, sau khi Gibson trải qua vài lần đột quỵ và đang trên bờ vực phá sản, không một tổ chức quần vợt nào đáp lại lời cầu cứu của bà. Chưa hết, Gibson đã tặng nhiều món đồ giá trị nhất của mình cho Bảo tàng Smithsonian, “vào thời điểm mà việc bán đi những món đồ này có thể hữu ích và mang lại tiền bạc cho bà,” Thomas nói.

Hai trong số những người bạn thân của Gibson — đồng đội cũ của bà, Angela Buxton, người Úc và Frances Clayton Grey, ở East Orange — đã loan tin rằng Gibson cần giúp đỡ và quyên góp để giúp bà vượt qua khốn khó.

Gibson mất năm 2003, hưởng thọ 76 tuổi.

Câu chuyện về Althea Gibson không chỉ về một cá nhân đơn lẻ có được thành công bất kể xuất thân khiêm tốn, đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính không thôi. Đó còn là câu chuyện “gợi cho chúng ta suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra với tất cả các vận động viên sau khi họ nghỉ hưu và tiếp tục cuộc sống,” Brown nói. Bà kết luận: “Mọi người dễ dàng bước tiếp và quên đi những người đi trước.”


  1. Một tổ chức tư nhân – có thể là tổ chức xã hội hoặc thể thao – đặt tại vùng quê. Câu lạc bộ này chỉ mở cho thành viên và khách của thành viên.

  2. sharecropper (người lĩnh canh) là người nông dân thuê đất phải chia một phần mùa màng của mình trả cho người chủ đất

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Con người cũng là động vật
Khi loại bỏ những áp đặt về tư duy của con người lên động vật, chúng ta sẽ nhận ra, bản thân từng loài động vật cũng có tư duy đặc biệt theo cách của riêng chúng.
Mới nhất