a
§ Tác giả: Amaranta Sbardella | Nguồn: National Geographic
Biên dịch: Phương Như | Hiệu đính:  Nhi
04/04/2020

Sâu trong Mê cung trên đảo Crete là Minotaur, quái vật nửa người, nửa bò. Bị giam cầm bởi cha dượng, vua Minos xứ Crete, nó ăn thịt người được cung cấp từ thành Athens. Cứ mỗi chín năm, Minos ra lệnh cho thành Athens cống nạp 14 thanh niên làm vật tế. Nghi thức kinh hoàng này tiếp diễn cho đến khi người anh hùng của Athens – Theseus – đặt chân lên đảo Crete, bước vào mê cung, và đâm chết con quái thú.

Sức hút mãnh liệt của câu chuyện về Minotaur đã tồn tại qua hàng ngàn năm và là nguồn cảm hứng cho vô số tác phẩm nghệ thuật: gốm sứ, thơ ca, kịch nghệ, các bức họa của Picasso, opera, phim ảnh, và trò chơi điện tử. Dù huyền thoại này có thể được thưởng thức như một câu chuyện thuần túy, các nhà khảo cổ học giờ biết được những yếu tố kỳ ảo ấy có gốc rễ sâu xa từ các sự kiện có thật trong thời đại đồ đồng.

Hình tượng nhân ngưu trong mê cung của Minos là hiện thân của một số đặc trưng trong nền văn hóa Crete và nền văn minh Minoan cổ xưa. Các mô-típ bò và mê cung xuất hiện xuyên suốt trong văn hóa Minoan, nền văn hóa chi phối vùng Địa Trung Hải từ khoảng năm 3000 TCN đến khoảng năm 1100 TCN. Chiến công tiêu diệt quái vật nhân ngưu – biểu tượng xứ Crete – của Theseus, người sáng lập huyền thoại của thành Athens, tượng trưng cho thời kỳ phồn vinh của nền văn minh Aegean bắt đầu từ giữa thiên niên kỷ thứ hai TCN, khi đại lục Hy Lạp thay thế đảo Crete trở thành thế lực thống trị.

Huyền thoại về mê cung

Các tác giả cổ điển đã kể và thêm thắt những sáng tạo riêng vào câu chuyện quái thú Minotaur. Các phiên bản truyện kể tuy khác nhau, nhưng đều chia sẻ một số điểm chung. Loài bò, ở các hình dạng khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện. Ở phiên bản phổ biến nhất, Zeus, vua của các vị thần, đem lòng yêu Europa, công chúa của Phoenicia. Zeus hóa thân thành một chú bò trắng hiền lành, rồi quyến rũ công chúa và mang nàng đến đảo Crete. Tại đây, nàng hạ sinh Minos – vị vua tương lai của đảo Crete.

Để minh chứng cho quyền lực của mình, Minos cầu xin vị thần biển cả Poseidon ban cho mình một chú bò để hiến sinh trên danh nghĩa của thần. Poseidon đồng ý và gửi tặng một chú bò trắng tuyệt đẹp hiện lên từ những ngọn sóng. Nhưng ngay trong buổi lễ hiến sinh, Minos bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của con vật và quyết định chừa lại mạng sống cho nó.

Tức giận vì bị xem thường, vị thần biển cả khiến vợ của Minos, Pasiphae, phát cuồng vì dục vọng với con bò đực. Pasiphae yêu cầu nhà phát minh Daedalus của thành Athens thiết kế một bộ đồ ngụy trang để nàng có thể đến gần con vật. Thành phẩm là một con bò gỗ rỗng ruột để Pasiphae có thể trèo vào trong và ân ái với con bò trắng. Kết quả của sự kết hợp tréo ngoe này là quái thai lai giữa người và bò mà Pasiphae đặt tên là Asterion, hay được biết đến là Minotaur. Đứa con ấy bị vua Minos tống giam vào mê cung phức tạp được thiết kế bởi Daedalus.

Ảnh: The Minotaur (1885) – George Frederic Watts.

Trong khi đó, ở Athens, vị hoàng tử trẻ Theseus vừa đến tuổi trưởng thành. Vài năm về trước, vì người Athens giết chết một đứa con trai của mình mà vua Minos đã bắt họ phải trả một cái giá khủng khiếp: cứ mỗi chín năm, Athens phải cống nạp 14 thiếu niên (bảy thiếu nữ và bảy chàng trai) để hiến tế cho quái vật Minotaur. Theseus tình nguyện là một trong các nạn nhân bị gửi đi và thề sẽ giết chết Minotaur.

Khi đoàn người Athens cập bến Crete, công chúa Ariadne, con gái vua Minos, phải lòng Theseus. Trước khi chàng bước vào mê cung, nàng đưa cho chàng một cuộn chỉ (nhờ ý tưởng của kiến trúc sư Daedalus) để chàng có thể tìm được đường ra. Ariadne ở ngoài và cầm một đầu của cuộn chỉ trong khi Theseus tiến vào mê cung. Cuộn chỉ gỡ dần theo mỗi bước chân chàng. Khi tìm thấy Minotaur, chàng đã chiến đấu dũng cảm và giết được con quái vật, giải thoát cho những thiếu niên Athens khác. Mọi người lần theo sợi chỉ đến được nơi an toàn. Lấy lại được tự do, Theseus mang theo công chúa Ariadne và dong buồm về Athens. Tuy nhiên, Theseus lại bỏ rơi công chúa trên đảo Naxos rồi tiếp tục cuộc hành trình về Athens với chị gái của nàng, công chúa Phaedra, cũng là người mà Theseus cưới sau này.

Ngôn từ và hình ảnh

Câu chuyện này khi được truyền lại qua bao thế hệ đã dần phát triển và biến đổi xuyên suốt các thế kỷ. Huyền thoại về Minotaur được lưu truyền trong văn hóa Hy Lạp từ thời cổ đại, nhưng nó thường xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật thị giác hơn là văn học.

Mặc dù sử thi Iliad (viết vào khoảng thế kỷ VIII TCN) có nhắc đến Theseus, Minos, và Ariadne, Homer1 chưa bao giờ đề cập đến cái tên Minotaur. Từ bút tích của nhà thơ Sappho2 vùng Lesbos, có thể thấy rằng câu chuyện về yêu sách hiến tế người Athens của vua Minos đã được kể từ đầu thế kỷ VI TCN. Nhà sử học Hy Lạp Herodotus3 sinh sống vào thế kỷ V TCN chỉ nhắc đến Minos, bỏ qua đứa con trai kế quái thú của vị vua trong các ghi chép của mình. Những câu chuyện về Theseus, người anh hùng Athens, được phổ biến rộng rãi, nhưng các tác giả thường tập trung khắc họa những chiến công khác của chàng như hành trình vào địa phủ hay cuộc phiêu lưu cùng bộ lạc Amazons. Minotaur vắng mặt trong phần lớn các câu chuyện nổi tiếng về Theseus thời kỳ này.

Tuy nhiên, Minotaur lại là chủ đề yêu thích của các nghệ sĩ thị giác thời đó với sự xuất hiện trên gốm sứ, vật dụng kim khí và các loại hình nghệ thuật trang trí khác. Chiếc bình hai quai (amphora) từ đảo Tinos thuộc quần đảo Cyclades, có niên đại khoảng năm 670-660 TCN, là tác phẩm mô tả cuộc chạm trán giữa Minotaur và Theseus lâu đời nhất hiện biết. Những dây khiên bằng đồng được khai quật ở Olympia, có thể đã xuất hiện từ đầu thế kỷ VII TCN, cũng minh họa cảnh chiến đấu giữa người anh hùng và con quái vật.

Một chiếc bình hai quai khác đến từ quần đảo Cyclades có niên đại vào giữa thế kỷ VII TCN thậm chí còn đảo ngược hình tượng phổ biến của Minotaur thành một con quái vật mình bò đầu người. Chiếc bình này khắc họa thêm một chi tiết trọng tâm của câu chuyện: một thanh niên đi cùng Theseus đang cầm cuộn dây, thứ đã giúp người anh hùng thành Athens thoát khỏi mê cung sau khi giết chết con quái thú. Hầu hết mô tả về con quái vật đều thể hiện nó trong cuộc đọ sức với Theseus.

Minotaur dần bắt đầu được nhắc đến trong văn chương Hy Lạp, điển hình là vở kịch vào thế kỷ V TCN của Euripides4, The Cretans (tạm dịch: Dân đảo Crete). Dù phần lớn nội dung vở kịch đã bị thất lạc, một vài trích đoạn còn sót lại hé lộ trải nghiệm của Pasiphae và mâu thuẫn giữa nàng và Minos sau khi hạ sinh Minotaur.

Câu chuyện về Theseus và Minotaur cũng xuất hiện trong Bibliotheca, bộ sưu tập đồ sộ các thần thoại và truyện kể của người Hellene. Trong hàng thế kỷ, các học giả từng cho rằng tác phẩm này được viết vào thế kỷ II TCN, nhưng nghiên cứu sau này chỉ ra rằng kiệt tác này phải xuất hiện trễ hơn nhiều, vào thế kỷ I hoặc II. Được sáng tác bởi một tác giả vô danh mà các học giả tạm gọi là Pseudo-Apollodorus, Bibliotheca bao gồm các thần thoại sáng thế, cùng huyền thoại về các vị thần, các anh hùng và nữ anh hùng người phàm. Tác phẩm này mô tả chi tiết toàn bộ giai thoại về Minos, Pasiphae, Daedalus, Theseus và Minotaur, đặt nền tảng vững chắc cho các phiên bản sau này.

Nhiều câu chuyện chi tiết về Minotaur cũng được tìm thấy trong các tài liệu của người La Mã. Một trong các tác phẩm chi tiết nhất là Những cuộc đời song hành (Parallel Lives) của Plutarch5 vào thế kỷ II, với trọn một chương sách được dành để nói về anh hùng Theseus. Trong đó, tác giả so sánh Theseus, người sáng lập thành Athens, với người sáng lập thành Rome – Romulus. Sử thi Biến thể (Metamorphoses) của Ovid6 vào năm thứ 8 SCN, một phiên bản phổ biến khác của huyền thoại Minotaur, mô tả kỹ lưỡng các cuộc chinh phạt của Minos trên khắp lãnh thổ Hy Lạp trước khi mê cung được xây dựng.

Nền văn minh Minoan

Đối với người Hy Lạp ở thế kỷ V và IV TCN, Theseus được tôn vinh như một anh hùng dân tộc của Athens. Để hiểu được vị trí của Minotaur trong trí tưởng tượng của họ, chúng ta cần một sự hiểu biết sâu sắc hơn về quá khứ xa xưa của Crete. Crete bắt đầu trở thành một thế lực lớn mạnh về giao thương ở vùng Địa Trung Hải vào khoảng năm 3000 TCN. Vào giữa thiên niên kỷ thứ hai TCN, nó là trung tâm của mạng lưới giao thương rộng lớn bao gồm Ai Cập, Syria, quần đảo Aegean và đại lục Hy Lạp.

Người Minoan thiết lập các khu dân cư khắp vùng Địa Trung Hải dọc theo các cung đường trao đổi hàng hóa và họ mang theo văn hóa của mình. Ngôn ngữ, nghệ thuật, và kỹ thuật dệt may của đảo Crete được lan truyền và tiếp nhận rộng rãi. Các khu dân cư trên các đảo thuộc Hy Lạp cho thấy ngay cả quy hoạch đô thị cũng được xuất khẩu: chúng được bố trí theo phong cách người Minoan. Một nền văn hóa Hy Lạp tại thành Mycenae, khoảng 120 km về phía tây Athens, đã nhiệt tình hấp thu và sao chép không chỉ kỹ thuật làm đồ gốm thời thượng mà còn cả ngôn ngữ của đảo Crete.

Sau năm 1450 TCN, đảo Crete dần suy tàn khi người Mycenaean bắt đầu thống trị phía đông Địa Trung Hải. Chữ viết của họ (được các học giả gọi bằng tên Linear B) là thành phẩm tiếp thu từ ngôn ngữ của người Minoan và hiện được biết đến là một hình thức sơ khai của tiếng Hy Lạp.

Di sản của vua Minos

Từ năm 1900 đến năm 1903, nhà khảo cổ học người Anh Arthur Evans, với linh cảm rằng nền văn hóa Mycenae của Hy Lạp chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn minh Crete, đã khai quật hòn đảo và tìm thấy cung điện hoàng gia tại Knossos cùng nhiều cổ vật có hình bò đực khác. Ông đặt tên nền văn hóa Crete cổ đại mà mình khai quật được là “Minoan” để tôn vinh vị vua Minos vĩ đại trong thần thoại, con của Zeus và cha dượng của Minotaur.

Cái tên Minos có vẻ không phải là một sáng tạo mang tính thần thoại. Khi nội dung các bảng đá tìm thấy ở Knossos được giải nghĩa, các học giả đã rất hào hứng khi tìm thấy tên “Minos” trong đó. Các nhà sử học tin rằng Minos không phải là tên riêng của một vị vua mà là tước vị chung chỉ các vị vua là chồng của một nữ hoàng nắm giữ nhiều uy quyền hơn.

Hiện nay, các nhà sử học cho rằng sức ảnh hưởng và nền văn hóa Minoan đạt tới đỉnh cao vào khoảng năm 1600 TCN. Các công trình kiến trúc tráng lệ dành cho hoạt động tôn giáo và hành chính thời kỳ này được trang trí với những bức bích họa nhờ ngân sách từ việc trao đổi xa xỉ phẩm, được Evans tìm thấy trong cuộc khai quật của ông ở Knossos.

Di tích cung điện Knossos được khai quật trên đảo Crete (Hy Lạp).

Các tòa nhà được bao phủ bởi những tác phẩm nghệ thuật màu sắc rực rỡ phản ánh sự tôn kính của nền văn hóa này đối với bò đực. Những bức bích họa và tượng nhỏ với niên đại từ năm 1700 đến 1400 TCN miêu tả cảnh người nhảy qua bò trong nghi lễ tauro-kathapsia. Nghi thức này có thể từng được cử hành tại các nghi lễ linh thiêng và lễ hiến sinh cho các vị thần. Là biểu tượng của sự màu mỡ trong nhiều tôn giáo, những con bò đực bị giết bằng một chiếc rìu hai lưỡi gọi là labrys, vật tượng trưng cho quyền lực hoàng tộc.

Mê cung, hay là nhà ngục của Minotaur, có gốc rễ sâu xa từ văn hóa vật thể của người Minoan. Tuy nhiên, các học giả vẫn còn tranh luận về nguồn gốc của nó. Vì không có bất cứ tàn tích khảo cổ nào của mê cung được tìm thấy trên đảo Crete, một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng thuật ngữ “labyrinth” đồng nghĩa với cung điện, xuất phát từ kiến trúc phòng ốc phức tạp và rộng lớn của nó. Một giả thuyết về nguồn gốc của cái tên này cho rằng nó bắt nguồn từ chiếc rìu thiêng labrys và công dụng của nó trong nghi lễ hiến sinh động vật.

Một giả thuyết khác cho rằng thiết kế của mê cung huyền bí vốn ban đầu không phải là một mê lộ mà là một sàn nhảy. Trong sử thi Iliad, Homer miêu tả một sàn nhảy tương tự, nơi những nhà quý tộc trẻ tuổi đảo Crete đắm mình trong những điệu vũ hân hoan. Sàn nhảy được thiết kế bởi Daedalus, cũng là thiên tài đã thiết kế mê cung trong truyền thuyết. Theo một số phỏng đoán, các họa tiết mosaic trên sàn nhảy đã trở thành mê cung tội lỗi trong lời kể theo thời gian.

Huyền thoại và thực tế

Đối với người Hy Lạp ở thế kỉ VI và V TCN, Crete vẫn còn ngự trị trong vùng ký ức xưa cũ như một cường quốc cổ đại từng được kính phục, ngưỡng mộ và nể sợ. Đồng thời, đó còn là cường quốc mà tổ tiên họ đã chiến thắng, và câu chuyện về Minotaur thể hiện quan niệm văn hóa đó. Trong thời kỳ cổ đại, Theseus thành Athens là anh hùng đại diện cho họ, vị hoàng tử mang lại vinh quang cho Athens bằng vô số cuộc phiêu lưu của mình. Theseus được các cư dân Athens tôn vinh là biểu tượng của thành phố.

Cùng thời điểm đó, việc đánh bại kỳ phùng địch thủ của mình là Ba Tư trong cuộc thủy chiến ở Salamis năm 480 TCN đã cổ vũ cho sự bành trướng quân sự và thương mại của Athens. Trong giai đoạn này, mức độ phủ sóng của Theseus và Minotaur trên những tác phẩm gốm sứ tăng đột biến.

Một số học giả tin rằng các nghệ nhân dùng Minotaur như một biểu tượng của thế lực ngoại bang: khi xưa là Crete, còn bấy giờ là Ba Tư. Theseus tượng trưng cho vinh quang của Athens khi chàng khuất phục con quái vật để giải phóng quê nhà khỏi sự chi phối của đảo Crete.


  1. Đại thi hào Homer là tác giả của thiên sử thi Iliad và Odyssey – hai bản trường ca kinh điển đặt nền móng cho văn học phương Tây.

  2. Sappho (khoảng 630 – 570 TCN) là nữ thi sĩ đầu tiên của Hy Lạp cổ đại, được xưng tụng là “nàng thơ thứ 10” và nổi tiếng với những áng thơ trữ tình ca ngợi tình yêu giữa phụ nữ.

  3. Sử gia Herodotus thành Halikarnassos (khoảng 484 – 425 TCN) được tôn xưng là “Ông tổ sử học”. Bạn đọc Việt Nam biết đến ông qua tác phẩm Lịch sử (Historiai; NXB Thế giới) – một biên niên sử và khảo cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục, địa hình… của các vùng đất ông đã đi qua.

  4. Bên cạnh Aeschylus và Sophocles, bi kịch gia Euripides (khoảng 480 – 406 TCN) được đánh giá là một trong ba cột trụ của nghệ thuật kịch Athens. Các vở bi kịch của ông phơi bày dục vọng tăm tối của con người và phản ánh hiện thực xã hội vỡ vụn trong thời buổi tan rã của nền dân chủ Athens.

  5. Plutarch (46 – 120) là học giả vĩ đại người Hy Lạp cổ đại. Tác phẩm nổi bật nhất của ông, Parallel Lives (tạm dịch: Những cuộc đời song hành), phác họa chân dung các anh hùng và danh nhân lịch sử Hy-La trong cái nhìn đối sánh, sóng đôi.

  6. Ovid (43 TCN – 17 hoặc 17 SCN) là nhà thơ vĩ đại và tai tiếng của nền thi ca La Mã cổ đại. Năm thứ 8 SCN, khi bị Hoàng đế Augustus trục xuất khỏi thành Rome, ông hoàn thành sử thi Biến thể (Metamorphoses) – kiệt tác khởi nguồn những tranh cãi bất tận về tính phi đạo đức và báng bổ thánh thần.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất