Vào khoảng cuối lớp bảy, ban nhạc thời cấp hai của tôi đã có một chuyến đi tới Cedar Point, công viên giải trí mà gần như mọi ban nhạc trung học cơ sở miền Trung Tây thường lui tới. (Giờ tôi vẫn cho là vậy.) Ở đó có một cái tàu lượn siêu tốc trong nhà mang tên Disaster Transport (Tạm dịch: “Cỗ xe Thảm họa”). Tôi cùng với những người bạn của mình đang xếp hàng để lên tàu, dò dẫm trên những bậc xi măng được thắp sáng lờ mờ. Ngay khi vừa qua một ngõ quặt thì đập vào mắt chúng tôi là một cọc tiền to đùng.
Chúng tôi đã nhặt nó lên mà đếm; đó là một khoản tiền khá đáng kể. Giờ tôi không thể nhớ rõ là bao nhiêu, nhưng để dễ dàng thuật lại câu chuyện này, hãy giả dụ rằng đó là $134 (khoảng hơn 3 triệu đồng). Con số đó có vẻ gần đúng.
Trước khi chúng tôi kịp ngạc nhiên trước vận may của mình để rồi lén lút bảo nhau đi tìm một chỗ nào đó để giấu tiền, một đám trẻ lớn hơn ở phía trước đã chộp lấy cọc tiền chúng tôi đang giữ trong tay. Chúng khăng khăng rằng số tiền này là của chúng; nhưng không phải—chúng đếm tiền trước mặt chúng tôi và trao nhau những tiếng “Whoa” và những cái đập tay. Chúng tôi chỉ là những đứa học sinh cấp hai xui xẻo và gầy nhẳng (Tôi còn đang nuôi tóc mái; đó hẳn là một năm khó khăn). Chúng dám chắc rằng chúng tôi sẽ không làm gì để ngăn chúng lại, và chúng đã đúng. Thế là kết thúc câu chuyện.
Cho tới khi, Phần Hai:
Khoảng hơn một năm sau đó, tôi tham gia một chương trình mùa hè tại Đại học Bang Michigan, một trại hè dành cho mọt sách, nơi mà bạn tham dự các lớp như di truyền học chỉ để cho vui. Vào một buổi tối, khi chúng tôi đang ngồi quanh khu vực sinh hoạt chung, trò chuyện và làm bài tập về nhà, tôi có nghe lỏm được một đứa nói với bạn của mình việc cậu ta đã đánh mất một cọc tiền tại Cedar Point vào năm ngoái.
Chẳng thèm cố gắng mà kìm chế, tôi xen vào cuộc hội thoại của họ và dồn dập hỏi thêm về chi tiết câu chuyện.
Cậu ta có ở đó vào một ngày nào đó của tháng Năm khi tôi cũng ở đó hay không? Cậu ta có.
Có phải cậu ta đã đánh mất tiền khi đang xếp hàng chờ Cỗ xe Thảm họa không? Thực tế, đúng là như vậy.
Cậu ta đã đánh mất bao nhiêu tiền? $134, vừa đúng.
* * *
Mặc dù “What are the odds?” (Tạm dịch: “Có mấy khi?”) gần như là câu khẩu hiệu cho những tình huống trùng hợp ngẫu nhiên, một sự trùng hợp ngẫu nhiên lại không chỉ là một thứ gì đó mà ít có khả năng xảy ra. Cái thùng chứa được dán mác “trùng hợp ngẫu nhiên” được ních đầy bởi hàng loạt những trải nghiệm đáng ngạc nhiên, thế nhưng có một thứ gì đó hơn là sự hiếm có buộc chúng ta phải đưa chúng (những trải nghiệm trên) vào một nhóm. Chúng có kết cấu tương tự nhau, tựa hồ như dòng chảy cuộc sống trở nên gợn sóng. Câu hỏi đặt ra ở đây là cảm giác này đến từ đâu, tại sao chúng ta lại nhận ra được một vài trường hợp nhất định khi cuộc sống của chúng ta giao thoa nhau, và lại bỏ qua những trường hợp khác.
Một vài người có thể nói rằng đó là chỉ bởi vì con người không hiểu về xác suất. Trong bài viết năm 1989 Các phương pháp nghiên cứu sự trùng hợp ngẫu nhiên, hai nhà toán học Persi Diaconis và Frederick Mosteller đã xem xét định nghĩa về sự trùng hợp ngẫu nhiên như “một sự kiện hiếm gặp,” nhưng họ cho rằng “định nghĩa này bao hàm quá nhiều thứ để có thể cho phép nghiên cứu một cách cẩn thận.” Thay vào đó, họ định nghĩa “Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là việc các sự kiện đồng thời xảy ra một cách đáng ngạc nhiên, được nhìn nhận là mang ý nghĩa nào đó, nhưng lại không hề có bất cứ mối liên hệ nhân quả rõ ràng nào.”
Từ quan điểm thống kê thuần túy, những sự kiện này là ngẫu nhiên, không liên hệ gì tới ý nghĩa, và chúng cũng không nên gây ngạc nhiên bởi chúng vẫn luôn xảy ra. “Những sự kiện cực kỳ không tưởng lại rất phổ biến,” theo những gì nhà thống kê David Hand nói trong cuốn The Improbability Principle (Tạm dịch: “Nguyên tắc của sự không tưởng”). Tuy nhiên, con người nhìn chung không giỏi lý luận một cách khách quan về xác suất những việc mà họ trải qua cuộc sống hàng ngày.
Một trong những nguyên do là con người có thể khá tùy tiện với những thứ mà họ cho là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu bạn gặp một ai đó có cùng ngày sinh với mình, điều có có vẻ như là một sự trùng hợp thú vị, nhưng bạn cũng có thể cảm thấy hệt như vậy nếu bạn gặp một ai đó có cùng ngày sinh với mẹ, hoặc bạn thân của bạn. Hoặc sinh nhật người đó ngay trước hoặc ngay sau sinh nhật của bạn. Vì vậy, người đó có thể có rất nhiều ngày sinh nhật khiến bạn cảm thấy trùng hợp.
Và có rất nhiều người trên hành tinh này—trên thực tế là hơn 7 tỉ. Theo như Diaconis và Mosteller viết trong Law of Truly Large Numbers (Tạm dịch “Quy luật của những con số thực sự lớn”), “với một tập mẫu đủ lớn, bất kỳ điều thái quá nào cũng có thể xảy ra.” Nếu có đủ người mua xổ số, sẽ có một người thắng cuộc trong Powerball1. Đối với người chiến thắng, điều đó thật đáng ngạc nhiên và thần kỳ, nhưng sự thực là một ai đó thắng lại không mảy may khiến chúng ta ngạc nhiên.
Kể cả trong một tập mẫu tương đối hạn chế trong cuộc đời của chính bạn cũng có đủ loại thời cơ để những sự trùng hợp ngẫu nhiên có thể xảy ra. Khi bạn xét tới tất cả những người mà bạn biết và tất cả những nơi bạn cũng như họ đi qua, rất có thể bạn sẽ gặp phải ai đó bạn quen, tại một nơi nào đó, vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, điều này vẫn sẽ cảm giác như là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi bạn trải qua nó. Khi có điều gì đáng ngạc nhiên xảy ra, chúng ta không nghĩ về tất cả những lúc mà nó đã có thể, nhưng lại không xảy ra. Và khi chúng ta coi những sự kiện suýt-lỡ là sự trùng hợp ngẫu nhiên (bạn và bạn của bạn đã ở cùng một nơi trong cùng một ngày, chỉ là không cùng thời điểm), thì số lượng trùng hợp ngẫu nhiên có thể xảy ra đột nhiên lại lớn hơn rất nhiều.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên nằm ở con mắt của kẻ nhìn nhận.
Để biểu đạt những sự kiện tưởng chừng như không tưởng có thể bình thường tới cỡ nào, các nhà toán học thích trưng ra thứ được gọi là vấn đề sinh nhật. Câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu người cần có mặt trong phòng trước khi có 50/50 cơ hội rằng hai người trong số họ sẽ có cùng một ngày sinh. Câu trả lời là 23.
“Ôi, những người đó cùng với ngày sinh của họ thực sự khiến tôi phát điên,” theo lời của Bernard Beitman, một nhà tâm thần học và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia, tác giả của cuốn sách sắp ra mắt Connecting With Coincidence (Tạm dịch: “Liên hệ với sự trùng hợp ngẫu nhiên”). Đó không phải là cách một người bình thường sẽ nhìn nhận câu hỏi đó, ông nói. Khi ai đó hỏi “Có mấy khi?” khả năng là họ đang không hỏi “Có mấy khi một sự trùng hợp ngẫu nhiên với tính chất này lại xảy ra với mọi người trong phòng?” mà là “Có mấy khi việc này lại xảy đến với tôi, tại đây và vào lúc này?” Và với bất cứ điều gì phức tạp hơn việc ghép ngày sinh, nó đều trở nên gần như vô phương tính toán.
Con người đúng thật là hay lấy mình làm trung tâm khi nói tới những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Qua một nghiên cứu, nhà tâm lý học Ruma Falk đã nhận thấy rằng con người thường đánh giá những trải nghiệm trùng hợp ngẫu nhiên của chính họ là đáng ngạc nhiên hơn của những người khác. Cũng giống như những giấc mơ—giấc mơ của tôi thì thú vị hơn là của bạn.
“Sự trùng hợp ngẫu nhiên nằm ở con mắt của kẻ nhìn nhận,” David Spiegelhalter, giáo sư chương trình Winton cho bộ môn hiểu biết của cộng đồng về rủi ro tại Đại học Cambridge cho biết. Nếu một sự kiện hiếm gặp xảy ra trong rừng mà không ai để ý cũng như quan tâm tới, thì nó không hẳn là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
* * *
Tôi đã kể cho Spiegelhalter về câu chuyện ở Cedar Point qua điện thoại—Tôi không thể kiềm được. Bạn thấy đấy, ông ấy tập hợp những câu chuyện về sự trùng hợp ngẫu nhiên. (Trong một cuốn tiểu thuyết ly kỳ mang tên The Coincidence Authority (Tạm dịch: “Quyền uy của sự trùng hợp ngẫu nhiên”) có một nhân vật giáo sư được xây dựng dựa trên hình ảnh của ông.) Ông còn có một trang web, nơi mọi người có thể kể những câu chuyện về sự trùng hợp ngẫu nhiên, và tính từ năm 2011 tới giờ, ông đã có khoảng 4.000 tới 5.000 câu chuyện. Thật không may, ông cùng các cộng sự của mình đã không làm gì nhiều với cả kho tàng thông tin này, chủ yếu là bởi một loạt những câu chuyện với cách hành văn tự do là một tập dữ liệu khá khó để có thể đem ra đo đạc. Họ đang tìm kiếm một ai đó để gom nhặt những con chữ, nhưng tới nay, tất cả những gì họ có thể phân tích được là có bao nhiêu trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên rơi vào những hạng mục khác nhau mà bạn có thể kiểm tra khi bạn gửi câu chuyện của mình:
Ông ấy nói rằng câu chuyện của tôi có thể được liệt vào dạng “tìm kiếm được cảm giác kết nối với một ai đó mà bạn gặp gỡ.” “Nhưng đó là một dạng kết nối rất khác,” ông thêm vào, “không giống như việc sống cùng nhau dưới một mái nhà hay điều gì đó tương tự. Và nó là một kết nối rất mạnh mẽ, không chỉ đơn thuần là việc cả hai người cùng có mặt tại công viên giải trí. Tôi thích điều đó. Và bạn vẫn nhớ đến nó sau từng đấy thời gian.”
Và điều điên rồ nhất không phải là việc tôi nhặt được tiền của một người và một năm sau đó lại có mặt trong cùng một phòng với anh ta, mà là việc tôi phát hiện ra điều đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu cậu ta không khơi gợi ra chuyện đó? Spiegelhalter cho biết, “bạn đã có thể không nghe thấy điều cậu ta nói nếu bạn đang ở một chỗ nào đó xa xa một chút.” “Và có thể sự trùng hợp ngẫu nhiên đã xảy ra ở đó. Bạn có thể đã ở cách xa một người từng đánh rơi tiền sáu feet (gần 2m). Sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy bằng một cách nào đó cũng đã có thể xảy ra. Và vì thế, đó là lý do tại sao điều hay ho ở đây không phải là việc những thứ này xảy ra, mà là việc chúng ta nhận thấy chúng.”
“Đây là một giả thiết lớn của tôi về những sự trùng hợp ngẫu nhiên,” ông nói, “đó là lý do tại sao chúng chỉ xảy ra với vài kiểu người nhất định.”
Qua nghiên cứu của mình, Beitman đã chỉ ra một vài đặc điểm tính cách nhất định có liên hệ với việc trải nghiệm sự trùng hợp ngẫu nhiên—những người theo tôn giáo hay tin vào tâm linh, những người có thói quen tự phản ánh (hoặc thường liên kết những thông tin từ thế giới bên ngoài với chính bản thân họ), và những người đề cao việc tìm kiếm ý nghĩa thì thường nhạy cảm với sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhiều người cũng thường có xu hướng nhận thấy sự trùng hợp ngẫu nhiên khi họ đang rất buồn, giận dữ hoặc lo lắng.
“Những sự trùng hợp ngẫu nhiên chẳng bao giờ xảy ra với tôi, bởi vì tôi không bao giờ chú tâm tới thứ gì,” Spiegelhalter nói. “Tôi không bao giờ nói chuyện với ai trên tàu. Nếu tôi ở cùng với một người lạ, tôi sẽ không thử tìm một mối liên hệ nào với họ, bởi vì tôi là người Anh.”
Mặt khác, Beitman lại nói, “Cuộc đời của tôi đầy rẫy sự trùng hợp ngẫu nhiên.” Ông ấy kể với tôi câu chuyện ông đã đánh mất con chó của mình như thế nào hồi mới 8 hay 9 tuổi. Ông đã tới đồn cảnh sát để hỏi xem liệu rằng họ có từng thấy nó không; họ chưa hề. Sau đó, “Tôi đã khóc rất nhiều và đi nhầm đường về nhà, và thấy con chó của mình ở đó … Tôi đã dấn thân vào [nghiên cứu sự trùng hợp ngẫu nhiên] chỉ bởi, ơ kìa Bernie, mày đang làm gì ở đây thế?”
Đối với Beitman, dựa vào xác suất khi nghiên cứu sự trùng hợp ngẫu nhiên là không đủ. Bởi vì thống kê có thể mô tả điều xảy ra, nhưng lại không thể lý giải điều gì nhiều hơn ngoài cơ hội để xảy ra việc đó. “Tôi biết rằng có một điều gì đó to lớn hơn những thứ mà chúng ta chú ý tới,” ông nói. “Với tôi, ngẫu nhiên không phải là một câu trả lời.”
Ngẫu nhiên cũng không đủ để giải thích cho nhà tâm thần học người Thụy Sĩ Carl Jung2. Vì vậy, ông đã đưa ra một lời giải thích khác. Sự trùng hợp ngẫu nhiên, với ông, là những sự kiện có ý nghĩa mà không thể được giải thích bằng nguyên nhân và kết quả, cách giải thích tới giờ vẫn rất ổn, nhưng ông cũng cho rằng có một thế lực khác, ngoài quan hệ nhân quả, có thể lý giải được chúng. Thứ đó chính là “sự đồng thời,” mà trong cuốn sách xuất bản năm 1952 của mình, ông gọi nó là “acausal connecting principle.” (Tạm dịch: “nguyên lý kết nối phi nhân quả”.)
Những sự trùng hợp ngẫu nhiên có ý nghĩa được tạo ra bởi sức mạnh của sự đồng thời, và có thể được coi như lướt qua một trong số những ý tưởng khác của Jung—về unus mundus3, hay nói cách khác, về một thế giới. Unus mundus là giả thuyết về một trật tự và kết cấu tiềm ẩn của hiện thực, một mạng lưới kết nối vạn vật.
Theo Jung, sự đồng thời không chỉ giải thích được cho những sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà còn lý giải cho ESP4, thần giao cách cảm, và cả ma quỷ nữa. Và tới ngày nay, nghiên cứu đã cho thấy những người có nhiều trải nghiệm về sự trùng hợp ngẫu nhiên thường có xu hướng tin tưởng vào những điều huyền bí.
Đây chính là vấn đề của việc cố gắng tìm kiếm lời giải đáp sâu hơn (không chỉ là sự ngẫu nhiên) cho những hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên—nó có thể nhanh chóng chuyển hướng sang những điều huyền bí.
* * *
Cũng giống như Spiegelhalter, Beitman có hứng thú với việc phân loại và gắn mác cho các loại trùng hợp ngẫu nhiên khác nhau để xây dựng các lĩnh vực phân loại khác nhau “giống như một nhà thực vật học tập sự,” ông nói, chỉ có điều những hạng mục phân loại của ông thì mở rộng hơn, bao gồm không chỉ những sự việc xảy ra trên thế giới mà còn có cả suy nghĩ và cảm xúc của con người. Trong cuộc đối thoại giữa chúng tôi, ông phân chia sự trùng hợp ngẫu nhiên thành ba hạng mục lớn—tương tác môi trường-môi trường, tương tác tâm trí-môi trường, và tương tác tâm trí-tâm trí.
Tương tác giữa môi trường và môi trường là thứ rõ ràng nhất, và dễ hiểu nhất. Những hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên này có thể thấy được một cách khách quan. Một, hoặc một chuỗi sự kiện xảy ra trong thế giới thực. Bạn đang thưởng thức gin tại một quán rượu ở Morocco và người tình xưa đã lâu ngày xa cách ở Paris đột ngột xuất hiện. Tôi nhặt được chút tiền và một năm sau đó, tôi lại gặp người đã đánh mất nó.
Nữ y tá Violet Jessop từng là tiếp viên cho White Star Line5 và đã sống sót qua thảm họa đụng độ xấu số của ba đội tàu biển của nó. Bà đang ở trên con tàu Olympic khi nó đụng phải tàu HMS Hawke vào năm 1911. Năm 1912, bà cũng có mặt trong vụ va chạm lớn của tàu Titanic. Và bốn năm sau đó, khi con tàu Britannic của White Star, dù đã được cải thiện sau thảm họa của con tàu chị (Titanic), cũng chìm, Jessop ở đó. Và bà đã sống sót. Tôi cho rằng, vụ đó chính là tương tác môi trường-môi trường-môi trường.
Những sự trùng hợp ngẫu nhiên sinh ra từ tương tác tâm trí-môi trường là linh cảm —giả sử bạn đang nghĩ về một người bạn và ngay sau đó, lại nhận được cuộc gọi từ họ. Nhưng trừ phi bạn tình cờ viết lại rằng “Tôi đang nghĩ tới việc này-và-vì thế [đánh dấu thời gian]” trước khi điện thoại reo, thì những điều này thật tuyệt với những người được trải nghiệm chúng, nhưng ta không thực sự đo đạc được chúng. “Những chuyện về linh cảm đã bị chặn trên trang của chúng tôi,” Spiegelhalter nói. “Bởi vì, chứng cứ đâu? Ai cũng có thể nói bất cứ điều gì.”
Những thứ trong tâm trí của chúng ta có vẻ như tuôn chảy vào thế giới xung quanh ta.
Một dạng tương tác tâm trí-môi trường khác là học một từ mới và đột nhiên, lại thấy nó ở khắp mọi nơi. Hoặc có một bài hát âm vang trong đầu và nghe thấy nó ở mọi nơi bạn đi qua, hay băn khoăn về một vấn đề gì đó và sau đó lại bắt gặp một bài viết về nó. Những thứ trong tâm trí của chúng ta có vẻ như tuôn chảy vào thế giới xung quanh ta. Tuy nhiên, dẫu cho điều này không làm cho chúng bớt phần kỳ diệu, những mô típ của cuộc sống không chỉ được tạo ra bởi thế giới quanh ta, mà còn bởi con người, bởi sự chú ý của chúng ta.
Đây là một hiệu ứng mà giáo sư ngôn ngữ học của Đại học Stanford Arnold Zwicky gọi là “ảo giác tần số” (the frequency illusion), và nó không giống với sự linh cảm. Chỉ là một khi bạn đã chú ý tới một điều gì đó, não bộ sẽ lại tập trung chú ý tới nó lần tới khi bạn gặp phải nó. Một từ hay một khái niệm mà bạn vừa mới học có vẻ liên quan với bạn—có thể bạn đã thấy nó cả trăm lần trước đó mà không mảy may chú ý tới. Nhưng giờ, khi bạn để ý, nó lại dễ đập vào mắt bạn lần tới khi bạn lướt qua nó.
Và tiếp theo, là hạng mục phân loại cuối cùng, tâm trí-tâm trí, tất nhiên nó là một điều hoàn toàn thần bí. Một ví dụ cho nó là “simulpathity” (Tạm dịch: “đồng thụ cảm”), một thuật ngữ Beitman đặt ra để mô tả cảm nhận về sự đau đớn hoặc cảm xúc của một người khác vốn ở cách xa. Sự quan tâm đặc biệt của ông đối với loại trùng hợp ngẫu nhiên này có xuất phát từ trải nghiệm của chính cá nhân ông.
“Ở San Francisco, vào ngày 26 tháng 2 năm 1973, tôi đứng cạnh bồn rửa mặt và bị nghẹt thở một cách mất kiểm soát,” ông nói, đồng thời nhấn mạnh, “Tôi cho rằng lúc đó chẳng có thứ gì mắc kẹt ở trong cổ họng mình cả.”
“Lúc đó là khoảng 11 giờ ở San Francisco. Ngày hôm sau, anh trai tôi gọi điện, và nói với tôi rằng bố tôi mới qua đời lúc 2 giờ sáng tại Wilmington, Delaware, tương đương với lúc 11 giờ ở San Francisco, và ông mất vì nghẹt máu trong cổ họng. Đó là một trải nghiệm kinh khủng với tôi, và tôi bắt đầu tìm kiếm liệu rằng những người khác có từng trải nghiệm những điều tương tự hay không. Và có rất nhiều người như vậy.”
* * *
Đây chính là nơi chúng ta rời khỏi thế giới khoa học và đi vào thế giới niềm tin. Những sự trùng hợp ngẫu nhiên ấn tượng ở cách mà chúng chuyển dịch giữa hai thế giới. Con người trải qua những điều đáng ngạc nhiên và tiếp nối nhau, và họ, hoặc là sẽ tạo ra ý nghĩa từ chúng, hoặc là không.
Việc coi một hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên không gì hơn là sự tò mò có lẽ là một lối tư duy thực tế hơn, nhưng cũng không công bằng khi nói rằng những người tìm kiếm ý nghĩa từ sự trùng hợp ngẫu nhiên là phi lý. Quá trình giúp chúng ta nhận ra sự trùng hợp ngẫu nhiên là “một phần của cơ cấu nhận thức tổng quát được thiết kế ra nhằm hiểu về ý nghĩa của thế giới,” theo lời Magda Osman, phó giáo sư khoa tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Queen Mary tại London. Nó giống như quá trình lý luận mà chúng ta sử dụng để tìm hiểu về nguyên nhân và kết quả. Đây là một cách để giải thích một cách khoa học về cách mà sự trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra—sản phẩm phụ của hệ thống kiến tạo ý nghĩa của não bộ.
Con người thích những khuynh hướng. Ta tìm kiếm chúng ở mọi nơi, và bằng việc tìm ra và phân tích chúng, ta có thể hiểu về thế giới của ta, và, ở mức độ nho nhỏ nào đó, điều khiển nó. Nếu mỗi khi bạn bật nút, đèn trong phòng được bật lên, thì bạn sẽ hiểu rằng cái nút đó là điều khiển đèn.
Khi một người tìm thấy được một khuynh hướng nào đó của sự trùng hợp ngẫu nhiên, “tôi không thể nào thốt lên rằng ‘Đúng rồi, đó chắc chắn là một sự kiện ngẫu nhiên,’ hay là ‘Thực sự có một cơ chế nhân quả cho nó,’ bởi tôi phải có hiểu biết hoàn toàn về thế giới mới có thể nói được vậy,” Osman nói.
Thay vào đó, chúng ta cân nhắc khả năng rằng việc đó được tạo ra một cách ngẫu nhiên, hoặc bởi một thứ gì đó khác. Nếu phần thắng thuộc về sự hên xui, thì chúng ta bỏ qua nó. Nếu không, chúng ta có được một giả thuyết mới về cách thức vận hành của thế giới.
Lấy trường hợp của hai đứa trẻ song sinh được nhận nuôi bởi hai gia đình khác nhau khi mới bốn tuần tuổi. Sau này, khi gặp lại nhau, cuộc sống của họ có … rất nhiều điểm tương đồng. Họ đều được gia đình nhận nuôi đặt tên là James, kết hôn với một người tên Betty và đã ly dị với Linda. Con trai cả của một trong hai người là James Alan, và con trai cả của người còn lại là James Allan. Họ đều có một người anh/em nuôi tên là Larry và chó cưng mang tên Toy. Họ đều bị đau đầu do căng thẳng, từng đi nghỉ tại Florida và ở cách nhau ba tòa nhà.
“Với tôi, một phần trọng yếu của điều làm nên sự trùng hợp ngẫu nhiên là việc nó rơi vào ranh giới giữa việc chắc chắn rằng điều gì đó là sai và việc chắc chắn rằng điều gì đó là đúng.”
Bạn có thể giả thiết rằng tác động của di truyền rất mạnh, tới mức kể cả khi xa rời, cuộc sống của cặp song sinh vẫn diễn ra theo chiều hướng giống nhau. Thực chất, cặp song sinh này là một phần trong một nghiên cứu của Đại học Minnesota trên các cặp song sinh bị tách rời với giả thiết trên, mặc dù nó không cho thấy có loại gien nào khiến ai đó bị thu hút bởi người tên Betty, hay là đặt tên chó là Toy.
Đưa ra suy luận từ những khuynh hướng như vậy là một việc làm rất có lợi, kể cả khi khuynh hướng đó không hoàn toàn đồng nhất. Hãy lấy việc học ngôn ngữ làm ví dụ. Một chú chó, hay chỉ một bức ảnh một chú chó không phải lúc nào cũng ở kế bên mỗi khi đứa trẻ nghe thấy từ “chó.” Nhưng nếu người cha chỉ về phía nhà Fido khi nói tới từ “chó” đủ thường xuyên, cuối cùng đứa trẻ cũng sẽ hiểu từ đó có nghĩa là gì.
Trong một nghiên cứu năm 2006 về những sự trùng hợp ngẫu nhiên, hai nhà khoa học nhận thức Thomas Griffiths và Joshua Tenenbaum có viết, “Trẻ nhỏ có lý do để làm những nhà lý luận theo thuyết âm mưu, bởi thế giới của chúng được vận hành bởi một tổ chức bí hiểm và toàn năng, nắm giữ những trao đổi bí mật và những sức mạnh huyền bí—thế giới của người lớn, những người tuân theo một hệ thống luật lệ mà những đứa trẻ sẽ dần dần nắm được khi chúng lớn lên.”
Chúng ta vẫn giữ được khả năng này (lý luận về thuyết âm mưu), kể cả khi chúng ta lớn lên và đã khám phá được hầu hết những khuynh hướng khá là phổ biến này. Khả năng này có thể vẫn rất hữu ích, đặc biệt là đối với những nhà khoa học đang nghiên cứu những câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng với hầu hết những người trưởng thành, bất cứ mối liên hệ trùng hợp ngẫu nhiên nào trong cuộc sống thường nhật cũng đều rất quý giá. Ít nhất là từ góc độ khoa học. Nếu ta nhận thấy, và rồi lờ nó đi “chỉ như một sự trùng hợp ngẫu nhiên,” hay như Griffiths, giáo sư tâm lý học và khoa học nhận thức tại Đại học California, Berkeley, nói “chỉ một sự trùng hợp ngẫu nhiên thông thường.”
Mặt khác, đối với những người tin tưởng vào ESP, việc nghĩ đến một người bạn ngay trước khi cô ấy gọi tới có thể không hề là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà nó là chứng cứ thêm vào để củng cố cho thứ mà họ đã luôn tin vào. Tương tự đối với những người tin vào sự can thiệp của thần thánh—một cuộc gặp gỡ tình cờ với người tình xưa đã lâu ngày xa cách có thể đối với họ, là một tín hiệu từ Chúa, chứ không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
“Bạn đang thực sự đối mặt với câu hỏi về hệ thống niềm tin của bản thân về cách thức vận hành của thực tại,” Beitman nói. “Liệu bạn có phải là một người tin rằng vạn vật đều ngẫu nhiên hay bạn là một người tin rằng có một thứ gì đó đang diễn ra ở đây và có lẽ, chúng ta phải quan tâm hơn nữa? Trên một đường biểu thị những cách thức lý giải, ở phía bên tay trái, chúng ta có ngẫu nhiên, ở phía bên tay phải, chúng ta có Chúa. Ở giữa, chúng ta có Bernie Beitman nhỏ bé đã làm một điều gì đó, tôi đã làm, nhưng lại không biết mình làm điều đó như thế nào.”
Vùng ở giữa đó có thứ mà Griffiths vẫn gọi là “những sự trùng hợp đáng ngờ.”
“Với tôi, một phần trọng yếu của điều làm nên sự trùng hợp ngẫu nhiên là việc nó rơi vào ranh giới giữa việc chắc chắn rằng điều gì đó là sai và việc chắc chắn rằng điều gì đó là đúng,” ông nói. Nếu những sự trùng hợp đáng ngờ với những tính chất nhất định tích tụ lại đủ nhiều, thì sự ngờ vực của một người có thể chuyển sang tin tưởng. Con người có thể đụng phải những khám phá khoa học theo cách này—“Ừm, tất cả những người mắc bệnh tả này có vẻ đều lấy nước từ cùng một cái giếng—hoặc mê tín—“Mỗi lần tôi đi tất cọc cạch thì những cuộc họp lại diễn ra suôn sẻ.”
Nhưng bạn có thể kẹt trong vùng “giữa giữa” đó một thời gian dài—ngờ vực, nhưng không chắc chắn. Và không gì hiển nhiên hơn là những sự trùng hợp ngẫu nhiên hiện hữu như là bằng chứng cho một trật tự tiềm ẩn, nhưng vẫn chưa được khám phá nào đó của hiện thực, như là “sự đồng bộ” hay dạng như trang “Vạn vật kết nối” của David Mitchell bắt bớ chúng ta trong những khuynh hướng mà nó đưa ra. Những liên kết có ý nghĩa có thể mang dáng dấp như thể chúng được tạo ra một cách có chủ ý—mọi thứ “phải như vậy,” chúng xảy ra là có nguyên do, kể cả khi lý do đó thật khó nắm bắt. Hoặc như Beitman nói, “Những sự trùng hợp ngẫu nhiên cảnh báo chúng ta về những điều huyền bí ẩn chứa trong những thứ tưởng chừng rõ ràng.”
Tôi cho rằng không ai có thể chứng minh rằng không có thứ gì như vậy, nhưng chắc chắn rằng chứng minh nó tồn tại là một điều không thể. Vậy thì bạn còn lại … chẳng nhiều lắm. Vị trí của bạn nằm ở đâu trên đường biểu thị những cách lý giải có lẽ sẽ hé lộ nhiều điều về bản thân bạn hơn là về thực tế.
* * *
Trong cuốn Nguyên tắc của sự không tưởng, Hand có trích dẫn một báo cáo năm 1988 của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, trong đó có nói rằng “không có bất cứ bằng chứng khoa học nào từ những nghiên cứu được thực hiện suốt 130 năm qua cho thấy sự tồn tại của những hiện tượng cận tâm lý6 (parapsychological phenomena).”
“Một trăm ba mươi năm!” Hand viết. Sự thực rằng con người vẫn luôn cố gắng tìm kiếm bằng chứng cho những điều huyền bí cho thấy “Một minh chứng cho sức mạnh của hi vọng vượt trên cả trải nghiệm, nếu nó (hi vọng) có từng tồn tại.”
Nhưng tôi phản đối. Có thể rằng nghiên cứu về những điều huyền bí một phần được thực hiện bởi hi vọng rằng bạn sẽ tìm được một điều gì đó mà trước giờ chưa có ai biết đến. Nhưng có vẻ như thường thì, trải nghiệm là những khối tạo dựng nên niềm tin vào những điều huyền bí, hoặc vào một lực lượng bí ẩn chi phối hiện thực. Kể cả khi không chính thức nghiên cứu, con người vẫn luôn tìm kiếm lời giải đáp cho những trải nghiệm của mình. Và so với tình cờ, thì kết cấu là một lời giải thích hấp dẫn hơn nhiều.
Vị trí của bạn nằm ở đâu trên đường biểu thị tình cờ-kết cấu có lẽ phụ thuộc phần nhiều vào hình dung ban đầu của bạn về sự tình cờ. Nghiên cứu cho thấy trong khi hầu hết mọi người đều khá là kém trong việc tạo ra một dãy số ngẫu nhiên, những người tin vào ESP thậm chí còn tệ hơn. Thậm chí tệ hơn cả những kẻ hoài nghi, những tín đồ (của ESP) có xu hướng tin rằng lặp lại trong một dãy số khó có thể là ngẫu nhiên—rằng việc tung đồng xu được “ngửa, ngửa, ngửa, ngửa, sấp” sẽ ít có khả năng xảy ra ngẫu nhiên hơn là “ngửa, sấp, ngửa, sấp, ngửa,” dù rằng chúng có khả năng xảy ra như nhau.
Vì vậy, chúng ta có tâm lý học để giải thích làm thế nào và tại sao mà chúng ta lại chú ý tới những sự trùng hợp ngẫu nhiên, và tại sao chúng ta lại muốn kiếm tìm ý nghĩa từ những hiện tượng đó, và chúng ta có xác suất để giải thích tại sao chúng lại có vẻ thường xuyên xảy ra như vậy. Nhưng giải thích lý do tại sao một hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên lại xảy ra lại có liên quan tới một chuỗi các chủ đề, quyết định, các tình huống và một loạt các sự kiện mà, kể cả khi chúng được giải đáp, cũng không thể cho ta biết gì về bất cứ sự trùng hợp ngẫu nhiên nào khác.
Jung dường như đã rất bực bội về điều này. Tuyệt vọng về sự thiếu vắng một học thuyết khoa học thống nhất cho những sự kiện kỳ lạ này, ông viết “Để nắm bắt được những sự kiện độc đáo hoặc hiếm hoi này, chúng ta dường như phụ thuộc vào những mô tả cũng “độc đáo” và đơn lẻ không kém.” “Điều này sẽ dẫn đến một mớ đồ quý hiếm thật hỗn độn, gần giống như những hộc tủ về lịch sử tự nhiên cũ mà được một người tìm thấy, chật cứng những hóa thạch và quái vật giải phẫu trong chai, sừng của một con kỳ lân, yêu khoai ma lùn, và một nàng tiên cá chết khô.”
Điều này thực chẳng mấy hấp dẫn (tất nhiên những thứ này cần phải được sắp đặt gọn gàng!), nhưng tôi khá thích hình ảnh sự trùng hợp ngẫu nhiên giống như là hộc tủ quý đầy rẫy những thứ kỳ quặc và những giới hạn mà chúng ta không thể tìm được nơi nào khác phù hợp với chúng. Có lẽ không phải là thứ khiến chúng ta thoải mái nhất, nhưng một “mớ kỳ lạ hỗn độn” chính là thứ chúng ta có.
Powerball là một trò chơi xổ số Mỹ, jackpot quảng cáo tối thiểu là 40 triệu USD.Bản vẽ Powerball được tổ chức thứ Tư và thứ Bảy. Người chơi chọn năm con số chính mà có thể là bất kỳ số từ 1 đến 59 (quả bóng màu trắng) và một số khác số Powerball (từ 1 đến 35 – đỏ Powerball). Giải thưởng cho người chơi sẽ tùy thuộc vào số lượng các con số mà người chơi đã chọn trùng với kết quả quay số mở thưởng.↩
Carl Gustav Jung (26/07/1875 – 06/06/1961) là một bác sĩ tâm thần, một nhà tâm lý học Thụy Sĩ.Ông đã thành lập nên một trường phái Tâm Lý học mới có tên là “Tâm Lý Học Phân Tích”(analytical psychology) nhằm phân biệt với trường phái “Phân Tâm Học” (‘psychanalysis’) của Sigmund Freud. Jung được xem là một trong các nhà tâm thần học hiện đại tiên phong trong cách nhìn nhận về hệ tâm trí người như là thứ có “bản chất tôn giáo”, và lấy đó làm trung tâm điểm cho mọi khảo cứu.
Bạn đọc có thể xem thêm về Ông tại đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Carl_Jung↩Sự hình thành những mẫu hình trong tâm thức thường bồi theo những mẫu hình vật lý ở ngoại giới. Vào lúc tương phù phát hiện, tâm và vật tuồng như không còn là hữu thể cách biệt mà tự phối trí thành một tình huống ký hiệu đồng nhất và có ý nghĩa, hai thế giới vật lý và tâm lý hiển thị hai mặt của cùng thực tại. Thực tại nhất thể này là một cảnh giới công năng phi thời, phi không gian, Jung đặt tên là unus mundus (the one world; nhất thể thế giới).↩
ESP, viết tắt của từ “Extra Sensory Perception”, là “khả năng cảm nhận phi thường”, có nghĩa là “ngoại cảm”, thường được nói đến như thần giao cách cảm, khả năng cảm nhận, dự đoán.↩
Công ty Oceanic Steam Navigation (Oceanic Steam Navigation Company, thường được biết tới với tên White Star Line) là một công ty vận tải của Anh Quốc, nổi tiếng nhất là từ những con tàu vận tải xa hoa xấu số của nó bao gồm RMS Titanic và chị em của Titanic là tàu Britannic.↩
Cận tâm lý là một lĩnh vực học thuật nghiên cứu một số hiện tượng bất thường liên quan với kinh nghiệm của con người. Ba nhóm hiện tượng là đối tượng của cận tâm lý: ngoại cảm (gồm thần giao cách cảm, thấu thị, tiên tri và hậu tri), viễn di sinh học hay tác động của tinh thần lên vật chất (chẳng hạn bẻ cong thìa bằng ý nghĩ) và các hiện tượng liên quan với sự tồn tại sau cái chết (như kinh nghiệm cận kề cái chết, xuất hồn hay thoát xác, luân hồi, ma nhập…).↩