Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Derek Thompson | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Chú Thoòng | Hiệu đính:  Aceae
09/02/2017

Làm thế nào để định nghĩa một nền kinh tế? Bạn có thể nghĩ rằng nó là cách những người không thể đoán trước tương lai đối mặt với nó (tương lai).

Con người tiết kiệm tiền để bảo vệ họ khỏi những lúc hoạn nạn. Ngân hàng thu lãi suất để phòng ngừa rủi ro1. Con người giao dịch cổ phiếu để cá cược vào triển vọng doanh thu của một công ty. Những loại thuế đầu tiên xuất hiện để phục vụ các binh đoàn sẵn sàng chiến đấu nếu một cuộc xâm lăng xảy ra.

Những hiểm hoạ bí ẩn của thời gian giúp phát triển các học thuyết kinh tế. Nhưng rồi một điều rất thú vị xảy ra. Tạo vật nay trở thành tạo hóa: kinh tế nay tái tạo lại thời gian. Nói một cách trực tiếp hơn, kỷ nguyên khám phá và cách mạng công nghiệp đã hoàn toàn thay đổi cách con người đo đạc, thấu hiểu, cảm nhận và nói về thời gian.

Hãy nghĩ thế này: Bạn mong chờ điều gì nhất khi bạn đang làm việc? Có thể là giờ vàng khuyến mãi cuối ngày, ngày cuối tuần, hoặc trong một tương lai xa, lúc nghỉ hưu. Mỗi khái niệm ở trên đều là những khoảng thời gian riêng biệt, và chúng là sự sáng tạo của những thay đổi kinh tế trong 150 năm vừa qua.

Nhưng rồi một điều rất thú vị xảy ra. Tạo vật nay trở thành tạo hóa: kinh tế nay tái tạo lại thời gian.

Từ cuối tuần xuất hiện trong thời kỳ bùng nổ công nghiệp, bởi một tuần làm việc riêng biệt không có nhiều ý nghĩa khi bạn làm việc trên đồng ruộng lúc nào cũng cần chăm sóc. Cụm từ nghỉ hưu xuất hiện lần đầu t những năm 1600, liên quan đến nghĩa vụ quân sự, nhưng cách dùng từ này trong bối cảnh hiện đại chỉ thật sự phổ biển sau khi nền kinh tế chuyển sang thời kỳ phát triển công nghiệp. Giờ vàng khuyến mãi là một cụm từ mới khác xuất hiện sau thập niên 50 của thế kỷ trước, đây là thời kỳ vàng son của phong trào lạc quan nơi công sở. Cụm từ viết tắt mang sắc thái tích cực tương tự là T.G.I.F (Thanks God It’s Friday), bắt nguồn từ sau Thế chiến thứ hai.

Tổng cộng có ba tác nhân góp phần vào việc phát minh thời gian trong bối cảnh hiện đại. Đầu tiên, những cuộc thám hiểm qua đại dương đến những vùng đất xa lạ yêu cầu sự chính xác trong việc định vị với những dụng cụ đo đạc thời gian tinh vi. Thứ hai, sự xuất hiện của đường sắt cần giờ giấc phải chuẩn hóa trên nhiều nước, thay thế hệ thống giờ địa phương sử dụng đồng hồ mặt trời. Thứ ba, nền kinh tế công nghiệp đòi hỏi những bộ luật lao động mới, điều này đã thay đổi cách mọi người nghĩ về việc làm. 

Những cái đồng hồ mới của hoàng đế

Lịch sử của đồng hồ chính là lịch sử của các đế chế.

Từ rất lâu trước khi đồng hồ hiện đại sử dụng lò xo và những vạch đánh dấu giờ quen thuộc, gần như tất cả các nền văn minh vĩ đại đều cố gắng đo đạc thời gian, và mỗi nền văn minh lại thất bại theo cách riêng của họ. Ở Ai Cập, Trung Hoa, và Lưỡng Hà cổ đại, đồng hồ mặt trời, hay “đồng hồ sử dụng bóng,” cần ánh sáng mặt trời để đo giờ giấc, trở nên khá vô dụng trong những ngày u ám nhiều mây. Để giải quyết vấn đề này, một số nền văn minh đã sử dụng “đồng hồ nước,” hay clepsydra. Dụng cụ này đều đặn nhỏ từng giọt nước qua một cái lỗ nhỏ vào bình chứa với những vạch xung quanh các mặt để ghi nhận sự dịch chuyển của thời gian. Nhưng chỉ cần một thay đổi nhỏ trong nhiệt độ có thể thay đổi độ kết dính của các phân tử và tần suất rơi của giọt nước. Vào một ngày lạnh lẽo, nước có thể đóng băng, và thời gian cũng thế.

Những đột phá quan trọng nhất trong lịch sử của thuật đo thời gian (horology) yêu cầu những động lực và tài nguyên của một đế chế toàn cầu. Vào giai đoạn cuối cùng của Kỷ nguyên Khám phá2 (Age of Exploration), những siêu cường quốc như Anh, Pháp, và Tây Ban Nha gặp khó khăn trong việc định hướng trên biển, bởi vì họ không thể đo chính xác kinh độ, hay nói cách khác là, độ dịch chuyển về phía đông hay tây so với điểm khởi hành. Kết quả là, những chuyến tàu này có thể đâm vào bãi đá ngầm hoặc đi lạc hay cạn kiệt lương thực.

Một số người cho rằng vấn đề nằm ở việc định hướng. Đối với John Harrison3, một thợ mộc người Anh, vấn đề rõ rằng nằm ở thời gian. Hãy tưởng tượng một chiếc tàu khởi hành từ Luân Đôn đi Jamaica với hai chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ đầu tiên chạy theo đúng giờ Luân Đôn trong suốt cuộc hành trình. Chiếc thứ hai được chỉnh giờ lại vào giữa trưa mỗi ngày trên biển khi mặt trời ở điểm cao nhất trên bầu trời. Vì thế, chênh lệch giờ giấc giữa hai chiếc đồng hồ ngày càng tăng trên đường con tàu dong buồm về châu Mỹ. Như bạn đã biết, trái đất xoay một vòng 360 độ mỗi 24 giờ, tương đương với 15 độ mỗi giờ. Vì thế, mỗi giờ chênh lệch giữa hai chiếc đồng hồ tương đương với việc con tàu đã đi được 15 độ tây – hoặc xấp xỉ 900 hải lý, khoảng cách giữa thành phố New York và Missouri; một múi giờ.

Viễn cảnh ở trên hoàn toàn không hề mang tính giả thuyết; nó chính là những tính toán của Harrison. Là chủ đề của cuốn sách kinh điển Longitude (tạm dịch, Kinh độ) của Dava Sobel4, Harrison trở nên nổi tiếng vì đã lắp rắp hai cái đồng hồ (chính xác hơn là đồng hồ đo thời gian chuẩn (chronometer) tinh vi nhất của mọi thời đại. Những cái đồng hồ của ông không phụ thuộc vào sự nhỏ giọt của nước, dòng chảy của cát, hay thậm chí là sự chuyển động của con lắc. Nó đủ chính xác và bền bỉ để chống chọi lại hành trình chênh vênh trên biển. Để bù đắp những gian nan khi tạo nên hai chiếc đồng hồ này – ông đã dành hơn 30 năm để thiết kế và tinh chỉnh chúng – Harrison đã dành một giải thưởng cao quý từ chính phủ Anh.

Chiếc đồng hồ đi biển đầu tiên (H1) của John Harrison. Sau này ông sẽ còn cải thiện và thiết kế tạo ra nhiều mẫu khác. Nguồn: Flickr.
Chiếc đồng hồ đi biển đầu tiên (H1) của John Harrison. Sau này ông sẽ còn cải thiện và thiết kế tạo ra nhiều mẫu khác. Nguồn: Flickr.

Đế chế Anh không chỉ giúp hoàn thiện chiếc đồng hồ hiện đại mà còn giúp phổ biến đồng hồ đeo tay. Cuối thế kỷ XIX, mọi người xem đồng hồ đeo tay như một món nữ trang; đàn ông cất đồng hồ quả quýt của mình trong túi áo. Nhưng trong những chiến dịch thực dân như chiến tranh Boer thứ nhất5 và chiến tranh Miến Điện thứ ba6, tư lệnh người Anh cột những chiếc đồng hồ nhỏ xung quanh cổ tay của người lính. Xông pha nơi trận mạc với thứ nữ trang này có thể khiến lính tráng cảm thấy trúc trắc trong bộ đồng phục chiến đấu của mình. Nhưng cải tiến này đã tỏ ra cực kỳ hữu dụng trong việc phối hợp hành quân.

Tới Thế Chiến I, đồng hồ đeo tay đã trở thành dụng cụ tiêu chuẩn của người lính ở trong chiến hào. Đối với những người đàn ông còn sống sót để trở về, họ giữ nó như một thói quen. Vì vậy, chiến tranh thực dân đã thổi chất nam tính vào những chiếc đồng hồ đeo tay, dù ngày trước nó đã được xem là trang sức của phụ nữ. Tới những năm 1930, đồng hồ đeo tay đã trở thành chuẩn mực, còn đồng hồ quả quýt đã trờ thành dĩ vãng. Thời gian, chính nó, đã trở thành một phần gắn với cơ thể con người.

Du hành xuyên múi giờ

Thời gian liên kết với không gian, không chỉ trong kết cấu của vũ trụ, mà còn trong những thành ngữ của chúng ta. Chúng ta nói về thời gian như một quãng áp dụng cho cả thời khắc (“Bây giờ là năm giờ kém mười lăm) và địa lý (“Mình còn cách Five Guys mười lăm phút nữa”). Có lẽ đây chính là lý do vì sao phát minh về cỗ máy xuyên qua không gian, tàu hỏa, khơi gợi ý tưởng về cỗ máy có thể xuyên thời gian.

Sự trỗi dậy của đường sắt ở thế kỷ XIX đã làm rúng động các nhà khoa học đương thời và là nguồn cảm hứng cho những ngôn từ ngây ngất về sự tiến bộ. Trong tác phẩm Journey to the Center of the Earth (tạm dịch: Du hành vào tâm Trái Đất, 1864), Jules Verne7 đã tưởng tượng ra một cỗ máy, thay vì di chuyển theo chu vi của Trái Đất, khởi hành theo trục vuông góc và đi sâu vào trong lõi Trái Đất. Trong tác phẩm The Time Machine (tạm dịch: Cỗ máy thời gian, 1895), nhân vật chính của H.G. Wells8 khởi hành trên một chiều khác, thời gian, như thể lịch sử là một đường ray nối từ quá khứ đến tương lai. Con người đã luôn cố gắng dự đoán tương lai từ trước cả thời của Nhà tiên tri xứ Delphi9. Chỉ sau khi tàu hỏa được phát mình thì họ mới bắt đầu tưởng tượng việc đến thăm nó (tương lai).

Phát kiến về sức mạnh máy móc, theo nhiều cách, đồng nghĩa với việc phát hiện tương lai. “Những kẻ du hành đi trên tàu hỏa hơi nước nhìn qua cửa sổ thấy khung cảnh con bò kéo lưỡi cày trên đồng ruộng như thời trung cổ, con ngựa kéo những toa xe, thế mà trên trời thì lại chằng chịt dây điện tín.” James Gleick10 đã mô tả như vậy trong tác phẩm Time Travel (tạm dịch: Du hành thời gian), một tác phẩm xuất sắc, hòa quyện nhiều lĩnh vực khác nhau để bàn về lịch sử của chủ đề này. (Bạn đọc hứng thú về lịch sử thời gian phiên bản đơn giản có thể tìm đọc tác phẩm tươi vui dành cho tuổi mới lớn – This Book is About Time (tạm dịch: Quyển sách này nói về Thời gian.) “Sự trộn lẫn giữa mới và cũ đã tạo nên một kiểu rối rắm hay phân ly mới,” Gleick viết. “Hãy gọi nó là sự bất hòa của thời gian.”

Gọi là bất hòa cũng đúng. Đường sắt đã tạo nên một cuộc khủng hoảng về quản lý thời gian không giống bất kỳ thứ gì loài người đã từng chứng kiến. Ở thời kỳ tiền tàu hỏa, thời gian mang tính địa phương, được xác định chủ yếu bằng góc của mặt trời ở trên bầu trời. Nếu Philadelphia và Harrisburg có giờ giấc khác nhau, thì không ai chú ý cả, bởi vì cư dân của Philly không thể tới Harrisburg bằng điện thoại hoặc tàu hỏa để nhận biết sự khác biệt. Vì thế, ở Mỹ có tới hàng trăm múi giờ địa phương.

Hệ thống giờ địa phương hoàn toàn phù hợp đối với một nền kinh tế nông nghiệp địa phương. Nhưng đối với công ty đường sắt và khách hàng của họ, hệ thống trên lại là một ác mộng. Hãy tưởng tượng bạn đang đi giữa ga hàng không (vốn đã là một mớ hỗn loạn xét về công tác hậu cần) và bạn nhận ra hai hãng Delta và United đang hoạt động trên hai thời gian biểu hoàn toàn khác nhau: Khi chuyến bay của United cất cánh vào đúng một giờ chiều thì cùng lúc đó một chuyến bay khác của hãng Delta khởi hành vào hai giờ chiều, và chiếc đồng hồ trên tường thì chỉ một giờ khác hẳn với hai khung giờ trên.

Điều này thật là nực cười. Thế nhưng đối với những hành khách đường sắt đầu tiên, viễn cảnh này hết sức bình thường. Ở ga tàu Buffalo, mỗi công ty đường sắt sử dụng thời gian biểu của riêng họ. Công ty đường sắt Trung tâm New York chạy theo giờ New York. Công ty đường sắt Nam Michigan thì lại theo giờ địa phương ở Columbus, Ohio. Và cả hai đều khác với đồng hồ chạy giờ địa phương Buffalo.

Như Gleick đã viết, “đường sắt đã khiến sự xuất hiện của múi giờ trở nên không thể tránh khỏi.” Các công ty đường sắt cuối cùng đã ngồi lại với nhau vào những năm 1880 và quyết định chia nước Mỹ ra thành bốn múi giờ tiêu chuẩn: phía đông, trung tâm, vùng núi, hải ngoại. Sự phân chia này khiến các cộng đồng địa phương phải từ bỏ quyền kiểm soát của họ với thời gian, nhưng quá trình này không diễn ra suôn sẻ khi mà nước Mỹ được xây dựng trên nền tảng liên bang11. Đối với nhiều người, quá trình chuẩn hóa giờ giấc như là một cuộc xâm lược quốc gia. Số khác cáo buộc những nhà sản xuất trang sức đã đạo diễn cuộc cách mạng múi giờ để khiến nhiều người phải mua đồng hồ mới.

Bốn múi giờ trên chính thức xuất hiện vào ngày 18 tháng Mười Một, 1883. Những khung giờ chính xác hình thành là nhờ một công nghệ mới khác, mà dường như đã xuyên thấu ranh giới của thời gian và không gian, đó chính là điện tín. Vào năm tiếp theo, Hội nghị Giờ Quốc tế thiết lập kế hoạch cho các múi giờ ở phạm vi toàn cầu, bao gồm luôn cả Đường Đổi ngày Quốc tế. Vì thế, đồng hồ đeo tay và giờ tiêu chuẩn – có lẽ là hai biểu tượng nổi tiếng nhất của bộ môn đo lường thời gian – lại là tạo vật của những chuyến lữ hành.

Lịch chạy tàu hỏa tại New Orleans, Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Nguồn: Wikimedia
Lịch chạy tàu hỏa tại New Orleans, Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Nguồn: Wikimedia

Giờ đây không một ai than phiền nhiều về các múi giờ cả, trừ phi họ đang kêu ca về jet-lag12. Thay vào đó, chúng ta lại dồn sự căm ghét cho Quy ước Giờ Mùa hè13 (DST). Đầu tiên được phát triển bởi Đức trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất để tiết kiệm nhiên liệu, DST lần đầu xuất hiện ở Mỹ vào cùng thời kỳ. Đối lập với ý kiến khá phổ biến là quy ước giờ mùa hè có lợi những người nông dân, chính những nhà bán lẻ thành thị lại là những người ủng hộ nó mạnh mẽ nhất, vì họ có thể tiết kiệm chi phí ánh sáng nhân tạo. Nông dân thật ra lại dẫn đầu nỗ lực toàn quốc để xóa bỏ quy ước giờ mùa hè vào 1919. DST xuất hiện trở lại vào 1942, khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt tiến hành “Giờ Chiến tranh,” hai tháng sau sự kiện Trân Châu Cảng, và chỉ trở thành giờ tiêu chuẩn bình thường vào 1945. Thời gian không chờ đợi một ai, thế nhưng khi một quốc gia lao vào chiến sự, nó lại bị tung hứng kha khá.

Vì thế, đồng hồ đeo tay và giờ tiêu chuẩn – có lẽ là hai biểu tượng nổi tiếng nhất của bộ môn đo lường thời gian – lại là tạo vật của những chuyến lữ hành.

Ngoài giờ tiêu chuẩn, sự xuất hiện của đường sắt còn góp phần vào việc tạo ra một khái niệm của thế kỷ 21 – sự nghiệp (career). Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp carriere, có nghĩa là đường đua. Tuy nghiên, để có tầng nghĩa như hiện tại, công việc cần được gắn với một yếu tố phát triển nghề nghiệp. Nông dân đạt được thu nhập tối đa trong độ tuổi 20. Nhưng những công dân đường sắt lại cần thêm 20 năm nữa để làm được điều tương tự, ngay cả khi trong những năm cuối của thế kỷ XIX.

Khi nền kinh tế chuyển mình từ lưỡi cày sang đường sắt, nó đã thay đổi hoàn toàn đồ thị thu nhập của một đời người. Thay vì sự tăng trưởng thu nhập giống với một bình nguyên – một hệ thống lương bổng cố định, không thay đổi (hoặc có lẽ là khó lường) trong nhiều thập kỷ – cuộc cách mạng công nghiệp đã vẽ ra đường cong thu nhập quen thuộc của những người lao động hiện đại, với thu nhập tăng đều đặn tới tuổi trung niên rồi từ từ giảm sút. Vì thế, nền kinh tế công nghiệp đã phát minh ra khái niệm về sự nghiệp thời hiện đại, điều này làm cho dòng chảy thời gian trở thành một vấn đề quan trọng về mặt vật chất đối với những người lao động chuẩn bị đón chào thời khắc chuyển mình sang thế kỷ mới. (Thật ra, cụm từ “chuyển mình sang thế kỷ mới” thậm chí chỉ được tạo ra ở những năm đầu của thế kỷ XX; trước đó, có lẽ mỗi thế kỷ trôi qua hững hờ như bóng của đồng hồ mặt trời hay cạn khô như đồng hồ nước.)

Làm việc vào cuối tuần

“Lịch của bạn như thế nào?”

Đây là một trong những câu hỏi quen thuộc nhất ta có thể nghĩ ra ở chốn công sở thời hiện đại. Nhưng nếu bạn hỏi ai đó ở thế kỷ XV hay XVIII, người đó ắt hẳn sẽ không biết bạn đang nói gì đâu. Từ tiếng Anh schedule có nguồn gốc từ thời xa xưa, trong hàng trăm năm nó đơn giản chỉ mang nghĩa là một mẫu giấy. Nhưng định nghĩa hiện đại – một chuỗi sự kiện và giờ giấc theo thứ tự – chỉ mới xuất hiện gần đây vào cuối thế kỷ XIX. Từ này được sử dụng đầu tiên chỉ danh sách các chuyến tàu khởi hành của các công ty đường sắt. (Cũng giống như từ đi lại (commute), có nguồn gốc từ “vé thông hành” (commutation ticket) hay vé tháng đi tàu điện hay tàu hỏa.)

Trong nửa thế kỷ tiếp theo, các nhà tư bản công nghiệp Mỹ bắt đầu bị ám ảnh bởi việc tối ưu hóa các loại thời gian biểu. Nếu thời gian trở thành niềm cảm hứng văn hóa trong những năm cuối của thể kỷ XIX, nó biến thành mẫu số cho các phép tính kinh tế trong thế kỷ XX.

Dây chuyền sản xuất xe Model-T của Henry Ford14 và tác phẩm The Principles of Scientific Management (tạm dịch: Những nguyên lý Quản trị Khoa học) của Frederick Winslow Taylor15 xuất hiện trong thập niên 1910. Luận cương về năng suất của Taylor chia lao động thành những hoạt động riêng rẽ – mở hộp thư, gõ cây đinh – và khuyến khích việc tối đa hóa năng suất trên thời gian (trong khi thường tối thiểu hóa lương trên thời gian). Đồng hồ đo đạc giờ giấc làm việc của công nhân xuất hiện ngay sau khi các lý thuyết quản trị khoa học của Taylor ra đời. Từng là dụng cụ đồng bộ của quân đội, đồng hồ nay kiểm soát sự hiệu quả của nhà máy. Ngay cả các nhà sản xuất đồng hồ quảng cáo chúng là những dụng cụ để tạo ra một nhân viên “lợi nhuận cao.”

Đối với những người công nhân, lịch sử lâu đời của phong trào lao động ở Mỹ theo nhiều cách là một nỗ lực để chuyển đổi từ những cam kết bỏ ngỏ làm việc càng lâu càng tốt đến một khuôn khổ pháp lý giới hạn ngày làm việc và tuần làm việc – một cuộc biểu tình đòi lại thời gian. Một số người biểu tình vì lao động đầu tiên ở Mỹ đòi hỏi một ngày làm việc (chỉ có) 10 tiếng, điều mà những người lao động hiện nay coi là kinh khủng.

Nhưng dù sao thì họ phải bắt đầu từ đâu đó, khi mà chuyện các công nhân dệt may làm việc 12 tiếng một ngày vào đầu thế kỷ XIX không phải là hiếm gặp. Vào năm 1840, Martin Van Buren ký sắc lệnh hành pháp16 (executive order) quy định một ngày làm việc gồm 10 tiếng. Tới thập niên 1860, Liên Đoàn Tám Tiếng và Hiệp sỹ Lao động thúc đẩy phong trào đòi cắt giảm hai tiếng nữa khỏi tuần làm việc. Năm 1868, Tổng thống Ulysses S. Grant17 ký tuyên cáo thực hiện ngày làm việc gồm tám tiếng cho những nhân viên nhà nước. Tuyên cáo này được mở rộng để bao gồm thêm cả công nhân đường sắt vào 1915 và rồi cả toàn bộ khu vực tư nhân thông qua Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng năm 1937. Ngay sau đó, phong trào lao động tập trung sự chú ý từ ngày làm việc sang tuần làm việc, ủng hộ hai ngày nghỉ cuối tuần. Giữa 1920 và 1927, số lượng các công ty lớn với tuần làm việc chính thức năm ngày đã nhảy vọt theo cấp số tám.

Sau tất cả những nỗ lực, trong một thế kỷ rưỡi, tuần làm việc từ 10 tiếng một ngày, sáu ngày một tuần rút lại còn tám tiếng một ngày, năm ngày một tuần vào thập niên 1880 – giảm bớt 33% tổng thời gian làm việc. Vậy những thời gian mới dư ra đi đâu? Phần nhiều dành cho việc giải trí. Hàng loạt sản phẩm của truyền thông đã phát triển trong thế kỷ vừa rồi – bao gồm tuần san, phim ảnh, đài phát thanh, ti vi, truyền hình cáp, và mạng xã hội – phụ thuộc vào sự chú ý của đám đông, thứ mà chỉ dư dả khi mà giờ làm việc đã giảm đi.

Ngôi nhà thời gian

Các nhà vật lý lượng tử cho rằng quá khứ và tương lai chỉ là ảo ảnh. Họ nhận định thời gian giống với không gian hơn. Nó là một thứ chỉ tồn tại đơn thuần chứ không diễn ra. Tưởng tượng một căn nhà. Tất cả các phòng đều ở đó, và việc một căn phòng đến “sau” hoặc “trước một căn phòng khác là thuần tưởng tượng. Thay vào đó, nhận thức của mỗi cá nhân đi xuyên qua căn nhà tạo nên ảo giác của một chuỗi những căn phòng không thể phá vỡ.

Lý thuyết lượng tử của thời gian dường như không liên quan đến lịch sử của thuật thời khắc dưới góc nhìn kinh tế. Bạn có thể nghĩ rằng một số nhà khoa học cho rằng thời gian không tồn tại? Chả ai quan tâm, nó chắc chắn tồn tại với tôi! Mọi người trải nghiệm thời gian như một dòng chảy, một chuỗi đô-mi-nô ngã xuống vô tận, môt sợi chỉ xâu chuỗi các sự kiện nhân quả không bất ngờ nhảy vọt hay bật lùi về vài khoảnh khắc, nhưng thay vào đó chuyển tiếp từ những khoảnh khắc hiện tại sang những khoảnh khắc tiếp theo với một nhịp cố định.

Mục đích của nền kinh tế là kiểm soát hiểm nguy của tương lai, thấu hiểu được thời gian, và chế ngự được nó làm việc cho chúng ta. Vào thập niên 1930s, kinh tế gia John Maynard Keynes18 dự đoán rằng năng suất kinh tế trong tương lai sẽ giảm tuần làm việc đằng đẵng xuống chỉ cần còn 15 tiếng. Trớ trêu thay, khi mà sau vài thiên niên kỷ của các học thuyết kinh tế nảy mầm và phát triển, những người giàu có nhất nước Mỹ lại chưa dùng tài sản của họ để mua thời gian không làm việc. Họ chỉ dùng tiền để mua thêm công việc. Những người giàu nhất nước Mỹ nay làm việc nhiều giờ hơn so với những thập kỷ trước.

Như tôi đã viết, những người đàn ông Mỹ giàu có là những con nghiện làm việc chính của thế giới. Họ bỏ nhiều thời gian làm việc hơn cả những người giàu ở nước khác và những người Mỹ thu nhập thấp hơn. Thật khó để lý giải tại sao. Có lẽ điện thoại di động đã trở thành một sợi dây xích không thể phá vỡ (xiềng con người ta vào email và công việc). Có lẽ cuộc truy cầu danh vọng và tiền bạc trong chế độ tài phiệt thật ra chỉ là một sợi dây buộc khác. Hoặc có lẽ người giàu chỉ đơn giản là thích làm việc (“xây dựng của cải đối với họ là một quá trình sáng tạo, và là thứ gần nhất với niềm vui mà họ có,” như kinh tế gia Robert Frank đã viết).

Một nghiên cứu mới đây cho rằng rất nhiều những con nghiện làm việc có những giá trị hoàn toàn ngược lại. Al E. Hershfield và Cassie Mogilner Holmes, hai giáo sư ở Trường Quản trị Anderson của UCLA, hỏi 4000 người Mỹ với tuổi tác, thu nhập, nghề nghiệp, và tình trạng hôn nhân khác nhau: Bạn chọn tiền tài hay thời gian? Khoảng hai phần ba những người được hỏi chọn tiền tài.

Nhưng đối với những ai quý trọng thời gian hơn tiền bạc thì họ lại hạnh phúc hơn, ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã kiểm soát biến số thu nhập. Đối với những người có cùng mức thu nhập, những ai hài lòng với cuộc sống của họ có xác suất cao hơn sẽ chọn thời gian. Hai giáo sư trên đã viết, ”giá trị mà các cá nhân đặt cho các nguồn tài nguyên trên tương đối với nhau có thể tiên đoán được hạnh phúc.”

Mọi người trải nghiệm thời gian như một dòng chảy, một chuỗi đô-mi-nô ngã xuống vô tận, môt sợi chỉ xâu chuỗi các sự kiện nhân quả không bất ngờ nhảy vọt hay bật lùi về vài khoảnh khắc, nhưng thay vào đó chuyển tiếp từ những khoảnh khắc hiện tại sang những khoảnh khắc tiếp theo với một nhịp cố định.

Phần lớn cái mà chúng ta bây giờ gọi là thời gian thật ra chỉ là câu chuyện tưởng tượng mang tính tập thể, khi mà các hoàng đế, nhà đại tư bản, người biểu tình, và thợ hàn góp phần nhào nặn nó. Trớ trêu thay khi những người lao động hạnh phúc nhất lại lao động để kiếm thời gian hơn là tiền bạc. Những con nghiện làm việc có lẽ đã phụng sự một vị thần hão huyền rồi. Nhưng mà, như các nhà vật lý lượng tử sẽ nói, chúng ta cũng đều như vậy cả.


  1. “Rủi ro” ở đây là việc người vay không thể trả lại khoản vay ban đầu của mình. Thông thường, lãi suất tỉ lệ thuận với rủi ro phá sản của người vay. Xác suất phá sản càng cao, lãi suất cho vay càng lớn.

  2. Kỷ nguyên Khám phá bắt đầu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Giai đoạn này đánh dấu những cuộc thám hiểm vượt đại dương của các hạm đội tàu châu Âu.

  3. John Harrison (3/4/1693 – 24/3/1776) là thợ mộc và thợ làm đồng hồ người Anh. Phát minh lớn nhất của ông chính là đồng hồ tiêu chuẩn dùng cho hàng hải.

  4. Dava Sobel (15/6/1947) là nhà nhà văn người Mỹ tập trung vào chủ đề khoa học.

  5. Chiến tranh Boer thứ nhất diễn ra từ 16/12/1880 đến 23/3/1881 giữa Anh và Cộng hòa Nam Phi.

  6. Chiến tranh Miến Điện thứ ba là cuộc xung đột giữa Anh và Miến Điện (hay Myanmar) diễn ra 7 – 29/11/1885.

  7. Jules Gabriel Verne (8/2/1828 – 24/3/1905) là tiểu thuyết gia, nhà thơ, và nhà soạn kịch người Pháp, nổi tiếng bởi các tác phẩm văn học chủ để thám hiểm.

  8. Herbert George Wells (21/9/1866 – 13/8/1946) là nhà văn người Anh.

  9. Pythia, hay còn gọi là Nhà tiên tri xứ Delphi, là tên của tu sĩ tối cao ở Đền thờ thần Apollo tại Delphi.

  10. James Gleick (1/8/1954) là sử gia về chủ đề khoa học người Mỹ.

  11. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng liên bang (federalism). Ở Mỹ, tồn tại hai loại hình chính quyền song song: chính quyền tập trung và chính quyền các bang.

  12. “Jet-lag” là hiện tượng sinh lý khi đồng hồ sinh học trong cơ thể con người bị rối loạn sau một chuyến bay dài đi qua nhiều múi giờ.

  13. Daylight saving time (DST) hay Giờ mùa hè là quy ước chỉnh đồng hồ nhanh lên một giờ trong các tháng mùa hè để tiết kiệm năng lượng chiếu sáng, khi mà giờ đây mọi người làm việc một tiếng sớm hơn bình thường để tận dụng ánh sáng mặt trời, và đi ngủ một tiếng sớm hơn.

  14. Henry Ford (30/7/1863 – 7/4/1947) là nhà công nghiệp người Mỹ, cha đẻ của công ty ô tô Ford.

  15. Frederick Winslow Taylor (20/3/1856 – 21/3/1915) là kỹ sư cơ khí người Mỹ. Ông luôn cố gắng cải thiện năng suất công nghiệp trong sự nghiệp của mình.

  16. Sắc lệnh hành pháp là sắc lệnh theo pháp luật được ký bởi Tổng thống Hoa Kỳ, được thi hành trực tiếp không thông qua sự đồng ý của Quốc hội Hoa Kỳ.

  17. Ulysses S. Grant (27/4/1822 – 23/7/1885) là tổng thống thứ 18 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

  18. John Maynard Keynes (5/6/1883 – 21/4/1946) là kinh tế gia người Anh. Học thuyết của ông đã thay đổi gốc rễ bộ môn kinh tế học vĩ mô từ lý thuyết đến ứng dụng. Thông tin chi tiết tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất