21/04/2018
1. Trong Kinh Cựu Ước (Old Testament) của Cơ Đốc giáo có câu chuyện kể về tòa tháp Babel. Rất lâu sau trận đại hồng thủy, loài người di cư sang phía đông, đến vùng đất Shinar1. Tại đây, họ cùng nhau xây một tòa tháp cao chọc trời, đến tận Thiên Đàng. Ban đầu, con người trên thế giới đều nói cùng một ngôn ngữ nên có thể dễ dàng giao tiếp với nhau, khiến cho việc xây tháp diễn ra vô cùng thuận lợi. Chúa thấy vậy bèn làm cho loài người nói những loại ngôn ngữ khác nhau để không còn hiểu được nhau. Vì thế, việc xây tháp bị ngưng trệ, tòa tháp không thể hoàn thành, và loài người phân tán ra khắp thế giới. Không chỉ Kinh Cựu Ước mà nhiều truyền thuyết cũng kể về một tòa tháp được xây để đến được Thiên Đàng, nhưng Chúa đã xuất hiện và ngăn cản loài người xây xong nó.
2. Ở đại học Oxford có một danh hàm giáo sư gọi là “Simonyi Professor for the Public Understanding of Science.” Người nắm giữ danh hàm này có nhiệm vụ phổ biến kiến thức khoa học đến công chúng mà vẫn không làm mất đi chất lượng học thuật trong những thông điệp được truyền tải. Richard Dawkins, một nhà sinh vật học chuyên về lĩnh vực sinh học tiến hóa (evolutionary biology), là giáo sư Simonyi đầu tiên, tại vị từ năm 1995 đến năm 2008. Dawkins là gương mặt tiêu biểu của trào lưu Tân Vô thần (New Atheism). Năm 2006, ông xuất bản cuốn sách The God Delusion (Tạm dịch: Ảo Tưởng về Thượng Đế). Trong đó, ông lí luận rằng Chúa không tồn tại và đó chỉ là một ảo tưởng. Nói cách khác, loài người xuất hiện là nhờ tiến hóa và gen, chứ không phải được tạo ra bởi một đấng tối cao. Dù bị cộng đồng tôn giáo phản đối kịch liệt, cuốn sách vẫn nhanh chóng trở thành “best-seller.” Khi được hỏi với cương vị này thì ông đã làm gì, Dawkins trả lời rằng ông đã làm người cổ vũ cho sự thật khách quan (Advocate for Disinterested Truth.)
3. Ngày 6/2/2018, vào lúc 3:45 chiều, SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon Heavy vào vũ trụ. Đây là tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới từ trước đến nay, với sức đẩy 5 triệu pounds, gấp đôi sức đẩy của tên lửa đẩy Tàu con thoi Space Shuttle của NASA, từ lâu đã được biết đến như dự án tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ. Falcon Heavy còn ưu việt hơn các tên lửa khác ở chỗ nó có thể được tái sử dụng, phần nào đó giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và công nghệ. Elon Musk, người sáng lập SpaceX, từ lâu đã có tham vọng về việc biến loài người thành một giống loài đa-hành-tinh (multiplanetary) có thể sống trên nhiều hành tinh khác nhau. Bước đầu trong kế hoạch đô hộ một hành tinh khác là chế tạo ra tên lửa có thể đổ bộ một khối lượng lớn hàng hóa với chi phí rẻ. SpaceX không phải là công ty tư nhân duy nhất tham gia cuộc đua vào vũ trụ. Jeff Bezos, nhà sáng lập và chủ tịch của Amazon, cũng đã thành lập một công ty tên lửa của riêng mình là Blue Origin vào năm 2000. Blue Origin hứa hẹn sẽ phóng tên lửa chở người đầu tiên trong năm 2018.
Bước vào thế kỉ 21, có vẻ tôn giáo đang dần rút lui, để lại thế giới cho khoa học và công nghệ.
4. Đại học Oxford, cũng như những trường đại học được thành lập vào thời trung cổ (Oxford được thành lập vào khoảng thế kỉ 12-13), nó từng là thành trì của Cơ Đốc giáo, nhưng về sau lại đặt ra một danh hàm giáo sư chuyên cổ vũ cho khoa học, đồng thời trao cho một người vô thần nắm giữ danh hàm ấy. Khoa học và chủ nghĩa vô thần từ lâu đã là hai thứ luôn cùng hoài nghi về sự tồn tại của Chúa. Ngày nay, loài người không còn muốn bị giới hạn bởi tòa tháp Babel năm nào mà đã khát khao vươn tới khả năng vượt ra ngoài vũ trụ với những tên lửa hiện đại được chế tạo bởi những nhà khoa học và kĩ sư có nguồn gốc cũng như ngôn ngữ khác nhau. Bước vào thế kỉ 21, có vẻ tôn giáo đang dần rút lui, để lại thế giới cho khoa học và công nghệ.
5. George Steiner là một nhà phê bình văn học và triết học. Trong tác phẩm “Nostalgia for the Absolute” (Tạm dịch: Hoài niệm về Đấng Toàn năng), ông lí luận: Cơ Đốc giáo dường như là một “thần thoại” (mythology), bởi con người sinh ra đã mang tội nghiệt, và chỉ có Chúa mới có thể cứu rỗi loài người. Thế nhưng, ông cũng cho rằng, dường như ở xã hội phương Tây, Cơ Đốc giáo đang lụi tàn dần. Sự lụi tàn này để lại một khoảng trống lớn trong xã hội, và những “thần thoại” khác bắt đầu nổi lên tìm cách lấp đầy khoảng trống đó. Theo Steiner, có 3 loại “thần thoại” chính: Chủ nghĩa Marx (Marxism), Thuyết phân tâm học Freud (Freudian Psychoanalysis), và Lý thuyết nhân loại học Lévi-Strauss (Lévi-Strauss Anthropology). Cả 3 hệ tư tưởng này đều hoài nghi về bản chất của tôn giáo, và đều cho rằng các lí thuyết của mình mang tính khoa học. Tuy nhiên, theo Steiner, những hệ tư tưởng này thực chất không khác gì tôn giáo. Chủ nghĩa Marx cho rằng bản chất giai cấp làm cho con người bóc lột nhau, và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cứu rỗi được loài người. Nếu Jesus là người cứu rỗi nhân loại trong Cơ Đốc giáo, thì theo chủ nghĩa Marx, người đóng vai trò này dĩ nhiên là Karl Marx. Karl Marx được Steiner ví như Prometheus, vị thần đã mang lửa tới cho cả nhân loại. Ngoài chủ nghĩa Marx, cả Thuyết phân tâm học Freud và Lý thuyết nhân loại học Lévi-Strauss cũng bàn về số phận nghiệt ngã của loài người. Tuy mang tính chất tôn giáo như vậy, nhưng cả 3 lý thuyết trên đều cố gắng thể hiện sự khoa học trong các luận điểm của mình. Steiner kết thúc bằng việc bàn về việc liệu khoa học có thể lấp đầy khoảng trống mà tôn giáo, cụ thể là Cơ Đốc giáo, để lại.
6. Tuy nhiên, Steiner mắc một sai lầm: sự lụi tàn của tôn giáo mà ông quan sát được chỉ gói gọn trong Cơ Đốc giáo và xã hội phương Tây. Thế giới vẫn sùng đạo hơn bao giờ hết, mà điển hình là đất nước Myanmar. Phần đông người Myanmar theo đạo Phật, tuy nhiên ở tiểu bang Rakhine có một nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, còn được gọi là Rohingya. Giới Phật tử Myanmar cho rằng người Rohingya là dân nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh đang tìm cách xâm chiếm và “Hồi giáo hóa” đất nước này. Một phong trào bài xích Hồi giáo để bảo vệ Phật giáo nổi lên, với tên gọi: Phong trào 969. Lãnh tụ tinh thần của phong trào 969 là Ashin Wirathu, một người tích cực hoạt động trên Facebook, Youtube nhằm cổ vũ cho các vụ bạo lực và hành hung người đạo Hồi. Đáng chú ý, Wirathu là một nhà sư Phật giáo lâu năm. Năm 2016, quân đội Myanmar tiến hành nhiều cuộc thảm sát người Rohingya ở bang Rakhine. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là việc Aung San Suu Kyi, lãnh tụ của phong trào đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ của Myanmar, lại hoàn toàn không lên tiếng chỉ trích tội ác diệt chủng này.
7. Tiến lên phía Tây Bắc, ở Trung Quốc, chúng ta cũng có một cuộc xung đột nhuốm đầy màu sắc tôn giáo. Năm 1950, Hồng quân Trung Quốc xâm lược Tây Tạng. Tây Tạng vốn là quốc gia với thể chế thần quyền2, người đứng đầu vương quốc là một lãnh tụ tôn giáo, mà cụ thể là Phật giáo Tây Tạng. Năm 1954, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, thủ lĩnh chính trị và tôn giáo của Tây Tạng, đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông với hi vọng chính quyền trung ương sẽ giao cho người Tây Tạng nhiều quyền tự trị. Tuy nhiên, như Karl Marx đã từng nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân;” thể chế tôn giáo – chính trị ở Tây Tạng được Đảng Cộng sản Trung Quốc cho là tàn dư phong kiến cần phải xóa bỏ. Từ năm 1956, các chương trình “cải cách xã hội” bắt đầu được áp dụng ở Tây Tạng. Năm 1959, sau khi phong trào nổi dậy vũ trang thất bại, Đạt Lai Lạt Ma cùng nhiều người vượt dãy Himalaya sang Ấn Độ và thành lập chính phủ lưu vong. Kể từ năm 1950, chính phủ Trung Quốc đã đưa người Hán đến định cư ở Tây Tạng với mục đích đồng hóa người dân bản địa và tăng sự kiểm soát của chính quyền trung ương lên khu tự trị. Mọc lên san sát bên cạnh các tu viện, là những quán karaoke và massage do người Hán quản lí. Gần đây, chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm dạy tiếng Tây Tạng trong các trường học và chỉ được dạy trong tu viện. Người Tây Tạng cho rằng đây là nỗ lực xóa bỏ văn hóa và tôn giáo của họ, biến họ trở thành công dân hạng hai ngay trên đất của mình. Kể từ tháng 3/2009, hơn 140 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối chính sách cai trị của Trung Quốc.
8. Vậy Trung Quốc có thực sự là một quốc gia vô thần, luôn hoài nghi với tôn giáo như cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trấn áp Phật giáo Tây Tạng? Câu trả lời là không. Vào thời kì Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Mao Trạch Đông kêu gọi xóa bỏ tàn dư phong kiến. Nho giáo, hệ tư tưởng tôn giáo và triết học vốn có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc suốt mấy ngàn năm, bị tấn công. Đền thờ Nho giáo bị đập phá, sách vở bị đốt. Tuy nhiên, mấy chục năm sau Cách mạng Văn hóa, Nho giáo một lần nữa trở lại. Vào năm 2014, nhân dịp kỉ niệm 2565 năm ngày sinh của Khổng Tử, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một bài diễn văn dài ca ngợi Nho giáo. Nho giáo đặt nặng tôn ti trật tự trong xã hội. Trong bối cảnh phong kiến, thần dân phải tuân lệnh hoàng đế. Vì thế, Nho giáo nhận chỉ trích là cổ vũ cho sự chuyên trị của giới cầm quyền. Vào thời hiện đại, giới cầm quyền là Đảng Cộng sản Trung Quốc, và sự phục hưng của Nho giáo xác nhận sự cai trị và lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản với mọi mặt trong xã hội Trung Hoa. Các học giả Nho giáo cho rằng sự tuân lệnh người cầm quyền không phải là tuyệt đối: nếu kẻ cầm quyền không đức hạnh và làm điều xấu sẽ bị mất “thiên mệnh” (mandate of heaven). Trong xã hội Nho giáo, nhà cầm quyền có được sự chính danh cai trị nhờ “thiên mệnh”, và để có được “thiên mệnh” thì nhà cầm quyền phải chăm lo đầy đủ cho dân chúng. Vì thế, bên cạnh sự đàn áp hà khắc của mình, Đảng Cộng sản, mà cụ thể nhất là chủ tịch Tập Cận Bình, luôn cố gắng bảo vệ tính chính danh bằng cách lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm. Chừng nào kinh tế còn phát triển, cuộc sống người dân còn được cải thiện, chừng đó Đảng Cộng sản vẫn hiển nhiên có “thiên mệnh.” Từ sau khi Mao Trạch Đông mất và Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn dùng phát triển kinh tế làm kim chỉ nam, nên có thể nói Nho giáo vốn luôn ảnh hưởng xã hội Trung Quốc chứ không chỉ gần đây.
Vậy Trung Quốc có thực sự là một quốc gia vô thần, luôn hoài nghi với tôn giáo như cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trấn áp Phật giáo Tây Tạng? Câu trả lời là không.
9. Năm 1947, Raj thuộc Anh3 được chia cắt thành hai chính thể độc lập là Ấn Độ và Pakistan. Sự chia cắt này dẫn tới cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử, với hơn 14 triệu người rời bỏ nơi sinh sống của mình. Ấn Độ sẽ là vùng đất cho người theo đạo Hindu, còn Pakistan sẽ là của người Hồi giáo. Điều này phản ánh lịch sử đấu tranh giành quyền tự trị và độc lập trước đó của người dân Raj thuộc Anh: hai tổ chức chính trị có tầm ảnh hưởng nhất bấy giờ trong việc đấu tranh giành độc lập bao gồm Đảng Quốc đại Ấn Độ (Indian National Congress) và Liên đoàn Hồi giáo Toàn Ấn Độ (All-India Muslim League) không đạt được sự thống nhất trong việc chia sẻ quyền lực cai trị tiểu lục địa Ấn Độ. Kashmir (lúc bấy giờ tên là “Jammu và Kashmir”), vùng đất phía Bắc tiểu lục địa Ấn Độ, được quyền chọn gia nhập Ấn Độ hoặc Pakistan. Người Hindu, Sikh và Phật giáo trong vùng muốn Kashmir sáp nhập vào Ấn Độ, trong khi người Hồi giáo chọn Pakistan (trừ người Hồi giáo Kashmiri không quá hào hứng với Pakistan lắm, vì họ tương đối thế tục so với một viễn cảnh nhà nước Hồi giáo Pakistan). Hari Singh, khi ấy là thủ lĩnh vùng Kashmir, chọn Ấn Độ. Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan lập tức nổ ra vào 1947 và kéo dài 2 năm sau đó. Năm 1965, chiến tranh giữa 2 nước lại xảy ra; và đến năm 1999, Ấn Độ tiếp tục va chạm với lực lượng do Pakistan hậu thuẫn. Kể cả khi 2 nước không chiến tranh, vùng Kashmir vẫn luôn trong tình trạng bất ổn và bạo động. Năm 1974, Ấn Độ cho thử quả bom hạt nhân “Phật mỉm cười” (Smiling Buddha), Pakistan nhanh chóng đáp trả bằng chương trình hạt nhân của riêng mình, bắt đầu cuộc chạy đua hạt nhân giữa 2 nước Ấn Độ và Pakistan. Căng thẳng giữa hai nước vẫn còn đến tận bây giờ.
10. Đi xa hơn về phía Tây là khu vực Trung Đông, nơi Hồi giáo thống trị. Sau cái chết của nhà tiên tri Muhammad vào năm 632 sau Công nguyên, cộng đồng Hồi giáo tranh cãi về việc ai sẽ tiếp nối ông làm người lãnh đạo cộng đồng. Đa số chọn Abu Bakr, cha vợ của nhà tiên tri và là một trong những người thân tín nhất của ông, cho vị trí lãnh đạo. Họ cho rằng người dẫn dắt tinh thần cho cộng đồng Hồi giáo phải được lựa chọn trên nguyên tắc đồng thuận, những người này hình thành nên dòng Sunni. Một nhóm nhỏ muốn người kế nhiệm phải có chung huyết thống với Muhammad nên đã chọn Ali, một người em họ (và cũng là con rể) của ông. Những người này hình thành nên dòng Shia. Hiện nay, 85% người Hồi giáo theo dòng Sunni, và 15% còn lại gồm Shia và những nhánh nhỏ khác. Ở Trung Đông, mối quan hệ thù địch rõ nét nhất là giữa Iran, một cộng hòa Hồi giáo mà người Shia chiếm đa số, và Ả Rập Xê Út, vương quốc của người Sunni. Cả 2 quốc gia không thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, mà thậm chí còn hỗ trợ các phe đối lập nhau trong những cuộc xung đột ở Trung Đông. Ví dụ, trong nội chiến ở Yemen, Iran hỗ trợ phe nổi dậy Houthi, trong khi Ả Rập Xê Út sát cánh cùng chính quyền Yemen. Hezbollah, một tổ chức Shia đầy quyền lực ở Li Băng và được hậu thuẫn bởi Iran, là cái gai trong mắt của Ả Rập Xê Út. Vào ngày 11/4/2017, thủ tướng Li Băng, Saad Hariri, tuyên bố từ chức. Điều thú vị là Hariri làm điều này ở Ả Rập Xê Út, và lí do từ chức là vì lo sợ âm mưu ám sát nhắm vào mình bởi Hezbollah và Iran. Một ví dụ khác cho thấy sự thù địch giữa dòng Shia và Sunni là tình hình chính trị của Iraq. Ở Iraq, phần đông dân số là người Shia. Tuy nhiên, trước năm 2003 (Mỹ lật đổ chế độ Saddam Hussein), giới cầm quyền Iraq bao gồm toàn người Sunni (Saddam Hussein cũng là người Sunni), và người Shia bị đảng Ba’ath cầm quyền của Saddam Hussein đàn áp dã man. Sau khi Hussein bị Mỹ lật đổ, các tổ chức thuộc dòng Shia nổi lên giành chính quyền và bắt đầu quay lại trả thù người Sunni. Hiện nay, mâu thuẫn giữa hai dòng Sunni và Shia vẫn chưa kết thúc, thậm chí còn trở nên ngày càng gay gắt.
11. Dĩ nhiên, những yếu tố địa chính trị và kinh tế vẫn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là những xung đột này vẫn nhuốm đầy màu sắc tôn giáo trong đó. Không riêng gì các nước châu Á, muốn hiểu được các nước phương Tây, ta cũng cần có kiến thức về tôn giáo. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ thường đặt tay lên một quyển Kinh thánh khi tuyên thệ nhậm chức, và cũng không phải ngẫu nhiên khi các chính trị gia cánh hữu của Mỹ thường trích dẫn Kinh thánh trong các buổi vận động. Vì sao tôn giáo lại có sức ảnh hưởng đến thế, kể cả trong kỉ nguyên của khoa học và công nghệ? Câu trả lời nằm ở một khái niệm mà các nhà nghiên cứu tôn giáo hay dùng: “Alterity.” Từ này có nghĩa là “sự khác biệt,” nhưng không phải theo nghĩa “difference,” mà theo nghĩa “otherness.” Con người mang lại trật tự cho thế giới này bằng cách phân loại chính đồng loại của mình. Cách phân loại dễ nhất là “chúng ta” (us) và “những kẻ khác” (the other), và tôn giáo là tiêu chí phân loại có sức ảnh hưởng nhất. “Những kẻ khác” ở đây không chỉ là sự khác biệt, mà còn được xem như kém cỏi hơn, nhiều tính xấu hơn, và ít nhân tính hơn. Mọi nỗi sợ của chúng ta sẽ được gán cho “những kẻ khác.” Hơn nữa, thành viên nào trong nhóm “những kẻ khác” này cũng đều như nhau. Có thể xét đến việc người Hồi giáo được phương Tây cho rằng là kém dân chủ, khủng bố, xem phụ nữ như đồ vật và cuồng tín; dù cho không phải người Hồi giáo nào cũng vậy, và đa số những người theo đạo Hồi sống khá ôn hòa. Nhưng thông qua “Alterity,” những nỗi sợ của phương Tây (chủ nghĩa toàn trị, khủng bố, trọng nam khinh nữ) được gán lên cho người theo đạo Hồi, và người Hồi giáo nào cũng sẽ xấu xa như nhau. Tương tự, trong xã hội Ấn Độ, những người theo đạo Hồi cũng là “những kẻ khác” và bị kì thị. Sự kì thị không chỉ xuất hiện giữa các tôn giáo khác nhau mà còn tồn tại ngay trong chính bản thân một tôn giáo. Trong xã hội Hindu, một hệ thống đẳng cấp tồn tại: những người tầng lớp thấp nhất (Dalit – chuyên làm các công việc như quét rác, dọn dẹp vệ sinh) luôn bị kì thị bởi các tầng lớp cao hơn (như Brahmin – tầng lớp thầy tu). Có lẽ con người dù có thông thái đến đâu, vẫn không thể vượt qua được sự khác biệt giữa mình và người khác.
Con người mang lại trật tự cho thế giới này bằng cách phân loại chính đồng loại của mình. Cách phân loại dễ nhất là “chúng ta” (us) và “những kẻ khác” (the other), và tôn giáo là tiêu chí phân loại có sức ảnh hưởng nhất.
12. Christopher Hitchens, nhà báo, nhà phê bình xã hội nổi tiếng người Anh, từng nói: “Chúng ta sẽ không ngừng tạo ra các vị thần hoặc nghĩ ra các nghi lễ để làm hài lòng họ khi chúng ta còn sợ chết, bóng tối, và khi chúng ta còn tự cho mình là trung tâm. Điều này có thể còn kéo dài rất lâu.” Dù cho con người có phóng tên lửa vào vũ trụ thì tôn giáo sẽ mãi còn ở đây, sẽ mãi là một thế lực đầy ảnh hưởng trong nền văn minh của nhân loại.
Tên gọi chung trong Kinh Thánh để chỉ vùng đất Babylon và Uruk thuộc Lưỡng Hà (ngày nay thuộc lãnh thổ Iraq).↩
Tiếng Anh: theocracy; một loại thể chế chính trị mà trong đó lãnh đạo tôn giáo cũng là lãnh đạo chính trị. Mọi quyền lực chính danh đều có nguồn gốc thánh thần, và giới tăng lữ trị vì nhân danh thánh thần.↩
Tiếng Anh: British Raj; vùng thuộc địa của Anh bao gồm Ấn Độ, Pakistan, và Bangladesh ngày nay.↩
Ngắn ngắn thế này mà lại hay….dễ có time đọc…bài nào cũng chất lượng…nhưng có những bài đọc cả tiếng vẫn ko hết :'(