a
§ Tác giả: Emily Sohn | Nguồn: AEON
Biên dịch: Vân | Hiệu đính:  Vinh Hoa
12/10/2020

Vào một ngày thứ Ba lạnh giá tháng Mười một, một chú chim ruồi bé nhỏ bất chợt xuất hiện trước sân nhà người dân ở thành phố St Paul. Ngày hôm đó Minnesota lạnh bất thường với nền nhiệt ở mức -3oC và tuyết rơi dày đặc – điều kiện thời tiết quá mức khắc nghiệt đối với chú chim ruồi bé bỏng, một loài vật siêu nhẹ thường trú đông ở Mexico. Người chủ nhà đã đăng cảnh tượng này lên mạng, và một chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã địa phương đã xuất hiện với một chiếc lồng, dẫn đến tình thế căng thẳng khi tính xem sẽ làm gì tiếp theo.

Nhiều ý kiến quan tâm từ khắp nước Mỹ đã được gửi về nơi tiếp nhận chú chim ruồi, Trung tâm Phục hồi Động vật hoang dã bang Minnesota, một cơ sở phục hồi được tài trợ bởi các nhà hảo tâm – giám đốc Phil Jenni của Trung tâm cho hay. Nhiều người đã thể hiện lòng cảm kích vì một loài vật mong manh như vậy đã được cứu sống khỏi cái chết không thể tránh khỏi. Những người khác lại tranh cãi về việc chú chim nhỏ đến từ đâu, nó thuộc về nơi nào, và bằng cách nào hay liệu có nên thả nó đi hay không. Một trận bão nhiệt đới vừa ập đến bờ biển Thái Bình Dương và có khả năng làm thay đổi dòng tia, có lẽ chính điều này đã đẩy chú chim ruồi đến Minnesota vào giữa mùa đông như vậy. Nhưng giữa thời điểm nhiệt độ đang hạ thấp đột ngột, không một ai cảm thấy thoải mái khi thả một sinh linh bé nhỏ về với rừng Minnesota.

Nhiều ngày trôi qua, cảm xúc leo thang. Trên mạng xã hội, búa rìu dư luận đổ dồn vào Trung tâm Phục hồi Động vật hoang dã bang Minnesota và Cơ quan Bảo vệ Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ, điều này đã ảnh hưởng đến quá trình đưa ra quyết định. Một trang Facebook với tên gọi “Trả lại tự do cho chú chim ruồi” đã xuất hiện. Và cuối cùng, một nhà hảo tâm với chuyên cơ riêng đã tặng chú chim bị giam cầm một chuyến bay đến Texas, tại đây, một chuyên gia cứu hộ đang đợi sẵn để thả nó về lại miền hoang dã.

Cùng với vô số các con vật khác, chú chim ruồi bé nhỏ và chuyến đi không hề nhỏ của mình đã tiêu tốn một khoản trong số nhiều triệu đô dành cho việc cứu hộ và phục hồi động vật hoang dã hằng năm. Quỹ cứu trợ thường nhận được ủng hộ từ những người bị lay động bởi hình ảnh những sinh vật lông xù với đôi mắt mở to đang đấu tranh cho sự sống của mình. Đôi khi người ta tiêu tốn đến hàng trăm nghìn đô chỉ để chăm sóc những cá thể động vật đơn lẻ – khoản tiền lẽ ra có thể dành cho việc bảo vệ môi trường sống chung và những nỗ lực bảo tồn khác mà cùng một lúc có thể cứu sống nhiều động vật hơn. Liệu việc cứu hộ động vật hoang dã có phải một sự lãng phí khổng lồ cả về tiền bạc và thời gian?

“Nếu bạn đặt vào tay tôi một loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cần cứu giúp và một triệu đô la để chi tiêu tùy ý, tôi sẽ xếp cứu hộ động vật hoang dã ở vị trí ưu tiên nào đây? Vị trí đó sẽ rất, rất thấp,” nhà kinh tế học động vật hoang dã Brendan Moyle tại Đại học Massey ở Auckland, New Zealand nói. “Rõ ràng là tùy từng trường hợp, và điều mà tôi nghi ngờ là ta sẽ thấy có rất nhiều trường hợp không đáng đầu tư khi phân tích chi phí-lợi ích.”

Nhưng trong những cơ sở cứu hộ và phục hồi trải rộng khắp các lục địa, từ Thụy Điển đến Nam Phi đến New Zealand, các nhân viên và tình nguyện viên cặm cụi làm việc để cứu giúp những con vật bị thương và bị ốm. Họ đưa ra hàng tá lý do tại sao sự nỗ lực của họ lại quan trọng đến vậy, nhất là trong những ca mà con vật phải chịu đựng đau đớn do hậu quả từ hoạt động của con người như tai nạn tràn dầu, đâm xe, tấn công vật nuôi, hay ô nhiễm môi trường. Các cơ sở chăm sóc động vật hoang dã thường là những nơi đầu tiên phát hiện các đợt dịch bệnh, các điểm nóng ô nhiễm, và nhiều vấn đề nổi cộm khác. Cùng với các chương trình nuôi giữ động vật để nhân giống, phục hồi chuyên sâu đã giúp cứu kền kền khoang cổ, đại bàng đầu trọc và nhiều loài động vật khác ở California thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng.

Những động lực xuất phát từ cảm xúc và đạo đức cũng thôi thúc nhiều người làm về cứu hộ động vật đấu tranh bảo vệ giá trị của mọi sinh linh. “Kể cả khi dân số loài người đang tăng trưởng chóng mặt, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ dừng lại để giúp đỡ một đứa trẻ bị thương bên vệ đường,” Louise Shimmel – Giám đốc Điều hành Trung tâm Cascades Raptor tại Oregon – viết trên trang web của công ty. “Tại sao đó không thể là một chú gấu mèo, một chú sóc, một chú diều hâu hay đại bàng chứ?” Trong một xã hội mà việc tự nhiên bị tách rời khỏi con người được xem là quá thường tình, theo giám đốc Jenni của Trung tâm Phục hồi Động vật hoang dã bang Minnesota, cứu hộ động vật hoang dã có thể thúc đẩy mối quan tâm dành cho động vật hoang dã và niềm đam mê đối với môi trường trong xã hội.

Nhưng những ý định tốt đẹp và cảm xúc mãnh liệt có thể dẫn tới nhiều hành động phi logic đi kèm những cái giá quá đắt đỏ. Tháng Mười năm 1988, sự kiện ba chú cá voi xám non đến từ California bị mắc kẹt trong băng ngoài bờ biển Barrow thuộc Alaska đã thu hút sự chú ý khổng lồ từ phía truyền thông, trong khi các nhà giải cứu nỗ lực giải thoát cho chúng. Những người Inupiat bản địa đã dùng máy cưa xích để cắt các hố băng giúp lũ cá voi đi đúng hướng, trong khi các chuyên gia xem xét việc phá băng bằng thuốc nổ cùng các biện pháp mạnh khác. Trước khi một con tàu phá băng của Nga đến mở đường giúp những con vật này bơi ra biển lớn, chính phủ Hoa Kỳ đã chi gần 6 triệu đô la cho nỗ lực giải cứu.

Câu chuyện phi thường này cuối cùng được đưa lên màn ảnh rộng vào năm 2012 với tên gọi Điều kỳ diệu vĩ đại (Big Miracle), nhưng nhiều nhà khoa học và chính sách gia, từ quan điểm tiền mặt, cho rằng “điều kỳ diệu” này không thể biện minh cho cách thức để đạt tới nó. Đây là quan điểm của nhà sinh thái học động vật biển có xương sống Jim Harvey, hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm Hải dương học Moss Landing tại California. Jim đã bay từ Phòng thí nghiệm Thú biển Quốc gia tại Seattle đến Barrow để tham vấn cho công cuộc giải cứu.

Một chú chim cánh cụt hoàng đế ở New Zealand đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật trước khi có thể tự do bơi lội trở lại. Năm ngày sau, các chuyên gia nghi ngờ rằng chú chim này đã kết thúc cuộc đời mình trong bụng một con cá voi sát thủ

Cá voi xám không phải loài có nguy cơ tuyệt chủng ở phía đông Bắc Thái Bình Dương. Những chú cá non chỉ đơn giản là còn bỡ ngỡ và mắc lỗi bơi quá xa về phía đông vào cuối mùa mà thôi. Một trong số chúng đã chết trước khi con tàu phá băng kịp thông đường đến cái hố. Và mặc dù những con khác đã bơi đúng hướng ra khỏi đó, không một ai biết chúng sẽ có kết cục ra sao.

Kẻ yếu sẽ chết còn kẻ mạnh thì sống – đó là lẽ tự nhiên từ muôn thuở. Có lẽ chúng ta đang thay đổi thế cân bằng đó bằng việc nuôi dưỡng bên yếu thế, lấp đầy dân số loài bằng chính những cá thể không nên ở lại. Bởi những con vật được cứu hộ ngay từ đầu đã bị ốm hay bị thương, chúng có nguy cơ chết sớm ngay sau khi quay trở lại với tự nhiên. Cách đây hơn một thập kỷ, Harvey nhớ đã nghe kể về một chuyến hải trình ăn mừng do Trung tâm Thú biển tại Sausalito California tổ chức. Trong chuyến đi này, người ta đã lên kế hoạch tri ân những nhà hảo tâm bằng việc phóng sinh một số con sư tử biển đã được cứu trợ và phục hồi. Con thuyền đi ra Đảo Farallon, nơi trú ẩn của nhiều động vật hoang dã phía ngoài bờ biển San Francisco và, với sự phô trương ầm ĩ, đã quăng những con vật ra khỏi tàu.

Gần như ngay tức khắc, trong sự kinh hoàng của mọi người trên thuyền, một con cá mập xuất hiện và đớp gọn ngay một chú sư tử biển. Đây không phải vụ việc duy nhất. Erica Miller, một bác sĩ thú y độc lập chuyên chăm sóc động vật hoang dã, người đã dành 20 năm làm việc cho Tổ chức Nghiên cứu và Cứu trợ Tri-State Bird, một tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận ở Newark, Delaware, nhớ lại đã phóng sinh những chú chim mà cô từng giải cứu khỏi một vụ tràn dầu. Chẳng bao lâu sau, nhiều trong số những chú chim đó lại rơi vào họng súng của những kẻ đi săn. Rồi vào năm 2011, có một chú chim cánh cụt hoàng đế nổi tiếng tên là Happy Feet bị đánh dạt vào bờ biển ở New Zealand và đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật trước khi có thể tự do bơi lội trở lại. Năm ngày sau khi được thả về với tự nhiên, bộ định vị theo dấu chú chim đột nhiên ngừng phát tín hiệu, và một số chuyên gia nghi ngờ rằng chú chim này đã kết thúc cuộc đời mình trong bụng một con cá voi sát thủ.

Cánh cụt
Một chú chim cánh cụt hoàng đế ở New Zealand đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật trước khi có thể tự do bơi lội trở lại. Năm ngày sau, các chuyên gia nghi ngờ rằng chú chim này đã kết thúc cuộc đời mình trong bụng một con cá voi sát thủ. Nguồn ảnh: Unsplash

Lại có nhiều động vật được cứu hộ trong khi ngay từ đầu sự trợ giúp này là không cần thiết. Ví dụ, hươu mẹ thường để con mình ở những nơi dễ thấy một cách có mục đích. Khi người ta tìm thấy một con non – không mùi, im lặng và được ngụy trang – họ dễ dàng cho rằng nó bị bỏ rơi. Họ tiến hành giải cứu và từ đây chia cách những chú hươu non khỏi hươu mẹ, Tom Rogers – một chuyên gia thông tin tại Cục Cá và Động vật hoang dã Vermont – cho hay. Một khi hươu non bị nuôi nhốt, chúng sẽ mất đi cơ hội được học những bài học mà hươu mẹ thường dạy con, như cách tránh xa đường cao tốc và nên đi về đâu khi đông đến.

Một rủi ro nữa là những chú hươu, thỏ và sóc được giải cứu sẽ trở nên gắn bó với con người, một kịch bản nguy hiểm đối với bất cứ ai.

Nên có một cách đơn giản để đánh giá giá trị của cứu hộ và phục hồi động vật hoang dã: cân đo các khoản đầu tư tài chính so với tỉ lệ thành công, sau đó tính toán cái nào lợi hơn. Nhưng cứu hộ động vật hoang dã lại là một ngành công nghiệp mang lại niềm vui đã không bị kiểm toán khách quan suốt nhiều năm. Chỉ có một vài nghiên cứu tính toán tỉ lệ những con vật được cứu hộ tiếp tục sống sót, tái hòa nhập với đồng loại trong tự nhiên, hay sinh sản sau khi được phóng sinh. Và khi dữ liệu dần dần được tích lũy, chúng thường chỉ ra những kết luận khiến ta nản lòng.

Một vài nỗ lực nghiêm ngặt để đánh giá giá trị của cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên đã nổi lên sau sự việc con tàu chở dầu Exxon Valdez mắc cạn ngoài bờ biển thuộc Alaska vào tháng Ba năm 1989, làm tràn 11 triệu gallon (hơn 300.000 tấn) dầu vào môi trường biển còn nguyên sơ. Theo một nghiên cứu năm 1996, trong số 800 chú chim được rửa sạch sau vụ tràn dầu, hầu hết đều chết trong trung bình sáu ngày sau khi được thả về tự nhiên. Nhiều nhất thì cũng chỉ có 10 phần trăm sống được một tháng – theo Brian Sharp, tác giả bài nghiên cứu, nhà sinh thái học động vật hoang dã từng làm việc cho Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ và nay đang làm việc part-time tại Oregon. “Số liệu cho thấy những hành động của chúng ta hoàn toàn không mang lại kết quả khả thi nào,” Sharp nói. Những phân tích khác chỉ ra rằng hai phần ba số rái cá biển, được điều trị với mức chi phí hơn 80.000 đô la cho mỗi cá thể, đã chết trong vòng hai năm được thả về với tự nhiên. Tổng chi phí vệ sinh lên đến nhiều triệu đô la.

Hai nghiên cứu khác được thực hiện ở California và Anh tại cùng thời điểm đó cho thấy những kết quả đau thương tương tự đối với bồ nông và nhàn biển – hai loại chim biển khác – bị ngấm dầu.

Sau mỗi vụ tràn dầu nghiêm trọng kể từ cuối những năm 1960, những người cứu hộ động vật lại tranh cãi rằng những kỹ thuật của họ đang dần được cải tiến, điều mà Sharp không đồng tình. Nghiên cứu sơ bộ của ông trên cơ sở dữ liệu về tình hình phục hồi của những chú chim bị ngấm dầu từ năm 1996 chỉ cho thấy thay đổi không đáng kể so với những gì mà ông đã báo cáo trong nghiên cứu về Exxon Valdez. Khi động vật gặp tai nạn tràn dầu, ông nói, chúng sẽ hít phải hơi độc và nuốt phải dầu, và các hóa chất sẽ ngấm vào trong cơ thể qua da – tất cả những điều này có thể phá hủy thận, gan, hệ tiêu hóa và những hệ cơ quan khác trong cơ thể, khiến cho khả năng sinh tồn của con vật tiếp tục bị ảnh hưởng kể cả sau khi hoàn tất trị liệu.

Thay vì rửa sạch bờ biển bị dầu tràn và điều trị cho những động vật bị ảnh hưởng, Sharp cho rằng nguồn tài chính đó ngay từ đầu nên được dành để ban hành thêm các quy định phòng ngừa tràn dầu. “Giảm năng suất ngoài khơi vịnh Mexico là một mất mát khổng lồ,” ông nói, “nhưng cách chúng ta phản hồi chỉ là rửa sạch mấy chú chim biển hay sao? Rửa trôi hóa chất cho động vật hoang dã và sinh vật biển sau tràn dầu là sự lừa gạt tinh vi nhất dành cho công chúng.”

Dù là từ tai nạn tràn dầu hay các loại thảm họa khác, những gì xảy ra với động vật được cứu hộ sau khi được thả về tự nhiên thường là một bí ẩn, một phần bởi việc theo dấu chúng trong tự nhiên cực kỳ khó. Vòng cổ định vị dễ bị rơi. Bộ định vị có pin quá nhỏ và chẳng thọ được lâu. Các bác sĩ thú y thường ngần ngại sử dụng các thiết bị bởi chúng chỉ gây thêm sức ép lên những con vật vốn đã căng thẳng mà thôi. Các thiết bị cũng có thể thay đổi hành vi ở động vật và làm lệch kết quả. Trong những trường hợp khẩn cấp như tràn dầu, có thể không đủ thời gian để điều động các thiết bị theo đúng kích thước của từng con vật cụ thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất, điều mà không một ai có thể dự tính trước được, theo Christine Fiorello, một bác sĩ thú y động vật hoang dã và nhà sinh thái học của Mạng lưới Chăm sóc Động vật hoang dã Bị ngấm dầu tại Trường Thú y thuộc Đại học California, Davis. Hơn nữa, chỉ riêng một thiết bị đã có giá xấp xỉ 3.000 đô la, chưa kể nhân lực cần thiết để lần theo các thiết bị và phân tích thông tin chúng chứa đựng. Các trung tâm cứu hộ, như trung tâm đã điều trị cho chú chim ruồi ở Minnesota, đôi khi không được phép đeo vòng cho động vật – thứ tối thiểu cho phép xác định những con vật đã từng được cứu hộ nếu chúng được tìm thấy chết ở đâu đó.

Điều làm tình hình phức tạp hơn nữa là sự không nhất quán trong cách vận hành của hệ thống chăm sóc động vật hoang dã. Chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 100 cơ sở, Miller nói. Chúng tồn tại ở nhiều dạng, bao gồm những dự án sân nhà tại các khu lưu trú sinh thái, các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm cấp hạt/quận, và các bệnh viện thú y hiện đại bậc nhất có liên kết với các trường đại học. Chất lượng chăm sóc thì đa dạng và khó nói trước. Điều này cũng tương tự với các chính sách cấp giấy phép và lĩnh vực chuyên môn theo khu vực, có nghĩa là những bài học mà một cơ sở ở California rút ra được từ số ca sư tử biển được chăm sóc khổng lồ không phù hợp với các nhân viên phục hồi ở những nơi khác. Ngay cả khi có những quy trình nhất quán, sẽ rất khó để áp dụng những quy tắc chung. “Việc ‘giữ trật tự’ những người không thu được lợi lộc gì từ công việc này nhưng vẫn làm nó với trái tim hào phóng với việc bảo rằng họ không thể làm thế vì họ làm không tốt chút nào,” Miller nói, “là một đường ranh giới vô cùng mong manh.”

Trong số những nghiên cứu hạn hẹp hiện có, một vài đã tiết lộ những trường hợp khi việc phục hồi thực sự vô ích. Trong một nghiên cứu năm 2009, Harvey và các cộng sự tại Phòng thí nghiệm Hải dương học Moss Landing đã gắn thẻ những chú sư tử biển California từng được điều trị bằng thuốc chống co giật trị giá hàng nghìn đô la, thức ăn và những dịch vụ chăm sóc khác do nhiễm một loại độc tố thần kinh có tên là domoic acid – chất này được sinh ra từ một loại tảo biển trong tự nhiên. Sau khi được thả về với tự nhiên, những con vật này đã có những biểu hiện không bình thường. Một vài con xuất hiện ở một dòng sông và cứ thế bơi vòng tròn trong nhiều ngày. Một con bơi nửa đường đến Hawaii trước khi bị mất tín hiệu định vị, mặc dù nó đáng lẽ nên ở lại gần bờ biển. Dựa trên những phát hiện đó, các cơ sở giờ đây đã ban cái chết nhân đạo cho những chú sư tử biển bị nhiễm độc domoic acid thay vì điều trị cho chúng bằng những hỗ trợ sự sống vô ích.

Sư tử biển
Các cơ sở giờ đây đã ban cái chết nhân đạo cho những chú sư tử biển bị nhiễm độc domoic acid thay vì điều trị cho chúng bằng những hỗ trợ sự sống vô ích.
Ảnh: Unsplash

Chỉ có hai nghiên cứu nhìn vào tỉ lệ thành công của số hươu được cứu hộ. Một nghiên cứu phát hiện rằng mọi cá thể động vật đều sẽ chết trong vòng ba tháng sau khi được phóng sinh. Trong nghiên cứu còn lại, chỉ có một số lượng rất nhỏ hươu sống sót, nhưng chỉ bằng cách sống quanh vườn và các bãi cỏ. Cục Cá và Động vật hoang dã Vermont đã cấm cứu hộ hươu con kể từ năm 2005, và đây không phải trường hợp duy nhất. Ở các bang như Alabama, Colorado và Ohio, cũng như Manitoba ở Canada, danh sách động vật không được phép cứu hộ bao gồm nai sừng tấm, gấu mèo, chồn hôi, chó sói đồng cỏ, nhím, dơi, báo cougar, nai sừng tấm Bắc Mỹ và gấu đen. Oregon đã liệt hành động giải cứu những loài không thuộc vùng bản địa là bất hợp pháp nhằm bảo vệ động vật hoang dã bản xứ của bang. Bắc Dakota thì tránh cấp giấy phép cứu hộ động vật (ngoại trừ những ca cực kỳ giới hạn) nhằm để cho tự nhiên tự làm công việc của nó. Ngoài những nghi ngờ xoay quanh câu hỏi liệu cứu hộ có mang lại điều gì tốt đẹp cho động vật hay không, những quy định này còn có mục đích bảo vệ con người khỏi bệnh dại và các mối nguy hiểm khác.

“Nếu bạn có thể cứu sống cả cánh rừng với hàng trăm sinh vật, đó chẳng phải là cách sử dụng tiền bạc tốt hơn nhiều so với tìm cách chữa trị cho một chú chim bị gãy cánh hay sao?”

Ngay cả khi các nghiên cứu chỉ ra rằng cứu hộ động vật có thể gây hại, những nỗ lực ngăn chặn  việc làm đó cũng gây tranh cãi. Các bác sĩ và bệnh nhân thường xuyên đưa ra những quyết định khó khăn về chăm sóc sức khỏe: ai cần trợ giúp đầu tiên sau một ca khẩn cấp? Nếu ai đó đang bị bệnh giai đoạn cuối và chỉ có thể kéo dài thêm vài tháng bằng những phương thuốc cực kỳ đắt đỏ, liệu việc điều trị có đáng không? Khi áp dụng điều này vào động vật hoang dã, những câu hỏi trên còn khó giải quyết hơn, bởi chúng ta buộc phải chất vấn điều gì là quan trọng nhất trong tự nhiên và đâu là cách tốt nhất để bảo vệ nó. Bởi các nhà nghiên cứu hiếm khi dành những nguồn quỹ quý giá cho việc đánh giá tác động của các chương trình bảo tồn, Moyle nói, thường thì mọi người sẽ phụ thuộc vào những đánh giá về giá trị hơn là bằng chứng. Ví dụ, những loài hấp dẫn như hổ sẽ thu hút nhiều nguồn tài nguyên hơn loài bò sát đóng vai trò quan trọng tương tự, chẳng hạn như loài cá sấu Ấn Độ đang bị đe dọa nghiêm trọng – loài cá sấu có mũi nổi cục này có thể nhận được hỗ trợ nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng giảm số lượng loài nhanh chóng. Điều tương tự xảy ra với cứu hộ. Những loài chim và thú đáng yêu nhận được rất nhiều sự chú ý, ngay cả khi chúng chỉ là những con sóc, gấu mèo, thỏ hay cáo xâm lấn thông thường. Trong khí đó, nhiều loài lưỡng cư lại đang trải qua một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng. Vậy tất cả những trung tâm phục hồi dành cho ếch đâu cả rồi?

Cách tốt nhất để bảo vệ những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, môi trường sống của chúng, và chính hành tinh này, rõ ràng không phải là giải cứu từng con vật bị thương một. “Bạn có thể sẽ tiêu tốn vài trăm nghìn đô cho việc phục hồi chỉ một cá thể chim theo đúng nghĩa đen,” Craig Harrison, một luật sư đang hành nghề đã dành 21 năm với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Bảo tồn Chim biển Thái Bình Dương tại Honolulu, lên tiếng. “Nếu bạn có thể cứu sống cả một cánh rừng hay một hệ sinh thái nhỏ với hàng trăm sinh vật, đó chẳng phải là cách tiêu tiền hiệu quả hơn so với tìm cách chữa trị cho một con chim bị gãy cánh để nó có thể bay trở lại hay sao? Đối với tôi mà nói, điều này đúng thật điên rồ.”

Thậm chí nhiều chuyên gia phục hồi thừa nhận rằng công việc vất vả của họ chỉ đóng góp một chút hay có khi là chẳng chút tác động nào lên việc bảo tồn các quần thể động vật. Bất chấp điều đó, họ tiếp tục giúp đỡ những con vật đang phải chịu đựng, trong khi các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ tiền và những người yêu động vật tiếp tục ăn mừng những câu chuyện giải cứu đầy kịch tính. Sự tương phản đó vừa hay khớp với câu chuyện căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa chủ nghĩa môi trường và quyền lợi của động vật. Một bên là những người nghĩ rằng cấp độ loài là quan trọng nhất. Bên kia là những người quả quyết rằng việc thừa nhận sự chịu đựng của một con vật mang ý nghĩa đạo đức quan trọng.

Chính quan điểm đạo đức cao đẹp đó đã cuốn chú chim ruồi bé nhỏ ra khỏi Minnesota đến một tương lai bất định. Loài của nó rất vững mạnh và không hề bị ảnh hưởng bởi sự sống hay cái chết của một cá thể đơn. Và bởi chú chim nhỏ đó không được gắn thẻ, sẽ chẳng ai biết nó sống thêm được bao lâu sau khi về với tự nhiên. Đây là một cái kết không dễ dàng đối với một câu chuyện thành công được chào đón. Nhưng hiện tại, đó là những gì tốt nhất chúng ta có thể làm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất