Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
Series: What is...?
§ Tác giả: Sicalo | Hiệu đính:  za
11/09/2021

1. Trách nhiệm đạo đức (moral responsibility) là gì?

Đồng hồ điểm 8 giờ tối, Hoàng vội vàng ngắm nghía và tút tát lại mái tóc vuốt keo sáng bóng của mình để chuẩn bị cho một buổi hẹn hò lãng mạn ở El Gaucho. Hoàng đã theo đuổi Ngân hơn 3 tháng nay nhưng có vẻ Ngân vẫn chưa đổ. Đây là lần đầu tiên Hoàng hẹn được Ngân dùng bữa ở một nhà hàng sang trọng mà anh đã chuẩn bị trước. Thực ra trong suy nghĩ của Hoàng, Ngân chỉ là một thử thách mà anh muốn chinh phục. Hoàng không thích Ngân thật lòng nhưng vẫn muốn cưa đổ Ngân bằng những món đồ xa xỉ và những lời khen có cánh, vì mục tiêu cuối cùng của anh là để lên giường với Ngân. Hiển nhiên trong chúng ta ai cũng nghĩ Hoàng là một thằng đểu. Điều Hoàng đang làm với Ngân là một điều sai trái, hay nếu nặng lời hơn thì hành động của anh sẽ bị gọi là vô đạo đức.

Trong triết học, khi bạn làm một việc “X” thì bạn phải chịu trách nhiệm đạo đức (bị coi là vô đạo đức hay có đạo đức) cho hành động của bạn khi và chỉ khi thông qua làm việc “X”, những người khác có lý do chính đáng để nghĩ xấu hay tốt về bạn. Hoàng phải chịu trách nhiệm đạo đức về hành động của Hoàng khi lừa dối Ngân, vì hành động của Hoàng đang cho mọi người một lý do chính đáng để nghĩ rằng Hoàng là một người không trung thực. Hay nói cách khác, một ai đó có trách nhiệm đạo đức về hành động của họ khi: làm hành động đó họ xứng đáng được khen ngợi/ca tụng/tự hào/hâm mộ/tán dương/thưởng nếu đó là hành động tốt hoặc họ xứng đáng bị chê bai/khinh bỉ/thiếu tôn trọng/trừng phạt nếu đó là hành động xấu.

Ở đây bạn cần phân biệt một chút về việc chúng ta hoàn toàn có lý do chính đáng cho việc trừng phạt (hoặc tán dương) một người nào đó (tạm gọi là Tuấn) vì Tuấn có nguy cơ gây hại cho xã hội nhưng trên thực tế Tuấn lại không hề xứng đáng để bị trừng phạt như vậy. Lấy một ví dụ nhé, nếu Tuấn không may mắc phải một bệnh thần kinh liên quan đến não ngay từ hồi mới sinh và thỉnh thoảng Tuấn sẽ lên cơn co giật, không làm chủ được bản thân, dẫn đến việc anh có thể gây tổn thương những người xung quanh. Xã hội hay bố mẹ Tuấn vẫn có lý do chính đáng để trừng phạt (trong trường hợp này là nhốt Tuấn vào trại) mặc dù rõ ràng là việc Tuấn bị bệnh từ nhỏ không hề là lỗi của anh ý. Trong trường hợp này, chúng ta đang trừng phạt Tuấn (thông qua việc nhốt Tuấn vào trại) và chúng ta hoàn toàn có lý do chính đáng để làm việc này. Mặc dù công bằng mà nói, Tuấn không hề xứng đáng bị như vậy.

Tương tự, khi chúng ta nhốt một con sư tử rất dữ ở trong chuồng thú chẳng hạn, chúng ta đâu có cho con sư tử những gì nó xứng đáng được nhận. Con sư tử hung dữ này đâu xứng đáng để phải bị nhốt trong lồng, hay mọi việc sẽ rất là buồn cười khi tự nhiên có ông chỉ tay vào con sư tử xong bảo “chết m* mày chưa, mày xứng đáng bị nhốt trong này.” Tuy nhiên, việc con sư tử bị nhốt trong lồng là cần thiết nếu nó có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Đây cũng là một trường hợp cho chúng ta thấy rằng một cá thể có thể không xứng đáng bị trừng phạt nhưng việc bị trừng phạt lại hoàn toàn có lý do chính đáng.

Trên thực tế, vẫn có trường hợp chúng ta có lý do chính đáng để trừng phạt một người nào đó vì một hành động mà thậm chí họ còn không làm. Vì sau tất cả, mục đích cuối cùng của việc trừng trị một ai đó là để răn đe và để ngăn người khác không hành động tương tự. Nếu trên thế giới này ai cũng tin Linh phạm tội giết người, và tòa án cũng đưa ra phán quyết tử hình Linh vì cô ấy phạm tội giết người nhưng trên thực tế Linh vô tội thì việc đưa ra hình phạt mang tính chất răn đe có một hiệu quả là khiến cho những người khác sợ mà không dám làm những việc tương tự như Linh.

Hay trong một trường hợp khác, giả sử Tuấn dành hết thời gian rảnh của mình để giúp đỡ những người nghèo và chăm sóc những người già neo đơn trong viện dưỡng lão. Mọi người có thể tán dương, ca tụng Tuấn hay thậm chí trao bằng khen của phường, xã cho Tuấn với mong muốn những người khác sẽ noi gương theo Tuấn để làm những việc tương tự. Việc trao bằng khen hay tán dương Tuấn là một việc làm hợp lý kể cả khi Tuấn không hề xứng đáng với sự tán dương này, vì có thể Tuấn chỉ cố tình ra vẻ thích chăm sóc người già nhưng trên thực thế Tuấn rất ghét họ, Tuấn chỉ muốn làm thế để làm bạn với những người già giàu có rồi lấy hết của cải của họ sau khi họ chết chẳng hạn.

Vì vậy, khi chúng ta bàn bạc trên phương diện triết học về việc liệu một người có xứng đáng để chịu sự trừng phạt hay tán dương thì sẽ là một chuyện hoàn toàn khác khi chúng ta bàn về việc liệu có lý do chính đáng nào cho việc tán dương hay khinh thường một người nào đó. Chúng ta hoàn toàn có thể có lý do chính đáng cho việc trừng trị một người ngay cả khi họ không xứng đáng bị chịu sự trừng trị như vậy.

Khi nói về trách nhiệm đạo đức, bài viết này chỉ muốn tập trung vào câu hỏi liệu chúng ta có thực sự bao giờ xứng đáng nhận những lời khen, chê, tán dương, khinh bỉ, tôn trọng, trừng trị hay khen thưởng cho tất cả những hành động của chúng ta hay không; chứ bài viết không đề cập đến việc liệu có lý do chính đáng hay có hợp lý cho việc trừng trị/khen thưởng một ai đó vì hành động của họ (có thể là vì sự an toàn của cộng đồng hay duy trì sự ổn định xã hội hay bất cứ thứ gì).

Khi nói về trách nhiệm đạo đức không thể không nói tới thuyết tiền định.

2. Thuyết Tiền Định – Determinism

Thuyết tiền định nói đơn giản rằng tất cả mọi việc, mọi vật, mọi sự kiện trên trái đất này đều có nguyên nhân của nó (ngoại trừ cái sự kiện đầu tiên khởi nguồn tất cả, nếu thực sự có một sự kiện đầu tiên). Thuyết tiền định liệu có đúng hay không thì vẫn chưa ai biết được. Nhiều nhà triết gia hay tôn giáo tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị chi phối bởi thuyết tiền định, một số khác thì không đồng ý như vậy.

Thuyết phi tiền định (indeterminism) chỉ đơn giản là phủ định của thuyết tiền định: thuyết phi tiền định nói rằng không phải tất cả mọi sự vật, sự việc trên trái đất này đều có nguyên nhân của nó. Nghĩa là thuyết phi tiền định cho rằng một số sự kiện (không nhất thiết phải là sự kiện đầu tiên khởi nguồn tất cả) không có nguyên nhân của nó.

Khi nói một sự kiện A gây ra sự hình thành của sự kiện B, nghĩa là sự hiện diện của A khiến cho sự hiện diện của B là một điều tất yếu (với một điều kiện là luật tự nhiên – law of nature đang được áp dụng). Ví dụ nhé, ông em nhà mình đổ nước (sự kiện A) vào một đốm lửa đang cháy khiến đốm lửa đó biến mất (sự kiện B) bởi vì quy luật của tự nhiên đã dạy ta rằng khi đổ nước lên một vật đang cháy, vật đó sẽ dừng việc bị cháy lại.

Thuyết tiền định khẳng định rằng mọi sự kiện đều là kết quả bất khả kháng hay đều là kết quả tất yếu của sự kiện xảy ra trước nó. Ở đây trong bài viết mình sử dụng từ “sự kiện” một cách bao quát để chỉ tất cả sự vật, sự việc xảy ra trên trái đất này. Khi mặt trời mọc, đây là một sự kiện. Khi một tế bào phân chia, đây cũng là một sự kiện. Bạn bị bồ bỏ, đây cũng là một sự kiện. Người yêu cũ đòi quay lại với bạn, đây cũng là một sự kiện. Hay bạn thích anh zai hàng xóm, đây cũng lại là một sự kiện.

Thuyết tiền định này còn bao gồm tất cả những sự kiện xảy ra trong cuộc đời bạn, hay tất cả những sự kiện vi mô mang tính sinh học khiến hình thành cơ thể bạn và cũng bao gồm tất cả những hành động của bạn nữa.

Điều này có ý nghĩa gì? Điều này nghĩa là nếu thuyết tiền định mà đúng, bất kể một hành động nào của bạn cũng sẽ đều có nguyên nhân. Và nguyên nhân của hành động của bạn cũng có nguyên nhân của chính nó. Và nguyên nhân của nguyên nhân của hành động của bạn cũng sẽ có nguyên nhân của tụi nó, và nó sẽ lặp đi lặp lại đến vô cực thời gian (hay sẽ dừng lại cho đến khi nào chúng ta đạt đến được sự kiên đầu tiên khởi nguyên của tất cả các thể loại sự kiện, trong trường hợp thực sự có sự kiện đầu tiên đó). Nghe có vẻ hợp lý phết nhỉ?

Vậy như cách giải thích ở bên trên, nếu trong trường hợp thực sự thuyết tiền định là đúng – nghĩa là mọi việc đều có nguyên nhân của nó – thì mỗi hành động của bạn là kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của hành động trước đó của bạn. Hành động trước đó của bạn lại là kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của hành động trước đó nữa. Rồi cứ thế lặp đi lặp lại vân vân và mây mây.

Bây giờ, nếu sự kiện C là kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của sự kiện B, và sự kiện B là kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của sự kiện A. Thì theo quy luật bắc cầu, sự kiện C là kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của sự kiện A. Nếu vậy, nếu trong trường hợp thuyết tiền định thực sự đúng, thì bất kì hành động nào của bạn ở thời điểm hiện tại là kết quả tất yếu của sự kiện xảy ra cả trước khi bạn được sinh ra. Một sự kiện xảy ra rất rất lâu trong quá khứ, thậm chí từ lúc khởi nguồn thời gian là vụ nổ big bang đi chẳng hạn, đã gạt một cái công tắc bật vòng quay của số phận để rồi kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi trong thời điểm hiện tại là hành động của bạn.

Tuy nhiên, thuyết tiền định không ám chỉ rằng bạn không có quyền đưa ra lựa chọn cho hành động của bản thân. Bình thường, khi bạn quyết định làm gì đó là bởi vì bạn lựa chọn làm việc đó hay bạn muốn làm việc đó. Ví dụ, bạn thích một anh chàng tên Phong, và bạn có một niềm tin là việc mua cho anh ý một đôi giày Nike sẽ khiến anh ta thích bạn, việc bạn thích Phong và có một niềm tin về việc mua giày xảy ra cùng một lúc và dẫn đến hành động đi ra Metropolis Centre để mua đôi giày Nike cho Phong. Tất cả những việc này đều có thể tồn tại song song với thuyết tiền định. Thuyết tiền định chỉ nói rằng niềm tin và cảm xúc yêu thích bạn dành cho Phong là kết quả tất yếu của sự kiện đã xảy ra từ trước đó. Và những sự kiện này lại có những nguyên nhân của chính tụi nó và vân vân. Thuyết tiền định tin rằng sự kiện nào đó đã xảy ra ở quá khứ khiến cho việc bạn yêu Phong hay đi ra Metropolis để mua giày cho Phong là một hệ quả tất yếu và không thể tránh khỏi. Và những sự kiện đã xảy ra rất lâu trong quá khứ khiến bạn đi ra Metropolis mua giày cho Phong bằng cách làm cho bạn có nhu cầu muốn đi ra Metropolis mua giày cho Phong. Niềm tin của bạn, nhu cầu của bạn, lựa chọn của bạn hay những suy nghĩ trong đầu của bạn là một trong nhiều những cầu nối tất yếu trong cả một hệ thống chuỗi nhân-quả đã có từ rất rất lâu trong quá khứ để đến bây giờ bạn có những niềm tin, nhu cầu và lựa chọn đó. Nếu bạn không yêu Phong, hay không có niềm tin rằng việc mua đôi giày Nike sẽ khiến cho Phong thích bạn thì bạn sẽ chẳng bao giờ đi ra Metropolis để mua đôi giày đó cả. Nó chỉ đơn giản là, nếu thuyết tiền định là đúng, thì mọi việc đã được định sẵn từ rất lâu trong quá khứ, thậm chí trước cả lúc bạn được sinh ra hay trước cả lúc bố mẹ bạn còn chưa biết nhau, mọi thứ đã được định đoạt trong quá khứ rằng tại ngày 31-7-2021 thì bạn có một nhu cầu là yêu Phong và có một niềm tin là việc mua giày ở Metropolis sẽ khiến cho Phong thích bạn.

Cũng cần phân biệt giữa thuyết tiền định (determinism) và thuyết định mạng (fatalism). Theo như những gì thuyết định mạng nói, tất cả các hành động tương lai của bạn sẽ bị định đoạt bởi rất nhiều những sự kiện xảy ra trước đó và những điều này sẽ khiến bạn làm những việc bất kể bạn có muốn làm việc đó hay không. Thuyết tiền định chỉ nói rằng, hàng ngàn năm về trước, một sự kiện xảy ra khiến cho bạn có tình cảm với Phong và muốn yêu Phong. Nhưng thuyết định mạng lại nói rằng, từ hàng ngàn năm trước có một ngôi sao trên trời chiếu xuống khiến cho bạn sẽ phải yêu Phong, cho dù bạn có muốn hay không đi chăng nữa.

Thuyết tiền định đúng hay sai hiện giờ vẫn đang là vấn đề còn rất nhiều tranh cãi. Có thể đúng, có thể sai. Nhưng thuyết định mạng thì khá là ngớ ngẩn và không mang giá trị bàn bạc triết học lắm nên chúng ta sẽ không đề cập đến thuyết định mạng trong bài viết này.

3. Strawson và niềm tin đạo đức là hư vô (nghĩa là không tồn tại một cái gì gọi là trách nhiệm đạo đức cả)

Galen Strawson là một nhà triết học người Anh, người nghĩ rằng trên trái đất này không thể có thứ gì được gọi là đạo đức hay trách nhiệm đạo đức cả. Strawson cho rằng thật vô lý khi có niềm tin rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm đạo đức cho hành động của chúng ta. Bác Strawson tin rằng ý tưởng cho việc mọi người xứng đáng được khen thưởng/ca tụng/tán dương hay xứng đáng bị trừng trị/chê trách/khinh bỉ vì hành động của mình là một ý tưởng thiếu nhất quán. Strawson có một niềm tin mãnh liệt rằng trên trái đất này không có một hành động nào của bất kì một ai cho chúng ta một lý do chính đáng để nghĩ xấu hay nghĩ tốt về người đó cả. Hay nói một cách ngắn gọn khác, không tồn tại một thứ gì tên là đạo đức, hay trách nhiệm đạo đức vì thế trên đời này không có gì đúng hay sai về mặt đạo đức cả. Góc nhìn này được gọi là thuyết đạo đức hư vô (Moral Nihilism).

Nếu kết luận của Strawson là đúng thì thực sự có rất nhiều thứ có thể suy ra được từ góc nhìn của Bác. Quay trở lại với câu chuyện của Hoàng mà mình đã kể trên đầu bài, Hoàng chỉ chăm chăm lên giường với Ngân nên sẽ nói dối cô là Hoàng thích cô thật. Việc làm của Hoàng, theo quan điểm của Strawson, là chẳng có gì đáng để lên án hay trách móc cả. Hay lấy một ví dụ khác, ai cũng tin rằng việc làm tình nguyện là tốt, là một điều đáng khen và đáng được tuyên dương. Nhưng theo quan điểm của Galen Strawson, thì không có cá nhân nào xứng đáng được khen hay xứng đáng được tuyên dương trong việc làm tình nguyện của họ cả. Nếu không thể phủ quyết lập luận của Strawson, thì chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới phi đạo đức và đạo đức không hề tồn tại.

Về cơ bản, lập luận của bác Strawson để ủng hộ cho thuyết đạo đức hư vô (moral nihilism) khá đơn giản: tất cả những việc bạn làm đều là kết quả tất yếu của những sự kiện mà bạn không hề kiểm soát được; bạn lại không bao giờ phải chịu trách nhiệm đạo đức (bạn không xứng đáng được khen hay bị chê) vì những hành động nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn; vì vậy bạn không bao giờ phải chịu trách trách nhiệm đạo đức về tất cả việc gì bạn đang, đã và sẽ làm cả. Để tiện bàn luận, hãy để mình đi từng bước trong lập luận của bác Strawson nhé.

  • Luận điểm 1: Tất cả những việc bạn làm đều là kết quả tất yếu của những sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn
  • Luận điểm 2: Bạn không phải chịu trách nhiệm đạo đức (bạn không xứng đáng bị chê hay được khen) về những hành động nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn
  • Kết luận: Bạn không bao giờ phải chịu trách nhiệm đạo đức về bất kì hành động nào của bạn cả

Lập luận của bác Strawson có thuyết phục không? Đây là một tranh luận triết học nên nếu bạn chấp nhận luận điểm 1 là đúng và bạn cũng chấp nhận luận điểm 2 là đúng thì bạn không còn cách nào khác phải chấp nhận kết luận của bác Strawson. Không ai cãi nhau ở kết luận cả, mình có viết một bài giải thích tại sao lại như vậy tại đây. Nếu bạn không đồng ý với kết luận, hãy chỉ ra ở lập luận nào của bác Strawson bạn chưa thấy đúng. Okay, vậy nhìn lại lập luận của bác, tại sao chúng ta lại nên tin rằng lập luận 1 và lập luận 2 là đúng?

3.1 Luận điểm 1: Tất cả những việc bạn làm đều là kết quả tất yếu của những sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn

Đầu tiên, hãy xem tại sao bác Strawson lại nghĩ rằng chúng ta nên đồng ý với luận điểm 1 của bác ý. Đây là luận điểm nói rằng tất cả những việc chúng ta làm đều là kết quả tất yếu của những sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Để chứng minh rằng luận điểm 1 này đúng, Strawson xem xét hai khả năng có thể xảy ra: khả năng 1 – thuyết tiền định là đúng & khả năng 2 – thuyết tiền định là sai.

Giả sử rằng, thuyết tiền định là đúng, thì như mình đã chỉ ra từ phần trước của bài viết: bất kể bạn làm ra hành động gì thì hành động ấy cũng là kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của những sự kiện đã xảy ra thậm chí còn trước cả lúc bạn được sinh ra. Một ví dụ khác, giả sử đêm qua thay vì đọc bài của mình, bạn lại quyết định đi dẩy đầm cùng với đám bạn của bạn – hành động này đã được định đoạt từ rất rất rất lâu trong quá khứ, rằng bạn sẽ muốn đi dẩy đầm thay vì đọc bài này của mình (với điều kiện là quy luật của tự nhiên đang được áp dụng, và một điều kiện khác là cả cái vũ trụ này được hình thành bằng một cách nào đó để đảm bảo rằng bạn sẽ muốn đi dẩy đầm thay vì ở nhà đọc triết). Về mặt lý thuyết, sẽ có một ai đó sống từ hàng triệu năm trước có thể đoán chính xác với 100% tự tin rằng bạn sẽ đi dẩy đầm vào lúc 11h ngày 10/9/2021.

Rõ ràng, bạn không thể kiểm soát những sự kiện đã xảy đến từ trước khi bạn ra đời. Bạn đâu có quyền được chọn ba mẹ, hay chọn ba mẹ của ba mẹ bạn, chắc chắn hơn nữa là bạn cũng không có quyền được chọn hay tác động đến trạng thái của vũ trụ 5 giây sau vụ nổ Big Bang. Tuy nhiên, theo như Thuyết tiền định, trạng thái của vũ trụ 5 giây sau sự kiện vụ nổ Big Bang đã khiến cho bạn muốn đi dẩy đầm vào 12 triệu năm sau rồi. Vì vậy, nếu chúng ta đồng ý rằng thuyết tiền định là đúng, thì việc bạn đi dẩy đầm, hay bất cứ hành động nào mà bạn làm đều sẽ là một kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của những sự kiện mà bạn không hề có tí kiểm soát nào.

Đến đây thì Strawson có thể kết luận được gì? Bác ý đã thành công trong việc chứng minh luận điểm 1 của mình là đúng chưa? Thực ra là chưa. Tính đến thời điểm hiện tại, bác ấy mới chỉ chứng minh rằng luận điểm 1 đúng trong trường hợp thuyết tiền định đúng. Nhưng thuyết tiền định cũng có thể sai mà? Và nếu thuyết tiền định sai, chúng ta thực tế đang sống trong một thế giới phi tiền định hơn là một thế giới tiền định; và nếu vậy, có thể một số hành động của chúng ta không phải là kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Đây thực ra là quan điểm của bác Jean-Paul Sartre về ý chí tự do và trách nhiệm đạo đức. Theo Sartre, chúng ta phải chịu trách nhiệm đạo đức về hành động của chúng ta vì hành động của chúng ta là kết quả của quá trình đưa ra quyết định dựa trên mong muốn của bản thân mà không phải vì cái gì khác cả. Ví dụ về vấn đề của Hoàng, theo quan điểm của Sartre, nếu Hoàng vượt qua được cám dỗ của nhu cầu bản thân, Hoàng nói thật với Ngân về mục đích thật lòng của mình thì việc đưa ra quyết định nói thật với Ngân là một điều mà không bị ảnh hưởng bởi bất kì một yếu tố nào xảy ra trước đó. Khi Hoàng đưa ra quyết định nói thật với Ngân, cứ thử tưởng tượng rằng một vụ nổ Big Bang nhỏ đang xảy ra trong đầu của Hoàng và không hề có mối liên hệ nhân quả (causally unconnected) nào với các sự kiện trước đó cả. Đây là sự tự do trong hành động và suy nghĩ của Hoàng khiến Hoàng có trách nhiệm đạo đức về hành động của bạn ý. Đây là quan điểm của Sartre.

Strawson nghĩ rằng Sartre sai hoàn toàn. Bác Strawson tin rằng kể cả hành động của chúng ta không phải là kết quả tất yếu và không thể tránh khỏi của các sự kiện xảy ra trong quá khứ thì chúng ta vẫn không phải chịu bất kì một trách nhiệm đạo đức nào khi thực hiện hành vi của chúng ta cả. Tại sao lại thế? Strawson hỏi lại Sartre là Sartre có ý gì khi nói rằng một sự kiện xảy ra mà không hề có một mối liên hệ nhân quả nào với sự kiện trước đó (causally undeterministic events)? Phải chăng anh zai Sartre đang muốn ám chỉ rằng sự kiện này ngẫu nhiên xảy ra không vì bất kì lý do nào cả? Nếu một sự kiện có nguyên nhân của nó thì rõ ràng ta có thể chỉ ra nguyên nhân của sự kiện đó là thứ khiến nó xảy ra. Nếu một sự kiện dù không tiền định, không nguyên nhân mà vẫn xảy ra thì rõ ràng, về mặt định nghĩa, không ai có thể kiểm soát được việc nó xảy ra hay không. Vì nếu thực sự mà một sự kiện xảy ra là do tôi tạo ra nó, thì rõ ràng sự kiện đó không phải một sự kiện không có mối liên hệ nhân quả với các sự kiện khác vì tôi chính là nguyên nhân dẫn đến việc sự kiện đó xảy ra.

Strawson chỉ ra rằng Hoàng cũng không hề có quyền kiểm soát với sự kiện xảy ra trong đầu của anh ý mà không hề có mối quan hệ nhân quả nào (causally undeterministic) với bất kì một sự kiện nào xảy ra trước đó – hệt như việc Hoàng cũng không hề có quyền kiểm soát với sự kiện mà đã xảy ra từ trước khi Hoàng được sinh ra. Vậy kể cả khi Sartre đã đúng về việc hành động của Hoàng được tao ra bởi một sự kiện ngẫu nhiên không có mối liên hệ nhân quả với các sự kiện trước đó trong đầu Hoàng, thì nó cũng không thay đổi được một sự thật rằng Hoàng cũng chẳng có quyền kiểm soát ở bất kì trường hợp nào cả.

Vì thế, khi lắp ráp hết lại tất cả mọi thứ, Strawson lập luận rằng: Trong trường hợp thuyết tiền định là đúng, thì tất cả các hành động của chúng ta đều là kết quả tất yếu của những sự kiện chúng ta không có quyền kiểm soát. Tương tự, nếu thuyết phi tiền định là đúng, thì tất cả các hành động của chúng ta cũng đều là kết quả tất yếu của những sự kiện chúng ta không có quyền kiểm soát. Trên đời này chỉ tồn tại hai trường hợp, một là thuyết tiền định đúng, hai là thuyết tiền định sai, không hề có trường hợp thứ ba. Vì thế trong cả hai trường hợp, tất cả hành động của chúng ta đều là kết quả của những sự kiện/yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bản thân.
Vì vậy luận điểm 1 – theo Strawson – là không thể phủ quyết.

3.2 Luận điểm 2: Bạn không phải chịu trách nhiệm đạo đức (bạn không xứng đáng bị chê hay được khen) về những hành động nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn.

Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể tạm chấp nhận được rằng luận điểm 1 của bác Strawson là đúng. Tuy nhiên, để chứng minh cho kết luận của Strawson thì chúng ta còn phải chứng minh rằng luận điểm 2 của Strawson cũng đúng. Luận điểm 2 của bác nói rằng chúng ta sẽ không phải chịu trách nhiệm đạo đức (tức là chúng ta không xứng đáng bị chê hay được khen) về những hành động nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta.

Giả sử rằng Ánh chủ động đánh con chó của bạn bị thương. Trong trường hợp này, chúng ta có một phản xạ tự nhiên rằng hành động của Ánh đáng bị lên án hay Ánh phải bị trừng phạt, phải nhận những lời chê trách cho hành động ngược đãi động vật của cô ấy. Tuy nhiên, nếu bạn biết rằng, hành động ngược đãi động vật của Ánh lại là kết quả của những ngày tháng bị bố bạo hành từ nhỏ thì bạn lại thấy rằng có vẻ như Ánh cũng không xứng đáng phải nhận sự trừng phạt hay bị lên án đến mức như vậy. Rõ ràng Ánh không được chọn bố và cũng rõ ràng Ánh không hề được chọn việc có bị bố đánh đập hay không. Việc bị bạo hành từ lúc nhỏ dẫn đến những hành vi bạo lực của Ánh trong thời điểm hiện tại. Quan điểm của Strawson cũng vậy, nếu chúng ta biết rằng hành động của một người nào đó là kết quả của những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ, chúng ta sẽ không còn nghĩ quá xấu hay quá tốt về người đó nữa. Cũng giống như việc dù bão lũ và động đất gây thiệt hại rất nhiều về người và của, nhưng chúng ta cũng không nghĩ rằng động đất hay bão lũ xứng đáng bị trừng phạt hay lên án.

Nếu bạn bị một con rắn cắn chẳng hạn, rõ ràng bạn không bắt con rắn phải đứng lên trước tòa án lương tâm để nói rằng nó xứng đáng bị chê trách như thế nào khi cắn bạn đúng không? Như Strawson nhìn nhận, điều này là bởi chúng ta đều đồng ý rằng việc con rắn cắn bạn là kết quả của bản năng đã có từ lâu của nó và con rắn hoàn toàn không hề kiểm soát được bản năng của nó. Về mặt này, Strawson thuyết phục chúng ta rằng hành động cắn người của con rắn không khác gì hành động bão lũ càn quét ruộng vườn, và hành động của chúng ta cũng không khác gì hành động của con rắn hay hành động của bão lũ cả. Nếu như vậy, chúng ta không quy cho con rắn có trách nhiệm đạo đức thì rõ ràng chúng ta cũng không thể quy cho việc con người có trách nhiệm đạo đức hay không được.

Bằng việc phủ quyết lại sự tồn tại của trách nhiệm đạo đức, Strawson đã hoàn toàn ủng hộ rằng chúng ta sẽ không bao giờ xứng đáng bị chê/trừng trị/trách móc/khinh bỉ hay xứng đáng được khen/ca tụng/hâm mộ/tán dương vì những hành động của chúng ta cả. Nhưng như đã giải thích ở đầu bài, mặc dù Strawson không tin sự tồn tại của trách nhiệm đạo đức nhưng Strawson vẫn tin rằng việc có lý do chính đáng để trừng trị hay khen thưởng một người vì hành động của anh ta vì đó là một điều nên làm. Việc trừng trị những kẻ hiếp dâm trẻ em, hay trừng trị những người mắc phải tội giết người là một điều đúng đắn và hợp lý nên làm, vì việc trừng trị này sẽ có tính răn đe để những người khác không mắc phải sai lầm như vậy. Nhưng Strawson vẫn tin rằng những người giết người hay những kẻ phạm tội hiếp dâm trẻ em không xứng đáng bị chịu những sự trừng phạt như vậy – cũng giống như bão lũ và động đất cũng không xứng đáng bị chịu sự trừng phạt vậy. Vì bác tin rằng không có thứ gì được gọi là trách nhiệm đạo đức cả.

Nếu luận điểm của Strawson là đúng thì thực sự quan niệm của chúng ta về ý chí tự do đang bị lung lay khá nhiều. Ý chí tự do là một việc cần thiết để trách nhiệm đạo đức tồn tại. Hãy cùng mình tìm hiểu những luận điểm để bảo vệ cho sự tồn tại của ý chí tự do ở phần thứ hai của bài viết nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất