Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Jared Diamond | Nguồn: Discover Magazine
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
02/06/2016

Chúng ta nợ khoa học nhiều thay đổi lớn trong cách chúng ta nhìn nhận tự mãn về bản thân mình. Thiên văn học dạy chúng ta rằng trái đất chẳng phải trung tâm của vũ trụ mà chỉ là một trong hàng tỉ các thiên thể khác. Nhờ sinh học chúng ta biết được là ta chẳng phải được đặc biệt tạo ra bởi Chúa Trời, mà cũng tiến hóa qua hàng triệu năm như bao loài khác. Và giờ thì khảo cổ học đang phá bỏ một niềm tin linh thiêng khác: rằng lịch sử nhân loại trải qua hàng triệu năm là một câu chuyện dài về sự tiến bộ. Cụ thể hơn, các phát hiện gần đây gợi ý rằng nông nghiệp, vốn được mặc định là bước tiến quả quyết nhất của chúng ta tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, lại là một thảm họa mà chúng ta chưa bao giờ thoát ra được. Nông nghiệp đã sinh ra những bất bình đẳng xã hội và giới tính khủng khiếp, những dịch bệnh và chế độ chuyên quyền, mà đã đặt lời nguyền lên sự tồn tại của chúng ta. Ban đầu, với những người Mỹ ở thế kỷ 20, có nhiều bằng chứng chống lại cách nhìn theo chủ nghĩa xét lại (revisionism) này, và những bằng chứng đó không thể chối cãi được. Trong hầu như tất cả các khía cạnh, chúng ta có một cuộc sống tốt hơn người Trung Cổ, người Trung Cổ thì lại hơn người thời kì đồ đá, và đồ đá thì hơn loài vượn. Cứ thử đếm những mặt thuận lợi của ta mà xem. Chúng ta có lượng thức ăn dồi dào và đa dạng, những công cụ và hàng hóa tốt nhất, cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ dài nhất trong lịch sử. Phần lớn chúng ta không bị đe dọa bởi việc chết đói và thú dữ. Chúng ta có năng lượng từ dầu và máy móc, chứ chẳng phải đổ mồ hôi để tạo ra. Liệu có một người tân-Luddite1 nào sẽ đánh đổi cuộc sống hiện tại để trở thành một nông dân Trung Cổ, một người tối cổ, hay một con vượn?

Trong phần lớn lịch sử của mình, chúng ta sống nhờ vào việc săn bắt và hái lượm: chúng ta săn động vật hoang dã và tìm cây dại. Đó là một cuộc sống mà các triết gia đánh giá là bẩn thỉu, thú vật, và ngắn ngủi (nasty, brutish, and short). Vì thức ăn không được sản xuất và ít khi được dự trữ, (theo cách nhìn này) không có một giải pháp nào cho việc ngày ngày phải vật lộn tìm kiếm thức ăn hoang dã để không bị chết đói. Lối thoát cho chúng ta khỏi sự đau khổ này chỉ thực sự bắt đầu 10.000 năm trước, khi ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới người ta bắt đầu thuần hóa cây trồng và động vật. Cuộc cách mạng nông nghiệp lan rộng cho đến ngày nay, khi nó đã trở thành một thứ toàn cầu, và chỉ còn rất ít bộ lạc sống dựa vào việc săn bắt hái lượm.

Từ góc nhìn theo chủ nghĩa tiến bộ (progressivism)2 mà tôi được nuôi dạy, việc đặt câu hỏi “Tại sao phần lớn các tổ tiên săn bắt hái lượm của chúng ta lại chuyển sang làm nông nghiệp?” thật ngớ ngẩn. Tất nhiên họ làm nông nghiệp vì nông nghiệp là cách hiệu quả để có thêm nhiều thức ăn mà phải tốn ít công sức hơn. Trồng cây theo mùa vụ mang lại lượng thu hoạch lớn hơn hẳn so với tìm rễ cây và quả dại. Cứ thử tưởng tượng một nhóm người hoang dã, kiệt sức với việc tìm hạt hay đuổi theo động vật hoang dã, đột nhiên lần đầu tiên được thoải mái sử dụng một vườn cây trĩu quả hay một cánh đồng đầy cừu. Bạn nghĩ là họ sẽ tốn bao nhiêu mili giây để trân trọng những cái lợi của nông nghiệp?

Làm thế nào bạn có thể cho thấy được là cuộc sống của con người 10.000 năm trước trở nên tốt đẹp hơn khi họ từ bỏ việc săn bắt hái lượm để trồng trọt?

Quan điểm của chủ nghĩa tiến bộ thậm chí còn tán dương nông nghiệp là đã đóng góp cho sự nở rộ của nghệ thuật trong hàng ngàn năm qua. Vì nông sản có thể dự trữ được, và việc lấy thức ăn từ vườn thì tốn ít thời gian hơn là tìm trong thiên nhiên hoang dã, nông nghiệp cho chúng ta thời gian rảnh rỗi mà những kẻ săn bắt hái lượm không bao giờ có. Bởi vậy, nhờ nông nghiệp mà chúng ta mới có thể xây đền Parthenon và soạn được bản nhạc Mass in the B-minor.

Cách nhìn của chủ nghĩa tiến bộ nghe rất thuyết phục, nhưng lại rất khó để chứng minh. Làm thế nào bạn có thể cho thấy được là cuộc sống của con người 10.000 năm trước trở nên tốt đẹp hơn khi họ từ bỏ việc săn bắt hái lượm để trồng trọt? Cho đến gần đây, các nhà khảo cổ học phải viện đến các cách kiểm tra gián tiếp; kết quả của chúng (ngạc nhiên là) thất bại trong việc chứng minh cho quan điểm tiến bộ. Sau đây là một ví dụ từ kiểm tra gián tiếp: Những người săn bắt hái lượm của thế kỷ 20 có thực sự có cuộc sống tệ hơn những người nông dân? Rải rác trên khắp thế giới, những nhóm người thường được gọi là người nguyên thủy, như những thổ dân Kalahari, vẫn đang sống dựa vào cách này. Và họ hóa ra có rất nhiều thời gian thừa thãi, ngủ đủ giấc, và phải làm việc ít hơn những hàng xóm nông dân của mình. Ví dụ như, thời gian trung bình một nhóm Thổ dân cần mỗi tuần để kiếm thức ăn là từ 12 đến 19 tiếng, và những người du cư Hadza ở Tanzania thì cần 14 tiếng hoặc ít hơn. Một Thổ dân, khi được hỏi tại sao không bắt chước các bộ lạc hàng xóm bằng cách sản xuất nông nghiệp, trả lời rằng, “Tại sao chúng tôi lại phải làm vậy, khi mà thế giới đang có rất nhiều hạt mongongo3?”

Trong khi các nông dân tập trung vào những loại cây trồng giàu carbohydrate như gạo và khoai tây, một hỗn hợp các loài cây dại và thú hoang dã trong khẩu phần ăn của những người săn bắt hái lượm cung cấp nhiều protein hơn và có một sự cân bằng dinh dưỡng tốt hơn. Trong một nghiên cứu, lượng thức ăn trung bình hàng ngày của một thổ dân (trong một tháng khi nguồn thức ăn dồi dào) là 2,140 calories và 93 grams protein, lớn hơn nhiều so với chế độ ăn thường được khuyến khích cho kích cỡ của họ. Vậy nên khó có thể tưởng tượng là Thổ dân, những người ăn khoảng 75 loại cây dại, lại có thể chết đói như hàng ngàn nông dân người Ireland và gia đình họ trong nạn đói khoai tây những năm 1840.

Vậy là ít nhất thì cuộc sống của những người săn bắt hái lượm ngày nay không hề bẩn thỉu và thú vật, dù các trang trại đã đẩy họ phải sống trong những khu vực bất động sản tồi tệ nhất trên thế giới. Nhưng những xã hội săn bắt hái lượm hiện đại, đã kề vai cùng các xã hội trồng trọt qua hàng ngàn năm, không cho chúng ta biết những điều kiện sống trước cuộc cách mạng nông nghiệp thì như thế nào. Quan điểm tiến bộ đưa ra một khẳng định về quá khứ: rằng cuộc sống của những người nguyên thủy khá khẩm hơn khi họ đổi từ việc hái lượm sang trồng trọt. Các nhà khảo cổ học có thể ước tính mốc thời gian của sự chuyển đổi đó bằng cách phân biệt những dấu vết còn sót lại của các loài cây và thú hoang dã với dấu vết của những loài được thuần hóa trong các bãi rác tiền sử.

Làm thế nào mà một người có thể kết luận về tình trạng sức khỏe của chủ nhân những bãi rác tiền sử này, để từ đó trực tiếp kiểm chứng quan điểm của chủ nghĩa tiến bộ? Câu trả lời mới chỉ trở nên khả thi trong những năm gần đây, một phần nhờ những công nghệ mới trong ngành khảo cổ-bệnh học (paleopathology), ngành khoa học nghiên cứu dấu hiệu của các loại bệnh thông qua dấu vết của người cổ đại.

Trong một vài trường hợp may mắn, các nhà khảo cổ-bệnh học có gần như đủ các tư liệu để nghiên cứu như một nhà bệnh học (pathologist) ngày nay. Ví dụ như, các nhà khảo cổ học ở sa mạc Chile đã tìm thấy những xác ướp được bảo quản cẩn thận; tình trạng của xác ướp đó lúc chết có thể được xác định thông qua việc khám nghiệm tử thi. Hay như phân của những người da đỏ từng sống trong những hang động khô ráo ở Nevada được bảo quản tốt, đủ để xét nghiệm tìm giun móc và các loại ký sinh trùng khác.

Thông thường, bộ xương là kiểu di tích duy nhất của con người có thể được dùng để nghiên cứu, nhưng di tích này có thể giúp ta đi đến một số lượng kết luận đáng ngạc nhiên. Đầu tiên, một bộ xương sẽ cho ta biết giới tính, cân nặng, và tầm tuổi của chủ nhân nó. Trong một vài trường hợp khi có nhiều bộ xương, ta có thể lập một bảng tử vong, như các công ty bảo hiểm thường làm, nhằm tính toán tuổi thọ và rủi ro tử vong ở bất cứ độ tuổi nào. Các nhà khảo cổ-bệnh học còn có thể tính tốc độ tăng trưởng dựa vào việc đo xương của những người ở các độ tuổi khác nhau, kiểm tra răng để đo độ thiếu hụt men răng (điều này cho thấy dấu hiệu thiếu dinh dưỡng hồi bé), và nhận diện các vết sẹo trên xương, tạo thành do bệnh thiếu máu, lao, hủi, và các loại bệnh khác.

Một ví dụ rõ ràng cho những điều các nhà khảo cổ-bệnh học đã học được từ những bộ xương là các thay đổi về chiều cao trong lịch sử. Xương của người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì cho thấy chiều cao trung bình của những người săn bắt hái lượm vào cuối kỷ băng hà là khoảng 5,9 feet (khoảng 1,8 m) cho đàn ông và 5,5 feet (khoảng 1,67 m) cho phụ nữ. Với việc chuyển sang làm nông nghiệp, chiều cao giảm đi, và cho tới năm 3000 trước Công Nguyên thì chỉ còn 5,3 feet (khoảng 1,6 m) cho đàn ông, 5 feet (khoảng 1,52 m) cho phụ nữ. Đến thời kỳ cổ đại (diễn ra trong khoảng từ thế kỷ thứ 8-7 trước Công Nguyên cho đến khoảng năm 600 sau Công Nguyên, trước thời kỳ Trung Cổ), chiều cao lại tăng trở lại một cách chậm chạp, nhưng những người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vẫn chưa thể đạt được chiều cao ngày trước của tổ tiên họ.

“Tuổi thọ trung bình ở xã hội tiền nông nghiệp ở đây là khoảng hai mươi sáu năm,” Armelagos nói, “nhưng ở xã hội sau nông nghiệp là mười chín năm. Vậy nên những sức ép về dinh dưỡng và bệnh truyền nhiễm này thực sự ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của họ.”

Một ví dụ khác cho ngành khảo cổ-bệnh học là việc nghiên cứu xương người da đỏ từ các khu mộ ở thung lũng sông Illinois và sông Ohio. Ở Dickson Mounds, nằm gần nơi giao nhau của sông Spoon và sông Illinois, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 800 bộ xương, vẽ nên một bức tranh về những thay đổi sức khỏe xảy ra khi nền văn hóa săn bắt hái lượm nhường chỗ cho việc trồng ngô đại trà vào khoảng năm 1150 sau Công Nguyên. Các nghiên cứu của George Armelago và đồng nghiệp của ông tại Đại học Massachusetts cho thấy là những người nông dân đầu tiên này phải trả một cái giá cho kế sinh nhai mới của họ. So sánh với những người săn bắt hái lượm trước đó, tỉ lệ thiếu men răng của những người nông dân tăng khoảng 50%, cho thấy việc thiếu dinh dưỡng; thiếu sắt trong máu tăng gấp bốn lần (với bằng chứng là một tình trạng xương gọi là porotic hyperostosis4); các tổn thương của xương tăng gấp ba lần, dấu hiệu của các bệnh truyền nhiễm nói chung; và thoái hóa xương sống gia tăng, có lẽ phản ánh cường độ lao động chân tay nặng nhọc. “Tuổi thọ trung bình ở xã hội tiền nông nghiệp ở đây là khoảng hai mươi sáu năm,” Armelagos nói, “nhưng ở xã hội sau nông nghiệp là mười chín năm. Vậy nên những sức ép về dinh dưỡng và bệnh truyền nhiễm này thực sự ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của họ.”

Chứng cứ này gợi ý rằng những người da đỏ ở Dickson Mounds, giống như rất nhiều người nguyên thủy khác, chuyển sang trồng trọt không phải là do họ chọn như vậy mà là do họ nhất thiết phải nuôi sống một dân số đang tăng dần. “Tôi nghĩ là hầu hết những người săn bắt hái lượm chỉ chuyển sang làm nông khi họ bắt buộc phải làm vậy, và khi họ chuyển đổi như vậy, họ đánh đổi chất lượng lấy số lượng,” theo Mark Cohen tại Đại học bang New York ở Plattsburgh, đồng biên tập với Armelagos của một trong những cuốn sách gây ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này, Paleopathology at the Origins of Agriculture (Tạm dịch: Khảo cổ-bệnh học tại Nguồn gốc của Nông nghiệp). “Khi tôi mới bắt đầu đưa ra luận điểm này mười năm trước, không nhiều người đồng ý với tôi. Bây giờ quan điểm này đã trở thành một trường phái được công nhận, dù còn gây nhiều tranh cãi trong vấn đề này.”

Có ít nhất ba lý do giải thích cho những phát hiện rằng nông nghiệp không tốt cho sức khỏe. Đầu tiên, những người săn bắt hái lượm có một chế độ ăn đa dạng, trong khi những người nông dân đầu tiên có nguồn thức ăn chủ yếu từ một hoặc một vài loại cây trồng giàu tinh bột. Những người nông dân có thể sản xuất thức ăn có hàm lượng calo nhiều hơn một cách dễ dàng hơn, với cái giá là sự thiếu hụt dinh dưỡng (ngày nay chỉ có ba loại hoa màu giàu carbohydrate — lúa mạch, gạo, và ngô — là cung cấp phần lớn hàm lượng calo mà loài người tiêu thụ, dù mỗi loại vẫn thiếu một lượng vitamins hoặc amino acid nhất định cần cho sự sống.) Thứ hai, do bị phụ thuộc vào một số lượng cây trồng có hạn, nông dân phải đối mặt với nguy cơ chết đói nếu bị mất mùa. Cuối cùng, do nông nghiệp khuyến khích con người tụ lại thành các xã hội quần cư, mà nhiều trong số đó lại giao thương với các xã hội quần cư khác, điều này tạo điều kiện cho sự lây lan của các ký sinh trùng và bệnh truyền nhiễm. (Một số nhà khảo cổ học nghĩ rằng sự đông đúc, chứ không phải nông nghiệp, mới gây ra bệnh tật, nhưng đây lại là một kiểu tranh luận con gà-quả trứng, bởi sự đông đúc khuyến khích nông nghiệp và ngược lại.) Các bệnh lây nhiễm không thể trụ được khi dân số rải rác trong các nhóm nhỏ di chuyển thường xuyên. Bệnh lao và ỉa chảy phải đợi đến thời kỳ trồng trọt mới phát tác, còn sởi và dịch hạch đến khi các thành phố lớn xuất hiện.

Chỉ trong một xã hội nông nghiệp mới có một tầng lớp thượng lưu khỏe mạnh, không trực tiếp tham gia sản xuất, ngồi lên trên một đám đông đang oằn mình vì bệnh tật.

Bên cạnh việc thiếu dinh dưỡng, đói ăn, và bệnh dịch, nông nghiệp còn gây ra một lời nguyền khác cho nhân loại: sự phân biệt giai cấp. Những người săn bắt hái lượm có rất ít hoặc không thức ăn dự trữ, và không có một nguồn thức ăn tập trung, giống như một khu vườn hay đàn bò: họ sống dựa trên những loài cây và động vật hoang dã họ tìm được mỗi ngày. Bởi vậy, chẳng có nhà vua, chẳng có những tầng lớp xã hội sống ký sinh và phát phì nhờ vào thức ăn lấy từ tầng lớp khác. Chỉ trong một xã hội nông nghiệp mới có một tầng lớp thượng lưu khỏe mạnh, không trực tiếp tham gia sản xuất, ngồi lên trên một đám đông đang oằn mình vì bệnh tật. Những bộ xương từ các ngôi mộ Hy Lạp ở Myceae vào năm 1500 trước Công Nguyên gợi ý rằng giới hoàng gia có một chế độ ăn tốt hơn người bình thường, bởi các bộ xương hoàng tộc cao hơn từ hai đến ba inches (khoảng từ 5 – 7,6 cm) và có bộ răng tốt hơn (trung bình chỉ có một thay vì sáu cái răng bị sâu hay bị mất). Trong số các xác ướp tìm thấy tại Chile có niên đại từ năm 1000 trước Công Nguyên, giới thượng lưu được nhận diện không chỉ nhờ những đồ trang trí hay kẹp tóc bằng vàng, mà còn bởi một tỉ lệ xương bị thương tổn bởi bệnh tật ít hơn bốn lần.

Những điều tương phản tương tự về dinh dưỡng và sức khỏe còn tồn tại đến ngày nay trên phạm vi toàn cầu. Với những người ở các nước giàu có như Mỹ, việc ca ngợi các giá trị của việc săn bắt và hái lượm thật nực cười. Nhưng dân Mỹ là một giới thượng lưu, sống dựa vào dầu và khoáng chất nhập khẩu từ các quốc gia có chất lượng sức khỏe và dinh dưỡng nghèo nàn hơn. Nếu một người có thể chọn giữa việc trở thành một nông dân ở Ethiopia hay một thổ dân hái lượm ở Kalahari, bạn nghĩ đâu sẽ là lựa chọn tốt hơn?

Nông nghiệp có lẽ còn khuyến khích sự bất bình đẳng giới. Được giải phóng khỏi việc phải mang theo con cái trong điều kiện du canh du cư, và chịu thêm áp lực cần phải sản xuất lực lượng lao động trên những cánh đồng, những người phụ nữ làm nông thường có tỉ lệ sinh sản cao hơn những người bạn săn bắt hái lượm của mình – với hệ quả là các tổn hại đến sức khỏe của họ. Ví dụ như trong các xác ướp Chile, phụ nữ có nhiều tổn thương ở xương do bệnh truyền nhiễm hơn đàn ông.

Phụ nữ trong xã hội nông nghiệp thi thoảng bị biến thành những con thú mang vác. Trong các cộng đồng làm nông ở New Guinea ngày nay, tôi thường thấy những phụ nữ bước đi xiêu vẹo vì phải mang một đống rau củ và củi, trong khi đàn ông thì đi lại nhẹ nhàng tay không. Một lần khi đi thực địa để nghiên cứu về các loài chim, tôi đề nghị trả tiền một số dân làng để họ mang giúp đồ đạc từ sân bay đến khu cắm trại trên núi của tôi. Vật nặng nhất là một túi gạo 110 pounds (khoảng 50kg), mà tôi buộc lên một cái sào và phân công cho bốn người đàn ông cùng khiêng. Khi tôi bắt kịp với những dân làng, những người đàn ông đang mang các túi nhẹ, trong khi một người phụ nữ nhỏ nhắn có cân nặng còn ít hơn túi gạo thì oằn người dưới cái túi ấy, chống đỡ bằng một cái dây thừng chằng qua hai bên thái dương của mình.

Còn với lời khẳng định là nông nghiệp khuyến khích sự nở rộ của nghệ thuật, bằng việc cho chúng ta nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, những người săn bắt hái lượm hiện đại cũng có một lượng thời gian rảnh rỗi ít nhất là như những người nông dân. Việc nhấn mạnh và coi thời gian rảnh như một yếu tố quan trọng đối với tôi khá là sai lầm. Khỉ đột có cả đống thời gian rỗi để xây đền Parthenon, nếu chúng muốn làm vậy. Dù đúng là những cải tiến công nghệ thời kỳ sau nông nghiệp có giúp cho nhiều kiểu nghệ thuật mới trở nên khả thi và việc bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật trở nên dễ dàng hơn, những bức họa và điêu khắc vĩ đại thực ra đã được tạo nên bởi những người săn bắt hái lượm từ 15.000 năm trước, và vẫn còn tiếp tục được thực hiện bởi những người săn bắt hái lượm trong thế kỷ trước như những người Eskimos hay người da đỏ ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.

Bởi vậy nhờ sự ra đời của nông nghiệp, tầng lớp thượng lưu được sống tốt hơn, nhưng đa phần mọi người lại sống tệ hơn. Thay vì nuốt lấy ý tưởng của trường phái tiến bộ rằng chúng ta chọn nông nghiệp vì nó tốt cho chúng ta, chúng ta cần đặt câu hỏi làm thế nào mà chúng ta bị mắc bẫy của nó bất chấp những mảng tối của nó.

Một câu trả lời gắn với câu nói thường thấy “Mạnh thì đúng (Might makes right).” Nông nghiệp có thể nuôi sống nhiều người hơn việc săn bắn, dù là với chất lượng cuộc sống thấp hơn. (Mật độ dân số của những người săn bắt hái lượm hiếm khi vượt quá một người trên mười dặm vuông (khoảng 25km vuông), trong khi với nông dân thì trung bình lớn hơn 100 lần.) Một phần, việc này là do một cánh đồng được trồng hoàn toàn với một loại cây ăn được thì có thể nuôi được nhiều cái miệng hơn một cánh rừng rải rác các cây ăn được. Và cũng một phần là vì những người săn bắt hái lượm du mục muốn có con thì phải cách nhau bốn năm ra , họ làm việc này bằng việc giết trẻ sơ sinh hoặc các cách khác, bởi vì một bà mẹ phải mang theo con mình cho đến khi nó đủ lớn để có thể tự đi theo những người lớn khác. Vì những người phụ nữ nông dân không có gánh nặng này, họ có thể, và thường, sinh con mỗi hai năm.

Khi mật độ dân số của những người săn bắt hái lượm tăng dần vào cuối thời kỳ đồ đá, các nhóm người phải chọn giữa việc nuôi nhiều cái miệng hơn bằng cách chuyển qua nông nghiệp, hoặc tìm cách kìm hãm sự gia tăng dân số. Một số nhóm chọn giải pháp đầu tiên, mà không đoán trước được những mặt tối của việc làm nông, và mê muội bởi sự dồi dào, cho đến khi sự gia tăng dân số bắt kịp với sự gia tăng trong việc sản xuất thức ăn. Những nhóm như vậy sinh sản vượt lên và rồi đuổi bỏ, hoặc giết những nhóm chọn duy trì theo cách săn bắt hái lượm, vì một trăm người nông dân suy dinh dưỡng vẫn có thể chọi lại với một thợ săn khỏe mạnh. Không phải là những người săn bắt hái lượm từ bỏ phương thức sống của họ, mà là những người hiểu biết đủ để không từ bỏ thì bị đuổi ra khỏi tất cả mọi nơi ngoại trừ những chỗ mà nông dân không màng tới.

Bị bắt buộc phải chọn giữa việc kìm hãm dân số hay tăng lượng thức ăn sản xuất, chúng ta đã chọn giải pháp thứ hai và kết thúc với những sự chết đói, chiến tranh, và tàn bạo.

Tới thời điểm này thì khá là hữu dụng khi nghĩ lại lời phàn nàn thường thấy, rằng khảo cổ học là một công việc sung sướng, chỉ phải lo về những gì đã xảy ra trong quá khứ và chẳng đưa ra được bài học nào cho tương lai. Những nhà khảo cổ học nghiên cứu sự phát triển nông nghiệp đã tái hiện lại một giai đoạn quan trọng, khi mà chúng ta phạm phải sai lầm lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Bị bắt buộc phải chọn giữa việc kìm hãm dân số hay tăng lượng thức ăn sản xuất, chúng ta đã chọn giải pháp thứ hai và kết thúc với những sự chết đói, chiến tranh, và tàn bạo.

Những người săn bắt hái lượm đã có cách sinh sống thành công và tồn tại được lâu nhất trong lịch sử con người. Trái ngược lại, chúng ta vẫn còn đang vật lộn với những rắc rối mà nông nghiệp đã đổ lên chúng ta, và vẫn còn chưa rõ là liệu chúng ta có thể giải quyết được chúng hay không. Thử tưởng tượng một nhà khảo cổ học đi du hành vũ trụ phải giải thích lịch sử con người cho những người ngoài hành tinh. Anh ta có lẽ sẽ giải thích kết quả của việc đào bới của mình thông qua một chiếc đồng hồ 24 giờ mà mỗi giờ đại diện cho 100.000 năm của quá khứ. Nếu lịch sử con người bắt đầu vào lúc nửa đêm, giờ chúng ta đang gần ở thời điểm kết thúc ngày thứ nhất. Chúng ta sống như những người săn bắt hái lượm trong gần như cả ngày đó, từ nửa đêm đến rạng đông, trưa, và hoàng hôn. Cuối cùng, vào lúc 11h54 đêm, chúng ta chuyển sang nông nghiệp. Và khi thời điểm nửa đêm thứ hai tới gần, liệu sự đau khổ của những nông dân bị nạn đói hoành hành có từ từ nhấn chìm chúng ta? Hay chúng ta bằng cách nào đó sẽ chạm được đến những phước lành hấp dẫn chúng ta tưởng tượng ra đằng sau ánh hào quang của nông nghiệp, mà cho đến nay vẫn đánh lừa chúng ta?


  1. Luddite dùng để chỉ những người chống lại các công nghệ hay phương thức làm việc mới. Cái tên này được cho là đặt theo Ned Lud, một trong những người công nhân đã phá hủy máy móc tại các phân xưởng dệt may vào đầu thế kỷ 19 vì cho rằng những máy móc mới với kĩ thuật tốt hơn tay nghề thủ công sẽ cướp đi công việc của họ.

  2. Progressivism (Tạm dịch: Chủ nghĩa Tiến bộ) là một trường phái triết học cho rằng những cải tiến trong khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế, và tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sống của con người.

  3. Hạt mongongo của cây mongongo, một loại cây có nhiều ở vùng Kalahari, là một loại thực phẩm chính của những thổ dân ở đây.

  4. Porotic hyperostosis là một tình trạng bệnh lý của xương hộp sọ, với đặc điểm là các vùng xương bị rỗ hay hổng lỗ chỗ.

6 thoughts on “Sai lầm lớn nhất trong lịch sử nhân loại

  1. Một bài viết phản biện rất hay từ một chuyên gia hàng đầu về lịch sử nhân loại. Cái gì cũng có hai mặt, sự phát triển nào cũng có những cái giá phải đánh đổi. Dẫu sao theo mình thì việc con người phát triển lên nông nghiệp rồi xa hơn là cần thiết, bởi nếu chỉ phụ thuộc vào tự nhiên thì cuộc sống khó có thể vững bền và loài người có thể đã bị tuyệt chủng từ lâu

  2. Nếu chỉ thỏa mãn nhu cầu ăn uống và sinh tồn, thì mấy triệu năm của loài người cũng chẳng khác gì so với các giống loài khác. Chính việc “lười biếng” hơn khiến loài người tạo ra những điều khác biệt.

  3. có thể mông nghiệp không thể hiện ích lợi qua việc nhất thời , 10 năm hay 20 năm . nhưng hãy nhìn xem , vì có người làm nông nghiệp nên một tỉ lệ đa số người trên thế giới mới có thể dùng nhưng thời gian mà trước đây tổ tiên họ phải chạy nhay đi săn bắn để ngồi phát triển óc sáng tạo , tạo ra cái ghế cái bàn , biết cách dệt may quần áo , viết nên những bản nhạc , nghĩ ra những con số , tạo ra kính thiên văn , phát hiện kỳ thực trái đất đứng im , hiểu ra chúng ta không được Chúa trời dùng đất sét nặn ra . Vì sao chúng ta không tự hỏi vì sao chúng ta có thể mua đủ thức ăn trong một ngày trong khỉ chỉ cần đi vài cây số, và tiết kiệm được bao nhiêu thời gian không cần lo lương thực để phục vụ cho công việc của bản thân , để ngồi trước bàn làm việc và tranh cãi xem nông nghiệp có phải là ích lợi đối với con người? Nếu họ cho rằng ý kiến trước đây là chủ quan và tự mãn , sao họ không dừng lại một phút và tự hỏi rằng , liệu họ đã nhìn ra xa chưa? rằng thực sự họ không chủ quan? không tự cho là đúng? lịch sử có rất nhiều tấm gương vĩ đại dám đương đầu với chấp niệm để chứng minh chân lí , nhưng khác biệt ở chỗ , họ biết rằng , cái họ đứng lên để đấu tranh , là chân lý .

  4. Tôi nghĩ rằng để nhận xét một thời đại không nên dựa vào cách chúng ta nghĩ như hiện tại vì một thời đại có cách nghĩ riêng của nó! Tôi nghĩ rằng việc hạn chế sinh sản trong thời kì mà con người còn quá ít ỏi trên thế giới trong thời kì đồ đá – là điên rồ – loài người sẽ tuyệt chủng từ rất lâu, trước khi chúng ta sinh ra. Việc sản sinh ra nông nghiệp có thể có rất nhiều mảng tối – nhưng không thể công nhận rằng nó đóng vai trò chính trong việc phát triển loài người cho đến hiện nay ( chúng ta bây giờ ắt hẳn phải chạy trốn sư tử hoặc săn voi – chứ không phải ngồi bàn về điều này – nếu không có nông nghiệp). Có một điều tôi không hiểu lắm về nạn đói mà bài viết bàn tới trong xã hội nông nghiệp, đáng ra xã hội săn bắt, hái lượm phải dễ bị tổn thương do dễ thiếu thức ăn hơn xã hội nông nghiệp (do sản lượng thực phẩm của xã hội nộng nghiệp cao hơn)- chứ không phải là ngược lại. Về lựa chọn “chất lượng hay sản lượng” của người xưa, nếu bạn đặt mình vào hoàn cảnh sống bấp bênh (thiếu thức ăn do nguồn thực phẩm do săn bắn hái lượm không ổn định, nguy cơ chết do đi săn bắn hoặc ăn nhầm thực vật độc…) của người nguyên thủy thì tôi nghĩ bạn sẽ biết lựa chọn nào là chính xác!

  5. Có thể sự chuyển từ đời sống săn bắt hái lượm sang nông nghiệp là một sai lầm trong lịch sử nhân loại, nhưng cũng không thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà nó mang lại. Theo tôi đó là sự thúc đẩy về phát triển trí não con người – khi mà người ta không còn phải lao động chân tay quá nhiều. Chính nó đã dẫn con người tới đời sống hiện đại như hiện nay.
    Mọi sự phát triển đều thuận theo lẽ tự nhiên. Con người cũng là một loài sinh vật, có thời kì sơ khai, phát triển bùng nổ, đạt cực thịnh và cuối cùng là suy vong. Mọi tác động của con người dù lớn đến đâu cũng không thể làm thay đổi sự vận hành tự nhiên của vũ trụ.
    Đó chỉ là chút ý kiến cá nhân của mình khi đọc bài viết. Nội dung trong bài rất có giá trị, thực sự đáng suy ngẫm về quá trình phát triển của con người!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất