Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Adelle Waldman | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Mika | Hiệu đính:  Aceae
29/08/2017

“Anh ấy nói đến những thứ mà tôi không bao giờ nghĩ đến, hoặc ít nhất là nói ra, với một sự tự tin nhất định, với thứ giọng Ý mạnh mẽ mà duyên dáng.” Elena Greco, nữ chính trong bộ tiểu thuyết Neapolitan của Elena Ferrante, nghĩ thế về Nino, chàng trai trẻ cô mới bắt đầu phải lòng, trong “My Brilliant Friend” (tạm dịch: Người bạn thông minh của tôi), quyển sách đầu tiên trong bộ truyện. Nino không có “khả năng làm mọi thứ trở nên thú vị” như cô bạn thân Lila của cô, Elena bình tĩnh quan sát, nhưng anh rất am hiểu, và khi anh nói về những vấn đề như nghèo đói, anh như một người đàn ông thực thụ hơn là chàng thanh niên, không nói theo cách “quá khái quát, với ngữ điệu âu sầu… nhưng một cách cụ thể, không vị kỉ, đưa ra những sự thật chính xác.” Anh cũng viết bài cho các tạp chí, điều đó gây ấn tượng mạnh với một cây bút tham vọng như Elena.

Bốn tiểu thuyết trong bộ Neapolitan diễn ra trong một giai đoạn trải dài hơn sáu mươi năm, và một trong những điểm mạnh của mối quan hệ giữa Elena và Nino chính là sự động viên Nino dành cho Elena trong những tác phẩm của cô. Khi mà, ở độ tuổi đầu ba mươi và đã là mẹ của hai đứa trẻ, cô đã từ bỏ hầu hết các tác phẩm của mình, anh chính là người đã thành công trong việc thuyết phục cô bắt đầu lại từ đầu. Nino hào phóng khen tặng cô: “Khả năng kể chuyện của em là thứ khiến tôi ghen tị nhất.” Vì Elena tin tưởng Nino, tin vào phán xét của anh, nên sự ngưỡng mộ anh dành cho cô thật sự có sức nặng.

Qua nhiều năm, đánh giá của Elena về khả năng của Nino ngày càng giảm. Những ý tưởng của Nino dần dễ đoán hơn trước; Elena ngày càng khó chịu với khát khao trở nên “khác biệt và bất ngờ về mặt chính trị” của anh. Cô nhận ra được sự tham danh vọng và tính tình nhỏ nhen ẩn dưới vẻ ngoài thu hút của anh: “Anh ấy có vẻ như… rất nhạy cảm với lời khen từ những người có quyền thế và sẵn sàng bắt bẻ hay thậm chí là hạ thấp những người không có nó (quyền lực).” Những quan sát này xảy ra cùng lúc với việc tình cảm mà cô dành cho anh, từng không cưỡng lại được, nay lại giảm dần. Thậm chí lời khen của anh cũng không khiến cô lay chuyển: “Tôi nói tóm lược về cốt truyện và nhân vật mà tôi đã phác họa ra và anh nói, Tuyệt, rất thông minh. Nhưng anh không thuyết phục được tôi, tôi không tin anh nữa.”

Bìa sách cuốn My Brilliant Friend. Nguồn: Amazon.

Trí thông minh – và những khía cạnh của tính cách liên quan đến trí thông minh và quyết định liệu một người có đáng tôn trọng hay không, ví dụ như sự công bằng, chính trực, hào hiệp và nhạy cảm – việc Elena chú ý đến những phẩm cách này ở người mình yêu rất nhất quán với cách các nhà văn nữ đã từ lâu viết về tình yêu. Từ khi dòng văn tiểu thuyết ra đời, các nữ chính trong những cuốn sách viết bởi phụ nữ thường quan sát trí óc những người họ yêu quý dưới góc nhìn lý trí và có trật tự. Người bạn đời lý tưởng của Charlotte Bronte, của George Eliot, của những nữ chính trong văn Jane Austen1, là một ai đó đủ thông minh để hết lòng trân trọng và tương tác có chiều sâu với trí thông minh của bản thân họ, một người bạn đời mà với họ không chỉ thu hút mà còn có tình bằng hữu, về cả trí tuệ và đạo đức.

Mối liên kết giữa tình yêu và sự tôn trọng dường như không phải một khẳng định gì độc nhất hoặc táo bạo – cho đến khi chúng ta để ý rằng có rất nhiều nam nhà văn có xu hướng nghĩ về tình yêu theo cách rất khác biệt. Những tác giả nam dị tính (heterosexual) dành ít năng lượng hơn hẳn để viết về trí thông minh của đối tượng yêu đương (nữ) của nhân vật chính; thay vào đó, họ có xu hướng nhấn mạnh vào sức hút và những cảm giác nội tâm. Từ Tolstoy, người đã giúp định nghĩa lại dòng văn tiểu thuyết bằng tâm lý tinh tế của mình, cho đến những cây bút viết về tình dục không kiêng dè như Saul Bellow và Phillip Roth, đến người đương đại theo chủ nghĩa quân bình2 như Karl Ove Knausgård, nói theo một cách nhất định thì nam giới mới là những kẻ lãng mạn thực thụ: nhiều khả năng là họ sẽ khắc họa tình yêu như một thứ gì đó bí ẩn và không theo lẽ thường, không thể giải thích, liên quan nhiều hơn đến hình thức bên ngoài và sức hút cá nhân, hơn là đến niềm tin – hay hi vọng – trong việc tìm kiếm một người bạn ngang hàng về trí óc.

Trong văn học, nỗi khao khát tìm kiếm đối tượng ngang tầm, và niềm tin rằng tình yêu lý tưởng nên hội tụ cả tâm hồn và thể xác, dường như là một động lực tâm lí của phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Sự khác biệt trừu tượng này thâm nhập vào những tiểu thuyết mà đàn ông và phụ nữ viết theo nhiều cách khác nhau.

Hãy xét đến “Anna Karenina,” một tiểu thuyết được xem là đột phá do góc nhìn sâu sắc về các mối quan hệ lãng mạn của nó. Tolstoy thách thức cách kết truyện truyền thống, với một cuộc hôn nhân hạnh phúc mãi mãi về sau giữa nam và nữ chính; thay vào đó, ông lần theo hai câu chuyện tình rất khác nhau – mối tình bất chính giữa Anna với Vronsky và cuộc hôn nhân giữa Levin và Kitty. Hơn một thế kỉ sau, cách mà Tolstoy miêu tả đầy nhạy cảm nhưng thận trọng về mối quan hệ của Levin và Kitty vẫn tiếp tục là một trong những bức chân dung về hôn nhân đẹp nhất trong văn chương. Nó cũng vạch rõ niềm tin về nền tảng của tình yêu của một trong những bộ não vĩ đại nhất của văn học thế giới.

Mở đầu tiểu thuyết, Levin yêu Kitty say đắm và tuyệt vọng khi cô ban đầu từ chối lời đề nghị kết hôn của anh. Dù vậy, một khi đã kết hôn, anh không cảm thấy hạnh phúc như mong đợi. Anh muốn có nhiều thời gian hơn cho bản thân mình để làm việc, đọc sách và suy ngẫm. Anh cảm thấy Kitty luôn bám riết lấy mình và ghen tuông vô cớ; anh thất vọng vì cô quá quan tâm về những thứ mà anh xem là nhỏ nhặt, như quần áo tư trang của cô và những công việc nội trợ. Những nỗi thất vọng này, rất điển hình nam giới, dường như rất thật, và chúng được miêu tả cùng sự cảm thông với quan điểm của cả Levin lẫn Kitty. Nhưng chúng cũng phản ánh thể loại hôn nhân mà Levin và Kitty bước vào, và bản chất của tình yêu mà họ dành cho nhau.

Levin và Kitty trong phim Anna Karenina (2012). Nguồn: Signature Reads.

Levin bị thu hút bởi Kitty chính vì vẻ đẹp và sự ngây thơ của cô, cũng như tính môn đăng hộ đối. (Cô cũng thuộc về dòng dõi quý tộc như Levin.) Tolstoy nói rằng, “Tất cả thành viên của gia đình này, và đặc biệt là phần nửa phái đẹp, đối với anh như được bao bọc bởi một lớp màng thơ ca thần bí.” Levin trong chốc lát mường tượng chính bản thân yêu từng cô chị của Kitty, nhưng họ đều đã cưới chồng trước khi anh đủ tuổi nghĩ đến chuyện cưới xin. Đến tầm 30 tuổi, Kitty trở thành đối tượng của anh. Anh có cảm xúc mạnh mẽ với cô hơn bất cứ cảm xúc nào trước đây. “(Hẳn là do) sắc mặt như đứa trẻ của cô, cùng với vẻ đẹp thanh mảnh của thân hình Kitty,” anh suy tưởng. Nụ cười của cô “luôn đưa anh vào một thế giới đầy mê hoặc, nơi anh cảm thấy nhẹ nhàng và ngập tràn âu yếm, tựa như cảm giác trong vài dịp hiếm hoi hồi thơ ấu.”

Levin cũng gán cho Kitty một kiểu đức hạnh chung chung, thứ mà anh thấy trong ánh mắt “hiền từ, bình tĩnh, và chân thật” của cô. Thật ngọt ngào – nhưng ta nên chú ý là những tính từ này hoàn toàn có thể dễ dàng dùng cho đôi mắt của một chú chó trung thành. Miễn là qua một mức tối thiểu nhất định – Kitty đủ thông minh để không khiến Levin bẽ mặt – trí óc hay cách cô nói chuyện chẳng phải là thứ Levin dành nhiều thời gian quan tâm. (“Anh không khỏi tự hỏi liệu mình có thông minh hơn vợ,” Tolstoy ghi nhận thản nhiên sau khi hai người đã lấy nhau, không khác mấy so với giọng văn ông có thể sẽ dùng để ghi nhận là Levin cao hơn Kitty.) Levin, vốn là người hay suy nghĩ về hiện sinh, tìm kiếm một người vợ không phải là một nhà tư tưởng như anh, mà sở hữu những phẩm hạnh phụ nữ truyền thống. Kitty có bản năng và khả năng cảm thông tốt, nhạy cảm hơn Levin với muôn vấn đề thiết thực của cuộc sống gia đình. Levin dần dà xem trọng những đức tính này và cam chịu sống với sự vô lý của cô, những đòi hỏi tầm thường của cô. Chúng ta dường như phải cảm thấy là họ hạnh phúc, hạnh phúc ở mức cao nhất có thể mong đợi trong một cuộc hôn nhân nam nữ trong quan điểm về thế giới của Tolstoy về bản chất của hai giới.

Trong văn học, nỗi khao khát tìm kiếm đối tượng ngang tầm, và niềm tin rằng tình yêu lý tưởng nên hội tụ cả tâm hồn và thể xác, dường như là một động lực tâm lí của phụ nữ nhiều hơn là nam giới.

Dù cách mà Tolstoy diễn tả về mối quan hệ giữa Levin và Kitty rất truyền cảm và đầy sức thuyết phục, nó dù sao đi chăng nữa vẫn là một kiểu hôn nhân nhất định, giữa một người đàn ông có suy nghĩ, muốn tìm kiếm không phải là người bạn đời tri thức mà là một nửa còn lại, phần “âm” cho tính “dương” của anh – một người vợ trẻ duyên dáng, một người phụ nữ “tốt” – chỉ để nhận ra rằng cô cũng sở hữu những suy nghĩ và mong ước của riêng mình, cùng tồn tại song song với những phẩm hạnh đó. Tolstoy xem loại hôn nhân bổ sung cho nhau này như một sự tất nhiên: đó là thứ mà một người nhạy cảm nhưng cũng khôn ngoan không kém như Levin tất sẽ tìm kiếm.

Dĩ nhiên, Tolstoy sống và viết truyện trước giai đoạn cách mạng tình dục và phong trào nữ quyền hiện đại. Tuy nhiên, điều này cũng đúng với các bậc tiền bối văn học của ông, trong số đó có một số đáng chú ý có những ý tưởng rất khác. Những tác giả nữ từ lâu đã nhắm vào thể loại hôn nhân Tolstoy đã miêu tả để chỉ trích. Lấy ví dụ, các tiểu thuyết của Austen chứa đầy những mẩu chuyện hài về những người đàn ông thông minh “do một khuynh hướng thiên vị vẻ ngoài không thể hiểu nổi nào đó,” mà ràng buộc bản thân họ với những người phụ nữ tầm thường. Cuộc hôn nhân không hanh phúc của hai vợ chồng nhà Bennet trong “Pride and Prejudice” (Kiêu hãnh và định kiến) có lẽ là ví dụ đáng nhớ nhất.

Trong “Middlemarch”, George Eliot mang lại một ví dụ tinh tế và ít lố bịch hơn. Nhà khoa học trẻ đầy hoài bão Tertius Lydgate không phải coi thường phụ nữ một cách có ý thức, nhưng theo bản năng anh cảm nhận được rằng không ai mong muốn những người phụ nữ tri thức quá mức. Gặp gỡ với nữ chính nghiêm túc của cuốn tiểu thuyết, Dorothea, Lydgate thừa nhận rằng cô thật lôi cuốn, nhưng anh vẫn cảm thấy là cô “quá thành thật.” Anh nghĩ: “Giao du với những người phụ nữ như thế cũng sẽ thư thái như thể vừa đi làm về lại phải tiếp tục hại não.” Anh thích Rosamond Vincy hơn, cũng rất thu hút, và hơn nữa, “có đúng kiểu trí thông minh mà người ta mong muốn ở một người phụ nữ – tinh tế, tao nhã, ngoan ngoãn … trong một cơ thể thể hiện điều này ở mức không cần phải có bằng chứng nào khác nữa.”

Trong quá trình tìm hiểu nhau, Lydgate kể cho Rosamond về những khát vọng khoa học của anh. Dù cô không đáp lại gì nhiều, Lydgate “cảm thấy hứng thú khi được lắng nghe bởi một người mà mang đến cho anh một xúc cảm ngọt ngào và thỏa mãn – vẻ đẹp – sự thư thái – cũng như bầu trời mùa hè và thảo nguyên điểm hoa cỏ trợ giúp cho suy nghĩ của ta vậy.” Thật không may cho Lydgate, cũng như Levin, anh sớm hiểu ra trong cuộc hôn nhân này Rosamond quan tâm quá nhiều tới những điều mà anh cho rằng không quan trọng. Cô ấy cũng không hề đồng cảm đến cho những hoài bão khoa học của anh như anh vẫn thường hồn nhiên mặc định. Nếu mà anh biết được cái gì đã lôi cuốn cô đến với mình thuở ban đầu, cái gì đã khiến cho cô kiên nhẫn lắng nghe khi anh kể vớ vẩn về những thí nghiệm và phòng thí nghiệm tại nhà của mình, thì có lẽ anh sẽ thất vọng vô cùng. Cô đã bị cuốn hút bởi vẻ ngoài hào nhoáng kiêu ngạo, gia thế quyền quý, và vị thế trong xã hội của anh. Niềm đam mê khoa học mà trong tâm trí Lydgate là mấu chốt cho sự tồn tại của anh, đối với Rosamond chủ yếu chỉ là thú vui lập dị đáng xấu hổ.

Rosamond Vincy và Tertius Lydgate. Minh họa: Wikimedia.

Cuối cùng, cuộc hôn nhân của Lydgate và Rosamond thì kém hạnh phúc hơn hẳn Levin và Kitty, phần lớn vì Lydgate không giàu có bằng Levin. Điều đó có nghĩa là, trong khi Levin có đủ khả năng nuông chiều nhu cầu vật chất của Kitty mà không hề gây trở ngại nào cho những dự định của bản thân, cuối cùng Lydgate lâm vào kiệt quệ bởi những sự than vãn của Rosamond. Anh gạt bỏ những đam mê, tập trung hơn vào những công việc béo bở nhằm đáp ứng những vật chất mà cô cho là cần thiết.

Đây dường như là một viễn cảnh về hôn nhân ảm đạm, nhưng ta nên hiểu nó là một góc nhìn ảm đảm về một loại hôn nhân cụ thể, và là một lời phê bình cách suy nghĩ lãng mạn của Lydgate. Một mặt Tolstoy đồng cảm với những viễn tưởng của Levin về tình yêu, mặt khác Eliot phê phán ý kiến của Lydgate. (“Trí óc đáng nể và sự nhiệt tình đáng khâm phục” anh dùng trong công việc của mình không hề, Eliot lạnh nhạt nói, “được thể hiện trong cảm xúc và đánh giá của anh về đồ đạc nội thất, hay là phụ nữ.”)

Cũng như Austen trước đó, Eliot thích một viễn cảnh về tình yêu mà dựa trên những giá trị chung và sự tôn trọng lẫn nhau, hơn là dựa trên niềm tin vào sự khác biệt giữa nam và nữ (giữa con ngỗng cái và con ngỗng đực như cách bà gọi). Chúng ta có thể thấy điều đó trong cuộc hôn nhân thứ hai của nữ chính, Dorothea, cô kết hôn với chàng chính trị gia sáng lạn trẻ tuổi Will Ladislaw, người yêu cô ấy vì trí thông minh cứng đầu hay những nguyên tắc vững chắc của cô. Charlotte Bronte thậm chí còn dứt khoát hơn. “Cô dâu của tôi ở đây vì người ngang tài ngang sức với tôi đang ở đây,” Rochester nói với Jane Eyre khi cầu hôn. Còn cô đồng ý bởi vì anh có được những đức tính khiến cô thích thú vô cùng – “một bộ óc độc đáo, mạnh mẻ và rộng mở,” bù đắp quá thừa cho vẻ ngoài xấu xí của anh, như cách cô thường miêu tả.  

Sự khác biệt trừu tượng này thâm nhập vào những tiểu thuyết mà đàn ông và phụ nữ viết theo nhiều cách khác nhau.

Tri thức là quan trọng đối với những nhân vật nữ chính này, bởi vì họ luôn khao khát trên hết thảy được nói chuyện, thứ hội thoại mà đòi hỏi sự thấu hiểu lẫn nhau. Những cuộc trò chuyện như vậy là rất hiếm theo những tiểu thuyết trên. Ví dụ, Austen truyền tải phần lớn lối hài hước đặc sắc của mình bằng việc làm nổi bật tình cảm của nữ chính trên nền những niềm bực bội và sự hiểu lầm nhỏ nhặt trong đời sống thường nhật. Điển hình là cuộc nói chuyện sau giữa Marianne Dashwood trong “Sense and Sensibility” (tạm dịch: Lý trí và tình cảm) và Sir John – hàng xóm của cô, người chọc ghẹo cô vì “đặt mục tiêu” theo đuổi một chàng trai trẻ đẹp. Marianne xù lông đáp lại Sir John, nói rằng cô “ghê tởm tất tật những cụm từ bình dân nào mà người nói cho là thú vị.” Sir John chỉ cười tốt tính và lập đi lập lại những sáo ngữ xúc phạm đến quan điểm và niềm kiêu hãnh của Marianne. Và chuyện tương tự diễn ra tại hầu hết các buổi tiệc tối và các bữa tụ họp xã hội mà Austen mô tả. Trong một thế giới chủ yếu gồm những người như Sir John – những người, dù có thiện chí hay không, không có khả năng để thấu hiểu họ – những nữ chính thông minh và nhạy cảm của Austen sẽ tự mình tìm kiếm một số ít những người đàn ông mà nhạy cảm và thông minh ngang tầm họ, những người có thể cùng họ “trò chuyện, cả lý trí lẫn đùa nghịch.”

Eliot, Austen và Bronte đều viết văn trong một bối cảnh lịch sử mà trong đó trí tuệ phụ nữ thường có xu hướng hoặc là bị chối bỏ hoặc là bị giễu cợt, và cái kết “hạnh phúc,” một cuộc hôn nhân tốt đẹp, mà ta thấy trong tác phẩm của họ, không phải phản ánh một thiên hướng lãng mạn hoặc tính tình đa cảm, mà phần nhiều hơn là nỗ lực thể hiện về sức mạnh của một cuộc hôn nhân bình đẳng. Nhưng nếu tác giả ủng hộ một quan điểm nào đó, dù có công bằng hay cấp tiến đến đâu, đều ảnh hưởng đến tính khách quan của tiểu thuyết. Và quả thực, chẳng hạn trong “Jane Eyre,” có thấp thoáng một niềm mong ước chỉ thành hiện thực trong câu chuyện hư cấu. Ít khi có một ai khác thật tâm đầu ý hợp, có thế giới nội tâm thật hòa hợp hoàn hảo với bản ngã của ta, như là Rochester hợp với Jane Eyre. Kết quả là, chúng ta cảm thấy cách miêu tả điềm tĩnh của Tolstoy về hôn nhân của Levin và Kitty đáng tin được hơn, giống như chúng ta tin vào mối quan hệ có vấn đề của Elena Greco với Nino. Mặc dù vậy, cách mà Jane Eyre suy xét kỹ lưỡng về trí tuệ của người yêu, và cách mà cô tự tin vào quan điểm của mình, khiến chúng ta liên tưởng đến Elena Greco hơn là Kitty Shcherbatsky.

Trí óc, quan điểm, cách chuyện trò – đấy là những chuẩn mực mà những nhân vật chính của các tiểu thuyết viết bởi phụ nữ hết lần này đến lần khác sử dụng để đánh giá những đối tượng tình cảm của họ. Mặt khác, các nam tác giả có xu hướng viết khác hẳn. Dĩ nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ như: Samuel Richardson, Thomas Hardy (tiêu biểu trong quyển “Far from the Madding Crowd,” (tạm dịch: Xa đám đông điên loạn), Jonathan Franzen (tiêu biểu trong quyển “Strong Motion,” tạm dịch: Chuyển động mạnh), và Norman Rush. Nhưng phần lớn các nhà văn nam, ngay cả những người quan tâm nhất đến tình yêu và tình dục, cũng thường hướng sự chú ý của họ vào những điểm khác – khuôn mặt, cơ thể – và chỉ viết mơ hồ về tính cách. Dưới đây, là ví dụ miêu tả về người tình của Herzog trong tác phẩm cùng tên bởi tác giả Saul Bellow3:

Cô tuy thấp nhưng đầy đặn, một bờ mông căng tròn, khuôn ngực săn chắc (những điều quan trọng đối với Herzog; anh có lẽ cho mình là một nhà đạo đức, nhưng hình dáng bầu ngực của phụ nữ là cực kỳ quan trọng). Ramona không tự tin về chiếc cằm của cô nhưng lại rất tự hào về cái cổ đáng yêu, và vì thế cô luôn ngẩng cao đầu… Đôi mắt của cô có màu nâu, nhạy cảm và sắc bén, gợi tình và tính toán. Cô luôn biết cô đang toan tính điều gì. Một mùi hương ấm áp, đôi cánh tay tơ mềm, khuôn ngực tuyệt đẹp, hàm răng trắng tuyệt vời và đôi chân khẽ cong – chúng đều có tác dụng.

Bìa cuốn Herzog. Nguồn: Amazon.

Chúng ta có thể cảm nhận được sức quyến rũ của cô nàng Ramona ở đây. Phillip Roth4 cũng có thể làm như thế: ông và Bellow là hai trong số những nhân vật có khả năng miêu tả sức hút nghệ thuật nhất trong văn học, rất giỏi trong việc kích thích phản ứng bản năng của người đọc, giỏi trong khoản khiến việc làm tình và sự gợi tình giàu tính nghệ thuật và kích thích trí óc. Và họ không giống như Tolstoy, khăng khăng là phụ nữ thì ít có trải nghiệm trong chuyện giường chiếu – đây chắc chắn là một sự tiến bộ. Nhưng cả Bellow và Roth đều miêu tả những đặc điểm trí óc của người phụ nữ một cách sơ sài, bất cẩn, hoặc thậm chí là không có gì, với những cụm từ chung chung hơn hẳn so với khi họ miêu tả hình thể. Ramona có “học thức,” chúng ta được biết một cách mơ hồ – chúng ta biết nhiều về bộ nội y thêu ren màu đen của cô và những bữa tối thịnh soạn cô chuẩn bị, hơn là chúng ta biết về việc liệu cô có thật sự thông minh, hay chỉ đơn thuần là một kẻ nịnh hót tài ba, muốn kết thân với một nhà tri thức có vai vế.

Nhưng phần lớn các nhà văn nam, ngay cả những người quan tâm nhất đến tình yêu và tình dục, cũng thường hướng sự chú ý của họ vào những điểm khác – khuôn mặt, cơ thể – và chỉ viết mơ hồ về tính cách.

Trong quyển tiểu thuyết này, Ramona gợi cảm được đặt tương phản với Madeleine, cô vợ trẻ lạnh lùng, người đã cùng với bạn thân của Herzog phản bội anh ta, và cũng là người mà anh liên tục miêu tả là vừa đẹp lại vừa tài ba. Nhưng sự tài giỏi của Madeleine thì cũng giống như của Anna Karenina – nó được miêu tả như một phần nằm trong sức quyến rũ tuyệt vời của cô, như thứ gì đó thật thâm hiểm và thật hấp dẫn, chứ không phải một phẩm hạnh khiến cô trở thành một người ngang tầm về trí óc. Madeleine có thể thông minh, nhưng Herzog cứ nhắc đi nhắc lại với chúng ta rằng, cô không có một tí nào nguyên tắc và trật tự mà một người học giả thực thụ hay một nhà tri thức cần sở hữu. Cô hay làm quá, hay tìm kiếm sự chú ý – những chủ đề cô quan tâm, từ những nhà thần bí người Nga đến Eleanor xứ Aquitaine5, đều chạy theo phong trào và không khác gì nhau. (Herzog nói “Nếu cô ấy có một sở thích nhất định, nó chắc hẳn là tiểu thuyết thần bí.”) Bất kể khả năng trí tuệ Madeleine sở hữu ra sao đi nữa, nó chắc chắn không bao giờ khiến cho Herzog tuyên bố rằng cô chính là bậc ngang tầm với anh; nó đơn thuần chỉ là một thứ gia vị khác thường và kích động, điểm thêm cho vẻ đẹp, thanh xuân, và sự xa cách về mặt tình dục khiến Herzog mê đắm của cô.

Tình yêu kiểu này, không phải chỉ Bellow mới đi theo, nó tô màu cho cái nhìn về cuộc sống bắt nguồn từ những tiểu thuyết liên quan tới nó. Như cuốn “The Professor of Desire” (tạm dịch: Học giả khao khát) của Roth, khắc họa một cuộc đọ sức giữa hai loại phụ nữ, hoặc hai loại mối quan hệ: David Kepesh, nhân vật chính của quyển sách, bị giằng xé giữa cô nàng Birgitta, người đã cùng anh có chuyến phiêu lưu ngập chìm tình ái khắp châu Âu những năm đầu đôi mươi, và Claire, một cô nàng hồn nhiên và đứng đắn, một giáo viên, sở hữu sự “pha trộn rành mạch giữa cái đầu tỉnh táo trong quan hệ xã hội, sự nhiệt tình với cuộc sống gia đình, và tính dễ tin cả nể của tuổi trẻ.” Nói một cách khác, quyển sách là khám phá và tiểu thuyết hóa cuộc đối đầu giữa trinh nữ – gái làng chơi.

Dù cuốn tiểu thuyết này có sở hữu giọng văn vừa khôn ngoan vừa lôi cuốn đến đâu, không khó để có thể tưởng tượng được một cuộc trả đũa đến từ Austen. Sự phân loại hai bên là sai, Austen sẽ nói vậy. Kepesh chú ý rất ít đến việc anh nghĩ Claire là một cô gái nhạt nhẽo. Cô phù hợp theo kiểu Kitty Shcherbatsky—xinh xắn, tốt bụng, đến từ tầng lớp thích hợp—nhưng chỉ có thế. Cô không ở tầm Lizzy Bennet—thậm chí còn không so sánh được với Jane Bennet. Trong lúc phân vân giữa một người đàn bà dâm đãng và một cô gái nhạt nhòa nhưng đủ công dung ngôn hạnh, Kepesh đã thất bại trong việc xét đến một khả năng khác: một mối quan hệ với một người phụ nữ thú vị, một người có đầu óc khiến anh tôn trọng.

Điều gây khó chịu cho độc giả về thế giới quan đến từ tiểu thuyết của Roth và Bellow không phải chỉ duy nhất vấn đề coi thường phụ nữ, mà hơn cả là sự cứng đầu, vô cảm với ý kiến cho rằng tình yêu có thể bắt nguồn từ những phẩm chất mà không phải nằm ở bề ngoài hay những quy ước sáo rỗng (hay chính là công dung ngôn hạnh hay những phẩm chất nữ tính theo lối suy nghĩ rập khuôn). Dù sao chăng nữa, Roth và Bellow không có tiếng tăm là tôn trọng phụ nữ. Với nhà văn đương đại Karl Ove Knausgård thì lại là một chuyện khác. Loạt tự truyện gồm sáu phần của ông viết về một người bạn đời trung thành và nhiệt huyết, một ông bố tên Karl Ove Knausgård. Karl Ove nghỉ việc một năm để chăm sóc cho con gái sơ sinh của mình và bạn đời. Karl Ove nấu ăn, làm việc nhà—khá nhiều, nhiều hơn phần ông nghĩ là của mình. Ông thậm chí còn đưa đứa con gái nhỏ của mình đến lớp học “Mẹ và Bé”— trong phòng chỉ duy nhất mình Karl Ove là đàn ông. Chi tiết này không phải để khắc họa rằng ông là tiêu biểu cho một thế giới mới của sự bình đẳng giới. Thực chất Karl Ove là một người theo chủ nghĩa bình đẳng đày mâu thuẫn – trong một số phân đoạn hay nhất của loạt tự truyện, ông thuật lại nỗi oán giận và khổ sở trong cuộc sống gia đình của mình.

Những cuốn sách của Knausgård trở nên nổi tiếng khắp Bắc Mỹ gần như cùng thời điểm với bộ tiểu thuyết Neapolitan của Ferrante. Cả hai đều cực kì thực tế, hiện đại, phản ánh sâu sắc đời sống độc thân về mặt tâm lý. Chúng kể về những tác giả thành công, và miêu tả chân thực những cảm xúc của nhân vật chính về danh vọng và địa vị. Và cả Ferrante lẫn Knausgård đều đặc biệt chú tâm về công việc nội trợ và việc chăm sóc con cái. Nhưng so với Ferrante, cách Knausgård viết về tình yêu giống Tolstoy hơn – hay là một phiên bản dịu dàng hơn và ít gợi tình hơn của Roth và Bellow.

Bìa cuốn đầu tiên trong loạt tự truyện của Karl Ove Knausgaard. Nguồn: Amazon

Xem xét trích đoạn sau, từ một cuộc hẹn hò thuở đầu với người phụ nữ sắp trở thành bạn đời của Knausgård. Linda đang nói về Chekhov. “Đôi môi cô ấy mở hé mỗi khi trở nên thích thú, trước khi cô ấy chuẩn bị nói điều gì đó, và tôi thì ngồi quan sát cô ấy nói,” Knausgård viết. “Cô ấy có đôi môi thật đẹp. Còn đôi mắt, chúng màu xanh lá ngả xám và lấp lánh, tuyệt mỹ đến lóa cả mắt mỗi khi nhìn vào đôi mắt ấy.” Về những gì mà Linda nói, thậm chí những suy nghĩ của ông về lời nói của cô, Knausgård không động chạm đến.

Chúng ta biết rằng, anh đã phải lòng cô từ ánh nhìn đầu tiên:

Cô ấy đang đứng dựa vào tường. Tôi chẳng nói gì với em cả, xung quanh có nhiều người lắm, nhưng khi tôi nhìn em, có điều gì đó ở em mà tôi mong muốn, ngay giây phút đầu tiên tôi thấy em đã vậy rồi.

Một cảm giác tựa như muốn bùng cháy.

Cảm giác về một năng lượng xúc cảm bí ẩn kiểu này có âm hưởng tựa như phản ứng của Levin trước nụ cười của Kitty, đưa anh “du hành” về thời thơ ấu.

Khi Knausgård lần đầu thấy Linda, cô đang tựa vào bức tường trong một buổi hội thảo văn học uy tín. Bối cảnh này dường như có vai trò như gia cảnh của Kitty đối với Levin: việc cô tham gia buổi hội thảo cho thấy Linda nói chung phù hợp với anh, cho thấy cô đúng gu. Sau khi xác định thế, Knausgård có thể tập trung vào những cảm giác mà cô truyền cảm hứng cho anh. Khi Linda đưa anh một cuốn tuyển tập thơ của cô, Knausgård nói, “Khi tôi đọc chúng, khao khát em  khiến tôi đau đớn, mỗi con chữ đều là em viết, đều chính là em.” Còn về nội dung, một lần nữa anh gần như không nói gì. Hãy so sánh điều này với sự quan tâm cẩn thận của Elena Greco đối với những gì người cô yêu nói, những điểm thiếu sót cũng như ấn tượng. Đối với Karl Ove, yêu đương không phải là dần bị mê hoặc bởi ngôn từ của một người phụ nữ, hay những gì chúng thể hiện về tâm trí của cô, mà là cảm giác mạnh mẽ bí ẩn đến từ chính sự hiện diện của cô ấy. “Tôi chưa cảm thấy thế này bao giờ,” anh ta lặp đi lặp lại.

Một khi họ trở thành người yêu, nhiều lẽ phàn nàn của Karl Ove rất giống với Levin. Linda níu kéo, cô cảm thấy bất an khi anh muốn có thời gian riêng để làm việc, cô trở nên vô lý mỗi khi tức giận, và để chiều cô anh phải nói những điều có phần trái với những gì anh nghĩ, bởi nếu nói đúng sự thật, cô sẽ càng tức giận hơn. Khi họ có con, những vấn đề càng cộng dồn, do việc phân chia công việc nhà.

Viễn cảnh tình yêu của Knausgård không hề giống với của Tolstoy hay là của Roth hay Bellow. Những định nghĩa về tình yêu, về bản chất và căn nguyên của nó, mang tính cá nhân cao và nhiều khi thay đổi. Tuy nhiên, trong số vô vàn các biến thể, định nghĩa về lãng mạn dường như sẽ thiên về một trong hai thái cực: quan niệm rằng tình yêu là một sự thu hút huyền bí và say đắm, hoặc quan niệm về tình yêu như mối quan hệ với một tâm hồn tương đồng, một người duy nhất có khả năng thấu hiểu nội tâm của ta.

Trong nhiều thế kỷ, đàn ông có nhiều cơ hội hơn để học hỏi và trau dồi kiến thức bên ngoài gia đình. Mặt khác, phụ nữ buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào tình yêu và hôn nhân để có được bạn đồng hành tri thức, cũng như (phụ thuộc ở) mọi phương diện khác.

Có nhiều lý do khiến phụ nữ có khuynh hướng thiên về thái cực thứ hai nhiều hơn. Ví dụ, rất dễ dàng để hình dung tại sao nhu cầu của Jane Eyre có thể khác so với của Moses Herzog. Herzog là một học giả nổi tiếng thế giới với một danh sách những người bạn giàu có và thành công dường như bất tận. Anh có nhiều cơ hội để thể hiện mình thông qua việc viết lách cũng như giao lưu với các người bạn đồng nghiệp. (Cho dù Ramona có ngốc nghếch hay là người hiểu biết rộng, anh cũng sẽ không thiếu gì bạn bè có học thức.) Mặt khác, Jane là một cô gia sư thấp bé và cô đơn, trong mắt xã hội cô không có vị thế gì. Trước khi Rochester xuất hiện và trở thành người bạn mà cô đã mong chờ từ lâu, thì trí tuệ và sự sáng tạo của cô không hề được công nhận. Trong nhiều thế kỷ, đàn ông có nhiều cơ hội hơn để học hỏi và trau dồi kiến thức bên ngoài gia đình – họ đi du lịch nhiều hơn, gặp nhiều người hơn, có nghề có nghiệp, có được sự tôn trọng từ bạn bè. Mặt khác, phụ nữ buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào tình yêu và hôn nhân để có được bạn đồng hành tri thức, cũng như (phụ thuộc ở) mọi phương diện khác.

Một yếu tố khác đương nhiên là sự phân biệt giới tính: đàn ông không cho rằng có thể tìm được một người phụ nữ có trí tuệ tương xứng với họ, nên họ đi tìm kiếm điều đó ở những người bạn cùng giới, và ở phụ nữ thì tìm kiếm những phẩm chất mà họ cho là sẽ tìm thấy – vẻ đẹp, sự cuốn hút, sự gợi tình, kỹ năng gia chánh. Nhưng những khái niệm như phân biệt giới tính chỉ áp dụng vào cuộc sống cá nhân đến một mức độ nhất định mà thôi. Tình yêu sẽ nảy nở, bất kể nền tảng của nó có phù hợp với quan điểm của thời đại hay không. Có lẽ thú vị hơn việc tranh cãi về những điểm mạnh và điểm yếu của mỗi quan niệm về tình yêu, là một thực tế đơn giản rằng, nếu lấy văn chương làm bằng chứng, thì nam giới và nữ giới thường nghĩ về tình yêu theo những cách khác nhau, và rằng sự khác biệt này vẫn để lại dấu tích rộng rãi, thậm chí ngay cả khi xã hội đã thay đổi khá nhiều suốt hai thế kỷ qua.


  1. Charlotte Bronte (21/4/1816 – 31/3/1855) là một tiểu thuyết gia người Anh, là chị cả trong 3 chị em nổi tiếng Bronte, tác giả của những tiểu thuyết xếp vào hàng kinh điển của văn học Anh. Charlotte Bronte, dùng bút danh Currer Bell khi viết Jane Eyre, một trong những tiểu thuyết tiếng Anh nổi tiếng nhất mọi thời đại.
    Mary Anne Evans (22/11/1819 – 22/12/1980), được biết rộng ra với bút danh George Eliot, là một nhà văn tiểu thuyết người Anh. Bà là một trong những nhà văn tiên phong của thời đại Victoria. Những tiểu thuyết của bà, bao gồm Adam Bede (1859), The Mill on the Floss (1860), Silas Marner (1861), Middlemarch (1871–72), và Daniel Deronda (1876), phần lớn phản ánh đời sống trung lưu tại miền nông thôn nước Anh, nổi tiếng với những mô tả hiện thực đơn giản, tình cảm, tâm lý, sự hiểu biết. Bà sử dụng bút danh nam cho các tác phẩm vì muốn đảm bảo rằng tác phẩm của bà được chú trọng và không muốn bị xem là một nhà văn lãng mạn đơn thuần.

    Jane Austen (16/12/1775 – 18/7/1817) là một nữ văn sĩ người Anh, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như Sense and Sensibility, Pride and Prejudice, Mansfield Park, Emma, Northanger Abbey, và Persuasion. Những bình phẩm về các vấn đề xã hội cùng văn phong tuyệt kỹ trong nghệ thuật dẫn chuyện và xây dựng những tình huống oái ăm đã đem tên tuổi của Austen vào trong số những nhà văn có nhiều ảnh hưởng nhất và được trọng vọng nhất trên văn đàn nước Anh. Những tác phẩm của bà lấy bối cảnh từ năm 1795 đến 1830, nổi bật với những đặc thù trong chính trị, văn hóa và trang phục.

  2. Chủ nghĩa bình quân (Egalitarianism) là một xu hướng tư tưởng ủng hộ sự bình đẳng cho tất cả mọi người. Học thuyết bình quân là một học thuyết chính trị cho là tất cả mọi người nên được đối xử bình đẳng và có các quyền chính trị (Tự do chính trị), kinh tế (Tự do kinh tế), xã hội (bình đẳng xã hội) và dân sự (quyền dân sự và chính trị) như nhau. Triết lý xã hội này ủng hộ việc loại bỏ sự bất bình đẳng về kinh tế giữa người dân, chủ nghĩa bình quân kinh tế, hoặc phân cấp quyền lực.

  3. Saul Bellow (tên thật là Solomon Bellows, sinh ngày 10 tháng 6 năm 1915 và mất ngày 5 tháng 4 năm 2005) là một nhà văn người Mỹ. Bellow đã được trao giải Pulitzer Prize, giải Nobel Văn học, và Huy chương Nghệ thuật Quốc gia. Ông là nhà văn duy nhất đoạt giải National Book Award cho hạng mục Tiểu thuyết ba lần và ông đã nhận Huân chương Đời sống của Quỹ National Book Foundation vào năm 1990.” Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm The Adventures of Augie March, Henderson the Rain King, Herzog, Mr. Sammler’s Planet, Seize the Day, Humboldt’s Gift and Ravelstein. Ông được xem là một trong những tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 20 vì những “ảnh hưởng văn chương to lớn.”

  4. Philip Roth (sinh 19/3/1933) là một tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Do Thái. Ông nhận được sự chú ý lần đầu thông qua tiểu thuyết Goodbye, Columbus, miêu tả một chân dung khiếm nhã và hài hước của đời sống người Mỹ Do Thái và ông nhận được Giải thưởng Sách Quốc gia hạng mục tiểu thuyết co tác phẩm này. Roth được nhiều giải thưởng như Guggenheim Fellowship (1959), National Book Award (1960, 1995), Rockefeller Fellowship (1966), National Book Critics Circle Award (1988, 1992), và PEN/Faulkner Award (1993, 2000).

  5. Eleanor xứ Aquitaine (1122-1204) là một trong những người phụ nữ quyền lực và giàu có nhất thời kỳ Trung cổ. Xuất thân là nữ công tước xứ Aquitaine, bà được phong là hoàng hậu Pháp và sau đó là nữ hoàng Anh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Ý thức và những giấc mơ
Những ý thức chúng ta có khi nằm mơ có nền tảng và đặc điểm như thế nào? Kiểu ý thức này đóng vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta?
Mới nhất