a
§ Tác giả: Nathan H. Lents | Nguồn: Undark
Biên dịch: Tố Linh | Hiệu đính:  coda
07/07/2018

Tiến hóa là một công việc còn đang dang dở, nên chẳng có gì lạ khi nhiều bộ phận trên cơ thể người do nó tạo ra còn lâu mới hoàn hảo. Trong những cấu tạo đó, thứ khó giải thích nhất lại cũng là thứ lộ liễu nhất: tinh hoàn bên ngoài cơ thể.

Về mặt tiến hóa mà nói, tinh hoàn là phần quan trọng nhất của một người đàn ông – nếu không có chúng thì cũng chẳng có anh ta. Thế mà chúng cứ phơi ra ngoài. Hớ hênh. Mong manh. Thiết kế kiểu gì thế?

Đương nhiên là có một lời giải thích. Tinh trùng của người phát triển tốt ở nhiệt độ mát hơn thân nhiệt một chút. Điều này không phải chỉ có duy nhất ở người: Vào thời kỳ bào thai hoặc sơ sinh, tinh hoàn ở giống đực của hầu hết các loài thú có vú đều di chuyển qua ống bẹ, để rồi cuối cùng đến cư ngụ bên ngoài khoang bụng, nơi chúng treo toòng teng trong một cái võng điều chỉnh nhạy cảm theo nhiệt độ. Cách này giúp cho tinh trùng phát triển ở một nhiệt độ phù hợp.

Nhưng thế nào là phù hợp? Chỉ khi anh cho rằng nhiệt độ lý tưởng là một đặc tính cố định của vũ trụ, như hằng số Planck hay vận tốc ánh sáng trong chân không ấy. Tiến hóa hoàn toàn có thể thay đổi các thông số điều kiện, sao cho nhiệt độ tối ưu nhất cho các phản ứng tế bào và xúc tác trong lúc sản xuất tinh trùng cũng giống hệt như những hoạt động khác trong cơ thể. Xét về khía cạnh kiến trúc mô và các phản ứng trong tế bào, quá trình tạo tế bào máu cũng là một hoạt động tương tự như tạo tinh trùng, thế nhưng tủy xương1 đâu có mọc ra ngoài cơ thể? Buồng trứng cũng không như vậy luôn.

Thực tế là chẳng có lý do nào cho việc tinh trùng nhất định phải phát triển tối ưu ở một nhiệt độ thấp. Đấy chỉ là một hạt sạn tình cờ, một ví dụ về thiết kế dở. Nếu như thế giới có một đấng sáng tạo thông minh nào đó, ngài ấy sẽ có rất nhiều thứ phải giải thích. Nhưng vì nhà thiết kế thực sự của cơ thể chúng ta là chọn lọc tự nhiên và những tác động tiến hóa khác, ta chẳng có ai để thắc mắc cả. Ta chỉ có thể tự thẩm vấn chính mình: Vì sao ta lại như thế này?

Cái gọi là “tranh luận từ thiết kế dở” này có từ hồi Darwin. Trước khi có thuyết tiến hóa, hầu hết mọi người, bao gồm cả các nhà khoa học, cho rằng mọi thứ trên đời đều là sản phẩm không tì vết từ bàn tay một vị Chúa hoàn hảo. Tất nhiên, những hạt sạn đầy rẫy khắp nơi vẫn cần được giải thích, và lời đáp thường là “chẳng may lỡ tay,” đại khái thế. Giờ đây khi ta biết rằng tiến hóa mới thực là thế lực tạo ra sự sống, ta có thể thôi kỳ vọng rằng mọi thứ đều hoàn hảo.

Nhưng ta lại không chịu thôi. Chúng ta vẫn thường xuyên ca lại những điệp khúc như “Ơ, cái này nó phải làm gì đấy quan trọng chứ, không thì chọn lọc tự nhiên đã đào thải nó rồi,” hay “Các sinh vật thích nghi hoàn hảo với môi trường sống của chúng,” hoặc “Tiến hóa không chấp nhận hiệu suất kém.” Chúng ta chưa hề đi xa khỏi cách suy nghĩ của thuyết sáng tạo, cứ kỳ vọng rằng thế giới tự nhiên là phải hoàn hảo.

Sự thật là tiến hóa thì dò dẫm, chọn lọc tự nhiên thì hậu đậu, và chẳng có cái gì gọi là thích nghi hoàn hảo cả. Cơ thể của chúng ta là một mớ những dàn xếp dưới tay những động cơ sinh tồn từ cái đời tám hoánh nào, mà cuộc sống của ta nay đã khác xa rồi. Tiến hóa chỉ có mỗi cơ thể vốn có của chúng ta để chạy thử nghiệm, và chỉ có thể tạo ra “tiến bộ” bằng cách thử đụng vào chỗ này chỗ kia đôi chút. Bực mình hơn nữa là những yếu tố có tác động chọn lọc cứ liên tục thay đổi do bản chất biến động của môi trường và hệ sinh thái.

Tinh hoàn bên ngoài cơ thể chỉ là một ví dụ. Có vài giả thuyết tìm cách giải thích điều kỳ quặc này. Có lẽ tinh hoàn phải tìm cách thoát ra khỏi ổ bụng khi đó đang ấm lên ở các loài thú sơ khai. Nhiều giả thuyết còn bí hiểm hơn, không có cái nào là lời giải đáp trọn vẹn, nhưng chắc mỗi cái đều đóng góp một phần sự thật nào đó. Cuối cùng là, chẳng hiểu sao, tinh hoàn lại ở ngoài đấy.

Thiết kế một bộ phận quan trọng như thế mà không có bảo vệ hay đệm lót gì rõ ràng đã là nguy hiểm rồi. Thêm nữa, tinh hoàn treo bên ngoài còn gây ra một mớ các vấn đề khác. Cứ 4 người đàn ông thì có 1 người bị thoát vị bẹn, một tỉ lệ cao gấp 10 lần so với phụ nữ, chính là bởi thành khoang bụng bị yếu đi trong quá trình đưa tinh hoàn ra ngoài. Can thiệp bằng phẫu thuật khá đơn giản, nhưng phẫu thuật là một phát minh mới trong lịch sử loài người chúng ta. Dù rằng chỉ có một số nhỏ các ca thoát vị trở nên nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì thoát vị quá phổ biến như thế, có lẽ nó đã kịp cướp đi hàng triệu sinh mạng qua thời gian.

Chúng ta chưa hề đi xa khỏi cách suy nghĩ của thuyết sáng tạo, cứ kỳ vọng rằng thế giới tự nhiên là phải hoàn hảo. Sự thật là tiến hóa thì dò dẫm, chọn lọc tự nhiên thì hậu đậu, và chẳng có cái gì gọi là thích nghi hoàn hảo cả.

Những câu hỏi thú vị về tiến hóa không chỉ dừng lại với sự ra (ngoài) đời của tinh hoàn. Vì sao chúng ra ngoài là một chuyện, từ hồi đó đến giờ thì sao lại là một chuyện khác, và ta có thể trả lời một phần câu hỏi này. Trong khi hầu hết những nét đa dạng về cơ thể là trung tính đối với chọn lọc tự nhiên, việc tinh hoàn được phơi bày lộ liễu có thể có lý do của nó. Có thể là quảng cáo tinh hoàn một cách rầm rộ tạo ra ưu thế chọn lọc giới tính, nhất là với những loài coi trọng chuyện cạnh tranh tinh trùng. Có hàng là phải khoe ra.

Kích cỡ tinh hoàn của loài người khá là khiêm tốn so với tinh tinh – họ hàng gần nhất của chúng ta. Hội này có hàng rất khủng, thường là gấp ba lần kích cỡ của chúng ta, trong khi trọng lượng cơ thể chỉ ngang bằng. Điều này nói lên cái gì? Có lẽ tinh hoàn lớn chỉ ra rằng tinh tinh đực tham gia cuộc chiến tinh trùng, trong đó con đực nào tạo ra và giao đi nhiều tinh trùng nhất, nó sẽ được phần thưởng là có nhiều con nhất. Nhưng cuộc chiến tinh trùng này chỉ có nghĩa khi tinh tinh, nhất là những con cái, quan hệ với nhiều bạn tình. Với cơ chế một vợ một chồng thì việc có tinh hoàn cỡ khủng và thật nhiều tinh trùng không tạo ra ưu thế nào.

Các nhà sinh học đã phát hiện ra là tinh tinh cái thích chọn những con đực có tinh hoàn lớn làm bạn tình. Vì sao? Nếu ta giả sử rằng kích cỡ của tinh hoàn có một phần là do di truyền, thì quyết định về sinh sản của con cái sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm của con non, trong đó có bộ phận sinh dục. Nếu nàng chọn một anh hàng khủng, thì các con trai nàng cũng sẽ có hàng khủng, và nếu như hàng khủng là thứ làm cho anh chàng có nhiều con hơn, thì tức là nàng sẽ có nhiều cháu hơn. Cho nên, việc nàng chọn bạn tình hấp dẫn là để sinh ra con cái hấp dẫn, qua đó bành trướng thế lực di truyền của mình. Cách giải thích này được gọi là thuyết “đứa con trai gợi cảm.”

Đương nhiên, tinh hoàn của người chỉ là một ví dụ ngứa mắt để chứng minh rằng tiến hóa không hề hoàn hảo. Không một kỹ sư sáng suốt nào lại đi thiết kế một cơ thể với đầu gối vừa yếu vừa bẻ về phía sau, hay với xoang mũi thoát nước lên trên. Cơ thể ta không thể tự tổng hợp những vitamin cơ bản, hệ miễn dịch thì thường xuyên tự cắn chính mình, còn DNA thì hầu hết là bầy nhầy vớ vẩn. Thiết kế không ổn tí nào.

Chúng ta đã tiến hóa để tồn tại và sinh sản, nhưng thế không có nghĩa là khỏe mạnh, thoải mái hay vui sướng.

Trong khi những lỗi ấy chứng tỏ rằng tiến hóa làm việc rất bừa bãi và ngẫu nhiên, những câu chuyện phía sau chúng còn thú vị hơn. Chúng ta không tự tổng hợp được vitamin C vì loài vượn tổ tiên đã có thừa mứa chất này dâng lên tận miệng từ môi trường. Xoang mũi của chúng ta lộn xộn như vậy là vì tiến hóa đã đập bẹp phần mõm ở khỉ thành một cái mặt phẳng hơn so với các loài thú khác, và rồi, vì một lý do nào đó mà ta còn chưa hiểu nổi, mặt người lại còn trở nên phẳng hơn và nhỏ hơn thế nữa.

Đó không chỉ là những vấn đề học thuật xa xôi. Vì không có khả năng tự tổng hợp vitamin C mà hàng triệu người trong số tổ tiên của chúng ta đã thiệt mạng vì bệnh scobut (scurvy)2. Vì xoang mũi ngoằn ngoèo thông thoát kém mà chúng ta thường xuyên bị viêm nhiễm và đau nhức. Chúng ta đã tiến hóa để tồn tại và sinh sản, nhưng thế không có nghĩa là khỏe mạnh, thoải mái hay vui sướng.

Ngay cả trí óc mạnh mẽ của chúng ta, thứ được coi là thành tựu huy hoàng nhất, cũng chẳng hề hoàn hảo. Những đe dọa lớn nhất mà ta phải đối mặt lại do chính ta gây ra. Vì tiến hóa không lên kế hoạch lâu dài nên chúng ta cũng không luôn, ví dụ như cái tính hấp tấp nhảy đến kết luận, suy nghĩ ngắn hạn, bỏ qua những bằng chứng ta không ưa, sợ hãi và thù ghét những kẻ khác với chúng ta. Những lỗi này không phải chỉ gây bất tiện đơn thuần như tinh hoàn bên ngoài cơ thể, mà một ngày nào đó chúng có thể gây diệt vong cho giống loài không hoàn hảo chúng ta.


  1. Tủy xương là phần nằm trong lõi xương, có cấu trúc khá mềm và xốp. Tủy xương là nơi sản xuất các loại tế bào gốc tạo máu, rồi chúng phân hóa thành tế bào máu tùy nhu cầu của cơ thể.

  2. Bệnh scobut (scurvy) do thiếu vitamin C gây ra. Triệu chứng ban đầu là người yếu mệt, đau chân tay, nhưng khi nặng hơn có thể gây ra giảm hồng cầu, chảy máu chân răng, chảy máu ngoài da.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất