a
§ Tác giả: Alan Lightman | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Chunsome | Hiệu đính:  za
12/05/2022

Các tu sĩ Phật giáo ở tu viện Namgyal Ấn Độ tham gia vào một nghi lễ liên quan đến việc tạo ra các mô hình hoa văn phức tạp từ cát màu, được gọi là các vòng tròn mạn đà la1. Để tạo ra mỗi mạn đà la có bề rộng lên tới ba mét, đòi hỏi các thầy tu phải dành một vài tuần làm việc cần mẫn. Cụ thể, một số thầy tu trong y phục màu cam sẽ khom mình trên một nền phẳng và rắc những chiếc lọ kim loại để kẻ nét. Các lọ đùn cát ra từ các vòi nhỏ, mỗi lần một vài hạt, lên những vùng được phân chia trước đó bằng những đường phấn được đo đạc cẩn thận. Từ từ, dần dần, hoa văn cổ đại hiện ra. Sau khi hoàn thành nó, các thầy tu tụng một thời kinh, dừng lại một lúc, và sau đó quét đi tất cả trong năm phút.

Sand Mandala – Namgyal Monastery Institute of Buddhist Studies
Các thầy tu khom mình rắc những chiếc lọ kim loại để kẻ nét. Các lọ đùn cát ra từ các vòi nhỏ, mỗi lần một vài hạt, lên những vùng được phân chia trước đó bằng những đường phấn được đo đạc cẩn thận. Ảnh: Namgyal Monastery

Mặc dù tôi chưa có dịp chứng kiến ​​nghi lễ đặc biệt này, nhưng tôi đã nhìn thấy một số mạn đà la trong chuyến du lịch của mình ở Đông Nam Á. Đối với các Phật tử, việc tạo ra và phá hủy một mạn đà la tượng trưng cho sự vô thường của các pháp thế gian. Nhưng nghi lễ cũng làm tôi nhớ đến sự cộng sinh sâu sắc của trật tự và hỗn loạn tận cốt lõi trong thế giới của chúng ta.

More about sand mandala – Namgyal Monastery Institute of Buddhist Studies
Hoa văn cổ đại hiện ra. Sau khi hoàn thành nó, các thầy tu tụng một thời kinh, dừng lại một lúc, và sau đó quét đi tất cả trong năm phút. Ảnh: Namgyal Monastery

Có một chút ngạc nhiên khi tự nhiên không chỉ đòi hỏi sự hỗn loạn mà còn phát triển mạnh mẽ nhờ nó. Các hành tinh, ngôi sao, sự sống, thậm chí cả hướng thời gian đều phụ thuộc vào sự hỗn loạn. Và con người chúng ta cũng vậy. Đặc biệt, nếu chúng ta nhóm lại với nhau các khái niệm như tính ngẫu nhiên, tính mới mẻ, tính tự phát, ý chí tự do và tính bất định cùng với sự hỗn loạn. Chúng ta có thể đặt tất cả những ý tưởng này vào cùng một giỏ tâm linh. Trong giỏ trật tự đối lập, chúng ta có thể tập hợp lại với nhau các khái niệm như hệ thống, luật, nguyên do, tính hợp lý, khuôn mẫu, khả năng định đoán. Mặc dù các cụm khái niệm khác nhau không phải là hình ảnh phản chiếu của nhau, như là hoàng hôn với bình minh, nhưng chúng có nhiều điểm tương đồng.

Bản năng hướng tới trật tự và hỗn loạn của chúng ta đều được thể hiện trong thẩm mỹ hiện đại. Chúng ta thích sự đối xứng và khuôn mẫu, nhưng một chút bất đối xứng cũng làm ta hứng vị. Nhà sử học nghệ thuật người Anh Ernst Gombrich tin rằng, mặc dù con người có một sức hút tâm lý sâu xa tới trật tự, nhưng trật tự hoàn hảo trong nghệ thuật thì không thú vị. Ông đã viết trong cuốn The Sense of Order (1979) (Tạm dịch: Tri giác về trật tự): “Dù chúng ta có phân tích sự khác biệt giữa điều bình thường và điều bất thường như thế nào,” “thì cuối cùng thì chúng ta cũng phải có khả năng giải thích sự thật căn bản nhất của trải nghiệm thẩm mỹ, sự thật đó là niềm vui nằm ở đâu đó giữa sự buồn chán và lộn xộn.” Quy củ quá nhiều, chúng ta sẽ mất đi hứng thú. Quá nhiều sự lộn xộn, thế là ta cũng không còn niềm vui thích. Vợ tôi, một họa sĩ, luôn vẩy một vết màu vào góc của bức tranh sơn dầu, làm mất đi tính toàn vẹn đối xứng, để khiến cho bức tranh bắt mắt hơn. Rõ ràng, con mắt ưa thẩm mỹ của chúng ta nằm ở đâu đó giữa sự nhàm chán và lộn xộn, giữa khả năng đoán định và sự mới mẻ.

Con người có sự ràng buộc đầy mâu thuẫn với mối quan hệ trật tự-bấn loạn này. Chúng ta bị thu hút từ cái này sang cái kia một cách luân phiên. Chúng ta khao khát các nguyên tắc, luật pháp và trật tự. Chúng ta không buông lung lập luận và lý lẽ. Chúng ta tìm kiếm khả năng đoán định. Đôi lúc.Trong những trường hợp khác, chúng ta lại trân quý tính tự phát, bất định, mới lạ, tự do cá nhân không bị gò bó. Chúng ta yêu thích kết cấu của âm nhạc cổ điển phương Tây, cũng như những ứng tấu tự do hay nhịp điệu ngẫu hứng của nhạc jazz. Chúng ta bị thu hút bởi sự đối xứng của một bông tuyết, nhưng hình dạng vô định hình của một đám mây cưỡi tầng không cũng làm ta mê mẩn. Chúng ta ưa thích những đặc điểm bình thường của các con vật thuần chủng, trong khi chúng ta cũng bị quyến rũ bởi những con thú lai và chó lai. Chúng ta có thể tôn trọng những người tiết độ hợp lý hợp lẽ và sống một cuộc sống đường hoàng. Nhưng chúng ta cũng kính mến những kẻ tự do phá vỡ khuôn mẫu, và chúng ta ca tụng cái hoang dại, sự buông lung và khó đoán trong ta. Chúng ta là một loài động vật kỳ lạ và đầy mâu thuẫn, chúng ta là con người. Và chúng ta đang sống trong một vũ trụ kỳ lạ chẳng kém.

———

Bạn có thể thấy cái căng thẳng đầy sáng tạo trong mối quan hệ trật tự-hỗn loạn ở khoa học của ta so với nghệ thuật của ta. Trong định luật Ác-si-mét về các vật thể nổi, được lên công thức vào năm 250 TCN, Ác-si-mét đã định hình trước thời đại khoa học sắp tới khi diễn đạt một trong những định luật định lượng đầu tiên của tự nhiên: “Bất kỳ vật thể nào chìm hoàn toàn hoặc một phần trong chất lỏng đều bị chất lỏng đẩy thẳng đứng từ dưới lên với lực có độ lớn bằng trọng lượng của phần chất lỏng mà vật chiếm chỗ.” Nói cách khác, một vật thể chỉ chìm đến mức mà trọng lượng của chất lỏng bị thế chỗ bằng với trọng lượng của vật thể. Để xác minh định luật dễ hiểu này, Ác-si-mét đã thực hiện thử nghiệm nhiều lần với nhiều vật thể có hình dạng và kích thước khác nhau, và với các chất lỏng khác nhau như nước và thủy ngân. (Dùng những cái cân có sẵn ở agora2Hy Lạp để cân lúa mì, cá muối, thủy tinh, đồng và bạc.)

Rõ ràng, thế giới của các khối lượng và lực là lô-gích, hợp lý, có thể định lượng, có thể dự đoán được. Tuy nhiên, hai thế kỷ trước đó, Socrates – nhà hiền triết lang bạt mà Plato và những người khác mô tả là giống một satyr (Tạm dịch: gã dâm dục) hơn là một đấng trượng phu, lùn và mập, với chiếc mũi ngắn mà hếch và đôi mắt lồi – ca ngợi sức mạnh sáng tạo của sự điên rồ: “Kẻ nào, không được sự điên cuồng của các Thần nàng thơ3 chạm vào tâm hồn hắn ta, bước đến cánh cửa và nghĩ rằng mình sẽ vào được ngôi đền thiêng liêng nhờ sự giúp đỡ của nghệ thuật – theo tôi, hắn ta và thơ của hắn không được công nhận; người nam tử lương tri sẽ biến mất và chẳng còn nữa khi hắn ta kình địch với người điên.”

Sự sáng tạo luôn gắn liền với sự mới lạ, bất ngờ, và cái mà các nhà tâm lý học và nhà thần kinh học gọi là tư duy phân kỳ (divergent thinking): khả năng khám phá nhiều con đường và giải pháp khác nhau cho một vấn đề một cách tự phát và không theo trật tự. Ngược lại, tư duy hội tụ (Convergent thinking) là cách tiếp cận vấn đề theo từng bước lô-gích và có trật tự hơn. Nhà toán học người Pháp Henri Poincaré vào năm 1910 đã diễn tả sự ra đời của một trong những khám phá toán học của ông tựa như một vũ điệu giữa hai kiểu tư duy:

Trong 15 ngày, tôi đã cố gắng chứng minh rằng không thể có bất kỳ hàm [toán học] nào giống như những hàm mà tôi gọi là các hàm Fuchsian. Khi đó tôi rất ngu muội; mỗi ngày tôi ngồi vào bàn làm việc, nán lại một hai giờ, thử rất nhiều cách kết hợp và không đạt được kết quả nào. Một buổi tối, trái với thông lệ của mình, tôi uống cà phê đen và không ngủ được. Ý tưởng lũ lượt khởi lên; Tôi cảm thấy chúng va chạm cho đến khi các cặp lồng vào nhau, có thể nói, chúng tạo nên một sự kết hợp ổn định. Đến sáng hôm sau…

Không còn nghi ngờ gì nữa, một số sáng tạo của chúng ta được khơi dậy bởi sự tổng hòa của sự hội tụ và phân kỳ, phối hợp với nhau như trong bản giao hưởng.

————

Vai trò quan trọng của sự hỗn loạn trong tự nhiên không được nêu rõ cho đến 2.000 năm sau khi Socrates ca ngợi thi sĩ điên. Sứ mệnh này thuộc về nhà vật lý người Đức Rudolf Clausius. Ông sinh năm 1822 tại Pomerania, một vùng phân định Đức và Ba Lan, và được giáo dục tại Đại học Berlin. Có lẽ dưới ảnh hưởng của người cha tôn kính của mình, Clausius đã có một cuộc sống đầy nguyên tắc. “Chân thành và trung thành là đặc điểm nổi bật của anh ấy”, đó là cách mà em trai ông, Robert, đã mô tả Clausius khi ông qua đời vào năm 1888. “Mọi kiểu cường điệu thái quá đều trái ngược với bản chất của anh ấy.”

File:Rudolf Clausius 02.jpg - Wikimedia Commons
Rudolf Clausius. Ảnh: Wikimedia

Giống như Albert Einstein, Clausius là một nhà vật lý lý thuyết – nghĩa là, tất cả công việc của ông, bao gồm cả công trình nghiên cứu ban đầu của ông về sự hỗn loạn, gồm có những thành tựu toán học được thể hiện bằng bút chì và giấy. Bài báo tuyệt vời của Clausius về sự hỗn loạn, On the Moving Force of Heat (1850) (Tạm dịch: Bàn về Lực Chuyển động của Nhiệt), được xuất bản cùng năm khi ông trở thành giáo sư vật lý tại Trường Kỹ thuật và Pháo binh Hoàng gia ở Berlin. Trong bài báo đó, Clausius đã chỉ ra rằng sự thay đổi trong thế giới vật lý gắn liền với sự chuyển động tất yếu từ trật tự sang hỗn loạn. Thật vậy, nếu không có tiềm lực của sự hỗn loạn, mọi thứ trong vũ trụ sẽ thường hằng bất biến – như một hàng cờ domino đứng thẳng được giữ cố định tại một vị trí, hoặc giống như một mạn đà la Phật giáo hoàn chỉnh bị ‘nhốt’ trong một kho tiền ngân hàng, không bị chổi của các nhà sư ở Namgyal quét đi.

Từ “Nhiệt” xuất hiện trong tiêu đề bài báo của Clausius vì sự hỗn loạn tăng dần thường liên quan đến sự truyền nhiệt từ vật nóng sang vật lạnh – nhưng khái niệm này lại chung chung hơn. Trong một bài báo sau đó, Clausius đã đặt ra thuật ngữ entropy như một thước đo định lượng về sự hỗn loạn. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ἐν (en) có nghĩa là “trong,” và τροπή (tropē), có nghĩa là “biến đổi.” Chính sự gia tăng của entropy có liên hệ đến sự biến đổi, chuyển động, thay đổi của thế giới. Sự hỗn loạn càng nhiều, entropy càng tăng. Hai câu cuối cùng trong bài báo năm 1850 của Clausius là:

  1. Năng lượng của Vũ trụ luôn không đổi.
  2. Entropy của Vũ trụ có xu hướng cực đại.

Trật tự chắc chắn dẫn đến hỗn loạn, và entropy sẽ tăng cho đến khi nó không thể tăng thêm nữa. Chính sự chuyển dịch này là thứ thúc đẩy cả thế giới. Căn phòng sạch sẽ trở nên bụi bặm. Những ngôi đền sẽ từ từ đổ nát. Khi chúng ta già đi, xương trở nên giòn hơn. Các ngôi sao cuối cùng cũng đốt cạn nhiên liệu, giải phóng năng lượng nhiệt của chúng vào sự lạnh giá của không gian – nhưng khi làm như vậy, chúng mang đến hơi ấm và sự sống cho các hành tinh xung quanh. Chúng ta đang sống dựa vào sự gia tăng hỗn loạn không ngừng này.

Sự hỗn loạn cũng là câu trả lời cho câu hỏi thẳm sâu: Tại sao lại có cái gì đó thay vì không có gì?

Ngay cả những thứ cơ bản như hướng của thời gian cũng bị chi phối bởi sự chuyển dịch từ trật tự sang hỗn loạn. Phát biểu trên thoạt nghe có vẻ phi lý, nhưng hãy thử quan sát một chiếc cốc thủy tinh rơi khỏi bàn và vỡ tan trên sàn – một sự chuyển đổi từ trật tự sang hỗn loạn thuộc loại rõ ràng nhất. Một thước phim về sự kiện trên sẽ trông bình thường đối với chúng ta. Nhưng nếu chúng ta xem một thước phim khi những mảnh thủy tinh vỡ nhảy lên từ sàn nhà lại kết tụ thành một chiếc cốc không một vết rạn, dựng đứng lại trên mép bàn, chúng ta sẽ nói rằng thước phim đó đã được phát ngược thời gian. Tại sao? Bởi vì mọi thứ chuyển từ trật tự này sang hỗn loạn khi chúng ta tiến tới tương lai. Người ta có thể nói rằng sự hướng về phía trước của thời gian là sự gia tăng hỗn loạn. Thật vậy, nếu không có những thay đổi này, chúng ta sẽ không có cách nào để phân biệt sát na này với sát na kế tiếp. Đồng hồ sẽ ngừng chạy, chim sẽ ngừng bay, lá cây sẽ ngừng lả lướt trong không khí khi chúng lìa cành, không có hơi thở ra vào. Vũ trụ sẽ là một bức tranh tĩnh đến muôn đời.

Hỗn loạn cũng là câu trả lời cho câu hỏi thâm sâu: tại sao có cái gì đó thay vì không có gì? (Những câu hỏi như vậy khiến các nhà vật lý và triết học phải mất ngủ.) Tại sao vật chất ở bất kỳ dạng nào lại tồn tại, chứ không phải là năng lượng thuần túy? Từ góc độ khoa học, câu hỏi liên quan đến sự tồn tại của các phản hạt4, được dự đoán vào năm 1931 và sau đó được phát hiện vào năm 1932. Mỗi hạt hạ nguyên tử, chẳng hạn như electron, đều có một người anh em sinh đôi phản hạt – giống hệt hạt đầu tiên, ngoại trừ việc mang điện tích trái dấu và một số đặc tính khác nhất định. Hạt nào trong cặp hạt chúng ta gọi là “hạt” và hạt nào ta gọi là “phản hạt” chỉ là một vấn đề về quy ước, giống như hai cực Bắc và cực Nam. Khi chúng va chạm, các hạt và phản hạt của chúng triệt tiêu lẫn nhau, không để lại gì ngoài năng lượng thuần túy.

Nếu các hạt và phản hạt của chúng có số lượng bằng nhau trong Vũ trụ sơ khai, như người ta mong muốn một vũ trụ hoàn toàn đối xứng, tất cả vật chất đáng lý đã bị xóa sổ từ hàng tỷ năm trước, chỉ còn lại năng lượng thuần túy. Không có các ngôi sao, không có các hành tinh, không có con người – hay bất kỳ vật chất dạng rắn nào khác. Vậy tại sao chúng ta lại ở đây? Tại sao tất cả các hạt không biến mất cùng với các đối tác phản hạt của chúng?
Lời giải cho câu hỏi hóc búa của giới vật lý này được đưa ra vào năm 1964. Trong các thí nghiệm rất tinh vi vào thời điểm đó, ta đã phát hiện ra rằng các hạt và phản hạt không hành xử chính xác theo cùng một kiểu. Đúng hơn, có một chút bất đối xứng trong cách mà chúng tương tác với các hạt khác, do đó ngay sau khi Vũ trụ được tạo ra, các hạt và phản hạt của chúng không được tạo ra và bị phá hủy với số lượng tương đương nhau. Sau cuộc đại diệt vong của các hạt và đối tác phản hạt của chúng, một số hạt sẽ vẫn còn ở lại, giống như các cậu bé bị thừa lại khi không đủ bạn nhảy và phải ngồi trơ trọi trên ghế dài trong một buổi khiêu vũ ở trường. Những hạt còn lại đó và sự bất đối xứng tạo ra chúng là lý do tại sao chúng ta tồn tại.

—————

Sự hỗn loạn không chỉ hiện diện trong những chi tiết vụn vặt về cách mà vật chất tự tổ chức. Chính nó cũng vận hành ngầm trong các cấu trúc của cuộc sống. Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất về sự hỗn loạn trong sinh học là sự xáo trộn của các gen – cả do đột biến và do chuyển giao gen từ những con virus và các sinh vật khác. Thông qua các quá trình ngẫu nhiên này, các sinh vật sống thử các cấu trúc cơ thể khác nhau – cả những cấu trúc mà có thể nó chưa bao giờ được thử trước đây. Những vòng xoay của cò quay di truyền này không được lên kế hoạch và không thể biết trước kết quả của chúng là gì. Nhưng nếu không có chúng, cả sinh giới sẽ bị mắc kẹt trong một số ít các thiết kế không linh hoạt. Nhiều sinh vật sẽ chết đi, không thể thích nghi với các điều kiện môi trường thay đổi, và sẽ có ít sự đa dạng sinh học hơn trên Trái đất.

Hỗn loạn còn được biết đến trong sinh học qua một quá trình quan trọng khác gọi là sự khuếch tán. Ở đây, các va chạm ngẫu nhiên của các nguyên tử và phân tử sẽ tự động làm mịn một khối vật chất hoặc năng lượng nhỏ. Bạn có thể tự chứng nghiệm khi đổ một xô nước nóng vào một bồn nước mát. Lúc đầu bồn tắm sẽ có vùng nóng bao quanh bởi vùng mát. Nhưng nước nóng sẽ nhanh chóng hòa vào nước mát cho đến khi bồn tắm đạt đến một nhiệt độ đồng nhất. Đó là sự khuếch tán. Diễn giải lời của Clausius thì, sự khuếch tán không tốn chút năng lượng nào, nhưng nó khiến sự hỗn loạn gia tăng – trong trường hợp này là sự pha trộn nhiệt – dẫn đến sự biến đổi và thay đổi. Nếu không có các va chạm phân tử ngẫu nhiên, sự khuếch tán sẽ không xảy ra. Nước nóng sẽ ở yên một phía của bồn tắm và nước mát sẽ ở phía còn lại.

Sự khuếch tán. Ảnh: PBS Space Time: The Physics of Life (ft. It’s Okay to be Smart & PBS Eons!) | Space Time

Khuếch tán là cơ chế chính để vận chuyển các chất thiết yếu đi khắp cơ thể. Lấy oxy – khí cần thiết để sản xuất năng lượng – làm ví dụ. Với mỗi lần hít vào, chúng ta tạo ra một nồng độ oxy cao trong phổi. Các mạch máu nhỏ nằm trong phổi có lượng oxy tương đối thấp. Điều đó cho phép khí thiết yếu ‘khuếch tán’ từ phổi vào máu, và sau đó, với cơ chế tương tự, từ máu đến các tế bào riêng lẻ trên khắp cơ thể. Chuyển động có hướng như vậy là kết quả của các vụ va chạm ngẫu nhiên, có xu hướng vận chuyển các phân tử oxy từ các khu vực có nồng độ oxy cao đến khu vực có nồng độ thấp. Nếu không có những đụng độ và va chạm ngẫu nhiên, đi theo hướng này hay hướng kia, oxy trong phổi sẽ vẫn bị mắc kẹt ở phổi, và các tế bào của cơ thể sẽ chết ngạt.

Các tín hiệu phóng nhanh giữa các tế bào thần kinh của chúng ta là một ví dụ sinh học khác về sự khuếch tán. Khi các nguyên tử natri và kali mang điện di chuyển qua thành ngoài của các tế bào thần kinh, chúng sẽ tạo ra một xung điện5. Chuyển động như thế, lần này là do sự xáo trộn ngẫu nhiên của một vùng có nồng độ cao các nguyên tử tích điện sang một vùng có nồng độ thấp hơn, làm giảm nồng độ của các nguyên tử. Trớ trêu thay, sự va chạm ngẫu nhiên của các nguyên tử riêng lẻ lại dẫn đến sự tăng tiến có trật tự của một xung thần kinh dọc xuống dây thần kinh. Đây là cơ chế mà cơ thể giao tiếp với chính nó.

Nhưng không một ví dụ nào trong số những ví dụ đến từ lĩnh vực vi mô này, bao gồm cả những tuyên bố sâu sắc của Clausius về entropy, giải thích được sức hút khó hiểu của con người đối với cả trật tự và hỗn loạn – chúng ta dành sự tôn vinh đối với những người đáng kính và cả những kẻ kỳ dị trong cộng đồng. Dường như có một cái gì đó sâu thẳm trong tâm trí chúng ta, một cái gì đó nguyên thủy, đã hằn sâu trong ta từ trước cả thời Clausius hay Socrates. Có lẽ việc chấp nhận những mặt đối lập này đã mang lại lợi thế thích nghi cho tổ tiên của chúng ta, trong nhiều triệu năm của lịch sử loài người.

Phỏng đoán đó có vẻ hợp lý. Theo quan điểm tiến hóa, trật tự nghĩa là khả năng dự đoán, các khuôn mẫu, tính lặp lại – tất cả đều cho phép chúng ta đưa ra các dự đoán tốt. Và các dự đoán rất hữu ích trong việc cho ta biết khi nào thú săn lớn chạy băng qua rừng, hoặc khi nào là lúc gieo trồng vụ mùa. Lợi ích của nó đối với sự tồn tại của chúng ta là điều hiển nhiên. Có lẽ, ngạc nhiên hơn là cách mà việc để tâm đến cái bất ngờ, cơ hội và sự mới lạ cũng có thể mang lại lợi thế. Nếu chúng ta quá mãn nguyện với thói quen của mình, chúng ta sẽ mất đi tính linh hoạt khi mọi sự thay đổi, chẳng hạn như khi có con hổ đột nhiên xuất hiện trên con đường mà ta đã đi qua hàng nghìn lần không sao. Và chúng ta sẽ không chấp nhận rủi ro, nếu sợ phải rời khỏi những thói quen quen thuộc của mình. Vì vậy điều này khiến hành động phát triển một mong muốn cho cả những thứ có thể và không thể dự đoán của chúng ta trở nên hợp lý.

Vì trật tự và hỗn loạn có lợi cho con người, nên cần kiểm tra lại xem tại sao chúng ta lại phân chia mọi thứ thành các cực đối lập

Nếu việc ham muốn cái mới lạ mang lại lợi ích sinh tồn cho tổ tiên của chúng ta, thì có lẽ nó sẽ xuất hiện trong gen của chúng ta. Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một biến thể (alen6) của một gen được gọi là DRD4-7R – hay để nghe vui tai hơn, “gen lang thang.” Nó xuất hiện ở khoảng 20% ​​dân số và dường như có liên quan đến thiên hướng khám phá và mạo hiểm. Điều này có lý khi chúng ta muốn hầu hết các thành viên trong bộ lạc của ta ở nhà, tuân theo luật trình, quây quần bên đống lửa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần một vài người khác dấn thân vào các cuộc viễn chinh đầy nguy hiểm để tìm kiếm những vùng đất săn bắn mới và những cơ may bất ngờ. “Chúng tôi có bằng chứng cho thấy rằng cùng một alen liên quan đến đặc điểm tính cách thích tìm kiếm điều mới lạ và bốc đồng cũng có liên quan đến việc chấp nhận rủi ro trong các tình huống tài chính,” Richard Paul Ebstein, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Singapore và là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về DRD4-7R, cho biết. “Những người có alen đó có vẻ ưa mạo hiểm hơn.” Các nhà sinh vật học khác thì đưa ra những lập luận hợp lý rằng bất kỳ gen đơn lẻ nào cũng không chắc có thể kiểm soát một đặc điểm như chấp nhận rủi ro và tìm kiếm sự mới lạ – chỉ khi một nhóm gen làm việc cùng nhau thì mới có thể làm được điều đó.

Vì cả trật tự và hỗn loạn rõ ràng đều có lợi cho con người, nên cần phải xem xét lại khuynh hướng của chúng ta, ít nhất là ở phương Tây – đó là khuynh hướng phân chia mọi thứ thành các cực đối lập, với một hệ thống phân cấp giá trị giả định và các thiên vị không rõ ràng – năng suất và lười biếng, hợp lý và phi lý, nóng và lạnh, mịn và thô, trắng và đen. Thay vào đó, có lẽ chúng ta nên nhìn những cặp đối lập này dưới góc độ của một sự cân bằng hữu ích.

Nhà vật lý người Đan Mạch Niels Bohr, một trong những nhà vật lý lượng tử tiên phong, đã từng nói rằng điều ngược lại của một chân lý tuyệt đối thì cũng là sự thật. Người Trung Quốc từ lâu đã hiểu ý niệm này theo thuyết âm dương cổ đại của Đạo giáo và Nho giáo: Vạn vật luôn luôn có mâu thuẫn nhưng thống nhất không tách rời nhau. m được gán với tính nữ, bóng tối, phía bắc, già, mềm, lạnh, trong khi dương gán với tính nam, ánh sáng, hướng nam, trẻ, cứng, và ấm. Biểu tượng của âm và dương – hai vòng xoáy cuốn vào nhau, một đen và một trắng, có kích thước bằng nhau, mỗi vòng có một chấm có màu của vòng còn lại bên trong nó – gợi ý rằng hai vòng xoáy này tồn tại hài hòa, không cái nào trội hơn cái kia. Trong khi đó, tư tưởng phương Tây thường cố gắng đơn giản hóa thế giới khó hiểu này bằng cách phân chia mọi thứ thành hai nửa. Điều đó cũng đúng được một lúc, đến khi chúng ta quan sát kỹ càng hơn và phát hiện ra sự phức tạp thực sự đang ẩn giấu ở bên dưới. Nếu cuối cùng ta có thể mở rộng phạm vi lớn hơn, một lần nữa ta sẽ lại tìm thấy sự đơn giản và hài hòa. Vũ trụ vang bài ca trật tự, và nó cũng tấu lên khúc hỗn loạn. Con người chúng ta tìm kiếm khả năng dự đoán, và chúng ta cũng khao khát cái mới. Như Bohr và các môn đồ của Khổng Tử nói, hãy chấp nhận những mâu thuẫn thiết yếu này.

—————-

Đây là kết thúc của chuỗi ngày viết của tôi, và tôi đang nghe Bản giao hưởng Thứ chín của Anton Bruckner, nhà soạn nhạc người Áo đã bắt đầu soạn nó vào năm 1887. Bản giao hưởng mở đầu với sự trình diễn liên tục của nhạc hiệu. Phần thứ 2 của bản nhạc, Scherzo, phảng phất sự nham hiểm, như thể một bí mật đen tối nào đó đang bị che giấu. Nhưng tôi thấy mình bị mê đắm bởi một đoạn của phần thứ 3 trong bản giao hưởng, Adagio. Sau giai điệu đầy ám ảnh và hài hòa từ dây đàn (có lẽ hứa hẹn điều bí mật sắp tới), các âm thanh ngày càng trở nên lạc điệu, âm lượng tăng dần, cho đến khi chúng ta nghe thấy tiếng rền vang của những chiếc tù và, không đều và bất hòa, theo sau bởi những tiếng chan chát, giống như sóng thủy triều đập vào bờ biển. Sau đó là một khoảnh khắc im lặng. Dây đàn lại cất lên, êm đềm và trữ tình. Việc xen kẽ giữa giai điệu du dương với sự bất hòa này tiếp tục cho đến cuối phần nhạc. Và tôi tự hỏi liệu các phần du dương của tác phẩm có còn lộ ra cái hay nữa không nếu như nó không được chơi cạnh đoạn không hài hòa, cũng như ánh sáng phân biệt với bóng tối, mịn với thô. Cái trật tự kết hợp với cái dường như bấn loạn. Và tất nhiên chính bản thân Bruckner – là một sự kiện tình cờ giống như tất cả chúng ta, một sự va chạm ngẫu nhiên giữa các tế bào mang lại sự sống khó chắc xảy ra trong cái Vũ trụ khó chắc xảy ra này.


  1. Bản thân người dịch là một tín đồ Phật giáo nguyên thủy (Phật giáo nguyên thủy theo thời gian bị chia rẽ làm hơn 20 bộ phái, phải kể đến như Đại Thừa, Tiểu Thừa, Thiền Tông, Tịnh độ tông, Mật tông,…), nhưng chưa bao giờ nghe các vị đạo sư của mình nhắc đến vòng Mạn đà la, mà chỉ biết đến vòng 12 nhân duyên. Tương tự như ý nghĩa của vòng tròn mạn đà la là yếu tố tác động, biểu hiện cho trí tuệ viên mãn, trí tuệ sở chứng của Phật, những mạn đà la này được tạo ra trong nhiều tuần lễ và bị quét bỏ đi thể hiện lên tính vô thường của hiện hữu, vòng tròn 12 nhân duyên cũng thể hiện trí tuệ của các bậc giác ngộ về sự vô thường, biến hoại của vũ trụ. Xem thêm tại:

    https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1n-%C4%91%C3%A0-la

    https://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/162-tnnd

  2. Agora là nơi lộ thiên để hội họp ở các thành bang Hy Lạp thời cổ xưa, các công dân nam tự do phải tập họp ở agora để nhận lệnh thi hành nghĩa vụ quân sự hoặc nghe công bố các quyết định của nhà vua hoặc của hội đồng. Xem thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Agora

  3. Theo thần thoại Hy Lạp, những vị Muse, thường gọi là Muse thần nàng thơ, gồm mấy nữ thủy thần chị em. Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/Muse

  4. Theo định đề vũ trụ một electron, được đề xuất bởi John Wheeler trong một cuộc điện đàm với Richard Feynman vào mùa xuân năm 1940, là giả thuyết cho rằng tất cả các electron và positron thực sự là biểu hiện của một thực thể duy nhất chuyển động ngược và xuôi theo thời gian. Nói cách khác một electron chuyển động ngược thời gian là cái mà chúng ta gọi là positron. Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/One-electron_universe

  5. Cụ thể, ở trạng thái tĩnh, các chất lưu ngoài sợi trục tập trung cao các ion Na+, chất lưu bên trong sợi trục tập trung cao các ion K-. Khi một xung thần kinh đến một đoạn của sợi trục, các ion Na+ tràn vào sợi trục, tạo sự khử cực, rung động này được truyền xuống sợi trục khi các khúc kế tiếp nhau bị khử cực. Khi rung động thần kinh được truyền qua, các ion Na+ chảy ngược ra khỏi sợi trục, khôi phục lại điện thế tĩnh, chuẩn bị cho một rung động khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất