a
§ Tác giả: Jan-Willem van Prooijen | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Việt Thắng | Hiệu đính:  Za
26/07/2020

Ngọn lửa bao trùm Nhà thờ Đức Bà ngày 15/4/2019 đã làm tan nát trái tim bao người say mê văn hóa trên toàn thế giới. Người dân Paris đã bật khóc khi ngọn lửa khiến những phần quan trọng của thánh đường vĩ đại này chỉ còn là đống tro tàn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đăng trên Twitter dòng tâm tư không chỉ nói thay tiếng lòng của người Pháp, mà còn là của rất nhiều người dân trên toàn thế giới: “Je suis triste ce soir de voir brûler cette part de nous” (“Tôi vô cùng đau xót khi chứng kiến một phần của chúng ta bị thiêu rụi”). Theo nguồn tin chính thống, vụ cháy là một tai nạn, khả năng cao là do sự cố kĩ thuật. Tuy vậy, chỉ là vấn đề thời gian trước khi những thuyết âm mưu đầu tiên bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Ngay cả trước khi đám cháy được dập tắt, các website đầy thuyết âm mưu như 4chan đã bắt đầu cáo buộc chính phủ Pháp, người Do Thái, hoặc một nhóm khủng bố Hồi giáo là thủ phạm gây ra vụ cháy. Gần như ngay tức khắc, những cáo buộc này lan truyền tới tai những độc giả có tư tưởng cởi mở trên toàn thế giới. Đây là quá trình được mọi người trông đợi khi một sự kiện nào đó xảy ra. Các sự kiện xã hội lớn, có tầm ảnh hưởng và gây sốc — như hỏa hoạn, lũ lụt, tấn công khủng bố, chiến tranh — thường gợi ra nhiều thuyết âm mưu trong lòng những người nghi ngờ nguồn tin tức chính thống.

Những chính khách phe cánh hữu cực đoan đã lên tiếng đồng tình với thuyết âm mưu cho rằng vụ cháy là một cuộc tấn công khủng bố do tín đồ Hồi giáo cực đoan gây ra. Nhà bình luận chính trị phe cực hữu Hal Turner cho rằng có mối liên hệ giữa vụ cháy Nhà thờ Đức Bà và các vụ hỏa hoạn gần đây tại các nhà thờ Cơ-đốc giáo ở Mỹ, Úc và Nga. Ông khẳng định nguyên nhân của những vụ tai nạn này là “Chiến tranh Hồi giáo,” thậm chí ông còn đăng tải một video cho thấy một tín đồ Hồi giáo đã có mặt tại Nhà thờ Đức Bà khi ngọn lửa bùng phát. Kiểm tra xác minh sau đó tiết lộ rằng người trong đoạn video không phải tín đồ Hồi giáo mà là người lính cứu hỏa đang đội mũ, đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ. Đến khi đó, đoạn video đã có hàng trăm lượt re-tweet. Ngay tại Hà Lan, đoạn video cũng thu hút sự chú ý khi được Thierry Baudet, ngôi sao mới nổi của phe dân túy cánh hữu ở Hà Lan re-tweet.

Đặc biệt trong những năm gần đây, thuyết âm mưu tràn ngập trên internet và mạng xã hội. Các nền tảng truyền thông hiện đại này cho phép thuyết âm mưu lan tỏa nhanh chóng hơn bao giờ hết, khiến những người cùng chung lối suy nghĩ dễ dàng kết nối với nhau và hình thành các buồng phản âm (echo chamber) — những tiếng nói đồng thanh cất lên để củng cố quan điểm cho nhau. Kết quả là, trào lưu Trái Đất phẳng — trào lưu ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng Trái Đất thật ra có hình dạng phẳng dẹt và các nhà khoa học đã nói dối công chúng hơn 500 năm qua — hiện là một cộng đồng có tổ chức với các hội nghị thường kỳ. Người ta thậm chí có thể đặt lịch tham gia những kỳ nghỉ chuyên về thuyết âm mưu; chẳng hạn, chuyến hải trình Conspira-Sea mời chào kỳ nghỉ một tuần trên du thuyền, chương trình bao gồm các bài phát biểu và buổi thảo luận về thuyết âm mưu.

Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử của Donald Trump ở Mỹ và cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh, thuyết âm mưu đã trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc đàm luận chính trị, đặc biệt là đối với những người ủng hộ phong trào dân túy. Những phong trào này thường khắc họa cuộc đối đầu giữa “tầng lớp thượng lưu lũng đoạn” với “tầng lớp nhân dân trong sạch.” Tư tưởng dân tuý nuôi dưỡng thuyết âm mưu, nó giả định rằng tầng lớp thượng lưu cố tình khơi mào khủng bố, khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh lên các tầng lớp khác. Có lẽ chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của thuyết âm mưu. Chưa bao giờ số người tin vào thuyết âm mưu lại đông đảo đến thế, và xã hội chúng ta là mảnh đất màu mỡ cho chúng đơm hoa kết trái.

Nhưng có thực là vậy không? Đúng là hiện nay thuyết âm mưu có tốc độ lan truyền nhanh chóng, và những người chung lối suy nghĩ dễ dàng tìm thấy nhau trên mạng. Nhưng điều đó không chứng tỏ tỉ lệ những người tin vào thuyết âm mưu thực sự tăng lên hay công nghệ thông tin là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Thực ra, xu hướng đề ra thuyết âm mưu đã tồn tại từ khi loài Homo Sapiens xuất hiện.

Thuyết âm mưu là sự ngờ vực rằng có một nhóm người đã cấu kết với nhau trong một thỏa thuận bí mật để lên kế hoạch thực hiện tội ác. Định nghĩa này hàm ý rằng một âm mưu luôn luôn bao gồm nhiều nhân tố hoạt động cùng nhau, những người này hợp thành một tổ chức hoặc một nhóm. Những kẻ đơn độc cũng có thể lên kế hoạch và thực hiện tội ác, nhưng đó không phải là âm mưu nếu họ không cấu kết với người khác. Hơn nữa, định nghĩa này hàm ý rằng âm mưu được thiết lập bởi các nhóm thù địch: “Bọn chúng” đang cố gắng hãm hại “Chúng ta.”

Người ta có thể phản bác rằng người dân vẫn thường tin vào thuyết âm mưu liên quan đến động thái của chính phủ nước họ. Nhưng thực ra, cũng chính người dân sẽ cảm thấy bị tước quyền và bị gạt ra khỏi nền chính trị trong nước. Ở Mỹ, người của Đảng Dân chủ có thể tin vào thuyết âm mưu về chính phủ đặc biệt là khi chính quyền Cộng hòa đang tại chức, và ngược lại. Nói cách khác, người dân khả năng cao sẽ tin vào thuyết âm mưu khi họ coi chính phủ là “Bọn chúng,” không đại diện cho “Chúng ta.”

Khẳng định trên cho thấy, gốc rễ của lối tư duy âm mưu nằm ở bản năng cổ xưa của con người khi luôn phân định xã hội thành “Bọn chúng” và “Chúng ta.” Nếu đúng là như vậy, ta có thể suy đoán rằng thuyết âm mưu đã xuất hiện từ hàng thiên niên kỷ trước, khi loài người còn đang sống bằng nghề săn bắt hái lượm thời đại đồ đá cũ.

Bị cuốn hút bởi bản năng bộ lạc của con người thời đó, nhà tâm lý học tiến hóa Mark van Vugt và tôi đã viết một bài báo phân tích nguồn gốc tiến hóa của thuyết âm mưu, bài báo sau đó được xuất bản trong cuốn “Perspectives on Psychological Science” (tạm dịch: Những góc nhìn về ngành Khoa học Tâm lý) năm 2018. Trước cuộc cách mạng nông nghiệp khoảng 12,000 năm, loài người sống thành từng nhóm nhỏ, chuyên săn bắt hái lượm. Ở những xã hội nhỏ như vậy vẫn chưa tồn tại mạng xã hội, các phong trào dân túy, Đảng Dân chủ đối đầu với Đảng Cộng hòa, hay đa dạng sắc tộc và tôn giáo. Thay vào đó, cái tồn tại ở xã hội này là các vụ xung đột bạo lực giữa các bộ lạc. Mặc dù tần suất diễn ra các vụ xung đột bộ lạc khác nhau theo từng thời đại và khu vực, nhưng trung bình người cổ đại phải cảnh giác trước các nhóm thù địch nhiều hơn so với người hiện đại. Nhiều hồ sơ khai quật khảo cổ cho thấy, việc chết trong các cuộc xung đột bạo lực với các bộ lạc và liên minh thù địch là điều tương đối phổ biến ở thời cổ đại. Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta tìm thấy một lượng lớn các hài cốt hóa thạch có dấu hiệu chết do bạo lực, khả năng cao là do các liên minh thù địch gây nên.

Do đó, người cổ đại buộc phải thích ứng trước những mối đe dọa luôn rình rập đến từ các bộ lạc thù địch. Mối nguy này thậm chí vẫn tồn tại trong các xã hội săn bắt hái lượm ngày nay, thể hiện rõ ở số người chết do xung đột bộ lạc. Chẳng hạn, thổ dân Yanomami ở Nam Mỹ thường xuyên phải chịu tỉ lệ thương vong cao do xung đột bộ lạc. Các cuộc xung đột như vậy thường theo hướng nợ máu trả máu kéo dài hàng thế hệ, đó là khi người dân của một làng trả thù tội lỗi mà người làng khác gây ra. Những toán quân khoảng 10 đến 20 người thường tấn công ngôi làng của kẻ thù vào lúc hửng sáng. Thường thì họ sát hại những người dân đầu tiên họ chạm trán, sau đó rút lui trước khi dân làng bị hại tổ chức đánh trả. Các nhà nhân chủng học ước tính khoảng 22 phần trăm số người chết của bộ lạc Yanomami bắt nguồn từ những vụ giết người như vậy. Nếu không có sự bảo hộ của chính quyền và một thể chế pháp luật cương quyết, các liên minh thù địch — chính những âm mưu thực sự — sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với đời sống và an sinh của người dân.

Vậy những đặc điểm tâm lý nào sẽ tăng khả năng sống sót qua hàng loạt mối đe dọa từ các thế lực bên ngoài? Khả năng đưa ra các giả định về ý định của người khác chính là một yếu tố quan trọng. Liệu bộ lạc gần bên có ý định thiết lập hòa bình? Hay họ đang lên kế hoạch tấn công và giết chúng ta để cướp của cải đất đai? Bằng cách đưa ra các giả định như vậy, con người phán đoán được mức độ nguy hiểm từ nhóm người khác trước khi bị tấn công. Việc lường trước như vậy giúp con người kịp thời thực hiện những hành động mang tính sống còn. Nếu người cổ đại tin rằng bộ lạc khác đang âm mưu hãm hại họ, họ có thể di cư tới một vùng đất an toàn hơn; họ có thể xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc; thậm chí chính họ có thể tấn công bất ngờ (đòn “tấn công phủ đầu”) để xua tan hay dập tắt âm mưu mà họ nghi ngờ. Dù là với cách nào đi nữa, bằng việc sớm nhận diện ý định thù địch, con người đều có thể tự bảo vệ chính mình và người thân trước tình cảnh chết chóc và bạo lực.

Nhưng giả định cũng có thể sai, và đôi khi chúng ta buộc phải trả giá cho những sai lầm đó, thậm chí là bằng tính mạng. Giả sử bạn thấy một bóng đen kì lạ trong rừng. Đó là một con hổ hung dữ, hay chỉ là bóng của một tảng đá sau rặng cây? Nếu cái bóng là của tảng đá nhưng một người lại lầm tưởng đó là con hổ, thì gần như chẳng có gì tai hại. Ngoài việc luôn ở trong tình trạng nơm nớp, bất an và phải đi đường vòng một cách không cần thiết, cuộc sống vẫn tiếp diễn như cũ. Tuy nhiên, nếu cái bóng là con hổ nhưng một người lại lầm tưởng là tảng đá, người đó ở trong tình huống vô cùng nguy hiểm vì không hề biết mình đang đi qua con hổ. Các thuyết tiến hóa từ đó đề xướng rằng khi cái giá của dương tính giả (việc lầm tưởng thấy con hổ nhưng trên thực tế không có) không tương xứng với cái giá của âm tính giả (việc lầm tưởng không có hổ nhưng trên thực tế là có), chọn lọc tự nhiên sẽ có khuynh hướng đưa ra quyết định mà cái giả phải trả là ít hơn.

Con người cũng mắc phải những sai lầm này khi đánh giá ý định của các nhóm người khác, mà ở đây bất kể là dương tính giả hay âm tính giả, nó cũng dẫn đến hậu quả tàn khốc. Khi một thổ dân của bộ lạc Yanomami chết một cách bí ẩn, các thổ dân thường cáo buộc dân làng khác đã thực hiện yêu thuật. Dù lời cáo buộc sặc mùi âm mưu này vô căn cứ đến đâu, nó vẫn có thể gây ra xung đột, thậm chí là giết chóc để trả thù. Trường hợp dương tính giả như vậy tiềm ẩn mâu thuẫn vô cớ với một bộ lạc mà đáng ra là một đồng minh hay một bạn hàng hữu ích. Họ đã bỏ lỡ cơ hội, và đó là cái giá phải trả. Tuy nhiên, ở những bộ lạc mà xung đột đẫm máu là chuyện ‘thường ngày ở huyện’, cái giá phải trả cho âm tính giả có thể còn cao hơn nhiều.

Một số bộ lạc từng có tiền lệ tấn công lẫn nhau và xung đột bạo lực để tranh giành lãnh thổ hoặc tài nguyên quý giá — chẳng hạn như giữa thổ dân Nyangatom và thổ dân Daasanach ở Ethiopia. Nếu thực sự tồn tại nguy cơ về cuộc tấn công của kẻ thù, các biện pháp an toàn nhằm đề phòng sẽ được thực hiện, ngay cả khi người ta có thể chỉ đang lo sợ quá mức ý định xâm lược của bộ lạc khác. Coi bộ lạc thù địch là vô hại có thể đẩy bản thân vào tình thế nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến thương tật, tù đày, lao động khổ sai, cưỡng hiếp và tử vong. Nếu cái giá của âm tính giả thực sự cao hơn dương tính giả khi đánh giá ý định của bộ lạc khác, các lý thuyết tiến hóa đoán định rằng người cổ đại đã tiến hóa thành các nhà lý luận thuyết âm mưu. Điều này biểu hiện ở nhiều phương diện, chẳng hạn như thuyết âm mưu về kế hoạch các bộ lạc chuẩn bị để tấn công, hay những thuyết đổ lỗi cho bộ lạc khác về tai ương mà bộ lạc này phải trải qua. Trên thực tế, các bộ lạc và các nhóm liên minh luôn tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, vậy nên sẽ quá mạo hiểm khi đánh liều tin tưởng vào những nhóm người đầy rủi ro mà bản thân ta cũng không thực sự hiểu rõ như thế, và nội lý do này thôi cũng đủ để tấn công. 

Sau cuộc cách mạng nông nghiệp, loài người dần dần đến sống ở các quốc gia lớn và xã hội thay đổi với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, việc này không làm thay đổi khuynh hướng khơi gợi thuyết âm mưu của con người, thần thoại Hy Lạp đã minh chứng cho điều này. Khi các anh hùng Argonaut dừng chân tại Lemnos, họ phát hiện ra rằng trên đảo chỉ toàn phụ nữ. Theo truyền thuyết, sau khi những người phụ nữ này phát hiện ra chồng của họ dan díu với phụ nữ nước Thrace, họ đã lên âm mưu sát hại tất cả đàn ông trên đảo.

La Mã cổ đại cũng tồn tại nhiều thuyết âm mưu, từ “coniuratio” trong tiếng Latin có nghĩa là “âm mưu”, nó thường xuyên xuất hiện trong những ghi chép của các sử gia La Mã như Tacitus, Sallust và Livy, hay trong các bài diễn văn của Cicero. Họ thường xuyên lên tiếng nghi ngờ về cách những nô lệ, phụ nữ hoặc những kẻ ngoại quốc đang âm mưu chống lại giới tinh hoa La Mã. Nhà sử học Livy đã miêu tả, vào năm 331 trước Công nguyên, nhiều người trong giới tinh hoa La Mã đã mắc phải một căn bệnh không rõ nguyên nhân, khiến họ đau đớn cùng cực và cuối cùng là tử vong. Một nữ nô lệ sau đó đã lên tiếng buộc tội một nhóm phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu chính là thủ phạm đầu độc người dân La Mã. Theo Livy, hai trong số những người phụ nữ này đã bị ép uống thứ thuốc độc của chính họ tại Viện nguyên lão và chết trước sự chứng kiến của mọi người. Tổng cộng có 170 phụ nữ bị kết tội vì tham gia vào âm mưu này. Không chỉ vậy, các hoàng đế La Mã cũng thường xuyên nghi ngờ ai đó đang lên âm mưu chống lại họ. Chẳng hạn, Tacitus đã miêu tả Hoàng đế Tiberius như một kẻ thống trị đa nghi và đã sát hại vô số đối thủ — những kẻ có thể khiến ngai vàng của ông bị lung lay. Trong số những nạn nhân có cả cháu trai của Hoàng đế Augustus. Ngoài ra, Germanicus, cháu trai nuôi của Tiberius, cũng chết vì lí do bí ẩn, và Tacitus nghi ngờ rằng ông ta cũng bị sát hại. Không phải lúc nào các vị hoàng đế cũng nghi ngờ phi lý: nhiều âm mưu đã thực sự xảy ra, vụ ám sát Julius Caesar là một ví dụ điển hình.

Thuyết âm mưu xuất hiện rất nhiều vào thời Trung cổ. Nhiều người tin rằng các tổ chức bí mật như Illuminati, xuất hiện lần đầu tiên ở Bavaria, đã thao túng thế giới qua một mạng lưới nội bộ các mối quan hệ và các tổ chức trá hình. Những người khác lan truyền ý tưởng về nghi lễ “blood libel,” trong đó người Do Thái bị buộc tội mỗi năm đã giết một đứa trẻ Cơ Đốc giáo và dùng máu của nó nhằm phục vụ cho các nghi thức tôn giáo. Năm 1171, tại thị trấn Blois nước Pháp, tất cả thành viên của cộng đồng người Do Thái tại địa phương đã bị thiêu sống sau khi bị buộc tội về âm mưu này. Những thuyết âm mưu siêu nhiên cũng rất phổ biến. Vào thế kỷ XV, cuốn sách khét tiếng “Malleus Maleficarum” (“Cây búa phù thủy”) của tác giả Heinrich Kramer đã châm ngòi cho các cuộc săn phù thủy trên khắp châu Âu. Xuyên suốt cuốn sách, vị tu sĩ này cho rằng quyền năng mà phù thủy có được là nhờ giao kèo với quỷ dữ, và cũng nhờ quan hệ xác thịt với chúng. Cùng với đó, người ta nói rằng phù thủy đã hiến tế những đứa trẻ không được rửa tội cho quỷ (không chỉ giết chúng mà còn ngăn chúng được lên thiên đường), nấu tủy xương của những đứa con đầu lòng để tạo ra bột ma thuật (thứ bột phù thủy trát lên gậy hoặc chổi để có thể bay lượn), lan truyền dịch bệnh, và phá hoại mùa màng.

Thuyết âm mưu đã ăn sâu vào lịch sử loài người từ thời săn bắt hái lượm cho đến thời hiện đại. Chúng ta ít có nguy cơ bị sát hại hơn, và được hệ thống pháp luật bảo vệ tốt hơn so với tổ tiên chúng ta, đó chỉ là một vài trong số những sự khác biệt. Dẫu vậy, thực tế rằng xã hội thay đổi không đồng nghĩa với việc bộ não đã tiến hóa của chúng ta cũng thay đổi cùng với nó. Đây là nội dung chủ đạo của sự bất tương xứng trong tiến hóa: suốt 12.000 năm qua, loài người đã có những thay đổi đáng kể trong cách sống và tồn tại. Nhưng dưới lăng kính tiến hóa, 12.000 năm chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, và những thiên hướng bẩm sinh của chúng ta vẫn chưa thay đổi quá nhiều. Não bộ của chúng ta thích nghi với xã hội thời đồ đá nhưng ta lại đang sinh sống trong thời hiện đại.

Kết quả là, một vài đặc điểm của cơ thể từng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho hoạt động sinh tồn thì giờ đây chỉ còn là đặc điểm thừa thãi, thậm chí đôi lúc nó còn có thể gây hại cho cơ thể chúng ta. Chẳng hạn, xét về sở thích ăn đồ ngọt của chúng ta: ở thời đồ đá cũ, sở dĩ con người ưu tiên ăn đồ ngọt là bởi đó là một dạng thích nghi để sinh tồn, nó kích thích con người ăn những thức ăn bổ dưỡng từ thiên nhiên như quả mọng và khoai lang; còn thời nay, sở thích này khiến con người tiêu thụ quá nhiều kẹo ngọt và đồ uống có đường, gây ra béo phì và những hóa đơn chăm sóc răng miệng đắt đỏ. 

Thuyết âm mưu cũng có thể là một sự phát triển bất tương xứng tương tự: Người cổ đại dễ dàng sinh nghi đối với bộ lạc gần bên, việc này có thể cứu mạng họ. Họ sẽ di cư tới nơi an toàn trước khi bộ lạc kia tiến hành tấn công. Người hiện đại cũng dễ dàng sinh nghi với các nhóm người khác nhau — các nhóm người này bao gồm bác sĩ, nhà khoa học và các công ty dược phẩm, để rồi người dân quyết định khước từ vaccine và các phương pháp điều trị bệnh. Ngoài ra, sự nghi ngại ấy còn thể hiện qua  việc kỳ thị các dân tộc thiểu số, tư tưởng bài ngoại thái quá, các chính sách hạn chế và phân biệt đối xử.

Thuyết âm mưu xuất hiện ở mọi nền văn hóa trên toàn thế giới. Ví dụ, suốt những thập kỉ qua, các cuộc tấn công khủng bố liên tục nổ ra ở Indonesia, và một thuyết âm mưu phổ biến được người dân nước này truyền tai nhau, đó là các nước phương Tây chính là thủ phạm đứng đằng sau các cuộc tấn công này nhưng lại muốn đổ vấy tội lỗi cho người Hồi giáo.

Ở Ba Lan, nhiều người đổ lỗi tai nạn máy bay ở Smolensk năm 2010 — vụ tai nạn đã khiến 96 người trên chuyến bay tử vong, bao gồm nhiều chính khách nổi tiếng như tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński — là một âm mưu của người Nga. Ở Nam Phi, một quốc gia có tỉ lệ dân số nhiễm HIV cao, tồn tại một thuyết âm mưu phổ biến đó là các công ty dược phẩm đã sản xuất và phát tán virus HIV để bán thuốc kháng virus cho người dân. Sau cùng là các thuyết âm mưu rất phổ biến ở vùng nông thôn Châu Phi, bao gồm Tanzania, Nigeria và Mozambique, nơi nhiều người tin rằng công nghệ hiện đại của phương Tây là một dạng phép thuật để hãm hại hoặc kiểm soát họ.

Bản chất tâm lý của tất cả các thuyết âm mưu này đa phần đều giống nhau: con người đưa ra giả định về một nhóm người ngoài bí mật thông đồng để hãm hại hoặc lừa dối họ. Do đó những thuyết âm mưu hiện đại bắt nguồn từ bản năng bộ lạc nguyên thủy của chúng ta — luôn phân định thế giới thành “Chúng ta” và “Bọn chúng.” Góc nhìn này giúp giải thích sức hấp dẫn của các thuyết âm mưu trong những phong trào dân túy, mô tả cuộc đấu tranh bền bỉ giữa những người dân cần cù, chất phác và bọn cường hào thối nát, xấu xa. Mặc dù chủ nghĩa dân túy mở rộng phổ chính trị, nhưng các phong trào dân túy của phe cực hữu nhìn chung có xu hướng coi các dân tộc và tôn giáo thiểu số như các nhóm thù địch. Ý tưởng của Turner về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà là minh chứng rõ rệt cho cách luồng tư tưởng bài ngoại nuôi dưỡng thuyết âm mưu về các nhóm thiểu số.

Một yếu tố khác có thể góp phần vào chiến dịch bầu cử thành công của các phong trào dân túy là sự đa dạng ngày một tăng của các xã hội hiện đại. Xung đột vũ trang ở vùng Trung Đông đã khuấy động làn sóng tị nạn trên khắp Liên minh châu Âu, và một lượng lớn người dân từ các quốc gia Trung Mỹ đang cố gắng thoát khỏi bạo lực và nghèo đói bằng cách nhập cư tới Mỹ hoặc Canada. Bên cạnh các phương thức nhập cư chật vật nhằm tìm kiếm một cuộc sống mới như vậy, trong bối cảnh thế giới chúng ta đang tiến tới toàn cầu hóa, giờ đây những việc như du học và làm việc ở nước ngoài, du lịch khắp nơi, hay chuyển tới một quốc gia khác để xây dựng tổ ấm với người bạn đời của mình thật dễ dàng hơn bao giờ hết.

Trong khi nhiều người nhìn nhận sự chuyển dời đó theo hướng tích cực, một số người lại có thể cảm nhận đây là mối đe dọa. Những người này cảm thấy rằng cộng đồng của họ đang bị đe dọa bởi những người lạ, nỗi sợ như một động lực thúc đẩy hay một công cụ dân túy mở đường cho thuyết âm mưu. Những thuyết này củng cố sức lôi cuốn của các bài diễn văn, những buổi hùng biện theo hướng dân túy nhằm ủng hộ các quan điểm chống lại việc nhập cư và sự toàn cầu hóa, đồng thời hứa hẹn tái thiết vinh quang trước đây của nước nhà.

Góc nhìn theo khía cạnh tiến hóa này làm sáng tỏ lý do cho sự tồn tại của những tổ chức cực đoan đang ủng hộ xung đột bạo lực với các nhóm khác. Những người theo phe cực đoan cánh tả phổ biến thuyết âm mưu về cách các chủ ngân hàng và các công ty đa quốc gia bí mật thao túng thế giới. Người theo phe cực đoan cánh hữu ủng hộ thuyết âm mưu về việc các nhóm dân tộc thiểu số sẽ vượt lên trên nền văn hóa của họ. Các nhóm người Hồi giáo tán thành thuyết âm mưu về cách các nước phương Tây đang cố gắng hủy hoại đạo Hồi. Khi một quốc gia đang có chiến tranh, việc dò tìm thuyết âm mưu diễn ra mạnh mẽ. Chính quyền của George W.Bush từng biện minh cho cuộc chiến chống Iraq rằng Saddam Hussein đang bí mật phát triển và che giấu những vũ khí hủy diệt hàng loạt. Những cáo buộc này hóa ra chỉ là thuyết âm mưu vô căn cứ. Sau cùng, những sự kiện gây hoang mang nhìn chung đều khơi gợi niềm tin vào thuyết âm mưu, nhưng người ta chủ yếu khởi đầu bằng cách quy tội cho những nhóm người mà họ không tin tưởng. Thông qua thuyết âm mưu, người ta quy tội các chủ ngân hàng là nguồn cơn gây ra khủng hoảng kinh tế hoặc khủng hoảng tài chính, còn tấn công khủng bố là do các cơ quan mật vụ, bệnh dịch là do ngành công nghiệp dược phẩm, v.v.

Thiên hướng tin vào thuyết âm mưu ở mỗi người là khác nhau. Một số người hoạt động trên các trang web về thuyết âm mưu và đưa ra thuyết âm mưu cho gần như tất cả mọi việc diễn ra trên thế giới, trong khi những người khác hoài nghi đa số các thuyết âm mưu và có xu hướng phủ nhận ngay lập tức.

Xu hướng này đặt ra một câu hỏi: nếu xu hướng tin vào thuyết âm mưu đã tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên, chẳng phải tất cả chúng ta đáng lý phải đều tin vào thuyết âm mưu với cùng một mức độ hay sao? Tuy nhiên, trên thực tế, sự khác biệt giữa các cá nhân là điều kiện tiên quyết để chọn lọc tự nhiên xảy ra: nếu mọi người đều có một đặc điểm với mức độ y hệt nhau, sẽ chẳng có gì để chọn lọc. Lấy ví dụ như tốc độ của thú săn mồi: Một vài con báo hoa chạy nhanh hơn những con khác; liệu điều này có mâu thuẫn với khẳng định rằng tốc độ của báo hoa là một sản phẩm của chọn lọc tự nhiên? Tất nhiên là không. Tốc độ của báo hoa được cải thiện trong quá trình tiến hóa là nhờ có sự khác biệt lẫn nhau. Một vài con có thể tồn tại và sinh sản tốt hơn các con khác vì chúng chạy nhanh hơn, do đó bắt mồi dễ hơn. Tốc độ trung bình của báo hoa do đó tăng dần qua các thế hệ, nhưng điều này không có nghĩa rằng những con báo hoa trong cùng một thế hệ sẽ có tốc độ giống nhau. Nếu chọn lọc tự nhiên ủng hộ xu hướng tin vào thuyết âm mưu, một người sẽ tin vào nhiều thuyết âm mưu mà không loại trừ sự khác biệt có thể có trong mức độ mọi người tin vào chúng.

Điều thú vị ở đây là con người không chỉ khác nhau về niềm tin vào thuyết âm mưu mà còn khác biệt trong cách họ diễn giải những hành vi xã hội mờ ám như là bằng chứng cho sự xung đột với các nhóm khác. Ví dụ, tính ái kỷ tập thể — một niềm tin phi thực tế vào sự ưu việt của một tập thể — là một công cụ hữu ích để dự đoán về khả năng xích mích với các nhóm khác. Tương tự như vậy, con người khác nhau về mức độ coi trọng thẩm quyền, trật tự và truyền thống, một đặc điểm được coi là độc đoán, thứ gắn liền với định kiến về các nhóm khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có tính ái kỷ tập thể cao, hay độc đoán, có khả năng là những người tin vào thuyết âm mưu. Nói cách khác, một người luôn hàm chứa trong mình những định kiến, sự phân biệt đối xử và thái độ thù địch với các nhóm khác sẽ có xu hướng tin vào thuyết âm mưu. Một số người cảm nhận được sự thù địch và xung đột với các nhóm khác trong khi những người khác không thấy như vậy. Việc nhận ra xung đột với các nhóm khác định hướng cho niềm tin vào thuyết âm mưu.

Tuy nhiên, có một nghịch lý trong lập luận theo hướng tiến hóa này. Rốt cuộc, những quá trình tiến hóa chỉ mang tính mô tả chứ không đề ra giải pháp. Việc thuyết âm mưu phát triển vì lý do chính đáng trong quá khứ không đồng nghĩa với việc chúng ta nên tin tưởng vào thuyết âm mưu trong thời buổi hiện nay. Thời nay, nhiều thuyết âm mưu vô căn cứ đã dẫn tới những lựa chọn sai lầm đối với sức khỏe như từ chối tiêm vaccine hay không sử dụng biện pháp tránh thai, phủ nhận biến đổi khí hậu, hành động thù địch, tính bài ngoại, chủ nghĩa cực đoan và, trong những trường hợp tồi tệ, bạo lực.

Tháng 12 năm 2016, Edgar Maddison Welch đã nổ súng tại nhà hàng pizza Comet Ping Pong ở Washington, DC, ai đó có thể nhận định rằng anh ta đã tin tưởng bản năng tiến hóa về thuyết âm mưu của mình. Anh ta tin vào thuyết âm mưu “Pizzagate” — cho rằng những chính khách nổi bật của Đảng Dân chủ đang thực hiện các vụ buôn người và ấu dâm dưới tầng hầm của nhà hàng — và đã cố gắng giải cứu các nạn nhân. Cả kẻ nổ súng và mọi người trong nhà hàng đáng ra đã chẳng làm sao nếu như Welch áp chế được bản năng về thuyết âm mưu của anh ta và nhìn nhận sáng suốt tính hợp lý của thuyết âm mưu này. Giống như các bác sĩ đang hối thúc chúng ta vượt qua sở thích ăn đồ ngọt do tiến hóa, thách thức quan trọng trong tương lai của chúng ta là thay đổi một di sản kế thừa từ tiến hóa, đó là việc đưa ra thuyết âm mưu bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy bất an.

Vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà là một sự kiện thảm khốc cuốn mọi người vào vòng xoáy đi tìm lời giải thích. Làm sao một tòa tháp vĩ đại nhận được nhiều sự quan tâm như vậy lại có thể bốc cháy? Trong quá trình tìm lời giải thích, óc phán đoán của con người được lập trình để suy diễn đến trường hợp một âm mưu nào đó đã gây ra sự kiện này. Macron đã đúng: chúng ta đã thực sự đau xót vào đêm đó khi chứng kiến một phần của “Chúng ta” bị thiêu rụi. Nhưng có thể có một thực tế nữa là sự kiện một nhóm quan trọng phải gánh chịu tổn thất quá lớn về người và của có thể dẫn đến việc quy hết mọi tội lỗi của đám cháy lên “Bọn chúng” — có thể là bất cứ một nhóm xã hội vốn đã bị coi thường nào. Nguyên tắc tối giản quy định rằng lời giải thích đơn giản nhất thường là hợp lý nhất (trong trường hợp này là sự cố kĩ thuật), tuy vậy, phản ứng bản năng của con người là giả định khả năng xấu nhất, và một số trong đó còn tệ hơn cả việc cho rằng đây là một cuộc tấn công có tổ chức của kẻ thù. 

Chúng ta có đang sống trong một “kỷ nguyên thuyết âm mưu?” Mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những phương thức mới trong cách thuyết âm mưu lan truyền, cách các nhà lý luận thuyết âm mưu ngày càng hoạt động có tổ chức, và cách một người có thể tiếp cận thuyết âm mưu dễ dàng thế nào. Không thể phủ nhận rằng rất nhiều người trên thế giới tin vào các thuyết âm mưu, và các phong trào dân túy cố ý phổ biến thuyết âm mưu đã có được những thành công nhất định trong chiến dịch tranh cử suốt những năm gần đây. Nhưng điều này không khiến hiện tại có gì khác biệt hơn so với quá khứ. Xuyên suốt lịch sử, thuyết âm mưu luôn tồn tại, lan truyền trên mọi phương tiện truyền thông, châm ngòi xung đột, định kiến, thù ghét và chiến tranh. “Kỷ nguyên thuyết âm mưu” đã kéo dài hàng thiên niên kỷ. Thuyết âm mưu đã và sẽ luôn là một phần trong bản tính của con người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất