Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Oliver Burkeman | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Dexter | Hiệu đính:  Aceae
01/07/2016
Những vị triết gia và các nhà khoa học vẫn tranh cãi hàng thập kỷ nay về câu hỏi: “Điều gì thật sự khiến con người không chỉ là những robot phức tạp?”

Vào một buổi sáng mùa xuân năm 1994 ở Tucson, Arizona, triết gia David Chalmers, khi đó còn chưa được ai biết tới, có một bài nói chuyện về ý thức (consciousness), điều mà ông định nghĩa là cảm nhận bạn đang ở bên trong đầu bạn, nhìn ra bên ngoài – hay nói theo cách mà có thể khiến một nhà khoa học thần kinh phải tăng huyết áp, là có một tâm hồn. Mặc dù vậy, ở thời điểm đó, học giả trẻ người Úc này không nhận ra là mình chuẩn bị châm ngòi một cuộc chiến giữa những vị triết gia và các nhà khoa học, khi hướng sự chú ý tới một bí ẩn cốt lõi của đời người – có thể chính là bí ẩn cốt lõi nhất của đời người – và hé lộ sự thật xấu hổ rằng họ còn cách xa việc giải mã được nó.

Những vị học giả cùng tập trung lại ở Đại học Arizona – sự kiện mà sau đó trở thành một hội thảo bước ngoặt về chủ đề này – biết rằng họ đang làm một điều gai góc: dưới nhiều góc độ, ý thức vẫn là một điều kiêng kị, quá kỳ quặc và quá tâm linh để có thể nhìn nhận nghiêm túc, và một vài nhà khoa học đã mạo hiểm đánh cược cả danh tiếng của họ khi tham gia sự kiện này. Hai bài phát biểu đầu tiên vào hôm đó, trước bài của Chalmers, chẳng có ý tưởng gì đột phá. “Nói thật, chúng khá là nhạt nhẽo – tôi chẳng hiểu họ đang nói về cái gì,” vị giáo sư tại Đại học Arizona Stuart Hameroff nhớ lại. “Là người tổ chức sự kiện này, tôi nhìn quanh, thấy mọi người bắt đầu ngủ gật, hay một vài người khác thì đứng lên ngồi xuống liên tục.” Lúc đó ông bắt đầu lo lắng. “Nhưng đến bài phát biểu thứ ba, ngay trước giờ nghỉ giải lao – là bài phát biểu của Dave.” Với mái tóc dài và bù xù, cùng với kiểu trang phục vải bò từ đầu xuống chân, Chalmers trông như ông đã đi lạc trên đường tới buổi biểu diễn của ban nhạc Metallica. “Ông ấy bước lên bục, tóc dài đến hông, dáng đi khệnh khạng như Mick Jagger,” Hameroff hồi tưởng. “Nhưng rồi ông ấy cất tiếng. Và cả khán phòng chợt tỉnh giấc.”

Chalmers bắt đầu bằng việc chỉ ra rằng bộ não con người gợi ra đủ kiểu vấn đề khiến các nhà khoa học luôn bận rộn. Chúng ta học, ghi nhớ, và lĩnh hội mọi thứ như thế nào? Làm thế nào chúng ta biết rụt tay ra xa khỏi nước sôi, hay nghe được tên mình vang lên trong không gian huyên náo của một bữa tiệc? Nhưng tất cả những điều này chỉ là “những vấn đề cỏn con,” nếu có đầy đủ thời gian và tiền bạc, các chuyên gia sẽ giải đáp được nó. Chỉ có một vấn đề khó giải thực sự, Chalmers nói. Đó là một bí ẩn khó giải đến mức, vài tháng sau bài phát biểu đó của ông, mọi người bắt đầu nâng tầm quan trọng của nó với những chữ viết hoa – The Hard Problem of Consciousness (Tạm dịch: Vấn đề Khó giải về Ý thức) – và bí ẩn đó là thế này: Vì sao chúng ta lại cảm thấy mọi quá trình xử lý não bộ phức tạp xuất phát từ bên trong? Vì sao chúng ta không chỉ là những người máy siêu thông minh, có khả năng lưu trữ thông tin, có thể phản ứng với tiếng ồn và mùi vị và những cái chảo nóng, nhưng ẩn sâu bên trong lại thiếu một cuộc sống nội tâm? Và làm thế nào bộ não lại làm được điều đó? Làm thế nào mà một thứ nâu nâu hồng hồng, nhầy nhụa nặng 1,4kg trong hộp sọ của bạn, lại trở thành một trải nghiệm đầy bí ẩn như khi bạn cảm thấy bạn chính là khối nâu nâu hồng hồng đó cũng như là cơ thể gắn với nó?

Vì sao chúng ta lại cảm thấy mọi quá trình xử lý não bộ phức tạp xuất phát từ bên trong?

Điều khiến khán giả của Chalmers tỉnh lại sau cơn lim dim nằm ở cách mà ông ấy đặt câu hỏi. “Trong lúc nghỉ giải lao, tôi đi quanh phòng như một nhà soạn kịch trong đêm diễn đầu tiên, nghe trộm.” Hameroff kể lại. “Và tất cả mọi người kiểu: ‘Ồ! Vấn đề Khó giải! Vấn đề Khó giải! Đó là lý do chúng ta đến đây!” Những vị triết gia từ hàng thế kỷ nay đã suy nghĩ rất nhiều về thứ gọi là “vấn đề tâm trí-thể xác” (mind-body problem)1 Nhưng cách tiếp cận cụ thể của Chalmers “vượt ra khỏi phạm vi của triết học và kích động tất cả mọi người. Nó định nghĩa cả một ngành. Nó khiến ta đặt câu hỏi: “Thực sự chúng ta đang phải đối mặt với cái quái gì ở đây?”

Hai thập kỷ sau, chúng ta biết nhiều hơn đáng kể về bộ não: theo dõi tin tức một tuần thôi thì bạn cũng có thể bắt gặp ít nhất một câu chuyện khám phá ra một vùng của bộ não có liên hệ với đánh bạc, hay lười biếng, hay tình yêu sét đánh, hay sự nuối tiếc – và đó mới chỉ là những nghiên cứu được giật tít. Trong khi đó, ngành trí tuệ nhân tạo – ngành mà tập trung vào việc tái tạo khả năng của bộ não con người, hơn là cảm giác là một bộ não thì như thế nào – phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nhưng giống như người họ hàng khó chịu không mời mà đến, ở lại một tuần và không chịu rời đi, Vấn đề Khó giải vẫn còn đó. Khi tôi giậm ngón chân vào chân bàn lúc ăn sáng hôm nay, bất kỳ một sinh viên ngành thần kinh học nào cũng có thể nói với bạn rằng, các sợi thần kinh gọi là “sợi C” đã truyền một thông điệp tới tủy sống, gửi những dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) tới phần não bộ gọi là vùng đồi thị, sau đó kích hoạt hệ thống thần kinh viền (limbic system) của tôi. Tốt thôi. Nhưng làm thế nào tất cả điều đó lại được hộ tống bởi một cảm giác đau đớn bất chợt? Và thật ra thì đau đớn là gì?

Những câu hỏi như thế này nằm ngay ở lằn ranh giữa khoa học và triết học, khiến một số chuyên gia trở nên tức giận công khai. Chúng đã khiến một vài người tranh luận rằng những cảm giác ta ý thức được, ví dụ như đau đớn, không thật sự tồn tại, mặc kệ cảm giác của tôi khi nhảy lò cò đầy khổ đau quanh bếp; hay, nhìn ở góc độ khác, thực vật cũng sẽ phải có ý thức. Vấn đề Khó giải đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi trên những tạp chí uy tín về việc điều gì đang thực sự xảy ra trong não của một thây ma hay như tiêu đề của một bài viết nổi tiếng năm 1974 của triết gia Thomas Nagel2, “Cảm giác làm một con dơi là như thế nào?” Một vài người cho rằng vấn đề này đánh dấu một ranh giới không chỉ bao quanh cái chúng ta biết ở thời điểm hiện tại, mà về cả việc điều gì có thể giải thích bởi khoa học. Mặt khác, trong vài năm gần đây, một vài nhà thần kinh học tin rằng bí ẩn này sắp được giải đáp – nhưng chỉ khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận kết luận đáng lo ngại là máy tính hay internet có thể cũng có ý thức.

Tuần tới, vấn đề này sẽ tiến gần hơn tới nhận thức của công chúng với màn khai mạc của vở kịch “The Hard Problem” của Tom Stoppard tại Nhà hát Quốc gia – vở kịch đầu tiên Stoppard viết cho Nhà hát này kể từ năm 2006, và là vở kịch cuối cùng mà người đứng đầu Nhà hát Nicholas Hytner sẽ đạo diễn trước khi từ nhiệm vào tháng Ba. Nhà soạn kịch 77 tuổi này không hé lộ nhiều về nội dung vở kịch, ngoại trừ việc nó nói về câu hỏi “ý thức là gì và vì sao nó tồn tại”, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu trẻ với diễn xuất của Olivia Vinall. Trả lời tờ Daily Mail, Stoppard cũng làm rõ một hiểu nhầm không đáng có về tiêu đề. “Nó không phải là về vấn đề mất khả năng cương cứng,” ông nói.

Những tác phẩm của Stoppard từ lâu đã tập trung vào những chủ đề lớn, vì thế không có gì lạ ở đây: khi cuộc nói chuyện chuyển tới Vấn đề Khó giải, kể cả những người lý trí nhất cũng dễ dàng sa vào trầm ngâm về ý nghĩa của cuộc sống. Christof Koch, trưởng nhóm khoa học tại Viện Khoa học Não bộ Allen, và là nhân tố chính trong chiến dịch hàng tỉ đô-la của bộ máy chính quyền Obama nhằm thiết lập bản đồ não bộ, là nhà khoa học thần kinh thuộc hàng uy tín nhất. Nhưng vào tháng 12 ông nói với tôi: “Tôi nghĩ rằng khao khát ban đầu đã thôi thúc tôi nghiên cứu về ý thức là bởi vì tôi muốn bí mật chỉ ra cho chính mình rằng nó không thể được giải thích một cách khoa học. Tôi là người theo Đạo Thiên chúa, và tôi muốn tìm một mảng mà tôi có thể nói: OK, ở đây, Chúa đã can thiệp. Chúa tạo ra linh hồn, và đưa nó vào trong con người.” Koch đảm bảo với tôi rằng ông đã từ bỏ cái ý niệm không khả thi đó. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bằng tất cả sự nghiêm túc, ông nói rằng dựa trên nghiên cứu mới nhất của ông thì việc iPhone có cảm xúc không phải là điều bất khả thi.

Trước khi Chalmers phát biểu tại Tucson, khoa học đã cố lờ đi vấn đề về ý thức trong một thời gian dài. Nguồn gốc của sự lờ đi này xảy ra vào những năm 1600, khi René Descartes3 phát hiện ra một tình thế sẽ làm khó các nhà khoa học trong nhiều năm tiếp theo. Một mặt, Descartes nhận ra rằng, không có gì rõ ràng và hiển nhiên hơn việc bạn có ý thức. Theo lý thuyết, tất cả những thứ khác mà bạn nghĩ rằng bạn biết về thế giới có thể là một ảo tưởng phức tạp được dựng lên để đánh lừa chính bạn – ở điểm này, những nhà văn đương đại thường viện dẫn tới bộ phim Ma Trận – nhưng chính ý thức của bạn không thể là ảo tưởng. Mặt khác, hiện tượng hiển nhiên và quen thuộc này không tuân theo bất kỳ định luật nào của khoa học. Nó dường như không phải vật chất. Nó không thể được quan sát, trừ việc nhìn từ bên trong bởi chính người có ý thức đó. Nó cũng không thể được mô tả. Tâm trí, Descartes kết luận, chắc chắn được tạo ra bởi một thứ phi vật chất đặc biệt mà không tuân theo quy luật tự nhiên; Chúa đã truyền lại nó cho chúng ta.

Tâm trí, Descartes kết luận, chắc chắn được tạo ra bởi một thứ phi vật chất đặc biệt mà không tuân theo quy luật tự nhiên; Chúa đã truyền lại nó cho chúng ta.

Luận điểm kiểu tôn giáo và phẩy tay này, được biết tới là thuyết nhị nguyên Cartesian (Cartesian dualism)4, vẫn là giả định chính tới thế kỷ 18 và cho tới thời kỳ đầu của nghiên cứu não bộ hiện đại. Nhưng nó chắc chắn luôn là một điều khó chấp nhận đối với khoa học phi tôn giáo đang nổi lên, vốn lấy chủ nghĩa vật chất – quan điểm cho rằng chỉ có những thứ vật chất tồn tại – làm nguyên lý căn bản. Và cho dù khoa học thần kinh đã tăng tốc trong thế kỷ 20, không có một lời giải thích thỏa đáng nào khác được đưa ra. Vì vậy, từng chút từng chút một, chủ đề này trở thành một điều cấm được nhắc tới. Chỉ có một số ít người nghi ngờ về việc não bộ và tâm trí có sự liên kết vô cùng chặt chẽ với nhau: nếu bạn thắc mắc về điều này, hãy thử cầm con dao bếp mà đâm liên tục vào não của bạn, và xem điều gì xảy ra với ý thức của bạn. Nhưng làm thế nào mà chúng liên kết với nhau – hay bằng cách nào đó chúng là một – là một bí ẩn tốt hơn hết là để dành cho các triết gia. Thậm chí năm 1989, trong cuốn International Dictionary of Psychology (Tạm dịch: Từ điển Tâm lý học Quốc tế), nhà tâm lý học người Anh Stuart Sutherland5 giận dữ tuyên bố về ý thức rằng “việc xác định nó là gì, nó làm cái gì, hay vì sao nó được tạo ra, là một điều bất khả thi. Chưa có một tài liệu đáng đọc nào viết về nó.”

Chỉ đến năm 1990, Francis Crick6, một trong những người tìm ra cấu trúc xoắn kép của ADN, dùng vị thế của mình để phá vỡ tình thế này. Ông tuyên bố trong một bài viết đồng tác giả với Christof Koch, khoa học thần kinh giờ đã phát triển đầy đủ, đến mức ý thức không thể bị lờ đi nữa. “Thật đáng ngạc nhiên,” họ bắt đầu, “rằng hầu hết công trình trong cả ngành khoa học nhận thức (cognitive science) và khoa học thần kinh đều không nhắc gì tới ý thức (consciousness)” – một phần, họ nghi ngờ, “bởi vì hầu hết những nhà khoa học trong các lĩnh vực này không nhìn thấy được cách tiếp cận hiệu quả vấn đề này.” Họ đưa ra một “lý thuyết nháp” của riêng họ, cho rằng một số neuron cụ thể, hoạt động ở những tần suất cụ thể, bằng cách nào đó tạo ra ý thức bên trong chúng ta – dù không rõ ràng điều đó xảy ra như thế nào.

“Mọi người nghĩ tôi vô cùng điên rồ khi quyết định dính vào vấn đề này,” Koch nhớ lại. “Một người đồng nghiệp lâu năm rủ tôi đi ăn trưa và nói rằng, đúng, anh ta có sự tôn trọng tuyệt đối với Francis, nhưng Francis là người dành giải Nobel, sắp thành thần đến nơi rồi, nên ông ấy có thể làm mọi điều ông ấy muốn, trong khi tôi chưa đạt được vị thế như vậy, và vì thế tôi nên thật sự cẩn trọng. Dính với những chủ đề bình thường hơn đi. Những thứ ngoài lề như thế này – sao không để dành chúng tới khi ông nghỉ hưu, khi ông gần đất xa trời, và ông có thể lo lắng về tâm hồn và những thứ như vậy?”

Khoảng thời gian này cũng là lúc David Chalmers bắt đầu nói về thây ma.

***

Khi còn là trẻ con, Chalmers bị cận một bên mắt, và ông kể lại một cách đầy sinh động ngày đầu tiên ông đeo kính để chỉnh lại vấn đề. “Đột nhiên tôi có thể nhìn bằng hai mắt,” ông nói. “Và thế giới đột nhiên hiện ra. Nó là một thế giới 3 chiều hoàn toàn mới đối với tôi.” Càng lớn ông lại nghĩ về khoảnh khắc đó nhiều hơn. Tất nhiên, bạn có thể kể một câu chuyện về mặt cơ khí đơn giản về việc điều gì xảy ra trong thấu kính của chiếc kính, mắt, võng mạc, và não bộ của ông ấy. “Nhưng làm thế nào để giải thích cách mà thế giới tự nhiên hiện ra như vậy?” Đối với một người theo chủ nghĩa vật chất, câu chuyện về chiếc kính – mắt – võng mạc là câu chuyện duy nhất. Nhưng với một người có cùng suy nghĩ như Chalmers, hiển nhiên rằng điều đó là chưa đủ: có thể nó cho bạn biết cơ chế hoạt động của mắt, nhưng nó không giải thích một cách rõ ràng và sâu sắc trải nghiệm bất ngờ và đầy hấp dẫn đó. Cuộc thí nghiệm tư duy “thây ma” của Chalmers chính là cách ông đang cố gắng cho thấy vì sao cơ chế vật lý là chưa đủ – vì sao bí ẩn về ý thức lại cần đào sâu hơn những gì khoa học vật chất có thể lý giải.

“Nhìn này, tôi không phải là một thây ma, và tôi mong bạn không phải là một thây ma,” Chalmers nói trong một buổi Chủ nhật trước Giáng sinh, “nhưng vấn đề là tiến hóa có thể sản sinh ra thây ma thay vì những sinh vật có ý thức – và điều đó đã không xảy ra!” Chúng tôi đang uống espresso trong văn phòng của ông ở Đại học New York, nơi được cho là dẫn đầu về nghiên cứu triết học phương Tây hiện nay, cũng là nơi mà ông mới nhận một vị trí toàn thời gian; hành lý của ông, được chuyển tới từ Úc, vẫn còn nằm ngổn ngang trong phòng khách. Chalmers, hiện 48 tuổi, gần đây đã cắt bớt tóc trong sự nhượng bộ để có sự tôn trọng của giới học thuật, và ông đã ăn mặc nghiêm chỉnh hơn, nhưng những ý tưởng của ông vẫn điên rồ như vậy. Khung cảnh của thí nghiệm thây ma hiện ra như sau: tưởng tượng rằng bạn có một bản sao. Người này giống hệt bạn ở mọi khía cạnh và hành xử y như bạn; nó trò chuyện, ăn và ngủ, khi hạnh phúc hay lo lắng đều trông hệt như bạn. Chỉ có một điểm khác biệt là bản sao này không có ý thức; điều này – khác với hình ảnh xác chết biết đi rên rỉ, hút máu trong các bộ phim – là thứ mà các triết gia gọi là “thây ma”.

Đương nhiên một thứ giống hệt con người như thế chưa tồn tại. (Hay có lẽ tốt hơn nên nói là tôi biết mình không phải là con ma đó; tôi không biết chắc chắn bạn có phải không.) Nhưng đại ý ở đây là, theo lý thuyết, có thể có chuyện con ma đó tồn tại. Tiến hóa có thể sản sinh ra những sinh vật giống con người đến từng phân tử, có thể làm mọi điều con người làm, trừ việc không có ý thức bên trong. Chalmers giải thích: “Tôi đang nói chuyện với bạn, và tôi có thể thấy cách bạn phản ứng; tôi có thể làm một bài quét não, và tìm ra chính xác điều gì đang xảy ra trong não của bạn – nhưng dường như nó giống hệt với tất cả các bằng chứng của bản sao không có ý thức của bạn.” Nếu bạn nhìn thấy tôi và bản sao của tôi đi đến, không biết ai là bản thể thật, kể cả máy quét não hiện đại nhất cũng không thể phân biệt được. Và sự thật là nếu một người có thể hình dung ra viễn cảnh này thì cũng hiểu được rằng ý thức không thể chỉ được tạo ra bởi những phân tử vật lý bình thường. Vì thế ý thức, một cách nào đó, phải là một thứ khác – một nguyên liệu mới của tự nhiên.

twitter-head
Ý thức là thứ khiến bạn khác với một thây ma. Ảnh: JISC.

Khi Chalmers cố phát triển ý tưởng này, nhất là trong cuốn sách The Conscious Mind (Tạm dịch: Tâm trí có ý thức) vào năm 1996, nói là không phải ai cũng đón nhận nó còn nhẹ chán. Giọng điệu đầy cay đắng của triết gia Massimo Pigliucci7 đủ để tổng hợp hàng nghìn từ người ta đã viết để công kích ý tưởng thây ma: “Hãy để dành những con thây ma đó cho những bộ phim hạng B và cố gắng nghiêm túc hơn với những triết lý của chúng ta, được không?” Vâng, có thể đúng là phần lớn chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày, nghĩ về ý thức như là một thứ vượt quá sự tồn tại vật lý – như là tâm trí của bạn là một “tài xế trong cơ thể,” theo lời của tác giả tâm linh Alan Watts8. Nhưng để chấp nhận điều này như là một nguyên lý khoa học thì phải viết lại các định luật vật lý. Tất cả những gì chúng ta biết về vũ trụ nói rằng thực tại chỉ bao gồm vật chất: nguyên tử và những hạt cấu thành, bận rộn va vào nhau và kết hợp với nhau. Hơn hết, những người chỉ trích chỉ ra rằng, nếu thứ tinh thần phi vật chất này tồn tại, làm thế nào nó khiến những thứ vật chất xảy ra – giống như khi cảm giác đau đớn khiến tôi rụt tay khỏi cái chảo đang nóng?

Tuy vậy, chỉ thỉnh thoảng khoa học mới hé lộ vài manh mối rằng thứ nguyên liệu thú vị này có thể có thật. Vào những năm 70, tại Bệnh viện Quốc gia về bệnh Thần kinh ở London, nhà thần kinh học Lawrence Weiskrantz bắt gặp một bệnh nhân, được biết tới là “DB,” với một điểm mù ở mắt trái gây ra bởi tổn thương trong não bộ. Weiskrantz cho anh ta xem hình các đường kẻ sọc, đặt nó ở khu vực điểm mù của anh ta, sau đó hỏi anh nói xem những đường kẻ sọc đó là đường kẻ dọc hay kẻ ngang. Đương nhiên DB xác nhận rằng anh ta chẳng nhìn thấy kẻ dọc kẻ ngang nào. Nhưng Weiskrantz nài nỉ anh ta cứ đoán câu trả lời xem sao – và DB trả lời đúng tới gần 90%. Rõ ràng là, não bộ của anh có nhận biết các đường kẻ sọc mà ý thức của anh không hề hay biết. Một cách lý giải cho rằng DB là một bán thây ma, với bộ não giống như các bộ não thông thường khác, nhưng thiếu đi một phần của thứ nguyên liệu kỳ diệu mang tên ý thức.

Hơn hết, những người chỉ trích chỉ ra rằng, nếu thứ tinh thần phi vật chất này tồn tại, làm thế nào nó khiến những thứ vật chất xảy ra – giống như khi cảm giác đau đớn khiến tôi rụt tay khỏi cái chảo đang nóng?

Chalmers biết rằng ý tưởng của ông điên rồ đến mức nào, và mang nó đầy tự hào: ở những hội nghị triết học, ông thích thú với việc leo lên sân khấu để hát The Zombie Blues (Tạm dịch: Bản nhạc Blues của thây ma, cũng có thể hiểu là Những nỗi sầu của thây ma) bài ca ai oán về nỗi khổ của việc không có ý thức. (“Tôi hành xử giống như bạn / Tôi làm những gì bạn làm / Nhưng tôi không biết / Cảm giác là bạn nó như thế nào.”) “Tức là: làm thây ma chắc là chán lắm? Ý thức là thứ khiến cuộc đời đáng sống, và tôi còn chẳng có thứ đó: Tôi có nỗi buồn thây ma.” Bài hát này đã được nâng cấp kể từ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng hơn một thập kỷ trước, khi ông còn cố gắng hát đúng nhịp điệu của bài. “Giờ tôi nhận ra là cứ gào lên thì hay hơn nhiều,” ông nói.

***

Những cuộc tranh luận về ý thức làm mồi cho nhiều lời phỉ báng và giận dữ hơn phần lớn các chủ đề khác trong triết học hiện đại, có lẽ bởi vì tính chất khó hiểu của vấn đề: người của cả hai phía ủng hộ và phản đối không chỉ đơn giản là phản đối, mà còn thấy luận điểm của phía kia hiển nhiên là ngớ ngẩn. Một ví dụ điển hình là triết gia người Anh gốc Canada Ted Honderich9, sáng tác cuốn sách On Consciousness (Tạm dịch: Về ý thức) được mô tả trong một bài viết của một triết gia khác tên là Colin McGinn10 vào năm 2007 là “tầm thường và vô nghĩa”, “đau đớn,” “lố bịch,” chạy từ “đủ các gam màu từ tầm thường đến lố bịch đến đơn giản là tệ hại”. McGinn đế thêm trong một lời chú thích: “Lời nhận xét ở đây không phải là những lời tôi viết ra đầu tiên. Ban biên tập đã yêu câu tôi ‘giảm nhẹ giọng văn’ [và] tôi đã làm như vậy.” (Những lời công kích này có thể một phần do một đoạn tự truyện của Honderich, trong đó ông nhắc đến “người đồng nghiệp bé nhỏ của tôi Colin McGinn”; khi đó, Honderich nói với tờ báo này rằng ông đã làm McGinn nổi khùng lên bằng cách ám chỉ bạn gái của McGinn là “không xấu bằng cô nàng trước.”)

Công bằng mà nói, McGinn đã dựng nên một sự nghiệp bằng việc đi công kích người khác. Nhưng những cảm xúc mạnh như thế là chuyện thường thấy, chỉ là chúng được diễn tả lịch sự hơn một chút. Không phải tất cả mọi người đều đồng ý rằng ngay từ đầu đã có một Vấn đề Khó giải – có nghĩa là toàn bộ cuộc tranh luận Chalmers khơi mào chẳng có nghĩa lý gì. Daniel Dennett, giáo sư danh tiếng của Đại học Tufts và cũng là một người theo chủ nghĩa vô thần, cho rằng ý thức, với cách chúng ta nghĩ về nó, chỉ là một ảo tưởng: chẳng có một thứ gia vị thêm nào cho não bộ, và thứ nhầy nhụa đó cũng chẳng tạo nên một thứ gọi là ý thức. Cảm giác thông thường (common sense) khiến chúng ta nghĩ rằng có một thế giới trải nghiệm chủ quan ở bên trong – nhưng cảm giác thông thường đã từng nói Mặt trời quay quanh Trái đất, và thế giới thì phẳng. Ý thức, theo lý thuyết của Dennett, như là một trò ảo thuật: chỉ là não bộ khi vận hành một cách bình thường khiến mọi thứ giống như có một thứ phi vật chất nào đó đang xảy ra. Dennett cho rằng, tìm kiếm một thứ ý thức thật và sờ nắm được cũng ngu ngốc giống như việc cứ khăng khăng rằng các nhân vật trong tiểu thuyết, ví dụ như Sherlock Holmes và Harry Porter, phải được làm từ một chất liệu kỳ cục gọi là “fictoplasm”; ý tưởng này lố bịch và không cần thiết, vì những nhân vật này từ đầu còn chẳng tồn tại. Lúc này thì những người tranh luận thường chỉ còn đường cười phá lên và lắc đầu không tin nổi; cả hai bên đều không thể tin được những điều phía kia đang nói. Đối với những người phản đối Dennett, ông này chỉ đơn thuần phủ nhận sự tồn tại của một thứ ai ai cũng biết chắc chắn: trải nghiệm bên trong của họ về nhìn, nếm, cảm xúc, tất tật mọi thứ. (Chalmers đùa cợt rằng Dennett chính là một thây ma.) Nó giống như là khẳng định ung thư không tồn tại, sau đó tuyên bố rằng bạn đã chữa khỏi ung thư; nhiều nhà phê bình cuốn sách nổi tiếng của Dennett, Consciousness Explained (Tạm dịch: Giải thích về ý thức), đùa rằng cuốn sách nên đổi tên thành Consciousness Explained Away (Tạm dịch: Khỏi phải giải thích về ý thức). Phản hồi của Dennett thì nhẹ bẫng một cách đặc trưng: khiến mọi thứ trở nên đơn giản, ông khẳng định, chính là điều mà các nhà khoa học làm. Khi những nhà vật lý lần đầu kết luận rằng khác biệt duy nhất giữa vàng và bạc là số lượng hạt trong nguyên tử của chúng, ông viết, công chúng đã có thể thấy mình bị lừa, phàn nàn rằng cái “tính vàng” và “tính bạc” đặc biệt của chúng đã bị làm cho biến mất. Nhưng giờ tất cả mọi người đều chấp nhận rằng tính vàng và tính bạc thực ra chỉ nằm trong sự khác biệt trong nguyên tử. Dù có khó chấp nhận thế nào, chúng ta nên thừa nhận rằng ý thức chỉ là bộ não vật chất, làm những việc não bộ làm.

“Lịch sử khoa học chứa đầy những trường hợp người ta nghĩ một hiện tượng này là hoàn toàn độc nhất, rằng chẳng có một cơ chế khả thi nào giải thích cho nó, rằng chúng ta có thể chẳng bao giờ giải đáp được nó, rằng chẳng có thứ gì trong vũ trụ giống nó,” theo Patricia Churchland11 của Đại học California, một người tự xưng là “nhà triết học thần kinh” và là một trong những người phản đối Chalmers thẳng thắn nhất. Quan điểm của Churchland về Vấn đề Khó giải, thứ cô véo von phát âm một cách đầy châm chọc, là nó thật vô nghĩa, rằng nó được nuôi dưỡng bởi những triết gia sợ hãi rằng khoa học có thể giải đáp một trong những câu đố từ lâu đã nuôi sống nghề của họ. Hãy nhìn vào những ví dụ trước đây: vào thế kỷ 17, các học giả tin rằng ánh sáng không thể là một thứ vật chất – rằng nó phải là một thứ huyền bí, vượt ra khỏi những quy luật thông thường của tự nhiên. Hay nhìn vào bản thân sự sống: những nhà khoa học trước đây đã từng tin rằng phải có thứ linh hồn ma thuật nào đó – một thứ gọi là élan vital12 – phân biệt những thực thể sống với máy móc đơn thuần. Nhưng đương nhiên chẳng có thứ nào như thế. Ánh sáng là một bức xạ điện từ; sự sống chỉ là một cái nhãn chúng ta gán vào những vật thể mà có thể phát triển và sinh sản. Cuối cùng, khoa học thần kinh sẽ chứng minh rằng ý thức chỉ là một trạng thái của não bộ. Churchland nói: “Lịch sử khoa học thực sự cho thấy rằng chúng ta dễ rơi vào tư duy này như thế nào – rằng nếu bộ não to lớn, tuyệt vời của tôi không thể nhìn thấy lời giải, thì chắc hẳn đây là một vấn đề cực kỳ, cực kỳ khó giải!”

Nhiều cách giải thích trôi nổi khắp nơi: những bài báo khoa học ngập tràn những thứ như “lý thuyết global workspace”, “ego tunnels”, “microtubules”, và những suy đoán rằng lý thuyết lượng tử có thể mở ra một con đường. Nhưng tính khó giải của vấn đề làm những người như Colin McGinn đề xuất một ý tưởng thú vị nhưng cuối cùng lại mang tư tưởng bại trận: nếu như thể tạng của chúng ta không có khả năng để giải đáp Vấn đề Khó giải? Sau cùng, não bộ của chúng ta tiến hóa để giúp giải quyết những chuyện đời thường hơn như sống còn và sinh sản; chẳng có một lý do cụ thể nào để cho rằng chúng nên có khả năng trả lời mọi câu hỏi triết học mà chúng ta vô tình ném cho. Lập trường này được gọi là “mysterianism”13 – đặt tên theo ban nhạc rock thập niên 60 “? and the Mysterians” của bang Michigan, chính họ cũng mượn tên một tác phẩm khoa học giả tưởng của Nhật Bản – nhưng ý chính của nó là việc ý thức chưa được lý giải thì không có gì khó hiểu cả: đó không phải việc con người làm được. Nếu chúng ta vật lộn cũng không hiểu được tâm trí vật chất là thế nào, có thể là vì chúng ta, trích lời triết gia người Mỹ Josh Weisberg, đang trong vị thế của “những con sóc đang cố gắng hiểu cơ học lượng tử là cái gì.” Nói cách khác thì: “Không được đâu.”

***

Hay thực ra là có thể được: trong một vài năm gần đây, một số nhà khoa học và triết gia, trong đó có Chalmers và Koch, bắt đầu nhìn nhận lại một cách nghiêm túc một góc nhìn quá kỳ cục đến mức nó bị lờ đi hơn một thế kỷ nay, trừ những người theo những giá trị tinh thần truyền thống của phương đông, hay trong những góc lập dị của thế kỷ mới. Đó là “panpsychism,” một khái niệm choáng váng rằng mọi thứ trong vũ trụ có thể có ý thức, hay ít nhất là có khả năng có ý thức, hay ý thức được đặt trong những điều kiện cụ thể. Koch thừa nhận rằng điều này nghe khá ngớ ngẩn: khi ông nhắc tới panpsychism, ông viết, “Tôi thường gặp phải những cái nhìn trống rỗng.” Nhưng khi đánh vật với Vấn đề Khó giải, những lý thuyết nghe có vẻ điên rồ lại là một thứ đầy may rủi. Ngoài ra, panpsychism có thể giúp giải đáp một bí ẩn gắn liền với ý thức từ ban đầu: nếu con người có ý thức, và vượn có nó, và chó và lợn có lẽ cũng có nó, và có thể chim cũng vậy – vậy thì, đâu là điểm dừng?

Vấn đề là dường như không có một lý do logic nào để đặt ra ranh giới (giữa những sinh vật có và không có ý thức) cho chó, quạ, chuột, côn trùng, hay thậm chí là ở cỏ cây và sỏi đá. Vì chúng ta không biết cách mà bộ não của động vật có vú tạo ra ý thức, chúng ta cũng không có cơ sở nào để dựa vào đó cho rằng chỉ có bộ não của động vật có vú có ý thức – hay kể cả việc có ý thức thì cần tới một bộ não.

Trưởng thành từ một gia đình theo Công giáo ở Đức, Koch có một con chó giống dachshund tên là Purzel. Theo nhà thờ, bởi vì nó là một con chó, nên nó không có một tâm hồn. Nhưng nó rên rỉ khi lo lắng và kêu lên khi bị thương – “chắc chắn nó tỏ ra có mọi khía cạnh của một cuộc sống nội tâm giàu có.” Những ngày này chúng ta không nói nhiều đến tâm hồn, nhưng ta thừa nhận một cách rộng rãi rằng một vài bộ não không-phải-của-con-người cũng có ý thức – rằng con chó thật sự cảm thấy đau đớn khi bị thương. Vấn đề là dường như không có một lý do logic nào để đặt ra ranh giới (giữa những sinh vật có và không có ý thức) cho chó, quạ, chuột, côn trùng, hay thậm chí là ở cỏ cây và sỏi đá. Vì chúng ta không biết cách mà bộ não của động vật có vú tạo ra ý thức, chúng ta cũng không có cơ sở nào để dựa vào đó cho rằng chỉ có bộ não của động vật có vú có ý thức – hay kể cả việc có ý thức thì cần tới một bộ não. Đây là điều khiến Koch và Chalmers tranh luận, trên trang New York Review of Books, rằng một cái điều khiển nhiệt hay một đi-ốt quang gia dụng, loại mà bạn có thể tìm thấy trong máy dò khói, theo lý thuyết có thể có ý thức.

Cuộc tranh luận được mở ra như sau: những nhà vật lý không có vấn đề gì trong việc chấp nhận rằng những khía cạnh căn bản của hiện thực – ví dụ như không gian, khối lượng, hay điện tích – chỉ đơn thuần là tồn tại. Chúng không thể được giải thích bằng một kết quả của thứ gì khác. Những lý giải cần phải có điểm dừng. Linh cảm của những người theo chủ nghĩa panpsychism rằng ý thức cũng có thể như vậy – và nếu nó là như vậy, chẳng có một lý do cụ thể nào để cho rằng nó chỉ xảy ra ở một vài vật chất nhất định.

Koch cùng phát triển với nhà thần kinh học và cũng là nhà tâm thần học Giulio Tononi14 một phiên bản khác của ý tưởng này, hẹp hơn và chính xác hơn chủ nghĩa panpsychism truyền thống. Luận điểm của Koch và Tononi cho rằng, tất cả mọi thứ đều có ý thức, miễn là thông tin chứa trong chúng được kết nối với nhau và có đủ tổ chức. Bộ não con người hiển nhiên đáp ứng điều này; bộ não của chó mèo cũng vậy, mặc dù ý thức của chúng dễ là không giống với chúng ta. Nhưng theo lý thuyết thì internet, điện thoại thông minh, hay một cái điều khiển nhiệt cũng có thể có ý thức. (Những ngụ ý về đạo đức vô cùng đáng ngại: liệu chúng ta có nên quan tâm tới những chiếc máy có ý thức như chúng ta làm với động vật? Về phần Koch, ông cố gắng không giẫm lên những con côn trùng khi bước đi.)

Luận điểm của Koch và Tononi cho rằng, tất cả mọi thứ đều có ý thức, miễn là thông tin chứa trong chúng được kết nối với nhau và có đủ tổ chức.

Không giống như phần lớn những suy nghĩ về Vấn đề Khó giải, “lý thuyết thông tin thống nhất” (integrated information theory) của Tononi và Koch thực sự đã được thí nghiệm. Một nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là Tononi, đã thiết kế ra một thiết bị kích thích não bộ bằng điện, để đo lường xem các mạch thần kinh của nó được kết nối và tổ chức, được “thống nhất” đến mức nào. Khi con người rơi vào giấc ngủ sâu, hay nhận được một mũi gây mê, khi họ rơi vào trạng thái vô thức, thiết bị này cho thấy rằng sự thống nhất của não bộ cũng giảm. Đối với những bệnh nhân bị “hội chứng locked-in”15 – họ cũng có ý thức như chúng ta – chỉ số thống nhất não bộ này vẫn ở mức cao; còn với những bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, chỉ số này không cao như vậy. Thu thập đủ loại bằng chứng này, và Koch cho rằng theo lý thuyết bạn có thể lấy bất kỳ thiết bị nào, đo độ phức tạp của thông tin chứa trong nó, sau đó luận ra nó có ý thức hay không.

Nhưng kể cả nếu bạn sẵn sàng chấp nhận tuyên bố khó hiểu rằng điện thoại thông minh có thể có ý thức, liệu bạn có bao giờ biết được điều đó có đúng hay không? Liệu có phải chỉ có bản thân chiếc điện thoại thông minh đó mới có thể biết được? Koch nhún vai. “Điều này cũng giống như hố đen vậy,” ông nói. “Tôi chưa bao giờ ở trong hố đen. Cá nhân tôi không có trải nghiệm gì về hố đen. Nhưng lý thuyết [dự đoán về hố đen] dường như luôn đúng, bởi vậy tôi đành chấp nhận nó.”

Sẽ là thỏa mãn nếu một lý thuyết như thế này cuối cùng cũng đánh bại được Vấn đề Khó giải. Một mặt, nó không cần đến một niềm tin vào những chất-gây-nhận-thức tồn tại trong bộ não; những định luật vật lý sẽ vẫn được bảo toàn. Mặt khác, chúng ta không cần phải chấp nhận khẳng định kỳ cục và vô cảm rằng ý thức không tồn tại, khi thực ra hiển nhiên là nó có tồn tại. Trái lại, những người theo chủ nghĩa panpsychism nói rằng, nó ở khắp mọi nơi. Vũ trụ đang rung lên vì nó.

Tháng 6 năm ngoái, một vài nhân vật nổi bật nhất trong cuộc tranh luận về ý thức – bao gồm Chalmers, Churchland và Dennett – cùng lên một chiếc thuyền buồm để đi một chuyến quanh lục địa băng Greenland. Hội thảo trên biển này được tài trợ bởi một doanh nhân internet người Nga, Dmitry Volkov, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ý thức Moscow. Có khoảng 30 học giả và nghiên cứu sinh, cộng thêm thủy thủ, dành một tuần trượt qua những vùng nước tối, vượt qua núi và sông băng, trong cái giá lạnh tốt cho việc tập trung suy nghĩ, thử giải quyết vấn đề ý thức một lần nữa. Vào buổi sáng, họ thăm quan các đảo, hay khám phá những tàn tích của các túp lều đá; vào buổi chiều, họ tổ chức các buổi họp trên thuyền. Đối với Chalmers, khung cảnh này chỉ làm tăng thêm sự cấp bách của việc giải đáp bí ẩn: làm thế nào bạn có thể cảm nhận gió Bắc Cực trên mặt, nhìn thấy những gam màu xám và trắng và xanh sống động lướt qua, và vẫn khẳng định rằng trải nghiệm ý thức không có thật, hay chỉ đơn thuần là kết quả của trải nghiệm vật chất bình thường?

Đó là câu hỏi tu từ. Dennett và Churchland chẳng hề xoay chuyển; thật vậy, Chalmers chẳng nghĩ là sẽ có một sự thống nhất sẽ xảy ra trong thế kỷ tới. “Có thể sẽ có một vài phát hiện mới mà sẽ khiến tất cả chúng ta ở đây trông giống như những người trước thời kỳ Darwin tranh cãi về sinh học vậy,” ông nói. “Nhưng sẽ chẳng bất ngờ nếu trong ít nhất 100 năm nữa, khoa học thần kinh trở nên vô cùng tinh vi, hay chúng ta hoàn thành bản đồ não bộ – nhưng một vài người vẫn sẽ nói, ‘Vâng, nhưng làm thế nào mà chúng có thể tạo ra ý thức?” trong khi những người khác thì nói ‘Không, không, không – đấy chính  ý thức!” Chuyến đi Greenland kết thúc trong không khí vui vẻ, và tất cả chẳng ai hiểu gì hết.

Sẽ rất bay bổng – mặc dù khó chịu vô cùng – nếu nói rằng cuối cùng thứ duy nhất mà tâm trí chúng ta không thể hiểu được lại là chính nó. Câu trả lời chắc phải ở đâu đó ngoài kia. Và tìm ra nó có quan trọng: thật vậy, ta có thể cho rằng chẳng có điều gì có ý nghĩa hơn thế – vì tất cả những thứ có ý nghĩa trên đời chỉ có ý nghĩa vì hệ quả tác động của nó lên bộ não có nhận thức. Nhưng chẳng có lý do gì để cho rằng bộ não của chúng ta sẽ là đủ trên con đường đi tới câu trả lời. Cũng chẳng có lý do gì để nghĩ là nhỡ đâu một ngày ta bắt gặp lời giải cho Vấn đề Khó giải, ở một nơi giao thoa giữa khoa học thần kinh và triết học, ta sẽ nhận ra là ta đã tìm ra nó.


  1. Vấn đề tâm trí-thể xác là vấn đề giải thích làm thế nào mà những trạng thái, sự kiện, quá trình của tâm trí như niềm tin, tư duy, có mối liên hệ với trạng thái, sự kiện, quá trình của thể xác, trong bối cảnh thể xác là một thực thể vật chất, còn tâm trí là một thực thể phi vật chất.

  2. Thomas Nagel (1937-) là một triết gia người Mỹ, hiện là Giáo sư triết học và luật tại Đại học New York. Những chủ đề triết học chính mà ông quan tâm là tâm trí, triết học chính trị, và đạo đức. Ông nổi tiếng với những bài phê bình của mình về chủ nghĩa giản lược của tâm trí, cụ thể trong bài luận “What is it like to be a bat?” (1974) và những đóng góp của ông cho lý thuyết về chính trị và tự do đạo đức trong “The Possibility of Altruism” (1970).

  3. René Descartes (1596-1650) là một triết gia, nhà toán học, nhà khoa học người Pháp. Ông được mệnh danh là cha đẻ của triết học hiện đại của phương Tây, là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại.”

  4. Thuyết nhị nguyên Cartesian (Cartesian Dualism) là lý thuyết được đưa ra bởi Descartes, cho rằng tâm trí là một thứ phi vật chất, do vậy, nó là một thực thể phi không gian. Descartes xác định rõ mối liên hệ giữa tâm trí và ý thức, và coi chúng là nơi sản sinh ra trí thông minh, độc lập với não bộ.

  5. Stuart Sutherland (1927-1998) là một nhà văn, nhà tâm lý học người Anh. Ông nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về tâm lý học so sánh (comparative psychology) trong mối liên hệ với nhận dạng mẫu (pattern recognition) và học phân biệt (discrimination learning). Bạn có thể đọc thêm về ông tại đây.

  6. Francis Crick (1916-2004) là một nhà sinh học phân tử, nhà sinh học vật lý, nhà thần kinh học người Anh. Ông nổi tiếng nhất với vai trò là một trong những người tìm ra cấu trúc xoắn kép của ADN cùng James Watson vào năm 1953. Cùng với Watson và Maurice Wilkins, ông được trao giải Nobel cho những phát hiện cấu trúc phân tử của axit nucleic và tầm quan trọng của nó cho việc trao đổi thông tin trong vật thể sống.

  7. Massimo Pigliucci (1964-) là Giáo sư triết học tại Đại học CUNY-City, cựu phát thanh viên của Rationally Speaking Podcast, cựu Tổng biên tập tạp chí trực tuyến Scientia Salon. Ông là một nhà phê bình về giả khoa học (pseudoscience), thuyết sáng tạo (creationism), và là người ủng hộ giáo dục khoa học (science education).

  8. Alan Watts (1915-1973) là một triết gia, nhà văn, diễn giả người Anh, nổi tiếng nhất với tư cách là người truyền bá triết học phương Đông tới khán giả phương Tây. Watts đã viết tới hơn 25 cuốn sách và tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn tới các tôn giáo ở phương Đông và phương Tây, trong đó có cuốn The Way of Zen (1957), một trong những cuốn sách bán chạy nhất về Phật giáo đầu tiên.

  9. Ted Honderich (1933-) là triết gia người Anh gốc Canada. Ông là Giáo sư danh dự của môn triết học về tâm trí và logic, University College London. Công trình của ông chủ yếu về những chủ đề: ý thức và tâm trí, bao gồm mối liên hệ giữa ý thức và não bộ; đúng và sai trong thế giới đương đại, cụ thể về nền dân chủ, chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh; chủ trương ủng hộ Nguyên tắc của nhân loại (the Principle of Humanity); chủ nghĩa quyết đoán (determinism) và tự do; những vấn đề cụ thể trong phân tích logic và siêu hình học; truyền thống chính trị của chủ nghĩa bảo thủ.

  10. Colin McGinn (1950-) là triết gia người Anh. McGinn nổi tiếng nhất với công trình về triết lý của tâm trí (philosophy of mind), cụ thể là về bí ẩn mới (new mysterianism), ý tưởng rằng tâm trí con người không được trang bị để giải quyết vấn đề của ý thức.

  11. Patricia Churchland (1943-) là một triết gia người Mỹ nổi tiếng về những đóng góp của bà trong triết học thần kinh và triết lý của tâm trí. Bà là Giáo sư danh dự của Đại học California San Diego. Bà cũng là thành viên ban quản trị Trung tâm nghiên cứu ý thức Moscow, Đại học Bang Moscow.

  12. Élan vital được đặt ra bởi triết gia người Pháp Henri Bergson trong cuốn sách Creative Evolution vào năm 1907. Trong cuốn sách, Élan vital là một giả thuyết rằng quá trình tiến hóa và phát triển của sinh vật có mối liên hệ chặt chẽ với ý thức, trải nghiệm trực quan và dòng chảy thời gian.

  13. Mysterianism là một khái niệm triết học đặt ra rằng vấn đề khó giải về ý thức không thể được giải quyết bởi con người.

  14. Giulio Tononi là một nhà thần kinh học, nhà chữa bệnh tâm thần người Ý. Ông giữ Distinguished Chair ở bộ môn Consciousness Science, Đại học Wisconsin.

  15. Hội chứng locked-in (Locked-in syndrome) là trạng thái mà bệnh nhân có ý thức nhưng không thể di chuyển hay giao tiếp do tê liệt toàn thân.

One thought on “Vì sao bí ẩn về ý thức vẫn chưa được giải mã?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất