a
§ Tác giả: Joshua Rothman | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Aceae | Hiệu đính:  Nguyên
12/03/2016

Mỗi nền văn hóa lại chọn tôn sùng một vài đức tính, và sáng tạo là một đức tính như thế trong xã hội chúng ta. Trên thực tế, ngay bây giờ chúng ta đang sống giữa một thời đại bùng nổ sáng tạo. Ít phẩm chất nào được săn lùng hơn, ít phẩm chất nào đáng ghen tỵ hơn. Người người nhà nhà đều muốn thêm sáng tạo – còn cách nào khác nữa, ta nghĩ, để ta có thể trở thành những con người toàn diện?

Sự sáng tạo giờ bản thân nó đã trở thành một thể loại văn học: hàng năm, hết cuốn sách này đến cuốn khác hứa hẹn sẽ dạy cái sáng tạo cho kẻ nhạt nhẽo. Một núi sách như thế đã mọc trên bàn viết của tôi – “Creativity, Inc.” (Tạm dịch: Công ty Sáng tạo) của Ed Catmull và Amy Wallace; “Creativity: The Perfect Crime” (Tạm dịch: Sáng tạo: Một thứ tội hoàn hảo) của Philip Petit – từng quyển lại cố gắng “giải phóng,” hay “mở khóa,” hay “khởi động dòng chảy” sự sáng tạo tại gia, trong các bộ môn nghệ thuật, hay trong công việc. Đặc biệt, sáng tạo trong công việc là một phân khúc đang phát triển. Trong “Creativity on Demand,” (Tạm dịch: Sáng tạo theo yêu cầu) một trong các cuốn tập trung vào chủ đề tư duy doanh nghiệp, chuyên gia sáng tạo Michael Gelb tường thuật lại một cuộc khảo sát năm 2010 thực hiện bởi Viện Giá Trị Kinh Doanh của I.B.M, phỏng vấn một ngàn năm trăm giám đốc điều hành về điều họ quý trọng ở nhân viên. “Mặc dù ‘hành động’ và ‘nhiệt tình’ vẫn tiếp tục được đánh giá cao,” Gelb viết, “các CEO có ưu tiên số một mới: sự sáng tạo,” giờ được xem như là “chìa khóa để lãnh đạo thành công giữa một thế giới ngày càng phức tạp.” Trong lúc đó, trên một phương diện đối lập, cuốn sách bán chạy – “The Artist’s Way” (Tạm dịch: Cách của người nghệ sĩ) của Julia Cameron đề xướng sáng tạo như một lối đi đến sự viên mãn của cá nhân, hay thậm chí là của tâm hồn: “Cái cốt của sáng tạo là một trải nghiệm của cái hợp nhất thần bí,” Cameron viết. “Cái cốt của sự hợp nhất thần bí là một trải nghiệm của sự sáng tạo.” Cũng là một loại thước đo sự hấp dẫn của sáng tạo khi ta tìm đến nó để giải quyết một phạm vi các vấn đề rộng đến vậy. Sáng tạo, đối với nhiều người trong chúng ta, là mảnh ghép còn thiếu của một cuộc sống có vẻ như quá trùng lặp, tù túng và phù phiếm.

Sự sáng tạo giờ bản thân nó đã trở thành một thể loại văn học. Thứ ngôn ngữ bao quanh nó, với những giải phóng, những mở khóa, đánh thức, phát triển, tuôn chảy, và tương tự, vẽ sự sáng tạo như một phần bản năng và cố hữu trong ta mà ta cần phải giải phóng – một cái gì đó rất tự nhiên cần ta bận tâm.

Tại sao chúng ta lại quan tâm đến sáng tạo đến vậy? Thứ ngôn ngữ bao quanh nó, với những giải phóng, những mở khóa, đánh thức, phát triển, tuôn chảy, và tương tự, vẽ sự sáng tạo như một phần bản năng và cố hữu trong ta mà ta cần phải giải phóng – một cái gì đó rất tự nhiên cần ta bận tâm. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy; người ta đã từng chẳng để ý đến sáng tạo đến thế, hay thậm chí là có một cụm từ như vậy. Thời cổ đại người ta nghĩ các ý tưởng hay đến từ các vị thần, hoặc nếu không thì cũng không phải xuất phát từ bên trong bản thân con người. Trong thời kỳ Khai sáng, lý trí là ngọn lửa chỉ lối, và các triết gia đi tìm những quy trình cho việc suy nghĩ, ví dụ như phương pháp khoa học, mà có thể dẫn đến kiến thức mới. Ngày đó người ta có nói đến “trí tưởng tượng,” nhưng ý của họ chẳng hề cao xa như ta. Họ coi trí tưởng tượng như một dạng giấy nháp trong não: một hệ thống để triệu hồi các thông tin, hình ảnh và so sánh hay tạo mối liên kết với chúng. Họ không nghĩ trí tưởng tượng là ‘sáng tạo.’ Thực tế là họ coi nó như một sự thay thế tồi cho thực tiễn; Hobbes gọi nó là ‘giác quan hỏng.’

Phải đến thời kỳ của trường phái Lãng mạn, vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, mới quan tâm đến trí tưởng tượng và nâng tầm nó lên, cho ta cái gọi là ‘trí tưởng tượng sáng tạo.’ (Đấy là tiêu đề của một tác phẩm lịch sử trí tuệ kinh điển về thời kỳ này, viết bởi James Engell.) Những người như Samuel Taylor Coleridge1 lập luận rằng ta không chỉ lưu trữ những thứ khác nhau trong trí tưởng tượng, mà còn biến đổi chúng. Coleridge chỉ ra một cách phân biệt hữu dụng mà giờ đây phần lớn đã bị lãng quên, giữa hai kiểu tưởng tượng. Ông nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có một trí tưởng tượng thường ngày mà ta dùng để nhớ lại các ký ức, lên kế hoạch, và giải quyết tình huống; ông gọi kiểu tưởng tượng thực dụng này là “fancy.” Nhưng chúng ta còn có một dạng trí tưởng tượng cao sang hơn, mà Engell gọi là “một phản xạ của con người với năng lượng sáng tạo của Chúa.” Dạng tưởng tượng thứ nhất thấu hiểu thế giới; dạng còn lại quan tâm đến nó và mang cho nó sự sống. Trong bài thơ “Prelude,” (Tạm dịch: Khúc dạo) Woodsworth2 mô tả kiểu tưởng tượng này như “một tia sáng soi đường,” thay đổi mọi thứ mà nó rọi đến:

Một tia sáng soi đường
Đến từ tâm trí tôi, trên mặt trời đang lặn
Trao thêm huy hoàng mới, đàn chim réo rắt
Làn gió thoảng qua, thác nước chảy mãi,
Trong chúng thì thầm thật ngọt ngào, phục tùng,
Quyền năng tương tự; và cơn bão nửa đêm
Lại càng tối vì con mắt tôi có mặt.

Cái sáng tạo tại tâm và thận trọng này không quan trọng việc làm ra sự vật mà là việc trải nghiệm cuộc sống theo một cách sáng tạo; nó là một cách khẳng định sự có mặt của bản ngã ta giữa thế giới tự nhiên rộng lớn hơn rất nhiều, và một cách tìm ra tầm quan trọng của bản thân giữa thế gian to lớn hơn chính ta. Còn bây giờ đối lập hẳn với quan điểm này, định nghĩa của chúng ta về sự sáng tạo gần như hoàn toàn bị ràng buộc với việc tạo ra sự vật. Nếu bạn có một trí tưởng tượng sáng tạo, nhưng không tạo ra gì cả, ta coi đấy là một vấn đề – ta nói bạn bị “nghẽn.”

Định nghĩa của chúng ta về sự sáng tạo gần như hoàn toàn bị ràng buộc với việc tạo ra sự vật.

§

Làm thế nào mà sáng tạo lại có thể chuyển đổi, từ một cách tồn tại sang một cách hành động? Câu trả lời cốt lõi, nằm ở việc nó trở thành một đối tượng của khoa học, chứ không còn là của triết học. Năm 1950, một nhà tâm lý học tên là J. O. Guilford khởi động công cuộc dịch chuyển này bằng một bài thuyết trình ảnh hưởng tại Hội Liên Hiệp Tâm Lý Hoa Kỳ. Chuyên ngành của Guilford là tâm lý học đo lường (psychometrics): trong Thế chiến hai ông đã giúp Không Quân Mỹ thiết kế các bài kiểm tra hòng tìm kiếm các quân lính có loại hình trí tuệ phù hợp với việc làm phi công. Không có gì ngạc nhiên khi Guilford cho rằng để nhận diện những con người sáng tạo bạn không thể đi tìm cái tia sáng soi đường của tâm hồn nữa. Bạn cần tìm cách đo cái gì dễ hình dung hơn một chút, như là việc sản xuất ý tưởng.

Một phép đo việc sản xuất ý tưởng kinh điển, được giới thiệu bởi Guilford năm 1967, xoay quanh một ý tưởng gọi là “công dụng thay thế”: người tham gia thí nghiệm được hỏi xem họ có thể nghĩ ra bao nhiêu công dụng mới của một cái ghim giấy, hay là một tờ báo, một viên gạch. Một phép thử khác, mà Maria Konnikova trong một bài báo mạng gần đây, yêu cầu người tham gia nghĩ ra một từ liên quan đến ba từ khác, ví dụ như là “cách hành xử,” “tròn,” và “quần vợt.” (Đáp án ở đây là “bàn.”) Chẳng bài kiểm tra nào trên đây thực sự trực tiếp điều tra sự sáng tạo; mà đúng hơn thì chúng đang đo đạc các bước của một thứ giờ ta gọi là “quy trình sáng tạo.” Ví dụ như là phép đo công dụng thay thế, nó cô lập một kỹ năng gọi là suy nghĩ lạc hướng: ở phần sau của quy trình sáng tạo, những suy nghĩ lạc hướng này cần được phân loại, đánh giá, giản lược, và kết hợp, để một ý tưởng hữu dụng duy nhất có thể xuất hiện.

Tất tật những sự đo đạc và phân loại này đã làm thay đổi cách ta nghĩ về sự sáng tạo. Với những người theo trường phái Lãng mạn, trọng tâm của sự sáng tạo nằm trong tâm trí. Nhưng với chúng ta thì nó nằm ở bất cứ cái gì tâm trí quyết định phô ra – ý là, ở trong sản phẩm. Chỉ “giàu trí tưởng tượng” hay “sáng tạo” trong đầu thì không đủ. Ta muốn biết là sản phẩm tạo ra “thực sự”, theo một cách nào đó, sáng tạo; là quy trình sáng tạo đã đi đến một kết quả khả thi. Với những nhà nghiên cứu về sáng tạo ngày nay, người “coi bản thân sáng tạo,” với cái sự sáng tạo bên trong, chẳng thể nào thẩm định được, mà cũng không năng suất gì cả, chẳng khác gì dân lừa đảo; quá nhiều thời gian bị tiêu tốn để hạ bệ bậc thiên tài Lãng mạn cô độc. Thay vì đó, ta chú ý đến các hệ thống của ảnh hưởng, hợp tác, quyền lực, nguồn tài trợ, và sự đón nhận xung quanh cái sáng tạo – nói cách khác thì là các kết cấu xã hội cho phép các nhà quản lý hái quả ngọt của lao động sáng tạo. Nhiều khi điều này được cho là một dạng chiến thắng trước chủ nghĩa Lãng mạn và những ý tưởng ngạo mạn, trưởng giả, xưa cũ của nó về sự sáng tạo.

Nhưng cách nghĩ này bỏ quên mất điểm quan trọng của trí tưởng tượng sáng tạo Lãng mạn. Những kẻ Lãng mạn không bị ám ảnh với việc ai làm ra cái gì, bởi vì họ nghĩ bạn có thể là người sáng tạo mà không cần phải “tạo” ra cái gì cả, ngoại trừ sự sống động ở trong chính trí óc bạn. (“Mỗi người đều là nhà thơ theo cách của họ,” Coleridge đã viết.) Trên thực tế, bởi vì ta nghĩ về sáng tạo theo thước đo sự vật chứ không phải tâm trí, và kết quả chứ không phải trải nghiệm, khái niệm về một thiên tài sáng tạo đứng một mình trở nên khó tưởng tượng như khái niệm về một doanh nhân không lợi nhuận cô độc. Ta tin rằng cái sáng tạo chỉ “thật” khi đám đông nói vậy; ta cần cái sáng tạo phải “hoàn vốn.”

(Theo trường phái Lãng mạn) bạn có thể là người sáng tạo mà không cần phải “tạo” ra cái gì cả, ngoại trừ sự sống động ở trong chính trí óc bạn.

§

Nhìn vào lịch sử này, dễ thấy tại sao những ý tưởng về sự sáng tạo của ngày hôm nay lại là một mớ bòng bong. Kể cả khi cách ta cảm nhận về ý nghĩa của “sáng tạo” trở nên xã hội hóa, thực tế hóa, và thương mại hóa hơn, ta vẫn ôm giữ cái hào quang Lãng mạn quanh sự sáng tạo; để đổi lại việc tạo ra các thứ, ta yêu cầu một mức lương cho tâm hồn. Trong “The Creativity Crisis,” (Tạm dịch: Cơn khủng hoảng sáng tạo) một bài viết khá nổi tiếng trên báo Newsweek từ năm 2010, Po Bronson và Ashley Merryman cung cấp một danh sách các sản phẩm “sáng tạo” như sau:

sách báo, bài nhảy, chương trình radio, triển lãm nghệ thuật, phần mềm máy tính, chiến dịch quảng cáo, cải tiến phần cứng, sáng tác âm nhạc, chính sách công (thành văn hoặc được áp dụng), vị trí lãnh đạo, bài phát biểu, và thiết kế công trình.

Khỏi nói, danh sách này là một ví dụ điển hình cho sự thẩm thấu của sáng tạo: nhiều sản phẩm trong đó dựa nhiều vào các phẩm chất như khéo léo hay phát kiến hơn là dựa trên cái gì nghe như “một phản xạ con người với năng lượng sáng tạo của Chúa.” Nếu lùi ra xa, ta có thể thấy một vấn đề sâu xa hơn: việc ám chỉ một sự đồng nhất giữa việc tạo ra sự vật với việc sống một cuộc đời sáng tạo. Từ cách nhìn này thì sự sáng tạo thực ra chỉ là một cách gọi cao sang hơn cho năng suất. Trên thực tế, bạn có thể cho ra một văn bản chính sách vô cùng khéo léo, một phát kiến vô cùng thông minh, hay thậm chí một quyển sách rất hay mà chỉ cần dùng suy nghĩ bình thường của mình; phần nhiều những công việc “sáng tạo” thực hiện bởi những con người “sáng tạo” thời nay – và tôi xin tự thêm công việc của bản thân vào mục này – thực ra là cao sang theo cách nói của Coleridge. Tương tự, trí tò mò không giới hạn và những cảm xúc cố hữu, tự nhiên của “trí tưởng tượng sáng tạo” khó mà được cảm nhận được trong cái chật hẹp của công việc. Công việc thì đòi hỏi, cơ cấu, và cho ta phần thưởng. Nhưng nếu bạn khao khát cái cảm giác thoát khỏi bản thân, mở rộng với thế giới mà Woodsworth miêu tả trong “Prelude,” bạn dễ là không tìm thấy nó trước màn hình máy tính hay trong một căn phòng họp. Tốt hơn hết là nên rũ bỏ gánh nặng và tản bộ trong rừng.

Theo một vài cách thì thật kỳ quặc nếu nói về sự sáng tạo mà không đề cập đến việc tạo ra một sản phẩm nào đó. Nhưng chính sự kỳ quặc và xa lạ này lại là một thước đo khiến ta thấy được khái niệm ta co về sáng tạo đã đi theo cái khuôn của thời đại thị trường này đến đâu. Ta sống trong một xã hội tiêu thụ, xây trên nền móng ý tưởng về việc thể hiện bản thân thông qua cái mới, cái lạ. Ta tin rằng ta có thể tìm thấy bản thân qua việc có được những cái mới. Có lẽ không tránh được, ta đã định nghĩa lại sự sáng tạo như một kiểu siêu-tiêu-thụ: một phương pháp để tiến gần hơn đến cực còn lại của mối quan hệ nhà `sản xuất-người tiêu dùng, để như cá hồi bơi ngược dòng về điểm khởi nguồn của luồng nước. Vì thế mà diễn ra cuộc chạy đua trong những cuốn sách sáng tạo trên bàn tôi, nhằm hình dung lại mọi cách sống đều là sáng tạo trong bản chất – lập luận rằng bạn có thể “giải phóng sự sáng tạo của bạn” với tư cách một nhà đầu tư, một cây viết, một nhà hóa học, một thầy giáo, một vận động viên, hay một huấn luyện viên. Mặc dù khi cách nói này mong mỏi vẽ lại công việc như nghệ thuật, nó gợi ý mức độ mà nghệ thuật đã trở thành công việc: giờ thì khó mà nói về sự sáng tạo mà không kéo một dạng nghề nghiệp nào đó vào.

Cơ mà cũng đáng giữ cái sáng tạo xa ra một chút và nhớ rằng nó đến từ đâu. Kể cả khi bạn đang “sáng tạo” theo nghĩa hiện đại, những cái ích lợi kiểu Lãng mạn của việc sáng tạo vẫn có thể lẩn tránh bạn, bởi vì bạn chưa thoát khỏi nhịp đập của cái mới, của sản xuất, của “kiến tạo,” mà khái niệm đương đại về sáng tạo của ta đề cao. Trong số nhiều thứ mất đi khi ta từ bỏ khái niệm Lãng mạn về sự sáng tạo, thứ đáng quý nhất có lẽ là ý tưởng về cái tĩnh của sự sáng tạo. Nếu bạn thật sự sáng tạo, thật sự có thể tưởng tượng, bạn không cần phải tạo ra cái gì cả. Bạn chỉ cần sống, quan sát, suy nghĩ, và cảm nhận. Coleridge, trong bài thơ “Frost at Midnight,” (Tạm dịch: Băng giá lúc nửa đêm) sử dụng sương giá để ẩn dụ cho trí tưởng tượng sáng tạo, nó khiến màn sương đêm đóng băng thành những mũi tên đá “thầm sáng chiếu lên mặt trăng im lặng.” Bài thơ mở đầu như sau: “Sương Giá thực hiện nhiệm vụ bí mật,/Chẳng được giúp bởi cơn gió nào.” Công việc bí mật, thầm lặng, tinh xảo, và chóng tàn của sương giá cũng là sáng tạo. Nó không xây, nhưng nó biến đổi. Nó không trường tồn, nhưng để lại dấu ấn.


  1. Samuel Taylor Coleridge (1772-1834) là một nhà thơ tiêu biểu trong trường phái lãng mạn ở Anh và có ảnh hưởng đến trường phái siêu việt (transcendentalism).

  2. William Woodsworth (1770-1850) là một nhà thơ Anh, tiêu biểu của trường phái Lãng mạn cùng với Coleridge. Predule (Khúc dạo) được coi là tuyệt phẩm của ông.

One thought on “Sáng tạo thẩm thấu

  1. Bài viết này đưa ra ý tưởng rất hay. Mình cũng luôn băn khoăn mình có phải là người sáng tạo không khi có nhiều suy nghĩ độc lập và khác biệt, nhưng ko “năng suất” lắm. Lý luận của tác giả khá thú vị, phần nào giải phóng mình khỏi nỗi lo kém năng suất, và nhìn nhận khác đi về sự sáng tạo của bản thân. Cảm ơn Zeal đã giới thiệu!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Quan tâm làm gì?
Tại sao chúng ta phải quan tâm đến môi trường, khi mà hành động của một cá nhân quá nhỏ để giải quyết những vấn đề lớn, và chúng ta thì cũng chẳng phải là chuyên gia?
Mới nhất