a
§ Tác giả: Adam Roberts | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Thủy Tiên | Hiệu đính:  Diễm Quỳnh
18/05/2020

Gần đây tôi đang nghe lại album Hearts and Bones của Paul Simon, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, nói đúng ra là lần đầu tiên kể từ khi tôi còn là một chàng thiếu niên. Tôi mua album này vào năm 1983 – khi nó mới được tung ra, lúc bấy giờ tôi đã nghe đi nghe lại album không biết bao nhiêu lần. Nhưng giờ đây khi nghe lại nó, và cụ thể là khi nghe lại bài hát chủ đề, một câu hỏi chợt nảy ra: trước đây tôi từng cảm nhận album này như thế nào? Nó đã có những ý nghĩa gì với tôi, và tại sao nó lại có ý nghĩa lớn đến vậy?

Bài hát chủ đề này kể về nỗi u hoài của một người khi mối tình của họ đã đi đến hồi kết, là sự hòa quyện giữa những khoảnh khắc hoài niệm khi cả hai còn hạnh phúc, với nỗi chán chường cùng những tổn thương sau khi trải qua một cuộc chia tay. Vào lần đầu lắng nghe bài hát, tôi lúc ấy là một chàng thiếu niên, hãy còn trinh và gần như chưa bao giờ trải nghiệm những xúc cảm này. Tôi tự hỏi, liệu mình lúc ấy có hoảng sợ khi nghĩ đến một ngày nào đó bản thân cũng phải bước qua đổ vỡ như vậy không? Lúc đó tôi muốn nếm trải mùi vị hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc theo cách mà tôi chỉ việc hồi tưởng lại, vì khi đó mọi thứ đã êm xuôi, đã phủ bụi, và đã yên ổn. Tôi cũng muốn trải qua nỗi u sầu, nhưng chỉ vì nó có vẻ thật người lớn, thật thạo đời, và thanh lịch. Tôi muốn, như một câu đùa mà người ta thường nói, bỏ qua hôn nhân và tiến thẳng đến ly dị. Sau tất cả thì, có một chút niềm vui phức tạp nào đó ẩn trong nỗi buồn — và tôi cũng không phải người đầu tiên chỉ ra điều này.

Nhưng điều này có đúng không? Chắc hẳn con người chúng ta đều muốn hạnh phúc. Tất cả các học thuyết triết học (tôi đang nói đến bạn đấy, Chủ nghĩa Vị lợi1) đều dựa trên tiền đề rằng chúng ta có thể hạnh phúc mọi lúc, mọi nơi, và càng hạnh phúc thì càng tốt. Chúng ta có chỉ số Global Happiness Index (tạm dịch: Chỉ số Hạnh phúc Toàn cầu) để đánh giá mức độ hạnh phúc của mọi người (Đan Mạch đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số này). Bhutan thậm chí còn thành lập Gross National Happiness Commission (tạm dịch: Ủy ban Tổng Hạnh phúc Quốc gia), và họ có quyền xem xét các quyết sách của chính phủ, cũng như phân bố nguồn lực.

Tất nhiên, thỉnh thoảng trải qua niềm vui cũng là một điều tốt. Nhưng có một sự thật kì lạ là chúng ta không mong ước lúc nào cũng được hạnh phúc. Nếu chúng ta ước vậy, thì nhiều người trong chúng ta đã hạnh phúc hơn rồi — chứ không phải chỉ vì những người ở các nước phương Tây như tôi thiếu phương tiện hoặc công cụ để thỏa mãn bản thân đâu nhé. Đôi lúc chúng ta buồn vì chúng ta có lý do, và đôi lúc chúng ta buồn vì, một cách vô thức hoặc có ý thức, chúng ta muốn vậy. Có lẽ chúng ta thấy sự đa dạng trong cảm xúc vẫn tốt hơn là sự đơn điệu, kể cả khi sự đơn điệu ấy chính là niềm hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ là còn nhiều lý do hơn thế. Chúng ta coi trọng nỗi buồn theo những cách khiến cho hạnh phúc trông có vẻ giản đơn.

Nỗi buồn tạo cảm hứng cho nghệ thuật một cách sâu sắc — điều mà cảm xúc ta có khi đang ăn kem một cách hớn hở trong lúc vẫn còn mặc quần xà lỏn không thể làm được. Trong bài luận Atrabilious Reflections upon Melancholy (tạm dịch: Những suy ngẫm u sầu về nỗi buồn; 1823), Hartley Coleridge2 (con trai của Samuel Taylor3) đã ngợi ca nỗi buồn như một tâm trạng tinh tế hơn so với niềm vui. “Nỗi buồn khó thể nào tồn tại trong một linh hồn thô sơ — nó không thể tồn tại trong một động vật thuần túy” là cách ông diễn tả điều này:

Nỗi sầu muộn là nàng thơ duy nhất. Nàng là Thalia4, và nàng là Melpomene5. Nàng tạo cảm hứng cho Milton6 và Michael Angelo7, cũng như Swift8 và Hogarth9. Tất cả những thiên tài đều là những người u sầu — những cây bút chuyên viết tác phẩm hài cũng không phải là ngoại lệ. Con người (ý tôi là những ai không phải động vật thuần túy) có thể được phân ra làm ba cấp dựa trên nỗi buồn của họ. Những người đi tìm kiếm cái vô hạn đối lập với cái hữu hạn — những người đi tìm cái vô hạn trong cái hữu hạn — và những người tìm cách hạ thấp cái hữu hạn bằng cách đặt nó trong sự đối sánh với cái sự vô hạn. Nhóm thứ nhất bao gồm các triết gia và những kẻ cuồng tín. Nhóm thứ hai, những nhà thơ, tình nhân, người chinh phạt, kẻ keo kiệt, người môi giới chứng khoán, vân vân. Và nhóm thứ ba, là những cây bút trào lộng, diễn viên hài, những kẻ thích đùa đủ thể loại, kẻ ghét đàn ông, kẻ ghét đàn bà, người hưởng lạc và kẻ sành ăn nói chung.

Coleridge cho rằng, nỗi buồn cao quý hơn niềm vui. Tôi cho rằng đây là cảm giác mà phần lớn mọi người đều có — rằng niềm vui, từ trong gốc rễ của nó, chỉ là một dạng khoái cảm ngu ngốc, là một kiểu phẫu thuật thùy não10, là một quả bóng bay chỉ chờ bị chọc nổ. Sự buồn phiền, vì một lý do gì đó, có vẻ người lớn hơn, vì nó bị ít bị tô vẽ. Nó chân thành hơn, và thật hơn. Khi George Eliot11 chuẩn bị viết Adam Bede (1859), bà đã chép những dòng sau từ cuốn Life of Oliver Cromwell (tạm dịch: Cuộc đời của Oliver Cromwell) của Thomas Carlyle vào sổ tay của bà: “Chẳng phải mức độ đau buồn của một người, đi cùng với khả năng cảm thông của anh ta, cũng như năng lực và những thành công mà anh ta sẽ đạt được sau này hay sao? Nỗi muộn phiền là hình ảnh đảo ngược của đức tính hào hiệp bên trong mỗi chúng ta.”

Bởi vì nỗi buồn có nhuốm phần nào màu của sự cao thượng, nên có thể, nó cũng đẹp hơn niềm hạnh phúc. Trong khổ cuối của bài thơ Money (1973), Philip Larkin12 viết:

I listen to money singing. It’s like looking down
From long French windows at a provincial town,
The slums, the canal, the churches ornate and mad
In the evening sun. It is intensely sad.
(Tạm dịch)

Tôi lắng nghe tiếng hát của đồng tiền. Giống như tôi đang nhìn xuống
Từ những ô cửa sổ dài kiểu Pháp ở một thị trấn nọ
Những khu ổ chuột, con kênh, những nhà thờ lộng lẫy và điên rồ
Trong ánh chiều tà. Đó là một điều vô cùng buồn.

Đó là một điều vô cùng buồn có thể là một tiêu đề khá hay cho một bài phân tích về tác phẩm này của Larkin. Tất nhiên, một độc giả nào đó có thể phản ứng rằng, “Đợi chút đã Phil (Philip Larkin – BTV), ý ông không phải là ‘Đó là một điều vô cùng buồn.’ Điều ông muốn nói là ‘Tôi cảm thấy vô cùng buồn.’ Con đường, nhà thờ, và cả thị trấn đều đang ổn, cảm ơn ông đã quan tâm, và mọi thứ đều không phải chịu trách nhiệm cho nỗi buồn của ông, trong khi ông nhìn xuống từ mấy ô cửa sổ dài kiểu Pháp.” Một phản ứng kiểu vậy cũng không thể hạ thấp thành tựu của Larkin, bởi vì đây, thực ra, là điều làm nên giá trị trong thơ Larkin nói chung: đó là viết, không phải về những khu ổ chuột, con kênh hay nhà thờ, mà là về sự thanh tao của nỗi buồn.

Nhưng tại sao nỗi buồn lại thanh tao — hoặc hấp dẫn theo bất cứ một cách nào khác? Xét trên bề nổi, đáng ra nó phải là thứ mà tiến hóa phải loại bỏ khỏi giống loài chúng ta, vì nó sẽ là đặc điểm bị loại đầu tiên trong quá trình chọn lọc giới tính13. Người phụ nữ nào lại muốn hẹn hò với một bạn tình khốn khổ khi mà cô ấy có thể chọn một người vui vẻ và hay cười hơn? Nhưng tất nhiên, khi chúng ta đặt ra câu hỏi như vậy, thì nó có vẻ hơi kì cục, giống như chúng ta thà kết đôi với Spongebob Bọt Biển hơn là với Morrissey14 vậy. Nhưng tại sao? Tại sao bạn thà dành thời gian với Spongebob Bọt Biển thay vì Morrissey?

Nếu trầm cảm là một thứ khí độc khó chịu quấn chặt não chúng ta, thì nỗi buồn thanh tao giống như đuôi của một con công, tô điểm bởi màu xanh của cánh hoa long đởm và màu xanh lá trên bộ quân phục của lính thủy đánh bộ.

Charles Darwin là người đã nhận thấy rằng nỗi buồn được biểu lộ theo cùng một cách ở mọi nền văn hóa, ông đã viết điều này trong cuốn The Expression of the Emotions in Man and Animals (tạm dịch: Cách Biểu lộ Cảm xúc ở Con Người và Động vật; 1872). Với một cách thức phổ phát như vậy, chúng ta có xu hướng tìm kiếm lời giải thích trong khía cạnh tiến hóa. Nhưng than ôi, những nghiên cứu trong ngành nhân chủng học và tiến hóa về vấn đề này gần như chỉ tập trung vào trầm cảm, và đó không phải những gì chúng ta đang bàn luận ở đây. Tôi có thể khẳng định với bạn, một cách hơi tàn nhẫn một chút, rằng điểm khác biệt giữa nỗi muộn phiền thanh tao và con chó mực (“The black dog”: một ẩn dụ cho sự trầm cảm trong tiếng Anh — BTV) cũng giống như điểm khác biệt giữa việc say sưa rượu chè và sốt phát ban. Đã có nhiều thuyết tiến hóa được đưa ra để khẳng định khả năng thích ứng của trầm cảm, nhưng chưa có ai, theo như tôi được biết, từng khẳng định trầm cảm là một điều đáng mừng.

Nếu trầm cảm là một thứ khí độc khó chịu quấn chặt não chúng ta, thì nỗi buồn thanh tao giống như đuôi của một con công, tô điểm bởi màu xanh của cánh hoa long đởm và màu xanh lá trên bộ quân phục của lính thủy đánh bộ. Liệu nó có phải một đặc tính phổ quát không? Với câu hỏi này, ngành nhân chủng học cũng không thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng. Nhưng trạng thái tâm lý này có thể nhận thấy trong một loạt các nền văn hóa. Đó là nỗi niềm mà cụm từ mono no aware15 trong tiếng Nhật diễn tả (物の哀れ, nghĩa là “nỗi u hoài của sự vật”). Đó là sự giản đơn nhưng ám ảnh trong âm nhạc truyền thống châu Phi, và rồi tiếp nối đến tận Tân Thế giới dưới hình dáng của nhạc Blues. Đó là sự pha trộn giữa sức mạnh, sinh lực, lòng trắc ẩn, và sự u sầu mà Claude Lévi-Strauss16 đã tìm thấy ở Brazil, gói gọn trong tiêu đề cuốn sách kể về những hành trình của ông tại đó: Triste Tropiques (Nhiệt đới Buồn; 1955). Đó là những quan niệm được lồng ghép trong sử thi Aeneas của Virgil, khi ông nhìn lại cuộc đời đầy phiền muộn của mình, và nhìn về tương lai gian nan phía trước: sunt lacrimae rerum. “Trong mọi thứ đều có nước mắt” không phải một cách nói sầu thảm hay tuyệt vọng, mà là một lời tuyên bố đầy nghịch lý về vẻ đẹp của thế giới này. (Aeneid 1:462).

Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể tạo một bản phân tích chi phí — lợi ích của những loại nỗi buồn mà tôi đang nhắc đến ở đây. Chúng ta có thể nói rằng đó là tín hiệu cho thấy một người có đủ sức mạnh, sự nhàn rỗi, cũng như sự nhạy cảm để đắm mình vào nỗi buồn. Cách diễn đạt này làm chúng ta nhớ đến “nguyên lý đánh đổi,” một giả thuyết do nhà sinh vật học tiến hóa người Israel Amotz Zahavi đề xuất vào năm 1975. Thuyết này cho rằng những đặc điểm phô trương của động vật như những chiếc gạc khổng lồ của hươu cao nguyên hay chiếc đuôi của công đều hữu ích, bởi vì chúng xa xỉ một cách lộ liễu, và hiển nhiên gây bất tiện cho con vật. Chúng là một cách để nói rằng: Tôi thật khỏe, bộ gene của tôi thật đáng mong ước, cho nên tôi mới có thể tha lôi cái thứ bất tiện (à nhưng, rất đẹp) này trên người.

Theo như mô hình này, thì nỗi buồn là một cách tiêu thụ năng lượng mà chúng ta có thể nhận ra dễ dàng. Chúng ta cần sử dụng nhiều cơ để cau mày hơn là để cười, và có lẽ vấn đề nằm ở đó. Cau mày là một tín hiệu cho thấy khả năng của chúng ta trong việc lãng phí năng lượng, chính xác, bằng cách lãng phí nó. Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể sống và cảm thấy vui. Chúng ta cần nhiều năng lượng hơn để sống và cảm thấy buồn.

Tuy vậy, bài phân tích này của tôi đã bỏ quên khía cạnh quan trọng nhất của loại cảm xúc này, nó không phải sự trả giá, nó là một thứ đẹp đẽ. Hạnh phúc cũng có thể là một thứ đẹp đẽ, nhưng một số khía cạnh của nỗi buồn có thể vươn tới những vẻ đẹp mà hạnh phúc sẽ không bao giờ biết tới.


  1. Chủ nghĩa vị lợi, hay chủ nghĩa công lợi còn gọi là thuyết duy lợi hay thuyết công lợi (tiếng Anh: Utilitarianism). Chủ nghĩa này cho rằng hành động tốt nhất là hành động đạt được một cách cao nhất những gì được cho là hữu ích, lợi ích.

  2. Hartley Coleridge (1796 — 1849) là một nhà thơ, người viết tiểu sử, nhà văn tiểu luận, và giáo viên người Anh.

  3. Samuel Taylor Coleridge (1772 — 1834) là một nhà thơ, nhà phê bình văn học, triết gia, và nhà thần học người Anh. Ông và William Wordsworth là những người khởi xướng chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Anh.

  4. Thalia là một trong chín nàng thơ của thần thoại Hy Lạp. Nàng là nàng thơ của hài kịch và những bài thơ miêu tả đồng quê yên bình.

  5. Melpomene là một trong chín nàng thơ của thần thoại Hy Lạp. Nàng là nàng thơ của những dàn đồng ca, và sau đó được biết đến phổ biến hơn như nàng thơ của bi kịch Hy Lạp.

  6. John Milton (1608 — 1674) là một nhà thơ, soạn giả, và nhà bình luận văn học người Anh. Ông nổi tiếng với bài thơ “Paradise Lost” (tạm dịch: Thiên đường Đã mất).

  7. Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475 — 1564), thường được gọi là Michelangelo, là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng Ý.

  8. Jonathan Swift (1667 — 1745) là nhà thơ, nhà văn trào phúng Ireland gốc Anh. Ông được biết đến nhiều nhất với tác phẩm Gulliver’s Travels (Gulliver Du Kí).

  9. William Hogarth (1697 — 1764) là họa sĩ, nhà phê bình và nghệ sĩ biếm họa người Anh. Hogarth được coi là người khởi xướng nghệ thuật biếm họa trong hội họa phương Tây.

  10. Phẫu thuật thùy não (tiếng Anh: lobotomy) là một kiểu phẫu thuật thần kinh, một liệu pháp chữa trị bệnh tâm thần bằng cách can thiệp vào khu vực vỏ não trước trán.

  11. Mary Anne Evans (1819 — 1890), được biết đến phổ biến với bút danh George Eliot, là một nhà văn tiểu thuyết người Anh. Bà là một trong những nhà văn tiên phong của thời đại Victoria.

  12. Philip Larkin (1922 — 1985) là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, và thủ thư người Anh.

  13. Chọn lọc giới tính là một phương thức riêng biệt của chọn lọc tự nhiên trong quá trình lựa chọn bạn tình của động vật để giao phối.

  14. Steven Patrick Morrissey (1959 — ) hay được biết đến rộng rãi với cái tên Morrissey, là một ca sĩ, nhạc sĩ, và tác giả người Anh. Âm nhạc của ông có những chủ đề xuyên suốt như sự cô lập cảm xúc, ham muốn tình dục, mỉa mai bản thân, và hài đen.

  15. Aware thường được biết đến như là một trong bốn khái niệm cơ bản của mĩ học Nhật Bản, hàm chứa trong nó quan niệm của người Nhật về cái Đẹp. 

    “Chữ aware, có thể ghi sang Hán tự là “ai”(bi ai), mang nhiều ý nghĩa khó xác định. Các học giả Nhật đã theo dõi cách sử dụng nó từ thời cổ đại với tập thơ Manyoshu (Vạn diệp tập) cho đến thời hiện đại.Không cần thiết phải nhắc lại ý kiến của họ ở đây. Chỉ cần biết rằng trong thời Heian, chữ aware được dùng để gợi tả vẻ đẹp tao nhã, nỗi buồn dịu dàng pha lẫn cảm thức vô thường của Phật giáo. Khi cần diễn tả đầy đủ hơn, aware sẽ thành mono no aware. “Mono” (vật) có nghĩa là “sự vật” và “no” là “của”. Vậy cụm từ ấy có thể dịch sát là “nỗi buồn của sự vật”. Tóm lại, aware là một niềm bi cảm trước mọi vẻ đẹp não lòng của thiên nhiên và nhân thế.” ( Nhật Chiêu – Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868).

  16. Claude Lévi-Strauss (1908 — 2009) là một nhà nhân chủng học và dân tộc học, triết gia người Pháp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất