a
§ Tác giả: Greg Clark | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Uông Uyên | Hiệu đính:  Nguyên
05/03/2017

Lịch sử cho thấy rằng các thành phố có xu hướng nắm bắt các cơ hội quốc tế theo các đợt và chu kỳ. Chúng hiếm khi tự bùng nổ thành hoạt động mang tính toàn cầu. Các thành phố tham gia vào những phong trào hoặc mạng lưới tập thể để tận dụng lợi thế của những điều kiện mới, và thường thì sự sụp đổ hoặc rút lui của chúng khỏi một định hướng toàn cầu cũng diễn ra cùng với các thành phố khác khi hoàn cảnh thay đổi, ảnh hưởng đến nhiều thành phố cùng một lúc.

Các thành phố lớn theo định hướng thị trường đầu tiên trên thế giới được hình thành hơn 4.000 năm trước vào đầu thời kỳ đồ đồng, và đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu hiểu lịch sử phong phú của chúng. Một cuộc cách mạng đô thị đã diễn ra vào lúc đó, với hầu hết các cư dân của những vùng mà ngày nay là miền nam Iraq, và quá trình đô thị hóa này đã song hành cùng hoạt động thương mại trên một quy mô mới.

Xa hơn về phía đông, các thành phố của Mohenjo-daro và Harappa1, ngày nay là Pakistan nằm dọc theo thung lũng Sông Indus, nằm trong số những thành phố đầu tiên có nền kinh tế và xã hội đa dạng. Chúng tọa lạc trên các tuyến đường thương mại chuyên về đá quý và trải dài ra toàn bộ vùng Trung Á.

Những thành phố này đã hình thành nên trung tâm của một mạng lưới thương mại rộng lớn dựa trên một cộng đồng có chung văn hóa và ngôn ngữ, và xây dựng cơ sở hạ tầng để cung cấp điều kiện sống tốt cho cư dân. Với văn hóa lâu đời và định hướng hướng ngoại, chúng mang nhiều điểm nổi bật của những thành phố mà ngày nay được xem là thành phố toàn cầu2.

Một bài học quan trọng được rút ra từ những làn sóng đô thị hoá và hoạt động đường dài đầu tiên của các thành phố là, những tài sản giá trị và sự sở hữu xa hoa thường là tác nhân thúc đẩy sự kết nối và hợp tác. Khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng lãnh thổ, việc buôn bán ngựa, tơ lụa, tre, gạo, và rượu trở nên mạnh mẽ và thường được sử dụng trong ngoại giao để bảo đảm hòa bình giữa các đế quốc và thành phố. Tơ lụa thậm chí đã trở thành một loại tiền tệ quốc tế.

Trong vòng một vài trăm năm, thế giới đã được thu nhỏ một cách hiệu quả bởi sự tinh vi ngày càng tăng của mạng lưới thương mại. Như sử gia Peter Frankopan, tác giả cuốn sách The Silk Roads (Tạm dịch: Con Đường Tơ Lụa), ghi nhận: “Chúng ta nghĩ rằng toàn cầu hóa là một hiện tượng hiện đại độc đáo, nhưng từ 2.000 năm trước nó đã là một thực tế của cuộc sống – một thực tế vừa tượng trưng cho cơ hội, vừa hình thành nên vấn đề, và cũng thúc đẩy tiến bộ công nghệ.”

Thành phố châu Âu đầu tiên phát triển mạng lưới giống như mạng lưới của một thành phố toàn cầu hiện đại là Roma. Đế chế này bao gồm một liên đoàn các thành phố – trải dài từ Tây Ban Nha và Scotland ở phía tây, đến sông Euphrates ở phía đông – mỗi vùng đất đều có một lãnh thổ trực thuộc. Rome cung cấp chính quyền, sự ổn định, chế độ tiền tệ, và cơ cấu thuế cho các thành phố để chúng phát triển mạnh trong bối cảnh có sự biến chuyển lớn về sự dịch chuyển dân số và các hoạt động buôn bán.

Giữa những đặc trưng bền vững của làn sóng toàn cầu hóa này của các thành phố thương mại là một sự giao dịch hàng hóa khắp các lục địa lớn và đa dạng hơn rất nhiều.

Đến giữa thời kỳ La Mã, hầu hết các sử gia đương thời đã nhận thức được rằng thế giới đã và đang toàn cầu hóa. Polybius đã nhận xét trong tác phẩm Histories (Tạm dịch: Những câu chuyện lịch sử) rằng “từ thời điểm này trở đi lịch sử trở thành một tổng thể thống nhất: các vấn đề của Ý và châu Phi kết nối với những vấn đề của châu Á và Hy Lạp, và tất cả các sự kiện đều gây dựng nên một mối quan hệ và đóng góp vào một kết thúc đơn nhất.”

Giữa những đặc trưng bền vững của làn sóng toàn cầu hóa này của các thành phố thương mại là một sự giao dịch hàng hóa khắp các lục địa lớn và đa dạng hơn rất nhiều. Hoạt động thương mại này thúc đẩy việc tạo nên một khu vực thương mại mới ở Ấn Độ Dương và quan hệ giao thương trực tiếp với Ấn Độ. Mạng lưới đô thị La Mã cũng đã giúp truyền bá tôn giáo, và các thành phố trong hệ thống La Mã sau này trở thành trung tâm của chính quyền Kitô giáo. Thời đại này có lẽ là thời kỳ đầu tiên mà quyền lực và ảnh hưởng của một thành phố đã trở thành nền móng thúc đẩy thương mại liên lục địa.

Nhưng trong khi những thăng trầm của Rome với vai trò một thành phố toàn cầu được ghi chép lại kĩ lưỡng, thì những thành phố khác lại tiếp tục vai trò toàn cầu bất cứ khi nào chúng có cơ hội về mặt địa chính trị.

Ví dụ như Istanbul, nó đã trải qua nhiều chu kỳ trao đổi toàn cầu trong hơn hai thiên niên kỷ qua vì vị trí chiến lược độc đáo như một cầu nối giữa châu Âu và châu Á. Từng có tên là Byzantium, thành phố đã có những biến chuyển dưới thời Hoàng đế Constantine vào thế kỷ thứ tư SCN và được đổi tên thành Constantinople vì nó phù hợp với những quan tâm về lợi ích kinh tế và chính trị của La Mã đối với đế chế phương đông.

Thành phố Istanbul, năm 2011. Nguồn: Flickr.

Những nhà lãnh đạo La Mã cần một thành phố mở nằm gần với thị trường cung ứng của La Mã dọc theo Con đường Tơ lụa, băng qua Biển Đen, đi qua Anatolia giàu có và đi vào khu vực sản xuất lúa mì của sông Nile. Kết quả là, Constantinople giữ vai trò chỉ đạo và kiểm soát, và đã thu hút được những công dân La Mã và thương nhân đầy tham vọng từ khắp nơi trên thế giới.

Như một cái nôi của văn hóa, Constantinople đã tạo điều kiện cho sự truyền bá của Kitô giáo trên khắp Đế quốc La Mã. Mặc dù đế chế La Mã phương Tây sụp đổ, Constantinople sau đó vẫn tiếp tục vai trò của mình như một trung tâm thương mại sôi động trong thế kỷ thứ tám và thứ chín. Dưới một hệ thống kiểm soát chặt chẽ các nhà máy, nhà xưởng, tiền lương, và thuế quan của nhà nước, thành phố này tiến hành giao thương với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và châu Phi, với các thương nhân bị thu hút bởi những mặt hàng vàng và tơ lụa của nó. Nó vận chuyển hàng hóa đến và từ Venice, Pisa, Genoa, và khắp châu Âu, và từng được cho là nơi cư trú của 60.000 người Ý.

Mãi về sau, dưới thời Ottoman, Constantinople mới trở thành Istanbul. Những nhà lãnh đạo thành phố này nắm bắt được những cơ hội mới của thương mại châu Âu và chủ động mời đến các nhà trí thức của thế giới Hồi giáo. Trong khi ảnh hưởng của Istanbul đã suy yếu, vị trí chiến lược của nó đã nhiều lần chứng tỏ nó một tài sản đối với các nhà lãnh đạo có tầm nhìn hướng ngoại, và nó đã tạo ra một sự hấp dẫn lâu dài cho các doanh nghiệp nhập cư và những nhà cải cách.

Làn sóng thương mại châu Âu

Một làn sóng mới của các thành phố đang phát triển vai trò quốc tế đã diễn ra trong các thế kỷ 11 và 12, như một phần của một quá trình đôi khi được gọi là “cuộc cách mạng thương mại.” Khi dân số và sự đô thị hóa lớn dần, một hệ thống hai chiều của các thành phố đã xuất hiện: một vài vụ thương mại béo bở ở Biển Baltic và Biển Bắc của châu Âu tăng tốc, trong khi nhiều thành bang Ý đã trở nên thịnh vượng thông qua các hoạt động vận chuyển, thương mại, và ngân hàng.

Làn sóng toàn cầu hóa này cũng được đặc trưng bởi một tầng lớp thương nhân đầy quyền lực thống trị nền kinh tế thị trường và tham gia chủ động vào việc lãnh đạo thành phố.

Đây là thời điểm khi nhiều hệ thống cai trị và chính quyền cùng tồn tại. Khi các thành phố phát triển, chúng trở thành thực thể độc lập hoặc bán tự trị với khả năng quân sự của riêng mình. Làn sóng toàn cầu hóa này cũng được đặc trưng bởi một tầng lớp thương nhân đầy quyền lực thống trị nền kinh tế thị trường và tham gia chủ động vào việc lãnh đạo thành phố.

Các thành phố của Ý đã tận dụng cơ hội về địa chính trị trong cuộc Thập tự chinh để mở rộng các dịch vụ thương mại và ngân hàng của họ cho các chiến dịch quân sự. Đặc biệt là Venice đã đạt được những đặc quyền trong đế chế Byzantine và mở rộng quan hệ với Giáo hoàng.

Thành công của người Ý đã tạo nên ảnh hưởng. Cuối những năm 1200, Florence và Genoa đúc được tiền xu vàng, và tiền tệ riêng của Florence đã trở thành đơn vị tiền thống trị trong thị trường thương mại và tài chính châu Âu.

Làn sóng này đánh dấu lần đầu tiên nhiều khu vực và tôn giáo bước vào một mối quan hệ được duy trì lâu dài. Trong cuốn sách Before Europe Hegemony (Tạm dịch: Trước khi châu Âu làm bá chủ), nhà xã hội học Janet Abu-Lughod đã khoanh vùng tám khu vực trong quá trình này, kéo dài từ tây bắc châu Âu đến tận Malaysia và Philippines ngày nay.

Đó cũng là thời điểm mà các thành phố đã đạt được những tiến bộ lớn về văn hóa, nghệ thuật, và tri thức, góp phần mở rộng cả hoạt động thương mại và trao đổi kiến ​​thức. Các khu vực mà Abu-Lughod mô tả do vậy mà thúc đẩy sự tiếp xúc liên vùng thông qua các thành phố cửa ngõ văn hóa như Venice ở phía tây và Malacca ở phía đông. Giữa hai nơi này, cơ hội địa chính trị cho hòa bình sau những cuộc xâm lược của Mông Cổ vào thế kỷ 13 cũng là một chất xúc tác cho các cảng và nhóm thành phố ở Trung Đông phát triển và toàn cầu hóa.

Một ví dụ là Tabriz, ngày nay là Iran, nơi thu hút một số lượng lớn các thương nhân châu Âu và được mô tả là thành phố quốc tế nhất trên thế giới trong thế kỷ 13. Nó chuyên sản xuất vàng và vải dệt bằng lụa, và thương mại đá quý. Năm trăm năm sau đó, thành phố vẫn được biết đến bởi tầng lớp thương nhân độc lập của mình.

Cái chết Đen (The Black Death) đã tàn phá nhiều thành phố dẫn đầu làn sóng này3, nhưng mạng lưới tiên tiến của Hanseatic League4 và các thành phố toàn cầu hóa ở miền nam châu Âu vẫn tồn tại cho đến thế kỷ 15, liên kết với nhau bởi một mong muốn chung là tiến hành thương mại tự do. Làn sóng này vì vậy thường được xem là có vai trò quan trọng đối với sự truyền bá và thành công sau này của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Làn sóng hậu Columbus

Bắt đầu khoảng từ năm 1500, những thành phố đã tiến hành toàn cầu hóa trong làn sóng trước đó bắt đầu trải qua nhiều thất bại kéo dài. Nông nghiệp suy giảm lợi nhuận, và chiến tranh tôn giáo bao phủ nhiều thành phố. Các thành phố của Ý và Iberia bắt đầu trải qua tình trạng giảm công nghiệp hóa, tiền lương thiếu sức cạnh tranh, và mất thị phần vào tay các thành phố ở phía đông. Một sự thay đổi theo hướng có lợi cho các thành phố bắc Âu bắt đầu diễn ra.

Dần dần một sự kết nối tốt hơn xuất hiện, đặc trưng bởi một thị trường mở rộng và thống nhất toàn cầu, ý tưởng mới về một thế giới đơn nhất, và một cảm quan về bản sắc quốc tế.

Sự toàn cầu hóa đã mang những đặc điểm mới, với vai trò mới đến cho các thành phố trong một hệ thống mà các chính quyền thắt chặt thẩm quyền của mình. Những tiến bộ trong việc vẽ bản đồ và đóng tàu đã giúp cải thiện tình hình thông tin liên lạc và làm giảm chi phí giao dịch. Có một sự thay đổi trong bản chất của việc tiêu thụ: một tầng lớp người tiêu dùng mới đã xuất hiện với một mục tiêu chung là khẳng định vị trí và tầm quan trọng của mình, thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng trong sản xuất và các khu vực bán lẻ.

Dần dần một sự kết nối tốt hơn xuất hiện, đặc trưng bởi một thị trường mở rộng và thống nhất toàn cầu, ý tưởng mới về một thế giới đơn nhất, và một cảm quan về bản sắc quốc tế. Những thành phố bắc Âu hưởng lợi nhiều nhất từ ​​làn sóng toàn cầu hóa này.

Tại thời điểm này, sự khởi đầu của hiện tượng mà sau đó được biết đến là “sự chia rẽ sâu sắc” (great divergence)5 giữa châu Âu và châu Á xuất hiện. Nhiều tranh luận đã được đưa ra để giải thích việc này. Một yếu tố được nhắc đến là các thương gia và chủ ngân hàng ở các thành phố bắc Âu đã có khả năng bảo vệ các khoản đầu tư của họ bằng biện pháp pháp lý và tách riêng vốn của họ khỏi những rủi ro cá nhân, điều bất khả thi ở các thành phố châu Á. Một tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh hơn, chính quyền tự trị lớn hơn ở cấp thành phố, và sự tập trung thương mại mạnh mẽ vào vấn đề chính sách công đô thị cũng đã được đề xuất như là yếu tố then chốt để giải thích cho sự chia rẽ này.

Các thành phố châu Âu thường được mô tả như những thành phố toàn cầu hóa của thời đại này, nhưng những cuộc chinh phạt của Hồi giáo cũng tạo nên một nhóm thành phố mới theo xu hướng toàn cầu. Từ đầu những năm 1500, những thành phố ở bắc Ấn Độ nói riêng đã chịu ảnh hưởng của một khu vực Hồi giáo rộng lớn dưới đế chế Mughal6.

Sự thống nhất của hoạt động thương mại, những phong tục và niềm tin tương đồng cho phép các thành phố như Delhi hòa nhập chặt chẽ vào các tuyến thương mại Á-Âu, đặc biệt là đối với việc xuất khẩu hàng dệt may. Ahmedabad và Agra cũng phát triển mạnh, được hỗ trợ bởi vốn đầu tư cho nhà máy của Công ty Đông Ấn Anh Quốc – và, cùng với Delhi, hai khu vực này từng đạt đến số lượng dân cư cao nhất là 400.000 người. Trong khi đó Surat, cách Mumbai gần 200 dặm về phía bắc, đã trở thành cảng biển có lẽ là lớn nhất thế giới, nơi cư trú của 150.000 người và tại một thời điểm nào đó còn là thành phố giàu nhất Ấn Độ.

Nhiều đánh giá cho rằng hoạt động sản xuất của các thành phố Ấn Độ này ít nhất là ngang bằng với các trung tâm châu Âu hàng đầu của thời đó – trong đó Antwerp và Amsterdam nổi bật lên như hai thành phố toàn cầu chính yếu nhất ở lục địa châu Âu trong làn sóng toàn cầu hóa này.

Thành phố Antwerp, năm 2013. Nguồn: Flickr.

Antwerp nổi lên nhờ khai thác một cách khôn ngoan vị trí cửa ngõ của mình tại trung tâm của một đế chế Habsburg7 đang mở rộng nhanh chóng. Sự sụp đổ của Constantinople vào năm 1453 đã làm suy yếu Venice và Genoa, và sông Scheldt đã khiến thành phố này trở thành một cửa ngõ để tiến vào hệ thống đường thuỷ nội địa bên trong Tây Âu. Khi cảng biển riêng gần đó của Bruges8 bị chặn bởi phù sa, thương nhân của Antwerp đã thu được một khoản lớn từ việc buôn bán len và vải, và các loại gia vị Bồ Đào Nha từ Đông Ấn bắt đầu được vận chuyển qua cảng này.

Vào giữa thế kỷ 15, Antwerp đã trở thành một trung tâm thương mại được ưa chuộng giữa vùng biển Baltic, Biển Bắc, miền bắc nước Ý, Pháp và đế quốc La Mã thần thánh. Một vài thập kỷ sau đó, hoạt động giao dịch chứng khoán và ngành ngân hàng của thành phố đã trở nên lớn nhất châu Âu.

Antwerp được lợi từ lợi thế địa chính trị khi nó được sáp nhập vào Đế chế Hapsburg của Tây Ban Nha. Điều này đã cho thành phố đặc quyền tiếp cận một thị trường thống nhất lớn, và nó trở thành một điểm nhập khẩu bạc và các hàng hóa quý giá vận chuyển từ những thuộc địa châu Mỹ của Tây Ban Nha. Vào thời kỳ đỉnh cao, 40% thương mại thế giới đã được chuyển qua Antwerp. Đó là thành phố toàn cầu thực sự của châu Âu, với một tầng lớp thương nhân đầy tham vọng và hiểu biết.

Sự giàu có vượt trội này đã dẫn đến mức độ đô thị hóa trong khu vực đạt 30%. Dân số của thành phố cao nhất là 100.000 người tính đến những năm 1560, nhưng sau đó thành phố chịu thiệt hại khi Tây Ban Nha kiên quyết muốn hoạt động thương mại vùng Đại Tây Dương đi qua Seville9 – một cách để dịch chuyển sự giàu có sang Tây Ban Nha. Rắc rối với sự nổi dậy của người Hà Lan và xung đột tôn giáo đã khiến thành phố bị phá hủy và liên tục bị bao vây. Dù còn giữ lại được vài nét về tập quán thương mại, nhưng nó không bao giờ khôi phục được vị thế là một thành phố toàn cầu, mặc dù cảng biển của nó hiện nay đang được phục hồi.

Amsterdam đã tước danh hiệu từ Antwerp và Genoa trở thành thành phố thương mại chính của châu Âu trong những năm 1600, và nó phát triển nhiều công nghệ là nền tảng cho các thành phố toàn cầu ngày nay. Sự sụp đổ của giới tinh hoa Tây Ban Nha, vốn là thứ cản trở lợi ích của các thương gia địa phương có quyền lực, mang đến nhiều tự do hơn cho các thương nhân Hà Lan. Ngay sau đó, sự phong tỏa Antwerp thuộc Tây Ban Nha đã kích hoạt một sự dịch chuyển vốn và các doanh nhân tài năng về Amsterdam.

Thành phố theo đạo Tin lành này trở nên đáng giá bởi cảng biển an toàn, tình hình chính trị ổn định, và sự kết nối với hệ thống đường thuỷ nội địa. Nó tối đa hóa sự hấp dẫn bằng cách bảo đảm sự bảo vệ bình đẳng cho tất cả các thương nhân dù họ có đến từ nơi nào, trong khi phát triển các quy chuẩn thể chế chuẩn hóa. Một thái độ thoải mái đối với các khoản vay có lãi thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính hiện đại ở Amsterdam, bao gồm bảo hiểm hàng hải, khiến thành phố vừa là trung tâm hậu cần vừa là nguồn tài chính thương mại của châu Âu.

Việc thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan và một lực lượng hải quân mạnh mẽ giúp Amsterdam có được quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại và khu vực xa xôi như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và châu Mỹ. Các công ty đóng tàu của thành phố đi tiên phong trong sản xuất vật liệu mới và tàu chở hàng giá rẻ, giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Amsterdam đã đạt được đủ đòn bẩy trong chuỗi cung ứng để tiến hành cạnh tranh về giá cả, ưu tiên số lượng hơn biên lợi nhuận để loại bỏ đối thủ cạnh tranh yếu và bảo đảm vị trí độc quyền trong việc nhập khẩu hạt tiêu, chè và đường.

Tác động của những cuộc chiến tranh châu Âu và sự gia tăng ưu thế của hải quân Anh trong thế kỷ 18 dẫn đến việc London cuối cùng đã tước mất vị thế của Amsterdam. Tuy nhiên, phần lớn các bí quyết và tài sản có được trong thời kỳ thống trị của Amsterdam vẫn có vai trò nhất định cho đến ngày nay.

Làn sóng công nghiệp

Đối với nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử đô thị, kỷ nguyên hiện đại của sự toàn cầu hóa bắt đầu bằng quá trình công nghiệp hóa, tác dụng của nó diễn ra ở một tốc độ và trên một quy mô chưa từng thấy trước đây. Mặc dù sự toàn cầu hóa của hàng hóa thương mại đã có từ trước thời đại công nghiệp, nền công nghiệp hóa đã thực sự định hình lại toàn bộ xã hội, không chỉ là thị hiếu của nhóm người có thu nhập cao.

Một bước ngoặt trong quá trình toàn cầu hóa xảy ra vào những năm cuối thế kỷ 18 do sự kết hợp của địa chính trị và đổi mới công nghệ.

Vào thời điểm này trong lịch sử, chính phủ các nước đã trở nên hiệu quả hơn trong việc quản lý thương mại toàn cầu và giảm thiểu những rủi ro liên quan đến hoạt động này, trong khi đó giao thông ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn. Đây là những điều kiện tiên quyết cho các giai đoạn liên tiếp khi các thành phố trở nên toàn cầu hơn trong lĩnh vực thương mại chuyên môn hóa của mình, đa dạng hóa dân số, và tăng khả năng đổi mới thương mại.

Một bước ngoặt trong quá trình toàn cầu hóa xảy ra vào những năm cuối thế kỷ 18 do sự kết hợp của địa chính trị và đổi mới công nghệ. Chiến thắng của Anh trong Chiến tranh Bảy Năm (the Seven Years’ War)10 đã tăng cường quyền lực của Anh ở Ấn Độ, và một hệ thống chính quyền thuộc địa toàn diện hơn đã được thiết lập. Thực trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền công nghiệp Anh, và vào năm 1771 mô hình kéo sợi bông bằng sức nước đầu tiên đã được phát minh. Cùng khoảng thời gian đó, tranh chấp thuộc địa ở Bắc và Trung Mỹ cũng trở nên căng thẳng hơn.

Kết quả là, một làn sóng mới của các thành phố thực hiện toàn cầu hóa với tư cách là một phần của Đế quốc Anh. Việc buôn bán nô lệ, do London quản lý, đóng vai trò then chốt trong việc tài trợ cho chủ nghĩa đế quốc và quá trình công nghiệp hóa ở đất nước này, và các thành phố như Bridgetown, Barbados và Kingston, Jamaica đã trở thành đối tượng nhằm đáp ứng nhu cầu của đế chế này.

Khi đế chế mở rộng ra phía đông, Cape Town, Calcutta, và Hồng Kông đều trở thành các thành phố tham gia vào mạng lưới toàn cầu, với Calcutta (nay là Kolkata) là một phần trong hệ thống chủ nghĩa trọng thương (mercantilism)11, trong khi Hồng Kông trở thành một công cụ để thúc đẩy thương mại tự do. Ở đông Phi, Mombasa phát triển thành một cảng trung chuyển thương mại quan trọng với kinh doanh hàng hải phát triển mạnh liên kết với Ấn Độ và bán đảo Ả Rập, cũng như hoạt động thương mại trải dài khắp đông Phi. Một thành phố khác cũng trở nên cởi mở hơn với dòng chảy toàn cầu là Canton.

Đế quốc Anh có lẽ  có một tác động lớn lên các thành phố toàn cầu nhiều hơn so với bất cứ đối thủ nào, và nhiều thành phố tham gia vào dự án đế quốc này giờ vẫn có tầm ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. London, New York, Hồng Kông, Singapore, Sydney, Mumbai, Thượng Hải, Toronto, Cape Town, và Boston đều đã đẩy mạnh vai trò toàn cầu của mình cũng như vị thế trong Đế quốc Anh.

Sự kết nối cơ sở hạ tầng là thường là chất xúc tác. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho điều này là New York. Năm 1825, một liên minh phát triển giữa các nhà lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp của New York đã bắt đầu xây dựng kênh đào Erie, kết nối thành phố với Ngũ Đại Hồ (the Great Lakes)12 và miền trung tây Hoa Kỳ. Sự hiện diện của hệ thống đường thủy này dẫn đến một sự đột biến phi thường trong sản xuất, thương mại, và các ngành tài chính và bảo hiểm mới ở cấp địa phương, hỗ trợ sự tăng trưởng của một nước Mỹ non trẻ. New York đã vượt lên trước Philadelphia trong quyền lực tài chính nhờ sự gia tăng kết nối của nó.

Kênh Erie, năm 2011. Nguồn: Flickr.

Tại Anh, các thành phố như Liverpool, Bristol, và Birmingham trở nên thịnh vượng từ sự tiếp cận với thị trường đế quốc và tầm quan trọng với toàn cầu của mình. Manchester nổi lên như là thành phố công nghiệp toàn cầu đầu tiên của thế giới, trong khi London, nơi là trung tâm của tất cả những sự phát triển này, đã vượt qua kỷ lục dân số mọi thời đại của Bắc Kinh để chạm mốc hai triệu người vào năm 1840.

Trên khắp châu Âu, một làn sóng các thành phố được hưởng lợi từ sự phát triển đô thị chưa từng có và việc mở rộng công nghiệp. Các thành phố châu Âu tiến hành toàn cầu hóa trong làn sóng này có điểm chung là có những tài sản đặc biệt: kiến thức kinh doanh qua một lịch sử lâu đời, vị trí trên sông hoặc biển lớn, và sự sẵn có của các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than đá, sắt, và nước.

Từ nền tảng này, những nơi như Bilbao, Bremen, Leipzig, Sheffield và Turin, đã có thể xây dựng nền kinh tế sản xuất tầm cỡ, chuyên về kỹ thuật, công cụ máy móc, tàu thuyền, và các khu công nghiệp khác. Những nơi này đã thu hút một lực lượng lao động sản xuất khổng lồ, và trở thành các thành phố tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ công cộng, giáo dục, và thể chế dân sự.

Toàn cầu hóa kinh tế mở rộng ồ ạt diễn ra trong những thập kỷ này dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Một trong những nhóm thành phố chính tiến hành toàn cầu hóa trong làn sóng này là ở Hoa Kỳ. Các thành phố Mỹ trở nên khác biệt đáng kể và chuyên môn hóa vào thời điểm này, với sự pha trộn của các doanh nghiệp công nghiệp và “làn sóng thứ hai” của việc nhập cư, mà đã dẫn đến những đặc điểm xã hội và văn hóa rất khác nhau ở nơi đây.

New York chuyên môn hóa các dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng cao cấp, Chicago trở thành trung tâm của các nhà máy công nghiệp nặng, trong khi Los Angeles chuyển sang ngành dầu và các ngành công nghiệp sáng tạo. Dân số đa dạng và theo định hướng kinh doanh đóng một vai trò quan trọng: New York là cửa ngõ chính của Mỹ cho lao động nhập cư. Hàng chục triệu người nhập cư, chủ yếu là người châu Âu, đến thành phố này, và nhiều người định cư ở đây nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, khiến New York trở thành một thành phố quốc tế với quy mô chưa từng thấy.

Cơ sở hạ tầng là một nhân tố quan trọng đối với làn sóng toàn cầu hóa của các thành phố này ở Mỹ. Việc lắp đặt hệ thống kênh mương, đường sắt, hệ thống nước, đường cao tốc, và hệ thống xử lý nước thải đã cung cấp điều kiện cho một giai đoạn tăng trưởng phi thường kéo dài nửa thế kỷ.

Làn sóng sau chiến tranh

Một làn sóng lớn của các thành phố tham gia vào vai trò toàn cầu diễn ra sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sự thay đổi về địa chính trị và hỗ trợ đầu tư từ Mỹ tạo cơ hội cho nhiều thành phố có định hướng thương mại trở nên chuyên môn hóa cao. Thường được hưởng lợi từ sự lãnh đạo tốt, những thành phố trong làn sóng toàn cầu hóa này đã thành công trong việc phục hồi và lập kế hoạch trước để tránh điều tồi tệ nhất có thể xảy ra khi bị tắc nghẽn.

Munich, Toronto, và Tokyo là những ví dụ nổi bật trong làn sóng này. Những thành phố này đã tăng cường liên kết và tiến hành quá trình hiện đại hóa có tổ chức trong một môi trường chính trị mang tính hỗ trợ cao giữa những tầng cao hơn của chính phủ. Đối với làn sóng này, đây là một yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp để, cùng với một nền tảng kiến ​​thức vững chắc, phát triển các sản phẩm chất lượng phục vụ cho xuất khẩu.

Các thành phố trong làn sóng toàn cầu hóa này đã rất nổi bật vào giữa những năm 1970, ở thời điểm mà họ đã có được rất nhiều các tài sản cốt lõi, giúp tăng sức cạnh tranh của họ ngày hôm nay. Mặc dù các thành phố này đã trải qua những giai đoạn trì trệ trong 25 năm vừa rồi, họ đã bảo tồn thành công một nền văn hóa và những cải tiến nhằm hỗ trợ cho sự chuyên môn hóa trên phạm vi toàn cầu.

Có lẽ ví dụ đáng chú ý nhất trong làn sóng này là Singapore, thành phố toàn cầu duy nhất là một đất nước tự chủ hoàn toàn. Trước khi độc lập vào năm 1965, triển vọng kinh tế của Singapore không hề chắc chắn. Các ngành công nghiệp thương mại trung chuyển truyền thống của nó suy giảm, sản xuất thì trì trệ, và nhà ở và đường xá thì trong tình trạng cấp bách cần hiện đại hóa.

Nhưng vị thủ tướng đầu tiên của đất nước này, Lý Quang Diệu, đã không nản chí bởi những giới hạn địa lý, và đã ngay lập tức theo đuổi một chính sách công nghiệp hóa tập trung vào lao động và mở cửa với nguồn vốn nước ngoài. Trọng tâm được nhấn mạnh vào các ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư công nghiệp, cải thiện kỷ luật lao động, giáo dục kỹ thuật và chuyên môn nước ngoài, nhằm chuyên môn hóa trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp. Singapore ngay lập tức cố gắng xây dựng vai trò thương mại và kết nối bằng cách tận dụng vị trí của mình là một thành phố đa ngôn ngữ, có liên hệ với cả phương đông và phương tây, cùng một mô hình pháp lý phương tây mạnh mẽ.

Kể từ khi đạt được vị thế toàn cầu, Singapore đã liên tục thích ứng với thị trường thế giới thông qua các chính sách nhà nước và các chương trình khuyến khích sản xuất công nghiệp nhẹ và đầu tư nghiên cứu công nghệ cao. Đặc biệt, hội đồng phát triển kinh tế và hội đồng phát triển nhà ở của họ đã có thể tận dụng quy mô của các tổ chức công lớn để tạo ra những hệ thống hiệu quả ở quy mô toàn thành phố.

Làn sóng toàn cầu hóa sau chiến tranh cũng thúc đẩy quá trình giải phóng thuộc địa, dẫn đến nhiều thành phố bị mất vai trò đế quốc. Trong quá khứ, nhiều thành phố toàn cầu suy yếu cùng với những đế quốc trước đó đã phát triển chúng. Thật vậy, với London, khoảng thời gian này là một quá trình hậu chiến tranh đầy thách thức của việc giảm công nghiệp hóa, suy giảm về cảng biển, và quản lý lỗi thời trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán, ngân hàng, và bảo hiểm.

Mặc dù London thu hút người nhập cư từ cộng đồng người Do Thái hải ngoại trong khối Thịnh vượng chung (Commonwealth)13, thành phố tiếp tục suy giảm dân số cho đến giữa những năm 1980, khi nó lại tiếp tục cuộc hành trình trở thành một thành phố toàn cầu điển hình.

Làn sóng sức mạnh công nghệ thông tin

Thập kỷ sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 và cuộc suy thoái toàn cầu tiếp đó là giai đoạn biến chuyển lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Những mô hình cũ đã trở nên mất uy tín và những ý tưởng và giải pháp mới được chú ý nhiều hơn. Vào giữa những năm 1980, một làn sóng toàn cầu hóa mới được tiến hành, ban đầu được dẫn đầu bởi một nhóm nhỏ các thành phố, nhưng sau đó số lượng các thành phố nhỏ tham gia vào làn sóng này ngày một tăng, trở nên gắn kết cùng mạng lưới cũng như theo định hướng toàn cầu lần đầu tiên.

Đối với một nhóm trung tâm tài chính nhỏ và thuộc tầng lớp tinh hoa, khoảng thời gian giữa những năm 1980 bắt đầu một làn sóng của sự hồi sinh khi các thành phố lại bắt đầu thu hút người dân, doanh nghiệp, và vốn. London và New York bắt đầu đảo ngược sự suy giảm dân số của mình, và ở London sự kiện “vụ nổ Big Bang” năm 198614 trong các dịch vụ tài chính đã đánh dấu sự khởi đầu của một thế hệ mới các ngân hàng quốc tế và sự mở cửa của các công ty dịch vụ kinh doanh.

Đối với những nước thuộc khu vực châu Á trong nhóm này, như Tokyo và Singapore, làn sóng này được đặc trưng bởi một sự toàn cầu hóa chọn lọc và có chiến thuật hơn. Nó thúc đẩy sự quốc tế hóa trong ngành tài chính và kinh doanh thông qua cải cách tự do, trong khi cũng hạn chế sự tiếp xúc quá gần với những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.

Làn sóng toàn cầu hóa mới đã làm nổi lên những thành phố mà cho đến tận lúc đó vẫn chưa có định hướng toàn cầu.

Trong làn sóng toàn cầu hóa này, các thành phố cũng tái thiết lập nguồn vốn thông tin và truyền thông trong khu vực của mình. Giai đoạn này là giai đoạn đáng chú ý về những thay đổi đáng kể trong chính quyền ở một số thành phố – như việc bãi bỏ và sau đó là tái thiết một hệ thống chính quyền đô thị ở London; chính sách “một nước, hai chế độ”15 mới ở Hồng Kông, nhằm tìm cách đảm bảo rằng nơi này sẽ duy trì một hệ thống tư bản chủ nghĩa trong 50 năm sau sự chuyển giao từ Anh sang Trung Quốc năm 1997; và sự rút lui ngày càng nhiều của chính phủ liên bang khỏi vai trò của mình ở thành phố New York.

Cùng lúc đó, làn sóng toàn cầu hóa mới đã làm nổi lên những thành phố mà cho đến tận lúc đó vẫn chưa có định hướng toàn cầu. Bối cảnh địa chính trị toàn cầu đã thay đổi đáng kể như một hệ quả của sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, sự thống nhất của Đức, sự mở cửa của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1980, và Hiệp định bòa bình Oslo vào năm 1993, một phần của tiến trình hòa bình Ả Rập-Israel.

Các thỏa thuận hiệp định thương mại mới – chẳng hạn như Khu vực Kinh tế châu Âu và Hiệp hội Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), và sự thành lập của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 1995 – đã mở ra một kỷ nguyên của chủ nghĩa đa phương (multilateralism)16, cho phép nhiều quốc gia và thành phố tiến hành toàn cầu hóa. Những yếu tố này tạo ra cơ hội cho sự phát triển của các thành phố đi đầu trong nhóm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và nhóm nhỏ hơn MINT (Mexico, Indonesia, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ), cũng như ở Đông Âu, Trung Đông, và châu Úc. Những thành phố đáng chú ý nhất trong làn sóng toàn cầu này là Bangalore, Barcelona, ​​Cape Town, Sydney, và Tel Aviv.

Những sự chuyên môn hóa mới trong thương mại gắn với cuộc cách mạng thông tin và công nghệ truyền thông thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa bất ngờ của nhiều thành phố. Bangalore là một trong những ví dụ nổi bật nhất: sự chuyên môn hóa trong lĩnh vực điện tử của thành phố này bắt đầu vào năm 1985 sau sự xuất hiện của Texas Instruments17. Điều này khiến các công ty đa quốc gia khác quay trở lại và thúc đẩy thị trường thiết kế phần mềm nội địa, đặt nền tảng cho những bước tiến tiếp theo trong chuỗi giá trị.

Một ví dụ nổi bật khác về vai trò của sự đổi mới trong việc thúc đẩy một thành phố tiến hành toàn cầu hóa là Tel Aviv18. Tinh thần thương mại và chủ nghĩa tư bản trong kinh doanh của thành phố trẻ này chuyển đổi thành một khu vực mở và tập trung trải rộng về kỹ năng tài chính, quang học, thông tin liên lạc, hệ thống thông tin, y tế, và phần mềm. Nền tảng công nghệ mạnh mẽ này được củng cố bởi sự đầu tư vào quân đội Israel trong các ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến của thành phố, mà thường xuyên đào tạo những tài năng chuyên nghiệp.

Cảng Jaffa tại thành phố Tel Aviv, 2013. Nguồn: Flickr.

Với nhóm công nghệ được hưởng lợi từ một thỏa thuận hỗ trợ đầu tư giai đoạn đầu và một thái độ tích cực đối với rủi ro, Tel Aviv được ghi nhận với nhiều phát minh công nghệ. Lãnh đạo thành phố từ thời điểm đó đã tìm cách để củng cố tiềm năng toàn cầu này bằng cách nhấn mạnh vào sự đa dạng, khả năng dung hòa, và sự sẵn sàng đầu tư của Tel Aviv.

Làn sóng toàn cầu hóa này nổi bật bởi cách tiếp cận có chủ ý hơn, thực hiện bởi chính quyền thành phố và việc tăng cường lập kế hoạch chiến lược cho các thành phố toàn cầu hóa. Đối với các thành phố như Barcelona và Tel Aviv, chính quyền thành phố thiết kế phương pháp chiến lược cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống, và kiến ​​trúc để xây dựng một hình ảnh thu hút nhân tài toàn cầu. Nhiều thành phố cũng chuyển đổi đất thương mại để sử dụng vào hoạt động đổi mới hơn. Trong hầu hết các trường hợp, các thành phố này đã chứng kiến ​​một làn sóng chưa từng có của sự đa dạng hóa dân số, thúc đẩy bởi nguồn lao động nhập cư và những tài năng lưu động. Ở thời điểm cao trào của làn sóng này vào năm 2007-2008, các thành phố này đã có một mục tiêu toàn cầu hoàn toàn khác – và những vấn đề mới đã xuất hiện cùng sự tăng trưởng.

Làn sóng hiện tại

Chu kỳ gần đây nhất của toàn cầu hóa đã chứng kiến ​​sự khởi đầu của một làn sóng mới của những thành phố đặc biệt, chuyên môn hóa, và có khát vọng toàn cầu. Nhiều trong số đó là các thành phố có thu nhập cao hơn trong khu vực của mình, họ tìm cách tận dụng cơ sở hạ tầng hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống, an ninh và môi trường tốt hơn so với các siêu thành phố lớn hơn.

Các thành phố của làn sóng này không nắm nhiều chức năng về chính trị và thể chế. Thay vào đó, họ cạnh tranh trong các ngành công nghiệp toàn cầu năng động hơn và chuyển biến nhanh hơn, nơi có cơ hội thị phần lớn hơn. Trong nhóm này có Brisbane, San Diego, Thâm Quyến, Santiago de Chile, và Stockholm.

Trong hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động của nó đối với khu vực tài chính công, khả năng tìm kiếm các nguồn lực và công cụ đầu tư mới của các thành phố là một nhân tố chính thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa từ năm 2008. Brisbane là một ví dụ về một thành phố đã có thể tiến hành toàn cầu hóa với sự giúp đỡ của một chính quyền thành phố lớn và mạnh về tài chính, sử dụng thặng dư từ sự bùng nổ hàng hóa lúc đó để xây dựng một mô hình quốc tế hơn cho phát triển kinh tế.

Hội đồng thành phố Brisbane đã theo đuổi một loạt các hợp tác kinh doanh mạo hiểm, các thỏa thuận doanh nghiệp được tài trợ, các sự kiện thể thao, và thuyết phục chính quyền tiểu bang ưu tiên tài trợ đường sắt và cơ sở hạ tầng cho Brisbane. Thành phố này cũng đã thử nghiệm với các đối tác công-tư và trạm thu phí, đạt được một số thành tựu nhất định.

Phần lớn sức hấp dẫn đầu tư của thành phố này là do danh tiếng của nó ở châu Á, nơi mà chương trình đại sứ của nó đã thúc đẩy mạnh mẽ các kết nối đầu tư nước ngoài và tiếp cận thành công hơn với các công ty hàng hóa Trung Quốc, Nhật Bản, và Malaysia. Khả năng thu hút một thế hệ mới những người nhập cư và các doanh nhân chính là yếu tố chủ đạo trong sự thành công của các thành phố trong làn sóng này.

Khả năng truyền đạt cơ hội và thu hút thế giới, dù với các tài năng, các nhà đầu tư, hay du khách, đều rất quan trọng. London là một ví dụ về một thành phố mà đã thành công trong hoạt động này từ năm 2008. Thông qua một tổ chức thống nhất, London & Partners, thành phố này đã đưa ra một thông điệp nhất quán với thế giới rằng họ chào đón kinh doanh và đầu tư, và đã có những bước tiến đáng kể trong việc trở thành một thành phố đón đầu các ngành công nghiệp công nghệ và khoa học mới.

Trong y học, phương tiện truyền thông, và các ngành công nghiệp kỹ thuật số, các thành phần của những cải tiến đi đầu, kết hợp với một thành phố mở cửa với thị trường lao động sâu sắc và có tính quốc tế, đã tạo nên một công thức chiến thắng. Các tổ chức vận động của thành phố đã giúp duy trì sức hấp dẫn của nó bằng cách vận động thành công một doanh nghiệp cạnh tranh và thuế môi trường.

Bài học cho các thành phố tương lai

Một so sánh về các làn sóng toàn cầu hóa trong hai thế kỷ qua với những làn sóng trước đó cho thấy rõ ràng rằng thời gian diễn ra của mỗi làn sóng đang trở nên ngắn hơn. Những làn sóng đã từng kéo dài một hoặc hơn một thế kỷ, ngày nay chúng chỉ xuất hiện để hoàn thành vai trò của mình trong khoảng 15 đến 20 năm, và trong tương lai khoảng thời gian này có thể còn ngắn hơn. Khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên tích hợp, những làn sóng toàn cầu hóa thành phố ngày càng giống với chu kỳ kinh tế toàn cầu, và cơ hội cho các thành phố tham gia sẽ khép lại một cách nhanh chóng.

Mặc dù có sự khác biệt lớn giữa mạng lưới các thành phố dọc theo Con đường Tơ lụa cổ xưa và hệ thống các chuỗi giá trị toàn cầu thế kỷ 21 cùng lợi thế cạnh tranh, chúng vẫn có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Các thành phố ngày nay có thể học hỏi nhiều từ cách những thành phố trong làn sóng trước đó xây dựng và duy trì các thuộc tính cạnh tranh của mình, và làm thế nào để tránh bị vướng vào những chu kỳ phát triển không bền vững hoặc không hiệu quả.

Các chiến lược thay thế và cách tiếp cận khác tới sự gắn kết toàn cầu đã xuất hiện. Qua thời gian, những con đường thay thế này sẽ tạo nên những kiểu thành phố toàn cầu rất khác nhau.

Không phải tất cả các thành phố hàng đầu hiện nay đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Nhiều thành phố bắt đầu từ tình trạng không hứa hẹn hay không cạnh tranh vì những yếu kém nội tại hoặc bất lợi từ bên ngoài. Đôi khi các thành phố phải chịu một thời gian dài bị cô lập trên phạm vi toàn cầu, và bắt đầu quốc tế hóa chỉ khi sự thay đổi địa chính trị xảy ra và có nguồn đầu tư từ nước ngoài. Đây chính là trường hợp xảy ra trong thế kỷ 20, và trong thế kỷ 21 nó được công nhận ở nhiều thành phố khác ngoài những thành phố phương Tây.

Tương tự, những chuyển biến của vận mệnh các thành phố có nghĩa là một số thành phố mà chúng ta nghiễm nhiên công nhận vị thế toàn cầu hiện nay của nó có thể sẽ có ít định hướng toàn cầu hơn trong tương lai. Lịch sử cho thấy đây là một nguy cơ nếu thành phố mất đi khả năng cạnh tranh trong giao thương, thất bại trong việc trân trọng sự đổi mới hoặc dự đoán tầm ảnh hưởng, đóng cửa với người nhập cư và doanh nghiệp, hoặc không thể thích ứng với một trọng tâm địa chính trị hoặc địa kinh tế đang thay đổi.

Các yếu tố tạo nên những thành phố thành công nhất hiện nay đôi khi gây khó khăn cho các thành phố khác để học tập trực tiếp, và bởi vậy nên các chiến lược thay thế và cách tiếp cận khác tới sự gắn kết toàn cầu đã xuất hiện. Qua thời gian, những con đường thay thế này sẽ tạo nên những kiểu thành phố toàn cầu rất khác nhau.


  1. Mohenjo-daro và Harappa là hai thành phố lớn nhất thuộc Nền văn minh lưu vực sông Ấn (còn được gọi là Nền văn minh Harappa – nơi đầu tiên được khai quật ở khu vực này, một nền văn minh Thời kỳ đồ đồng), xuất hiện vào khoảng năm 2600 trước Công nguyên dọc theo thung lũng sông Indus ở Punjab và Sindh.

    Mohenjo-daro được xây dựng khoảng năm 2500 trước Công nguyên, nó là một trong những khu đô thị lớn đầu tiên trên thế giới, cùng thời với những nền văn minh Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Minoan Crete, và Norte Chico. Mohenjo-daro đã bị lãng quên vào thế kỷ 19 TCN là Nền văn minh lưu vực sông Ấn suy tàn, mãi tới năm 1920 mới được các nhà khảo cổ khai quật. Di tích hiện đang bị đe dọa bởi sự xói mòn và phục hồi không đúng cách.

    Harappa là thành phố được cho là đã có đến 23.500 cư dân và chiếm khoảng 150 ha (370 mẫu Anh) với rất nhiều ngôi nhà bằng đất sét vào thời kỳ tăng trưởng của nó (2600-1900 TCN). Thành phố cổ Harappa bị phá hủy nặng nề dưới sự cai trị của Anh, khi gạch từ di tích này đã được sử dụng trong việc xây dựng các tuyến đường sắt Lahore Multan. Năm 2005, một đề án công viên giải trí gây tranh cãi đã bị bãi bỏ khi những người thợ xây khai quật được rất nhiều hiện vật khảo cổ tại đây, và một nhà khảo cổ học người Pakistan tên Ahmad Hasan Dani đã kêu gọi Bộ Văn hoá phục hồi lại di tích.

  2. Thành phố toàn cầu (còn gọi là Thành phố alpha hay Trung tâm thế giới) là một thành phố thường được coi là một nút thắt quan trọng trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Khái niệm này xuất phát từ những nghiên cứu về vị trí địa lý và đô thị, và có thể được hiểu thành phố toàn cầu được hình thành, tạo điều kiện, và được thi hành trên diện rộng ở những nơi có chiến lược địa lý, theo một hệ thống quan trọng đối với hoạt động tài chính và thương mại toàn cầu.

  3. Cái chết Đen là một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, khiến 75-200,000,000 người tại Âu và châu Á tử vong; nó đạt tới đỉnh điểm ở châu Âu trong những năm 1346-1353. Mặc dù đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây ra bệnh dịch này, song phân tích ADN từ các nạn nhân ở miền bắc và miền nam châu Âu được công bố năm 2010 và 2011 cho thấy rằng các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Yersinia pestis, một loại kí sinh trùng có thể lây bệnh cho con người từ bọt chét ở chuột.

  4. Hanseatic League là một liên minh thương mại – phòng thủ của các phường hội thương gia và thị trường ở các thành phố. Hình thành từ một vài thị trấn Bắc Đức vào những năm cuối 1100s, Liên đoàn đã thống trị thương mại hàng hải vùng biển Baltic dọc bờ biển Bắc Âu trong ba thế kỷ. Nó trải dài từ biển Baltic đến Biển Bắc và tiến vào nội địa trong khoảng thời gian cuối thời kỳ Trung đại – đầu thời kỳ Cận đại. Hanse, sau đó được đánh vần như Hansa, là một từ tiếng Trung-Hạ Đức (Middle Low German, một phương ngữ ở Bắc Đức) để diễn tả một đoàn hộ tống, và từ này được áp dụng cho các đoàn thương nhân di chuyển giữa các thành phố Hanseatic bằng đường bộ hoặc bằng đường biển.

  5. ”Sự chia rẽ sâu sắc” (great divergence) là một thuật ngữ được đặt ra bởi Samuel Huntington – một nhà khoa học chính trị, cố vấn, viện sĩ người Mỹ – để đề cập đến quá trình mà thế giới phương Tây (tức là Tây Âu và các bộ phận của thế giới mới, nơi con người đã trở thành các quần thể chi phối) vượt lên những hạn chế về tăng trưởng thời tiền hiện đại và nổi lên như một thế giới văn minh mạnh mẽ và giàu có nhất mọi thời đại, vượt qua cả nhà Thanh của Trung Quốc, Đế chế Mughal của Ấn Độ, thời Tokugawa của Nhật Bản, thời Joseon của Hàn Quốc và Đế chế Ottoman vào thế kỷ 19. Độc giả quan tâm có thể xem thêm chi tiết tại đây.

  6. Đế chế Mughal là một đế chế trong tiểu lục địa Ấn Độ, được thành lập và cai trị bởi một triều đại Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Chagatai Turco-Mongol có nguồn gốc từ Trung Á. Triều đại này, mặc dù thuộc sắc tộc Turco-Mông Cổ, đã được Ba Tư hóa về mặt văn hóa. Đế chế Mughal mở rộng trên nhiều vùng rộng lớn của tiểu lục địa Ấn Độ và Afghanistan. Ở đỉnh kỳ đỉnh cao của nó, đây là khu vực lớn thứ hai trong tiểu lục địa Ấn Độ, kéo dài 4 triệu cây số vuông, chỉ sau đế chế Maurya (5 triệu km vuông).

  7. Đế chế Habsburg là một trong những đế chế có ảnh hưởng nhất của châu Âu. Ngôi vị Thánh chế La Mã đã liên tục bị chiếm đóng bởi đế chế này giữa các năm 1438 và 1740. Họ tạo nên những vị hoàng đế và các vị vua của Vương quốc Bohemia, Vương Quốc Anh (Jure uxoris King), Vương quốc Đức, Vương quốc Hungary, Vương quốc Croatia, Đế chế Mexico II, Vương quốc Ireland (Jure uxoris king), Vương quốc Bồ Đào Nha, và Habsburg Tây Ban Nha,… Từ thế kỷ XVI, sau triều đại của vua Charles V , triều đại này đã được phân chia ra ha nhánh Áo và Tây Ban Nha. Mặc dù họ cai trị vùng lãnh thổ khác nhau, song vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ và thường xuyên.

  8. Bruges là thủ đô và thành phố lớn nhất của tỉnh Tây Flanders ở vùng Flemish của Bỉ, về phía tây bắc của đất nước này.

  9. Seville là thủ đô và là thành phố lớn nhất của cộng đồng tự trị Andalusia và tỉnh Seville, Tây Ban Nha. Nó nằm trên đồng bằng sông Guadalquivir. Những cư dân của thành phố được gọi là sevillanos (người nữ gọi là sevillanas) hoặc hispalenses, sau tên gọi thời La Mã của thành phố, Hispalis. Đây là thành phố lớn thứ tư ở Tây Ban Nha và xếp thứ 30 về các đô thị đông dân nhất trong Liên minh châu Âu. Old Town, với diện tích 4 cây số vuông, có tới ba di sản thế giớ UNESCO: quần thể cung điện Alcázar, Thánh đường Cathedral và Cục lưu trữ tổng hợp Ấn Độ (General Archive of the Indies). Cảng Seville, trải dài khoảng 80 km (50 dặm) từ Đại Tây Dương, là cảng sông duy nhất ở Tây Ban Nha. Seville cũng là khu vực nóng nhất Tây Âu, với nhiệt độ trung bình vào mùa hè cao trên 35°C.

  10. Chiến tranh Bảy năm là một cuộc xung đột xảy ra trong khoảng thời gian bảy năm từ 1756 đến 1763. Nó liên quan đến mọi đại cường châu Âu trừ đế quốc Ottoman và kéo dài trên năm châu lục, ảnh hưởng đến châu Âu, Châu Mỹ, Tây Phi, Ấn Độ và Philippines. Cuộc xung đột chia châu Âu thành hai liên minh: một bên do Vương quốc Anh lãnh đạo (gồm Phổ, Bồ Đào Nha, Hanover, và các nước Đức nhỏ khác) và một bên là Vương quốc Pháp (gồm Đế chế La Mã Thần thánh dưới sự dẫn dắt của Áo, Nga, Tây Ban Nha và Thụy Điển). Trong khi đó, ở Ấn Độ, Đế chế Mughal, với sự hỗ trợ của Pháp, đã cố gắng để đè bẹp Anh trong nỗ lực để chinh phục Bengal.

  11. Chủ nghĩa trọng thương là một lý thuyết kinh tế và thực hành đã chiếm ưu thế ở Tây Âu trong thời gian từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19. Chủ nghĩa trọng thương là một hình thức của chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Mục tiêu của nó là để làm giàu và trao quyền cho các quốc gia và nhà nước đến mức độ tối đa, bằng cách mua lại và giữ chân các hoạt động kinh tế càng nhiều càng tốt trong biên giới của quốc gia. Sản xuất và công nghiệp được ưu tiên, đặc biệt là hàng hóa có các ứng dụng quân sự. Chủ nghĩa trọng thương tìm cách đảm bảo các quốc gia sản sinh ra càng nhiều khối lượng và đa dạng về sản lượng càng tốt, để hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

  12. Ngũ Đại Hồ gồm năm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới nằm trên hay gần biên giới Canada–Hoa Kỳ, 20% dung tích nước ngọt trên thế giới nằm trong nhóm hồ này. Đó là các hồ: Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior.

  13. Commonwealth là một thuật ngữ tiếng Anh truyền thống cho một cộng đồng chính trị thành lập vì lợi ích chung. Trong lịch sử, đôi khi nó được đồng nghĩa với từ “cộng hòa”. Thuật ngữ này theo nghĩa đen có nghĩa là “phát triển chung” (common well-being). Trong thế kỷ 17, định nghĩa của “thịnh vượng chung” mở rộng từ ý nghĩa ban đầu của nó là “phúc lợi công cộng”, nghĩa là “một nhà nước trong đó quyền lực tối cao được trao cho người dân; là một nhà nước cộng hòa hoặc nhà nước dân chủ”.

  14. ”Vụ nổ Big Bang” 1986 là kết quả của một thỏa thuận vào năm 1983 bởi chính phủ Thatcher và thị trường chứng khoán London để giải quyết trên diện rộng trường hợp chống độc quyền đã được khởi xướng trong chính phủ trước đây của Văn phòng Mậu dịch Công bằng (Office of Fair Trading) chống lại thị trường chứng khoán London dưới sự kiểm soát của Đạo luật về những Thông lệ thương mại hạn chế năm 1956 (Restrictive Trade Practices Act 1956). Nó yêu cầu cả người môi giới và người đầu cơ phải độc lập và không là một phần tử của bất kỳ nhóm tài chính nào lớn hơn, và loại trừ các thị trường chứng khoán của tất cả người nước ngoài.

  15. “Một nước, hai chế độ” là ý tưởng được Đặng Tiểu Bình – Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đề xuất trong quá trình tái thống nhất Trung Quốc vào đầu thập niên 1980. Các khu vực tự trị như Hồng-kông, Ma-cao và Đài Loan có thể tiếp tục duy trì hệ thống chính trị, kinh tế, quân sự riêng, bao gồm cả các hiệp định thương mại và văn hóa với nước ngoài; sẽ được hưởng một số quyền nhất định.

  16. Trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa đa phương tức là nhiều quốc gia cùng tập trung giải quyết một vấn đề nhất định. Đây là một hình thức liên minh, mặc dù nó có thể được cấu trúc hơi khác so với các liên minh truyền thống. Có rất nhiều định nghĩa về chủ nghĩa đa phương. Độc giả quan tâm có thể xem thêm tại đây.

  17. Texas Instruments Inc (TI) là một công ty công nghệ của Mỹ chuyên thiết kế và sản xuất chất bán dẫn cho các nhà thiết kế thiết bị điện tử và các nhà sản xuất trên toàn cầu. Có trụ sở chính đặt tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ, TI là một trong những công ty bán dẫn hàng đầu trên toàn thế giới, dựa trên khối lượng bán hàng. TI tập trung vào phát triển các loại chip điện tử và bộ xử lý, đem lại hơn 85% doanh thu của họ, đồng thời cũng sản xuất công nghệ xử lý ánh sáng kỹ thuật số (DLP) và công nghệ cho giáo dục,… Đến nay, TI đã có hơn 43.000 bằng sáng chế trên toàn thế giới.

  18. Tel Aviv là một thành phố tọa lạc tại Địa Trung Hải, trải dài trên 50,5 km2; đây là thành phố đông dân thứ hai của Israel, với lượng dân cư là 382.500 người. Nó được hình thành năm 1909 bởi những người Do Thái nhập cư làm nơi cư trú thay cho khu vực có nhà ở đắt đỏ ở thành phố cảng lân cận Jaffa. Sự tăng trưởng mau chóng của Tel Aviv giúp nó vượt hẳn nước láng giếng Yafo và hai thành phố đã được hợp nhất với nhau tạo thành đô thị Tel Aviv-Yafo vào năm 1950, hai năm sau thành lập nhà nước Israel. Tel Aviv được công nhận là một ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu thành phố toàn cầu, và được mệnh danh là thành phố có cuộc sống đắt đỏ nhất ở vùng Trung Đông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất