a
§ Tác giả: The Economist | Nguồn: The Economist
Biên dịch: Hồng Hoa | Hiệu đính:  Za
29/09/2018
Những quan ngại về một tương lai nơi mà máy móc hiện đại làm suy giảm số lượng việc làm và đe dọa đến sự ổn định của xã hội khiến một số người cho rằng chính phủ nên cấp cho mỗi người dân một khoản “thu nhập cơ bản.” Sẽ thế nào nếu ý tưởng này được lan rộng?

Cuộc thử nghiệm quy mô về “thu nhập cơ bản” bắt nguồn từ Phần Lan. Một số quốc gia khác đã tiến hành lập kế hoạch thử nghiệm, nhưng người Phần Lan là những người đầu tiên quyết tâm thực hiện nó. Năm 2017, Hà Lan đã cấp 560 EUR (635 USD) cho 2000 người thất nghiệp mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Tuy nhiên, sau 2 năm, số liệu thống kê cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào trong tỷ lệ tìm được việc làm giữa nhóm người được nhận trợ cấp và những người thất nghiệp còn lại, ngoại trừ việc người được nhận tiền thì cảm thấy hạnh phúc hơn. Không có cách nào để biết việc trả thu nhập cơ bản phổ quát (UBI) cho mọi người sẽ có kết quả tương tự. Nhưng những người Phần Lan cho rằng, bằng cách thay đổi cấu trúc hệ thống phúc lợi, họ có thể cấp cho mỗi người dân 560 EUR mà không cần phải tăng thuế.

Số liệu thống kê cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào trong tỷ lệ tìm được việc làm giữa nhóm người được nhận trợ cấp và những người thất nghiệp còn lại, ngoại trừ việc người được nhận tiền thì cảm thấy hạnh phúc hơn.

Phần Lan là một trường hợp đặc biệt. Đất nước này là một trong những nơi ít diễn ra tình trạng bất bình đẳng nhất trên thế giới. Chi tiêu chính phủ vượt quá 50% GDP, vậy nên “thu nhập cơ bản” có vẻ không phải điều gì quá lớn. Đây cũng là một quốc gia lâu đời, thường xuyên phải trả các khoản thanh toán cho phần lớn người dân. Họ gần như không có gì để mất khi thực hiện cuộc thử nghiệm này.

Đầu tiên là sự xuất hiện của một vài thay đổi trong xã hội. Mặc dù “thu nhập cơ bản” sinh ra không phải để ngăn cản mọi người đi làm, nó khiến cho công việc chuyển từ một thứ “cần thiết” sang một thứ để “theo đuổi.” Dấu hiệu của sự thay đổi này là xu hướng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40 bằng “gap year.” Tờ New York Times ghi nhận sự xuất hiện của khách du lịch Phần Lan trên các đường cao tốc châu Âu: những người trung niên thám hiểm vòng quanh lục địa trên xe máy. Số khác quay lại trường học hoặc học nghề. Các trường đại học châu Âu bắt đầu thiết kế các khóa học dành riêng cho những người này.

Thứ hai, có phần đáng ngạc nhiên, là việc những người lớn tuổi vốn có tỷ lệ tham gia thị trường lao động tương đối thấp, giờ đây lại làm việc nhiều hơn. Nguyên nhân là do ranh giới giữa “người đi làm” và “người về hưu” dần dần bị xóa nhòa; tiền lương tăng do năng suất và thu nhập phân bổ cho người lao động thay vì cổ đông (vì các công ty phải cố gắng để giữ chân nhân viên). Các nhà kinh tế cho rằng năng suất lao động tăng là do các nhân viên hoạt động ở vị trí phù hợp, đồng thời phần lớn nhân viên đều dành nhiều thời gian hơn cho học tập và rèn luyện.

Thứ 3, kém phấn khởi hơn, là sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc. Phần Lan từ lâu đã phải đối mặt với làn sóng chảy máu chất xám, khi những người trẻ tuổi đầy tham vọng chuyển đến các thành phố lớn với mức thuế thấp hơn. Người ta hy vọng rằng việc mở rộng thu nhập cơ bản cho những người không phải là công dân Phần Lan sẽ thu hút những người trẻ tuổi. Nhưng kế hoạch đó đã dừng lại đột ngột khi những người theo chủ nghĩa dân tộc giành được 30% số phiếu bầu, tuyên bố thu nhập cơ bản sẽ khiến cho Phần Lan đầy rẫy những kẻ lừa đảo.

Điều đó không ngăn cản Scotland cấp thu nhập cơ bản cho cả công dân chính gốc và người thường trú đã sống và làm việc ở đó ít nhất hai năm. Scotland mong rằng họ có thể lôi kéo thêm nhiều người. Điều này đã trở thành hiện thực. Ở Glasgow, một cộng đồng doanh nhân sôi nổi đã phát triển; một số tập trung xây dựng doanh nghiệp thủ công – những công ty này có thể tồn tại nhờ hỗ trợ từ thu nhập cơ bản, những người khác thì đến từ Thung lũng Silicon. Edinburgh trở thành một trung tâm dành cho các nghệ sĩ và cho những người giàu có muốn ở gần họ.

Điều này khiến cho giá nhà tăng, và một số người dân than phiền rằng đất nước họ đang dần đánh mất “tính Scotland.” Tuy nhiên, Scotland đã tránh được hiện tượng bài ngoại. Thay vào đó, cả những người nghệ sĩ túng thiếu ở thành thị lẫn dân nghèo Scotland đều nhận được sự trợ cấp cần thiết đến từ khoản thuế mà người giàu đóng góp – những người đến từ khắp nơi trên thế giới.

Cả những người nghệ sĩ túng thiếu ở thành thị lẫn dân nghèo đều nhận được sự trợ cấp cần thiết đến từ khoản thuế mà người giàu đóng góp. Ảnh: Unsplash.

Tuy nhiên, không phải lúc nào “thu nhập cơ bản” cũng thành công, ví dụ như trường hợp của Idaho. Thống đốc Idaho đã đưa ra một khoản thu nhập cơ bản như là một phiên bản hiện đại của Đạo luật Homestead hơn là một cách để giải quyết đói nghèo. Nước Mỹ đã dành ra 10% đất đai của mình để khuyến khích việc an cư lập nghiệp ở vùng đất phía Tây nước này. Bà cho rằng, thu nhập cơ bản sẽ thu hút những người định cư và tăng cường tự do cá nhân.

Thống đốc tài trợ thu nhập cơ bản bằng một loại thuế đất mới, nhưng chỉ có thể nhận được thêm 0,1% thuế hằng năm do quy định của cơ quan lập pháp tiểu bang. Kết quả là, trong năm đầu tiên, Idaho chỉ phân phối $70 cho mỗi cư dân trưởng thành của nó. Năm tiếp theo, luật thuế vô hiệu lực; giá nhà đất giảm do người dân Idaho bán trang trại của họ và chuyển đến Montana. Thống đốc đã thua cuộc bầu cử tiếp theo. Những người phản đối “thu nhập cơ bản” đã loan báo tin đồn về việc bang Idaho sắp kết tội những người giàu có, tạo điều kiện cho chính phủ tịch thu nhà của họ, nhằm tài trợ cho kế hoạch thu nhập cơ bản. Thu nhập cơ bản của Idaho đã bị bãi bỏ.

 

Dù giàu hay nghèo

Nếu ở những nền kinh tế giàu có, thu nhập cơ bản vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi; thì ở các nước đang phát triển, những người ủng hộ nó lại đạt được thắng lợi lớn. Sau khi thấy được sự thành công của GiveDirectly – một tổ chức từ thiện sử dụng công nghệ thanh toán di động để phân phát trực tiếp tiền mặt cho người nghèo, hội đồng Liên minh châu Âu đã đồng ý tạo ra một hình thức viện trợ nước ngoài mới. Những người hoài nghi cho rằng EU đang dùng tiền để những người nhập cư ngừng đi đến châu Âu, nhưng thực sự thì kế hoạch này là một phương pháp táo bạo chống lại đói nghèo. EU thiết lập một quỹ mà họ đóng góp tiền mỗi năm (chính phủ, tổ chức từ thiện và bất cứ cá nhân nào cũng có thể quyên góp). Quỹ này sẽ chu cấp $1.000 một năm cho mỗi người trưởng thành ở kỳ quốc gia nào đủ tiêu chuẩn. Các nước đạt tiêu chuẩn là những nước có thu nhập bình quân đầu người ở dưới mức 1/3 thu nhập trung bình của EU. Ngoài ra, chính phủ các nước phải đồng ý với các điều kiện nhất định và giám sát để đảm bảo rằng họ sẽ không chiếm đoạt quỹ hoặc sử dụng chúng như một cái cớ để ngừng cung cấp các dụng cụ công. Tuy nhiên, những điều kiện đó cho đến nay đã loại bỏ khoảng bốn phần năm số người có thể có đủ điều kiện để nhận trợ cấp.

Tác động của trợ cấp này rất đáng kinh ngạc. Số lượng người nghèo giảm mạnh. Hệ thống y tế và giáo dục cũng được cải thiện. Khi đảo chính ở Gambia xảy ra, chính phủ mới đã có quyền lực để hạn chế chia sẻ dữ liệu của mình, và đồng thời khiến quỹ trợ cấp không kiểm soát được những dự án cơ sở hạ tầng, quỹ này đã tạm dừng hoạt động. Các nhà phê bình cáo buộc rằng EU đang trừng phạt người dân Gambia vì một sự kiện mà họ khó có khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, tác dụng phụ của hành động này rất đáng chú ý: người dân ở các quốc gia nhận được trợ cấp bắt đầu phản đối những hành động của chính phủ có thể đe dọa các khoản thanh toán. Trung Quốc gần đây đã công bố sự quan tâm của mình trong việc quyên góp cho quỹ.

Người dân ở các quốc gia nhận được trợ cấp bắt đầu phản đối những hành động của chính phủ có thể đe dọa các khoản thanh toán.

Còn quá sớm để chúng ta tuyên bố chấm dứt tình trạng đói nghèo khắp toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới đã thực hiện các bước đi quan trọng nhằm hướng đến một tương lai, nơi mà mọi người chia sẻ cho nhau nền kinh tế chung, và học được một vài điều về cách thức xây dựng Utopia – địa đàng trần gian.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất