Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
Series: What is...?
§ Tác giả: Sicalo | Hiệu đính:  za
26/09/2021

4. Hume phản đối luận điểm của Strawson

Trong bài trước, Strawson đã đưa ra lập luận để chứng minh bạn không bao giờ phải chịu trách nhiệm đạo đức về bất kì hành động nào của bạn cả. Mình sẽ viết lại lập luận của Strawson ở đây như sau:

  • Luận điểm 1: Tất cả những việc bạn làm đều là kết quả tất yếu của những sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn
  • Luận điểm 2: Bạn không phải chịu trách nhiệm đạo đức (bạn không xứng đáng bị chê hay được khen) về những hành động nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn
  • Kết luận: Bạn không bao giờ phải chịu trách nhiệm đạo đức về bất kì hành động nào của bạn cả

Có rất nhiều nhà triết học không chấp nhận kết luận này của Strawson, và cũng có khá nhiều triết gia muốn phủ quyết luận điểm 2. Một trong số triết gia nổi tiếng không đồng ý với Strawson ở luận điểm 2 là David Hume.

Hume nghĩ rằng bạn hoàn toàn phải chịu trách nhiệm đạo đức về hành động của mình kể cả khi kể cả khi việc bạn thực hiện hành động đó đã bị tiền định từ trước bởi những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn. Theo Hume, bạn phải chịu trách nhiệm đạo đức về tất cả các hành động của bản thân bất cứ khi nào bạn có ý định gây ra một hậu quả xấu hay một kết quả tốt.

Hume nghĩ rằng ý định (intention) sẽ quyết định tất cả về việc liệu bạn có xứng đáng được nhận lời khen, tán dương, ca ngợi hay liệu bạn có xứng đang chịu sự khinh bỉ, dè bỉu và trừng phạt cho hành động của bạn hay không.

Tuy nhiên, Hume cũng nhấn mạnh một việc sau. Không phải hành động nào có kết quả tốt cũng xứng đáng được nhận lời khen và không phải hành động nào có kết quả xấu cũng xứng đáng bị chê trách. Điều quan trọng để đánh giá một hành động sai hay đúng về mặt đạo đức nằm ở ý định của người gây ra hành động đó là tốt hay xấu. Một ví dụ mà chúng ta có xu hướng không quy kết trách nhiệm đạo đức cho một người mặc dù hành động của anh ta gây ra một hậu quả xấu có thể kể đến như sau: Giả sử Tuấn là một người hiếu khách. Khi John đến nhà, Tuấn liền vào bếp và làm cho John một bát phở mà anh ta rất thích. Ăn xong thì bỗng dưng John lên cơn co giật và qua đời. Về sau Tuấn mới biết là John bị dị ứng cực mạnh với hạt tiêu và tình trạng dị ứng này có thể dẫn đến việc John bị tắt thở ngay lập tức. Trong trường hợp này, chúng ta thường có xu hướng không trách móc Tuấn và coi sự kiện John qua đời là một việc không may. Chúng ta giải thích cho việc không trách móc Tuấn là bởi vì Tuấn không hề có ý định xấu (harmful intention) để làm hại John.

Chúng ta giải thích cho việc không trách móc Tuấn là bởi vì Tuấn không hề có ý định xấu (harmful intention) để làm hại John.

Hume lập luận rằng, để có thể xem xét xem chúng ta có phải chịu trách nhiệm đạo đức cho hành động của chúng ta hay không thì yếu tố quyết định là chúng ta có làm hành động đó một cách cố ý hay không bất chấp hành động của chúng ta được gây ra bởi những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bản thân chúng ta.

Cuối cùng thì, Hume và Strawson cãi nhau ở điểm sau: Strawson nghĩ rằng bạn sẽ không phải chịu bất kì một trách nhiệm đạo đức nào cho bất kì hành động nào vì những hành động đó đều bắt nguồn từ những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bản thân bạn. Còn Hume thì nói rằng: “từ từ đã chú em – not so fast.” Hume nghĩ rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm đạo đức cho hành động của chúng ta thực hiện hành động này một cách cố ý kể cả những hành động này bắt nguồn từ những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bản thân chúng ta.

Strawson bảo Hume: “Thực hiện một hành động một cách cố ý nhiều nhất cũng chỉ là một điều kiện cần, chứ chưa đủ, để có thể có trách nhiệm đạo đức.” Còn Hume đáp lại Strawson: “Chú đừng linh tinh, thực hiện một hành động một cách có chủ đích đã là quá đủ để phải chịu trách nhiệm đạo đức cho hành động của mình rồi.”

5. Một số lập luận phản đối Hume

Thực sự thì mình không biết ai đúng và ai sai, Strawson hay Hume. Tuy nhiên, có một lập luận này trông có vẻ đủ sức phản biện lại ý kiến của Hume về trách nhiệm đạo đức.

Để mình kể các bạn nghe một câu chuyện. Các bạn hãy thử tưởng tượng trường hợp của Mr. Vang, 65 tuổi, một nhà đầu tư tài chính đã về hưu và đã có 40 năm chung sống vui vẻ hạnh phúc với Mrs. Bóng, vợ của Mr. Vang. Bác Vang là một người đàn ông chững chạc, tử tế, tất nhiên cũng sẽ có những thói xấu, tuy nhiên có thể coi bác Vang là một người trong tầng lớp thượng lưu trí thức. Bác ý không hề có bí mật đen tối hay bất kì một tư tưởng bạo lực nào từ trước đến nay cả.

Bây giờ, thử tưởng tượng một ngày nào đó có một nhà bác học điên tên là Thời, nhân lúc bác Vang đang ngủ, đã luồn vào nhà và cấy vào não bác Vang một con chip có khả năng gây ra một số tác động nên neuron thần kinh của bác Vang (giả sử là bác Vang hay bất kì ai đều không biết về chuyện này). Con chip này được nhà bác học điên kia chế tạo để có thể gây ra một số phản ứng sinh hóa trong não của bác Vang và khiến cho bác Vang từ đó có ý muốn hay nhu cầu mà nhà bác học điên kia muốn bác Vang phải có. Cái chip gắn vào não của bác Vang không giúp ông bác học điên Thời này điều khiển chân tay hay các bộ phận cơ thể của bác Vang như điều khiển một con rối, mà con chip này chỉ có thể gây ra một số phản ứng sinh hóa trong não bác Vang, và từ đó bác Vang có một số những ý định và nhu cầu mà ông bác học điên này muốn bác Vang phải có thôi. Tất cả những gì ông bác học điên Thời này có thể làm là gây ra một số nhu cầu tâm lý trong não của bác Vang.

Giả sử bây giờ ông Thời này điều khiển con chip và gây nên một số phản ứng sinh hóa học trong não bác Vang, khiến từ đó bác Vang có một nhu cầu mãnh liệt là phải giết người vợ của mình thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Giả sử bác Vang quyết định làm theo nhu cầu và ý định giết vợ có trong não của mình thì liệu chúng ta có quy tội và quy kết trách nhiệm đạo đức cho hành động của bác Vang trong trường hợp này không? Đa số mọi người nghĩ là có. Bác Vang xứng đáng bị trừng phạt bởi vì hành động giết vợ này của mình. Dù sao thì, bác Vang cũng đâu phải là một loại động vật không có khả năng suy nghĩ đâu: đáng lẽ ra bác Vang phải có một cơ chế kìm nén lại nhu cầu bạo lực này của mình chứ. Và như mình đã nói từ đầu, bác Vang là một người tử tế và yêu bác Bóng hơn 40 năm nay, đáng lẽ ra, bác Vang phải kiềm chế được ý định giết vợ mà ông bác học điên đang khơi dậy trong não của bác Vang.

Tuy nhiên, giả sử chúng ta đưa trường hợp này đi xa hơn một chút. Giả sử như ông bác học điên không chỉ có thể gây nên phản ứng sinh hóa với con chip của mình, mà đồng thời con chip này còn có khả năng vô hiệu hóa cơ chế kìm nén ý định bạo lực trong não của bác Vang. Hơn nữa, ông bác học điên sẽ có khả năng xóa hết những kỉ niệm đẹp đẽ và hạnh phúc của bác Vang và vợ, thay thế vào đó là những kỉ niệm sai lệch đau khổ mà vợ tạo ra cho bác Vang. Ông bác học điên đó làm mọi cách để đảm bảo rằng bác Vang sẽ thực hiện hành động giết vợ một cách có chủ đích và có ý định.

Nếu ông bác học điên mà thành công trong việc này thì thực sự bác Vang đang gặp phải một vấn đề rất lớn, vì giờ đây sẽ không còn một cơ chế nào để ngăn chặn ý định và nhu cầu giết vợ có trong não của bác Vang cả.

Giả sử điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra và bác Vang xử vợ mình bằng 42 nhát dao chí mạng, thì chúng ta sẽ đánh giá bác Vang trong trường hợp này ra sao? Chúng ta có thể nói bác Vang xứng đáng bị trừng phạt hay phải chịu trách nhiệm đạo đức trong trường hợp này không? Chắc chắn là không rồi. Ai cũng đồng ý bác Vang trong trường hợp này chỉ là một nạn nhân thôi và không phải hung thủ thật sự. Hung thủ thật sự giết vợ bác Vang là ông Thời, ông khoa học điên trong câu chuyện của chúng ta và bác Vang chỉ là một phương tiện giết người của ông bác học điên kia.

Hume sẽ nói sao? Chúng ta đều thấy rằng có vẻ như Hume phải chấp nhận rằng bác Vang phải chịu trách nhiệm đạo đức về hành động giết vợ của mình. Bởi vì sao? Vì theo Hume, bác Vang đang thực hiện hành động giết vợ một cách có chủ đích. Hume đồng ý rằng, chủ đích của hành động giết vợ này của bác Vang xuất phát từ yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bác Vang (chủ đích này là do ông bác học điên gây ra một chuỗi những phản ứng sinh hóa trong não của bác Vang). Và Hume cũng phải nhất quán với lý thuyết của mình, tất cả những gì quan trọng trong việc quyết định một người có phải chịu trách nhiệm đạo đức cho hành động của mình hay không chỉ là người ta có thực hiện hành động đó có chủ đích hay không. Kể cả việc này xuất phát từ yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bác Vang thì cũng không liên quan, theo những gì mà Hume nói phía trên. Tuy nhiên, chúng ta ai cũng đồng ý rằng, bác Vang không phải hung thủ giết người và không xứng đáng phải chịu sự trừng phạt của tòa án lương tâm. Nếu vậy, lý thuyết của Hume về trách nhiệm đạo đức là sai hoàn toàn.

Hume sẽ phải trả lời sao đây? Các bạn hãy thử comment giúp mình xem có cách nào để bảo vệ ý kiến của Hume trong trường hợp của bác Vang hay không nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất